Lại một bài chia sẻ của chị Nguyễn Phi Vân. FB của
chị Nguyễn Phi Vân có nhiều bài chia sẻ rất hay và hữu ích đặc biệt dành cho
giới trẻ. Mọi người nên theo dõi để học hỏi.
Đọc bài của một bạn làm
career coach – tư vấn sự nghiệp tên Kathy Caprino, và nghiên cứu của bạn 11 năm
cho cùng 1 đối tượng là những người đã nửa đường sự nghiệp. Nghiên cứu cho thấy
người nửa đường sự nghiệp họ hối hận 5 điều. Share cho các bạn tham khảo nhé.
1. I wish I hadn’t
listened to other people about what I should study and pursue – Ước gì tôi đã
không theo đuổi nghề nghiệp chỉ vì nghe lời người khác: thiệt là trùng hợp quá.
Mới hôm qua khi làm khách mời cho chương trình Thử thách nghề nghiệp của Hội SV
Việt Nam tổ chức, tôi đã kể lại chuyện đi chia sẻ tại các trường đại học. Hơn
một nửa các bạn sinh viên tôi từng tương tác nói rằng mình đang học ngành mà ba
má hay gia đình lựa chọn (và chẳng thích chút nào). Xuất phát điểm của người
thân khi hướng nghiệp là dựa vào nhu cầu xã hội. Nhưng các bạn nhớ status
Ikigai của tôi không? Để ta hạnh phúc và sống có mục đích, đó phải là giao thoa
của cái bạn yêu thích, cái bạn giỏi, cái xã hội cần, và cái bạn có thể được trả
lương để làm. Trong nghiên cứu này, nhiều ngàn người vòng quanh thế giới đã hối
hận vì sống nhờ vào giấc mơ người khác. Đến tuổi 40, giật mình ngoảnh lại thì
ôi thôi đã trễ rồi, quay đầu không kịp nữa. Tôi cũng cúi đầu xin các bận phụ
huynh hãy hướng nghiệp cho con em mình từ 4 vòng tròn trên, đừng ép các em hoàn
thành giấc mơ của chính mình hay chỉ là cái nghề kiếm ra tiền có vẻ như nhiều
nhất. Xin hãy cho các em theo đuổi ước mơ!
2. I wish I hadn’t
worked so hard and missed out so much – Ước gì tôi đã không làm việc quá nhiều
và chưa sống: những người giữa đời làm việc quá cật lực, ngoảnh lại thấy sao
mình như kẻ đứng bên đường. Cuộc sống của gia đình, con cái, người thân, bạn bè
sao chẳng có chút dấu ấn nào của mình trong đó. Nếu cuộc sống chỉ là công việc,
còn việc đi đây đi đó khám phá thế giới, chơi, học, nuôi dưỡng tâm hồn đều là
chuyện vô bổ phải bỏ qua, giữa đời người ta dừng lại ngơ ngác và hỏi mình “Đời
sao mà trống trải và vô nghĩa?”
3. I wish I hadn’t let
my fears stop me from making change – Ước gì tôi đã không cho phép nỗi sợ hãi
ngăn chặn mình thay đổi: đã là người ai chẳng sợ đủ thứ. Bản năng là thế để bảo
vệ ta khỏi những hiểm nguy. Và ai cũng sợ hết bạn ơi, không phải một mình mình.
Sợ thất bại, sợ mất, sợ bị tổn thương, và vì thế sợ luôn cái gọi là thay đổi.
Ai vượt qua được nỗi sợ hãi thì bước thênh thang trên những ước mơ. Ai để cho
nỗi sợ hãi quấn lấy mình, nửa đời ngồi hối hận vì bản thân chưa một lần dám rón
rén bước ra khỏi vòng an toàn do chính mình thêu dệt.
4. I wish I had learned
how to address toxic situations and people – Ước gì tôi đã học được cách giải
quyết những trường hợp hay con người độc hại: cứ những thứ tiêu cực, những môi
trường tiêu cực, những con người tiêu cực mà ở quanh ta thì dĩ nhiên ta sớm
muộc cũng bị nhiễm mấy liều. Công việc cũng vậy, quan hệ xã hội cũng vậy, chính
suy nghĩ của ta cũng vậy. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng mà. Ông bà ta thông
minh lắm và đã nhắc nhở ta như thế. Cho nên bạn phải học cách nhận thức cái gì
là độc hại và học cách bảo vệ lấy chính mình, chữa lành sự nhiễm độc của chính
mình, và chọn cho mình cách sống trong môi trường và tư duy tích cực.
5. I wish I hadn’t let
myself become so trapped around money – Ước gì tôi đã không cho phép đời mình
bị nhốt trong cái chuồng tiền bạc: nghiên cứu ghi lại bao nhiêu là nước mắt, sự
hối hận, sự day dứt của người nửa đời sự nghiệp về một chữ “tiền”. Cũng dễ hiểu
thôi phải không? Bao nhiêu người tại Việt Nam ta cũng đang bị tiền nó đè lên
cổ, làm nô lệ một cách tự nguyện và đôi khi có chút tự hào. Lời kẻ nửa đời: “Tôi
biết mình đang bị kẹt với đồng tiền. Tôi biết mình đang sống cuộc đời chẳng
phải bản thân mong muốn. Tôi chán nản và trầm cảm. Nhưng tôi chẳng biết phải
thoát ra thế nào vì uy lực quá lớn của đồng tiền.” Thế nào là đủ? Thế nào là tự
do? Và tiền có mua được thời gian còn lại của một đời người?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét