CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

TỰ SỰ (2)

Rất nhiều bạn add nickname trên yahoo hoặc trên Skype của tôi vào chỉ để hỏi tôi rằng tôi có sợ không khi là phụ nữ mà đi du lịch một mình; gia đình tôi có ý kiến như thế nào về việc tôi “bỏ nhà” đi dài hạn như thế? Tôi nghĩ chắc đây cũng là vấn đề mà nhiều người quan tâm muốn biết. Vì thế để tránh trả lời đi trả lời lại nhiều lần, tôi viết bài viết này vậy.

Vấn đề thứ nhất, tôi có sợ không? Câu trả lời của tôi là TÔI SỢ.

Rất nhiều lúc đứng một mình ở một nhà ga hay một bến xe xa lạ, tôi thấy lạc lõng và bơ vơ lắm. Các bạn biết điều đầu tiên tôi nghĩ đến là gì không? Vào bến, mua vé xe để quay trở lại thành phố hay nơi mà tôi vừa rời bỏ (thậm chí quay về Việt Nam), bởi vì tôi đã quen thuộc với những nơi ấy; ví dụ tôi biết nơi nào ở giá rẻ, tôi biết nơi nào có thể ăn món ăn yêu thích, tôi biết đi nơi nào để thư giãn, đặc biệt là tôi được người khác quan tâm chăm sóc. Tôi thật sự thấm câu nói: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở; Khi ta đi dất bỗng hóa tâm hồn.” Đặc biệt là khi ở nơi ấy, tôi quen được những người bạn đáng mến. Tôi nghĩ đó là cảm giác thường tình mà ai cũng sẽ có bởi vì từ một nơi an toàn đến một nơi xa lạ, khi ta không biết mình có an toàn hay không, thì cảm giác lạc lõng bơ vơ sẽ xuất hiện.

Vì thế tôi vẫn sợ khi đến một nơi xa lạ. Tuy nhiên như tôi đã nói trong bài Tự Sự 1. Con người sinh ra là để sống trong những nỗi lo sợ triền miên; do đó nhiệm vụ của chúng ta là khắc phục những nỗi sợ ấy; hay nói cách khác là “vượt qua chính mình” (nghe hơi sáo rỗng các bạn nhỉ -giống y như lời tuyên truyền? Nhưng đó thật sự là điều tôi muốn nói.)

Còn về vấn đề an toàn của bản thân. Các bạn biết khi đọc cả hai quyển truyện “Bố già” và “Hậu bố già” dày cộm ấy, tôi tâm đắc và thực sự chỉ nhớ đến một câu nói mà sau này câu nói ấy trở thành một trong những kim chỉ nam đi bụi của tôi luôn ấy. Đó là câu mà Bố già nói với một trong những người con trai của mình: “Con có thể liều lĩnh, miễn sao sự liều lĩnh ấy không phải là chí tử.” (Hay nói cách khác: Con có thể liều lĩnh, miễn sao sự liều lĩnh ấy không làm con mất mạng.)

Vấn đề mà nhiều bạn, đặc biệt là những bạn trẻ quan tâm là làm sao biết được sự liều lĩnh ấy có chí tử hay không? Điều đó lệ thuộc rất nhiều vào khả năng đánh giá và kinh nghiệm của bản thân các bạn ạ. Tôi biết các bạn sẽ hỏi tiếp rằng làm sao có được khả năng đánh giá và kinh nghiệm chứ?

Để trả lời câu hỏi này, các bạn cho phép tôi tiết lộ một tí về bản thân nhé.

Tôi có một người mẹ mà khi tôi kể chuyện về mẹ tôi, rất nhiều người bạn của tôi ao ước có một người mẹ như thế. Mẹ tôi trước giải phóng là giáo viên và sau đó thì bắt buộc phải bỏ nghề mà bà vô cùng yêu thích để theo nghiệp buôn bán nhằm kiếm đủ tiền cho con ăn học. Đối với ba mẹ tôi, trên đời này không có gì quý giá hơn nền tảng giáo dục vững chắc. Đó là cái sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi sự thay đổi của chính trị và môi trường sống.

Ba mẹ tôi là những người vô cùng nghiêm khắc mà khi tôi còn nhỏ, bạn bè tôi ít đứa nào dám bén mảng đến nhà tôi chơi bởi vì bọn chúng sợ, đặc biệt là sợ ba tôi. Vì thế tôi ít khi nào rủ bạn về nhà. Điều đó trở thành một thói quen mà sau này khi lên đại học, có những người bạn học quen tôi đến cả 10 năm trời mới lần đầu đến nhà tôi chơi.

Đa số bạn tôi khi đến nhà đều ngạc nhiên mà theo lời họ thì nhà tôi giàu quá và đó là điều họ không ngờ bởi vì tôi là một người rất giản dị.

Dù gia đình tôi thuộc loại khá giả, bố mẹ tôi chẳng mua sắm nhiều cho con cái đâu. Họ quan niệm rằng việc mua sắm đồ đạc đắt tiền cho con chỉ mang đến sự nguy hiểm (ví dụ cướp giật) và sẽ làm cho bạn bè xấu (do biết gia đình có tiền) sẽ lôi kéo vào con đường không tốt. Vì thế mà tôi là một người ăn mặc rất giản dị. Thường tôi chỉ có hai bộ đồ đi học (những năm cấp 2) hoặc hai ba cái áo dài trắng (những năm cấp 3) mà là áo của mấy chị để lại. Mãi đến năm 12 khi tôi được giải thưởng cao trong một kỳ thi toàn quốc thì mẹ tôi mới sực nhớ là tôi chưa có cái áo dài nào mới; vì thế bà dắt tôi đi may để mặc trong ngày lĩnh thưởng.

Trong suốt những năm tháng đi học, tôi toàn đi xe đạp. Mãi đến cuối năm 3 và đầu năm 4 đại học, mẹ tôi mới mua cho tôi một chiếc xe gắn máy của Trung Quốc và khi tốt nghiệp đại học rồi thì ba tôi cho tôi cái điện thoại đi động cũ mà ông sử dụng trong nhiều năm. Ba mẹ tôi nói họ chỉ cung cấp cho tôi đủ điều kiện để vào đời thôi, còn nếu muốn mua sắm gì thêm thì tôi phải tự đi làm và mua sắm bằng tiền lương của mình.

