CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Lại trở về Trung Quốc (16): Từ Daocheng đến Shangrila/ Zhongdian


Sáng hôm sau, tôi để đồng hồ báo thức lúc 5h dậy nấu mì gói ăn uống xong xuôi thì khoảng 5h30. Tôi ra sân tìm cách ra ngoài thì cổng khóa rồi. Tôi lại không biết tiếp tân ngủ ở đâu để mà gọi. Vả lại nơi này có nuôi đến 2-3 con chó nên đi lại lung tung thì bọn chúng sủa inh ỏi và biết đâu "táp" tôi một phát thì sao. Vì thế tôi đành quay lại giường ngủ và chờ xem hai người Tây Tạng kia có đến vào lúc 7h như họ hứa không? (Thực sự thì tôi không tin dân Tây Tạng lắm.)

Có tiếng động ngoài cửa. Hình như ai đó dậy sớm và đi ra ngoài. Tôi ngủ luôn đến 7h30 sáng nên chả biết hai người kia có đến không? (Tuy nhiên không hề có tiếng chó sủa – vậy rất có khả năng họ "hứa lèo.") Tôi đi ra bến xe để mua vé đi Zhongdian cho ngày hôm sau thì được biết 2h trưa mới bán vé. Tôi lại đến nhà hàng hôm trước để ăn sáng (8 cái bánh bao thịt heo nhỏ và một chén cháo-tổng cộng là 8 tệ.) Bà chủ nhà hàng hỏi tôi sao chưa đi. Tôi nói hai người Tây Tạng kia không đến. Bà ta bảo chắc họ không kiếm thêm được khách nào khác, mà chở một người với giá đó thì lỗ vốn nên họ trốn luôn không thèm đến. Bà ta còn bảo hôm trước có hai người Đài Loan đến ăn và cho biết họ cũng dự định đi Zhongdian vào sáng hôm sau và theo họ bởi vì ít người đi Zhongdian hơn là Litang và Kangding nên không cần phải mua vé trước. Cứ đến trước nửa tiếng giờ xe chạy là được rồi. Bà ta khuyên tôi nên ở lại Daocheng thêm một đêm để hôm sau đi xe buýt cho rẻ và an toàn. Lúc ấy có hai bạn du khách Trung Quốc vào và họ bảo mới đi Yading về. Yading khá lạnh và họ bị sốt sau khi từ đó về. Họ cũng bảo hôm sau sẽ đi Zhongdian.

Khi tôi nói ở lại Daocheng chả biết làm gì thì bà chủ nhà hàng bảo tôi đi tắm ở suối nước nóng cách đó 3 cây số. Hai bạn Trung Quốc còn tặng tôi bản đồ của Daocheng bằng tiếng Hoa (đọc được chết liền ấy.) Chia tay họ xong thì tôi về nhà trọ lấy xe đạp để đi suối nước nóng mà nghe nói phong cảnh dọc đường cũng tuyệt đẹp. Không biết hôm đó là ngày gì mà tôi không thấy tiếp tân đâu hết-phòng tiếp tân hãy còn khóa cửa ấy nên tôi dù muốn vào đóng tiền để ở thêm một ngày nữa cũng không thể.

Tôi đạp xe ngang một ngôi trường tiểu học thì thấy họ làm gì đó giống như lễ chào cờ vào sáng thứ hai vậy (hôm đó cũng là thứ hai mà). Tuy nhiên tại đây lại có công an gác và ông ta đuổi tôi đi, không cho đứng xem dù lúc ấy tôi thấy vài người Tây Tạng đứng bên ngoài nhìn vào mà có bị đuổi đâu.

Tôi lại đi tìm suối nước nóng. Phải đạp xe lên xuống, hỏi đường vài lần thì mới tìm ra. Dân Trung Quốc rất tiết kiệm bảng chỉ đường, chắc để ai muốn đi đâu thì hỏi đường người địa phương cho vui và cho có interaction với bản địa (hình như Việt Nam cũng thế.)

Cuối cùng tôi cũng lần ra con đường ấy và cảnh đẹp thật. 


Dù chỉ 3 km nhưng cũng lên dốc xuống đèo. Tôi chạy một hồi thì đến làng Rapuchaka thì hết đường và thấy các bảng hiệu tiếng Hoa. Đọc chả hiểu mà không thấy đường đi và không dám đi bậy (chó cắn thì sao) nên tôi chạy trở ra kiếm người hỏi thăm. Có một tên Tây Tạng chỉ tôi đi hướng ngược lại. Leo lên đồi đã đời thì tôi lại hỏi thăm thì họ chỉ tôi quay về ngôi làng này.Tên Tây Tạng mất nết chỉ đường bậy bạ.

Tôi lại quay về làng và đi đại vào một con hẻm nhỏ. Thì ra suối nước nóng là thế. Mỗi nhà trong làng đều có xây những căn phòng nhỏ, trong mỗi phòng là một bể tắm nhỏ và họ lấy mỗi người giá 20 tệ. 

Họ múc nước nóng từ dưới suối lên và cho vào hồ. Cần gì mất 20 tệ. Tôi ra suối tắm nước nóng luôn cũng được vậy. Tuy nhiên tôi không nghĩ là họ để tôi ra tắm suối. Ở đây nước nóng chảy nghi ngút qua các con rạch quanh làng và người dân tắm mỗi ngày với nước này. Tôi còn thấy họ giặt đồ tại suối và nước thải từ các bể tắm đã sử dụng chạy thẳng xuống mương đi ngang làng.


Người dân dụ dỗ tôi vào bể nhà họ tắm. Nhưng tôi thấy các bể tắm không sạch lắm (dân Tây Tạng mà, như thế là sạch với họ rồi) và tôi lại chả hứng thú gì với nước nóng. Tôi toàn tắm nước lạnh cho dù là trời lạnh. Nếu nước lạnh quá thì tôi vặn cho hơi ấm một tí. Tôi không hạp với nước nóng lắm nên tôi chả hiểu làm sao người ta có thể tắm nước nóng như nước sôi vậy nhỉ. Khi sử dụng nhà tắm chung ở các hostel, tôi luôn ngạc nhiên khi thấy người tắm trước tôi vặn nước nóng đến thế để tắm mà vẫn không bị bỏng nhỉ. Chắc người tắm sau tôi cũng rất cũng ngạc nhiên khi thấy tôi có thể tắm nước lạnh thế.
Những căn nhà có bảng hiệu thế này là có thể vào tắm nước nóng đấy!

