Đồn cảnh sát ấy tên là Hetauda Pasubatinagar Makawanpur
Nói chuyện chụp hình họ đã đời, họ mời tôi ở lại ăn cơm cùng
họ. Lúc ấy 8h48 phút mà khoảng 9h30 đến 10h họ mới ăn cơm nên tôi từ chối luôn
và nói với họ là tôi sẽ ăn ở dọc đường.
Ghé mua chuối Nepal NRs 35/12 quả.
Ra khỏi Hetauda lên dốc khoảng 9 cây số, đến cầu Churiya thì
bắt đầu xuống dốc khoảng 2km thì thấy đền Churiya, từ đó lại tiếp tục đổ dốc đổ
miết thì đến nơi có nhiều hàng quán tập hợp nhộn nhịp, nơi này cách Pathilaya
15 km. Ai nhìn tôi cũng há hốc. Bởi tôi hay nói đùa với mấy thèn đi bụi khác
rằng: Khi chết, chắc chắn tôi lên thiên đường vì tôi hay nhắc nhở mọi người nhớ
đến Chúa. Bằng chứng là khi họ thấy tôi đạp cái xe cà tàng với đầy nhóc hành lý
thì họ chỉ có mà thốt: Oh, my God!
Người dân Nepal
cũng hay hỏi tôi câu: Sao lại đi một mình? Sao không đi chung với ai vậy?
Tôi trả lời: Lord Shiva, mero sathi ho (Thần Shiva là bạn
tôi. Nghĩa là bạn đường của tôi là thần Shiva, chứ tôi đâu có đi một mình đâu.)
Thường nghe vậy, họ phá lên cười ha ha hi hi he he.
Ở những nơi khác ăn cơm xong thì thường ăn hạt jeera với
chinni (đường hạt trắng) để cho miệng thơm, còn ở đây thì ăn hạt jeera với cau
(được bổ ra từng miếng nhỏ)
Từ đó thì xuống dốc đến Pathilaya và thẳng đến biên giới thì
đường bằng phẳng.
Qua khỏi Pathilaya thì phong cảnh Ấn hiện rõ: Phụ nữ mặc sari
không mặc kèm áo chô lô (áo tay dài cho ấm), đàn ông thì mặc longi và quấn khăn
sọc, trong khi đó đàn ông Nepal
thì quấn khăn một màu, không có sọc. Xe cộ thì trang trí sặc sỡ, đồ đạc thì
được đội trên đầu (người Nepal
thì xác hoặc cắp ngang hông). Bọn trẻ con lạng xe đạp trước đầu xe tôi rồi hí
hố cười, có đứa còn chào hỏi rôm rả nữa chớ. Chắc do tôi trông lạ lẫm với cái
nón lá đội trên đầu.
Sirasara có cả sân bay nữa nha. Còn Birgunj thì có nhiều cái
để xem lắm, có cả tháp đồng hồ Big Ben. Những con đường nhỏ hẹp đầy xe cộ,
người và cửa hiệu.
Qua khỏi Birgunj thì đường bụi, phòng xuất nhập cảnh Nepal
nhỏ xíu bên tay phải, và bên tay trái là bảng hướng dẫn. Có cái cổng chào, đi
vào con đường đầy bụi, qua cầu, thì phòng xuất nhập cảnh Ấn độ nằm bên tay trái.
Vậy là sang Ấn độ rồi đó.
Biên giới bụi mù trời, từ biên giới đi 30 km thì đến Sugauli.
Tối ngủ ở đồn cảnh sát, giăng lều lên cái giường ngủ ở hàng hiên. Ấn độ ấm hơn Nepal nên ngủ
cùng túi ngủ thì quá ấm luôn.
Tối trước khi ngủ thì có anh chàng nhà ở gần đó đến dẫn đi ăn
tối. Ăn luôn 5 cái rô ti, 3 dĩa subchi (đậu ninh) và một dĩa cơm birany mà chỉ
có Rs 40, quá rẻ so với Nepal (Rs 40 tương đưuơng NRs 65).
Sáng lên đường, trước khi đến Sugauli thì dừng lại bên đường
ăn trứng chiên. Có một ông người địa phương đòi trả tiền giùm, thấy ổng có vẻ
dê xòm, cứ xáp xáp lại gần còn tìm cách đụng chạm vào người nên đứng dậy tự móc
tiền ra trả rồi tự lên xe đi tiếp. Gần đấy có đồn cảnh sát và trường học. Đường
tưng tưng nên hành lý cứ bị rớt lên rớt xuống phải dừng lại buộc hoài.
Tối ghé đồn cảnh sát ngủ ké. Viên đồn trưởng bắt một cảnh sát
phải kè kè theo miết vì sợ tôi bị bắt cóc, cứ tôi đi đâu thì cũng có cảnh sát
kè kè và ông ta còn dặn cẩn thận là ban đêm ngủ mà nghe tiếng ai gọi cũng không
được ra ngoài. Hình như đó là đồn cảnh sát Châu đa.
16/1
Sáng lên đường thì có một cảnh sát kè theo đến ngã ba thì mời
vào quán uống chai. Tôi uống chai, ăn 3 cái rô ti cùng dhal xong mới đi. Lúc ấy
khoảng 9h sáng.
Từ Sugauli đến Motihari 24 km, đường xấu quá. Từ Motihari đến Mehsi 40 km. Từ Mehsi
đến Raxaul 90 km.
Từ Motihari thì có khoảng 12 km là đường xấu, sau đó thì
đường tốt, 6 làn xe chạy.
Trên đường có ghé vào một cái đền thờ có tên là Bamsapti.
Tối ngủ đồn cảnh sát Mehsi. Được viên đồn trưởng mời vào nhà
hàng ăn cơm gà. Sau đó được nhường cho một căn hộ dạng hộ chung cư của một anh
cảnh sát để ngủ. Căn hộ có phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, nhà tắm, toilet
riêng nhưng viên cảnh sát này không có gia đình ở cùng chỉ ở một mình nên chỉ
dùng phòng ngủ, các phòng còn lại thì bỏ trống không dùng đến. Tối ngủ ấm dễ
sợ.
Có hỏi họ vì sao người ta đồn rằng bang Bihar
rất nguy hiểm. Họ bảo đâu có nguy hiểm gì đâu, người dân rất tốt bụng mà.
17/1
Sáng được mời uống chai, ăn sáng, ngồi tám chuyện và sưởi
cùng họ đến khoảng 9h thì lên đường, được họ chỉ đi ngã tắt nhưng đường cứ tưng
tưng miết nên chỉ đi được 16km thì bỏ cuộc, không đi ngã tắt nữa.
Chạy dọc theo quốc lộ 28A mua 1 kí táo Rs 50 và một kí khác
ngon hơn giá Rs 70. Khi dừng lại để nghỉ ngơi ăn táo thì một thằng nhóc đến
nhìn miết, đưa cho nó 2 quả táo thì nó kinh ngạc. Người Ấn ở những nơi thánh
tích thì do nhận riết nên quen chứ dân Ấn ở nơi khác thì không dễ nhận đồ của
người khác.
Ghé quán ven đường để xin nước rửa táo, uống ly chai to thiệt
to mà chỉ có giá Rs 5 thôi.
Ăn 3 cái rô ti cùng dĩa đậu xào cà ngon thiệt ngon mà chỉ có
giá Rs 40.
Đến ngã ba Muzaffapur thì quẹo phải, đường đầy bụi, đến bùng
binh thì rẽ phải đi thẳng khoảng 35km thì đến Vaishali. Vaishali có cổng chào,
vào cổng thì trước tiên thấy chùa Sri Lanka, sau đó là chùa ni Kiều
Đàm Di do người Việt xây dựng. Gọi cổng, một bảo vệ ra khỏi: Người Việt Nam hả? Rồi sau
đó mở cổng bảo đẩy xe đạp vào. Ông ấy điện thoại cho sư bà trụ trì. Lúc ấy có
đoàn Phật tử VN hải ngoại tá túc. 3 vị tăng ở Mỹ và Châu Âu cứ theo trầm trồ
miết. Các vị cùng giúp nhấc xe đạp lên bậc thang để trước cửa phòng nữa.
Sư bà trụ trì xuống bảo ở phòng 106, rồi bảo vào phòng ăn
tối. Nhưng mệt quá, ăn hết nổi thì sư bà về phòng pha cho ly sữa rồi bưng xuống
cho uống.
Lúc ấy tại chùa có một cô họa sĩ đang vẽ tranh cho chùa cũng
chạy xuống nói chuyện cùng một sư ở Mỹ đang trông trường giùm cho sư cô Từ Tâm
ở Bồ Đề Đạo Tràng. Nói chuyện đến 11h đêm thì mọi người đi ngủ.
18/1
Giặt giũ cả ngày, rồi nói chuyện với Xuân (cô họa sĩ)
19/1
Lại tiếp tục giặt giũ.
Sư cô Liễu Pháp chép cho các bài học bằng tiếng Pali.
Được Xuân dẫn đi giới thiệu các bức tranh do Xuân vẽ về các
sự tích có liên quan đến cuộc đời Phật Thích Ca.
Bắt đầu hành trình ở ròng rã tại chùa ni Kiều Đàm di đến mấy
tháng luôn. Lần này về Ấn độ là dự định đi dự một cái lễ hội cực lớn của người
Ấn tổ chức 4 năm 1 lần, nhưng lại bỏ qua lễ hội luôn vì mắc ở chùa rồi hihi.
Các hoạt động tại chùa Kiều Đàm Di, Vaishali, Ấn độ là như
sau:
-
Vào
làng phát tờ rơi về trường học miễn phí của chùa cùng thầy hiệu trưởng. Thấy
đám cưới nữa đó nha.
-
Lên
tháp phụ Xuân vẽ tranh.
-
Đi
Bồ Đề Đạo Tràng cùng chùa để lạy xá lợi của 3 vị, Phật Thích Ca, Ngài Xá Lợi
Phất và Ngài Mục Kiền Liên.
-
Chùa
Kiều Đàm Di bố thí thức ăn nhân 100 ngày mất của chú Giảng, con nuôi người Ấn
độ của sư bà trụ trì.
-
Chùa
Kiều Đàm Di phát chuẩn thực phẩm.
-
Tham
quan nơi để xá lợi Phật và Hồ Quán Đảnh cùng cô Diệu Quang.
-
Mồng
2 tết 2013 ra tháp tụng kinh cùng cô Minh và cô Diệu Quang.
-
Đọc
hết 5 quyển Trung Bộ Kinh và 1 số sách khác.
23/3: Được sư trụ trì thả rông muốn làm gì thì làm, và cho
mỗi người Rs 1,000.
24/3: Có bếp riêng, tự nấu được.
5/4: Xong 8 tranh tường, tối, cùng Xuân dọn đồ ra cổng để tô
nốt bức phù điêu. Bức phù điêu này do ông Vũ sang đắp tượng nổi và Xuân thì tô
màu cho phù điêu. Chỉ cần 3 đêm 2 ngày rưỡi thì ông Vũ đắp xong bức phù điêu
7/4: Sư bà trụ trì cho Xuân 42 triệu và cho tôi 500 đô Mỹ để
đi bụi tiếp. Ngoài ra mỗi người còn được cho Rs 1,000.
Có một ngôi làng cháy nên quyên góp Rs 1000 sư bà cho cùng
với 50 đô tương đương Rs 2,500. Lúc trước Todd ở Thái Lan có mượn 400 đô, sau
đó anh ta về Mỹ và nói khi cần tiền thì nhắn tin anh ta trả lại. Mãi đến 1 năm
sau thì mới nhắn tin cho anh ta trả. Lúc ấy anh ta chỉ nhớ mượn có 300 đô thôi.
Cuối cùng anh ta cũng gửi đủ 400 đô, nhưng do có 100 đô thuộc dạng “tranh chấp”
nên xem như chia đôi mỗi người 50 đô và cái 50 đô của anh ta thì đem đi quyên
cho ngôi làng bị cháy luôn hihi.
8/4: Qua chùa Thái khám lỗ tai do có con thiêu thân chui vào
mà mãi không chịu chui ra. Bên chùa này có phòng khám miễn phí do sư Thái phụ
trách.
9/4: Lại qua đó tái khám. Xuân lên đường đi Patna
rồi Calcutta, rồi về Việt Nam. Dẫn hai
ông thợ Việt Nam
là ông Lập và ông Vũ sang chùa Thái chơi rồi dẫn đi chơi vòng vòng khu vực.
10/4: Cùng cô phụ trách trường học miễn phí của chùa đi mua
saree cho làng bị cháy Rs125/cái cùng áo blouse.
12/4: cùng đi phát chuẩn dân làng bị cháy.
13/4: cùng sư bà đi phát chẩn phần quà còn lại
14/4: chia tay mọi người lên đường đi bụi tiếp. Lại có thể
độc hành sau mấy tháng ăn dầm ở dề tại chùa Kiều Đàm Di, Vaishali.
Thành quả lớn nhất trong suốt thời quan ở chùa này: đọc trọn
Trung Bộ Kinh và bắt đầu lăm le qua Trường Bộ Kinh. Công nhận vĩ đại dễ sợ!
Việc đọc này không dễ đâu nha! Nhờ ở một chỗ lâu quá nên cuồng tay cuồng chân
cuồng miệng thành ra ở trên kể lại thôi chứ gây lộn tùm lum tùm la hà, hình như
ai cũng gây hết thì phải, gây lộn miết nên tập trung vào đọc tạng Kinh Pali cho
bõ ghét, cho bỏ cái tật, cho chừa cái thói. Nếu ở mà vui quá, tối ngày tụ tập
nói chuyện không thì làm sao tập trung đọc kinh được chớ. Nhờ có gây lộn tùm
lum lùm la nên ghét bỏ đi đọc kinh luôn cho rồi. Vậy mà tập trung lắm đó nha
mọi người. Đọc đến đâu là nhớ đến đấy, chẳng những đọc mà còn ghi chép vào một
quyển tập 200 trang để khi lên đường lại tiếp tục lôi kinh ra đọc tiếp. Và điều
kì diệu nhất là dù ở chùa, tôi gây lộn tùm lum người nhưng tôi đọc kinh đến đâu
là hiểu đến nấy, mọi lời kinh rõ ràng minh bạch, đọc vô cùng nhẹ nhàng nhưng
lại hiểu hết, gần như không có chỗ nào vướng mắc luôn thì phải. Chẳng những đọc
mà còn tranh cãi tranh luận với vài người. Tranh luận vậy thôi nhưng khi đọc
kinh thì tôi lại đọc nhẹ nhàng lắm, y như những lời kinh là những lời dành cho
tôi vậy đó. Nếu không có thời gian ở chùa Kiều Đàm Di và gây lộn với mọi người
thì chưa chắc tôi làm được kỳ công ấy, đọc một mạch 5 quyển kinh dày cộm một
cách nhẹ nhàng và thấu suốt. Nam Mô Cầu Gây Lộn Bồ tát Ma ha tát!!! Hi hi hi.
Nguyện đem công đức này chia sẻ với tất cả mọi người, đặc biệt là người trong
chùa Kiều Đàm Di Vaishali, đặc biệt nhất là những người từng gây lộn với tôi ở
đó hihi.
Cho nên mọi người luôn tìm cách ém lại, không để bất hòa,
không để tranh cãi hay gây lộn chưa hẳn là việc tốt. Cái gì cần đến thì cứ để
cho nó đến. Bởi vì nhờ gây lộn mà tôi đã làm ra kì tích là đọc một mạch 5 quyển
kinh dày cộm thuộc tạng kinh Pali một cách nhẹ nhàng và thấu suốt đến như vậy.
Nam mô Cầu Gây Lộn Bồ tát Ma ha tát!!!
Cho nên tôi đi đến đâu, tôi gây lộn ở chỗ nấy, bởi cái nhân
gây lộn có sẳn rồi, hổng gây thì nó vẫn có đó chứ có mất đi đâu. Nhưng nhờ gây
lộn mà tôi học hỏi. Tôi học hỏi thông qua gây lộn. Mọi người gây lộn thì tâm
trí điên đảo đọc kinh không vô, còn tôi nhờ gây lộn mà tôi đọc kinh đến đâu là
thấm đến nấy, không cần ai giảng dạy hay phân tích gì cả. Tự tôi đọc tự tôi
thông suốt được kinh luôn đấy.
Đó là lý do mà tôi nói kì tích mà tôi đã làm trong suốt thời
gian tại chùa Kiều Đàm Di là đọc một mạch thông suốt và thấu đáo 5 quyển kinh
Trung Bộ. Lúc ấy mà còn hạn visa dài dài, tôi mà ở lại tiếp là tôi nuốt trọn
Trường Bộ Kinh luôn ấy. Nuốt thiệt đó nha mọi người! Nghĩa là đọc xong là thấu luôn
hehehehe. Bởi ai bỏ công sức vào ngôi chùa đó mà biết thì vui lắm nè! Ít ra nhờ
có ngôi chùa được dựng lên vậy, cái có cái đứa khìn khìn như vậy, vào đó, gây
lộn xong rồi bỏ đi đọc kinh, đọc xong nuốt kinh luôn hahahaha. Bởi, cái gì cũng
có duyên hết là vậy đó. Có người xây chùa thì mới có người vào đó để nuốt kinh
hehehehe.
14/4
Lên đường, ghé một đền Hindu xem lễ gì đó, ăn vài viên bánh,
họ bảo đưa họ Rs 100 nhưng không có đưa. Trên đường ghé mua trái cây ăn, dưa
hấu Rs 5 miếng rất to, nho Rs 60/kí quả to và rất tươi. Xe đạp bị hư, tự dưng
không đạp được nữa, chỉ dắt bộ thôi, dắt một đoạn, lên đạp thì được, rồi lại
không đạp được. Ghé tiệm sửa. Tiệm 1 không sửa được. Tiệm 2 sửa thành công. Vui
quá! Khỏi phải đẩy bộ. Họ thay cái trục quay ở bánh sau. Xe đạp Giant Trung
Quốc mà thay đồ Ấn độ nè!
Tối, ghé đồn cảnh sát Hajipur cách Phatna 12 km, giăng lều
ngủ trên cỏ. Khuya có bão cát nên tất cả đồ đạc đều phủ một lớp cát.
15/4
Đến Patna,
chạy đến các cửa hiệu bán xe đạp để tìm mua một chiếc xe mới. Sư bà trụ trì
chùa Kiều Đàm Di có cho 500 đô Mỹ, có gửi lại chùa 200 đô vào quỹ quyên góp để
khắc kinh vào bia đá. Còn 300 đô thì đã lên kế hoạch sẳn rồi. Đó là 100 đô để
mua xe đạp mới. 100 đô để mua visa Nepal. Còn 100 đô để gửi chỗ Shanti
Stupa Lumbini. Túm lại hổng có tiền thì không cần lên kế hoạch. Có tiền trong
tay thì phải có kế hoạch chi tiêu là vậy đó hihi.