Tôi ngay từ nhỏ đã được sống trong sự bao bọc rất kỹ, hay quá kỹ của bố mẹ, hầu như chưa bao giờ đi đâu một mình (thậm chí đi với bạn cũng không), ngoại trừ việc cuối tuần đi từ thành phố Tân An (quê tôi) lên Sài gòn để học đại học mà thôi (và tại Sài gòn, bố mẹ tôi có nhà kính cổng cao tường cho tôi ở để không phải ở ký túc xá hay nhà trọ chung đụng với người khác.) Nhà tôi ở Tân an (trước khi đường quốc lộ được mở rộng ấy) có một cái cổng rào khá to và mỗi khi nó được đóng lại thì y như tôi bị cách ly với thế giới “bụi bặm” bên ngoài ấy. Bạn bè tôi (rất ít khi) mà đến bấm chuông tìm tôi thì sẽ gặp ngay bố mẹ tôi và phải qua cuộc phỏng vấn của họ trước, ví dụ: ai, tên gì, nhà ở đâu, có đi học không, có học cùng lớp không…. Nếu không phải là bạn học thì đừng hòng có cơ hội gặp mặt tôi, khi ấy ở tuốt trên lầu cao ấy nhé.

Hằng ngày mẹ tôi trong những bữa cơm đều kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cảnh giác để đề phòng kẻ xấu hoặc những tình huống xấu có khả năng xảy ra đối với chúng tôi.

Lần đầu tiên tôi được đi chơi xa cùng bạn bè là vào năm thứ 3 đại học. Tôi và 3 cô bạn học cùng đi tàu lửa về Nha Trang thăm nhà của một người bạn học khác. Chuyến đi chỉ vài ngày thôi, vậy mà số ngày mà mẹ tôi dành ra để căn dặn tôi nhiều hơn số ngày tôi ở tại Nha Trang nữa. Nếu các bạn mà biết mẹ tôi căn dặn gì thì các bạn sẽ ôm bụng cười ngất ấy. Ví dụ, nếu có đi tàu ra đảo chơi thì phải ôm theo một cái bình nhựa rỗng để tàu chìm thì còn có cái bám víu, nếu đi dạo chơi trên bãi biển ban đêm thì coi chừng cướp chạy lên từ bờ sông, nếu đi ra ngoài ban đêm thì nhìn trước ngó sau xem có ai đi theo hay không,……. Trong suốt những ngày ở tại Nha Trang, bất kể chúng tôi làm gì, thì tôi đều nói cho bạn tôi những tình huống xấu có thể xảy ra nếu chúng tôi làm hoặc đi đến những nơi ấy. Vậy là bạn tôi bảo: “Mệt Dung quá! Đi chơi với bà mà cứ như đọc chuyện cảnh giác vậy á. Chỗ nào cũng thấy nguy hiểm.”

Tại sao tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện dài như thế về bản thân mình. Điều tôi muốn nói là tôi đã học được cách phán đoán và tiên liệu tình huống xấu từ mẹ tôi – đó là người thầy đầu tiên của tôi trong vấn đề này.

Nếu không có người thầy đầu tiên như tôi thì các bạn có thể học hỏi từ nguồn khác mà tôi cũng sử dụng khá nhiều trước khi thực hiện những chuyến đi bụi dài hạn. Đó là đọc. Các bạn có thể đọc từ bất cứ nguồn nào như sách báo, internet, tiểu thuyết,….Theo tôi việc đọc truyện hay tiểu thuyết giúp rất nhiều bởi vì đặc biệt với những nhà văn nổi tiếng, họ là những người rất sành sõi trong đường đời và họ kể cho các bạn nghe những câu chuyện là những tình huống mà những người trẻ tuổi không bao giờ ngờ tới. Chính việc nghiện đọc sách cũng giúp tôi tiên liệu tình huống rất nhiều. (các bạn nghĩ xem một người được bao bọc kỹ sau hàng rào cửa sắt ấy làm sao đủ kinh nghiệm ngoài đời mà đi bụi như tôi nếu không nghiện đọc truyện nhỉ?)

Ngoài ra trước khi đến một quốc gia nào thì tôi bỏ thời gian rất nhiều (từ 2 tuần đến 1 tháng) để tra cứu thông tin trên mạng từ những người đi trước về những tình huống xấu có thể xảy ra ở quốc gia ấy.

Chính những nguồn ấy giúp tôi có được khả năng phán đoán tình huống xấu và thậm chí là kinh nghiệm ngay cả trước khi tôi đi bụi.

Bên cạnh đó, các bạn phải biết quý trọng bản thân mình, không bao giờ đặt mình vào những tình huống nguy hiểm. Ví dụ say xỉn khi ở nơi xa lạ, đặc biệt là khi bạn chỉ có một mình và lại là phụ nữ. Tôi hầu như không bao giờ uống rượu bia (nếu có chỉ là nhấp môi thôi). Vì thế khi đi nhậu với bạn bè, tôi luôn là người tỉnh táo mà tôi hay nói đùa với bạn tôi rằng ít nhất phải có một người còn tỉnh để mà đưa những người khác về nhà chứ. Và tôi không bao giờ sợ làm mích lòng người khác khi từ chối uống đâu. Khi tôi nói “không” thì nó có nghĩa rằng “không.” Lý do: tôi không muốn tạo cho mình thói quen uống rượu mà khi đã quen rồi thì khó từ chối hay khó bỏ khi có người mời; và khi đã uống rồi thì khó dừng mà chỉ có nước “quắc” mà thôi. Tôi biết đó là giới hạn của bản thân nên tôi kiên quyết không tạo cho mình thói quen ấy.

Tôi tạo cho mình một thói quen là không lệ thuộc vào bất cứ điều gì, ví dụ ngay cả cà phê tôi cũng không uống. Nhiều đồng nghiệp của tôi nghiện cà phê đến mức họ hay nói rằng vào buổi sáng mà không uống một ly cà phê thì không thể làm việc được. Tôi cũng không hút thuốc. Tôi biết rõ bản thân mình, một khi đã “nghiện” thứ gì rồi thì rất khó mà từ bỏ, ví dụ tôi đang “nghiện” đi bụi ấy. Tuy nhiên, theo tôi, việc đi bụi có ích hơn nhiều so với rượu, cà phê hay thuốc lá nên tôi vẫn chọn nghiện món này hơn mấy món kia.

Tóm lại , câu trả lời của tôi cho câu hỏi là làm sao để đảm bảo an toàn khi một mình ở nơi xa lạ là các bạn phải học cách phán đoán tình huống xấu trước khi đi và các bạn phải biết được giới hạn của bản thân mình.

Vấn đề thứ hai là gia đình tôi nghĩ gì khi tôi đi bụi dài hạn. Câu trả lời là họ không đồng ý. Thậm chí bố mẹ tôi còn bảo họ có thể sẽ từ tôi nếu tôi đi như thế. Tuy nhiên, tôi biết họ yêu tôi nhiều đến mức sẽ không làm thế và đó vẫn là nơi tôi có thể quay về bất cứ khi nào tôi muốn (hehehe.)