Khi ra khỏi làng nước nóng Rapuchaka thì khoảng 11h10 sáng, tôi nảy ra ý định đạp xe đi về làng Sang dui cách đó khoảng 28 cây. Làng này nổi tiếng với hongcaodi (Red Grassland) và lại nằm trên đường xe buýt đi Zhongdian (nên tôi có thể đón xe từ đây.) Ngoài ra khi ngồi xe đi từ Litang đến Daocheng thì có đi ngang qua đoạn đường này và tôi thấy phong cảnh trên đường khá đẹp. Vì thế thay vì ngủ thêm một đêm ở Daocheng, tôi về dorm cột hành lý vào xe và đạp đi Sang Dui luôn. Lúc ấy gần 12h trưa mà phòng tiếp tân vẫn khóa cửa. Có khi nào họ đi dự lễ hội gì ở cái trường tiểu học mà tôi bị đuổi không được xem không nhỉ?

Chia tay chú chó mà mỗi sáng hay đến gõ cửa phòng tôi bằng cách lấy đầu hít vào cửa rầm rầm cho đến khi tôi ra mở cửa và hỏi: Ni yao shenme?" thì mới chịu đi, tôi đạp xe quay lại làng Sang Dui. Làng này nằm ngay ngã ba Litang, Xiangcheng (nằm trên đường đến Zhongdian) và Daocheng. Nhiều người đi xe từ Kangding hay Litang mà muốn đi Xiangcheng hoặc Zhongdian thì xuống đón xe tại đây.

Phong cảnh dọc đường Daocheng đến Sang Dui quả là rất đẹp. Ở đây họ trồng lúa mì hay lúa mạch gì đó và bây giờ là chuẩn bị sang thu nên cánh đồng có rất nhiều màu. Màu vàng của lúa, màu đỏ và màu xanh của cỏ chen lẫn với màu của hoa dại. Phong cảnh ngoạn mục đến nỗi tôi cứ dừng xe liên tục để chụp ảnh. Tôi thấy cỏ màu đỏ nên lấy máy ảnh ra chụp lại và nghĩ bụng nơi này cỏ chỉ đỏ 15 ngày/năm chả lẽ mình may mắn được thấy cỏ đỏ sao ta? Tôi cứ lấy máy chụp hình liên tục. Đoạn đường này có nhiều khi rất vắng, chỉ mình tôi đạp xe giữa một bên là núi đồi và một bên là suối chảy róc rách cùng bức tranh màu sắc sặc sỡ của thiên nhiên. 



Nhà đá kiên cố như phào đài.


Dù đoạn này không có núi cao nhưng cũng lên dốc xuống đèo liên tục nên tôi mệt đứt hơi. Tôi lại vừa chạy vừa đẩy bộ. Cuối cùng tôi thấy tấm bảng ghi chữ Hongcaodi (Red Grassland Platform 200m) trước mặt. 

Lúc ấy mấy đứa con nít Tây Tạng chạy theo bám lấy đuôi xe tôi để xin bánh hoặc xin tiền. 

Bọn chúng chạy túa ra từ các ngôi nhà gần đấy, khoảng 6 đứa và yêu cầu tôi cho mỗi đứa một tệ. Tôi rất ghét việc này nhưng tôi biết họ được mấy tên trọc phú người Trung Quốc giáo dục kiểu xin xỏ này. Có tiền đã khó mà sử dụng đồng tiền cho đúng lại càng khó hơn nữa các bạn nhé. Điều kỳ lạ là những tên có tiền lại thường là trọc phú nên họ chỉ biết quăng tiền ra để chứng tỏ mình mà không biết rằng nó có thể làm hư nhân cách của người khác, đặc biệt là những đứa trẻ. Cũng có thể vì thường xuyên quăng tiền như thế nên họ mới càng giàu ấy chứ. Mà khi có tiền lại không có học thức/văn hóa thì là trọc phú rồi còn gì. Lạ hơn nữa là ở Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam lại có rất nhiều trọc phú như thế mới ngộ chứ.

Vì sao tôi lại có nỗi ám ảnh trọc phú đến thế? Nguyên do là từ lúc còn bé tí, tôi đã "được" hay "bị" ba mẹ tôi ấn vào đầu tư tưởng là phải đi học đến nơi đến chốn để nếu có giàu cũng không trở thành trọc phú. Ba mẹ tôi hay nói rằng khi ngồi trên một chiếc xe sang trọng đắt tiền và trình độ văn hóa của mình cũng phải cao tương đương với chiếc xe ấy thì hãy ngồi. Nếu không thì là trọc phú. Mà đã là trọc phú thì dù có khoác trên người một bộ cánh đắt tiền hay đi một chiếc xe sang trọng thì những thứ ấy vẫn không che được cái đuôi dốt nát của mình. Bằng cách này hay cách khác thì vẫn lòi cái dốt ra cho thiên hạ nhìn và cười. Vì thế, nếu đã không có trình độ văn hóa tương đương thì không sử dụng những thứ đắt tiền. Khi trình độ văn hóa đã cao thì mặt mũi sẽ sáng sủa, hành vi có văn hóa thì sử dụng những thứ vật chất đắt tiền sẽ không bị "chỏi." Nếu không có những thứ đắt tiền thì dù có mặc áo rách vẫn không thấy xấu hổ như một tiến sĩ toán học Harvard người Trung Quốc xuất thân từ nghèo khó đã nói: "Dù tôi có mặc áo vá đi gặp tổng thống Bill Clinton vẫn không thấy ngại."

Vì thế tôi thấy hành vi xin tiền du khách của mấy đứa trẻ Tây Tạng này là do bọn trọc phú Trung Quốc dạy dỗ nên tôi nói với bọn chúng: "wei shen me wo yao gui ni men qian." (Tại sao phải cho tiền?) Dĩ nhiên là bọn chúng không có câu trả lời bởi vì khi được bọn trọc phú cho tiền, chúng cũng không biết vì sao được cho tiền mà. Lúc ấy một bé gái mới nói: bu yao gui qian (không cần tiền.) Một thằng nhóc khác huýt có một cái. Tôi nói tôi không cho tiền nhưng do bọn chúng chỉ tôi thấy hongcaodi (thật ra là một thảm cỏ bên đường mà người dân địa phương muốn moi tiền bọn trọc phú nên xây tường đá lên xung quanh và lối vào thì có rào kẽm –tôi không cần vào, đứng ngoài rào kẽm chụp hình cũng được; vả lại trên đường đi tôi cũng chụp được nhiều ảnh về cỏ đỏ rồi-dù cỏ đỏ dọc đường không nhiều như ở đây nhưng lại nằm lẫn với những màu sắc khác nên trông cũng khá đẹp mắt) và đứng cho tôi chụp hình nên tôi cho tụi nó bánh. Tôi vừa mở ba lô ra thì bọn chúng nhào tới như ăn cướp và có đứa còn thọc cả tay vào ba lô tôi nữa. Một thanh kẹo rơi ra, một thằng nhóc chụp lấy nhét ngay vào túi quần. Tôi ghét hành vi này quá nên đóng ba lô và đòi thanh kẹo lại và nói: không cho nữa. Mới bây nhớn mà đã hành động như ăn cướp thế. Do cái bọn trọc phú Trung Quốc dạy dỗ cả. Hành vi như thế mà tôi còn đứng đó cho kẹo thì tôi cũng chả khác gì bọn trọc phú kia nên tôi cất mọi thứ vào và bỏ đi. Bọn trẻ này phải học cách cư xử đàng hoàng hơn nếu muốn ăn chứ.