Cũng đi lòng vòng các tiệm một chặp, rồi hỏi tiệm chùa Phật
giáo gần nhất để mua xe mới thì giao xe cũ lại cho chùa. Cuối cùng cũng địa
được một cửa hàng để mua xe. Địa cửa hàng xong thì tìm chỗ ngủ trước cái đã. Ghé
vào Myanmar Buddhist Temple
để dỡ hành lý xuống và ngủ qua đêm. Xong thì quay lại cửa hàng rước chàng Hero
Ấn độ oai hùng bặm trợn chứ không thanh mảnh như em Giant. Em Giant nhỏ xíu
cõng hành lý cùng người, trọng lượng tổng cộng chắc tương đương một tạ, leo đồi
leo dốc, lên xuống núi mà hổng sao cả, đảm bảo an toàn cho cả người lẫn xe và
hành lý, ngoài thỉnh thoảng bị xì lốp thì hầu như không có sự cố nào nghiêm
trọng cả. Vậy mà giờ phải bỏ em lại chùa Miến cũng thấy thương thương nhưng để
em lại chùa cho mọi người dùng đi chợ hằng ngày, không để em vất vả leo đồi leo
núi nữa rồi. Em Giant nhỏ xíu mỏng manh nhưng oai hùng kiêu hãnh lập chiến công
leo trèo, giờ xong nhiệm vụ. Đến phiên anh chàng Hero bặm trợn lên đường. Anh
chàng Hero mới tinh màu đỏ đen giá Rs 5,600 + Rs 200 công thợ lắp, ngoài ra còn
được tặng kèm chuông, rổ xe, khóa xe, nặng 20 kí, 6- speed gear. Để xem anh
chàng hùng dũng Ấn này có làm nên trò trống gì như em Giant không. Ai mà đến
Myanmar Buddhist Temple Rd No 10 (đường số 10) Patna có khi được diện kiến em Giant hổng
chừng nha! Lúc ở chùa Kiều Đàm Di hổng hiểu thời tiết thế nào mà lớp sơn xe em
Giant bị bung tróc để lộ lớp gỉ sét đen ra lồi lõm nên tôi nổi hứng đè em Giant
ra sơn 3 màu xanh đỏ vàng, y như tín hiệu giao thông luôn. Vậy cho nổi bật. Bên
hông xe còn vẽ thêm chữ Interbeg nữa mới oách chớ hehehehe.
16/4:
Sắp hành lý lên xe mới, khoảng 9h sáng đi autorickshaw Rs 8 đến
tiệm Avon, đối diện trạm xe lửa để mang em Giant về giao cho chùa Miến. Tối qua
lúc mua xe xong thì cưỡi xe mới về, để xe cũ lại tiệm. 12h tiệm mới mở cửa. Vậy
là sang Buddha Park gần đó chơi, vé cổng Rs 10, ai leo
tháp thì phải trả Rs 50 nên không có leo. Có cả bảo tàng nhưng lúc ấy đang sửa
nên không vào xem được.
Lại sang đền Hindu bên cạnh bến xe, xếp hàng, xem lễ và chụp
ảnh.
3h chiều, có 3 xe hành hương từ Miến ghé chùa tá túc. Nhiều
người đến ngắm nghía hỏi han. Kể cho họ nghe chuyện xong rồi bảo họ lần sau đi
hành hương thì đạp xe từ Miến sang Ấn luôn. Hai nước sát vách mừ. Họ bảo rằng:
Sự gan dạ của người Việt Nam
là nổi tiếng khắp Châu Á, họ là người Miến không phải là người Việt nên không
có gan dạ như vậy đâu. (Á, vậy mà một số thèn Việt Nam lại bảo tôi bị điên đấy chứ
hihihihihi)
Tối, đoàn lên chánh điện để làm lễ và cúng dường, ai cúng
dường riêng thì có giấy chứng nhận nữa cơ. Xem như là vật kỷ niệm từ Ấn độ.
Có người Ấn độ đến bán hàng lưu niệm cho khách hành hương.
Tôi cũng xuống tám chuyện vài câu với đoàn. Họ bảo tour họ đi 7 ngày 1,000 đô
Mỹ cho tất cả các thánh tích. Tôi nói tôi phải mất 6 tháng để đạp xe đi thánh
tích. Họ cười quá trời cười. Thật ra tôi thấy thật là tội nghiệp cho họ. Đi
thánh tích mà đi vội vã như vậy thì cũng như không. Phải chậm rãi thư thả và từ
tốn để mà chiêm nghiệm và suy gẫm và để cho không khí khu thánh tích thấm đẫm
vào từng tế bào, từng giọt máu, vậy mới thật sự là hành hương, chứ không chỉ
đến ngó một cái cho có rồi đi. Nhưng mà trên đời này người đủ nhân đủ duyên để
đi như tôi rất hiếm. Phải có nhân duyên khác thường mới có thể làm được.
Do có đoàn hành hương đến nên các sư trong chùa bảo tôi dời
lên lầu 2 ngủ nhường phòng dưới đất lại cho người già cả trong đoàn. Vậy thì
lên lầu ngủ thôi, cũng là phòng số 20, chỉ khác tầng thôi.
Buổi tối và buổi sáng hôm sau tôi toàn ăn cơm ké với đoàn
hành hương, tối ăn cà ri gà, sáng ăn súp gà với cơm chiên. Đúng là số ăn ké,
toàn là đi ăn ké, ăn ké toàn tập, ăn ké muôn năm! Nhưng mà gặp tôi rồi thì đảm
bảo sau này sẽ có người Miến đạp xe đi các thánh tích giống tôi, có thể là con
cháu của người trong đoàn này hổng chừng hehehe.
17/4
Sáng 7h30 lên đường đi Begusarai sau khi để lại em Giant cùng
Rs 500 cho chùa. Buổi trưa dừng lại uống chai thì có một gia đình gần đó mời về
nhà họ nghỉ ngơi trên giường và sau đó thì họ mời ăn trái cây uống nước, rồi
uống chai,…. Sau đó 2h trưa lại tiếp tục đi thôi.
Tối ghé một cây xăng giăng lều ngủ, cha nội chủ cây xăng ban
đêm cứ đến chỗ lều: I want to request you mãi, còn đòi mở lều cho chả kiểm tra
bên trong lều nữa chớ. Sau khi chui vào lều rồi thì ai nói kiểu gì cũng không
được chui ra (chiêu này mấy lần ngủ đồn cảnh sát được mấy ổng dạy cho đấy)
Hắn thấy tôi hổng mở lều nên hắn bảo vào phòng hắn mà ngủ bởi
12h đêm thì hắn về nhà chứ hổng có ngủ lại,………….Thôi tôi ngủ lều. Cuối cùng hắn
bỏ đi đâu mất.
18/4
Ngủ chưa đã giấc mà trời đã sáng bách, nắng chói chang, chui
ra thu xếp lều xong thì anh chàng chủ cây xăng khoảng 35 tuổi mở cửa phòng đi
ra. Xạo ghê ta, vậy mà nói 12h đêm về nhà là sao! Anh chàng bám theo hỏi lẳng
nhẳng: Bộ định đạp xe đi thật à? 600 km lận đó. Sợ gì mà không dám đi chớ.
Khi đến ngã ba đi Nalanda và Ragil được một quán chai mời
uống miễn phí nữa cơ.
Trước khi vào Begusarai (Industrial Capital of Bihar) thì
phải qua một cây cầu dài ơi là dài. Bàn đạp một bên bị tuột ốc. Cha nội lắp xe
lắp hổng kỹ mà đòi tôi bo Rs 200 cơ đấy.
Bên dưới sông người dân đang tụ tập làm cái lễ gì đấy. 1 cái
xe chở tre nứa tùm lum quẹt vào hành lý của tôi làm rách cái bao ny lông bọc
hành lý (may là có cái bao bọc ngoài nên ba lô không bị rách) và làm tuột mất
sợi dây ràng hành lý. Rồi 3-4 đàn bò đi qua cầu, tôi đi giữa bọn chúng. Vừa
xuống dốc cầu thì thấy một cái xe bị lật ngang, rồi cách đó chưa đến 1km lại
thêm một cái xe khác bị lật. Hổng hiểu họ chạy kiểu gì mà xe lật liên tiếp nhau
vậy! Đúng là dân Bihar chạy xe ghê quá! Phóng
nhanh vượt ẩu.
Begusarai cách Patna
130 km và cách Khagaria 45 km. Chợ Begusarai bán trái cây cực rẻ. Nho Rs 40/kí,
dưa hấu Rs 20 trái to tổ bố, dưa leo Rs 10/kí. Ngay cửa ngõ vào Gegusarai dưa
được đổ từng đống để bán
Chạy ra khỏi Begusarai khoảng 9-10 km thì thấy một trường học
có thảm cỏ xanh tuyệt đẹp. Ghé vào xin ngủ ké thì họ bảo không được vì ban đêm
ở đấy không có người nữ nào cả. Ghé vào trường học thứ 2 thì anh chàng bảo vệ
dẫn đến ngôi nhà anh ta cùng 2 bảo vệ khác và người lái xe của trường đang ở để
ngủ ké. Được tắm táp và giặt giũ thỏa thích. Tối giăng lều ngoài sân để ngủ.
Ngôi nhà toàn là nam nhưng có một vị lớn tuổi nhất cũng là giáo viên của trường
được họ gọi là baba với sự kính trọng. Ông ấy tên là Shyamar Nant Thakur. Ngôi
nhà này ở khu Shabpur Dhala, đường quốc lộ 31.
19/4
Hôm nay là sinh nhật của thần Rama nên ở lại làng Shabpur này
thêm 1 ngày và được baba Shyamar dẫn đi quanh làng giới thiệu và ăn trưa tại
nhà con của baba ở trong làng. Baba 80 tuổi rồi nhưng vẫn rất khỏe do thường
xuyên tập yoga và đi bộ. Baba chỉ có duy nhất 1 người con trai 50 tuổi và người
này có đến 8 con, 6 gái và 2 trai.
Do hôm nay là ngày lễ nên cứ vào đền ngồi xem lễ là được mời
ăn bánh đã luôn hehehe.
Tối hôm đó mưa nên dời lều vào phòng của anh chàng tài xế và
bảo vệ, căng lều lên giường luôn, quấn mền của baba ngủ ấm ghê. Thật ra anh
chàng tài xế rất là tốt bụng, sự tốt bụng thể hiện trong từng lời nói và cử chỉ
hành vi, anh ta tốt một cách không gượng ép và giả tạo, tốt như một bản chất tự
nhiên và tôi rất ấn tượng với anh chàng này.
20/4
Sáng, định ghé trường xem học sinh học nhưng trường nghỉ lễ
sinh nhật thần Rama nên học sinh không đi học. Thu dọn hành lý lên đường thôi.
Tặng baba 1 tờ tiền Việt Nam
1000 ngàn đồng và 1 quyển sổ tự làm. Baba cho mượn gối và mền, còn baba thì gối
đầu vào giấy báo để ngủ. Thật ra khi lần đầu đến ngôi nhà này, thấy toàn là nam
giới nên hổng muốn nghỉ lại, lúc ấy baba chưa về, đẩy xe đi rồi nhưng do làm
rớt một chiếc găng tay nên đi một đoạn rồi thì phát hiện ra và quay lại nhặt.
Khi nhặt găng tay xong thì quyết định ở lại luôn, không đi đâu cả mà ngủ lại
luôn 2 đêm, vì cảm nhận được sự tốt bụng của người trong ngôi nhà này. Đúng là
thật có duyên với họ đấy chứ!
Baba cho Rs 100. Thật là dễ thương! Chắc do hôm trước nói
giỡn rằng baba nhiều tiền và xòe tay xin tiền baba.
Làng Shabpur này cách Khagaria khoảng 35 km, gió ngược dù
trời không quá nắng. Đoạn đường từ Begusarai đến Khagaria là kinh dị nhất.
Đường nhỏ xíu và gió ngược. Qua khỏi Khagaria thì đường mới mở rộng.
Người dân đang thu hoạch. Ở đây hoa hướng dương, ngô và lúa
mì được trồng chung trên một cánh đồng. Muốn cắm trại ngủ đêm trên đồng ghê
luôn. Tìm làng để ngủ ké nhưng chạy hoài mà hổng thấy làng nào cả. Đến chiều
tối thì đến một thị trấn cách Purnea khoảng 80 km. Ghé đồn cảnh sát xin ngủ ké.
Cảnh sát ở đây nói chuyện như quát vào mặt nhưng cuối cùng cũng được trưởng đồn
nhường cho ngủ trong khu vực dành cho trưởng đồn, có cả tưởng ngăn với khu của
cảnh sát viên, còn ông ta thì về nhà ngủ. Đó quả là một khu riêng biệt, có khu
nghỉ ngơi, làm việc, tắm rửa giặt giũ và còn được một thằng bé 15 tuổi phục vụ cơm
nước đưa tận cửa. Dĩ nhiên là không một ai được bước chân vào đó, ngoại trừ
tôi.
Thằng nhóc phục vụ cực chu đáo. Nhóc mang cho tôi 4 cái rô ti
rồi sau đó gõ cửa đưa thêm 2 cái nữa, rồi 2 cái nữa. Thức ăn nhiều quá, ăn
không hết thì nhóc bảo để dành sáng ăn tiếp. Nhóc chu đáo lấy giấy báo gói bánh
và đậy thức ăn lại. Ly nước nhóc bưng cho tôi uống có cả nắp đậy nữa cơ. Tôi
tặng cho nhóc một cái móc khóa.
21/4
Buổi sáng viên trưởng
đồn đến rất sớm. Tôi thu xếp xong xuôi hành lý thì mở cửa ra đã thấy họ đợi sẳn
bên ngoài. Họ có vẻ không để ý đến tôi nhưng tôi nghe họ nói chuyện bằng tiếng
Hindu nên hiểu lõm bõm. Thì ra họ tưởng tôi là Interpol (nghĩa là cảnh sát quốc
tế) chứ đâu có biết tôi là Interbeg hihi. Chắc tối hôm qua họ điện thoại cho
tổng hành dinh và được lệnh đón tiếp tôi tử tế hay sao ấy. Bởi trước đó họ nói
chuyện với tôi toàn là ra lệnh và quát thôi. Nhưng sau đó lại tỏ ra lịch sự, cứ
madam suốt. Hổng biết ông/bà interpol ẩn danh nào đang nằm vùng ở khu vực này
mà tự nhiên tôi được hưởng ké đây ta hahaha. Đúng là may ghê luôn ha! Tự dưng
thành Interpol!
Trước khi tôi đi họ mời tôi ra quán đối diện đồn uống chai và
ăn bánh. Công nhận đấy là cái bánh ngon nhất, hình như được làm từ sữa hay sao
ấy, mà giá hình như chỉ có Rs 4/cái. Lúc đó tôi ăn 2 cái và trong hũ còn chừng
4-5 cái nữa thôi. Bánh ngon quá, tôi dự định mua hết hũ luôn. Nhưng mấy cha
cảnh sát kia trả tiền nên tôi cũng ngại thành ra không mua. Sau đó đi mấy quán
khác, hổng quán nào có bán loại bánh ngon như vậy.
Chia tay họ lên đường. Tôi định sưu tầm con dấu của những đồn
cảnh sát mà tôi từng ghé qua nhưng khi chìa sổ ra bảo họ đóng cho con dấu đầu
tiên thì họ xua tay hổng làm. Quê, nên từ bỏ ý định ấy luôn. Thật ra tôi nghĩ
ai mà quyết định đi bụi như tôi thì nơi nào nghỉ qua đêm cũng xin con dấu lưu
dấu tích và để trình cho nơi ở tiếp theo, cho thấy mình hổng phải từ dưới đất
chui lên mà có nơi đến đi và ngủ nghỉ hằng ngày cụ thể như vậy. Như vậy việc
xin ngủ ké sẽ dễ dàng hơn đấy.
Hôm nay trời cứ âm u, đường thì xấu một đoạn, rồi tốt một
đoạn, cứ vậy miết. Đến gần Purnea thì trời mưa tầm tã, gió thổi mạnh vô cùng,
nhiều đoạn phải dẫn bộ do gió quá mạnh.
Ghé chợ mua 1 kí dưa leo. Cô bé bán dưa nhân lúc vắng khách
chui tọt xuống gầm một gian hàng tạp hóa để đụt mưa. Mua dưa xong tặng cô bé 1
chai sơn móng tay (lúc ở chùa Kiều Đàm Di sư cô Đạo Trí có mua 6 chai nước sơn
có kim tuyến để cho Xuân họa sĩ dùng phết lên tượng Phật cho lấp lánh nhưng
Xuân không sử dụng nên cho tôi hết, tôi phải đi kiếm người cho lại). Cô bé thấy
chai nước sơn móng được chìa về phía mình thì nhanh như sóc, trong vòng 1 nốt
nhạc, chộp lấy và giấu luôn vào áo, làm như tôi đòi lại hổng bằng hehehehe.
Sau đó ghé chợ ăn cơm với cà ri dê Rs 60 và mua nửa kí nho Rs
30.
Hai bên đường đang thu hoạch lúa mì.
Gia súc được thả khắp nơi y như trên thảo nguyên.
Ghé làng Dummar cách Purnea 35 km, ngủ đêm tại một đền thờ
của đạo Sikhism. Đó là đền Sri Guru Teg Bahadar Itihasik Gurdwara. Cứ thấy chỗ
nào có Gurdwara thì chỗ ấy là đền thờ của người Sikh. Họ gọi đền thờ của họ là
Gurdwara. Vị thầy Teg Bahadar là người thầy thứ 9 của người Sikh. Muốn biết
thêm thông tin thì vào google gõ tên vị này ra nha mọi người!
22/4
Ở lại Gurdwara này 1 ngày, họ bắt ăn suốt; nếu không ăn thì
uống chai hoặc uống sữa, rồi nước mát, đâm ra hết muốn ăn luôn. Sáng mới nuốt 4
cái rô ti với dhal xào cà no cành hông rồi còn gì.
Xe đạp hôm trước bị mắc mưa nên dơ quá giờ phải mang ra rửa
ráy.
Ở Gurdwara mỗi ngày làm lễ (puja) hai lần, sáng từ 4-5h sáng,
chiều từ 7-8 h tối.
Nghi lễ buổi tối là như sau:
-
Đầu
tiên là nấu bánh, nghĩa là cho sữa tươi vào nấu kẹo lại với đường, rồi cho sản
phẩm ấy vào bát, phủ khăn đậy lên, có người đi trước rải nước để thanh tẩy, rồi
bát bánh được dâng lên, đặt cạnh chỗ ngồi của guru (trụ trì ngôi đền tên là
Guru Sebak Singh)
-
Guru
mặc quần áo trắng, đốt nhang thơm, 2 cây cắm trên bàn, 2 cây cắm trong phòng
thờ God. Guru lên ghế ngồi đọc kinh, sau đó đứng dậy đối diện ảnh thờ để đọc.
-
Cuối
buổi lễ là mang sách kinh và cây phất trần vào phòng của God và để lên giường.
Tối hôm ấy mưa lớn vô cùng kèm theo sấm sét rất to, chắc là
bão rồi. Nước tràn cả vào phòng ăn. Anh chàng đầu bếp Mukesh đi tìm trụ trì mà
gõ cửa lều của tôi để hỏi mới ngộ chớ, làm như tôi giấu ông ta trong lều hay
sao ấy. Mukesh bảo điện thoại cho trụ trì không được. Lúc ấy có một nhóm 3-4
người đàn ông Sikh cũng ghé đền ngủ ké, nằm ngủ gần đó mà anh ta hổng đến hỏi,
lại đến lều của tôi, chắc lều kín quá anh ta nhìn không thấy rõ hay sao á!
Đi bụi mà mang theo lều cũng hay lắm đó nha mọi người. Ví dụ
trong những nơi mà mỗi người mạnh ai nấy một góc nằm ngủ thì có lều để chui vào
sẽ an toàn hơn, bảo vệ mình khỏi sự đụng chạm vô ý hay cố ý của người khác.
Ngoài ra còn kín đáo hơn nên họ không nhìn thấy sẽ ít khởi ý xấu hơn.
23/4
Nhóm 3-4 người Sikh
đến tối qua họ làm ồn quá nhưng sáng thì họ có xin lỗi. Khi tôi cúng dường Rs
200 cho đền thì chú tiểu Pappu nói: Rs 200 Only. Còn vị Guru trụ trì thì không
nói gì cả. Hôm trước tôi thấy 2 tài xế xe tải cúng dường Rs 50/2 người mừ. Chắc
họ nghĩ tôi sẽ cúng dường nhiều hơn Rs 200 nên mới có sự thất vọng như vậy.
Những người Sikh rủ tôi ghé thăm tổng hành dinh của họ cách
đó chừng 4 km thôi. Nghĩa là từ Gurdwara này đi khoảng 1km thì đến ngã rẽ, rẽ
vào đi khoảng 3km thì đến tổng hành dinh của đạo Sikh. Khi chạy đến chỗ ngã rẽ
thì tôi làm biếng rẽ vào nên chạy thẳng luôn.
