CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Cambuchia (4): Đạp xe từ Kratie đến Kampong Cham

Kỳ trước: Cambuchia (3): Kratie

Tôi không ở lại Kratie, chỉ loanh quanh ngắm cảnh rồi đạp xe đi về hướng Kampong Cham. So với Strung Treng thì cảnh ở Kratie đẹp hơn nhiều. Từ thành phố, đạp xe ra ngoại ô, tôi bắt gặp cảnh ruộng lúa/ngô xanh mướt bên bờ sông; nhà nổi trên sông cũng khá nhiều ở khu vực này.


Tôi lại được đi dọc theo sông Mê kong. Cảnh đẹp nên tôi ngắm thỏa thích.



Cuối cùng thì trời lại chiều. Tôi ghét trời chiều lắm bởi tôi không muốn dừng lại tìm chỗ ngủ. Cứ vi vu chạy xe chầm chậm ngắm cảnh mãi như thế chả sướng hơn sao? Muốn nghỉ ngơi thì vào chùa lăn ra chợp mắt một tí rồi lại đi (nếu ngủ ở chùa ban ngày thì không bị dị nghị này nọ). Vì thế, tôi ghét trời tối vô cùng!!!

Trời ngả về chiều. Tôi tìm nơi ngủ. Một cái wat thấp thoáng. Tôi chạy xe vào ra dấu hỏi chú tiểu rằng tôi muốn ngủ ở chánh điện có được không. Chú tiểu bảo được một cách dễ dàng làm tôi đâm ra nghi ngờ nên đi đến nhà dân cạnh đó hỏi tiếp. Họ cũng gật đầu bảo được.

Tuy nhiên khi biết tôi là người Việt Nam thì họ bảo tôi đi đâu đó, đem theo tất cả đồ đạc và xe đạp. Tôi không hiểu nên họ phải giải tích nhiều lần. Sau đó tôi đoán chắc họ muốn tôi đi đâu đó trình hộ chiếu; nếu thế thì cần gì mang theo cả xe đạp??? Một phụ nữ chạy xe máy và ra dấu cho tôi chạy xe đạp theo.

Thì ra chị ta dẫn tôi vào làng, đến nhà một người có thể nói được tiếng Việt một ít. Qua tiếng Việt bập bõm của chị này thì tôi biết rằng do tôi là người Việt Nam nên không được phép ở lại chùa. Như thế nghĩa là trước đây người Việt làm gì đó đối với chùa Khmer; do đó mà họ còn sợ đến cả bây giờ. Chị phiên dịch bảo rằng do họ thấy người Việt nên sợ. Tôi cứ theo hỏi mãi là họ sợ gì. Chị ta cứ ấp úng mãi mà không trả lời; tôi không biết là do chị ta không biết nói tiếng Việt như thế nào hay không muốn nói. Nhưng có vẻ chị ta sợ dính líu với tôi lắm.

Một bà cụ đi qua và nói dứt khoát rằng người Việt không được ngủ ở chùa Khmer. Cuối cùng họ dẫn tôi vào nhà trưởng làng. Ông này hút một điếu thuốc, ngồi ngẫm nghĩ một hồi thì quyết định cho tôi ngủ ở chùa.

Vậy là tôi về chùa. Trong chánh điện lúc ấy không có điện. Sư trụ trì chỉ chỗ giếng nước cho tôi tắm rửa. Tôi giăng lều lên xong thì chui vào ngủ luôn. Hình như có vài người đến nói chuyện lao xao (chắc họ xem tôi ngủ thế nào, có làm gì hại cho chùa họ không?)

Khi tôi kể chuyện này với một người Việt thì chú ấy bảo rằng do người Việt trước đây hay vào các chùa Khmer ăn cắp vàng bạc hay tượng Phật gì đấy nên bây giờ họ “cạch.”

Tối, gió thổi mạnh kinh khủng làm cho tôi cảm thấy mình may mắn khi không phải ngủ ngoài trời. Không hiểu sao ở Cambuchia, ban đêm gió thổi mạnh đến thế????