Nhiều người hỏi tôi về trách nhiệm với gia đình. Nếu đi như thế thì tôi là một người vô trách nhiệm với người thân. Theo tôi, khái niệm “có trách nhiệm” và “vô trách nhiệm” chỉ mang tính tương đối mà thôi (mà trên đời cũng có gì là tuyệt đối đâu nhỉ?). Tôi lấy ví dụ hai người cực kỳ nổi tiếng nhé. Tôi không dám so sánh mình với họ nhưng bởi vì họ vô cùng nổi tiếng nên ai cũng biết, vì thế rất dễ hình dung.

Người thứ nhất là Phật Thích Ca. Chẳng phải ông là một người vô trách nhiệm khi bỏ nhà đi tu sao? Thế mà ông lại trở thành Phật và có ai nhắc đến việc ông vô trách nhiệm với gia đình đâu nhỉ?

Người thứ hai là Trần Hưng Đạo. Ông lãnh đạo quân đội hai lần đánh thắng quân Nguyên Mông giúp cho kẻ thù cướp vợ của cha là vua Trần củng cố ngai vàng. Vậy sao không ai bảo rằng ông vô trách nhiệm mà lại phong thánh cho ông nữa chứ?

Vì thế vấn đề “có trách nhiệm” và “vô trách nhiệm” phải tùy tình huống mà định nghĩa, bởi vì không có định nghĩa nào là hoàn hảo cho tất cả mọi tình huống. Do đó, bạn cần tìm ra định nghĩa cho riêng mình.

Khi bạn nghĩ rằng bạn cần làm một việc gì đó và đặc biệt là việc đó mang lại lợi ích cho nhiều người thì bạn cứ làm. Có thể sẽ có nhiều người phản đối, la ó. Tuy nhiên, đám đông không phải lúc nào cũng đúng và lịch sử đã chứng minh điều đó. Khi biết chắc mình đang làm đúng và làm có ích thì cứ làm, nhưng trước tiên bạn phải rèn luyện cho mình kỹ năng phân biệt đúng sai. Làm sao có được kỹ năng phân biệt đúng sai?

Cái đúng và sai cũng chỉ mang tính tương đối thôi các bạn nhé! Có thể trong tình huống này, nó là đúng; nhưng trong tình huống kia, nó lại là sai. Các bạn sẽ bảo thật là “đâu cái điền” (điên cái đầu). Tuy nhiên, cái trụ để giúp các bạn phân biệt đúng sai theo tình huống là các bạn cần đắn đo xem xét việc đó có ích cho mình và người khác như thế nào. Khi thấy nó có ích cho cả hai thì hãy làm.

Có thể bạn sẽ phản đối với tôi mà cho rằng chỉ cần nó có ích cho mình thôi, chứ nghĩ chi đến việc nó có ích cho người khác cho phức tạp. Có thể bạn đúng. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói đến ở đây là nếu chỉ nghĩ đến mình thì đến một lúc nào đó các bạn sẽ thấy việc các bạn đang làm là vô nghĩa. Chẳng phải đã có nhiều người (thậm chí là rất giàu có) tự tử vì điều đó rồi sao. Và tôi không muốn các bạn tự tử như thế.

Vì thế sống có ích cho người khác thực sự là động lực giúp người ta vượt qua những khó khăn và là cái neo định vị được họ trên cuộc đời. Các bạn có thấy người nào sống có ích cho người khác mà lại đi tự tử đâu nhỉ?

Tóm lại, câu trả lời cho câu hỏi người khác nghĩ gì về việc mình làm là các bạn cần có định nghĩa cho riêng mình về vấn đề mình đang làm; cho dù có định nghĩa kiểu gì thì cũng hãy chọn sống một cuộc sống có ích và  đặt nó lên hàng đầu.

Vấn đề thứ ba là có người nói với tôi rằng: “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.”

Câu trả lời của tôi là tôi đi để “ngộ” ra những gì mình đã biết.

Từ “biết” đến “ngộ” là cả một đoạn đường dài về ý thức. Thế nào là “ngộ”? “Ngộ” ra điều gì, theo tôi, là thực sự không chỉ dám sống vì điều ấy mà còn dám kêu gọi người khác sống vì nó nữa. Đâu là trở ngại lớn nhất để đạt đến “ngộ” từ “biết.” Cũng lại là do “nỗi sợ.” Sợ gì? Sợ khổ, sợ sai, sợ bị chê cười, sợ phải hành động, sợ phải chịu trách nhiệm,… Điều đó cũng không có gì lạ phải không các bạn? Làm người ai mà chẳng sợ chứ, nếu không thì thành Phật mất rồi.

Có bao giờ bạn tự hỏi: mình đã “ngộ” ra được bao nhiêu điều mà mình biết chưa?

Bài liên quan: TỰ SỰ (1)

Bài liên quan: TỰ SỰ (3

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Lại trở về Trung Quốc (3): Zoige (Ruoergai – Flower Lake) và Huang He (sông Hoàng Hà)


Nhóm của tôi đúng 10h sáng thì khởi hành. Trong nhóm 7 người gồm có tôi, hai bác đến từ Xian, một cặp vợ chồng đến từ Beijing, một bạn gái đến từ Chengdu và một nữ sinh viên đến từ Nanning. Tài xế của chúng tôi là người Tây Tạng. Làm sao biết? Nhìn thấy ông ta lúc nào cũng cầm xâu hạt dài lần lần trên tay và cách quấn áo gió khi không mặc ngang eo là biết ngay.

Cảnh ở phía Bắc Sichuan đẹp lắm các bạn nhé; tuy nhiên do tôi đi Mông cổ rồi nên nhìn thảo nguyên riết chán. Khác là ở Mông cổ hầu như không có hàng rào trên thảo nguyên, ở Trung Quốc lại có. Khi đi ngang một cánh đồng cỏ có hoa nở đẹp vô cùng; thấp thoáng là những chiếc lều mùa hè vuông vắn đầy màu sắc của người Tây Tạng (trong khi lều Mông cổ luôn có hình tròn và thường có màu trắng) cùng những đàn gia súc đang gặm cỏ. Mọi người yêu cầu tài xế dừng xe cho họ chụp hình.


Điều buồn cười nhất là sau đó xuất hiện một thanh niên và một cậu bé Tây Tạng trên xe mô tô yêu cầu mỗi người trả cho họ 5 tệ bởi vì đã chụp hình trên vùng cỏ của họ. Mọi người bàn nhau là nếu trả tiền thì yêu cầu anh ta cho vào thăm lều của anh ta luôn. Anh ta bảo lều của anh ta ở xa lắm (vậy mà bắt mọi người đóng tiền là sao??) Tôi biết bọn người Hoa không ngu nên xem họ giải quyết thế nào? Họ tìm cách để anh ta cho vào lều của anh ta nhưng cuối cùng khi anh ta ra giá 100 tệ/người thì ai cũng lắc đầu và lên xe. Họ đồng ý trả cho anh ta 3 tệ/người và tài xế đưa 20 tệ tổng cộng.