Đặc biệt là trong các ngôi làng Tây Tạng khi tôi đi qua. Nếu tôi đứng lại chụp ảnh hoặc chạy xe tà tà thì từ đâu đó sẽ có một đứa trẻ phóng ra đuổi theo tôi xin tiền hoặc xin kẹo. Dân du mục Mông Cổ chưa bao giờ xin xỏ kiểu như thế các bạn nhé. Tôi lúc đầu bất ngờ vô cùng trước kiểu ăn xin này nhưng sau đó hiểu ra là do bọn du khách có tiền mà vô văn hóa dạy cho cả. Hy vọng các bạn khi đi du lịch hãy nghĩ đến việc này nhé. Đừng dùng đồng tiền mà biến người dân địa phương đặc biệt là bọn trẻ con thành ăn xin nhé. Một trong những việc mà khiến tôi vô cùng hâm mộ quyển sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet là nó luôn dạy cho người ta trở thành những du khách có trách nhiệm trước môi trường hay văn hóa bản địa. Và lý do tôi hay chửi rủa những du khách khác là tôi quá nhiễm tính trách nhiệm của người đi du lịch mà tôi học được từ quyển Lonely Planet rồi. Quyển sách này không giờ khuyến khích bạn cho cho tiền người ăn xin ở các quốc gia Châu Á bởi vì điều đó chỉ khiến cho họ không có động lực làm việc và ngày càng nhiều người kéo ra đường ăn xin khi họ thấy có thể xin được tiền của du khách.

Khi tôi ở Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn độ có một ni cô người Việt Nam bảo tôi rằng một vị sư Ấn độ đã mắng du khách Việt Nam đã làm hỏng người dân Ấn độ bằng cách cho tiền người ăn xin một cách vô tội vạ. Ai cũng có lý do của họ cả. Đối với Phật tử Việt Nam thì việc họ được qua đất Phật là cơ hội ngàn năm có một nên họ tranh thủ làm việc tốt bằng cách cho tiền vô tội vạ. Nhưng đối với vị tu sĩ Ấn độ thì việc đó góp phần đẩy nhiều người Ấn độ ra đường ăn xin. Ai cũng có lý riêng của mình. Như hành động như những du khách Việt Nam thì sẽ được Lonely Planet ghép cho từ "du khách vô trách nhiệm" ấy bởi vì khi họ về nước rồi thì hệ quả họ để lại cho cộng đồng mà họ viếng thăm sẽ vô cùng lớn.

Vì thế như tôi đã nói, việc làm sao cho có tiền đã khó mà việc sử dụng đồng tiền cho đúng lại càng khó hơn nữa. Đồng tiền khi dùng đúng chỗ sẽ giúp người ta phát triển, khi không dùng đúng sẽ để lại hệ quả trên nhân cách và có khi cả cuộc đời của người nhận. Hy vọng mọi người học cách cho tiền đúng cách trước khi đem nó đi cho nhé.
Bảng báo hiệu đường hư.
 Lại cảnh đẹp:









Tôi đến làng Sang Dui vào khoảng 4h chiều. Hỏi han người dân Tây Tạng ở đây (đây là làng Tây Tạng mừ) thì tôi biết sáng hôm sau lúc 6h30 xe buýt đi Zhongdian sẽ đi ngang qua đây. Nếu muốn đi Xiangcheng (ngủ một đêm tại Xiangcheng rồi từ đó đón xe đi Zhongdian) thì chờ xe buýt từ Kangding đến vào chiều tối.

Ngay tại ngã ba làng này là một tiệm tạp hóa cũng là nhà hàng và nhà trọ của một cặp vợ chồng khá trẻ tuổi (mới 30 tuổi). Khi tôi nói muốn ăn thì anh chàng chủ dẫn tôi ra sau bếp hỏi tôi muốn ăn gì thì chỉ, anh ta sẽ nấu. Tôi chỉ đại vào nấm và quả gì đó giống như quả mướp và nói không ăn cay. Anh ta xào xào một hồi thì dọn lên cho tôi cùng một chén cơm. Tôi ăn khá ngon và hợp khẩu vị (thực ra dân Tây Tạng không ăn cay và cách nấu của họ hợp khẩu vị của tôi hơn là dân Trung quốc ở Tứ Xuyên.) Cuối cùng tôi chỉ trả 11 tệ thôi.

Lúc đó khoảng 5h chiều. Một số người Tây Tạng quây lấy tôi hỏi han. Thường sau khi hỏi han xong và biết tôi đi một mình, họ nói gì đó mà tôi nghe giống như "gan lì" vậy đó. Chắc họ có nói thêm "hâm" hay "dở hơi" nhưng may là tôi không hiểu mấy từ này (hehehe).

Anh chủ nhà nói tôi ghi tên tiếng Việt ra và anh ta phiên âm lại bằng tiếng Tây Tạng mới ghê chứ. Tuy nhiên chả hiểu mấy từ anh ta phiên âm bằng tiếng Tây Tạng có nghĩa gì nữa. Khi nghe anh ta nói rằng từ Sang Dui đến Xiangcheng ngoài một ngọn núi cao (đứng từ làng đã nhìn thấy núi rồi) còn lại đường toàn là xuống dốc. Lên núi khoảng 17 cây rồi sau đó toàn là xuống. Nghe nói thế nên tôi quyết định đạp xe đi thử. 

Cảnh ở làng Sangdui quyến rũ không kém:

Dân Tây Tạng ra vào bằng cách..........leo.

Đường làng


Cảnh làng chụp từ núi.
Quả là chưa lên núi nhưng đường lên dốc đã khiến tôi đứt hơi rồi. Tôi ngồi xuống dọc đường chờ xe để quá giang qua núi. Nhưng toàn xe xuống, ít có xe lên và có một vị sư chạy xe mô tô ngang qua dừng lại nói bên kia núi không có nhà cửa gì đâu và khuyên tôi xuống núi ngủ ở làng một đêm. Tôi ngồi hoài, có ba chiếc xe 7 chỗ chạy qua khá nhanh (tôi đoán đó là xe du khách) nên tôi không ngoắc kịp. Một đàn bò yak đang thủng thỉnh xuống núi và đi về phía tôi. Chả biết tôi và loại bò này có thâm thù gì không mà mỗi khi đi ngang qua chúng thì chúng luôn nhìn tôi rất kém thân thiện. Khi tôi đi qua khỏi, chúng còn ngoái đầu nhìn theo mới ghê chứ. Đặc biệt có con bò chả biết phải đầu đàn không mà được người ta đeo cho một cái giống như cái nón gỗ trên đầu vậy đó nên nó trông càng ghê, y như tù trưởng của mấy bộ lạc vậy đó.
Bọn bò đang tiến tới.

Khi đàn bò xuống gần đến chỗ tôi thì tôi lên xe quay lại bỏ chạy xuống núi luôn. Tôi chạy về phía tiệm tạp hóa của cặp vợ chồng trẻ tuổi. Khi tôi dừng lại trước một chiếc xe nhỏ và hỏi tài xế xe đi đâu thì anh ta nói đang chờ đón khách đến trên xe buýt từ Kangding và anh ta sẽ đi Xiangcheng. Tôi hỏi giá. Anh ta nói 50 tệ. Sau đó xuống giá 40 tệ. Tôi trả giá 30 tệ. Anh ta nói không và giơ tay lên bye bye nữa chứ. Khi tôi đứng nói chuyện với anh ta thì một chiếc xe du khách mà tôi trông thấy họ dừng rửa xe bên suối khi nãy chạy đến, dừng lại, hỏi anh tài xế xe đi Xiangcheng đường đi Litang. Rồi họ bắt chuyện với tôi, lại những câu hỏi như từ đâu đến, đi một mình à, muốn đi đâu (chắc nếu tôi đi cùng hướng, họ cho tôi quá giang miễn phí luôn) và cuối cùng là xin phép chụp hình tôi. Mệt ghê!!! Nếu các bạn muốn có cảm giác của minh tinh màn bạc, suốt ngày luôn có người muốn chụp hình bạn thì bạn nên đạp xe đi Trung Quốc như tôi nhé. Cảm giác ấy chả thú vị tí nào cả. Vậy mà các vị minh tinh cứ luôn phải tươi cười ấy nhỉ?

Nhà trọ của tiệm tạp hóa ấy có rất nhiều phòng bên trong. Phòng 80 tệ trông khá đẹp và mới. Phòng 20 tệ trong khá cũ nhưng hết phòng do các tài xế xe tải ở cả. Còn lại phòng 30 tệ trên lầu trông không đẹp lắm nhưng họ có mền điện. Tôi trả giá và được giá 25 tệ. Lúc ấy mới 7h tối nhưng tôi tranh thủ ngủ luôn. Ngủ ở làng quê thật dễ chịu và khác hẳn ngủ ở các thành phố lớn. Chó sủa inh ỏi suốt nhưng tôi vẫn cứ ngủ. Bầu trời bên ngoài thật đẹp với các ngôi sao chi chít (bị mấy tên ở phòng bên cạnh làm ồn đánh thức nên ngồi ngắm sao ấy.)

Sáng tôi lại dậy sớm ăn mì gói và xuống đánh thức chủ nhà dậy mở cửa để tôi ra ngoài đón xe. Gần 6h 30 mà trời còn tối và ngoài đường trời lạnh ngắt. Tôi đứng một hồi thì mấy con chó từ đâu đến đứng giữa ngã ba sủa inh ỏi. Đáng ghét! Tôi phải tháo cây cắm dù ra thủ ở tay. Nhỡ sủa đã bọn chúng quay lại cắn tôi thì sao? Bọn chó ở các ngôi làng Tây Tạng đáng ghét lắm nhé! Bọn chúng tiếp cận bạn trong lặng lẽ ấy. Khi bạn đang đạp xe hay đang đi bộ thì không biết từ đâu và từ bao giờ, một con chó lủi thủi theo đuôi bạn một cách lặng lẽ và khi đến đúng thời điểm thì gừ lên một tiếng làm hồn vía bạn lên mây bởi vì chúng có thể lặng lẽ táp cho bạn một miếng vào chân ấy. Khi đạp xe, vài con tiếp cận tôi theo cách ấy rồi và sau khi gừ thì chúng rượt theo xe làm tôi đạp muốn đứt hơi (ai mà bệnh tim thì bị bọn chúng làm cho sợ đến vỡ tim mà chết mất.)

Vài xe buýt chạy qua nhưng lại đi Litang. Cuối cùng một chiếc xe buýt màu đỏ chạy về hướng Xiangcheng nhưng khi tôi hỏi có đi Zhongdian không thì họ nói gì đó mà tôi không hiểu và họ chạy mất. Vài phút sau một chiếc xe chở khách loại 7 chỗ chạy đến. Trên xe ngoài tài xế còn hai người Tây Tạng. Người ngồi cạnh tài xế mặc trang phục của nhà sư. Họ dừng lại hỏi tôi muốn đi đâu. Tôi nói Zhongdian. Họ nói họ cũng đi Zhongdian và hỏi tôi muốn đi không. Tôi nói tôi có xe đạp nữa. Họ nói họ không có nhiều đồ đạc. Khi tôi hỏi giá. Anh tài xế nói 150 tệ. Tôi nói đắt quá nên không đi. Anh tài xế nói 130 tệ. Tôi nói giá 120 tệ thôi (tôi tra thông tin trên mạng thì vé xe buýt từ Daocheng đi Zhongdian là 111 tệ-giá của năm 2010 và tôi lại có xe đạp nữa). Anh tài xế cố nài giá 130 tệ thì vị sư và vị khách kia đã mở cửa bước xuống xe và khiêng đồ đạc của tôi để lên xe. Tôi nghe vị sư nói gì đó đại ý là 120 tệ là 120 tệ, không cần 130 tệ. Vậy là tôi lại ngồi trên xe đến Zhongdian.

Xe lên núi. Núi cao kinh hồn. Tôi nghĩ là không dưới 4.500m. Và trên núi có cả tuyết rơi và băng đá vẫn còn đọng trên cỏ ấy. May là tôi không phải đẩy xe trên ngọn núi cao này. 



Anh tài xế lái xe khá vững qua các khúc ngoặt gắt kinh luôn. Phong cảnh lúc ấy thật tuyệt. Sáng sớm, các tia nắng rọi vào núi nên khi chụp hình thì thấy các dãy núi như được dát vàng vậy đó các bạn!!!



Bọn họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây Tạng, bỏ mặc tôi ngồi lặng lẽ ngắm cảnh. Tôi thích như vậy hơn bởi vì cảnh đẹp quá nên tôi không muốn bị quấy rối. Dễ gì có cơ hội được ngắm cảnh ấy hay quay lại nơi ấy lần hai. 

Một lúc sau, họ quay sang hỏi tôi từ đâu đến. Tôi nói tôi không phải người Trung Quốc và chỉ có khả năng hiểu một ít tiếng phổ thông mà thôi. Họ lại bỏ mặc tôi và mải mê nói chuyện, trong đó tôi có nghe họ nói gì đó giống như có từ Yue Nan (Việt Nam) vậy. Tôi lại ngồi ngắm cảnh và chụp hình. Phong cảnh ở phía Tây Tứ Xuyên quả là đẹp mê hồn. Chưa có nơi nào ở Trung Quốc hay ở những quốc gia tôi đã đến lại có nhiều núi cao và cảnh đẹp như ở phía Tây Tứ Xuyên. Quả là sau khi nhìn thấy cảnh ở phía tây Tứ Xuyên rồi thì có chết cũng không hối tiếc bởi vì theo tôi thì thiên nhiên không thể đẹp hơn thế nữa.

Các bạn có biết ở Trung Quốc ngoài Tứ đại mỹ nhân mà ai cũng biết thì còn có tứ đại tỉnh mà phong cảnh của chúng thì không nơi đâu sánh được không? Đó là bốn tỉnh Guangxi (Quảng Tây –cảnh ở đây tương tự như cảnh các khu miền núi phía bắc của Việt Nam), Yunnan (Vân Nam-tương tự cảnh đẹp ở các quốc gia Đông Nam Á), Sichuan (Tứ Xuyên-nhiều núi cao vô kể) và XiZhang (Tây Tạng.) Nếu phải chọn giữa tứ đại mỹ nhân và tứ đại tỉnh cảnh thì tôi chọn cảnh vậy. Cảnh đẹp không gì tả nổi.

Tôi lại thấy mình may mắn khi đi trên chiếc xe này bởi vì tôi ngồi cạnh cửa sổ nên có thể quay cửa kính lên xuống mà chụp ảnh. Hơn nữa các vị ngồi chung kể cả tài xế không ai hút thuốc cả.

Xe đến Xiangcheng (cách Sang Dui 84 cây số) thì dừng lại ngay cạnh một vườn táo để chờ đón một vị sư khác. Trong khi chờ thì anh tài xế cố nhón nhón chân để hái táo trong vườn. Tôi hỏi vị sư bộ mọi người muốn mua táo à (lúc ấy tôi không biết họ chờ đón vị sư kia.) Vị sư nói gì đó mà đại ý là anh tài xế muốn hái vài quả. Lúc ấy chủ nhà ra và mọi người nói tiếng Tạng với nhau. Chủ nhà hái 6 quả lê (không phải táo) và đưa cho vị sư. Vậy là mỗi người được một quả mà nhai. Vị sư kia không mặc áo của sư nhưng tôi nhìn phong cách và biết rằng đó là sư.

Xe lại bon bon trên đường và thắng két trước một cây táo từ ngôi vườn bên dưới và có vài nhánh nhô ra ngoài. 

Anh tài xế xuống xe. Leo lên hàng rào và với tay hái táo nhét vào túi áo. Lúc ấy vị khách không phải nhà sư xuống vinh cành hái phụ. Vậy là bọn họ hái trộm được khoảng chục quả táo. Mọi người cười cười nói nói vô cùng tự nhiên và chia nhau táo để ăn. Vậy là tôi biết cách ăn trộm táo dọc đường rồi nhé (chẳng phải "nhập gia tùy tục" sao?) Lần sau mà đạp xe đi thấy cây táo, tôi phải bẻ trộm vài quả mới được (hehehe.)

Xe chạy một hồi thì ra khỏi đường nhựa đến đường đất. Lại cảnh đẹp mê hồn; tuy nhiên bụi mù mịt. 


Có nhiều ngọn núi mà các bạn thấy băng tuyết còn đóng trên đỉnh và dưới ánh nắng mặt trời thì trông như đỉnh dát vàng, vô cùng ngoạn mục. Cảm ơn trời đất là tôi được nhìn thấy những cảnh đẹp như thế! Cảnh đẹp ngoài trí tưởng tượng của tôi. Tôi cứ lấy máy ảnh mà nhá liên tục, có nhiều cảnh tôi chụp y chang nhưng vẫn thích nhá như thể tôi sợ mình không chộp được những thời khắc tuyệt vời ấy đấy. May là tôi không hiểu tiếng nói của họ nên được ngồi im mà ngây ngất trước phong cảnh thiên nhiên. Tôi cá các bạn sẽ không bao giờ hối tiếc khi phải đánh đổi thời gian để đến được phía tây Tứ Xuyên mà ngắm cảnh. 

Tôi ở trên trời thật rồi!





Xe chạy một hồi thì dừng lại ăn trưa. Lúc ấy có một chiếc tương tự chở khách và vài người trên xe kia hình như biết những vị khách trên chiếc xe tôi đang đi nên họ ngồi nói chuyện với nhau và có một người đàn ông cứ bám lấy tôi mà hỏi chuyện. Một lúc sau, mọi người, 8 người, kể cả tôi ngồi quây quần quanh một cái bàn gỗ cùng ăn cơm với  món thịt heo xào, khổ qua xào, củ sắn xào và canh cà chua với trứng. Tổng tiền là gần 120 tệ và anh tài xế của tôi móc tiền ra trả chung. Khi tôi nói muốn trả tiền thì một vị sư nói gì đó giống như tất cả mọi người chia tiền nhau hay tất cả mọi người mời tôi ăn cơm. Chả hiểu nhưng tôi không thấy ai móc tiền ra trả cho anh tài xế cả.

