CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

8 cách để luôn là người bình tĩnh và điềm đạm

Xem nguồn bài viết ở đây

(SKGĐ) Nếu bạn muốn giảm căng thẳng và giữ lấy sự bình tĩnh, điềm đạm cho mình, hãy tham khảo 8 bí quyết dưới đây.

1. Để mọi việc diễn ra tự nhiên
Làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn chẳng giúp ích gì cho bạn cả, vì nó đã ở đấy rồi. Tốt nhất cứ để mọi việc diễn ra tự nhiên.
2. Hít thở
Khi bạn vướng phải một tình huống căng thẳng, hãy dừng lại một phút và làm những bước sau:
- Hít thở sâu bằng bụng 5 lần.
- Tưởng tượng mỗi lần thở ra là bạn tống căng thẳng ra ngoài.
- Mỉm cười, nếu cần thiết hãy giả vờ cười, bạn sẽ thấy khó mà nhăn nhó với một nụ cười trên gương mặt.
- Hãy thực hành bài tập này thường xuyên, ở công sở cũng như ở nhà, nếu bạn thấy cần thiết.
3. Hãy thả lỏng người
Sau khi tập hít thở sâu, hãy kiểm tra xem trên cơ thể bạn có nơi nào chưa thả lỏng tự nhiên hay không.
Massage nhẹ nhàng những vùng đang căng thẳng để đưa cơ thể về trạng thái thư giãn hoàn toàn (cũng nên tưởng tượng rằng bạn đang ở một nơi nào đó làm bạn thấy yên bình: bãi biển, bồn tắm nước nóng, hoặc trên một con đường quê...).

 
 
4. Ăn chậm nhai kỹ
Nếu bạn muốn tập kiên nhẫn và giảm béo, hãy ăn uống chậm rãi. Nhét vội nhét vàng thức ăn vào mồm sẽ khiến bạn ăn nhiều hơn mức cần thiết (và dẫn đến đau dạ dày).
 Hãy dành thời gian cảm nhận hương vị của món ăn như một người ăn uống sành điệu. Nhai chậm và đoán xem món ăn bạn đang thưởng thức gồm có những nguyên liệu nào. Nhai chậm còn giúp bạn tránh khỏi những cơn đói bụng bất chợt giữa đêm khuya.
5. Tận hưởng trên từng chặng đường đi
Cứ chăm chăm vào đích đến cuối cùng sẽ nhanh chóng làm bạn đuối sức. Nếu bạn đang đeo đuổi một mục tiêu to lớn, liều lĩnh, đòi hỏi nhiều thời gian và lòng nhẫn nại, hãy chia nhỏ chặng đường thành nhiều cột mốc, và ăn mừng mỗi khi bạn vượt qua từng cột mốc ấy.
Những phản hồi tích cực, đến thường xuyên, sẽ giúp bạn kiên trì hơn, vững lòng hơn, và tìm thấy nhiều niềm vui trong quá trình đạt được mục tiêu của mình.
6. Đánh giá toàn cục
Lần sau khi bạn thấy thật căng thẳng, hãy hít thở thật sâu, và tự đánh giá lại:
Việc này có ảnh hưởng gì đến mình? Và hãy yên tâm rằng nó chẳng ảnh hưởng gì cả. Hầu hết mọi sự phiền muộn của bạn sẽ chẳng can hệ gì đến tuần sau (thậm chí, nó còn chẳng ảnh hưởng gì đến ngày mai). Đừng tự làm đau khổ mình vì những thứ không nằm trong tầm kiểm soát.
7. Đừng đòi hỏi bản thân phải hoàn hảo
Chẳng hề gì nếu bạn không phải là một người hoàn hảo. Tất cả những người ra vẻ hoàn hảo đều là người giả dối. Khi bạn đòi hỏi bản thân và người khác phải hoàn hảo, bạn chỉ làm khổ mình thôi.

 
 
8. Luyện tập sự nhẫn nại hàng ngày
Mỗi ngày, bạn có thể luyện tính nhẫn nại, và khả năng đương đầu với sự căng thẳng, theo những cách như: khi xếp hàng trong cửa hàng bách hóa, hãy chọn hàng dài nhất, đi dạo qua những công viên hoặc đường quê hẻo lánh…
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)


10 LÝ DO KHIẾN NGƯỜI BHUTAN HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI

 Xem nguồn bài viết ở đây

Bhutan là quốc gia nằm ở Nam Á, giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Đất nước này được biết đến là quốc gia có diện tích bé nhỏ nhưng người dân lại có cuộc sống hạnh phúc. Và đây là 10 lý do vì sao họ cảm thấy hạnh phúc.
1. Họ thường xuyên tìm kiếm sự hạnh phúc về tinh thần
Khác với thế giới phương Tây, con người cảm thấy hạnh phúc khi được sở hữu những của cải vật chất hiện đại như xe hơi, điện thoại, du thuyền…và ngược lại, sẽ cảm thấy bất hạnh khi không thể có những thứ đó, ở Bhutan, người dân mới chỉ để cho toàn cầu hóa tác động trong vài năm trở lại đây và họ ứng xử theo cách cân bằng những sở hữu về tài sản với sự hạnh phúc về tinh thần. Họ không cảm thấy phải suy nghĩ gì nếu họ không có chiếc iphone mới nhất, bởi đơn giản, được sống đã là hạnh phúc.
2. Có tăng trưởng GDP nhanh
Bằng việc cho phép Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực thủy điện ở nước mình, Bhutan tạo thu nhập cho họ mà người dân cũng không phải làm gì nhiều. Họ cho rằng khai thác nguồn tài nguyên một cách hợp lý cũng là cách làm cho họ hạnh phúc.
3. Không quan tâm đến TV, đài hay internet
Hãy đối mặt với điều này, đó là những phương tiện trên thường mang đến cho chúng ta cảm giác khủng hoảng đối với bản thân. Bởi vì trên đó, trong các bộ phim, thường chúng ta thấy những người giàu, đi xe hơi và có nhiều tiền, làm cho chúng ta cảm thấy ganh tỵ. Còn những dòng tin trên internet thường tràn ngập những vụ án hình sự, khủng bố, chiến tranh…Chúng ta cảm thấy bị ám ảnh bởi những bản tin hoặc buồn bực khi không nhận lại được “like” cho bài đăng trên Facebook. Vì thế, người Bhutan không quan tâm đến những thứ này.
4. 50% diện tích đất nước được bảo vệ như rừng quốc gia
Họ rất quan tâm đến môi trường, vì vậy đến một nửa đất nước được bảo vệ trong các khu vườn quốc gia. Việc phá rừng bị ngăn cấm triệt để. Người dân cảm thấy hạnh phúc hơn khi họ được sống trong môi trường tốt.
5. Đa số người dân theo đạo Phật
Đạo Phật là một trong những tôn giáo tiết chế và từ bi nhất trên thế giới. Vì đa phần người dân theo đạo Phật, họ tin vào luật nhân quả khi cho rằng, họ sống cuộc sống tốt đẹp bây giờ sẽ nhận được kết quả tốt đẹp trong kiếp sau. Điều này thôi thúc họ sống một cuộc sống từ bi, nhân ái, làm những việc tốt cho người khác.
6. Họ đánh giá sự hạnh phúc của mình
Ở Bhutan chính phủ đưa ra một chỉ số gọi là chỉ số Hạnh phúc quốc gia (gross national happiness) để đong đếm hạnh phúc của người dân. Cho dù chính phủ Bhutan chưa phải là hoàn hảo trong việc đem đến hạnh phúc cho dân của họ, song thực tế là họ luôn có ý thức phải mang lại hạnh phúc cho người dân của mình.
7. Sống ở những nơi thơ mộng
Đất nước Bhutan nằm trên dãy Himalaya và có tới 60% diện tích đất nước là những nơi hoang dã chưa có người đặt chân đến. Người Bhutan đến đó trong những dịp du lịch, nghỉ ngơi và họ cảm thấy sung sướng hơn với người dân của các nước luôn phải chen chúc trong các đô thị ngột ngạt.
8. Khoảng cách giữa người bình dân và hoàng gia không xa cách
Người Bhutan rất thân thiện với nhau, không kể tầng lớp xuất thân. Một hoàng tử của hoàng gia có thể cùng chơi bóng với các học sinh bình thường khác mà không có sự phân biệt. Sự gần gũi này khiến con người mến nhau hơn.
9. Có chế độ nghỉ ngơi tốt
Theo một khảo sát, có đến 2/3 người dân Bhutan ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm, khác hẳn với cuộc sống ở các nước công nghiệp khi người ta bận làm việc và vui chơi tối ngày quên ngủ. Ngủ đủ, nghỉ ngơi tốt đồng nghĩa với việc người ta cảm thấy khỏe khoắn và hạnh phúc hơn.
10. Mức độ ô nhiễm rất thấp
Với điều kiện tự nhiên cho phép, người dân Bhutan sống trong một bầu không khi trong lành, ít bị ô nhiễm.
Bhutan ngày nay vẫn khá cô lập với thế giới, điều này khiến họ vẫn duy trì những giá trị cổ xưa, thậm chí là lạc hậu so với tiêu chuẩn của thế giới hiện đại. Thế nhưng, vẫn có những thứ mà chúng ta có thể học được từ cuộc sống của họ để khiến cuộc sống của ta hạnh phúc hơn.
 