Tôi thấy tội nghiệp cho những người du mục Tây Tạng bị Hán hóa đến thế là cùng. Thật ra bây giờ tôi biết vì sao họ lại khá giả rồi – họ đang bán dần văn hóa và tính cách Tây Tạng của họ cho khách du lịch. Cuối cùng thì cách kiếm tiền của họ thật trơ trẽn (trong khi bọn người Hán khôn hơn nhiều, cũng kiếm tiền ấy nhưng không làm cho người trả tiền cảm thấy họ trơ trẽn mà thật sự là người trả tự nguyện móc túi ra đưa ấy chứ. Các bạn nghĩ dân Việt Nam có đủ trình độ làm cho người trả tiền cảm thấy vui vẻ khi "ma rốc" chưa vậy?)

Sau đó chúng tôi đến Huahu (Flower Lake), 

vé cổng ở đây khá mắc 58 tệ/người. Đây cũng là nơi bảo tồn loài hạc cổ đen. Hồ này nổi tiếng vì có loại hoa mọc bên dưới hồ và chim chóc kéo đến rất đông. Vì khu hồ nổi tiếng vô cùng nên thị trấn gần đó cũng được gọi là Zoige (Ruoergai – Flower Lake) luôn. Tuy nhiên lúc chúng tôi đến thì mọi người bảo hiện tại trong hồ không có hoa nên không cần mua vé mắc mỏ để vào (nếu thế sao họ họ vẫn đi đến đó làm gì nhỉ?) Vậy mà ngoài bãi xe, xe du lịch đổ về nườm nượp. Ngay bên ngoài tảng đá ghi chữ Huahu là một cậu bé Tây Tạng với một con hổ giả. Ai muốn chụp hình cùng con hổ giả thì phải trả cậu ta tiền. Các bạn sang Trung Quốc mà kẹt tiền thì có thể kiếm tiền như thế nhé!


Mọi người lên xe đi và tài xế ghé vào một quán ăn dọc đường. Sau khi hỏi giá thì họ bảo giá từ 25-28 tệ/người là đắt quá nên bảo tài xế chở thẳng về trung tâm Zoige (họ bảo ở Langmusi, thức ăn rẻ hơn, mỗi người chỉ trả 10 tệ thôi!!)

Xe dừng ở một khu thương mại cạnh chợ và rất gần bến xe. Tại đây mọi người xách hành lý vào một youth hostel (sau này tôi phát hiện hostel này cách cổng chợ chỉ 2-3 căn nhà thôi.) Tại đây không có dorm, có phòng đơn và phòng đôi; dù ở phòng nào thì mỗi người cũng trả 30 tệ/người. Theo tôi chỉ có hai phòng ở gần hành lang nhìn ra lộ là thoải mái nhất vì thoáng khí. Những phòng khác khác bí. Và phòng ốc ở đây nhỏ vô cùng. Ở đây có cả wifi và tôi có thể truy cập ngay tại phòng của mình.

Mọi người cùng nhau đi ra nhà hàng đối diện bến xe để ăn cơm. Họ gọi món, khoảng 6-7 món cùng một tô canh lớn. Mỗi người trả 20 tệ. Đây là những người Hoa đầu tiên mà tôi thấy họ ăn sạch thức ăn trong dĩa ấy (thật ra thức ăn cũng không đủ cho tất cả mọi người, chúng tôi chỉ ăn vừa đủ chứ không no lắm.) Khi tôi bảo họ điều đó thì cặp vợ chồng người Xian bảo rằng họ luôn hết thức ăn ấy chứ; những người Hoa bỏ thừa thức ăn mà tôi thấy là những người Hoa khác rồi, không phải họ đâu (!!!)

Ăn xong mọi người về hostel nghỉ ngơi và "tám" đến hơn 3h chiều thì ra xe để đi đến làng Tangke. Từ làng Tangke, đi thẳng thì sẽ đến khúc ngoặc tuyệt đẹp của sông Huanghe (Hoàng Hà), con sông dài thứ nhì của Trung Quốc (dài nhất dĩ nhiên là sông Trường Giang rồi.) 



Làng Tangke cũng đầy người Tạng (phải chi biết trước thì tôi vác hành lý đến đây ở luôn rồi.) và trông khá đẹp. Từ Ruoergai đến Tangke khoảng 80 cây số. Từ Tangke đến đồi ngắm sông Huanghe khoảng 10 cây nữa.

Tài xế bảo mỗi người sẽ mua vé cổng 20 tệ. Mọi người lao xao nói gì đó, đại ý là bảo tài xế chở đi lối nào không phải mua vé ấy, họ sẽ đưa tiền cho tài xế. Cuối cùng thay vì đi lối chính, chúng tôi đi lối ngang qua khu thiền viện dưới chân đồi và từ đó băng lên núi. 
Lối đi ngang qua thiền viện (để trốn vé ấy mà)

Lối đi chính thức dành cho du khách (dĩ nhiên là phải mua vé)
Từ đây mọi người leo các bậc thang gỗ để đi lần lên trên ngắm sông. 

Chui rào, leo ra đồng cỏ để chụp ảnh.

Nếu không thì có thể thuê ngựa do người Tạng dẫn để đi lên núi. 

Trên một đỉnh núi có một cái ovoo thật to và mọi người lại chụp hình. 

Quả thật sông Huanghe nhìn từ trên cao uốn lượn đẹp tuyệt vời, trông cứ y như một dải băng lụa vậy đó các bạn. Phong cảnh đẹp lắm!!!!
Những người bạn Hoa cùng đi chung xe với tôi

Ngoài ra từ đồi các bạn nhìn xuống thấy cảnh khu làng cùng các ngôi chùa mái vàng ché bên dưới, các ngọn đồi nhấp nhô sau lưng và một dãy sông uốn lượn. 

Và tôi phải công nhận một đều rằng sông Huanghe dài thật. Ngoài việc nó uốn lượn qua các dãy núi đồi, nhìn mút mắt vẫn không thấy hết.

Mọi người chờ hoàng hôn trên sông nhưng hôm đó trời có vẻ âm u nên hoàng hôn không đẹp lắm. Buổi chiều trên núi khá lạnh nên các bạn đến đây thì nhớ mang theo nhiều áo ấm nhé!

Xem cảnh và chụp hình phong cảnh chán chê, mọi người đi lần xuống núi. Lúc ấy mưa nhẹ một chút và từ phía đường chân trời, dù không xuất hiện cầu vồng, nhưng những tia nắng cuối cùng trong ngày được thiên nhiên sắp đặt thật kỳ diệu, xòe ra như cánh quạt. 