Sáng, tôi dậy dọn dẹp xong thì đẩy xe đi luôn. Ra khỏi chùa, tôi thấy vài người đang ngồi gần một bếp lò nướng bánh nếp chuối. Tôi dừng lại mua, giá rẻ vô cùng 500 riel/2 cái.Tôi mua luôn 6 cái để dành ăn dọc đường.

Vậy là tôi cứ đạp xe từ từ qua các đồng ruộng và làng mạc, qua những ngôi nhà nổi trên sông và những làng đánh bắt cá.


Trưa lại ghé wat ngủ ké ở chánh điện.

Ngủ xong vừa dắt xe ra thì bị xì lốp. May là ở đối diện wat có chỗ vá (tôi làm biếng tự vá.)

Vỏ bánh bị rách một lỗ nên vá xong thì họ lại cắt một miếng vỏ đắp vào nơi ấy. Khi tôi hỏi để trả tiền thì anh chàng sửa xe đưa ra 10 ngón tay (nghĩa là 10 ngàn riel, tương đương 2 đô rưỡi.) Tôi làm bộ không hiểu hỏi: muy pon? (1 ngàn à?) Anh ta đành gật đầu luôn.

Trâu ơi ta bảo trâu này; trâu đi cực khổ, ta ngồi ta chơi.

Còn khoảng 35 cây số nữa đến Kampong Cham thì bắt đầu ra ngã ba; từ đây rẽ phải vào quốc lộ 7 thì sẽ đến Kampong Cham. Đói meo nên tôi ghé chợ trên đường mua ổ bánh mì không giá 1 ngàn kíp gặm cho đỡ đói.

Tôi thấy bảng chỉ dẫn vào một địa điểm di tích.

Tôi chạy vào và hỏi thăm. Họ bảo chỉ khoảng 6 cây. Tôi thấy trời chiều nên phân vân và hỏi họ có thể ngủ ở chùa đó hay không thì họ bảo là được. Vậy là tôi hăm hở chạy vào. Dù trời ngã chiều nhưng tôi vẫn vừa đi vừa ngắm cảnh và chụp hình.


Tôi chụp cảnh hoàng hôn ở đây. Lạ môt điều là theo nhận xét của tôi: hoàng hôn và bình minh ở Cambuchia, bầu trời có màu hồng hơn ở các nước khác.


May là ở ngoài đầu đường tôi chụp hình tiếng Khmer bảng chỉ dẫn vào nơi này nên khi cần hỏi đường thì lấy máy ảnh chìa ra hỏi thăm. Vậy mà lần mò mãi đến tối mịt, tôi mới đến được chùa.

Thấy một nhà sư, tôi lại hỏi thì sư nói đúng là nơi này. Sau này tôi mới biết đó là sư trụ trì và sư bảo sư giật mình khi tôi đến vào lúc tối mịt và chìa máy ảnh ra hỏi thăm.

Tôi xin phép cắm trại ngủ. Sư bảo không được. Sau đó sư gọi một sư khác biết tiếng Anh ra nói chuyện. Sư này là sư Sovann. Sư bảo tôi đến nhà trọ ngủ. Tôi nói trời tối thui nên không thấy đường mà đi. Lúc trời còn sáng mà tôi còn đi lạc tùm lum, bây giờ trời tối mà đi ra thì chả biết đường nào mà lần.

Cuối cùng họ đồng ý cho tôi ngủ lại và giải thích rằng từ trước giờ dù là người Khmer hay người nước ngoài thì cũng ít cho phép ai ngủ lại nơi này lắm.