Đường đi đến Purnea không tệ, ngoại trừ vài đoạn bị bể và vài
chỗ phải leo dốc. Đến Purnea nhưng tôi không rẽ vào mà đi thẳng QL 31. Trời
nắng ghê luôn! Ghé quán cơm với dhal và rau củ xào (subchi) với giá Rs 40, ăn
bao no, nghĩa là muốn ăn thêm bao nhiêu cũng được, đến khi no thì thôi. Khẩu phần
cơm chay ở Ấn cực rẻ.
Đạp xe đến Belgachhi, cách Purnea khoảng 22 km thì dừng lại ở
một tiệm sửa xe để nâng yên xe lên tí, rồi vô nhớt sên và bơm bánh. Ông chủ
tiệm xe không lấy đồng nào cả. Thật tốt bụng! Hỏi nơi ngủ thì người dân dẫn đến
trường Child Labour School
do tổ chức Child Labour Project mở và được tài trợ bởi Liên Hiệp Quốc. Lúc đó
học sinh đang đọc kinh, sau đó ngồi thiền vài phút, rồi đến giờ tự học. Mấy
giáo viên vây quanh hỏi chuyện. Thư kí của tổ chức Child Labour đến bảo rằng họ
thật vui vì có tôi ghé thăm trường. Ông ta còn điện thoại cho director của tổ
chức ở New Dehli để tôi nói chuyện nữa chớ. Thật vui! Sau khi bọn trẻ nội trú
ăn cơm xong thì tôi được họ mời ăn cơm với cà ri cá. Họ ở đây phổ biến cá và
gạo. Họ là người Hồi. Hèn chi tôi thấy mấy thánh đường Hồi giáo gần đó. Họ đón
tiếp tôi như thượng khách, có cả nước rửa tay khăn lau tay trước và sau khi ăn
nữa chứ.
Họ để tôi ngủ tại phòng khách trong khu nội trú nam (boys’
hostel)
24/4
Ở lại một ngày tại trường Child Labour Belgachhi. Sáng ăn
trứng chiên với bánh mì nướng, đu đủ tráng miệng và uống chai ở phòng dành cho
hiệu trưởng.
Trường học ở đây vận hành khá lạ. Hình như thiếu giáo viên
hay sao ấy. Một giáo viên chạy quanh dạy vài lớp cùng lúc; trong khi lớp này
làm bài thì chạy qua lớp khác để dạy.
Anh chàng giáo viên tiếng Anh cho mượn sim điện thoại để vào
mạng internet. Máy tính trong phòng khá tốt.
Trưa ăn cơm tại phòng máy tính gồm dhal subchi chaval (cơm)
với sag (rau xào).
2h trưa bọn học trò quay lại học.
Nghe mọi người nói lương giáo viên ở đây là Rs 4,000 (nghĩa
là chưa đến 100 đô Mỹ/tháng)
Buổi chiều được chở đi lòng vòng các làng. Đi đến đâu cũng
được giới thiệu là người đạp xe đi khắp Ấn độ. Dân làng xúm lại ngó quá trời.
Có một phụ nữ nói: Bà ta là phụ nữ, tôi cũng là phụ nữ, vậy mà tôi dám đạp xe
đi khắp nơi, còn bà ta thì sợ nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Những người trong
trường kéo tôi lê la hết làng này đến làng nọ để giới thiệu. Làm người nổi
tiếng cũng sướng quá nhỉ! Hehehe.
Buổi chiều tối ngày hôm đó có ông thư ký Công Đoàn (Trade
Union) đến từ văn phòng của ông ta ở Purnea. Ông ta ôm theo một quả dưa hấu
chắc nghe mọi người nói vì trước đó tôi có khen dưa hấu ở Begusarai vừa ngon vừa
rẻ. Thường cán bộ hay đi xe hơi bốn bánh có tài xế lái, còn ông thư ký này có
autorickshaw riêng và cũng có tài xế lái luôn. Wow, ý tưởng này hay ghê luôn
nha mọi người! Ngồi autorickshaw thoải mái hơn ngồi xế hộp kín bít bùng và có
thể chở nhiều người hơn nữa.
25/4
Sáng, ông thư ký bảo tôi hãy ở lại đến ngày Quốc Tế Lao Động
là ngày 1/5/2013. Nghe cũng khoái nhưng tôi sợ không đủ thời gian đạp xe đến
biên giới Nepal
vì hạn visa Ấn độ của tôi sắp hết rồi. Ông ta bảo tôi hôm đó ở lại đi vì có giáo
viên dạy môn văn hóa đến bày cho học sinh hát hò và biểu diễn văn nghệ cho xem.
Hổng biết có phải do họ sợ tôi thấy chán, bỏ đi mất nên bày trò cho tôi xem hay
không nữa???
Sau khi ăn sáng, xem văn nghệ xong thì đi cùng ông thư ký và
một số người khác đến một trường khác, cũng trong hệ thống này, ở xã Araria,
huyện Mirganj, cách biên giới Nepal chừng 7 km. Chiếc autorickshaw có thể chất
đầy nhóc người chắc cũng khoảng 1 chục. Vậy là ăn đứt so với xế hộp rồi nha
hihi!
Có 4 nữ sinh đi cùng chúng tôi, chắc là để nấu ăn, phục vụ và
chơi với tôi. Thường Ấn độ không bao giờ để nữ 1 mình lẻ loi giữa nam giới. Họ
luôn tìm ít nhất một người người nữ khác để đi kèm. Chúng tôi ở lại ngôi trường
này một đêm. Và tôi được đón tiếp như thượng khách. Ông ta bỏ tiền ra mua cá để
mọi người nấu cà ri cá. Bang Bihar ngộ ghê!
Thường họ ăn cà ri rau củ thôi, nhưng hễ có khách thì mới ăn thịt/cá. Trong
buổi ăn tối, tôi là người được ăn trước nhất, kế đến là ông ta, ăn trong phòng,
sau đó thì những người khác mới ăn và ăn ở bên ngoài.
Ông ta còn điện thoại tùm lum để hỏi vụ visa Nepal cho tôi
nữa chứ. Tuy nhiên đây là biên giới nội địa, nghĩa là chỉ có người dân Ấn độ và
Nepal
mới được qua lại thôi.
Tối hôm ấy là 16/3 âm lịch nên trăng tròn rất đẹp. Vì vậy
thay vì ngủ trong phòng được dành riêng. Phòng của ông thư kí ở kế bên thì tôi
ra ngoài sân ngủ cùng những người khác. Họ trải nệm trên mặt đất và ngủ. Nhưng
họ lại lấy băng ghế của lớp học ra và làm thành cái giường cho tôi nằm lên đó
để ngủ. Ngủ đến 2h sáng thì trời mưa nên tôi lại dọn đồ đạc vào phòng. Tội
nghiệp 3 anh chàng của trường, phục vụ tôi riết mệt ná thở!
26/4
Buổi sáng, tôi quanh quẩn để xem học sinh học. Học sinh ở đây
chẳng học gì cả. Giáo viên sướng muốn chết, chỉ điểm danh thôi rồi để cho tụi
nhỏ tự học. Lớp học ở đây gộp vài level lại thành 1 lớp học chung. Ví dụ lớp
4-5 học chung. Lớp 1-2-3 học chung. Có mấy nhóc cực dễ thương!
Tôi đi nhờ toilet nhà của một anh chàng người địa phương. Anh
ta 33 tuổi, vợ 25 tuổi mà có con 14 tuổi rồi. Hổng biết tôi có nghe nhầm hay
không nữa. Vậy là tảo hôn rồi còn gì!
Sau đó thì ông thư ký cùng 2 người phụ nữ và một thằng nhóc sang
Nepal
để khám bệnh. Hình như thằng nhóc là cháu của ông ta thì phải vì ông ta hay cho nhóc ngồi
vào lòng mình và hay cho nó cái này cái nọ. Nhóc này tên là Om.
Tôi thì không được đi rồi vì họ là người bản địa chỉ cần xuất trình chứng minh
thư là có thể qua lại. Tôi không có chứng minh thư thì lấy gì mà xuất. Trình hộ
chiếu thì phải có visa mà biên giới này thì không có chức năng cấp visa.
Tôi cùng 4 bé học sinh ở lại trường. Mấy cô bé này biểu diễn
văn nghệ cho các lớp xem và dạy bọn học sinh tập thể dục buổi sáng.
Tan học, tôi rủ mọi người đi dạo quanh làng vì trước khi đi Nepal, ông thư
ký có dặn tôi rằng tôi có thể đi chơi trong làng sau buổi học. Nhưng khi tôi rủ
mọi người thì thấy ai cũng có vẻ ngần ngừ sao sao đó. Rồi tôi lên autorickshaw
và ra chợ chơi. Chợ khá lớn có bán dưa hấu Rs 12/kí. Sau đó thì quay về trường.
Lúc ấy, ông thư kí và mọi người đã về rồi. Thằng nhóc Om
có quá trời đồ chơi để chơi.
Mọi người kéo hai cái ghế ra ngoài hiên cho tôi và ông thư kí
ngồi. Tôi và ông ta ăn dưa hấu rồi chiura cho buổi ăn nhẹ buổi chiều. Một cô
gái người dân làng đến rủ tôi qua nhà cô ta chơi. Chúng ta vào nhà cô ta rồi
vào nhà vài người bà con của cô ta trong làng. Sau đó cô ta một mực đòi dẫn tôi
về trường chứ không cho đi tiếp vào làng nữa. Khi về đến trường thì ông thư kí
bảo cô ta dẫn tôi ra đền Hindu chơi. Cô ấy dẫn đi, và đến lúc về tôi bảo đi
vòng qua thị trấn về cho vui thì cô ta lại không chịu bảo là có vấn đề gì đó.
Khi về đến trường rồi thì cô ta một mực bảo tôi không được mặc đồ này mà phải
mặc saree giống chị người Ấn đi chung từ trường ở Belgachhi. Tên chị này đọc
lên nghe tương tự như là Full Money. Tôi thấy kì cục quá nên không chịu mặc.
Một lúc sau thì cô ấy đi về. Khi ấy ông thư kí bảo rằng người dân làng không
thích tôi vì cách ăn mặc của tôi giống như người Thiên chúa giáo vậy đó, và theo
dân làng thì người theo các Thiên Chúa giáo không được vào đền Hindu.
Ông thư ký còn bảo rằng khi tôi và ông ta ngồi ngoài hiên nói
chuyện như thế này, người dân làng đi ngang qua nhìn thấy và xì xầm này nọ. Ông
ta và một số người trong trường là người theo đạo Hồi, còn làng này theo đạo
Hindu, và tôi lại người nước ngoài, trông giống người theo đạo Thiên Chúa giáo
nên mọi người càng để ý xầm xì. Ngoài ra ông ta còn nói rằng: Thằng bé Om thật ra là cháu nội của ông ta. Chị Full Money không
phải là con dâu nhưng là mẹ thằng bé. Con trai ông ta không thể cưới chị vì chị
thuộc giai cấp thấp hơn. Vợ anh ta cùng giai cấp và có 1 trai 4 gái với anh ta
rồi. Ông ta bảo ở Ấn độ thì tôn giáo là vấn đề lớn nhất. Giai cấp (caste
system) là vấn đề lớn thứ nhì. Khi ông ta ngồi nói cho tôi nghe những việc này
thì chị Full Money sai thằng nhóc Om đến gọi
ông ta ra ngoài mãi. Chắc họ sợ dân làng làm loạn đuổi đi hay sao ấy!
Tối hôm ấy có 2 thanh niên đến, một người nói tiếng Anh rất
khá. Họ hỏi chuyện tôi. Từ đâu đến? Việt Nam. Tên gì? Maya Lama (lúc ở nhà
một người Tamang ở Nepal,
tôi được đặc cho cái cái tên này). Tôi hỏi họ sao làng này nhiều trẻ con quá
vậy, chính phủ không giới hạn sinh đẻ à? Có, chỉ được đẻ 2 con nhưng lại không
bắt buộc lắm nên mọi người đẻ thoải mái. Tôi bảo ở Việt Nam ai mà làm
viên chức nhà nước đẻ nhiều hơn hai con là bị đuổi việc đó (hổng biết phải vậy
hông nhưng nói đại hihi). Họ bảo họ thích qui chế chặt chẽ như vậy. Họ hỏi tôi
có gia đình chưa? Chưa. Sao vậy? Nếu có rồi thì đâu có ngồi đây đâu. Họ bảo:
đúng rồi. Nếu có rồi thì phải ở nhà làm nội trợ. Tôi hỏi họ có gia đình chưa.
Họ bảo chưa. Khi nào ra trường mới lấy vợ. Vậy thì tốt rồi. Có việc làm, có
lương rồi mới cưới vợ. Họ bảo đúng thế bởi vì tiền là thứ quan trọng nhất. Họ
hỏi tôi khi nào đi. Tôi bảo khi nào về lại Belgachhi thì lại đạp xe đi, xe đạp
và hành lý đang để tại đó mà. Họ bảo đạp xe đi Darjeeling là xa lắm đó. Nhằm nhò gì chỉ có
300 km thôi hà, trong khi tôi đạp hơn 7 ngàn km rồi đó. Đi một mình à? Ừ, có
thần Shiva là bạn đồng hành. Họ bảo thần Shiva là thần của họ, rồi hỏi tôi chỉ
biết thần này thôi à? Tôi nói tôi tin vào Đức Phật. Họ hỏi: Bộ Đức Phật là thần
của bạn à? Đúng rồi. Vậy thì đừng đi Darjeeling,
đi Lumbini đi. Năm ngoái tôi ở đó 2 tháng rồi. Họ chào tạm biệt rồi đi về.
Những người trong trường lúc ấy bàn tán chuyện gì có vẻ sôi
nổi. Tôi nghe lõm bõm họ nói No problem, Buddha,
Vietnam, cycle
nên tôi nghĩ chắc dân làng nghĩ tôi là người theo đạo thờ Chúa nên họ ghét, bây
giờ biết tôi không theo Chúa mà lại theo Phật nên họ không ghét nữa hehehe. Lúc
họ hỏi tên, mới đầu tôi nói Maya. Họ hỏi chỉ có Maya thôi à. Tôi nói Maya Lama. Lama
là một họ của người Tamang, những người theo đạo Phật và đạo Hindu. Chắc 2
người này được làng phái đến nói chuyện với tôi để xem xét tình hình thế nào. Thấy
tôi không theo đạo Chúa mà theo đạo Phật nên họ cho tôi ở lại làng chăng?
Ông thư ký bảo tôi rằng dân Bihar
gặp vấn đề lớn về giáo dục. Trình độ văn trí thấp kém mà lại bảo thủ vô cùng.
Có lần người của chính phủ đến vùng sâu để làm khảo sát. Sáng, mặc quần tây áo
sơ mi cắp cặp, dân làng không thèm đếm xỉa. Sau đó người này quay lại làng, mặc
longi, hồ sơ cắp nách thì dân làng đón tiếp niềm nở.
Tối hôm đó, tôi lại xếp ghế và giăng mùng ngủ. Tôi là người
duy nhất được ngủ mùng vì nguyên cả trường chỉ có một cái mùng duy nhất nhưng
mùng rách đến mấy lỗ nên dù ngủ mùng vẫn bị muỗi chích quá trời. Rút kinh
nghiệm, đi đâu nhớ tự đem theo mùng nha mọi người. Thứ nhất, dân làng ít ngủ
mùng nên họ ít sử dụng mùng. Thứ hai, dù có thì có khi mùng rách tùm lum nên
vẫn bị muỗi đốt như thường hihi. Những cái khác như chăn gối nệm thì không sợ
thiếu, chỉ có mùng là không có mà thôi.
Trăng vẫn còn tròn và đẹp quá đi thôi!
27/4
Sáng, tôi trổ tài nấu món rau xào kiểu Việt Nam. Rau này do
tôi và mọi người đi lòng vòng khuôn viên trường để hái. Do quy trình nấu của
tôi khác họ nên họ tìm cách cản trở tôi miết vì họ chả biết tôi đang làm cái
trò gì. Cuối cùng món rau xào cũng được nấu xong và ai ăn cũng khen tấm tức.
Có một cô gái là giáo viên dạy một trường tư gần đó đến rủ
tôi sang trường của cô ta chơi. Tôi hẹn 9h sáng sẽ tự đi đến đó. Trường mái lá
nhưng nhìn tươm tất hơn ngôi trường Child Labour này. Khi tôi quay về thì được ông
thư kí đưa quyển sổ để viết cảm nhận cho ngôi trường Child Labour. Lúc đó, cô
gái ấy đến tặng cho gói bánh chiura và hỏi bộ tôi là nhà văn hả. Tôi có viết về
cô ấy không, có nhớ đến cô ấy, có nhớ đến làng này không.
Túm lại theo kinh nghiệm của tôi là khi mình là người nước
ngoài mà đi lạc vào những vùng sâu vùng xa và còn bảo thủ như thế này của bang Bihar, đặc biệt là vùng ấy theo đạo Hindu thì cứ tự nhận
mình là theo đạo Phật luôn đi nha mọi người. Đối với người theo đạo Hindu thì
đạo Phật cũng là đạo Hindu. Ngay từ đầu biết như vậy thì họ sẽ không gây khó dễ
và phân biệt tôn giáo với mình nữa. Khi ấy họ trở nên cực dễ thương và hiếu
khách. Nếu để họ nghi kị và phân biệt tôn giáo rồi thì họ cản trở đủ điều và
thậm chí còn tìm cách làm hại. Vậy đi. Khi vào khu Hindu ở vùng sâu vùng xa thì
kiếm cái tượng Phật nào thiệt bự đeo chà bá ngay trước ngực đi nha mọi người.
Vậy thì khỏi giới thiệu, họ tự biết luôn đó hahahaha. Ở những nơi theo các tôn
giáo khác thì tôi chưa kiểm nghiệm nên không biết, còn Hindu giáo thì làm vậy
là chắc ăn nhất đó mọi người.
Xà quần miết đến 11h trưa mọi người mới ra xe để về lại
Belgachhi. Chiếc autorickshaw của ông thư kí cứ bị bể lốp sau hoài, do lốp quá
cũ mà ông ta không chịu thay lốp mới. Họ có lốp sơ cua nên chỉ cần tháo ra thay
cái sơ cua vào thôi. Và khi đến chỗ vá quen thì quăng lốp cho người trong tiệm
vá, khi nào xong thì đến lấy.
Khi về đến trường ở Belgachhi thì bọn học trò chạy ra đón
tiếp. Tụi nó thực hành nghi lễ theo kiểu Hindu, nghĩa là cúi người chạm tay vào
chân mình rồi đưa tay lên trán. Một nghi lễ bày tỏ sự kính trọng với người mà họ
chạm tay vào chân. Trước đây dễ gì mà tôi chịu thi hành cái nghi lễ này, thấy
sao mà nhục nhục hèn hèn như thế nào ấy, mắc gì đã cúi đầu rồi còn sờ chân là
nơi được xem là dơ nhất vì đi trên đất, rồi lại đưa cái tay chạm vào nơi dơ
nhất ấy để đưa chạm vào trán mình nữa chứ. Nhưng mãi đến sau này khi dầm dề ở
Ấn độ miết và được người Ấn độ thi hành lễ ấy với mình miết nên tôi thấy điều
ấy là bình thường luôn, hết thấy nhục nhục hèn hèn nữa rồi. Bây giờ tôi thậm
chí có thể hành lễ ấy ngược trở lại với người Ấn luôn đấy chứ. Cúi đầu chạm tay
vào chân rồi đưa tay lên trán, có gì đâu mà khó, làm vậy để tỏ sự kính trọng
với họ, họ sẽ rất vui khi được một người nước ngoài thi hành lễ ấy với họ. Bởi,
đi Ấn mà gặp người già cả hay cha mẹ những người Ấn mình quen hoặc người mời
mình về nhà, mình mà dám cúi xuống hành cái lễ ấy thì họ vui phải biết.