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Đi phượt được gì?

 Xem nguồn bài viết ở đây

Như một thủ tục khi nhận lớp mới, giáo sư người Đan Mạch, thầy Flemming Svith, gửi “sơ yếu lý lịch” của mình cho cả lớp xem trước. Lẫn trong các thành tích nghiên cứu khoa học, tôi thấy ngạc nhiên khi lý lịch có ghi hai năm kinh nghiệm “du lịch bụi” (backpacking) ở Nam Mỹ.
Lần đầu tiên tôi thấy một học giả ghi nhận quãng thời gian “lông bông” của mình vào CV. Sau này có dịp nói chuyện nhiều hơn, thầy bảo rất tự hào về hành trình đó. Ông nói đó là hai năm giúp ông tìm ra lẽ sống đời mình.
Thầy Flemming có hai đứa con trai. Người con đầu của ông chết đuối khi đi tình nguyện ở Kenya, bi kịch đến bây giờ tôi vẫn thấy nỗi buồn trong mắt ông. Nhưng ông không cản đứa con thứ hai ra đi khi cậu muốn sang Italy du học. Một người tìm được mình từ những chuyến đi sẽ hiểu được giá trị của nó lớn như thế nào.
Không ít người phương Tây giống như thầy Flemming. Họ đã khao khát khám phá thế giới từ gần một nghìn năm trước, với Marco Polo và “Con đường tơ lụa” nối châu Âu với châu Á. Khi người Việt, người Trung đang bế quan tỏa cảng thì Columbus tìm ra châu Mỹ, rồi Magellan đi vòng quanh địa cầu.
Thế hệ con cháu của họ bây giờ vẫn tiếp tục xách ba lô và du hành khắp năm châu. Với họ, du hành không phải là hiện tượng, mà trở thành một chuyện bình thường. Hầu hết các bạn trẻ đều dành một năm trống (gap year) sau cấp 3 để “đi bụi” trước khi vào đại học hoặc đi làm.
Ở Việt Nam trong vòng chục năm trở lại đây, giới trẻ xê dịch nhiều hơn. Ngồi lên xe máy đi “phượt” đến các miền xa của Tổ quốc, hay xách ba lô du lịch bụi ở nước ngoài, bằng cách này hay cách khác, họ đã dần bước chân ra để nhìn cuộc sống bằng chính đôi mắt của mình.
Trong một nền văn hóa truyền thống đề cao trật tự và ổn định, việc đi lại không chủ đích này nhận nhiều chỉ trích. Có người cho rằng đó là việc vô bổ, phí thời gian. Người thì sợ những hiểm nguy trên đường: từ tai nạn xe cộ cho đến gặp kẻ xấu. Người lại lo con cái mải chơi mà xao nhãng học hành, sự nghiệp.
Cá nhân tôi cho rằng trong cuộc sống, việc gì cũng có chi phí cơ hội: được cái này thì phải mất cái khác. Nhưng tôi nghĩ, dù có tính đến tất cả những rủi ro ở trên, thì việc đi ra, nhìn thấy, và nghe thấy thế giới cũng đáng để làm. Vì cuộc sống không chỉ gói gọn trên màn hình máy tính hay trong bốn bức tường lớp học.
Đi nhiều không đảm bảo cho sự thành đạt, nhưng chắc chắn nó sẽ làm giàu thêm vốn sống của mỗi người. Những người tôi gặp trên các chuyến đi, ở Việt Nam hay nước ngoài, đều nhìn thế giới bằng tấm lòng cởi mở và bao dung với sự khác biệt. Họ kết bạn không phân biệt màu da, chủng tộc, tuổi tác, hay thậm chí là ngôn ngữ. Họ cũng trưởng thành và dễ thích nghi với môi trường sống khác nhau. Trong một thế giới mở như hiện nay, đó có lẽ là những tính cách quan trọng để tồn tại.
Những chuyến đi cũng có hiệu quả trong việc khơi gợi tình yêu đồng bào và xứ sở, thứ mà từ lâu xã hội vẫn cho là đang mất dần đi trong thời buổi kinh tế thị trường. Bởi không có gì đi thẳng đến trái tim nhanh bằng những gì hiện ra trước mắt.
Về miền Tây mùa nước nổi, chúng ta không chỉ thấy đồng quê thanh bình mà cả cuộc sống lam lũ của người nông dân. Lên Hà Giang để chụp ảnh với hoa tam giác mạch và đại đèo Mã Pí Lèng, nhưng cũng để thấy những đứa trẻ không quần áo mặc vẫy tay chào trong sương mù rét căm căm. Những chuyến đi, dù với mục đích gì, đều tạo ra sợi dây gắn bó vô hình với mảnh đất mình đi qua.
Có thể chúng ta sẽ phải trải qua những giây phút mệt mỏi trên đường dài, hay khoảnh khắc đáng sợ như cô gái Việt bị kẹt trong bão tuyết trên dãy Himalaya. Nhưng đổi lại sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ và quan trọng hơn, là một con người trưởng thành.
Một nhà triết học cổ đại từng nói “thế giới là một cuốn sách, những người không du hành chỉ đọc duy nhất một trang”. Muốn hoàn thành cuốn sách vĩ đại đó, chúng ta phải đi khi còn có thể.
Nguyễn Khắc Giang


Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Chọn bạn làm ăn (1)

100 bài dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70
----------------------------------------------------------------------
Chọn bạn làm ăn (1)