Mọi người vỗ tay mừng rỡ trước cảnh tuyệt đẹp và lấy máy ảnh ra chụp hình. Có một nhóm săn ảnh, rình rập đã đời trên đồi nên khi được chụp cảnh đẹp, họ cùng hát lên một ca khúc vui nhộn. Tóm lại thật là vui các bạn nhỉ!!!

Tôi phát hiện người lớn tuổi Trung Quốc thật ra có nhiều sở thích để hưởng thụ tuổi già lắm (không biết người già ở Việt Nam có được như thế không?). Ví dụ: họ ra công viên đàn ca múa hát khiêu vũ nè, họ trượt pa tin nè, họ đi phượt bằng xe đạp nè, họ chụp ảnh nè (máy ảnh của họ chuyên nghiệp lắm đấy nhé), họ đi câu cá nè, họ đánh cờ nè… Tôi thấy người già ở Trung Quốc (ngoại trừ những người không được chính phủ trợ cấp phải lao động vất vả) khá năng động (hèn cho họ trông trẻ- nhìn họ các bạn không đoán ra tuổi tác được đâu.)

Thậ ra muốn đi ngắm cảnh sông Huanghe miễn phí cũng khá dễ các bạn nhỉ. Các bạn khi đến (có thể đi xe đạp, có thể quá giang xe, có thể thuê xe đi) đừng vào lối cổng chính, cứ đi qua khỏi cổng một tí và leo đồi. Ở đây đồi núi mênh mông làm sao họ quản lý và rào chắn được hết chứ. Các bạn cứ nhắm hướng ngọn đồi có cầu thang gỗ dài ngoằn trông như Vạn lý trường thành ấy mà leo. Hoặc các bạn có thể rẽ vào khu thiền viện và từ ấy leo lên. Tóm lại muốn trốn vé ở đây khá dễ, chả khó khăn gì hết.

Chúng tôi xuống núi vào khoảng 8h tối và mọi người cùng nhau về lại Ruoergai. Tôi buồn ngủ vô cùng nên mặc cho nhóm người Hoa ngồi tám, tôi ngủ. Khi đến nơi đã gần 10h tối, vậy mà họ vẫn quyết định đến nhà hàng ăn tối mới ghê. Tôi từ chối không ăn vì đã quá trễ. Vậy là mọi người ngồi tính tiền. Tổng cộng mỗi người phải trả đến 92 tệ. Tôi hỏi vì sao? Họ giải thích mà tôi chỉ hiểu bập bõm thôi 60 tệ thuê xe, cộng thêm tiền trả cho thảo nguyên, tiền vào cổng xem Huanghe (vậy sao chúng tôi lại phải đi tắt?), tiền gì đó cho tài xế (hình như tiền cho tài xế quay về Langmusi). Tôi thấy cách tính tiền của họ thật lạ. Tuy nhiên tôi nghĩ thật ra tôi tự đi rẻ hơn nhiều ấy chứ. Xe buýt từ Langmusi đến Ruoergai chỉ 25 tệ. Từ đây, tôi có thể tìm xe hoặc quá giang (đang mùa du lịch nên xe nhiều lắm) đến làng Tangke và từ đó đến Huanghe, trốn vé vào xem. Tóm lại đi theo cách của tôi luôn rẻ hơn, có thể tốn nhiều thời gian hơn và có thể không đi được nếu không tìm ra hay quá giang được xe.

Tôi rút kinh nghiệm rằng việc đi theo nhóm có thể rẻ hơn ở nhiều khía cạnh, nhưng lại luôn mắc hơn cách đi truyền thống của tôi (đặc biệt là nếu tôi có xe đạp ấy nhé!). Đó là lý do tôi ít tham gia nhóm lắm đấy các bạn.

Ruoergai cũng là một thị trấn đầy người Tạng và các ngân hàng ở đây không đổi tiền nhưng máy rút tiền thì chấp nhận thẻ quốc tế (tôi rút ở máy của ngân hàng nông nghiệp Trung quốc ABC). Theo tôi thức ăn ở đây mắc mỏ hơn ở Langmusi. Đặc biệt ở đây họ có bán loại táo có pha màu, vì vậy các bạn cần thật trọng khi mua nhé. Tôi phải vứt đi cả bịch táo sau khi phát hiện ra ấy.

Từ Ruoergai, xe đi Songpan mỗi ngày có hai chuyến lúc 10h sáng và 2h30 chiều, giá vé 44 tệ. Xung quanh khu bến xe thì đầy nhà trọ và nhà hàng nên nếu đến đây các bạn không khó mà tìm ra một nơi để ở và ăn đâu. Ngoài ra đối diện bến xe là chợ nên có thể vào mua trái cây và bánh mì Tây Tạng.

Ở đây có cả xe đi Chengdu, giá vé gần 150 tệ. Nhưng vào mùa hè phải mua vé trước (có người mua vé từ Langmusi luôn) bởi vì tôi thấy có một nhóm sinh vé không thể mua được vé cho ngày hôm sau về Chengdu ấy. Ngoài ra từ đây các bạn có thể mua vé đi Jiuzhaigou (tôi không biết giá vé là bao nhiêu). Tuy nhiên nhiều du khách chọn cách đến Songpan rồi mới đi Jiuzhaigou (Cửu Trại Câu –thung lũng 9 làng của người Tạng).

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Lại trở về Trung Quốc (2): Langmusi –ngôi làng của Phật giáo Tây Tạng đích thực

 Kỳ trước: Lại trở về Trung Quốc (1): Qua biên giới Mông Cổ- Trung Quốc và đến Xiahe-ngôi làng của người Tây Tạng với thiền viện Labrang

Từ Xiahe, xe đi Tongren khởi hành vào lúc 7h30 sáng, vì thế tôi phải dậy thực sớm và ra bến xe. Tôi đến bến vào lúc 7h thì được thông báo là hết vé đi Tongren. Lúc ấy tại bến, tôi thấy anh chàng người da trắng mà tôi gặp hôm trước, ngoài ra còn có thêm một cặp da trắng khác cũng đang cố mua vé xe đi Tongren. Họ cho tôi biết rằng có khách sạn chấp nhận họ, vì vậy họ ở tại Xiahe một đêm (tôi dám chắc là khách sạn ấy có dây mơ rễ má với chính quyền địa phương nên họ mới dám.)

Hai cặp kia thuê taxi đi Tongren luôn, giá là 200 tệ. Tôi và anh chàng kia mua vé đi Langmusi, một ngôi làng của người Tây Tạng nằm giữa hai tỉnh Gansu (Cam túc) và Sichuan (Tứ Xuyên.) Khoảng 7h30 thì xe xuất bến và khoảng giữa trưa thì đến nơi.

Nơi xe dừng, thật ra là ngay ngã ba đường vào làng chứ ở đây không có bến xe đâu, và con đường này khá bụi bặm. Trên chuyến xe của tôi có khá nhiều cụ già Trung Quốc “đi phượt” bằng xe đạp đấy nhé. Họ cho cả xe đạp lên xe buýt luôn ấy. Sau khi dỡ hành lý xuống thì mọi người tỏa ra tìm khách sạn.