Lúc trước dễ gì tôi làm được cái chuyện này. Nội cái việc bước
chân vào chánh điện của Bồ đề đạo tràng mà cúi người chạm tay vào bậc thềm rồi
đưa lên trán, y theo phong tục người Hindu, tôi đã không làm được rồi. Giờ làm
thoải mái, có gì đâu mà làm hổng được, chẳng những chạm được vào thềm của đền
thờ mà chân người chạm được tuốt. Vậy đi. Ở đâu thì theo phong tục ấy.
Thằng nhóc 2 tuổi của chị bếp thấy tôi là đưa tay ra để đòi
ăn; khi được tôi ẳm lên còn đưa tay ra bái bai mẹ nữa mới ghê chứ hihi! Nó
không để cho ai bế cả, ngoại trừ tôi, nó tìm tôi mà ôm miết. Thằng nhóc mới 2
tuổi mà mặt mày nhăn nheo, y như một thinker.
Khi tôi đi về phòng để nghỉ ngơi và tắm rửa thì hết người này
đến người khác theo lệnh của ông thư kí đến gõ cửa phòng để đưa cho tôi ăn hết
món nọ đến món kia, nào là đu đủ, nào là lon bò húc, nào là cốm chiura. Lúc ở
trên xe autorickshaw thằng nhóc Om được ông
nội mua cho snack, nó cũng đưa cho tôi ăn. Kiểu này miết chắc tôi thành heo
luôn quá, bị nhốt trong phòng và được vỗ béo hihi.
Chúng tôi về đến Belgachhi là khoảng 2h30, tôi nghỉ ngơi
trong phòng thôi, và mọi người thỉnh thoảng gõ cửa để tiếp tế thức ăn. Chiều
tối tôi giăng lều ra khoảng sân sau lưng phòng để ngủ, chị Full Money lên tìm
và rủ tôi đi ăn tối. Tôi nói tôi không thấy đói nên không muốn ăn chỉ muốn ngủ
thôi. Một lúc sau ông thư kí củng thằng nhóc Om
lên gõ cửa để xem tình hình tôi thế nào. Lúc ấy gió thổi mạnh ghê nên tôi đành
ôm lều trở vào phòng và theo mọi người đi xuống tầng trệt.
Tôi ăn tối ngay trong nhà bếp. Dĩa của tôi lúc nào cũng được
ưu tiên thêm món trứng chiên trong khi mọi người chỉ ăn cà ri rau củ thôi.
Thằng bé Om và mẹ ở ngay tại
trường. Nó hay chơi với tụi nhóc trong trường đặc biệt là chơi với thằng bé con
chị bếp, thằng Luckland, 5 tuổi, thằng này cũng không có cha.
Ông thư kí bảo rằng sau khi chúng tôi đi thì thời tiết ở
Mirganj rất xấu, gió thổi mạnh hơn ở đây rất nhiều.
Buổi tối, tụi nội trú nam dọn ra trước cửa phòng để ngủ, tụi
nó tụm lại học bài rất dễ thương. Tôi cho chúng nhang muỗi để đốt xua muỗi và
lon bò húc mà ông thư kí mua từ Nepal
về và cho tôi nhưng tôi không uống. Tụi nó sáng mắt khi thấy lon bò húc và cầm
lấy một cách đầy trân trọng, sau đó mỗi đứa lấy dĩa ăn của mình ra rồi một
thằng bé đổ nước từ trong lon ra từ từ vào từng dĩa. Chia cho mỗi dĩa một phần
nhỏ. Tụi nó bê dĩa lên húp một cách cẩn thận như uống từng giọt từng giọt một.
Một lon bò húc mà mười mấy thằng nhóc chia nhau ra uống. Trông thấy thương quá!
Tôi thấy mình thiệt may mắn vì đã “chê” lon bò húc và đưa cho
tụi nó. Bởi vì tôi mà có uống cũng không uống từng giọt một cách trân trọng như
tụi nó uống đâu. Tôi uống như trư bát giới. Còn tụi nó uống từ từ như Tạm Tạng
vậy đó. May thiệt là may là tụi nó uống chứ không phải là tôi uống. Nhờ vậy mà
tôi phát hiện ra một điều rằng: Thật ra một cái gì đó ví dụ một món ăn, một món
uống hay một dịch vụ nào đó thì mình không cần hưởng, chỉ cần người khác hưởng
mà hưởng một cách đầy trân trọng và trân quý như bọn nhóc uống từng giọt từng
giọt lon bò húc thì dù mình không hưởng nhưng thật ra mình đã hưởng mà không
cần trực tiếp ăn/uống hay sử dụng dịch vụ ấy rồi. Túm cái ý lại là: nếu tôi
uống thì tôi chỉ uống 1 lon bò húc mà thôi, còn đưa cho tụi nhóc hơn chục đứa
chia ra uống thì dù tôi không uống như thật ra tôi được uống đến mười mấy lon
bò húc lận đó. Cho nên có cái gì mà mình đưa cho đúng người sử dụng một cách
trân trọng như vậy thì mình đã được sử dụng nhiều hơn gấp mấy lần rồi đó. Tôi chỉ
cho một nhưng nhận lại hơn một chục, vậy là người cho phải cảm ơn người nhận là
vậy đó. Có ai hiểu gì hem???
Rồi, viết đến đây xong, cái suy nghĩ: sao mình không quay lại
đó làm giáo viên tình nguyện vậy ta! Tụi nhóc quá dễ thương và nơi ấy thiếu
giáo viên. Làm giáo viên không lương, chỉ cần ăn và ở thôi. Được hem vậy?
28/4
Trời gió quá mạnh! Tôi lấy sticker tatoo ra dán cho bọn nam
sinh rồi đem đồ đi phát cho vài đứa học sinh. Chiều, ông thư kí bảo tôi đi
Siliguri theo đường khác để ghé trường ở Salbury, không đi theo Quốc lộ 31 bởi
vì từ Siliguri quay lại biên giới đến mấy chục km lận. Nếu đi theo Quốc lộ 57
sẽ đến thẳng biên giới và đường đi ngắn hơn, chỉ khoảng trên dưới 100km thôi.
Rồi ông ta bảo tôi ở lại tham gia Quốc tế Lao động 1/5 cùng mọi người. Trước
cổng trường ông ta còn bảo giáo viên lấy phấn ghi 3 câu Quy y Phật, Quy y Pháp,
Quy y Tăng bằng tiếng Pali nữa chớ. Lý do là tôi hay ghi mấy câu này ra, ông ta
thấy nên hỏi đó là gì, cái tôi giải thích, xong ông ta thấy hay sao ấy mà để
trang trí cho ngày 1/5 ông ta bảo giáo viên ghi mấy câu này lên cổng luôn đó.
Mà khu này người Hồi giáo đông lắm. Cho nên ai đi dự lễ mà bước chân qua cái
cổng ấy là xem như được quy y Phật Pháp Tăng luôn rồi đó. Công nhận duyên dễ sợ
duyên hihi!
Vậy nên tôi chỉ còn cách ở lại trường dự lễ cùng họ thôi. Lúc
đầu tưởng tôi không đồng ý ở lại nên ông ta có phân công một giáo viên chạy xe
máy theo tôi để đảm bảo tôi sẽ ghé trường họ. Nhưng tôi thấy đường còn chưa đến
100 km là đến biên giới rồi nên không đi liền mà ở lại dự lễ và sau lễ, tức
ngày 2/5 sẽ cùng ông thư kí đi đến trường ở Salbury luôn.
Mọi việc được sắp đặp xong.
Tối tôi ăn cơm cùng tụi học sinh.
29/4
Sáng dậy dớm dọn dẹp
phòng, quét dọn, giặt giũ bao gối và tấm drap trải giường, phơi mùng mền gối
hết luôn, sau đó giặt quần áo.
Xong xuôi định đạp xe đi Purnea chơi thì ông thư kí (đến lúc
này tôi mới biết tên ông ta là Ansari) bảo rằng tôi không cần đạp xe đâu mà đi
cùng xe autorickshaw với ông ta bởi vì buổi chiều tài xế sẽ quay về Belgachhi.
Tôi nghĩ chắc tài xế sống gần Belgachhi.
Vậy là tôi không đi xe đạp mà chờ để đi cùng autorickshaw với
ông ta. Chờ đã đời thì ông ta mới xong việc để lên xe đi. Gần đến Purnea thì
kẹt xe (chắc có tai nạn giao thông, tôi nói rồi mà, dân Bihar
chạy xe ẩu lắm!) nên phải đi đường vòng qua làng. Purnea cũng khá là sầm uất,
có hẳn một cửa hiệu chuyên bán máy tính của hãng Asus nữa chớ. Biết sao tôi để
ý cửa hiệu này không? Vì cái máy tính nhỏ mà tôi mang theo trong hành lý là của
hãng này mừ.
Văn phòng của ông Ansari nằm trên một con đường nhỏ nhắn và rất
yên tĩnh. Văn phòng vừa là nơi làm việc vừa là nơi ở. Có cả gia đình của một
nhân viên đang ở tại đấy. Họ cũng là người Hồi giáo giống như ông Ansari.
Ông Ansari bảo nhân viên mở máy tính cho tôi vào mạng
internet.
Trưa, ăn cơm với nhiều món như cà ri cá, cơm, rô ti, subchi
và có cả sữa chua. Ông Ansari không ăn sữa chua nên tôi ăn cả hai phần. Ăn xong
thì tôi lục lọi tủ sách của văn phòng để xem có gì đọc không. Có 2 quyển báo
cáo về cuộc họp thường niên 2012-2013 của tổ chức BWI & Trade Union. Trong
khi tôi ngồi đọc thì ông Ansari ngồi……….ngó tôi. Có một nhân viên làm việc bán
thời gian, vừa học vừa làm bảo tôi rằng ông Ansari chưa kết hôn. Wow, ông ta có
1 con trai và 6 đứa cháu nội mà vẫn không kết hôn sao!
Chiều, mọi người ở lại văn phòng, còn tôi lên xe autorickshaw
trở về Belgachhi. Hổng hiểu sao tài xế ghé cây xăng mà chỉ đổ có một lít xăng
thôi, giá là Rs 49/lít. Xe bự vậy mà đổ có một lít xăng thôi thì đổ làm chi vậy
ta! Hẻm hiểu!
30/4/2013
Tôi ở trong phòng và dọn đồ ra để cho bọn trẻ học sinh. Tôi
có ba cái ba lô đồ đạc và tôi dọn ra cho hết một ba lô (tôi cho luôn cả cái ba
lô màu đỏ chỉ còn lại cái màu xanh và màu đen thôi), vậy là chỉ còn 2 cái ba lô
cùng cái túi ngủ và lều thôi, vậy mà cũng đã nhiều rồi đó. Đầu tiên tôi nhờ
giáo viên chọn cho tôi những đứa không có cha mẹ vào phòng nhận đồ trước. Tôi
bày đồ ra trên giường và bảo mỗi đứa chỉ được lấy một món thôi, muốn lấy gì
cũng được nhưng chỉ là một món. Hết đứa này đến đứa khác vào lấy đồ. Nhưng cuối
cùng cái mà bọn nam sinh có vẻ thích thú nhất lại là nằm ngoài trí tưởng tượng
của tôi. Mọi người biết bọn chúng thích nhất món gì không?
Chuyện là vầy: Lúc ở Bồ Đề Đạo Tràng hồi năm 2012, mỗi khi có
tổ chức đạo tràng là mọi người hay làm bảng tên đeo cổ rồi phát cho từng người
đeo vào cổ để vào dự lễ hội. Tôi đến Bồ Đề Đạo Tràng sau mùa hành hương nên
không có dự lễ hội. Lúc ấy tôi ở chùa Miến Điện. Tôi thấy mấy cái dây đeo cổ
này được bỏ lại khắp nơi. Nghĩa là sau khi đạo tràng kết thúc thì hổng ai thu
mấy cái dây đeo cổ để dành cho đạo tràng khác. Ai lấy về kỷ niệm thì lấy còn ai
không lấy thì bỏ lại phòng cho quét dọn gom vào thùng rác. Mấy cái dây được làm
rất đẹp nên tôi thấy bỏ đi như vậy thì vừa tiếc vừa lãng phí. Tôi thu gom mấy
cái dây lại hết. Chỉ bỏ tờ giấy có tên ra thôi, còn lại thì cho vào ba lô,
chẳng biết để làm gì nhưng cứ cho vào đó cất cái đã. Vậy mà mấy cái dây ấy theo
tôi đến tận Belgachhi luôn. Vì tôi có biết làm gì với chúng đâu mà bỏ lại thấy
tiếc. Lúc soạn hành lý ra để cho đồ tụi học sinh thì tôi cũng bày luôn mấy cái
dây này ra để xem có ai thích không. Không ngờ đây trở thành món được yêu thích
nhất của bọn nam sinh mới ghê chứ. Tôi nhớ thằng nhóc ấy sáng mắt lên khi thấy
mấy sợi dây này. Nó chọn một sợi rồi đeo ngay vào cổ. Sau khi nó ra khỏi phòng
thì mấy đứa khác ào vào chỉ để xin sợi dây đeo cổ thôi. Không ngờ món không ai
thèm lại trở thành mặt hàng hot ở đây. Loáng một cái tụi nó lấy sạch. Đứa nào
chậm chân thì khuôn mặt đầy nuối tiếc rồi đi theo tôi xin xỏ miết. Tôi đưa món
gì cho nó nó cũng lắc đầu, nó chỉ thích sợi dây đeo cổ thôi.
Túm lại mọi người biết vì sao tụi nó thích sợi dây này không?
Tôi chả biết nhưng thấy tụi nó xài mới biết ấy chứ. Đó là khi ở nội trú thì mỗi
đứa có một cái hòm nhôm để đựng vật dụng cá nhân. Hòm nào cũng có một ổ khóa
nhỏ để khóa hòm và thường chìa khóa tụi nó hay lận lưng quần. Bây giờ tụi nó móc
chìa khóa vào dây rồi đeo lủng lẳng nơi cổ giống như ngườdi ta đeo dây chuyền
vậy đó. Chỉ vậy thôi, vậy mà đứa nào có dây đeo chìa khóa như vậy mặt hãnh diện
ghê gớm, y như là đeo huân chương vậy đó.
Rồi, đây là lần thứ hai tụi nam sinh làm tôi xúc động ghê
gớm. Lần 1 là chỉ có một lon bò húc từ Nepal mà hơn chục đứa chia nhau ra
uống một cách đầy trân trọng. Lần 2 là mấy sợi dây đeo cổ mà mọi người chỉ muốn
bỏ đi thì đối với tụi nó lại trở thành niềm kiêu hãnh. Bởi, ai hay đi dự mấy
cái đạo tràng mà được phát cho mấy dây đeo lủng lẳng, sau khi đạo tràng kết
thúc mà muốn bỏ vào thùng rác thì hãy suy nghĩ lại đi nha. Nơi này là rác nhưng
nơi khác trở thành huân chương đó. Từ đó về sau tôi không bao giờ bỏ mấy cái
dây ấy, lúc nào cũng cắp theo bên mình, để có gì cho lại tụi nhóc.
Đến đây thì kể chuyện tiếp. Lúc ở Nepal, có lúc tôi ở cùng một gia
đình người Tamang. Tôi học được cách đan len và tự đan nón cũng như áo mặc được luôn đó. Tôi ở đó hơn tháng thì
phải. Đan được rồi cái tôi mừng ghê, tự sắm đồ nghề luôn. Đó là hai que đan và
len đủ màu khác nhau. Khi rời Nepal
để đi qua Ấn độ, tôi toàn là đạp xe và ở chùa toàn là đọc kinh thôi, hổng có cơ
hội đụng đến 2 que đan. Giờ soạn hành lý ra cho đồ tôi cũng tìm người cho lại 2
que đan và bọc len luôn. Có con bé nữ sinh tên là Phunam hay đi theo tôi. Con
bé này có dáng vẻ của một vũ công ghê luôn, và nó múa cũng đẹp hơn mấy đứa khác
nữa. Tôi nghĩ chắc nó thích đan móc nên tôi đem bịch len và 2 que đan trao tận
tay nó luôn. Nó lấy cất vào rương ngay lập tức. Hổng biết có ai dạy cho nó kỹ
thuật đan không nữa.
Ngoài ra tôi hay vào nhà bếp để xin nước cơm uống. Mọi người
cười tôi quá trời bởi vì chỉ có bò mới uống nước cơm thôi. Nghĩ sao vậy trời!
Nước cơm coi vậy mà tốt hơn là uống nước bơm từ máy bơm nha. Vừa có dinh dưỡng
lại vừa vệ sinh, do đã được đun sôi rồi. Tôi mặc kệ, ai muốn cười thì cười, còn
tôi uống nước cơm thay cho nước lã.
Hôm 29/4 sau khi từ Purnea trở về Belgachhi, ông Ansari có
bảo tôi viết một bài cảm tưởng về trường Belgachhi, về làng xung quanh trường
và về Công Đoàn (Trade Union). Tôi bảo tôi không biết gì về Công Đoàn cả nên
tôi sẽ viết về trường và về tụi học sinh. Tối hôm ấy tôi viết một bài thật và
nhờ anh chàng giáo viên Alimam (30 tuổi, chưa có gia đình, thường đi theo tôi
để giúp này nọ) gửi email cho Ansari nhưng cúp điện và sáng hôm sau thì anh ta
phải lên đường đi Salgury để dự lễ 1/5 tại đó rồi.
Tối hôm ấy có ông Emi là field organizer của trường vừa đạp
xe từ Purnea về Belgachhi. Ông ta nói tôi chắc là chủ tịch Công đoàn rồi bởi vì
ông ta đạp xe có 20 km mà nội tiền ăn uống thôi đã hết Rs 200 rồi. Ông ta hỏi
tôi đạp xe như vậy thì tiền đâu mà ăn uống cho lại sức. Tôi nói ăn mỗi ngày một
lần thôi. Đạp xe mệt nên đâu cần ăn nhiều, chỉ cần ngủ nhiều thôi. Đạp 20 km
nên mới phải ăn nhiều, đạp 200 km thì khỏi ăn luôn, chỉ lăn ra ngủ thôi.
Trước đó tôi đã ăn cơm chiều sớm rồi, ăn sớm để đi ngủ khỏi
nặng bụng. Sau khi tụi học sinh nội trú ăn thì mọi người cũng bày đồ ăn ra để
ăn và bảo tôi ăn cùng họ. Tôi nói ăn nhiều dễ bị mập lắm nên chỉ cần ăn ít
thôi; nếu không thì phải tập thể dục. Mọi người cười và chỉ vào chị Full Money (chị
có vẻ uy quyền nhất đám vì là con dâu dù không chính thức của ông Ansari) và
nói rằng chị ta ăn nhiều nên mới mập thế. Tôi đùa rằng chị ta cần đạp xe để vận
động. Họ bảo thằng nhóc Om, con chị, được ông
nội cho tài khoản ngân hàng là 5 lak, tương đương 10 ngàn đô Mỹ. Chị Full Money
và con chị có tiền trong ngân hàng rồi nên họ đâu có gì phải lo nữa đâu.
1/5
Buổi sáng theo đoàn diễu hành đi vòng quanh các làng, vừa đi
vừa hô khẩu hiệu bằng tiếng Hindi. Đi đến đâu mà gặp người quen là ông Emi giới
thiệu tôi với họ. Đến 9h30 thì mọi người quay về trường để chuẩn bị cho cuộc
họp báo vào lúc 10h30. Họp báo nghĩa là có cả nhà báo đến chụp ảnh. Cái tôi
chạy lên phòng lôi cái áo dài màu cam của chị Châu cho lúc ở Bồ Đề Đạo Tràng
hồi năm 2012 nha mọi người. Chị Châu dễ thương thấy sợ luôn! Cho áo dài còn cho cả phụ tùng đi kèm áo dài nữa chớ. Tôi
mặc cái áo dài màu cam chói lòa được đính hoa văn tè le. Vậy là đúng xì tai dân
Ấn rồi nha! Mọi người trầm trồ quá trời! Khi dân làng tập trung vào hội trường
thì mọi người ngồi dưới đất, chỉ có ban đại diện trong đó có tôi là ngồi phía
trên và ngồi trên ghế có bàn. Trong nguyên cả ban ngồi phía trên chỉ có duy
nhất mình tôi là nữ mà mặc áo màu, còn lại toàn là đàn ông và họ chỉ mặc màu
trắng thôi. Công nhận tôi nổi bần bật. Đã vậy chưa hết. Khi tôi bước chân vào
phòng họp thì họ choàng ngay vào cổ một vòng hoa. Thường họ choàng vòng hoa cho
người có địa vị cao, cho người họ kính trọng hoặc cho khách danh dự. Vòng hoa
kết bằng hoa vạn thọ vừa vàng vừa đỏ. Vậy là tôi càng nổi. Nổi quá nổi
hihihihi! Cái này tôi có đăng thành một album riêng trên trang FB nhưng chỉ ai
kết bạn với tôi rồi thì mới xem được.
Buổi họp diễn ra như sau: Từng người ngồi trên hàng ghế danh
dự lên phát biểu, trong đó có tôi. Người khác nói bằng tiếng Hindi, còn tôi chỉ
biết tiếng Hindi bập bõm cho nên chỉ giới thiệu được vài câu bằng tiếng Hindi
thôi, sau đó phải chuyển qua nói tiếng Anh. Ông Ansari đứng kế bên và dịch ra
tiếng Hindi giùm tôi. Thật ra ông Ansari là người phát biểu đầu tiên, sau đó là
vài người khác rồi mới đến tôi. Ông Ansari và ông Emi khi phát biểu cứ chỉ trỏ
vào tôi miết thôi. Ngoài tôi ra còn có 2 phụ nữ khác cũng được lên phát biểu.
Túm lại trong số những người phát biểu thì có 3 phụ nữ trong đó có tôi. Có
những người dân ở làng cách đó tận 30km, vậy mà họ cũng đến dự họp báo.
Mọi người biết tôi phát biểu gì không? Tôi kể chuyện tôi đã
đạp xe qua bao nhiêu nước, bao nhiêu km và khi định đạp xe xuyên qua bang Bihar thì nhiều người bảo nguy hiểm nhưng tôi đạp rồi tôi
có thấy nguy hiểm gì đâu, tôi chỉ toàn gặp người tốt thôi. Tôi ở chung với
người đạo Phật, đạo Hindu, đạo Sikh, đạo Hồi và được tiếp đãi tử tế và đối đãi
nồng hậu. Nơi nào cũng có người xấu và người tốt nhưng người mà tôi gặp toàn là
người tốt cả thôi. Và sau đó thì tôi nói về dự định sẽ đạp xe đi tiếp đến đâu.
Có một ông phóng viên chạy theo chụp hình tôi và bảo tôi lôi
xe đạp ra cho ông ta chụp. Một nhân viên của ông Ansari viết mấy câu hỏi ra
giấy và bảo tôi viết câu trả lời. Tôi không có viết bởi tôi không thích kiểu
phỏng vấn như vậy. Hỏi miệng thì nói chứ viết ra giấy như vậy thì tôi không có
viết. Bộ tưởng phỏng vấn tôi dễ lắm sao! Chảnh lắm nà! Bởi, có mấy tờ báo ở
Việt Nam
cũng gửi email tùm lum và đòi phỏng vấn tôi kiểu gửi câu hỏi rồi tôi gửi lại
câu trả lời. Tôi từ chối tất. Có người tôi còn viết thư từ chối, có người tôi
đọc email xong thì im luôn hổng động tịnh gì cả nên hổng ai biết đường nào mà lần.
Đúng là chảnh chó! Hổng chỉ chảnh với người Việt đâu, chảnh với người Ấn nữa
kìa. Bởi vì lúc ấy tôi bị hội chứng là: Sợ nổi tiếng nên chảnh chó vậy đó hihi.
Do người ta không biết làm cách nào để trở nên nổi tiếng nên người ta mới ham
được nổi tiếng, còn việc nổi tiếng đối với tôi quá dễ, dễ đến độ tôi chẳng thèm
nổi tiếng luôn ấy chứ. Cái gì dễ quá thì hổng có thích làm, không nổi tiếng khó
hơn nên tôi chọn cái khó. Vậy mới là chảnh chó đấy chớ! Chỉ thích đâm đầu vào
cái khó, nổi tiếng dễ quá nên hổng thèm nổi tiếng, ai làm cho tôi nổi tiếng là
tôi………….giận à nha! Giận thiệt đó hehehehehehhehe.
2/5
Sáng, soạn lại đồ đạc thì phát hiện ra số tiền Rs 2,000 trong
giỏ xách tay biến mất. Tôi nhớ lại hồi hôm qua 1/5 lúc mặc áo dài tham gia họp
báo tôi có mang theo giỏ xách tay. Sau khi buổi họp kết thúc, tôi vào khu nội
trú nữ sinh để cho tụi nó xem áo dài Việt Nam. Tôi có vào phòng của con bé mồ
côi Sonic chơi, và khi đang ở trong phòng nó thì mọi người bảo ra sân chụp hình
cùng mọi người nên tôi chạy ra và gửi giỏ xách lại. Lúc quay lại lấy giỏ xách
thì không có kiểm tra, chỉ xách về phòng thôi. Sáng kiểm tra thì phát hiện tiền
không cánh mà bay.
Sau khi phát hiện mất tiền thì tôi xuống phòng con bé Sonic
để hỏi nó thì nó bảo là không có lấy. Tôi định nói chuyện này với chị Full
Money thì chị ta vẫn đang ngủ. Tuy nhiên bạn cùng phòng với con bé Sonic là một
đứa tài lanh dễ sợ. Nó la ầm ĩ lên là tôi bị mất tiền và chạy đi méc chị Full
Money ngay lập tức. Vậy là tôi không cần nói gì cả mà nguyên cả trường ai cũng
biết thông qua miệng của con bé tài lanh ấy.
Ông Ansari vào cuộc điều tra, cho người lục tung cả khu nội
trú nữ. Lúc ấy tôi đâu có biết, tôi ở trong phòng soạn đồ, nghĩ rằng chắc mất tiền
thật rồi, dù hơi tiếc.
Cuối cùng mọi người cũng tìm ra và trả tiền lại cho tôi. Họ
kể tôi mới biết rằng: Tiền do con bé Phunam hát hay múa giỏi thích ăn diện lấy.
Con bé giấu dưới nệm. Mọi người phải đi lật từng tấm nệm mới thấy. Mà phòng của
con bé Phunam lại ở tuốt trên lầu, còn phòng của con bé kia lại nằm dưới tầng
trệt. Tôi nghe xong cũng ngạc nhiên ghê lắm! Hóa ra những đứa thích ăn diện mặc
đồ đẹp là dễ bị cám dỗ và sa ngã nhất, thậm chí là dễ hơn mấy đứa mồ côi không
cha không mẹ luôn đấy. Con bé Phunam hay lẳng nhẳng đi theo tôi nhất và nó cũng
là đứa tôi cho mấy cuộn len và que đan. Túm lại cái gì mà tôi thấy đẹp đẹp là
tôi cho nó. Vậy hóa ra nó lại là đứa lấy tiền tôi mà lại lấy trong phòng của
đứa khác nữa chứ. Từ đó về sau tôi lại càng rút kinh nghiệm không để tiền lung
tung nữa. Cứ người đâu của nấy là chắc ăn nhất!
Ông Ansari sợ tôi giận vụ mất tiền mà bỏ đi mất hay sao ấy.
Lúc thằng cháu nội ông lên tận phòng để trả tiền cho tôi thì ông ta cùng vài
người khác cũng đi sau lưng thằng bé. Ông ta bảo tôi đợi đến 10h sẽ cùng đi
Salbury với ông ta. Nghĩa là để xe đạp lên autorickshaw rồi chạy thẳng đến
Salbury chứ tôi không cần phải đạp xe nữa. Ông ta đúng là bám sát tôi kỹ ghê,
không cho tôi sảy đây này! Cho nên mọi người bảo tôi ăn nhờ người dân địa
phương chứ thật ra tôi thấy đấy là sự trao đổi sòng phẳng đấy chứ. Tôi ở nhờ ăn
nhờ nhưng họ dùng tôi để khoe tùm lum, kéo tôi đi lê la hết nơi này nơi nọ để
khoe hết người này đến người kia. Nhờ vậy mà tôi hiểu rất rõ cái giá của sự nổi
tiếng là như thế nào. Tôi trở thành cái gì đó mà người nào host tôi xem như đấy
là cái đáng để khoe cùng hàng xóm và họ hàng. Cho nên tôi thấy đấy là sự trao
đổi vô cùng sòng phẳng mà thậm chí tôi còn bị lỗ nữa kìa hehehehe.
Ông Ansari bảo tôi rằng thằng nhóc Om muốn đi Việt Nam
với tôi. Tôi nói đùa rằng: Nếu vậy nó phải học cách cầm đũa vì dân Việt Nam
đâu có ăn bóc đâu hihi.
Xe đạp và toàn bộ hành lý của tôi được đưa lên autorickshaw.
Chờ đợi đã đời luôn thì mọi người mới chuẩn bị xong để lên đường. Lần này là đi
đến 2 chiếc autorickshaw lận. Một chiếc chở vài người cùng xe đạp và hành lý
của tôi. Còn chiếc kia thì chở những người còn lại. Từ Belgachhi đi đến Baisi,
rồi từ Baisi rẽ đường 57 đi Amour. Từ Baisi đến Amour là 30km. Ở Amour ghé vào
một văn phòng chính phủ gọi là Block Development Officer. Tôi chẳng biết vì sao
tôi phải vào đó nhưng chắc họ có việc gì chăng? Ở đây tôi xin một con dấu của
chính phủ làm kỷ niệm. Chờ đã đời luôn thì họ mới in cho một con dấu vào sổ tay
nhưng lại bằng tiếng Hindi. Chắc họ phải họp đã đời mới chọn được con dấu chăng
hihi? Dân Ấn độ khoái hội họp mừ.
Chẳng những vậy, trên đường đi, chúng tôi còn ghé nơi này nơi
kia tùm lum để ông Ansari giới thiệu tôi với tùm lum người, đa phần là người
của Công Đoàn. Chúng tôi còn ghé vào một trường nội trú tư để tham quan nữa
chứ. Nhờ trở thành vật được đem đi khắp nơi quảng cáo mà tôi được tham quan nơi
này nơi kia tùm lum tùm la. Nếu tự đạp xe chưa chắc tôi có cơ hội được thấy họ
đâu nha. Cho nên nếu chúng ta tự mò đến những nơi vùng sâu vùng xa cho người
dân bản địa ngó một cái, sờ một cái vào tay, nói vài câu, như vậy đã là mang
niềm vui lớn lao cho cuộc sống buồn tẻ của họ rồi đấy mọi người. Bởi vậy ráng
mò đi cho thiệt sâu thiệt xa nha bà con hehehehe. Hạnh phúc đơn giản vậy đó.
Thấy cái bản mặt mình thôi thì họ cũng vui hỉ hả rồi. Giống hồi nhỏ mỗi khi gặp
người nước ngoài là vui hả hê đến mấy ngày luôn ấy. Người dân ở vùng sâu vùng
xa cũng vậy. Tự dưng có người lạ quắc lạ quơ từ đâu đến khấy động cuộc sống
lặng lẽ của họ lên một cái. Khấy hoài thì mệt, đang lặng quá mà khấy một cái
thì lại vui. Cho nên thường dân đi bụi chuyên nghiệp mà khấy được nơi nào rồi
thì họ ém luôn, hổng có kể, kể ra ai cũng đến đó khấy hết thì thành ra cuộc
sống người bản địa bị quấy nhiễu. Trái đất này thật ra nhỏ lắm, nên cái tụi đi
bụi nó hay ém những nơi nó thích là vậy đó. Còn dân mà kể thì thường là dân
viết blog kiếm tiền hay dân nhiều chuyện giống như tôi nè hihi.
Xe đến một cái cầu, có sợi dây giăng ngang qua, nghĩa là ai
muốn qua phải trả tiền. Mọi người nhảy xuống cãi lộn om xòm. Họ chỉ vào lá cờ có
chữ H.K.M.P (Hind Khet Mazdoor Panchayat nghĩa là Indian
Agriculture Labour Union) được treo ở đầu xe, ý nói
xe của tổ chức chính phủ thì sao phải đóng tiền, còn người kia thì không chấp
nhận tổ chức này hay sao ấy. Họ cãi quá trời. Bên phía thu tiền cầu đường chạy
thẳng đến nói chuyện với tài xế chứ không cãi với mấy người kia nữa thì tài xế
toàn là chỉ qua ông Ansari ý nói: Hỏi ông ta. Ông ta là sếp, còn tôi chỉ là tài
xế mà thôi. Ông Ansari cũng nhảy xuống cãi luôn. Tôi xách máy ảnh đi lòng vòng
chụp hình nên cuối cùng không biết họ có phải trả tiền hay không nữa.
Cuối cùng cũng đến Salgury, những người tại đó đón tiếp tôi
long trọng, họ còn đeo vào cổ tôi hai vòng hoa. Tôi mượn xe tầm vông của họ
chạy lòng vòng chơi. Họ dẫn tôi ra chợ. Họ mua dưa hấu và dalhee (ya ua) cho
tôi uống nhưng chua quá tôi không uống được hết phải bỏ lại nửa hũ thiệt là
tiếc!
Tôi mua 2 kí dưa leo giá Rs 10/kí và Rs 15 đậu nành.
Khi về trường, tôi nấu món khoai tây cùng đậu hũ.
Mọi người tìm cách giăng dây điện kéo vào các phòng và còn mở
tivi cho tôi xem nữa chứ nhưng nửa chừng thì cúp điện.
Tối, mọi người khiêng một tấm phản ra giữa sân và tôi giăng
lều lên đó ngủ, thật là ngon giấc.
Túm lại ở Salgury thật là vui! Đây là nơi mà tôi thích nhất
giữa 3 nơi Belgachhi, Miranj và Salgury.
3/5
Hôm nay tôi biết tên thiệt của ông Ansari rồi. Thật ra Ansari
chỉ là cái họ, còn tên của ông ta là Alimuddin Ansari. Họ có viết cho tôi tên
của những giáo viên khác của trường nữa nhưng họ viết bay bổng quá tôi đọc hổng
ra. Thường những người mà viết chữ như vẽ ví dụ người viết chữ Hoa, chữ Hindi
và các chữ khác mà khi viết sang chữ La tinh thì chữ họ viết y như viết thư
pháp (đối với tôi) nên tôi đọc rất khó. Đó là lý do nhiều khi tôi nhờ họ ghi
vào sổ tên địa danh nào đó hay tên ai đó. Họ viết xong tôi đánh vần mãi chẳng
ra, vì họ viết như vẽ vậy đó mọi người. Chữ viết rồng bay phượng múa nên tôi
đọc chẳng được là vậy.
Sáng, đi lòng vòng các lớp để xem.
Buổi sáng học sinh đọc kinh trước giờ học, giáo viên thì
thảnh thơi tám chuyện với………..tôi, còn học sinh thì tự học. Hoặc giáo viên ra
bài tập cho học sinh làm rồi bỏ đi đâu mất tiêu. Tôi mà vào lớp nào ngồi……..dự
giờ là tất cả giáo viên cả trường đổ dồn về phía đó để ngó tôi, rồi tụi học trò
cũng bắt chước giáo viên loi nhoi nhóng bên ngoài. Thấy tôi vào lớp dự, cái
giáo viên dạy lớp đó mới vào dạy nha mọi người. Họ bắt học sinh đếm số hoặc đọc
bảng chữ cái. Phong cách dạy và học của mấy trường trong hệ thống này giống
nhau ghê! Rất thong thả tự tại, hổng có gì phải vội vã cả. Từ tốn mà học thì
trước sau gì cũng biết chữ thôi hà. Vấn đề là thời gian thôi. Bởi vậy nên lương
giáo viên cũng từ tốn lắm, 4 ngàn rupees/tháng. Ủa mà lương giáo viên ở Việt Nam hình như
cũng vậy mà họ phải dạy thí mồ luôn chứ đâu có được từ tốn và thong thả như
giáo viên Ấn độ đâu ta hehehe.
Anh chàng Mohmad Hussain, giáo viên dạy lớp 4, hôm ấy mặc bộ
đồ rất đẹp đi dạy, giống y như đồ mà người ta hay mặc đi đám cưới vậy đó mọi
người.
Đi cùng mọi người từ Belgachhi đến Salgury có một phụ nữ lớn
tuổi mà tôi hay gọi là mama. Sáng hôm ấy mama lấy saree của mình ra cho tôi mặc
vào nữa đấy. Lúc mặc sareee cho tôi mama vừa nói vừa làm dấu, còn tôi vừa nghe
bập bõm tiếng Hindi vừa đoán. Ý mama muốn tôi kết hôn đi chứ ở không nhông
nhông hoài ai mà chịu nỗi hahaha. Mama bảo tôi kết hôn với ông Ansari đi, ông
ta dù có con có cháu nội nhưng chưa kết hôn với ai cả. Mama dụ dỗ tôi kết hôn
với ông ta miết nha mọi người. Mama bảo kết hôn sẽ có nhiều nữ trang đeo lắm
đấy.
Trùi, tưởng dụ cái gì chứ lấy nữ trang dụ tôi chả có ham, cho
nên dụ cũng như không hà. Ở trong gia đình tôi nổi tiếng là đeo vàng một thời
gian thấy cộm cộm vướng vướng là cởi ra giục luôn. Lúc nhỏ mẹ tôi hay ép tôi đeo
nữ trang lắm nè, nhất là đeo bông tòn ten. Thường tôi đeo trong một thời gian
là bông chỉ còn một chiếc thôi, chiếc kia nằm ở đâu thì chả biết. Tôi ghét đeo
cái gì vào người lắm, vướng vướng cộm cộm thấy ghét. Nhưng mẹ tôi sợ tôi bị bít
lỗ tai nên bắt đeo bông, mà lỗ tai tôi ngộ lắm nha, chỉ đeo được vàng thiệt
thôi, đồ giả mà đeo thì chỉ trong 1 ngày là lỗ tai sưng vù, có mủ luôn đó. Cơ
địa chỉ thích hợp với vàng thiệt, kim cương và đá quý thôi hà. Chỉ sau vụ án
này thì mẹ tôi mới không bao giờ bắt tôi đeo nữ trang nữa nè mọi người. Có lần
chị tôi quét nhà, moi góc tủ góc bàn ra thì thấy 1 chiếc nhẫn bụi tùm lum mà có
màu trắng, mới đầu tưởng đồ giả nên định quăng luôn nhưng thấy có chỗ tróc thì
trồi lên màu vàng bên trong, đem thử thì mới biết đó là vàng thiệt. Truy ra thì
mới biết đó là chiếc nhẫn mẹ tôi mua cho tôi lâu rồi, mua mấy chiếc lận nhưng
từ từ hổng biết sao đâu mất tiêu hết trơn. Phát hiện ra vàng thiệt cả nhà la um
lên thấy ghê luôn. Rồi, tôi nổi tiếng là người chuyên quăng vàng. Cứ thấy vướng
vướng là rút ra quăng luôn cho khỏi vướng. Từ đó về sau hổng ai bắt tôi đeo
vàng nữa bởi vì trước sau gì tôi cũng quăng cho xem. Bởi đồ nữ trang mà đeo cho
tôi đi dự tiệc xong rồi về tháo ra cất liền đi nha, để tôi đeo đến ngày hôm sau
là tôi quăng luôn đó hahaha.
Vậy mà giờ có người dụ tôi kết hôn để được đeo nữ trang nữa
chứ, vàng 24 kara tôi còn quăng chứ vàng Ấn độ toàn là vàng thô chỉ 14-15 kara
thôi, vậy mà cũng đem ra dụ nữa trời.
Mắc cười quá, tôi cười hả hả luôn.