Xem bài 2 ở đây

Chắc các bạn từng đọc bài “Hùn hạp làm ăn”, cứ 3 anh A,B,C hợp tác sau vài năm, phần lớn tan vỡ không nhìn mặt nhau, chỉ còn 1 tỷ lệ nhỏ là thành công. Các bạn trẻ thấy ở ngoài xã hội có quá nhiều trường hợp như vậy nên sợ, thôi tự làm một mình. Nhưng nếu tự làm 1 mình thì sao đủ lực. Vốn cùng cần hùn. Sức cần hùn. Trí cần hùn. Chứ 1 mình thì không đi xa được. Vậy ai có thể chọn để hùn đây?
Trong tiếng Việt, hùn hạp là 1 từ hay. Hạp mới hùn. Nhưng hạp là 1 tính từ thay đổi theo thời gian, nay hạp, mai hết. Hết hạp thì cãi nhau. Nhiều bạn học, hồi đi học thấy hạp nhau quá, nên sau khi tốt nghiệp thì rủ nhau làm ăn. Vài ba năm tan vỡ, các buổi họp lớp từ đó không đầy đủ nữa.
Các bạn còn nhớ chuyện Tony giải tán nhóm kinh doanh chứ? Vì nhiều bạn trong đó chưa chi đã đòi chia lãi. Người này đòi phần hơn người kia. Như vậy, việc “CHỈ NGHĨ ĐẾN LỢI ÍCH CÁ NHÂN” là điều kiện đầu tiên để mình nhận ra người không nên hùn hạp. Kiểu người tiểu nông, “đèn nhà ai nấy rạng, gió chiều nào che chiều ấy” thì cà phê cà pháo cho vui, TUYỆT ĐỐI không hợp tác làm ăn.
Đặc trưng của nhóm này là sẵn sàng xé rào để được việc. Nếu kẹt xe, họ sẵn sàng chạy trên lề để nhanh hơn người khác. Xếp hàng, sẵn sàng chen ngang để mình được phục vụ nhanh hơn. Cái gì của chung họ cũng tha về cho gia đình họ, bất chấp đạp đổ cổng trường để con họ có 1 suất học tốt hay giật đồ cúng trên bàn thờ đức thánh Trần để có “lộc làm ăn”, hay đem hết hoa ở Bờ Hồ về nhà. Cứ miễn phí là họ mò đến, cái gì tốn tiền tốn công thì họ biến mất. Cứ quyền lợi là tranh giành còn nghĩa vụ thì “tôi không ngu”. Hợp tác với người này, tan vỡ là SỰ HIỂN NHIÊN. Nên trong hội đồng quản trị có thể loại này, thì giải tán cho xong, hoặc mình rút lui thật sớm.
Vậy yếu tố đầu tiên để nhận lời hùn hạp làm ăn là sự HÀO SẢNG của người rủ. Hào sảng là sự cho đi không toan tính. Hào sảng là sự chịu chơi, chơi đẹp mà không vì mục đích sĩ diện (có một số người cũng giả vờ hào sảng nhưng cốt là để lấy được sự nể trọng của người khác). Các bạn trong đội tình nguyện là một dạng người hào sảng. Vì các bạn sẵn sàng thức nguyên đêm thứ 7 để chuẩn bị chủ nhật bán hàng, tiền lãi dành mua áo ấm cho em nhỏ vùng cao chẳng hạn, thì đây là người có thể hy sinh lợi ích cá nhân vì người khác. Nên các bạn có thể làm ăn với nhau. Lưu ý chữ CÓ THỂ, vì còn thiếu 1 ĐK nữa là ĐK đủ, sẽ nói ở bài sau.
Còn với ai suy nghĩ “có điên mới làm cho thằng khác ăn”, thì phải tránh thật xa. Họ không nghĩ về người khác, không nghĩ cho người khác, thì họ sẽ tư lợi khi không ai kiểm soát. Họ sẽ vượt đèn đỏ khi không có cảnh sát giao thông. Họ sẽ quay bài khi không có giám thị. Họ sẽ đút túi 1 quả ớt khi chị bán rau mãi đếm tiền. Họ sẽ nói dối ngay để được lợi cho mình. Họ sẽ lấy tiền công ty cho chi tiêu cá nhân. Công ty cấp cho họ 1 số ĐT để liên lạc công việc, họ dùng để gọi việc cá nhân, dù họ có 1 số ĐT riêng nữa. Việc này không vặt vãnh tí nào, nó thể hiện cái nhập nhèm của mấy đứa tào lao bí đao. Công ty nào có thành phần đó trong hội đồng sáng lập, công ty đó sẽ đóng cửa, dù sớm hay muộn.
Đây là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ, các bạn theo dõi ở bài 2. Bạn trẻ đọc lại và học thuộc bài 1 trước khi học bài 2 nhé.

Loạt bài này hay nên tôi phải lưu lại trước khi họ xóa mất. Vô thường mà!

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Sự đơn điệu của hàng Việt

Xem nguồn bài viết ở đây

Sau mấy chục lần lê la hội chợ nông nghiệp công nghệ cao ở TP HCM, miền Đông và Tây, tôi hết háo hức như những ngày đầu. Hội chợ nào cũng quy tụ cả trăm hoặc hàng trăm gian hàng, nhưng các mặt hàng vẫn y chang nhau từ năm này qua năm khác.
Hầu hết là sản phẩm nông nghiệp thô, rất ít hoặc gần như không có giá trị gia tăng. Ví dụ hội chợ nông nghiệp công nghệ cao và thực phẩm vừa tổ chức ở TP HCM.
Cụm từ nông nghiệp công nghệ cao gần đây được nhắc tới và ca ngợi như một trào lưu nhưng tôi thấy nó thậm xưng quá. Chỉ với nguyên liệu sữa, Thụy Sĩ làm ra hàng chục loại bơ, yaour, phô mai, váng sữa... bán khắp thế giới, hầu hết giá cao, nhiều thứ được xếp vào mỹ vị. Với gạo, siêu thị Hàn Quốc bán cơ man sữa gạo đóng chai đủ hương vị, ngấm ngầm tạo nên một trào lưu ăn uống trong giới trẻ như trà sữa, chè khúc bạch một thời... Tài năng chế biến đó đáng giá vàng khối. Còn ta, vào hội chợ thấy dào dạt các thương hiệu mật ong và ca cao mới nhưng vẫn chỉ quẩn quanh mật ong nguyên chất và mật ong sữa chúa. Ca cao, thứ hạt vàng không ai ngờ phát triển tốt ở Việt Nam và đạt chất lượng cao, chủ yếu vẫn dừng ở dạng bột. Chocolate ngon tuyệt và giá cao bán chạy ở siêu thị vẫn từ Bỉ, Thụy Sĩ, Đức... do ổn định về chất lượng và phong phú chủng loại.
Đặc sản miền Tây Việt Nam ngon, nhưng vẫn là các loại khô ướp muối và khô tẩm gia vị tỏi ớt. Và do nguồn thủy sản tự nhiên ngày càng ít đi nên con cá con tôm ngày càng nhỏ lại, chỉ có giá tiền năm sau cao hơn năm trước. Nấm, cách đây mấy tháng dân Đồng Nai khóc ròng vì dội chợ, giờ bán lại cũng vẫn nấm tươi, nấm khô là bít cửa. Các mặt hàng chao nấm, hạt nêm nấm, trà nấm... từng được một doanh nghiệp ở Củ Chi giới thiệu và rất đắt hàng cách đây ít năm giờ biến đâu mất. Năm nay, một doanh nghiệp rụt rè giới thiệu mộc nhĩ sấy khô mặn ngọt và nấm bào ngư xé sợi tẩm gia vị thì mới chỉ ở dạng đầu bếp gia đình, chưa đạt tiêu chuẩn thương mại. Bưởi giẫm chân ở nước bưởi ép, mứt vỏ bưởi, rượu bưởi. Lâm Đồng vẫn các thứ sirô trái cây ngọt lịm và thơm ngát hương liệu, cùng các loại mứt trái cây muôn thuở. Dừa, ở xứ người dầu dừa tinh lọc đã phổ biến đến mức có công ty đặt sẵn bình dầu dừa tại sảnh để nhân viên, công nhân cứ đến làm việc là có thể uống vì rất tốt cho sức khỏe; còn mình, vẫn là kẹo dừa, có "sáng tạo" thì trộn thêm sầu riêng, hạt điều, đậu phụng... Quế vẫn là bột quế, lót giày quế, túi thơm to bằng nửa bàn tay bỏ trong tủ áo. Tôi hỏi thử túi thơm quế dạng nhỏ để đeo trong người, hoặc tất có lót quế áp vào gan bàn chân, đơn giản vậy nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.
Lội khắp siêu thị, khắp các hội chợ, tìm được một thứ nông sản Việt đã thoát khỏi dạng thô sơ sao hiếm hoi quá, huống chi đòi những thứ đã được chế biến tới mức tinh hoa. Vậy thì làm cách nào thực hiện nổi mơ ước Việt Nam được định danh là nhà bếp của thế giới, như "huyền thoại marketing thế giới" Phillip Kotler từng hào phóng phong tặng khi đến Việt Nam?
Đã ít tìm tòi nâng cấp sản phẩm, ngay trong cách đóng gói, nhiều doanh nghiệp cũng không hề để tâm. Hôm ở hội nghị sơ kết chương trình hợp tác thương mại giữa TP HCM và các tỉnh thành ngày 31/10, tôi thấy một doanh nghiệp hồ hởi quảng cáo thứ khô bò một nắng mới, có nhiều nhà phân phối xúm lại. Ăn thử thấy ngon, khô bò ẩm và mềm mại chứ không cứng như khô bò truyền thống, nhưng muốn mua ăn ngay thì đành chịu. Vì gói khô bò khá to, khoảng ba lạng đến cả ký, còn nguyên tảng và chưa làm chín, muốn ăn chỉ có cách mang về nhà chế biến lại.
Hầu hết đặc sản của các địa phương đều bán thô sơ như vậy. Chả mực Quảng Ninh nổi tiếng, khoai lang dẻo rất ngon của Đà Lạt, cũng đóng gói trọng lượng khá lớn, lại không có khay ăn, nĩa và gói tương ớt kèm theo để xé gói ra là có thể dùng ngay. Mủ trôm, hạt é, hạt đười ươi, nước từ bông bụp giấm (Hibiscus) - rất ngon, lành và tốt cho sức khỏe - chủ yếu vẫn bán dạng nguyên hạt, nguyên thỏi nhựa cây đen nâu xù xì, nhìn vào nhiều người chẳng biết phải làm thế nào để uống; hoặc là đóng chai cả lít, ở dạng "nguyên chất", muốn uống phải pha thêm nước, rất khó hình thành khẩu vị chuẩn cho sản phẩm.
Đã vậy cách chế biến nhiều sản phẩm Việt cũng được chỉ dẫn rất lờ mờ. Như món khô nai chỉ được ghi trên bao bì: làm nóng hoặc chiên lại trước khi dùng. Nhân viên doanh nghiệp cho biết bỏ lò vi sóng khoảng 10 giây hoặc nhúng qua chảo dầu sôi vớt ngay mới ngon, nếu không sẽ bị giòn. Đơn giản vậy tại sao không ghi lên nhãn? Hoặc một món ghi trên nhãn là muối lá é nhưng lại được quảng cáo là muối lá theng leng, thứ lá gia vị mọc ở vùng rừng Quảng Nam rất hiếm và khó tìm. Hỏi sao giới thiệu một đằng nhãn một nẻo, doanh nghiệp trả lời vì công thức có lá é và lá theng leng nên nói sao cũng đúng!
Công nghệ sau thu hoạch ở các nước phát triển đặc biệt được coi trọng vì nó nâng tầm và giá nông sản. Ở Việt Nam, điều này cũng đang ngày càng được quan tâm, nhưng chưa nói tới những công nghệ tinh tế mà chỉ cần quan sát, học hỏi và chăm chút thói quen tiêu dùng của khách hàng, tôi thấy nhiều doanh nghiệp đã có thể tăng doanh số bán hàng và chiếm một chỗ quen thuộc trên bàn bếp nội địa.
Hoàng Xuân


Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Chuyện cô giáo miền Lục Ngạn

Nguồn: Tony Buổi Sáng

Vải là tên dân dã của quả lệ chi, một trái cây đặc biệt. Ở Việt Nam, chỉ có khu vực đồng bằng sông Hồng là trồng có năng suất cao, các vùng khác trồng được nhưng quả rất bé hoặc không ra hoa. Huyện Thanh Hà/Chí Linh tỉnh Hải Dương và huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang là 3 vùng trồng quả này nhiều nhất và lệ chi ở đây có mùi vị hết sức độc đáo.

Khi nước ta còn Bắc thuộc, thời nhà Đường, người đẹp Dương Quý Phi rất thích ăn quả này. Cứ mỗi năm, khi quả lệ chi vừa ra quả nhỏ, hàng trăm phu đã phải bứng gốc với bầu đất rất to và khiêng đi, mất cả tháng mới đến được kinh đô Tây An (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc). Trên đường đi, mọi người đã phải che chắn nếu không nó sẽ rụng, và tưới nước để nó vẫn lớn. Đến nơi thì quả lệ chi đã chín đỏ, mọng nước và người đẹp họ Dương có thể thưởng lãm với Đường Minh Hoàng, lâu lâu nàng lén lút cho An Lộc Sơn 1 quả, An Lộc Sơn mừng quá nói hạo a, hạo a…

Lệ chi từ đó biến thành tên quốc tế, tiếng Hoa tiếng Anh tiếng Nhật gì cũng phát âm na ná lệ chi. Giống như quả Tu-Rên của Campuchia, nguồn gốc từ đây nên tiếng Anh cũng Durian, tiếng Việt là Sầu Riêng còn tiếng Hoa là Lưu Luyến Quả. Cây lệ chi hàng năm chỉ ra hoa 1 lần, và đồng loạt chín trong khoảng 2-3 tuần, nên việc bảo quản rất khó. Ngoài việc sấy khô thủ công, việc đầu tư nhà máy chế biến vải khó khả thi, vì không thể hoạt động chỉ trong 1 thời gian ngắn còn quanh năm đóng cửa. Nên quả lệ chi, dù thân phận hoàng tộc cao quý, phải chịu cảnh đổ đống hoặc nông dân để mặc gió lay rụng đầy gốc vườn. Năm nào, cứ được mùa vải, thì nông dân lại nước mắt như mưa. Vì đầu ra hầu như phụ thuộc vào bên kia biên giới, các hậu duệ của Dương Quý Phi lúc ăn ào ào, trái xanh cũng mua, có lúc nói nổi mụn hẻm ăn nữa, xe chở quả lệ chi nối đuôi dài ở cửa khẩu Tân Thanh…

Lúc đó, ở huyện Lục Ngạn nọ, bỗng xuất hiện một cô giáo (nghe giống chuyện cổ tích). Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, cô về quê và dạy hóa sinh ở một trường cấp 2. Hàng ngày đi dạy, cứ đến mùa, nhìn thấy những quả vải đổ đống bên đường, trong khi học trò của mình, tức con em các nông dân trồng vải lại nghèo xơ xác, cô quyết định phải làm 1 cái gì đó. Cô tìm tòi lại kiến thức đã học ở giảng đường, ép nước vải ra, hòa với mật ong, lên men để làm rượu, làm giấm. Sản phẩm đầu tay, cô đưa cho bạn bè đồng nghiệp dùng thử, ai cũng khen ngon. Thế rồi cô quyết định đầu tư lớn, mua nhiều thùng chứa về, vải đổ đống của bà con được cô mua lại, ép ra, và ủ sẵn. Bà con vui mừng vì giờ đây đã có thêm 1 kênh tiêu thụ khác. Những bông hoa lệ chi bạt ngàn cũng là điều kiện để ngành ong mật địa phương phát triển mạnh, lúc những quả lệ chi bắt đầu mọng đỏ thì những tổ ong cũng đầy mật ngọt. Cô kết hợp 2 món quà trời cho ấy, cộng với chút kiến thức của một cô giáo dạy hóa sinh, sự kiên trì và với tình yêu nông sản Việt một cách mãnh liệt, từ đó một loại giấm vải mang tên cô ra đời.

Lần đầu tiên khi cô viết thư cho Tony giới thiệu sản phẩm, Tony ngỡ ngàng vì chưa nghe đến giấm vải bao giờ, hồi giờ toàn ăn giấm gạo, sau này có tiền thì ăn giấm táo, dấm dứa nhập khẩu. Sau khi dùng thử giấm của cô giáo, thì với Tony, không có loại giấm nào ngon hơn thế nữa. Muối tiêu hay muối rau răm, sau khi hòa chút giấm vải vào, thành món chấm cực ngon. Còn xà lách rau sống trộn dầu giấm, thì là món khoái khẩu hàng ngày của Tony. Giấm của cô giáo có vị chua thanh của vải, vị ngọt hậu của mật ong, và cả tình yêu thiêng liêng với mọi sản vật trời đất ban cho nước Việt.

Tony dạo này rất bận, vì vụ Đông Xuân chính vụ, sức khỏe đã kém hẳn mấy phần, nét thanh tú cũng từ đó phôi phai. May mà nhờ mấy chai giấm vải, Tony ăn uống được nhiều hơn, có sức khỏe mà làm việc. Dù rất bận nhưng Tony vẫn ráng 20 phút sáng nay để viết về cô, khi tháng 11, mùa hiến chương nhà giáo đang về.

Khi ở miệt Cần Thơ có một Tony đang ngồi vừa bán phân vừa viết những dòng chữ này, thì ở miền Lục Ngạn, có một cô giáo đang say sưa cắt nghĩa cho tụi nhỏ những phương trình phản ứng hóa học giản đơn, rồi tất tả về nhà mở từng thùng trông coi “con giấm”. Tony chợt nghĩ, nếu ở mỗi xã mỗi huyện của đất Việt mình, đều có ít nhất một người như cô giáo, thì nông sản của bà con sẽ không còn phải phập phồng nỗi lo được mùa mất giá nữa. Tony tặng cô thương hiệu Litvin, Lit là litchi, tên quốc tế của quả lệ chi, còn vin là vinegar, nghĩa là giấm, vin cũng có nghĩa là Vietnam, với hy vọng những Litvin của cô sẽ bay xa, thật xa.

 

Tháng 11. Gió mùa đông bắc bắt đầu rét mướt trên những quả đồi lệ chi ở Lục Ngạn.

Tháng 11. Mùa hiến chương nhà giáo đang về.

Ở Hà Nội, các bạn ghé hội chợ Nông nghiệp quốc tế 2014
Địa điểm: 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy.Thời gian: từ 8h30 - 18h các ngày từ 14 đến 17/11/2014. Tên gian hàng: B38. Còn ở TP HCM, liên hệ 0933-868713 để mua dùng thử nhé. Mong các bạn share nhiều vì 1 loại giấm duy có ở Vietnam

Bài 11: Tư duy tích cực

GIÁO TRÌNH 100 BÀI TÀI LIỆU HẠC VIỆN WP DÀNH CHO CÁC BẠN TRONG CÂU LẠC BỘ CON DƯỢNG TONY BUỔI SÁNG ( TnBS)

Coi báo. Mở mục giải trí là xì căng đan bầu sô ca sĩ. Mở mục xã hội, thì thấy ngay tin ngộ độc thực phẩm. Tin quốc tế là nước này chết người, nước khia đang chuẩn bị chiến tranh. Mục thể thao là mua bán độ. Lướt qua phần kinh tế, là các từ “ lạm phát, nhập siêu, phá sản”….Cái chi cũng được mổ xẻ với góc nhìn tiêu cực. Thậm chí đến phần thời tiết cũng thấy tê tái với lũ lụt, triều cường, hạn hán, bão xa bão gần. Vô hình trung, cứ mỗi buổi sáng thức dậy, bên tách café, người ta mở báo và bắt đầu lo lắng. Có những lo lắng rất thật và có những lo lắng không đâu. Và cảm giác ấy theo họ suốt một ngày làm việc, dẫn đến hiệu quả sẽ kém đi, vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Trong khi lẽ ra mọi người nên bắt đầu ngày mới với sự hưng phấn để năng suất lao động được tăng lên.
Ra đường đi làm, thấy gì? Tắc đường, còi xe gắt gỏng. Và ai cũng dễ bị suy nghĩ tiêu cực do tin từ báo chí và các than thở của bạn bè trên mạng xã hội.
Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải đi áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối sẽ được xanh tươi, không khí sẽ được trong lành. Và một khi chúng ta không thể thay đổi được hiện tượng xảy ra với mình, tốt nhất là nhìn nó bằng ánh mắt tích cực. Cái thiện có thể sẽ thua cái ác trong một thời điểm, nhưng chung cuộc sẽ chiến thắng. Con người rồi sẽ sau một thời gian tham sân si với những quyền lợi vật chất, sẽ thấy cái mình đạt được là vô nghĩa vì giàu lắm cũng ăn ba bữa, sẽ trở về đúng bản ngã của “nhân chi sơ tính bản thiện”, giúp đỡ yêu thương thiên nhiên và đồng loại.
Cứ sau một sự cố, con người lại tìm ra nguyên nhân và khắc phục nó. Sau lũ lụt, đó là phù sa sẽ màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, những dư lượng hóa chất trong đất đai sẽ bị rửa sạch. Lỗi lầm của người khác, thay vì giữ trong lòng và tức giận, thôi bỏ qua, mình sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều. Nói một cách khác, nếu bạn được sống 100 năm, xem như là một bộ phim có 100 tập, thì hãy tạo ra ít nhất 2/3 tập có tiếng cười thay vì tập nào cũng rơi vào bi kịch chán chường, đau khổ, chia ly, mất mát.
Và đôi lời nhắn gửi cho các bạn làm báo, và các bạn có dùng mạng xã hội, thôi thì bớt đăng các bài tiêu cực chỉ trích phê bình. Chẳng đi đến đâu mà còn đổ dầu vào lửa của sự căng thẳng. Trong từ Hán Việt, nguy cơ bao gồm nguy và cơ. Và đối với người có tư duy tích cực, nguy (problem) họ sẽ biến thành cơ (opportunity). Người tích cực và lạc quan sẽ có gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình, dù ngày mai trời có sập.
Có nhiều giải pháp để chống sự chán nản và đơn điệu lặp đi lặp lại hàng ngày của mình, chẳng hạn như đi cắt tóc. Các bạn nữ bữa thì duỗi thẳng, bữa xoăn như mì xào giòn, bữa nhuộm màu vàng chóe, bữa chơi demi-garcon. Các bạn nam bữa chơi đầu trọc, bữa chơi đầu đinh, bữa rẽ ngôi 3/7…Kinh nghiệm cho thấy, với quả đầu mới, người ta sẽ phấn chấn hơn. Nhưng dượng thấy giải pháp hay nhất là vận động, thể dục thể thao. Việc chạy nhảy sẽ giúp cơ thể tiết ra Endorphins, một kích thích tố giúp người ta lạc quan yêu đời trẻ lâu. Vì con người cũng chỉ là 1 động vật, mà động vật là cứ phải chạy nhảy kiếm ăn săn mồi. Chứ đừng nên suốt ngày ôm cái máy tính, có cái gì trong đó mà coi say mê suốt ngày vậy. Bạn trẻ đọc xong bài này, hãy nghĩ đến việc chạy bộ tối nay, hay bắt chước dượng đi, tối nào cũng đi bộ lên xuống cầu thang chung cư, vừa đi vừa hát, hát hết 4 bài thì nghỉ. Nhiều đứa lười vận động, nó đổ thừa không có thời gian, không có điều kiện. Nhưng thử cho nó nghỉ ở nhà 2 ngày không làm gì, thì nó cũng đi ra đi vô rồi lại ngồi hay nằm coi máy tính à. Mua cho nó cái tạ hay cái máy chạy bộ, thì nó cũng hào hứng chơi 1 bữa thì bỏ xó. Có đứa nói em thích bơi nhưng nhà em không có hồ bơi ( kiểu em sẽ làm từ thiện khi có tiền, thì lúc có tiền nó cũng sẽ không làm từ thiện). Thì thôi, unfriend, thể loại đó đích thực là đang đeo cái cục làm biếng trên người, nên nó nặng nề thể xác lẫn tư duy, tâm hồn, mặt mũi mà lúc nào cũng nặng trình trịch.
Mình chỉ có một tuổi trẻ để phong độ, đầy sức sống, đầy năng lượng. Không có tiền thì chạy bộ công viên, hay thấy chỗ nào trống thì mình tập. Nếu đã đi làm có tiền, buổi tối và cuối tuần mình đến các trung tâm thể dục tập gym bơi lội. Nhiều tiền vô khách sạn 5 sao, ít tiền vô phòng tập gần nhà. Hoặc rủ bạn bè hạc tennis cầu lông bóng bàn khiêu vũ.. Cứ đóng tiền trước đi, để tiếc tiền mà đi hạc. Và nên nghỉ chơi với mấy đứa lười vận động. Tụi nó toàn rủ mình đi ăn, đi nhậu, đi hát karaoke, xem phim, xem kịch…Lâu lâu thì được chứ tuần nào cũng quất mấy món này, vừa tốn tiền lại không có tiết ra endorphins giúp mình sống tích cực đâu. Tập luyện để sống lâu chút, coi cuộc đời nó thú vị ra sao. Tối nay đi liền đi nhé, và nhớ phải kiên trì, đừng có đi 1 bữa theo phong trào rồi thôi. Người không quyết tâm thì cái gì cũng thất bại.

CHUYỆN Ở ĐỜI...

Một con tàu du lịch gặp nạn trên biển, trên thuyền có một đôi vợ chồng rất khó khăn mới lên đến trước mũi thuyền cứu hộ, trên thuyền cứu hộ chỉ còn thừa duy nhất 1 chỗ ngồi. Lúc này, người đàn ông để vợ mình ở lại, còn bản thân nhảy lên thuyền cứu hộ.
Người phụ nữ đứng trên con thuyền sắp chìm, hét lên với người đàn ông một câu…………..
Kể đến đây, thầy giáo hỏi học sinh: “Các em đoán xem, người phụ nữ sẽ hét lên câu gì?”
Tất cả học sinh phẫn nộ, nói rằng: “Em hận anh, em đã nhìn nhầm người rồi.”
Lúc này thầy giáo chú ý đến một cậu học sinh mãi vẫn không trả lời, liền hỏi cậu bé. Cậu học sinh nói: “Thầy ơi, em nghĩ người phụ nữ sẽ nói: Chăm sóc tốt con của chúng ta anh nhé!”
Thầy giáo ngạc nhiên hỏi: “Em nghe qua câu chuyện này rồi ư?”
Học sinh lắc đầu: “Chưa ạ, nhưng mà mẹ em trước khi mất cũng nói với bố em như vậy.”
Thầy giáo xúc động: “Trả lời rất đúng.”
Người đàn ông được cứu sống trở về quê hương, một mình nuôi con gái trưởng thành. Nhiều năm sau, anh ta mắc bệnh qua đời, người con gái lúc sắp xếp kỷ vật, phát hiện quyển nhật ký của bố. Hóa ra, lúc mẹ và bố ngồi trên chiếc tàu ấy, người mẹ đã mắc bệnh nan y, trong giây phút quyết định, người chồng đã dành lấy cơ hội sống duy nhất về phần mình. Trong nhật ký viết rằng : “Anh ước gì anh và em có thể cùng nhau chìm xuống đáy biển, nhưng anh không thể. Vì con gái chúng ta, anh chỉ có thể để em một mình ngủ giấc ngủ dài dưới đáy đại dương sâu thẳm. Anh xin lỗi.”
Kể xong câu chuyện, phòng học trở nên im ắng, các em học sinh đã hiểu được ý nghĩa câu chuyện này: Thiện và ác trên thế gian, có lúc lắm mối rối bời, khó lòng phân biệt, bởi vậy đừng nên dễ dàng nhận định người khác.
 ST

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

" Tiền - Vàng - Vật chất qúi giá hữu hình là cái diệt thân - Khi nào con chuyển đổi thành cái vô hình là con đã có Ngọc Như ý "

Hong Thien Phap
Xem nguồn bài viết ở đây
 
Trần tình với các bạn trẻ
Bạn kiên nhẫn đọc hết trang này
Cuộc đời bạn sẽ thay đổi thật tốt lành
An vui - Sung túc - Hạnh phúc
Những cái vi diệu đó tôi gói ghém nơi đây.