Mọi người bên xe kia rủ tôi qua xe họ ngồi chung nhưng tôi chả dại. Xe của tôi ít khách hơn, ngồi thoải mái hơn và tôi lại thấy an toàn hơn khi đi chung với các nhà sư. Lúc này thì một vị sư chê anh tài xế lái xe kém nên ngồi vào vô lăng lái. Anh tài xế được xuống ghế ngồi cạnh tôi mà ngủ. Xe đi hết đường đất lại vào đường nhựa và lúc ấy thì tôi nghĩ là mình trông thấy Shangrila Gorge bởi vì phải đi ngang qua đây mới đến Shangrila được và tôi dù rất mệt chỉ muốn ngủ nhưng vẫn cố nhướng mắt mà ngắm cảnh đẹp. Khi chạy xuống hết núi thì xe lại đi ngang qua các thảo nguyên xanh mượt cỏ và suối chảy róc rách len lỏi qua các thảm cỏ. 



Ngựa và bò yak thủng thỉnh gặm cỏ. Khung cảnh trông quá thanh bình và nên thơ nên tôi cố nhướng mắt lên mà ngắm. Cuối cùng thì xe dừng lại ngay cửa ngõ vào Zhongdian cho mọi người đi toa let.

Vị sư lái xe nói hai cánh tay muốn rụng do cua ngoặc liên tục. Lúc ấy có hai bạn trẻ người Trung Quốc vác ba lô cùng đủ đồ nghề đi bụi đi ngang qua. Sau ba lô một bạn có một mảnh giấy viết gì đó mà tôi chả đọc được. Họ nói họ muốn đi bộ đến Daocheng. Một người bảo họ đi xe bởi vì hai chiếc xe chở chúng tôi sẽ quay lại Daocheng vào hôm sau. Ba vị khách ngồi chung xe với tôi sau hai đêm nghỉ ngơi tại Zhongdian thì họ sẽ bay đi Lhasa. Họ hỏi tôi có muốn đi Lhasa không? Dĩ nhiên là tôi muốn nhưng chắc chả ai bán vé máy bay cho tôi đâu bởi vì tôi không có chứng minh thư Trung Quốc mà.

Khi xe vào đến Zhongdian, mọi người hỏi tôi muốn đi đâu, có muốn nghỉ ngơi ở Zhongdian không hay muốn đạp xe đi ngay. Dĩ nhiên là tôi muốn nghỉ ngơi ở Zhongdian bởi vì mục đích tôi đến đây là để xin gia hạn visa mà.

Mọi người muốn tôi nghỉ chung nhà trọ với họ nhưng tôi muốn đến trung tâm Zhongdian là khu phố cổ nơi có nhiều international youth hostels hơn nên tôi chia tay sau khi xin phép chụp hình chung với họ và đạp xe đi. 

Anh tài xế "cò kè" đòi chụp với tôi một tấm cho bằng được.

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Lại trở về Trung Quốc (15): Daocheng – The Last Pure Land in the Blue Planet


Buổi sáng khi tôi bước xuống lầu định đăng bài viết về Litang, sau đó thì đi ăn sáng rồi mới lên đường đi Daocheng thì một người đàn ông Tây Tạng từ đâu bên ngoài bước vào hỏi tôi đi Daocheng à? (không hiểu làm sao ông ta biết được nhỉ?) Tôi nói đúng rồi. Ông ta nói xe ông ta chuẩn bị đi Daocheng và tôi có muốn đi không. Dĩ nhiên rồi. Tôi hỏi giá và nói rằng mình có xe đạp thì ông ta trả lời rằng 60 tệ/người; xe đạp là 20 tệ. Tôi chê mắc và nói sẽ đạp xe đi. Ông ta nói vậy thì cho tôi để xe đạp miễn phí và bây giờ thì đi ngay. Tôi nói tôi còn hành lý trên lầu. Ông ta nói để ông ta lái xe lại.

Vậy là tôi lật đật chạy lên phòng và mang hành lý xuống. May là tôi đã sắp xếp hết tất cả mọi thứ rồi nếu không trong lúc vội vã thì thế nào cũng quên cái nọ cái kia. Anh chàng người Mỹ chỉ có cái ba lô nhỏ xíu và cây đàn ghi ta (anh ta dự định đi bụi đến 2 năm rưỡi với cái ba lô khoảng 5 kilo); vậy mà buổi sáng khi đón xe đi Chengdu lại để quên cái ống khóa vòng ba lô của Pac và quên luôn cả quần áo gửi giặt còn ở dưới lầu.

Khi tôi mang ba lô xuống thì thấy một chiếc xe nhỏ 7 chỗ đậu trước sân. Ông tài xế khiêng xe đạp của tôi lên để sau xe và phải đóng băng ghế sau lại thì mới để lọt chiếc xe đạp. Tôi ngại có khách ngồi nên nói ông ta để lên mui có ba ra thì ông ta bảo để ở đây tốt hơn. Lúc ấy trong xe đã có một bạn du khách Trung Quốc ngồi ở ghế cạnh tài xế. Vậy là ông ta tổng cộng có 2 khách đi Daocheng. Ông ta lái xe ra trước bến đứng một hồi để đón khách thì một người quen của ông ta xin đi ké đến ngôi làng nào đấy nằm trên đường đi. Đón một hồi chả có ai nên ông ta lên xe chạy. Xe ra khỏi thị trấn một đoạn thì có khách điện thoại nên ông ta quay xe lại chỉ để đón thêm một khách là một thanh niên Tây Tạng.

Cuối cùng xe cũng bon bon ra khỏi trung tâm. Đường tráng nhựa nên khá thoải mái và trên xe lại ít khách. Tôi lấy máy ảnh ra chụp cảnh dọc đường. 


Bạn người Trung Quốc thấy thế nên bắt chước. Mỗi khi muốn chụp thì phải mở cửa sổ để ảnh được đẹp và khi mở cửa sổ thì gió thổi vào lạnh ngắt, cao độ gần 4.000m mà. Tóm lại phong cảnh dọc đường khá đẹp –những ngôi làng Tây Tạng nằm giữa núi đồi trùng điệp. Theo tôi thì cảnh thảo nguyên ở Trung Quốc đẹp hơn ở Mông cổ nữa. Dọc đường đi thỉnh thoảng xe phải bóp kèn tin tin để mấy chú bò yak tránh đường (bọn chúng chả biết luật giao thông nên toàn ra giữa đường mà đứng không hà.)