Mama nói mama 65 tuổi còn ông Ansari thì 60 tuổi. Tối hôm qua
họ ngủ chung với nhau nên tôi nghĩ chắc mama là mẹ của con ông ta, nhưng vì lý
do gì đấy nên họ không kết hôn với nhau.
Tôi nói với mama rằng tôi không thích nữ trang đâu chỉ thích
đạp xe đi nơi nào nơi kia chơi thôi hà.
Buổi chiều, ông Ansari dẫn mọi người ra chợ chơi, chợ cách
trường khoảng 3km. Từ chợ ông ta dẫn tôi đến chỗ rào chắn biên giới với Nepal,
chỉ cách một con đường ở ngay tại chợ đó luôn. Chợ bụi quá trời! Hôm ấy tôi mua
được chân gà, vui dễ sợ vui. Bởi tôi rất thích gặm chân gà, trùm gặm luôn, gặm
chân gà xương không mà hổng hiểu sao rất thích gặm, mà từ nhỏ đến lớn tôi mà ăn
thịt thì chỉ thích gặm xương thôi chứ hổng thích thịt, giống chó vậy đó. Thật
ra gặm xương ngon hơn thịt nhiều mừ. Bởi vậy chó khôn hơn người, chó ăn xương
còn người ăn thịt hahahaha.
Mua xong chân gà, tôi chạy đi khoe mọi người, tôi nói 250gr
giá Rs 25, ai cũng chê mắc vì chân gà có Rs 50/kí thôi, tôi bị thách gấp đôi
rồi. Ông Ansari dẫn tôi đi mua chuối, tôi lấy tiền ra trả, ông ta bảo không
cần, để ông ta trả. Ông ta còn mua thịt dê Rs 350/kí cho mọi người nấu cà ri dê
ăn nữa.
Về đến trường, tôi lấy nồi ra luộc chân gà rồi chấm muối ăn,
tôi mời mà không ai ăn cả. Họ bảo phải nấu cà ri ăn mới được chứ ăn vậy sao ăn.
Tôi nói hôm sau tôi đưa họ Rs 50 mua luôn 1 kí chân gà ăn cho sướng. Ăn chân gà
xong thì tôi no bụng nên tôi không ăn cà ri dê được nữa, hổng biết có phải do
mấy hôm trước ngày nào cũng uống nước cơm ở Belgachhi không mà bụng cứ lình
sình không tiêu nên tôi hổng nuốt nổi cà ri dê.
Ăn xong ra ngoài sân chơi cùng mọi người. Tôi hỏi mama ông
Ansari đâu, mama chỉ tay vào phòng ông ta rồi chỉ lên trời, hổng hiểu muốn nói
gì luôn.
Khi tôi hỏi ông Ansari về gia cảnh của mama thì ông ta bảo
rằng: chồng trước của mama qua đời, chồng hiện tại thì làm nông. Mama là trưởng
ban phụ nữ ở nhà máy gạch của làng. Làng mama cách Salgury 105 km và mama đến
Belgachhi để dự lễ 1/5.
4/5
Ông Ansari cùng mama và hai người ở Salgury đi Purnea. Ông ta
hỏi tôi dự định ở Salgury mấy ngày. Tôi nói ngày 9/5 là ngày cuối cùng của visa
Ấn độ nên tôi sẽ đi vào ngày 8/5, vì biên giới cách 50 km nên tôi không sợ ở
quá hạn nữa rồi. Sau khi sắp xếp xong mọi thứ thì ông ta mới ra xe để đi, tôi
tặng cho ông ta một quyển sổ do tôi tự làm để làm kỷ niệm. Ông ta hỏi tôi ở Nepal bao lâu,
tôi nói sẽ ở 3 tháng. Ông ta nói: đến tận 3 tháng lận à? Tôi bảo rằng Bihar sắp
đến thời điểm nắng nóng rồi, Nepal
sẽ đỡ nóng hơn nhiều. Ông ta nghĩ chắc khi nào quay về Ấn độ tôi sẽ lại đến
trường của ông ta chăng? Tôi đoán vậy đó.
Tưởng ở lại sẽ được tự do chơi đây. Nhưng khi ông ta vừa đi
thì xảy ra chuyện sau: anh chàng Uttam, một gương thành công của trường. Uttam
từng học tại Belgachhi, sau đó học cao đẳng sư phạm, ra trường và về Salgury
dạy. Uttam bảo tháng 4 năm sau sẽ cưới vợ quê ở Kishanganj. Hai nam giáo viên
khác là Mohmad Hussain và Bharat Besra tháng 3 và 4 năm sau cũng sẽ lấy vợ. Có
2 giáo viên sẽ nghỉ dạy và hai giáo viên nữ sẽ về dạy thế họ. Uttam bảo rằng
mọi người chuẩn bị đi chợ nào đó rất lớn cách đó 20km. Tôi cũng muốn đi chợ
nhưng họ bảo không được, họ bảo tôi phải ở lại trường để dạy bọn trẻ. Cái gì kì
vậy ta! Học sinh của họ mà họ không lo dạy lại lo đi chợ rồi hổng cho tôi đi,
bắt tôi ở lại dạy học mới ngộ à nha! Lúc ấy tôi chỉ muốn ra chợ chơi chứ hổng
muốn dạy tí nào cả. Ở một chỗ hoài riết chán nên tôi lại khoái đi lông nhông
rồi. Nhưng họ bảo ông Ansari không cho đi, ông ta bảo rằng tôi là school
inspector, tôi phải ở lại trường 4 ngày để dạy bọn trẻ nên tôi không được đi.
Nghe xong thấy giận ghê luôn ta! Sao tôi giống tù binh quá nè! Trước đó tôi nói
hổng đi chợ thì tôi vào các nhà máy gạch, họ bảo không được vì tôi không được
phép đi một mình, phải đi cùng ai đó.
Giận quá nên tôi bực mình đi về phòng ngồi. Tụi học trò bu
đen đỏ trước cửa để ngó làm tôi càng bực. Tôi đóng cửa phòng lại thì chúng gõ
cửa, rồi bắc ghế lên dòm vào cửa sổ xem tôi làm cái gì bên trong. Bực ghê luôn,
đã vậy các giáo viên không ai la tụi nó cả. Giận quá, tôi mở cửa phòng ra rồi
nói: Tôi không thích học sinh của trường này. Tụi nói không ngoan như học sinh
ở Belgachhi và tôi rất bực mình bọn chúng. Sao bọn chúng cứ dọng vào cửa phòng
tôi miết vậy. Tức mình, tôi lấy xe đạp ra và đạp ra ngoài. Modmad Hussain hỏi
tôi đi đâu, tôi bực mình nên không thèm trả lời. Anh ta quát lên bảo tôi phải
quay lại, tôi càng bực hơn nữa. Đang đạp gió ngược thì Uttam và Nawab chạy xe
máy đến bảo tôi hoặc là quay lại trường hoặc là gửi xe nhà bạn họ gần đấy rồi
cùng ngồi xe máy ra chợ với họ. Tôi nói không, tôi tự đi xe đạp. Họ bỏ đi. Tôi
đạp xe vào chợ cách đó khoảng 3km mà hôm qua cùng đi với mọi người rồi đạp lòng
vòng. Tôi tìm chỗ bảo dưỡng xe. Họ vô dầu nhớt, bơm bánh xe giùm rồi bảo ok,
không cần trả tiền.
Khi tôi về trường là khoảng 1h trưa, tôi đi khoảng 10h30
sáng. Khi ấy Mohmad và Bharat cùng 2 phụ nữ đang ngồi trước cửa văn phòng nói
chuyện, Bọn trẻ con đã về hết. Họ hỏi có đi chợ không. Tôi nói không có, tôi đi
các nhà máy gạch. Mohmad đòi mượn xe đạp để chạy lòng vòng, tôi không đồng ý
rồi đi vào phòng đóng cửa ngủ đến đầu chiều thì ra ngoài gội đầu và rửa xe. Lúc
tôi đang lui cui gội đầu thì 3 đứa con gái đến dòm dòm và hỏi cái này cái nọ.
Tôi ghét ghê, nên hổng thèm trả lời trả vốn gì cả. Tụi nó thấy tôi không nói gì
cả nên đi vào phòng tôi rồi tự lấy món này món nọ cầm lên để xem. Khi tôi gội
đầu xong quay lại phòng thì tụi nó bỏ chạy té tát. Tôi khóa cửa phòng lại.
Modham nói rằng tụi nó là học sinh cũ của trường. Tôi không thèm nói gì cả. Tụi
nó quay lại và nói tiếng Anh. Tôi giả câm giả điếc không nói gì, đang giận mà.
Chán quá nên mọi người bỏ đi hết. Vậy là tôi lại băng qua đường để đến nhà máy
gạch xem. Mọi người mở nắp cho tôi xem hầm nung bên dưới. Một cô bé mặc đồng
phục của một trường nào đó ở Salgury đến nói gì đó với mọi người, chắc nói tôi
là khách của trường bên kia đường. Tôi mặc kệ nó và đi vào khu nhà ở của công
nhân gạch. Họ xúm lại dòm ngó hỏi han. Có một ông có vẻ là quản lí đến bập bẹ
tiếng Anh hỏi tôi đi đâu. Tôi nói là Kakabitta, ông ta nói rằng tôi bị điên
(she’s crazy) rồi bỏ đi mất. Tôi hỏi: Ông ta có bị điên không vậy? Mọi người
bảo không, không bị điên đâu. Khi tôi đi ngang qua văn phòng của ông ta thì ông
ta ngoắc tay bảo tôi vào miết (come here) nhưng tôi ghét nên hổng thèm vào. Bộ
tưởng nói chuyện với tôi dễ lắm sao! hihi.
Tôi bỏ đi về trường, vào phòng soạn đồ đạc. Thấy tình hình
không vui nên tôi không muốn ở lại đến ngày 8 mà muốn hôm sau lên đường sang Nepal luôn.
Thấy tôi lui cui trong phòng, Mohmad và Bharat không ai dám đến hỏi han gì cả.
Lúc ấy Uttam và Nawab về và bảo tôi mở cửa phòng để họ mở đèn trong nhà bếp.
Tôi mở cửa ra và nói cho họ nghe kế hoạch của tôi. Họ bảo họ chờ tôi ở chợ mà
không thấy. Tôi đâu có đi chợ đâu, tôi đi nhà máy gạch mừ. Họ hỏi tôi có vấn đề
gì không? Tôi nói không và nói xạo với họ rằng visa của tôi hết hạn rồi nên hôm
sau tôi lên đường thôi.
Biết tôi giận nên buổi tối họ nấu thức ăn xong thì tranh nhau
phục vụ cho tôi, dễ thương ghê!
5/5
Sáng, họ mua puli subchi cho tôi ăn (puli là bánh chiên dầu
ăn cùng cà ri rau củ gọi là subchi). Uttam bảo hôm nay là chủ nhật nên học sinh
không đi học. Nghe vậy tôi quyết định ở lại với họ vì sợ họ buồn với lại không
có học sinh thì không có ồn ào nữa rồi.
Họ dẫn tôi qua gia đình ở gần trường học chơi. Gia đình này vợ
45 tuổi, chồng 50 tuổi, có cô con dâu mới 15 tuổi thôi mà đã đẻ 1 con, con con
dâu khác 22 tuổi đẻ 3 con. Sau đó họ dẫn tôi đi lòng vòng vào các làng và giới
thiệu nhà của học sinh của trường. Không hiểu sao học sinh ở toàn nhà đẹp không
hà? Ông Ansari nói rằng họ là dân nhập cư đến để làm việc ở các lò gạch. Có khi
nào họ ở lâu quá nên xây dựng nhà kiên cố luôn không vậy? Tôi nhớ ông Ansari có
nói rằng xung quanh đó có khoảng 100 lò gạch mà trường của ông ta thì có khoảng
100 học sinh. Chẳng lẽ mỗi lò gạch chỉ có một học sinh đang học tại trường
Child Labour này thôi sao! Còn những đứa trẻ khác đang sinh sống tại các khu
nhà ngay lò gạch thì đi học ở đâu. Hổng hiểu.
Trường là Child Labour mà học sinh không ở nhà tạm bợ lại ở nhà rất đẹp.
Trong khi các khu nhà tạm bợ ở ngay tại lò gạch thì hổng thấy họ dẫn đến giới
thiệu.
Khu mà họ dẫn tôi vào là khu Hồi giáo, nhà cửa trang trí rất
đẹp. Họ có những bình đựng hạt nhìn rất ngộ, bình được làm bằng đất.
Buổi chiều tôi ra chợ địa phương gần đấy mua quá trời chuối.
Tôi đi đến đâu là cả chợ xúm lại ngó đến đấy.
Quay về trường là 4h30, Uttam và Nawab chở tôi đi Thakuganj
để ghé nhà hiệu trưởng chơi. Sẳn chúng tôi ghé chợ mua chân gà mà hổng thấy ai
bán cả.
6/5
Tôi đổi ý, không muốn đi Nepal nữa mà muốn ra biên giới đổi
visa để tiếp tục ở lại Ấn độ với thư mời làm việc của trường Salgury nhưng xui
cho tôi là hiệu trưởng không có nhà, còn chủ tịch HKMP thì đi họp ở Purnea. Vậy
là không có ai đóng dấu cho tôi cả. Điều này ông Ansari và mọi người nói mãi thì
tôi mới hiểu ra. Mọi người điện thoại cho ông Ansari rồi chuyển điện thoại cho
ông ta nói chuyện với tôi. Tưởng hiệu trưởng chỉ không có mặt hôm ấy thôi rồi
hôm sau đến nhưng họ bảo rằng hiệu trưởng đi dự đám cưới ở đâu rồi, chắc chục
ngày sau mới về. Thiệt không vậy hay do họ không tán đồng ý kiến của tôi nên
tìm cách thối thác hehehehe.
Cả ngày 6/5 chả được đi đâu cả, chỉ vào lớp 5 dạy phụ tí.
Tiếng Anh tụi học trò tệ ghê luôn. Học quyển 3 rồi mà chẳng biết gì cả. Tôi bảo
chúng phải học lại từ quyển 1 thôi.
Tối hôm đó mọi người đi chợ cách đó 3km và mua chân gà về nấu
cà ri cho tôi ăn. Tôi nhớ là hình như họ không mua được nhiều chân gà lắm (chân
gà lúc có lúc không lúc nhiều lúc ít), chỉ có mấy cái thôi mà họ đưa cho tôi
nhiêu là tôi ăn hết, vì lúc ấy tôi đơn giản nghĩ rằng họ không thích ăn chân
gà, hôm trước tôi mời mà có ai ăn đâu. Tôi ăn hết chân gà, chả lẽ họ ăn nước cà
ri không thôi sao. Mà hôm trước dù buổi tối tôi không ăn cà ri dê nhưng họ có
để phần cho tôi và sáng hôm sau họ hâm lại cho tôi ăn chứ họ không ăn hết phần
của tôi. Còn tôi thì chén sạch mấy cái chân gà luôn. Công nhận tham ăn dễ sợ
hihi! Giờ mới thấy mình tham ăn chứ lúc đó tôi chỉ nghĩ là họ chê chân gà nên
không ăn và mục đích họ nấu chân gà là cho mình tôi ăn thôi. Tại nghĩ vậy nên
nghĩ rằng nếu ăn bỏ thừa thì phụ công họ nên tôi ráng ăn sạch mấy cái chân gà
luôn. Chắc hôm đó họ chỉ còn húp nước cà ri thôi quá hehehehe.
7/5
Dự định gửi xe đạp và đồ đạc ở trường rồi ra biên giới đổi
visa, nếu có vấn đề gì thì nói họ điện thoại cho ông Ansari ở Purnea. Sáng tôi
tập thể dục và tắm rửa xong thì Uttam, Mohmad và Nawab bảo rằng hôm ấy trường
có Local Trade Union đến thanh tra, và tôi không được phép ở lại trường, không
được gửi cả đồ đạc vì họ sẽ thắc mắc vì sao nơi này toàn nam mà có phụ nữ ở.
Tôi hỏi họ sao ở Belgachhi tôi lại ở được thì họ bảo rằng tại ở Belgachhi có
nội trú nữ và có nữ giáo viên ở tại trường nên tôi ở thì không sao nhưng ở đây
thì khác rồi. Và họ bảo ông Ansari bị sếp ở New Delhi rầy vì cho phép tôi ở lại đây đó
chứ.
Vậy là bị đuổi. Tôi thu xếp hành lý để lên đường thôi! Đã nói
rồi, tôi đi đến đâu là gây rắc rối đến nấy là vậy. Cho nên chuyện này thường
thôi hihi!
Thật ra Ấn độ là vậy đó mọi người. Nếu ở tạm thời ngắn hạn
thì thường nữ dễ được cảm thông hơn nam giới nhưng nói về mặt lâu dài thì nam
giới lại dễ hơn. Vì Ấn độ phụ nữ ít có hoạt động hơn và nếu có thì họ rất kín
và bó buộc. Còn để được tự do hơn thì nam làm dễ hơn. Cho nên khi làm nữ đi Ấn
độ dễ là do dễ được cảm thông nhưng chỉ ở đó tạm thời ngắn hạn. Còn nếu muốn
lâu hơn thì làm nam giới lại dễ hơn, đỡ bị dòm ngó hơn, đặc biệt là ở thôn quê
nơi vùng sâu vùng xa, nơi mà sự phân biệt giới tính vẫn còn rất sâu đậm. Cho
nên ai mang thân nam mà không dám lặn lội sang Ấn độ thì quế lắm đó nha
hahahaha. Người ta là nữ, khó khăn trắc trở như vậy mà người ta vẫn lếch được
đến đó. Còn mấy người mang thân nam được ưu đãi hơn, được tạo điều kiện dễ dàng
hơn mà mấy người thụt đầu vào cổ như rùa là sao nhỉ hehehehehe! Đúng là đồ nhát
gan! Chẳng những Ấn độ mà các nước khác đều vậy. Cứ mang thân đến đại một ngôi
trường nào đấy rồi nói với họ rằng mình muốn dạy tình nguyện đổi chỗ ăn ở miễn
phí, 90% là họ ok nếu mình là nam. Vì có thể lăn ra ngủ đâu mà chả được, toilet
tắm rửa thì dễ dàng, cứ ra ngoài thiên nhiên mà làm, không cần ai kè kè bảo vệ
vì sợ bị hiếp dâm. Vậy mà mấy cha còn hổng chịu vác ba lô lên mà đi cứ ở nhà
canh đọc blog của tôi hoài là sao hehehehehe. Mạt lị mấy cha nội đàn ông xong
là tôi thấy khoái chí hà. Cái đồ gì đâu, có thân nam mà hổng vác thân lên để đi.
Kiếp sau tôi chuyển sang thân nam rồi đó nha hổng mang thân nữ nữa đâu.
Vậy mà mấy cha Tây ba lô suốt ngày lên mạng rên rỉ vụ họ làm
đàn ông nên bị bạc đãi ở diễn đàn couchsurfing. Họ bảo rất nhiều người chỉ
thích host nữ thôi chứ chả thích host nam, ngay cả nữ cũng chỉ thích host nữ
nhiều hơn là host nam. Vì host nữ thì họ đỡ lo hơn, đỡ bị đứng tim hơn, với lại
dễ dụ làm bạn tình hơn (đối với host là đàn ông). Còn nếu host là phụ nữ thì
host nữ họ không lo nguy cơ bị hiếp dâm hoặc bị giết hoặc cái gì đó do họ tự
tưởng tượng ra chỉ có trời mới biết. Túm lại nhiều ông cứ rên rỉ cái vụ bị bạc
đãi vì họ mang thân nam miết đấy chứ. Còn ở đây thì tôi rên rỉ vì mang thân nữ.
Con người ta không bao giờ hài lòng với cái mà mình có là vậy
đó. Luôn thấy cỏ bên kia đồi lúc nào cũng xanh hơn là vậy hihi.