Khi đã cho phép tôi ngủ lại chùa thì họ tốt vô cùng. Sư Sovann bảo sư trụ trì là người cực kỳ tốt bụng. Họ lấy dừa tươi trong tủ lạnh ra cho tôi uống. Họ lấy bếp ga và ấm nấu nước sôi ra cho tôi nấu nước nóng. Họ lấy nước suối cho tôi uống. Họ lấy đồ cắm ra cho tôi sạc pin máy tính. Khi thấy sư Sovann đi theo nói chuyện với tôi mãi, sư trụ trì bảo để tôi đi tắm rửa và nghỉ ngơi. Sư Sovann bảo nếu tôi cần gì cứ việc nói, họ sẽ giúp. Họ quả thật tốt bụng vô cùng!!!!

Bên trái là sư trụ trì; bên phải là sư Sovann

Chùa này có chánh điện cực lớn.


Ảnh của thủ tướng Husen lúc trẻ được đặt ngay giữa chánh điện

Tấm bảng này có nghĩa là di tích này do thủ tướng Hunsen bảo trợ

Sư Sovann bảo rằng chùa này được thủ tướng Husen bảo trợ và họ không sử dụng điện bình thường mà điện từ năng lượng mặt trời. Chỉ lắp đặt hệ thống và máy móc thôi mà đã là 8 ngàn đô Mỹ rồi. Khi sư chỉ tôi các thiết bị thì đa phần là made in Vietnam.

Tôi ngủ thật ngon bên trong lều ở chánh điện dù bên ngoài trời nổi gió ầm ĩ. Sau này khi tôi hỏi thăm sư Sovann là sao buổi tối ở Cambuchia gió lớn đến thế thì sư nói chỉ bắt đầu năm nay mới có hiện tượng kỳ lạ này thôi. Mọi người đều ngạc nhiên vì cứ ban đêm là gió thổi mạnh như thế. Mấy năm trước làm gì có. Tôi đế thêm vào: ngoài ra trước đây ở Đông Nam Á vào khoảng thời gian tháng 11-12-1 thường không mưa, do đó đây là lúc cao điểm của du lịch nhưng năm nay trời vẫn mưa vào những tháng này. Vậy là thời tiết thật sự thay đổi rồi đấy. Các bạn cứ tiếp tục hủy hoại môi trường đi nhé; thiên nhiên đang nổi giận từ từ rồi đấy!!!!

Buổi sáng khi tôi dậy, sư Sovann dẫn tôi đi tham quan di tích nơi ấy. Di tích này khoảng 800 năm tuổi.


Hai cái tháp gạch là di tích, còn cái toà nhà ở giữa là mới xây,chắc mục đích là để tôn tạo hai di tích

Di tích ở đây ảnh hưởng của đạo Hindu. Cái máng nước này là nơi mà người dân khi nào gặp chuyện xúi quẫy thì đến, leo lên đỉnh tháp, chế nước từ đỉnh tháp và nước chảy qua máng này. Họ dùng nước này rửa mặt cho hết xúi quẩy.

Qua sư, tôi biết được vài thông tin khá là thú vị. Thứ nhất là văn hóa Lào, Cambuchia, Thái Lan và Myanmar ảnh hưởng từ văn hóa Ấn độ nên Phật giáo ở đây và đạo Hindu có rất nhiều nét tương đồng. Trước giờ tôi cứ thắc mắc mãi không hiểu sao Việt Nam quá khác biệt so với những nước kể trên. Bây thì tôi đã có đáp án. Việt Nam ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc, còn những nước kể trên ảnh hưởng từ văn hóa Ấn độ.

Ngoài ra khi tôi hỏi sư là vì sao trong chùa có quá nhiều động vật và gia cầm thì sư giải thích là ở Cambuchia, mỗi khi người dân gặp chuyện xui xẻo thì họ mang một con vật đến thả vào chùa. Việc này có ý nghĩ là phóng sinh cho con vật ấy để hết xui.

Sư dẫn tôi tham quan và giải thích về thắng cảnh xong thì mới quay vào dùng bữa sáng. Họ ăn cháo trắng với thịt heo kho với cải trắng muối.

Mấy con chó này "yêu đắm đuối" sư trụ trì. Sư mà đi đâu là bọn chúng "tương tư" sư đến bỏ cả ăn đấy các bạn. Chỉ có sư mới cho chúng ăn được thôi.

