CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Đạp xe từ Bodhgaya đến Sarnrth (Phần 5): 1 to 3 please!!!!



Đói meo, đã 3 ngày qua, mỗi ngày tôi gần như chỉ ăn có một bữa và lại đạp xe ngược gió. Còn 3 quả xoài, tôi ghé vào trước một ngôi nhà có vài chú trâu được cột đang ngáy ngủ và ngồi lên tấm phản để gặm xoài. Có một con trâu được thả rông (không có cột dây) nhăm nhe ngắm ngó tôi mãi, chắc muốn cướp xoài đây mà. Khi ăn vừa xong thì một người đàn ông từ làng ra và khi nhìn thấy tôi thì xăm xăm đi đến. Tôi ra lấy xe bỏ đi.

Lại ngược gió và trời nóng, mới 8h sáng mà tôi đã thấy lã người nên ghé quán dội nước vào người và uống chai.

Vẫn thấy đói nên tôi lại ghé quán trước một ngôi làng tìm mua bánh ngọt để ăn với chai. Tên bán bánh thật đáng ghét. Trong khi tôi xăm xoi mấy gói bánh loại Rs 5 thì hắn lấy từ trong ra mấy gói bánh to hơn loại Rs 10 và cho đưa tôi. Hắn nói giá Rs 15, tôi săm soi và chỉ cho thấy là bao bì chỉ ghi Rs 10 và đưa cho hắn Rs 10. Qua quán trà bên cạnh, tôi gọi 1 ly chai và mở gói bánh ra, bánh cũ nên bị rã cả; chắc bánh đắt tiền nên bị ế, thấy tôi là khách qua đường nên hắn muốn tống tháo hàng ế đây mà. Đáng ghét! Đáng lẽ qua trả lại cho hắn nhưng đói bụng quá nên tôi không muốn đôi co, lấy bánh cũ ra ăn luôn, chỉ ăn ½ gói do ngọt quá.

Dưới trời nắng gay gắt, một cái am của đạo Hindu dưới tán cây bồ đề xòe ra thật sum sê, xung quanh tráng xi măng sạch sẽ. Thật là chẳng khác gì một ốc đảo giữa sa mạc cả. Phía sau có cả một bức tường gạch nơi tôi có thể giấu xe đạp và ngồi sau cây bồ đề thì có thể tránh được người địa phương dòm ngó. Vậy là dừng xe, dẫn qua phía bên kia đường.

Thật khoan khoái dễ chịu khi được ngồi dưới cội bồ đề râm mát. Bên cạnh là một cái ao cá, nước dơ quá nên không sử dụng để rửa ráy gì được cả. Tôi giận mình đã không lấy nước mang theo ở các quán dừng trước đó. Bây giờ tôi chỉ còn ½ lít nước thôi. Phía sau có cả bếp củi và cành lá khô nữa cơ. Tôi cứ thầm nghĩ: giá mình có thêm nước thì sẽ đun nấu mì gói ăn luôn thì tuyệt biết bao. Tuy nhiên mơ ước chỉ là mơ ước.

Tôi ngồi cố giấu mình sau cội bồ đề để không ai nhìn thấy. Một tên Ấn từ đâu chạy đến và tè ngay gần am; tôi nghĩ sao lại tè gần thần linh thế nhỉ! Trong lúc đang trút bầu tâm sự, hắn kinh ngạc thấy tôi ngồi thu lu gần đó; xe đạp tôi giấu rồi nên hắn chả thấy. Tôi đảm bảo hắn kinh ngạc đến cả tháng vì thấy tôi không có hành lý gì cả tự nhiên ngồi một mình giữa ốc đảo.

Lúc ấy tôi cũng hơi lo vì hắn đã thấy mình rồi nhưng khi hắn ra ngòai, dõi theo, thì ra hắn lái xe tuk tuk và chỉ dừng lại để trút tâm sự vào cây thôi.

Tôi lại an tâm nghỉ ngơi. Thoáng bên kia đường có người đang phơi phóng gì đó. Vậy là bên đó có làng. Hy vọng họ không qua đây.

Đang sắp xếp hành lý trên xe đạp đằng sau bức tường thì tôi thoáng giật mình khi thấy một người mặc đồ trắng băng qua đường hướng về phía am. Tôi hạ thấp đầu xuống để hắn không thấy nhưng tìm mãi chả thấy hắn đâu. Lạ nhỉ?