Đi dọc theo
State Highway (SH) 63 khoảng 20km thì đến
Thakurganj. Từ Thakurganj đi 30km thì đến Panitanki, đó là địa phận bang West Bengal. Tôi đến Panitanki vào khoảng 2h30. Khi vào Immigration
Office để đóng dấu xuất cảnh thì họ nói rằng visa tôi còn đến 2 ngày nữa mới
hạn, tôi có muốn ở lại Ấn độ thêm không. Tôi nói ok nếu họ cho phép tôi dựng
lều ngủ ở ngoài hiên vào ban đêm. Họ chẳng tin cười haha cho rằng tôi nói giỡn
chơi. Ngộ ghê ta, nói thiệt mà hổng ai tin. Họ cũng dễ thương lắm, đóng mộc
xuất cảnh mà không có đóng vào trang sau còn mới tinh lại đóng chi chít vào
trang trước để tôi tiết kiệm được một trang trong hộ chiếu.
Từ phòng Xuất Nhập Cảnh Ấn độ đến phòng Xuất Nhập Cảnh Nepal là 5 phút
đạp xe và băng qua một cái cầu. Ở phòng Xuất Nhập Cảnh này, họ bảo tôi phải
đóng 100 đô Mỹ cho visa 3 tháng và Rs 100 tiền phí gì đó. Tôi đưa tờ một trăm
đô. Họ cầm lên săm soi một hồi rồi bảo rằng: Tờ tiền này có rách một tí ở đầu
nên không chấp nhận được đâu. Tôi phải đưa họ tờ trăm đô khác đi. Mắc công móc
túi ra lục lục tiền nên tôi nói rằng: Tôi chỉ có tờ 100 đô này thôi, nếu họ
không nhận thì không có tờ khác đưa đâu. Họ nhất định không chịu. Tôi ra ngoài
băng ghế chờ và nằm ngủ luôn. Một lúc sau có một anh chàng đến cầm hộ chiếu và
tờ 100 đô của tôi lại và nói rằng: Do các ngân hàng ở đây là ngân hàng chi
nhánh của các ngân hàng lớn nên tờ 100 đô này hổng ngân hàng nào chịu đổi tiền cho
họ cả đâu. Vì vậy tôi buộc phải đưa họ tờ trăm đô khác nếu muốn có visa. Tôi cầm
lấy hộ chiếu và tiền của mình xong thì bảo anh ta ra chỗ khác đi để tôi suy
nghĩ xem nên làm gì. Anh ta đi rồi, không có ai ở đó, cái tôi móc túi lấy tờ
100 đô khác rồi trở lại quầy cấp visa. Họ hỏi tôi đây là tờ 100 đô khác à. Tại
lúc nãy lỡ nói xạo rồi nên giờ xạo luôn, nếu không quế thì sao! Tôi cãi lại:
Làm gì có tờ 100 đô khác, cũng là tờ lúc nãy, mà tôi úm ba la ém xì bùa rồi nên
tờ tiền lành lại thôi. (Nói vậy mà cũng nói được, công nhận tôi cũng bó tay với
tôi luôn đó chứ.) Họ bán tín bán nghi, cầm tờ tiền săm soi kỹ càng và rất cẩn
thận. Hổng thấy chỗ rách mà cũng hổng thấy tiền giả nên họ phải nhận thôi. Sau
đó họ đòi Rs 100 tiền phí thủ tục. Tôi nói ở biên giới Sunauli tôi chỉ đóng có 100
đô là có visa nên không có chuẩn bị sẳn Rs 100. Họ trao đổi với nhau một lúc.
Họ vừa nói chuyện vừa chỉ vào xe đạp của tôi, tôi nghe họ nói từ cycle và Ilam
(bởi họ hỏi đi đâu, tôi nói đi Ilam.) Thật ra chẳng ai tin du khách mà không có
tiền đâu, nhưng nhờ tôi đi xe đạp với lại tôi đang trên đường đến Ilam và tôi
nói họ rằng ở Ilam tôi có bạn đang đợi. Vậy là họ tin tôi hổng có tiền đóng phí
thiệt, vì từ đó đến Ilam đi xe đạp nên đâu cần tiền mua vé xe buýt, và ở Ilam
thì có người quen chờ nên đúng là hổng có cần tiền thiệt. Họ dán visa vào sổ và
trả lại mà không đòi Rs 100 phí nữa. Tôi muốn tiết kiệm trang trong hộ chiếu
nên nói họ dán vào mấy trang ở đầu còn trống chỗ đó (trang mà visa mới dán 1
tờ, còn tờ kia trống), vậy mà họ cũng làm theo, dán luôn vào trang có chữ
Observation mới ghê chớ! Công nhận dễ thương quá trời! Cũng nhờ biên giới này
vắng vẻ du khách nên tôi mới eo sách được chớ. Ngồi ở đó cả buổi mà chỉ có mình
tôi là vào mua visa thôi. Dân Ấn độ qua lại biên giới đâu cần visa làm cái
gì!
Tôi nhận lại hộ chiếu, chào tạm biệt họ và đạp xe lên đường
thôi.
So với Ấn độ thì Nepal sạch sẽ hơn nhiều. Khí hậu
trong lành hơn. Do ở cao độ hơn nên cũng mát mẻ hơn nữa.
Có một anh chàng người địa phương đạp xe song song với tôi tìm
cách nói chuyện miết. Anh ta bảo là có làm việc ở Dubai
6 tháng và chừng 2-3 tháng nữa thì anh ta lại sang Dubai làm việc tiếp. Anh ta nói là ở Dubai có nhiều người Việt Nam làm ở đó lắm!
Từ biên giới, chạy khoảng 10 km thì đến ngã ba, rẽ vào thì đó
là đường đi Ilam. Đến đây thì tôi phải rẽ rồi, còn anh ta thì đi thẳng để về
nhà. Đạp khoảng 10 km thì đến thị trấn Budhabare. Lúc ấy trời chập choạng tối
rồi. Thấy bên tay trái đường là một bãi cỏ rộng lớn trước một trường học nên
tôi rẽ vào dự định cắm lều ngủ đêm trên bãi cỏ. Thấy tôi chạy xe vào, người dân
địa phương nhìn ngó theo. Một cô bé tròn mũm mĩm chạy theo và nói tiếng Anh với
tôi. Con bé bảo đừng ngủ trên bãi cỏ mà hãy sang nhà nó ở bên kia đường để ngủ
cho an toàn. Tôi lại thích ngủ bãi cỏ cơ nên làm nư với người dân địa phương
bằng cách ngồi hoài trên bãi cỏ. Thật ra do tôi thấy mình được quan tâm mời mọc
nên tôi chẳng lo không có chỗ ngủ qua đêm. Tôi chỉ muốn hoãn lại cái giây phút
phải chui vào một ngôi nhà mà thích tận hưởng giây phút được ngồi thoải mái
giữa đất trời rộng lớn. Tôi ngồi một lúc thì đầu tiên là nam kéo đến ngó ngó,
rồi sau là đến phụ nữ bu quanh và ai cũng mời tôi về nhà họ ngủ cả. Ông hiệu
trưởng trường học nghe ai đó nói cũng chạy xe đến và mời tôi về nhà ông ta ngủ.
Một cô gái khoảng 20 tuổi thấy mọi người chèo kéo tôi dữ quá nên bảo tôi sang
nhà con bé mũm mỉm kia ngủ đi vì con bé là người mời tôi trước tiên và vì nó là
con nít nên đừng có để con nít thất vọng. Cô ta nói có lý ghê luôn, và thấy
không có cửa được ngủ trên bãi cỏ rồi nên tôi đứng dậy đẩy xe sang nhà con bé
mũm mĩm. Nhà nó ở bên kia đường. Nhà cao cửa rộng vừa to vừa đẹp, đúng là nhà
giàu. Cha mẹ con bé khoảng tuổi tôi thôi, ngoài con bé là con gái đầu lòng thì
họ còn một thằng con trai cũng mũm mĩm y như con chị nó. Ngoài ra nhà nó còn có
ông nội nó ở chung nữa. Ông nội nó từng làm giám đốc ngân hàng nhưng giờ nghỉ
hưu rồi, sáng nào ông cũng vác thảm đi tập yoga cả. Con bé tên là Aarshiya.
Thằng em nó tên là Adim. Bố nó tên là Deepak, còn mẹ nó tên là Bhawana. Mẹ nó
là người yêu của tôi luôn, suốt ngày nói với tôi câu: I LOVE YOU miết thôi!
Thực ra chẳng những Bhawana mà những phụ nữ Nepal khác cũng hay nói với tôi câu
này. Họ nói thật đó. Vì sao? Vì tôi trở thành niềm tự hào cho họ. Họ không thể
tự do như tôi nhưng nhờ tôi mà họ thấy sự khao khát tự do đi lại của mình được
thỏa mãn. Không bao giờ họ có thể làm được như tôi nhưng qua tôi mà họ nhìn
thấy được khả năng của họ. Khả năng gì? Đó là dù là phụ nữ nhưng vẫn có thể một
mình tung tăng dạo bước mà không cần sự bảo trợ của bất kì người đàn ông nào.
Vì vậy khi những người phụ nữ mà tôi gặp nhìn tôi với cặp mắt lấp lánh và nói
rằng: I LOVE YOU thì tôi hiểu luôn cái ngôn ngữ không lời ẩn sau câu nói của
họ. Tôi hiểu cái điều mà họ thậm chí còn không hiểu ra nữa đó. Họ chỉ cảm thấy
là họ yêu quý tôi thôi mà không biết lý do vì sao lại vậy. Đó là tôi là hiện
thân cho niềm khao khát được tự do của họ.
Bởi, suốt ngày ăn xong rồi đạp xe đi lòng vòng cho chị em phụ
nữ yêu chơi nha mọi người hahahaha.
8/5
Sáng thức dậy lúc 5h30, ăn sáng bằng mì gói do cô bé Aarshiya
nấu. Sau đó thầy hiệu trưởng ở trường học đối diện có ghé qua nhắn với tôi
rằng: Nếu tôi muốn quan tâm đến lớp học thì 11h ghé qua trường. Sáng hôm ấy hai
chị em bé Aarshiya đi học dù hôm trước gia đình nó nói rằng có thể hôm nay tụi
nó phải nghỉ học do đảng cũ đang biểu tình với chính phủ. Hai đứa ăn sáng với
cơm, tôi cũng được họ cho một dĩa cơm thiệt to rồi cùng tụi nhóc xuống đường
đợi xe đi học. Nghĩa là tụi nó đi học bằng xe đưa đón của nhà trường chứ không
có tự đi hoặc gia đình phải đưa rước như ở Việt Nam. Xe đến rồi, một chiếc xe nhỏ
như xe lam được lồng kín lại cho tụi nó khỏi rơi ra khỏi xe. Tôi được lên ghế
trên ngồi cùng tài xế chứ không có ngồi trong lồng cùng tụi nhóc. Xe nhỏ chạy khoảng
5 km thì đến trạm xe buýt của trường, chúng tôi xuống xe và chuyển qua đi xe
buýt để đến trường. Đi đến đâu cũng có học sinh đang chờ để lên xe buýt cả và
càng ngày thì xe buýt càng đông đúc nên phải chen nhau chỗ để đứng.
Đến trường, tôi dự định đi theo con bé Aarshiya vào khối cấp
1 nhưng giáo viên khối trung học chạy qua dẫn tôi qua khối ấy tham quan. Học
sinh đang xếp hàng ngoài sân để nghe thầy hiệu trưởng nói gì đó. Sau đó họ đưa
micro cho tôi phát biểu nữa chứ. Tôi có biết gì đâu mà nói nên hỏi tụi nó có
câu hỏi cứ hỏi, hỏi gì tôi nói đó. Sau đó thì một cô bé học trò được thầy hiệu
trưởng cử đi làm hướng dẫn viên cho tôi tham quan trường. Chúng tôi tham quan
khối trung học trước, khối này từ lớp 7 đến lớp 10. Trần nhà của các lớp học
trang trí rất đẹp. Có lớp y như giảng đường đại học nghĩa là ghế của học sinh
được sắp xếp theo kiểu bậc thang, dãy sau cao hơn dãy trước. Khối có cả hostel
cho nữ sinh nữa đấy. Sau đó thì vào tham quan khối tiểu học, từ mẫu giáo đến
lớp 6. Cuối cùng thì là khối cao đẳng. Các lớp học của khối này viết bảng bằng
bút lông chứ không dùng bảng phấn. Không có bàn ghế cho giáo viên ngồi đâu nha.
Chỉ có một cái bục gỗ cho giáo viên để sách giáo khoa và giáo viên đứng dạy y
như diễn giả đang diễn thuyết vậy đó. Túm lại đây là trường có các lớp từ mẫu
giáo đến cao đẳng và trường này được xem là chất lượng trong khu vực ấy. Hình
như đây là trường tư thì phải.
Con bé hướng dẫn xong nhiệm vụ nên dẫn tôi trả lại chỗ của
thầy hiệu trưởng. Tôi xin phép thầy cho tôi vào dự lớp mẫu giáo. Ôi trời tụi
nhóc dễ thương vô cùng. Đối với tôi tụi nhóc Nepal dễ cưng hơn tụi nhóc Ấn độ.
Có mấy đứa khóc nhề nhệ đòi mẹ suốt. Còn những đứa khác thì mới đầu mắc cỡ, khi
hết mắc cỡ thì nó quây tôi giỡn quá trời, có thằng khỉ con ném vào đầu tôi một
miếng gỗ nữa chớ. Công nhận chơi với tụi nhóc vui nhưng mà nguy hiểm quá!
Thường xuyên cảnh giác xem có bị nó ném cái gì vào đầu không. Buổi trưa, giáo
viên phụ trách mời tôi một gói bánh ngọt và trà đen. Tôi ở trong lớp cùng bọn
nhóc cả ngày hôm ấy. Gần giờ tan học là giờ hoạt động của học sinh các lớp lớn
hơn. Ngoài sân là một nhóm đang tập múa truyền thống. Trong căn phòng tưởng
niệm vị thành lập trường là một nhóm đang tập múa hiện đại. Phòng khác thì một
nhóm đang tập đàn vi ô lông. Thư viện thì đầy nhóc độc giả nhỏ.
3h45 trường tan học. Tôi chạy lên phòng giáo viên bên khối
tiểu học để nhờ họ tìm con bé Aarshiya giùm bởi vì tôi chỉ biết tên tuổi mà
không biết nó học phòng nào lớp mấy. Vậy mà một giáo viên đi một vòng cũng tìm
ra được giúp tôi.
Chúng tôi xếp hàng dài để chờ lên xe buýt nhưng cô bé hổng
lên bảo là chờ đợt sau. Chắc đợt đầu xe đông quá hay sao ấy! Trong lúc ấy thì
bọn học sinh xúm lại hỏi tôi có dạy trường này không. Tụi lớp 6 bảo tôi hôm sau
vào lớp của tụi nó dạy. Tôi lại bảo tôi không có dự định ở đây mà định đi Ilam
thì tụi nó tỏ vẻ thất vọng lắm!
Trường Bakmiti này thật hay vì tụi học sinh giao tiếp với
nhau bằng tiếng Anh không hà, tụi nó nói một cách tự nguyện. Khi ngồi trên xe
buýt, có một thằng nhóc đeo bông tai nhìn vui vui sao ấy, thằng nhóc nói tiếng
Anh liên tù tì dù nó có vẻ giống tay anh chị hơn là dân siêng học. Nó muốn ngồi
chỗ nào thì nó cứ đến và đuổi tụi kia đi
để chỗ cho nó ngồi, ở trên xe nó muốn làm gì là nó làm, hổng ai dám nói gì nó
cả.
Buổi tối hôm ấy mọi người nấu cà ri nấm ăn, rất là ngon nhưng
họ ăn tối trễ nên tôi chỉ ăn một ít thôi. Tôi nói rằng thường sau 7h tối tôi
không có ăn. Ăn xong thì tôi lên sân thượng nói chuyện cùng bố mẹ Aarshiya. Bố
con bé tên là Deepak bảo rằng anh ta làm việc cho một phòng y tế nhà nước, mỗi
tháng lãnh lương NRS 15 ngàn (chưa đến 200 đô Mỹ). Deepak bảo rằng không thích
chính phủ lắm vì chính phủ Nepal
tệ quá, quan liêu và tham nhũng rất dữ dội. Ví dụ xe jeep của gia đình anh ta
mua đến 34 ngàn lak trong khi giá gốc ở Ấn độ chỉ khoảng 5 lak thôi. Nepal đánh thuế
quá khủng!
Sau đó Deepak còn điện thoại cho em dâu mình ở Kathmandu để giới thiệu với tôi nữa đó. Cô ấy hỏi tôi khi
nào đi Kathmandu. Tôi nói không thích Kathmandu lắm vì nó quá bụi. Họ hỏi tôi có thích
Budhabare không. Tôi nói thích vì tôi đến từ một thành phố rất lớn, dân số
thành phố này tương đương ½ dân số Nepal luôn nên tôi ngán thành phố lớn lắm
rồi, trong khi đó Budhabare lại khá yên tĩnh và ít ô nhiễm hơn. Deepak nói sáng
hôm sau sẽ chở tôi đi tham quan đền Hindu nổi tiếng khu này và ngắm cảnh vườn
chè nổi tiếng của huyện Ilam.
Nói chuyện xong là khoảng 10h30 tối, chúng tôi về phòng ngủ.
Tôi ngủ ở phòng khách của gia đình ở tầng 1. Còn gia đình họ thì ngủ ở tầng 2.
Tối hôm ấy trời mưa lất phất!
9/5
Sáng, trời vẫn mưa. Khoảng 6h30 sáng thì chúng tôi lên đường
bằng xe mô tô của Deepak. Ra khỏi Budhabare chừng vài km là bắt đầu leo dốc.
Đền Pathibhara cách Buddhabare khoảng 25 km, đường đồi núi, lúc lên lúc xuống,
dù là xe mô tô nhưng chở đến 2 người, có những đoạn dốc cao máy xe rầm rú bò từ
từ mới lên được, tội chiếc xe ghê luôn! Hình dung mình phải đẩy xe đạp với hành
lý trên đoạn đường này đấy nhé! Oải nhưng lại vẫn thấy khoái hơn là ngồi xe
máy. Biết sao không? Vì là đi bộ nên đi từ tốn, đi từng cm đường nên dù lên cao
độ hay xuống thấp thì áp suất không khí thay đổi từ từ, cơ thể thích nghi từ
từ, chứ không có thay đổi đột xuất, ngoài ra còn được ngắm cảnh kỹ lưỡng hơn
nữa. Cho nên nói gì thì nói, khi leo đồi leo núi, tôi khoái leo bộ hơn là đi
bằng các phương tiện khác. Có xe đạp cõng hành lý, rồi cứ thế mà leo lên rồi
lại leo xuống, hết con dốc này đến con dốc khác. Sướng hơm??? Mệt thì có mệt
nhưng muốn sướng thì phải mệt chớ hihi!
Đến đền. Nói là đến đền chứ đền nằm trên đồi, đến chỉ là đến
chỗ gửi xe máy để leo đồi thôi. Sau khi gửi xe máy và nón bảo hiểm trước cửa
một quán ăn, Deepak dẫn tôi vào quán uống cà phê, mùi vị giống cà phê capuchino
của Ý ghê luôn ta! Sau đó thì leo bộ từ lối đi bên trái, nơi này không có bậc
thang để leo. Deepak bảo lên thì leo phía trái, xuống thì đi phía bên kia. Do
nắm rõ quy tắc leo đồi núi và leo hoài nên tôi leo nhanh hơn Deepak.