Khi tôi hỏi là sao nhiều chùa ăn sáng món cháo trắng thì sư bảo rằng ăn thế dễ tiêu hóa và nhẹ bụng. Tôi đoán ra rồi. Do họ tuyệt thực từ 12h trưa nên khi bắt đầu ăn trở lại thì phải ăn món nhẹ nhàng để không hại bao tử.

(Đến đây, tôi xin mở ngoặc nói nhỏ. Tôi có thắc mắc là sao các sư không ăn chiều. Có sư thì trả lời rằng đó là do truyền thống nên một khi đã là sư thì cứ thế mà làm. Có sư thì cho rằng khi ăn no bụng vào buổi tối thì rất lười học kinh Phật. Sau một thời gian so sánh và nghiền ngẫm, tôi có đáp án của riêng mình. Ở Việt Nam và Trung Quốc, các nhà sư vẫn có thể ăn chiều nhưng tuyệt đối các món gia vị như ớt hành tỏi là cấm tiệt. Các sư Lào, Cambuchia, Thái, Myanmar thì vẫn có thể ăn các món gia vị này nhưng buổi chiều thì cấm tiệt ăn. Vì sao? Câu trả lời của tôi: no cơm, ấm cật, rậm rật cả người (buổi tối mà ăn no thì sẽ muốn….. làm “chuyện kia” còn nếu bị bỏ đói thì còn hơi sức đâu mà nghĩ đến “chuyện ấy.” Lúc đó chỉ mơ thức ăn thôi; nếu muốn quên cảm giác đói thì phải tụng kinh hoặc thiền. Còn một khi đã ăn chiều thì phải “đoạn tuyệt” với những món gia vị có thể làm cho cơ thể “rậm rật.” Câu trả lời của tôi là thế, có bạn nào phản đối không vậy? Hehehe. Khi tôi nói với các du khách khác về chuyện này, bọn họ lăn xuống đất để………………...cười.)

Tôi được mời ăn cháo. Sư Savann ở lại chờ tôi ăn và nói chuyện. Sư xin địa chỉ email và skype để khi nào về Phnom Penh thì sẽ liên lạc. Do ở Phnom Pênh, sư vào mạng dễ dàng hơn. Sư này 35 tuổi, đã tốt nghiệp đại học ở Phnom Pênh, tu 21 năm, đang làm tình nguyện chăm sóc người nhiễm HIV ở làng. Tôi tặng sư một tuýp dầu thơm mà tôi được một người khác tặng (tôi không thích sử dụng dầu thơm.)

Lúc tôi chia tay để đi, sư trụ trì lấy một quả dưa hấu do một người vừa đến cúng dường và bảo tôi mang theo ăn. Lúc ấy có vài người phụ nữ địa phương. Họ hỏi chuyện tôi và hỏi về hành trình của tôi. Sau đó họ hỏi sao tôi không lấy chồng mà cứ đi mãi thế??? Tôi trả lời thế nào quên tuốt rồi hehehe.

Trên đường quay trở ra quốc lộ 7, tôi gặp một đám cưới khá hoành tráng.

Ở làng này, người dân tuốt lúa như thế này đây. Họ cầm cả bó lúa đập vào vật cứng hoặc lấy gậy đập.


Lối nhỏ vào chùa, quyến rũ chưa nào!

Kỳ sau: Cambuchia (5): Kampong Cham - Tức điên cái bọn công an tham nhũng

Cambuchia (3): Kratie

Cambuchia (2): Đạp xe từ Strung Treng đến Kratie

Thành phố Kratie là thủ phủ của tỉnh Kratie (tiếng Khmer đọc thành Kra chệch) nằm trên bờ sông Mê kong.

Thành phố này có vẻ giống như Thakhet của Lào nhưng lại không có được không khí nhẹ nhàng tĩnh lặng như Thakhet.