Giật bắn người khi thấy một cặp mắt đang chăm chú nhìn tôi từ phía ao cá. Thì ra hắn không đến am mà đi đến ao cá. Tôi hết cả hồn vía vì am vắng, bức tường chắn lý tưởng nên hắn mà vào đè tôi thì chắc chết. Tôi vội vã định đẩy xe đi thì hắn nói: water, water và ra dấu bảo tôi đưa chai cho hắn đi lấy nước.

Thấy hắn có thiện ý nên tôi đưa chai không. Từ bên đường, một thanh niên và hai đứa trẻ băng qua. Hắn quát bảo một đứa trẻ đi về làng lấy nước cho tôi rồi rất…….. tự nhiên cùng người thanh niên……….cởi quần áo ra, chỉ mặc đồ lót và từ từ tiến đến……………………………… ao cá. Thì ra bọn họ muốn bắt cá về ăn trưa.

Không cảm thấy bị nguy hiểm, tôi ngồi trên bờ xem họ giăng lưới bắt cá dưới ao và chờ đứa bé mang nước đến. Người đàn ông trông lớn tuổi nhưng phải công nhận cặp đùi ông ta sexy dễ sợ, thon dài săn chắc. Àh tôi chỉ nhìn đùi thôi chứ không có nhìn mấy chỗ khác à nghen, chớ tưởng bở nghen các bạn! Hehehehehehehehe.

Đứa bé xách chai nước 2 lít qua. Tôi đưa cho viên kẹo, nó nhận; tôi lấy ½ gói bánh ăn dở ra đưa; nó không nhận. Ông già sexy dưới ao quát lên bảo nó nhận.

Có nước rồi nên tôi vào thổi lửa nấu nước. Lúc còn ở Việt Nam chưa bao giờ tôi nhóm được bếp củi nếu không có dầu lửa rưới nhưng bây giờ tự nhiên chỉ có cây khô, giấy và diêm mà tôi cũng nhóm được đấy. May là các nhánh cây khô và lá khô có người gom lại sẳn. Nhưng cũng phải bốc khói lắm tôi mới nhóm lên lửa đấy.

Cái ca inox đã đi theo tôi mấy năm có đủ công dụng ghê; bây giờ trở thành nồi nữa cơ. Dù lửa làm cho cái đáy trắng phau của nó trở nên đen thui nhưng phải giải quyết cái đói trước.

Tôi cho luôn hai gói mì ăn liền Maggi vào và đun đến 1 lít nước, ăn cho bõ ghét 3 ngày đói ấy mà.

Cuối cùng tôi bê ca mì đầy nhóc bốc khói ra ngoài vừa ăn vừa xem họ bắt cá. Họ từ ao đi lên và đòi uống nước do bánh ngọt tôi đưa làm họ chết khát. Tôi làm lơ bởi không muốn họ uống từ chai của mình (công nhận tôi ích kỷ ghê!). Ông già sexy quát bảo một đứa trẻ về làng lấy nước. Khoảng 10 phút sau nó mới khệ nệ khiêng một xô inox đầy nước sang. Họ uống và đòi tôi cho thêm bánh để ăn. Tôi bảo hết rồi, có nhiêu đó thôi, làm gì còn nữa mà đòi.

Họ lại xuống ao bắt cá; có một thanh niên và một ông cụ từ làng sang giúp họ bắt cá. Tôi ăn xong thì nằm luôn xuống cạnh cây bồ đề ngủ. Nền xi măng nóng quá nên tôi vào bức tường chỗ để xe đạp ngủ. Cũng nghỉ ngơi đã đời thì nghe tiếng họ. Vậy là họ đã bắt xong cá.

Họ vào ngó tôi làm tôi phải ngồi dậy. Lúc ấy mới khoảng 1h nên tôi chưa muốn đi mà tìm bóng mát ngồi tiếp. Họ thu dọn hành lý rồi ra về. Một bọc cá nặng trĩu. Họ ra dấu bảo tôi về làng ăn cá nhưng tôi lắc đầu. Ông già sexy ra dấu bảo tôi lấy cá vào bếp lửa kia nướng ăn. Tôi lắc đầu nhưng do mới học được kinh vãng sang nên tôi tiến đến bảo họ bỏ bọc cá xuống. Ông già sexy quát bọn trẻ mang dụng cụ về trước, còn lại ông ta, ông cụ và người thanh niên (hình như 3 thế hệ trong 1 gia đình thì phải). Tôi đọc kinh vãng sanh cho bọn cá chết và ra dấu bảo bọn cá sẽ vãng sanh.