Tôi nay đã 70 tuổi rồi, nhưng ai hỏi tôi thích gì tôi không ngần ngại trả lời, tôi thích mến gần gũi với các bạn trẻ.
Vì sao như vậy ?
Vì ngày còn trẻ tôi đã đành mất đi một thời gian dài trong những nghĩ suy, đam mê không thật, kết quả thảm hại trong nghèo khó, không ai muốn chung cùng.
Tôi hối tiếc lúc trẻ tôi ngu mê, không có ai hướng dẫn chỉ dạy nên mới thê thảm như vậy.

Trung niên, tình cờ gặp một Sư bà gần 80 tuổi tu ẩn cư, thương tình chỉ dạy.
Không phải dạy thờ cúng kinh kệ, mà dạy cho những mấu chốt ứng xử để thành tựu trong đời - Sau cùng mới chỉ dạy cho Thiền định.

Tôi hiểu ra, chính vì không hiểu những mấu chốt nên sai phạm lỗi lầm, mà Nhân sai trái thì phải nhận Qủa đắng cay.

Tôi hiểu và thâm nhập được câu Phật chỉ dạy cho một người nhà quê ngu dốt nghèo đói: " Nhà ngươi sống sao ai cũng yêu mến thì có nghèo có đói cũng không được "

Tôi phải vật lộn với câu nói đó trong một tuần lễ mới có được câu trả lời cho Sư Bà hỏi " Phải rõ biết vì sao Phật nói như vậy "

Tôi nhớ ông bà mình thì hay nói " Có đức không sức mà ăn " Thì ra mình phải tự rèn luyện cho tâm tành tốt lành - Sống đạo đức như thế thì ai cũng mến thương - Ai cũng mến cũng thương, cũng quan tâm gần gũi giúp đở chỉ dạy - Thì sao nghèo đói được.

Sư Bà hài lòng, nhưng chỉ dạy thêm một mấu chốt khác :

" Không đói không nghèo là một chuyện - Nhưng vào đời thì kẻ ác gian cũng đầy khắp - Phải sống sao cho được an ổn trong cảnh xấu ác như vậy ? "

Câu hỏi này quá khó với tôi, một tuần lễ mất ăn mất ngủ vì tìm câu giải đáp mà chưa được, sau cùng gặp Sư Bà xin lỗi không tìm ra lời giải đáp.

Sư Bà cười bảo " Hỏi không phải để nghe câu trả lời của con mà muốn con tự quán xét mọi thứ trong đời có thiện có ác và trong tâm con phải dụng cách thức sao để ứng xử cho an ổn "

Mấu chốt sống an ổn trong đời ác trược là phải nói lên cái định hướng của mình trong cuộc sống có va chạm này.

Sư Bà nói ra mấu chốt: " Không mang lợi ích tới cho người thì thôi - Nhưng không bao giờ được mở miệng nói xấu người khác và làm hại kẻ khác là điều phải ghi tâm suốt cả cuộc sống "

Tôi cũng chưa thật hiểu Sư Bà giải thích thêm

" Không ai ưa mến người mà họ không biết có hại mình hay không - Kẻ ác gian thì lại quí trọng và tin dùng những người mà họ biết không bao giờ hại họ cả - Kẻ ác gian còn ưa mến thì sao không an ổn."

Một mấu chốt thấy như quá bình dị, lại là một lá chắn tuyệt vời cho tôi suốt thời trung niên bước ra thương trường kinh doanh.
Trong tiệc tùng giao tiếp tôi luôn đưa khẩu hiệu sống của tôi như vậy :
" Thà chết chứ không nói xấu ai, không làm hại một ai cả "

Chỉ giản dị như vậy nhưng tôi thành công vượt bậc, kẻ giang hồ gian ác cũng xin giúp đỡ, chia sẻ, quan quyền các cấp tin yêu, các doanh nghiệp mến mộ.
Gần như cả nước giúp tôi, sao tôi không thành tựu được.

Nhưng ai cũng ngạc nhiên, sao chẳng thấy tôi giàu có như một đại gia.
Tất cả đều theo dõi xem tôi đã làm gì với những lợi tức mà không ai mơ tưởng có được.

Thì ra tôi đã vận dụng thêm một mấu chốt mà Sư Bà căn dặn chí tình :
" Tiền - Vàng - Vật chất qúi giá hữu hình là cái diệt thân - Khi nào con chuyển đổi thành cái vô hình là con đã có Ngọc Như ý "

Cái hiện có là đã đủ sống bình ổn được mọi việc sinh họat, lợi tức tăng thêm là cái tôi mang đi giúp cho các cơ sở, doanh nghiệp tốt, thân cận phát triển vượt bậc.
Thật giúp là không cần không mong cầu đáp trả - Không cần một hợp đồng một lời hứa hẹn nào cả - Gíup là tận tình như vậy.

Bao nhiêu người nợ tôi một ân tình như vậy - Tiền bạc, công sức đưa ra là không bao giờ nhắc tới, muốn đền ơn đáp nghĩa cũng không nhận trở lại những cái vật quí giá nhưng là họa diệt thân mình.
Mọi ân tình đã làm xong - Tiệc mừng Khánh Kiệt, tôi tuyên bố từ giã thương trường đầy chông gai ác liệt.

Không còn một thứ gì để cho trộm cắp, để còn để mất nữa.
Thật sự vô sản.
Chỉ còn Ngọc Như Ý trong tâm mà thôi.

Bạn hỏi ngọc Như Ý ra sao ?
Là tôi khởi ý muốn gì là có ngay cho mình - Cần xe đi, thì có người vui đem xe tới - Vậy lưu giữ xe làm gì - Cần gì cũng có người muốn ơn đền nghĩa trả lo cho trọn vẹn - Vậy tiền chất chứa trong nhà chi cho vướng bận.

Đã như vậy thì còn chuyện gì bận rộn lo toan nữa - Ly nước đã thật sự lắng trong - Duỗi chân là thấy đạo, chẳng phải là chuyện khó làm.

Nếu trung niên tôi không hữu duyên gặp Sư Bà, thì cuối đời như bây giờ, các bạn cũng thường thấy cụ già 60 -70 cũng phải nhọc nhằn tìm bữa ăn cho mình cũng đã khó khăn lắm rồi, quá khổ.
Không sớm gieo Nhân lành thì Quả thê thảm như vậy làm sao né tránh được.

Vui hẹn gặp lại các bạn.

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Những tác hại khủng khiếp khi thức khuya bạn cần biết

Xem nguồn bài viết ở đây

Từ 21-23h là quãng thời gian hệ miễn dịch (bạch cầu lymph) bài độc (đào thải chất độc), lúc này thái yên tĩnh hoặc nghe âm nhạc thư giãn.
+Từ 23h – 1h sáng là quãng thời gian bài độc của gan, cần tiến hành trong khi ngủ say.
+Từ 1h – 3h sáng là thời gian bài độc của mật, cũng cần thực hiện trong giấc ngủ say
*Ngủ muộn có nguy cơ gây ra nhiều bệnh tật.
+Từ 3h – 5h sáng là thời gian bài độc của phổi. Cũng chính là lý do tại sao mà người đang mắc bệnh ho lại hay ho dữ dội vào lúc này, bởi hoạt động bài độc đã chạy đến phổi. Vì thế, không nên dùng thuốc chống ho để tránh gây cản trở việc đào thải các chất cặn bã trong người vào lúc này.
+Từ 5h – 7h là khoảng thời gian ruột già bài độc, cho nên cần đi toalet vào lúc này.
+Từ 7h – 9h là lúc ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều nhất, cho nên cần phải ăn sáng. Những người đang phải trị bệnh tốt nhất ăn sớm hơn, từ trước 6h sáng, còn với người ăn dưỡng sinh thì ăn trước 7h sáng. Những người không ăn sáng cần thay đổi thói quen xấu này, dù có đợi đến 9, 10h mới ăn cũng tốt hơn là không ăn.
+Từ nửa đêm cho đến 4h sáng là thời gian tủy sống tạo máu, cần phải ngủ say, không nên thức khuya.
*Tác hại của việc thức khuya, ngủ muộn:
1.Giảm trí nhớ.
2.Uể oải, khó tập trung chú ý vào công việc.
3.Ù tai, chóng mặt, mắt mờ.
4.Nóng nảy, cáu bẳn (dù có chú ý để tránh nổi nóng thì cũng vô ích, tới lúc nóng là không kiềm chế nổi).
5.Đau mỏi cơ, có thể thỉnh thoảng bị chuột rút. Đối với những người tập thể hình thì việc thức khuya sẽ giảm khả năng phục hồi và phát triển của cơ bắp.
6.Trung khu thần kinh uể oải thì thần kinh vị giác cũng trì trệ, dẫn tới ăn uống không ngon miệng.
7.Da mặt nhợt nhạt, thiếu sinh khí, nhiều dầu, đôi khi sần sùi và nổi mụn, dưới mắt có quầng thâm.
Thức khuya ảnh hưởng đến làn da, nhất là da mặt. Thông thường là khoảng từ 10-11 giờ đêm da ở trong trạng thái dưỡng và hồi phục. Nếu như thường xuyên thức khuya sẽ làm rối loạn hệ tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất và hệ thống thần kinh, sẽ khiến cho da bị khô, giảm sức đàn hồi, bị sạm và không mịn màng…
8.Khô mắt, mỏi mắt, và nếu mắt phải làm việc khuya trong điều kiện thiếu ánh sáng thì dễ bị giảm thị lực.
9.Thức khuya hay ngủ ít có thể dẫn tới nguy cơ tăng cân theo chiều hướng tiêu cực, có thể gây thêm các tác dụng khác là nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp…
10.Bên cạnh đó thức khuya trong thời gian dài dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người không thức khuya.
Theo đồng hồ sinh học thì:
-Trạng thái ngủ từ 0 đến 1 giờ sáng khiến cơ thể được nghỉ ngơi thực sự, giúp tinh thần sảng khoái, dung nhan tươi tắn khi tỉnh dậy. Nên ngủ trước đó tầm 1 hoặc 2 tiếng, để vào tầm thời gian nói trên thì đã chìm vào giấc ngủ sâu.
-Từ 1h tới 5h sáng là lúc cơ thể tiết ra các chất tái sinh và nâng cao hệ miễn dịch. Thức khuya thì rút ngắn hoặc thậm chí làm cơ thể bỏ qua giai đoạn này, lâu dần sẽ suy sụp thấy rõ.- Trong các giai đoạn ngủ sâu thì cơ thể tiết nhiều hooc môn để cân bằng và nâng cao sức đề kháng, mà thức khuya thì khiến hoạt động ấy xảy ra chậm và ít hơn.
Tác hại của việc thức khuya, ngủ muộn có rất nhiều, có loại về lâu dài mới phát tác, có loại thì ngay hôm sau đã có thể phát tác rồi, ví dụ như mắt thâm quầng, mệt mỏi, trí nhớ giảm sút. Thức khuya cũng ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Nên nhớ rằng ban đêm hệ thần kinh giao cảm của con người sẽ nghỉ ngơi, vì ban ngày nó đã hoạt động rất mạnh để giúp con người làm việc và sinh hoạt. Nhưng những người thức khuya thì thần kinh giao cảm vẫn hoạt động mạnh. Như vậy, ngày hôm sau chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, sa sút tinh thần, đầu óc căng thẳng, trí nhớ kém, khó tập trung tư tưởng, phản ứng chậm, hay quên, chóng mặt, nhức đầu… Lâu ngày sẽ dẫn đến bị bệnh suy nhược thần kinh.
Hi vọng qua bài viết này phần nào bạn đã hiểu rõ tác hại của việc thức khuya và hãy khắc phục nó để cơ thể của bạn được bình thường và bạn luôn khỏe mạnh


Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Giữ xe 5000 Đồng !!!



 Xem nguồn bài viết ở đây

Ta quên mất cách phải tôn trọng người khác - như người - cũng giống mình.

Ông già giữ xe có xăm một con hổ trên cánh tay. Chỗ giữ xe của ông đông khách đến bực mình. Giá rẻ, không "kỳ thị" xe gì. Nhận hết. Ông thường không từ chối khách giữ xe, vì ai cũng có việc cần mới đi lên cái cơ quan bên hông bãi đó. Nhưng một sáng, ông nói: “Cô để xe lên kia giúp tôi”. Ông chỉ vào chỗ trống. Cô gái không để xe vào vị trí được chỉ dẫn, mà chỉ de lên lề, xuống và tháo khẩu trang, đóng cốp xe, và hỏi ông phiếu giữ xe. Ông im lặng một hồi... Và la lên:
- Đi chỗ khác gửi. Đây hết chỗ rồi!
Cô gái không hề kém cạnh, cô hỏi sao không đưa phiếu cho cô.
Ông ngang bướng:
- Cô đi chỗ khác, tôi hết chỗ rồi!
Trong khi đó, bãi xe còn một đoạn dài chưa có xe nào để, và tất nhiên, chỗ ông đã chỉ dẫn cô cũng chưa có ai đậu. Tôi nghe xong câu chuyện thì đi vào khu xin giấy tờ. Cũng không để ý nhiều.
Cho đến một lần khác, tôi quay lại tòa nhà đó, vì trời mưa nên tôi đi thẳng xuống hầm để xe, không đậu xe chỗ ông.

 giu xe 5000 đồng
Ảnh minh họa
Một hàng xe dài dâng lên liên tục vì ai cũng muốn vào làm giấy tờ, lại giờ cao điểm. Bốn anh thanh niên mặc đồ bảo vệ cao to, còng lưng đẩy từng chiếc xe đậu lung tung vào chỗ. Chỉ 2 phút sau, mọi việc mất kiểm soát, vì tất cả mọi người đều đậu bất cứ chỗ nào mình thích. Cuối cùng, chú bảo vệ già nhất làm việc điều tiết phải la lên: “Các anh chị ơi, đậu sát vào vị trí trong vạch dùm tôi, cả ngàn chiếc, các anh em bảo vệ xếp sao được”

Mặc kệ. Mọi người chỉ đơn giản là thắng xe, gạt chống, lột áo mưa và bỏ chiếc xe nằm ở bất cứ chỗ nào họ thấy tiện. Trong hầm nóng, 4 anh bảo vệ cúi gằm mặt đẩy, kéo từng chiếc xe vào đúng vạch sơn vàng và thẳng hàng, áo nhễ nhại mồ hôi.

Lúc đó, tôi đã nghĩ đến ông giữ xe có hình xăm bên ngoài và trò ngang bướng của ông ở trên kia. Có những người rất kỳ lạ, họ nghĩ rằng họ bỏ ra 5.000 đồng -10.000 đồng tiền giữ xe, và họ có quyền ném xe dưới lề đường, bất chấp tình huống của một bãi giữ xe hàng ngàn chiếc và sự vất vả của người làm công việc này.

Cô gái kia, quen thuộc y như lũ người tôi gặp, họ đang mải mê đi xin giấy tờ. Họ cần o bế một ai khác. Họ không quan tâm đến những người thấp kém, người cởi trần, người mặc áo bảo vệ, người dưới hầm. Họ có 5000 đồng – 10.000 đồng đủ sức chi trả để lên xe xuống ngựa, vứt xe đấy, mặc cho ai phải xoay sở cực khổ thế nào với việc họ phải làm, thế mới đáng số tiền bỏ ra.


Ta quá quen với cách tưởng thưởng cho mình quyền được trèo lên lưng người khác cưỡi vì có đủ tiền bỏ ra mua dịch vụ, hay phải cảm thấy được cưỡi thì mới xứng đáng với số tiền bỏ ra. Ta quên mất cách phải tôn trọng người khác - như người - cũng giống mình.