Ngay từ ngã ba nhìn về tay trái là khách sạn Langmusi với giá 60 tệ/người. Tôi không vào mà đi thẳng con đường bụi bặm thì thấy hai bên đường đầy hostel và hotel. Ở đây rất nhiều bạn trẻ người Hoa vào Nomad Youth Hostel (nơi này nằm rất gần Sana Hotel.) Tôi cũng vào thì ở đây có hai loại dorm. Dorm 10 giường thì có giá 30 tệ/giường. Dorm 6 giường thì có giá 40 tệ/giường. Tại đây không chấp nhận thẻ thành viên của tổ chức hostelling international (!) Ở đây có nhà tắm có nước nóng và toa lét thì được thông thẳng ra sông (!). Sau này khi đi dạo quanh làng, tôi thấy người dân ở đây không tôn trọng nguồn nước như dân Mông cổ. Họ vứt rác xuống sông, giặt giũ và đổ xà phòng xuống sông và kinh dị nhất là…đại tiện luôn vào sông. Dân du mục mà không biết tôn trọng nguồn nước…thì nguy. Không biết do họ như thế hay do họ “học hỏi” từ mấy thằng ba tàu nhỉ?

Làng Langmusi có hai thiền viện lớn, mỗi thiền viện nằm trên địa phận của một tỉnh. Phía Nam là thiền viện Sertri Gompa ((Dacanglangmu Saichisi), nằm bên phía tỉnh Gansu (Cam Túc) và phía bắc là thiền viện Kirti Gompa (Dacangnama Ge'erdisi), nằm bên phía tỉnh Sichuan (Tứ Xuyên).
thiền viện Kirti Gompa

thiền viện Kirti Gompa

thiền viện Kirti Gompa

thiền viện Kirti Gompa
thiền viện Sertri Gompa

thiền viện Sertri Gompa

thiền viện Sertri Gompa

thiền viện Sertri Gompa

Khi đến nơi, tôi không vội vã vào thiền viện mà đi lòng vòng tìm quán ăn. Từ hostel nơi tôi ở, tôi đi thẳng và rẽ trái vào con đường tráng nhựa khá đẹp. Đây đúng là con đường dành cho du khách bởi vì dọc theo nó là nhà hàng, các cửa hàng bán đồ lưu niệm và hostels. Có cả ngân hàng nhưng không đổi tiền và tôi không biết là máy ATM có chấp nhận thẻ quốc tế không (chưa thử). Vì vậy nếu đến đây thì các bạn phải tích trữ đủ tiền tệ Trung Quốc nhé.

Ở con hẻm đối diện thiền viện Kirti Gompa, tôi thấy có vài nhà sư đang ngồi bên trong một tòa nhà nên rẽ vào. Thì ra đó là nhà hàng và họ đang ngồi chờ thức ăn. Thức ăn Tứ xuyên khá cay nên tôi không gọi món (có đọc được thực đơn đâu mà gọi) mà chờ xem họ ăn gì và sẽ chỉ vào món đó. Một nhóm 3 người thì gọi 4-5 món toàn là đỏ lòm dầu và ớt. Một nhóm khác thì gọi món Xả Cua, món này được nấu trong một cái thố gồm rau, thịt, nấm, mì (chỉ vài cọng) trông như canh hay lẩu vậy đó và ăn với cơm. Tôi cũng gọi món này và nói “bủ dao la chao” (không cay.) Món này có giá 10 tệ và ăn khá ngon và khá hợp khẩu vị.
Món Xa cua yêu thích của tôi tại Langmusi.

Tôi để ý xem các vị sư ăn thế nào. Sư Tây Tạng ăn mặn nghen các bạn. Bàn gọi 4-5 món thì dĩ nhiên ăn không hết thức ăn. Khác bọn người Hán là họ cho vào bịch thức ăn thừa để mang về. Sao dân du mục Mông Cổ và Tây Tạng lại văn minh đến thế nhỉ??? Không phí phạm thức ăn, ăn không hết thì mang về, còn cái bọn Hán hay cho rằng mình là “Trung Hoa” (trung tâm của mọi tinh hoa) thì lại…..

Lúc ngồi ăn, tôi nói chuyện với các vị sư thì họ nói rằng nếu tôi muốn vào thiền viện gần đó, thiền viện Kirti Gompa mua vé với giá là 30 tệ. Dĩ nhiên là tôi không muốn mua nếu không biết số tiền ấy được dùng như thế nào (tôi dám chắc là phần lớn đi vào túi chính quyền địa phương). Tôi đi thẳng con đường trước mặt và theo một nhóm du khách Hoa leo lên núi bên tay phải vào thiền viện. Tôi đi hết tòa nhà này sang tòa nhà kia mà có ai soát vé đâu (thật ra có một vị sư đứng bấm vé nhưng tôi lờ luôn và họ cũng không hỏi bởi vì có quá nhiều du khách Hoa lúc ấy.)

Từ trên núi nhìn xuống thì thấy những ngôi nhà lợp mái gỗ với những tảng đá chặn lên để ngừa lốc xoáy của người Tạng, người Hui và những tòa nhà mái ngói đỏ tươi của người Hán trông thật khác và thật chỏi nhau. Cứ khu nào nghèo là của người Tạng hoặc các dân tộc khác, khu nào giàu là của người Hán.


Khu nhà mái ngói đỏ tươi

Từ thiền viện Kirti Gompa cứ đi thẳng xuống thì sẽ thấy một con suối, đi dọc theo con suối này thì sẽ thấy một cái hang với ovoo của người Tạng ngay trước cửa hang.

Băng qua một cái cầu nhỏ để qua bên kia suối và đi thẳng vào trong núi thì sẽ thấy phong cảnh thiên nhiên thật hùng vĩ và thật đẹp.




Lúc chúng tôi đến (tôi và các du khách Hoa, họ lũ lượt hết đoàn này đến đoàn khác kéo đi tham quan) thì thấy vài anh chàng đang tắm suối. Các cô nàng du khách móc máy ảnh ra chụp cảnh họ tắm mới ghê chứ và họ thì tỉnh bơ cho chụp hình luôn.

Tôi đảm bảo nếu đi sâu vào trong nữa thì cảnh sẽ rất đẹp nhưng tôi quay ra cùng các du khách khác bởi vì lúc ấy đã chiều rồi.

Hostel tôi ở có cả wifi mặc dù tải hình khá chậm. Sáng hôm sau, các bạn Hoa ở chung dorm dậy khoảng 5h sáng nói chuyện râm ran trong khi tôi và những người khác còn đang ngủ (thật ra họ không cần quan tâm lắm đến người khác, cứ nói chuyện cho thỏa thích và thậm chí mở đèn lên để soạn đồ - văn hóa của họ là thế.) Sau này tôi biết thì ra họ dậy sớm để leo lên núi chụp cảnh bình mình nhưng xui cho họ là đêm trước trời mưa nên sáng đó không có mặt trời.