Chắc thấy tôi thân thiện nên ông già sexy nói gì đó bằng tiếng Hindi và tôi hiểu rằng ông ta bảo tôi đi đi không nên ngủ ở đây, có thể bị hãm hiếp. Tôi gật đầu cười và ra dấu mình sẽ đi hướng đó. Ông ta cứ chỉ vào trong mãi nên tôi nghĩ ông ta muốn tôi đi ngay trước mặt họ chứ khi họ về làng rồi, tôi ở lại một mình sẽ bị nguy hiểm. Tôi gật đầu cười cười và đi vào trong. Ba người bọn họ đi theo và ngồi hàng ngang trước xe đạp xem tôi sắp hành lý.

Lúc ấy ông cụ nói tiếng Anh: “1 to 3 please” và chỉ vào tôi rồi chỉ vào 3 người bọn họ. Còn ông già sexy thì chỉ vào góc tường và ra dấu. Àh thì ra bây giờ tôi mới hiểu ý đồ của bọn họ: không phải họ lo tôi ngủ ở đó bị hãm hiếp mà họ muốn làm tình tập thể với tôi đây mà. Nổi da gà vì bị khuất sau bờ tường, đường lộ vắng vẻ; ba người họ mà xúm lại đè tôi là dễ như trở bàn tay. Trước đó do tôi hiểu sai nên gật đầu cười cười làm họ tưởng tôi đồng ý nên mới đi theo. Khi hiểu được ý định của họ, tôi bình tĩnh nhớ lại kinh nghiệm lần trước. Tắt nụ cười, tôi vội vã cho đồ đạc lên xe, đội nón và đẩy xe đi.

Theo tôi nghĩ, trong những tình huống như vậy, bạn mà nổi giận thì sẽ có hai khả năng xảy ra. Sự nổi giận của bạn làm cho họ bị kích động hoặc sự nổi giận của bạn làm cho họ bị chạm tự ái. Trong tình huống nào thì họ cũng sẽ manh động ngay lập tức. Khi bạn im lặng thì họ hy vọng bạn sẽ đồng ý nên không manh động mà có ý chờ sự hợp tác của bạn. Tuy nhiên phải nhanh chóng thoát khỏi nơi ấy càng sớm càng tốt. Khi họ biết rõ bạn không đồng ý thì có thể họ làm liều. Vì thế thà để họ phân vân xem bạn có đồng ý hay không rồi sau đó thoát đi ngay lập tức sẽ an toàn hơn.

Vội vã đẩy xe đạp ra ngoài đường leo lên đạp đi ngay, tôi thở cái phào. Quả là một tình huống cực nguy hiểm với tôi! May họ nghĩ tôi là người Nhật và chính phủ Nhật rất bảo hộ công dân mình. Khi công dân họ bị hại ở nước ngoài, họ “phong tỏa”nước đó ngay lập tức đến khi nào bắt được thủ phạm và xử lý đích đáng thì họ mới “giải phong” cho nước ấy. Có thể nghĩ tôi là người Nhật nên bọn họ không dám làm liều vì sợ tôi báo cảnh sát.

Tôi vẫn không hiểu vì sao họ dám cả gan đòi làm việc đó ngay cả tại am có thờ thần linh của họ. Hay họ là người Hồi chứ không phải người Hindu? Hay do biểu tượng cho thần Shiva (cha các vị thần) của họ là “cái đó” của nam và của nữ lồng vào nhau nên đối với họ việc làm tình ngay tại am là “hợp pháp” không sợ thần linh quở trách. Thật không hiểu nổi!