Họ quên mất rằng, chỉ cần đạp ga xe, chạy nhấn lên 2 giây nữa, vượt qua vạch vàng, và kéo chiếc xe sát vào chiếc bên cạnh, họ đã giúp những người bảo vệ bớt đi bao nhiêu mồ hôi, cơn mệt mỏi, và cả sự ức chế trong không gian ngột ngạt thiếu khí của hầm để xe. Hoặc nếu ai giỏi tưởng tượng hơn, những anh bảo vệ đó không xứng đáng bị đối xử thô thiển như vậy, vì họ đang làm thuê với những đồng lương rẻ mạt và cực nhọc của người lao động tay chân.
Với em khách giữ xe thanh lịch có 5000 đồng kiểu vậy, gầm lên và đuổi đi như ông giữ xe già , có lẽ là trò rất bực mình mà ông ấy phải làm, để khỏi phải cầu xin như chú bảo vệ bên dưới hầm, với 1 lũ vô tâm kỳ lạ.
Khải Đơn

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

CÂU CHUYỆN VỀ CHÀNG THANH NIÊN PHÁP BỎ NHÀ SANG VIỆT NAM ĐI TU

Tốt nghiệp đại học, đang làm giám đốc điều hành cho một công ty chuyên về máy tính với tiền lương lên đến vài trăm ngàn đô la một năm, thế nhưng, James Christopher, một thanh niên Pháp vẫn quyết định bỏ việc sang Việt Nam đi tu.
* Quyết học tiếng Việt để… đi tu
Quy định đối với các chư tăng đang tu hành ở Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt khá nghiêm ngặt, truyền hình và internet hoàn toàn bị cấm tuyệt. Toàn bộ khu thiền viện hơn một chục ha với trên 150 chư tăng chỉ có duy nhất một chiếc điện thoại để bàn dùng làm đầu mối liên lạc với bên ngoài.
Phải nhiều lần gọi điện xin phép, cuối cùng chúng tôi mới được thượng tọa Thích Thanh Phương - trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt cho phép tiếp xúc với chàng thanh niên nói trên.
Tục danh của anh là James Christopher, nhà ở thủ đô Paris, Pháp. Thế nhưng, đã từ lâu rồi, kể từ ngày đặt chân đến Thiền viện Trúc Lâm cách đây 4 năm, anh dường như đã quên mất “tên cúng cơm” của mình.
Với một khả năng tiếng Việt khá tốt, anh bảo bây giờ anh đã là một sa-di, pháp danh là Thích Trúc Thái Hội và đề nghị chúng tôi hãy xưng hô bằng cái tên Việt Nam ấy.
Nói về căn duyên dẫn đến việc xuất gia, sư Thích Trúc Thái Hội cho biết, mặc dù sống ở Phương Tây, nơi có đa số người dân theo đạo Thiên chúa giáo song ngay từ nhỏ Thái Hội lại có tư tưởng hướng về Phật giáo. Và sự bí ẩn của một tôn giáo đến từ Phương Đông cứ ngày một lớn dần trong tâm tưởng của Thái Hội. Để giải tỏa “cơn khát” thông tin về Phật giáo, sau giờ học anh lên mạng tìm hiểu và trong một lần tình cờ Thái Hội biết đến thiền phái Trúc Lâm. Cũng từ đó ý nghĩ phải tìmvề nơi phát xuất của Thiền phái này cứ cuốn hút Thái Hội, tuy nhiên anh vẫn chưa thể thực hiện ngay tức thì. Một phần vì điều kiện kinh tế không cho phép, một phần là do gia đình phản đối bởi anh là con trai duy nhất trong gia định.
Sau nhiều năm gác lại dự định để học tập và làm việc, đến năm 2007, Thái Hội quyết định thực hiện ước mơ của mình, khi này anh đã là giám đốc điều hành của một công ty máy tính ở Pháp với tiền lương trên 100 ngàn đô la/năm.
Để thực hiện ước mơ này, sau giờ làm việc Thái Hội âm thầm đến một trung tâm đào tạo ngoại ngữ để học tiếng Việt. Thấy anh học một ngoại ngữ tương đối lạ, nhiều người bạn tra hỏi thì anh nửa thật nửa đùa : “Tớ học để qua Việt Nam đi…tu”. Nghe xong, mọi người cười xòa bởi tính anh hay bông đùa, thật giả lẫn lộn nên chẳng ai tin!
Ngày tiễn Thái Hội ra sân bay để đến một vùng đất xa lạ mà anh chưa một lần đặt chân đến, người mẹ khóc như mưa. Để trấn an, Thái Hội hứa chỉ qua Việt Nam tu tập một thời gian rồi về!
Vừa đặt chân đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Thái Hội lập tức hỏi thăm đường về Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Thấy một người nước ngoài với dáng người vạm vỡ gần 100kg, râu tóc xồm xoàm nên sư thầy cũng ngán ngại. Tuy nhiên, với quan điểm sẵn sàn thu nạp bất kỳ ai có tâm hướng Phật, cộng với việc Thái Hội giỏi tiếng Việt nên cuối cùng sư thầy đã bị thuyết phục và chấp nhận cho anh tham gia đạo tràng.
Một ngày cuối năm 2012, tức gần hai năm sau ngày trở thành Phật tử của đạo tràng Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, Thái Hội đã xin phép thầy cho mình được xuống tóc quy y, trở thành một thầy tu thật sự. Sau nhiều ngày thuyết giảng về những quy định tương đối ngặt nghèo đối với chúng tăng mà vẫn không nhận được sự thay đổi ý định từ Thái Hội, cuối cùng thượng tọa Thích Thanh Phương đã trực tiếp ra tay quy y, thu nạp Thái Hội làm môn đồ.
Nhớ lại những ngày mới sang Việt Nam gia nhập đạo tràng, sư Thích Trúc Thái Hội chia sẻ: “Lúc ở bên Pháp, là giám đốc nên sư ngủ dậy rất muộn. Thế nhưng khi qua đây tham gia đạo tràng mình buộc phải theo quy định của nhà chùa phải thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để tụng kinh và sau đó là thiền nên cũng hơi mệt mỏi. Tuy nhiên, do quyết tâm trong mình vào thời điểm đó rất lớn nên cuối cùng mình đã vượt qua. Lâu dần thành quen và bây giờ thì với sư chuyện ngày tụng kinh 3 lần, thiền 6-7 tiếng đồng hồ không còn là việc khó nữa”.
Ngoài việc thay đổi giờ giấc, việc chuyển từ chế độ ăn mặn sang ăn chay đối với sư Thái Hội cũng là một công việc vô cùng khó khăn. “Từ nhỏ mình đã quen ăn bánh mỳ, bơ….nhưng khi qua đây chỉ được ăn cơm, rau và đậu hủ nên mình bị kiệt sức một thời gian. Chỉ trong vòng 1 tháng, mình đã giảm từ 90kg xuống còn 70kg. Ban đầu cũng mệt nhưng giờ thì sư cảm thấy vóc dáng này là chuẩn mà mìn cảm thấy khỏe hơn lúc trước…”, sư Thái Hội cho biết thêm.
Khi nói về gia đình mình bên Pháp, sư Thái Hội cho biết từ ngày qua Việt Nam đến nay, sư đã được sư thầy cho về thăm nhà 4 lần. Lần về mới nhất cách đây 4 tháng, thấy mẹ vẫn khỏe sư vui lắm. Sư Thái Hội bảo, cũng muốn về thăm mẹ thường xuyên hơn nhưng vé máy bay từ Việt Nam về Pháp đắt quá, sư không đủ tiền!
Khi được hỏi đi tu thì lấy đâu ra nhiều tiền để về thăm quê, sư Thái Hội cho biết đó là trích ra từ phần lãi có được từ số tiền dành dụm khi còn đi làm, phần còn lại dành cho mẹ dưỡng già.
Trước khi chia tay với chúng tôi, sư Thích Trúc Thái Hội cho biết từ lâu đã xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình và “sẽ tu ở đây cho đến khi nào chết mới thôi”. Đồng thời, sư cũng không quên nhờ chúng tôi cho xin mấy tấm ảnh gửi về cho mẹ, bởi theo quan niệm của vị sa-di này, hiếu kính cha mẹ cũng là một trong những bổn phận của người tu sĩ chân chính. Và đó cũng chính là mong muốn của sư khi chia tay nước Pháp để đến Thiền Viện Trúc Lâm tu hành.
Theo: Mai Phương