Hôm đó, tôi lại leo lên thiền viện Sertri Gompa nằm bên phía tỉnh Gansu (Cam túc). Tại đây bán vé 20 tệ nên tôi đi vòng trở ra, đi vào làng và leo lên núi, phong cảnh tuyệt vời và hùng vĩ.




Từ trên núi tôi thấy có một nhóm du khách đi thẳng lên trên. Tôi đi theo họ thì lần ra nơi thiên táng người chết của làng Langmusi. Phong tục này bị Trung Quốc cấm vì cho rằng nó dã man nhưng đến thập niên 1980 (sau khi họ được “khai hóa”) thì cho phép thực hành trở lại và tại làng Langmusi này, phong tục thiên táng vẫn được áp dụng ấy.

Phong tục thiên táng của người Tây Tạng thực ra không hề dã man nếu các bạn biết được ý nghĩ và nguyên nhân ẩn sau đó.

Tại sao người Tây Tạng lại phải thiên táng người chết. Lý do đất Tây Tạng quanh năm đóng băng (làm sao đào bới để chôn chứ) và lại không có rừng (lấy đâu ra củi mà hỏa thiêu) nên họ chỉ còn cách thiên táng mà thôi.

Các vị Lạt ma làm công việc thiên táng, họ đọc kinh cầu nguyện và sau đó thì dùng dao búa kiếm kềm kéo (mọi vũ khí) để chặt, róc thịt xương của xác chết ra mà ném cho kênh kênh ăn. Họ róc thịt trước, móc ruột gan ra sau, xương và não thì nghiền ra trộn với bột và ném cho chim ăn. Nếu chim ăn không hết thì đó là điềm xấu. Trong quá trình chặt chém thi thể người chết thì thân nhân không tham dự, họ chỉ ở quanh khu vực đó và không nhìn thấy việc chặt chém thi thể người thân.

Thật ra công việc chặt chém được diễn trong tiếng nói chuyện râm ran và đùa giỡn của các vị Lạt ma thực hiện công việc này. Lý do: như thế thì linh hồn người chết dễ siêu thoát hơn.



Ý nghĩa của thiên táng – thứ nhất: đối với dân Tây Tạng, thân thể sau khi hồn lìa khỏi xác thì chỉ còn lại là một cái xác không hơn không kém nên việc ném cho chim ăn là một hành động nhân đạo bởi vì người chết rồi mà lại có ích cho các sinh linh khác (làm thức ăn cho kềnh kềnh); thứ hai họ cũng theo quan niệm “cát bụi trở về với cát bụi” việc ném xác chết vào tự nhiên là để cho thân  thể ấy được quay về với tự nhiên; thứ ba, xác chết bị chim ăn hết thì linh hồn sẽ được siêu thoát (vì vậy nếu chim ăn không hết thì đó là điềm không lành); thứ tư, chim thì bay lên trời phải không các bạn, vì vậy việc chim nuốt xác chết họ vào bụng thì xem như họ được bay lên trời rồi.

Các bạn thấy việc thiên táng thoạt nghe có vẻ ghê rợn nhưng lại đầy ý nghĩa ghê chưa. Vì vậy nếu có chết thì đừng quên di chúc là được thiên táng nhé (khekhekhekhe).

Bãi đất thiên táng của làng Langmusi mà tôi đến tham quan thật ra lúc ấy chả thấy thi thể nào đâu (bởi vì khi đó không có ai chết và thi thể thì phải được chim chén sạch sau khi chặt chém hết rồi.) Nếu còn thì chỉ còn lại tóc tai vương vãi khắp nơi và dao búa dụng cụ chặt chém được để lại trên núi ấy.

Ngoài ra các bạn còn thấy găng tay mà các Lạt ma đeo để phanh thây xác chết ở khắp nơi.

Đặc biệt ở đây dù không có cái xác nào nhưng mùi thịt tanh vô cùng. Vì vậy mà những du khách người Hoa đi trước tôi sau khi trở ra ói tại chỗ. Lúc đầu tôi không biết vì sao họ ói, sau khi đi sâu vào thì mới cái phát hiện ra mùi tanh đặc trưng ở những “lò mổ.” May là tôi có đem theo khẩu trang nên có thể dung dăng dung dẻ ở bãi tha ma này mà chụp hình (lúc ấy mọi người trở ra hết, tôi ở lại một mình mới ớn chứ). Dù sao thì cái mùi tanh ấy vẫn ở trong cuống họng tôi đến tận chiều. Khi đến khu thiên táng thì các bạn đừng quên mang theo khẩu trang và phải mang vào từ xa đấy nhé!

Từ nơi thiên táng thì tôi đi bộ xuống núi trở vào thiền viện Sertri Gompa (dĩ nhiên là khỏi mua vé rồi.) Thực ra các thiền viện Tây Tạng đều tương tự nhau. Sự khác biệt chỉ nằm ở qui mô lớn nhỏ và việc trang trí hoa văn nhiều ít mà thôi. Từ Ấn độ, đến Mông cổ rồi lại sang Trung Quốc, tôi đã ra vào biết bao nhiêu thiền viện Tây Tạng rồi nên không đặc biệt hứng thú mấy đâu. Nơi nào cũng tương tự nhau mà.

Tại Langmusi, xe buýt khởi hành đi Hezou và các khu vực gần đấy cũng không nhiều lắm. Để đi đến Zoige (tiếng Tạng – tiếng Hoa là Rouergai), tôi phải dậy thật sớm để đón chuyến xe duy nhất trong ngày lúc 6h30 sáng nhưng tôi dậy muộn, vậy là đành ở lại thêm một đêm. Xe buýt khởi hành đi Jiuzhaigou (Cửu trại câu) vào lúc 3h chiều.

Có thêm một ngày tại Langmusi. Tôi đi quanh làng xem người Tây Tạng và các dân tộc khác. Ghê nhất là ở đây còn cầu cá ấy các bạn. Các nhà vệ sinh được xây ngay trên sông.

Ở Trung Quốc, chớ dại dột mà uống nước sông nhé. Không biết họ có sử dụng nước sông này để nấu ăn không chứ tôi thấy họ giặt giũ ngay trên sông này luôn đấy.

Tôi đi lòng vòng thì thấy các vị sư đang làm lễ do Phật tử cúng dường. Họ ném khăn và hạt đậu vào bếp lửa.



Sau đó họ vào bên trong chùa làm lễ và tôi không được phép vào. Khi tôi đang tần ngẩn trước cổng chùa sau khi bị đuổi ra thì có 3 đứa bé Tây Tạng tiếp cận tôi và hỏi tôi muốn đi đâu.