Xe chạy ngoằn ngòe qua mấy con dốc và cuối cùng thì đến ngọn núi cao nhất trên đoạn đường này là núi Tuer với cao độ khoảng 4.700m. Có vài chiếc du lịch chở du khách Trung Quốc dừng lại ngay trên đỉnh cho du khách xuống chụp cảnh.
Đường ngoằn nghèo quanh núi.

Tôi lại một lần nữa thấy mình may mắn vì không phải đạp xe bởi vì đường đi từ Litang đến Daocheng quả thật là rất vắng vẻ. Ngoại trừ vài ngôi làng dọc đường còn lại chỉ toàn là núi đá và lại vắng xe cộ qua lại nên nếu phải đạp xe một mình mà gặp cướp thì chỉ có nước bó tay.

Khi xe xuống dốc ở núi Tuer thì ông tài xế dừng xe lại cho tôi và bạn Trung Quốc chụp cảnh một cái hồ mà ông ta giải thích bằng tiếng phổ thông nhưng tôi nghe chả hiểu. 


Sau đó chúng tôi lên xe đi thêm một đoạn thì thấy một chiếc xe tải bị lật trên đường. Lúc ấy có một người đàn ông Tây Tạng đang ngồi đốt nhang. Xe chỉ lọt dãy bánh bên phải ra khỏi đường chính còn dãy bánh bên trái vẫn nằm trên đường nên xe không bị úp xuống hoàn toàn mà chỉ bị nghiêng sang phải. Tôi nghĩ với kiểu này thì chắc (tôi hy vọng) không ai chết, chỉ bị thương nhẹ thôi. Nhưng cũng thật kinh dị khi thấy cảnh ấy các bạn nhỉ!

Xe lại chạy bon bon trên đường nhựa (đoạn đường từ Litang đến Daocheng được tráng nhựa và vẫn còn khá tốt nên ít có ổ gà), lại lên đồi rồi xuống đồi, lại đi ngang qua các ngôi làng Tây Tạng với những ngôi nhà đá với hoa văn sặc sỡ hoặc ngang qua những thiền viện với những stupa trắng sừng sững giữa thảo nguyên phủ đầy cỏ xanh; dân làng cầm xâu chuỗi và lầm lũi đi kora quanh những stupa này.

Xe bon bon một hồi thì đến một stupa trắng khổng lồ với những stupa nhỏ xung quanh và bên dưới núi là một thị trấn thì tôi biết rằng đã đến Daocheng. 

Tài xế bỏ tôi và bạn du khách xuống trước Meishan Hotel. Ông tài xế bảo nơi đây ở rẻ lắm. Nhưng bạn Trung Quốc sau khi vào hỏi thăm thì nói tôi đi tìm Yading International Youth Hostel mà chúng tôi được phát cho tờ rơi khi ngồi đợi ở trước bến xe Litang.

Yading Intenational Youth Hostel nằm ngay gần cửa ngõ vào Daocheng từ hướng Litang. Qua khỏi cầu Daocheng vài chục mét thì quẹo phải vào một con đường đất khá rộng. Ngay sau lưng một khách sạn lớn là biểu tượng Hostelling International. Tại đây có phòng dorm 8 giường giá 25 tệ và phòng dorm 3 giường giá 35 tệ (giảm 5 tệ cho thẻ thành viên.) Dĩ nhiên là tôi chọn phòng 25 tệ rồi nhưng tôi có thẻ nên chỉ trả 20 tệ. Ở đây có nước nóng để tắm 24h và có wifi.
Yading Intenational Youth Hostel

Daocheng là một thị trấn nhỏ xíu, chỉ đi bộ 15-20 phút thì đi hết thị trấn nhưng có đến 4-5 International Youth Hostel của tổ chức Hostelling International. Vì thế khi đến đây các bạn tha hồ mà chọn lựa nơi ở. Các nơi này giá dorm bed tương tự nhau đều từ 20-30 tệ/giường.
Một hostel khác của tổ chức yha tại Daocheng.

Các hostel có cho thuê xe đạp với giá 10-15 tệ/ngày. Nơi tôi ở cho thuê xe giá 15 tệ nhưng một nhóm sinh viên Trung Quốc ở chung dorm bảo họ trả giá nên được giá 10 tệ/ngày. Dĩ nhiên là tôi không cần thuê xe rồi. Tôi cứ lấy xe đạp của mình ra mà thong dong.

Bạn du khách Trung Quốc ngồi cùng xe với tôi đi từ Litang hóa ra là sinh viên trường y đang học tại Nanjing (Nam Kinh) ở tỉnh Jiangsu. Ba bạn khác ở chung dorm thì hai bạn mới tốt nghiệp trung học và vừa thi đậu đại học nên trong lúc chờ nhập học thì đi du lịch. Bạn gái kia đã tốt nghiệp đại học ngành thiết kế nhưng chả tha thiết với công việc thiết kế nên bỏ đi làm việc tình nguyện tại các hostel của yha nhằm trau dồi tiếng Anh (quả thật tiếng Anh của bạn ấy khá tốt). Kế hoạch của bạn ấy là năm sau sẽ xin working visa đi New Zealand làm việc cho các trang trại hoặc phòng thí nghiệm ở đây trong vòng một năm. Khi tôi hỏi vì sao chọn New Zealand thì bạn ấy bảo đây là quốc gia duy nhất cấp working visa cho người có quốc tịch Trung Quốc. Nếu New Zealand cấp working visa cho người Trung Quốc thì chắc cũng cấp cho người Việt Nam. Bạn nào muốn đi New Zealand làm việc thì tìm hiểu thử xem nhé. Theo tôi đây là cơ hội rất tốt để trau dồi tiếng Anh và được làm việc ở nước ngoài cũng như được đi New Zealand ấy. Tôi chỉ biết đến thế, các bạn muốn biết thêm thì vào mạng truy tìm thông tin chứ không hỏi tôi nhé.

Bốn bạn sinh viên này cùng hai bạn ở dorm bên cạnh hôm sau cùng thuê xe đi Yading. Tôi không đi cùng bởi vì tôi sợ núi cao lắm rồi. Ở Yading toàn núi cao hơn 4.000m nên chắc lạnh hơn cả Litang mà tôi lại là người sợ lạnh nên bây giờ tôi chỉ mong xuống các nơi thấp hơn để được nóng. Tôi mong mỏi đi về Yunnan vì nơi đây không có núi cao nên tôi lại có thể đạp xe đi giữa trời nắng chứ không phải bó mình trong xe buýt qua những ngọn núi cao hơn 4.000m nữa.