Để có thể leo núi không mệt, cứ từ từ mà leo lên tận trời thì
cần tuân thủ quy tắc sau nha mọi người! Đó là không nên nói chuyện, thay vào đó
thì tập trung hết tinh thần vào hơi thở, hít thật sâu, thở ra chậm rãi, cứ hít
sâu, thở ra chậm rãi, như vậy hơi thở không bị ngắt quãng. Tập trung vào hơi
thở như vậy thì gọi là Thiền. Cứ vậy đi hoài không bao giờ mệt, có thể từ từ mà
leo lên tận trời, không cần nghỉ ngơi gì cả. Nhờ leo miết mà tôi tự học ra cách
thiền leo núi luôn đó mọi người. Chỉ có mỏi chân nên tạm dừng lại cho chân nghỉ
ngơi chứ không bao giờ thấy mệt. Nhớ nhá, không nói chuyện, tập trung vào hơi
thở, hít vào sâu, thở ra chậm, từng bước từng bước một mà đi, không bao giờ
mệt. Mệt là do hơi thở không đều, phổi không hít đủ không khí nên mới mệt,
nhưng khi mình tập trung vào hơi thở thì đi cả ngày cả đêm cũng chả sao. Phương
pháp này tôi gọi tên là Thiền leo hahahaha.
Cuối cùng cũng đến nơi, tôi tỉnh bơ, còn Deepak thở hổn ha
hổn hển (tại không biết thiền leo đấy thôi hihi). Dù mệt nhưng Deepak vẫn giới
thiệu tôi với người này người nọ. Lúc ấy chỉ có hai gian hàng lưu niệm mở cửa
thôi và Deepak giới thiệu tôi với họ. Anh ta bảo mỗi thứ 3 và thứ 6 hàng tuần
là ngày cầu nguyện (praying days) thì rất là đông đúc, còn những ngày khác thì
vắng vẻ như ngày hôm nay. Deepak mua tặng tôi một sợi dây chuyền có hình Phật
làm kỷ niệm, sau đó vào đền lắc chuông, rồi được đạo sĩ chấm tika lên trán.
Xong thủ tục khi đến đền thì chúng tôi ra ngoài ngắm cảnh. Deepak giới thiệu
tôi cái hồ chứa nước mưa và nước mưa được thu gom bằng lưới. Anh ta bảo đây là
new technology (kỹ thuật mới.)
Trên đường leo xuống thì chúng tôi gặp một mẹ người Gurung và
Deepak giới thiệu tôi là bạn anh ta đến từ Việt Nam. Xuống núi xong, chúng ghé quán
ăn thukpa (món mì của người Tạng) rồi lại lên xe đi tiếp 3km đến Kanyam. Kanyam
là đỉnh đồi chè, mọi người hay lên đây picnic ngắm cảnh (hèn chi mà rác khắp
nơi), nơi đây có chỗ đón xe công cộng và có cả nhà máy sản xuất chè. Chụp ảnh
đã đời luôn. Cảnh đồi chè rất đẹp, nhưng thật ra thì đồi chè nơi đâu mà chẳng
vậy, vì khí hậu và địa hình như vậy mới tạo ra loại nông sản như vậy. Nên những
nơi nào có được nông sản ấy thì khí hậu địa hình những nơi ấy toàn là tương tự
nhau. Muốn biết đồi chè Kanyam thế nào thì mọi người đến các đồi chè ở Việt Nam
ngắm, cảnh cũng y chang nhau thôi, khỏi tốn tiền mua vé máy bay và visa bay
sang Nepal ngắm nha. Tiền ấy đưa tôi cất giùm cho. Thấy tôi tư vấn du lịch hay
hơm hehehehehe!
Ngắm chán chê chụp đã đời, chúng tôi lên xe ngồi một lèo
xuống Budhabare. Khi xuống dốc thì Deepak tắc máy để xe tự chạy xuống luôn, y
như xe đạp luôn. Chúng tôi về nhà ăn cơm xong thì Deepak lại chở tôi đến văn
phòng làm việc của anh ta ở Shanti Nagar, nơi này trước đây có rất nhiều người
Bhutan sang tị nạn, các lán trại vẫn còn ít dấu vết, và tôi quên hỏi lý do vì
sao họ phải sang Nepal tị nạn rồi.
Trong lúc Deepak làm việc và phát thuốc cho người dân thì tôi
đi bộ vòng khu chơi. Tôi đến một ngôi nhà có cái tiệm nhỏ nhỏ bán nữ trang và
mỹ phẩm thì vào đó chơi. Mọi người hỏi tôi ở đâu ra thì tôi nói tôi là bạn của
Deepak, trưởng phòng y tế ở chỗ kia. Họ mời tôi ăn táo và ăn nho. Có con bé con
học cách quấn saree từ một miếng vải nhìn vui vui ngộ ngộ ghê. Tôi mà quấn
saree chắc nhìn cũng ngây ngô giống nó hihi. Sau đó tôi về văn phòng làm việc
của Deepak và được mời ăn chappati.
Văn phòng này làm việc từ 10h sáng đến 2h trưa. Có cô gái kỹ
thuật viên phòng lab chuyên khám và thử máu, mới 23 tuổi thôi. Cô ấy bảo rằng
sau khi tốt nghiệp trung học thì đi học trung cấp ở Dharan 15 tháng rồi đi làm.
Năm sau cô ấy đám cưới rồi đó.
Từ văn phòng về nhà, tôi ghé vào cái trường học đối diện nhà
Deepak nhưng tôi lại đi nhầm vào phòng đang đào tạo giáo viên trong vùng. Họ quy
tụ giáo viên trong vùng lại học cách chuyển đổi từ tiếng Nepal sang dùng
hẳn tiếng Anh trong các giờ Anh văn. Nghĩa là trước giờ giáo viên vẫn dùng
tiếng Nepal
để dạy tiếng Anh, giờ họ chỉ dùng tiếng Anh để dạy tiếng Anh mà thôi. Giáo viên
của 23 trường công đang được đào tạo. Nhưng dưới con mắt nhà nghề được đào tạo
chuyên nghiệp như tôi thì họ còn lâu mới làm được vì họ toàn dạy lý thuyết
không hà, hổng có thực tế gì cả thì lấy gì mà người ta áp dụng. Tôi mà ở đó lâu
lâu tôi train họ luôn cũng được đó hehehe. Trình độ tiếng Anh của giáo viên
yếu, viết một câu tiếng Anh mà sai ngữ pháp tá lả. Cái này giống ở Việt Nam ghê luôn.
Những giáo viên tiếng Anh ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh thì
liên tục được đào tạo, được đào tạo riết phát nhàm luôn. Và để đào tạo như vậy
thì họ phải dụ tụi tui đến thì mới đến nha, vì dạy học được tính theo giờ, phải
đi đào tạo thì không có dạy, không dạy thì làm sao có tiền. Nên họ phải dụ bằng
cách tổ chức ở những nơi đẹp đẽ sang trọng, có thức ăn thức uống miễn phí, có
tặng quà này nọ thì mới hy vọng giáo viên đi dự mà có khi còn hổng thèm dự nữa
kìa. Bị đào tạo riết nên muốn hổng chuyên nghiệp cũng không được. Trong khi
những giáo viên ở các thành phố nhỏ hoặc vùng sâu vùng xa thì chờ đỏ mắt luôn
mới có được một khóa đào tạo hiếm hoi, điều kiện vật chất không có, phải ngồi
chen chúc nhau, vậy mà họ cũng đi dự. Đúng là nơi ăn không hết, chỗ lần không
ra. Biết sao tôi biết điều này không? Có lúc còn làm việc ở thành phố Hồ Chí
Minh, tôi có bon chen làm thư ký hội giáo viên tiếng Anh nên tôi mới biết giáo
viên ở các tỉnh khác cần và khao khát được đào tạo đến mức nào. Trong khi giáo
viên tại Thành phố thì ẹo ẹo ứ chịu đi, vì họ giỏi rồi đi chi nữa, vì họ bận,
vì họ giàu rồi nên quà tặng hay nơi tổ chức sang trọng hết có sức hấp dẫn với
họ nữa rồi,…….. Tôi viết cái này nhằm quảng cáo giáo viên tiếng Anh ở thành phố
Hồ Chí Minh giàu lắm đó, thu nhập một tháng mấy chục triệu là chuyện thường.
Đảm bảo có người vào đính chính là hổng có nha. Ai biểu dạy dở chi, dạy giỏi ……..
giống tôi nè thì thu nhập mấy chục triệu/tháng là chuyện thường hehehehe. Nói
vui vậy thôi chứ thật ra thì cũng tùy, nhưng mấy người dạy chung tôi hoặc mấy
người tôi gặp thì toàn là vậy không hà. Cho nên giáo viên tiếng Anh xưa giờ nổi
tiếng sang chảnh vì môi trường làm việc lúc nào cũng đẹp đẽ sang trọng, ăn mặc
sành điệu, phong cách như Tây, thu nhập từ đủ đến dư dả nên họ thuộc tầng lớp
trí thức tiên tiến. Tiên tiến đến mức đi bụi như tôi luôn là mọi người đủ hình
dung rồi đó hehehe. Sẳn bài viết nên viết vài câu ghẹo đồng nghiệp cũ chơi nha
mọi người.
Bởi, chuyên nghiệp như tôi mà bỏ nghề đi bụi, còn dân kém
chuyên nghiệp phải đứng lớp thì sao mà học trò giỏi được chớ. Có một số nơi
vùng sâu vùng xa tôi đi qua thấy trình độ giáo viên yếu quá, cái tôi cũng nổi
máu muốn ở lại đó đào tạo họ luôn nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì kệ họ chớ, vùng nào
thì tục nấy, mình là người lạ đến chơi thì được, nếu thực sự ở lại đó làm việc
thì lại là chuyện khác liền hà. Nhiều khi cũng thấy tiếc tiếc cho cái chuyên
nghiệp của mình đang được bỏ xó trong khi có nhiều vùng lại vô cùng cần nó,
nhưng mình suy đi xét lại thì cái gì cũng có cái giá của nó thôi. Đi bụi túm
lại vẫn là vui hơn, vẫn là dụng cụ học tập hiệu quả nhất, phải gạt hết những
cái thấy trên đường thì mới có thể đi tiếp được chớ. Cái gì cũng dừng lại lưu
luyến luyến tiếc thì cuối cùng chẳng bước được bước nào luôn đó. Cho nên phải
học cách nhẫn tâm và tàn nhẫn gạt bỏ để bước tới là vậy. Tàn nhẫn riết thành
thói quen, hổng luyến tiếc bất cứ thứ gì bất cứ điều gì ở đời luôn. Nhờ vậy mà
tôi mới có thể bước vào cuộc sống tối giản như trong bài này được đó nha mọi
người! Những cái vấn vương khiến mình luyến tiếc thật ra chính là trở ngại đó,
cho nên phải học cách lạnh lùng bước tới và tàn nhẫn gạt bỏ thì cuối cùng mới
đến được cái sự nhẹ nhàng không hành lý như vậy được chớ. Một đoạn đường rất
dài, rất nhiều lần đau đứt ruột nhưng nếu qua được thì sự tàn nhẫn thêm cứng
rắn, nhờ vậy mới chạm được đến cái cuộc sống ấy.
Cuối buổi, họ dành 5 phút cho tôi đứng trước mọi người để
phát biểu. Túm lại là muốn nói gì thì nói. Vậy là tôi tận dụng cơ hội bộc lộ sự
bức xúc bấy lâu của mình ra. Tôi nói rằng thật may cho tôi họ là giáo viên tiếng
Anh của nhiều trường đang tụ họp tại đây. Họ nên nhắc học trò của họ khi gặp
người nước ngoài, nếu muốn thực tập tiếng Anh thì không nên hỏi tên cha của
người ta, nghe rất là thiếu thiện cảm. Mấy đứa học trò Nepal gặp tôi
đứa nào cũng hỏi tên cha tôi cả, mà tên cha tôi có liên quan gì đến tụi nó đâu
chứ. Tên cha có bao hàm giai cấp nhưng tính giai cấp chỉ quan trọng với xã hội
Hindu giáo thôi, còn người khác đến đây thì mấy cái giai cấp ấy có xi nhê gì
với họ đâu. Cho nên tự dưng mới gặp nhào vô hỏi tên cha người ta thì rất là bất
lịch sự. Tiếng Anh học để nói với người nước ngoài chứ có phải để nói chuyện
với người Nepal
đâu cho nên cần biết chủ đề nào nên hỏi chủ đề nào không nên hỏi chứ. Nghe xong
câu hỏi: Tên cha là gì thì tụt hứng giao tiếp luôn đấy chứ.
(Lưu ý: Đối với xã hội Hindu giáo thì giai cấp rất quan trọng
đối với họ và họ sẽ dựa vào giai cấp để quyết định cách đón tiếp. Vì vậy khi họ
hỏi tên mà mình chỉ nói tên thôi chứ không có nói họ tên đầy đủ thì họ sẽ hỏi
tên cha. Tên cha thật ra chính là cái họ của mình đó, nghĩa là family name bởi
vì cái này bao hàm giai cấp trong đó, nên họ nghe xong sẽ biết mình thuộc giai
cấp nào mà ứng xử cho phù hợp. Trước đó không biết nên họ hỏi tên cha thì nói tên
cha, sau này biết rồi nên họ hỏi tên cha thì nói cái họ ra, đó là họ Nguyễn.
Nghe xong họ chẳng biết phân mình vào giai cấp nào luôn bởi xứ họ làm gì có họ
Nguyễn. Túm lại nghe xong cái họ của mình là họ phân vân ghê gúm hehehehe.)
3h30 thì tan học. Mọi người túa ra từ các lớp để về nhà. Tôi
quay lại nhà của Deepak thì có 3 người bà con họ viếng thăm. Họ đi từ Ilam đến
và họ rủ tôi đi Ilam với họ. Tôi nói rằng tôi đạp xe mừ. Thật ra lúc ấy tôi có
thể gửi xe và hành lý tại nhà Deepak, cùng đi xe với họ lên Ilam, viếng thăm
nhà họ rồi sau đó quay lại lấy xe đạp cũng được vậy. Nhưng tôi chưa bao giờ đi
Ilam nên hổng biết nơi ấy thế nào, làm biếng quay tới quay lui lấy hành lý. Mà
dần dần tôi cũng ngộ ra luôn rằng lúc nào cũng đầy ắp hành lý được trang bị tận
răng như vậy thật ra chẳng có gì hay ho cả, chỉ là thêm gánh nặng cho mình
thôi, nào xe, nào lều nào túi ngủ nào đồ đạc lỉnh ka lỉnh kỉnh. Nhưng cái gì
cũng phải có thời gian thì mới thấm được chứ. Tôi có đủ thứ đồ nên tôi tự xoay
được trong các tình huống khác nhau nhưng chính những cái ấy lại cản trở bước
chân của tôi trong rất nhiều tình huống. Nào là vất vả mang vác, nào là phải
gửi rồi phải quay lại lấy. Mà nơi nào qua rồi thì tôi lười quay lại vì có quá
trời nơi để đến mà vẫn chưa đến. Mà nếu không quay lại thì làm sao lấy hành lý.
Từ từ tôi nung nấu ý nghĩ đi càng ít hành lý càng tốt nhưng vẫn có thể xoay xở
trong mọi tình huống khác nhau. Cái này không dễ, để làm được thì phải qua các
bước sau:
1. Đi du lịch, nghĩa là chịu bước ra
khỏi vùng an toàn.
2. Đi bụi/đi phượt/đi du mục nghĩa là
càng ngày càng không lệ thuộc vào nhà hàng/phòng trọ.
3. Giảm sự lệ thuộc vào tất cả, kể cả
tiền.
4. Sống tối giản
Khi qua được hết các bước này thì mới có thể đạt đến cảnh
giới không có hành lí mà vẫn ung dung, không có tiền mà vẫn sống,……….. Từ bước
1 đến bước 4 là một chặng đường kéo dài hằng năm trời mà phải đi liên tục chứ
không phải đi theo kiểu cà giật nghĩa là đi vài ngày/tuần/tháng rồi về, rồi lại
đi, rồi lại về….. Đi nghĩa là làm luôn một lèo thì cấp độ mới ngày càng cao, hành
lí mới càng nhẹ. Hành lí nhẹ kiêm luôn cả cuộc sống nhẹ nhàng. Chứ có nhiều
người giàu dễ sợ giàu. Đi đâu xách cái mình ên lên đi, đến đâu mua đến đấy,
xong rồi giục rồi mua cái khác. Các bước mà tôi liệt kê ở trên hổng có liên
quan đến những người này nha. Vì họ lệ thuộc vào tiền bạc mới làm được chuyện
ấy. Còn những bước trên là giảm luôn sự lệ thuộc vào tiền bạc mà người ta vẫn
làm được thì mới khó chớ. Mà để làm được như vậy thì phải đến được chỗ “Sống
tối giản” nghĩa là giảm thiểu sự sở hữu tất tần tật mọi thứ.
Lúc ấy trời vẫn còn nắng. Cô bé đang học lớp 12 ở nhà đối
diện tên là Mandeepa, cũng là cô gái bảo tôi qua nhà bé Aarshiya ngủ vì không
nên từ chối một đứa trẻ, Mandeepa qua rủ tôi đến thăm trường học miễn phí do mẹ
cô quyên tiền lập ra và trường cũng ở gần đấy. Mẹ nó từng học làm luật sư, còn
bố nó đang học dở dang thì bỏ học nửa chừng vì chuyện gia đình. Mandeepa chuẩn
bị thi tốt nghiệp 12 và sau đó thì nó muốn về Kathmandu
học luật. Mandeepa bảo khắp Budhabare toàn là người nhà và bạn bè nó. Nó rủ tôi
về nhà nó ngủ với nó. Tôi nói nó đang bận ôn thi tốt nghiệp. Tôi mà qua đó thì
làm sao mà nó học bài thi. Gia đình Mandeepa và gia đình Deepak, ai cũng tốt
với tôi cả làm nhiều khi tôi cũng phân vân ghê gớm vì ai cũng muốn tôi ở nhà họ,
nếu tôi qua nhà khác thì sợ làm cho họ buồn. Túm lại chỉ một lựa chọn thì không
mệt, càng nhiều lựa chọn thì càng có chuyện là vậy đó. Còn sống tối giản là
không có lựa chọn nào luôn, mình phải tự tạo ra sự lựa chọn cho mình, cho nên
tạo ra một cái thôi cũng đủ rồi hổng cần tạo nhiều.
Tối hôm ấy, 3 người nhà của Deepak ngủ tại phòng khách. Họ
toàn là đàn ông cả thôi nên tôi buộc phải dời lên tầng 2 ngủ ké phòng chị em
con bé Aarshiya. À bây giờ mới hiểu vì sao Mandeepa rủ tôi về nhà nó ngủ rồi.
Nó hiểu phong tục của xứ nó nên nó biết nhà Deepak chỉ có 1 phòng khách thôi,
tôi là nữ thì đâu có ngủ chung thậm chí ngủ gần đàn ông được. Vì vậy khi có 3
người nhà của họ ghé thì họ đâm ra bị động hổng biết xếp chỗ ngủ sao luôn. Đó
là lý do mà Mandeepa rủ tôi sang nhà nó. Tôi thiếu quan sát nên từ chối luôn,
với lại gia đình Deepak hổng có mào đầu thì làm sao tôi biết được chớ, cũng có
thể có mà do tôi không để ý chăng? Túm lại tôi cũng không thuộc dạng tinh tế
cho lắm. Đúng là ngây ngô vô số tội dễ sợ hehehe.
10/5
chị ơi hóng tiếp, sao lâu post tiếp quá hà.
Trả lờiXóaTại làm biếng viết đó. Chắc phải tuyển thư kí đánh máy thôi. Gõ quá trời luôn mà nhìn lại mới được có mấy trang nhật kí thôi còn nguyên xấp giấy dầy cộm, hổng biết đến bao giờ mới gõ xong đây hihi
XóaMình làm thư ký hổng lấy công cho Chụy được hông !?!?
XóaChị ơi em hâm mộ chị quá trời luôn nè hôm nay tự dưng tìm thấy blog của chị đọc 1 lèo mừng hết biết luôn hihi
Trả lờiXóaMaya vĩ đại quá! Khâm phục khâm phục
Trả lờiXóaBây giờ D đang đi tới đâu , rất khâm phục D đã sống một cuộc đời đáng sống
Trả lờiXóa