Không biết! Thế là bọn chúng đi về phía con suối gần thiền viện Kirti Gompa, nơi này tôi đã đến rồi nhưng dự định quay lại đó để ngồi trên cỏ ngắm du khách, giống như mấy người dân địa phương vậy đó. Tại đây ba đứa trẻ “nhường” tôi lại cho hai đứa bé Tây Tạng khác, 13 tuổi. Hình như bọn chúng muốn làm hướng dẫn viên cho tôi thì phải nhưng tôi đâu có cần.

Hai đứa bé rủ tôi về nhà chúng chơi. Trên đường đi, bọn chúng kể cho tôi nghe rằng làng Langmusi không có trường trung học, chỉ có trường tiểu học mà thôi. Bọn chúng phải đến Zoige học trung học. Bạn học của chúng toàn là người Tạng cả, họ đến từ các vùng lân cận. Lý do: giáo viên ở Zoige nổi tiếng dạy giỏi. Ở trường chúng học 3 thứ tiếng: tiếng Hoa, tiếng Tạng và tiếng Anh. Mỗi học kỳ, tiền học và ở là 500 tệ, tiền ăn mỗi tháng là 150 tệ. Vị chi mỗi học kỳ bố mẹ họ phải chi 1.200 tệ cho họ. Họ còn có anh và chị đang là sinh viên đại học nữa. Hiện tại anh chị họ đang làm tình nguyện cho các hostel ở các địa phương khác. Việc sinh viên Trung Quốc mùa hè đi làm tình nguyện cho các hostel không còn hiếm nữa. Riêng tại hostel tôi đang ở, có 3 sinh viên như thế rồi, họ được ăn ở miễn phí và không có lương; tuy nhiên họ được tiếp xúc với du khách nước ngoài và nói tiếng Anh mỗi ngày.

Thực sự nhà của hai đứa bé Tạng này không nghèo, mà có vẻ khá giả nữa, nhà gỗ, hai tầng, phòng khách trải thảm rất đẹp, phòng có tivi, tiện nghi đầy đủ.



Họ mời tôi ăn món bột champa (đặc sản của dân Tây Tạng) trộn với nước bơ từ bò yak, lấy ngón tay quậy lên cho vón cục rồi ăn (khó ăn vô cùng).
Chỉ có dân Tây Tạng mới ăn nổi món này thôi.

Tại đây, tôi thấy họ sử dụng bếp nấu bằng năng lượng mặt trời mới ghê. Một cái trông giống như parapol của tivi đặt giữa sân, chính giữa là một cái que sắt cắm lên, trên đó là một cái bếp, tôi thấy họ đặt ấm lên bếp này và nấu như người ta nấu bếp điện vậy đó. Trung Quốc quả thật hiện đại các bạn nhỉ? Họ sử dụng đủ mọi nguồn nhiên liệu luôn ấy.

Từ nhà hai đứa trẻ này ra, tôi dẫn bọn chúng về nhà hàng và đãi chúng món Xả cua. Dĩ nhiên là bọn chúng ăn cay còn tôi thì không. Sau đó chúng hỏi tôi có muốn xem phong cảnh không. Tôi nói không, tôi xem hai ngày trước đã đời rồi và muốn quay lại hostel để dùng wifi. Bọn chúng bảo tôi trả tiền mới ghê chứ. Tôi hỏi tiền gì, chúng nói là tiền dắt tôi đi nãy giờ. Dĩ nhiên là tôi không trả tiền một cách vớ vẩn như thế.

Trước đó, bọn trẻ có bảo tôi rằng bọn chúng vào mùa hè làm hướng dẫn cho khách vào hai thiền viện và xem phong cảnh quanh làng. Mỗi ngày là 100 tệ/du khách và mỗi giờ là 20 tệ. Thật sự tôi nghĩ lý do du khách trả tiền là do tội nghiệp bọn trẻ chứ giá cả như thế không rẻ và nếu trả giá đó thì thà họ thuê hướng dẫn người lớn hoặc chuyên nghiệp ấy chứ. Lúc về nhà một trong hai đứa trẻ, tôi hỏi bọn chúng du khách ở được không và họ nói được với giá 100 tệ/người (buồn cười nhỉ!) Thực sự theo tôi thì bọn chúng chỉ muốn moi tiền khách vì nghĩ đã là khách du lịch thì dễ dàng chi tiền (điều này có thể đúng với nhiều người chứ không phải với tôi.) Nhà họ có vẻ khá giả dù khi tôi hỏi bố mẹ làm nghề gì, họ bảo chẳng có nghề gì đâu, đi vắt sữa ở đâu đó (không hiểu sao họ lại giàu được nhỉ?)

Do hôm sau phải tạm biệt Langmusi để đi Zoige, tôi quay lại nhà hàng để ăn món Xả cua lần thứ hai trong ngày. Tại đây anh chàng chủ nhà hàng hỏi tôi có tiền Việt không đổi cho anh ta. Anh ta thích sưu tập tiền lắm. Vậy là tôi quay về hostel lấy tiền của các nước mà tôi đã đi ra, chọn mỗi nước một tờ, đem đến nhà hàng đổi cho anh ta. Wow, lúc đó tôi không nghĩ đến việc kinh doanh, chứ tôi mà bán lại cho anh ta thì….Tuy nhiên tôi cũng đổi với giá hời vô cùng. Lần sau thì tôi bán chứ không đổi đâu nhé (khekhekhe).

Khi tôi quay về hostel thì một cô sinh viên tình nguyện tại đây cho tôi biết có một nhóm các bạn trẻ người Hoa muốn thuê xe đi Zoige (Flower Lake) vào ngày hôm sau và đang thiếu một người. Họ hỏi tôi muốn tham gia không, họ sẽ đi lòng vòng qua ba địa điểm tham quan trước khi đến Zoige để chụp ảnh, ở đó một đêm và hôm sau thì đi Chengdu. Tôi đồng ý, đi thử cho biết ấy mà. Giá thuê xe đi Zoige là 400 tệ chia cho 7 người, 10h sáng đi đến chiều mới đến Zoige (thật ra đoạn đường từ Langmusi đến Zoige chỉ khoảng 1h trên xe buýt thôi và giá vé xe buýt là 25 tệ). Tuy nhiên họ ghé vào các điểm tham quan trên đường đi mà (tôi dám chắc các nơi này không miễn phí đâu nhé) và tôi đồng ý đi với họ.

Du khách hay đi cung đường tham quan có tên Fairy Kingdom: Chengdu-Jiuzhaigou-Zoige-Langmusi.


Kỳ sau: Lại trở về Trung Quốc (3): Zoige (Ruoergai – Flower Lake) và Huang He (sông Hoàng Hà)