Tuy nhiên dù gì thì tôi cũng đã thoát ra khỏi tình huống nguy hiểm rồi, thật may mắn! Qua đó, tôi rút ra một kinh nghiệm. Đó là không bao giờ tiếp xúc lâu với đàn ông Ấn. Thường khi ngồi nghỉ mệt nơi nào khoảng 2 tiếng trở lên là tôi gặp vấn đề liền. Có vẻ như việc bạn ngồi lâu một nơi nào là một dấu hiệu gợi tình với họ hay sao ấy? Chắc họ nghĩ nếu không muốn làm tình với họ thì mắc gì phải ngồi đó lâu làm gì? Cái bọn đàn ông nhiều người thật khiến người khác bực mình; suốt ngày họ chỉ nghĩ đến việc làm tình thôi hay sao á? Àh mà phải rồi khoa học có chứng minh rồi mà: mỗi ngày nam giới trung bình nghĩ đến việc đó 20 lần thì nữ giới chỉ có nghĩ 5 lần thôi. Cơ thể nam và nữ khác nhau đến nỗi có câu nói sau: đàn ông lúc nào cũng muốn nhưng không phải lúc nào cũng có thể; còn phụ nữ lúc nào cũng có thể nhưng không phải lúc nào cũng muốn; bởi vậy mới có chuyện nam hãm hiếp nữ chứ có nữ nào hãm hiếp được nam không nhỉ?

Ra được khỏi tình huống nguy hiểm, tôi tìm quán cơm ghé. Thường tôi lại được an toàn trong các quán cơm giữa các tài xế xe tải. Có một quán khá đông đúc. Tôi dẫn xe vào một góc vắng người ngồi, mặc kệ ai nhìn thì nhìn. Thường mọi người thấy tôi với chiếc xe đầy hành lý ghé vào là họ bảo người mang nước uống đến cho tôi ngay. Thường trong mấy quán cơm như thế, tôi rất tự nhiên sử dụng nước. Tôi kỳ cọ cái ca đầy lọ nghẹ, thấm ướt quần áo và ngồi nghỉ ngơi đến 2 tiếng đồng hồ.

Khi kiểm tra bánh xe thì bánh xẹp nên tôi ra chỗ bơm đầu quán nhờ bơm giùm. Thường tôi ghé bơm xe ở mấy chỗ bơm bánh xe tải thì không bao giờ họ lấy tiền, họ còn khuyến khích nữa cơ. Do vòi ruột xe của tôi giống vòi xe máy nên tôi toàn bơm ở mấy chỗ bơm cho xe tải. Nơi bơm này cũng thế, lúc đầu họ tìm vòi gắn để bơm; tôi ra dấu là bơm trực tiếp thì họ làm và ngạc nhiên nói gì đó có chữ system – chắc nói hệ thống vòi xe đạp giống vòi xe tải hay sao á? Tôi thấy ở Ấn độ cũng có loại ruột xe đạp vòi thế này mà, chắc không phổ biến nên không biết chăng? Khi bơm xong, tôi hỏi tiền nhưng họ tưởng là tôi hỏi áp suất bánh nên họ lấy đồng hồ đo áp suất ra đo và bảo mỗi bánh áp suất 40 là tốt. Lúc ấy có nhiều tài xế xe tải quay quanh để nhìn và “tám.” Bơm xong họ khoác tay bảo lên đường bình an chứ chả ai bảo phải trả tiền cả.

Khi qua khỏi hạt Bihar và bắt đầu vào hạt Uttar Pradesh, cách Varanasi khoảng 30 cây số thì tôi ghé chợ ăn trứng và chowmin. Tại đây tôi chụp ảnh cách làm egg rolls kiểu Ấn. Xem hình tại đây

Mọi người xúm lại xem tôi và họ ngạc nhiên thấy tôi uống nước icetea. Họ hỏi bộ uống xăng hả? Tôi gật đầu ra dấu bảo xe chạy cần xăng thì tôi cũng cần có xăng mới vận hành được chứ. Họ ngờ ngợ rồi hỏi tôi nói thiệt hay giỡn vậy chứ xăng thì làm sao mà uống. Buồn cười quá, tôi cười hahaha rồi bảo đây là nước trà chứ xăng gì.

Có một thanh niên thấy tôi cứ đứng chụp ảnh cách làm egg rolls mãi nên mua một cái giá Rs 20 và mời tôi ăn nhưng lúc ấy tôi no rồi nên không ăn.

So với Bihar thì hạt Uttar Pradesh (gọi tắt là UP) quả là đẹp hơn, có nhiều cây xanh, đường lộ đẹp hơn và không khí thì mát mẻ. Tôi ghé hỏi xin nước uống thì họ cũng rất vui vẻ.


Chạy mãi còn khoảng 20 cây nữa là đến Varanasi thì trời tối. Tôi ghé chỗ hai người cảnh sát giao thông ngồi ăn chặn tiền xe qua lại chơi và hỏi có đồn cảnh sát gần đây không. Họ bảo đi khoảng 4 cây thì có. Nếu không thì rẽ vào thị trấn ấy đi khoảng 1 cây cũng có.