Lúc ở Litang, tôi được chị dọn phòng người Tây Tạng cho biết rằng dân Daocheng nguy hiểm lắm, có rất nhiều người xấu chứ không được tốt như dân Litang (dù năm 2000 ở Litang có một du khách người Anh bị giết chết khi đi hiking một mình). Vì thế chị ta bảo tôi phải cẩn thận khi ở Daocheng bởi vì tôi đi một mình. Do vậy khi tôi và bạn sinh viên trường y đi ăn trưa ở Meishan Hotel thì hai thanh niên Tây Tạng gạ gẫm chúng tôi thuê xe của họ đi Yading với giá rẻ hơn giá thuê xe ở hostel. Bạn sinh viên này có vẻ xiêu lòng. Khi họ đi rồi, tôi nói bạn ấy không nên đi với người lạ mà nên thuê xe của hostel cho an toàn. Bạn ấy nghe theo nên cuối cùng tham gia cùng nhóm sinh viên ở chung dorm.

Tối hôm ấy các bạn sinh viên rủ tôi đi khiêu vũ nhưng tôi ngại bên ngoài trời lạnh nên từ chối. Các bạn ấy khi đi về thì bảo rằng phòng khiêu vũ rất đông người. Theo tôi đoán chắc đa phần là dân Tây Tạng ở tại đây. Hôm sau khi tôi đạp xe đi lòng vòng thì phát hiện ra một quán bar mà tôi đoán chắc là có khiêu vũ vào buổi tối. Quán bar này cũng như các ngôi nhà Tây Tạng có hoa văn và được trang trí rất sặc sỡ. Một toà nhà mang tính truyền thống như thế lại là vũ trường, tôi thấy hơi ngộ ngộ các bạn nhỉ!
Quán bar vũ trường.

Ở phía Tây Nam của Trung Quốc thì nhà trọ có giá rẻ hơn nhưng thức ăn lại mắc hơn so với những nơi khác. Các nơi khác chỉ cần 4-5-6-7 tệ là có một bát mì hoặc sủi cảo hoặc vằn thắn rồi. Nhưng ở khu vực này thì phải từ 9-10 tệ mới có được một bữa ăn. Ngoài ra cơm cũng mắc hơn. Tôi và bạn sinh viên trường y cùng ăn cơm, chỉ có cơm và hai món –một món là cà tím xào hành, một món là cần tây xào thịt bò xắt nhỏ. Vậy mà cuối cùng tổng cộng là 39 tệ. Ở những nơi khác, như thế chỉ khoảng 20-30 tệ thôi mà thức ăn lại nhiều hơn.

Daocheng có cao độ là 3.750m, cao hơn thủ phủ Lhasa của Tây Tạng với cao độ 3.700m. Lý do du khách đến Daocheng là vì từ đây có thể đi Yading- quê hương của 3 ngọn núi thiêng của dân Tây Tạng. Đó là các ngọn núi Chenresig (Avalokitesvara, 6032 m), Jambeyang (Manjusri, 5958 m), và Chanadorje (Vajrapani, 5958 m). Tuy nhiên khung cảnh làng quê và các ngôi làng Tây Tạng xung quanh Daocheng cũng rất đáng khám phá nếu chịu bỏ thời gian 1-2 ngày tại đây. Ngoài ra Daocheng còn có những địa điểm thu hút du khách như 12 thiền viện của Phật giáo Tây Tạng; Hongcaodi (Red Grassland) mỗi năm chỉ đổi lá đỏ có 15 ngày thôi nên rất khó mà đến vào đúng lúc các bạn nhỉ? Ở đây còn có suối nước nóng nổi tiếng Rupuchaka chỉ cách trung tâm thị trấn Daocheng có 4 cây số thôi – du khách có thể đi bộ đến đó, vừa đi vừa ngắm cảnh.

Tôi đạp xe vào một ngôi làng rất gần trung tâm thì quả thật là phong cảnh đẹp vô cùng và những người Tây Tạng thì hình như quen với cảnh bị du khách nhìn ngó rồi nên họ không hề mắc cỡ (cũng có thể họ có mắc cỡ nhưng cách mắc cỡ của họ khác với những cách mà tôi đã biết nên tôi không nhận ra được chăng?) 




Nghỉ mệt sau khi đi Kora quanh cái tòa nhà trắng này.



Giặt giũ bên suối

Phơi luôn trên cỏ.

Đẩy về nhà thôi!

Heo ăn cỏ à???????



Có một đứa bé còn chạy theo tôi nhìn vào rổ xe xem có bánh trái gì không. Khi không thấy gì hết thì còn đề nghị tôi cho tiền nữa ấy. Dĩ nhiên là tôi không cho rồi. Tôi nói không có tiền. Người Tây Tạng có một số người không thích chụp hình. Khi tôi giơ máy ảnh lên thì họ khoác tay và bảo tôi đừng chụp.Tuy nhiên cũng có một số người khi tôi xin phép chụp ảnh thì họ đồng ý nhưng vẫn tiếp tục công việc của họ chứ không dừng lại mà nhìn vào máy cười cho tôi chụp đâu. Theo tôi thì người dân Tây Tạng kém thân thiện hơn dân Mông Cổ. Chắc là do tôi chưa hiểu được văn hóa của họ nên chưa tiếp cận đúng cách chăng? 

Người dân trong làng đang nghỉ mệt sau khi đi Kora nên sẳn sàng làm "mẫu" cho tôi; đặc biệt là bọn trẻ con ấy!!!!





Khi tôi hỏi xe đi Zhongdian (cũng được gọi là Shangrila) ở tỉnh Yunnan (Vân Nam) thì các bạn tiếp tân ở hostel cho biết rằng hôm sau 5h30 sáng tôi ra bến xe và mua vé tại đó luôn. Tôi đang phân vân bởi vì khi tôi ăn trưa ở một nhà hàng thì có hai người Tạng đến gạ gẫm tôi đi Yading nhưng khi tôi nói không đi Yading mà đi Zhongdian thì họ bảo họ có xe đi Zhongdian. Một người ra giá 150 tệ cho cả người và xe đạp. Tôi chê mắc thì người kia bảo giá 100 tệ (giá này rất hời rồi). Tuy nhiên tôi chả biết có nên đi với bọn họ hay vào bến xe mua vé xe buýt cho an toàn. Nhưng ở bến thì họ lại làm khó tôi với chiếc xe đạp nên tôi cũng lại ngại. Tôi vẫn chưa biết nên đi theo kiểu gì bởi vì tôi cần về Zhongdian để gia hạn visa. 
Quảng trường chính ở Daocheng

Con đường chính ở Daocheng