Tôi làm biếng băng qua dòng xe cộ để rẽ (do đường lộ đang sửa chữa nên không sử dụng được đường hầm chui) nên chạy thẳng. Có tiếng còi tin tin inh ỏi phía sau, tôi nghĩ xe taxi muốn tìm mối nên không thèm quan tâm. Chiếc xe ấy chạy qua khỏi tôi rồi dừng lại. Một người ăn mặc như quân đội hay cảnh sát gì đó xuống xe chặn tôi lại và nói gì đó. Tôi nói tiếng Anh là tôi không hiểu ông ta nói gì; tôi đang tìm đồn cảnh sát để ngủ và hỏi ông ta có biết nơi nào gần nhất không. Ông ta bảo không biết rồi lên xe đi. Lúc ấy tôi thấy sau lưng xe có chữ “army.” Chả hiểu ông ta muốn gì. Có thể ông ta muốn kiểm tra hành lý hay muốn bảo rằng đạp xe đường lộ là nguy hiểm. Chả hiểu.

Tôi chạy mãi trên đường đang sữa chữa nên bụi mù trời và tối thui. Hai cây đèn pin đã sử dụng mấy ngày nên cần được sạc yếu xìu không rọi được gì cả. Tôi cứ thế mà phóng xe đi. Đã thế thấy một chiếc xe tải không hiểu tông kiểu gì mà đầu xe móp nát bét nhìn thấy mà ghê.

Cách Varanasi còn khoảng 4-5 cây, tôi dừng lại ở một cây xăng để xin nước uống. Họ chỉ tôi lại chỗ toilet. Tôi rửa mặt mày tay chân thôi chứ dám hứng uống đâu. Xong tôi ra phản ngồi nghỉ. Họ nhìn chiếc xe của tôi và bàn tán xôn xao. Họ hỏi đi marketing à? Tôi lắc đầu. Họ tưởng tôi là người Ấn và không biết tiếng Hindi.

Thấy nơi này có vẻ dễ chịu và an toàn (có cả một người bảo vệ ôm súng AK nữa cơ). Tôi chỉ ra bãi cỏ phía sau ra dấu hỏi: ngủ ở đây được không? Họ bảo được. Tôi lấy đồ ra trải nằm nghỉ. Họ khiêng tấm phản ra xa tôi một tí rồi lên đó nằm. Đang nằm ngắm trăng thì giật mình vì có người đang đứng lấy quần áo gần đó.

Họ thảy cho tôi cái mền. Thường ở đâu mà đàn ông giữ khoảng cách với bạn và thậm không dám đưa đồ trực tiếp cho bạn thì nơi đó bạn an toàn. Nghĩ bụng chắc ngủ ở đây không sao nên tôi trở lại xe lấy lều ra giăng. Tôi cố ý xoay cửa lều ra phía sau để họ không nhìn thấy tôi mở lều ra vào như thế nào. Như thế thì họ sẽ không biết làm cách nào để vào lều. Xong xuôi thì tôi ra dội nước vào người cho mát.

Tôi chui vào lều yên vị. Bên ngoài nghe tiếng xì xầm. Thậm chí có người đến đổ xăng thì tiện ghé xem lều của tôi luôn. Tôi mặc kệ, cứ nằm bên trong một cách khoan khoái, đã có lều che đậy rồi mà.

Tôi ngủ trên bãi cỏ đấy.

Tôi ngủ thế mà ngon ghê. Đến 5h thì họ đánh thức dậy. Thu dọn xong là 6h, tôi lên đường tiến về Varanasi.

Kỳ sau: Đạp xe từ Bodhgaya đến Sarnarth (Phần 6): Tiến về Sarnath (Vườn Lộc Uyển)

2 nhận xét:

  1. Nguy hiểm quá chị ơi. Em chỉ mới đọc thôi mà toát mồ hôi hột rồi. Có vẻ bên Ấn lắm người "gạ tình" nhỉ? Em nghĩ do bên Ân không tôn trọng phụ nữ lắm nên đàn ông họ thường có những hành động thái độ coi rẻ phụ nữ, chứ nếu họ tôn trọng phụ nữ họ không xấc láo vậy đâu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đâu chỉ đàn ông Ấn mới coi rẻ phụ nữ, đàn ông các nước khác, kể cả việt Nam cũng thế mà!

      Xóa