Dọc sông là các ghế đá cho khách ngồi ngắm cảnh.

Dọc bờ sông là nhà hàng, quán xá như các thành phố khác

Các cột cờ nằm dọc sông, trông hao hao Phnom Penh; điểm khác là ở đây chỉ có cột mà không có cờ.

Con đường dọc sông.

Cũng có những lối nhỏ rợp bóng cây xanh


Nơi ngắm cảnh

Mái nhà thật lạ!

Kratie có rất nhiều nhà trọ, đặc biệt là khu vực gần con đường dọc bờ sông. Các nhà trọ có cho thuê xe máy và xe đạp!!

Chợ ở đây có đổi tiền Việt. Tôi đổi 500 ngàn đồng đế lấy 93.500 kíp. Hóa ra nơi này tiền Việt đổi có giá hơn các nơi khác, kể cả ở Siem Rep.

Kỳ sau: Cambuchia (4): đạp xe từ Kratie đến Kampong Cham

Cambuchia (2): Đạp xe từ Stung Treng đến Kratie

Kỳ trước: Cambuchia (1): Đạp xe từ biên giới Lào-Cam đến Stung Treng

Do tôi là phụ nữ nên khó ở lại chùa chỉ toàn là sư tăng nên tôi đành chia tay mọi người sau 10 ngày “tá túc.” Từ chùa tôi đạp xe 8 cây số thì đến cây cầu bắc ngang qua sông Mê kong. Sau khi qua khỏi cầu này thì có thể rẽ tay phải để chạy thành phố Strung Treng.

Để đi Siem Rep có thể vào Strung Treng đón phà qua sông, từ đó chỉ cần đi ngang qua tỉnh Preah Vihear thì sẽ đến Siem Rep. Đoạn đường này chỉ khoảng 150 cây số. Tuy nhiên do tôi còn nhiều thời gian ở tại Cambuchia và tôi có việc cần làm ở Kampong Cham nên tôi chọn đường dài hơn, đi ngang qua tỉnh Kratie, tỉnh Kampong Cham, tỉnh Kampong Thom rồi đến Siem Rep. Đoạn đường này khoảng 600 cây số. Ngoài ra có thể đi đến Kratie, rồi từ đó đón phà qua sông; ngắn hơn khoảng 50 cây số.

Do có vài lần đạp xe từ chùa đến tham quan thành phố Strung Treng rồi nên tôi quyết định đạp xe thẳng hướng Kratie mà đi, không ghé vào Strung Treng nữa. Tôi lại đi dọc theo con đường quốc lộ 7 vắng vẻ với toàn cỏ lau mọc hai bên lề.

Tôi đạp xe mãi, vừa đi vừa nhớ lại những ngày dạy học tại chùa gần Strung Treng. Vậy là trời sụp tối lúc nào cũng không hay. Khi phát hiện ra thì tôi không xác định được mình đang ở đâu. Tôi ghé vào một nhà dân và hỏi có thể cắm trại ngủ sau lưng nhà họ hay không? Người phụ nữ bảo được. Tôi vào khảo sát tình hình và thấy nơi này có vẻ không an toàn lắm, đặc biệt người phụ nữ này có vẻ mặt của người phụ nữ mà trong một lần đi Strung Treng cùng mấy đứa học trò tôi gặp. Sự việc như sau:

Thằng nhóc Kiệt và hai đứa học trò rủ tôi đạp xe vào Strung Treng chơi. Tôi đồng ý. Có một phụ nữ Khmer đạp xe theo chúng tôi một đoạn dài. Khi chúng tôi lên cầu, tôi dừng lại chờ thằng nhóc Kiệt chạy bộ từ dưới lên (tôi chở nó mà; lên dốc cầu cao, tôi bảo nó xuống đi bộ); người phụ nữ đạp xe ngang qua tôi, dừng lại và nói gì đó; dĩ nhiên là tôi không hiểu. Kiệt chạy lên, và hỏi ngay có chuyện gì vậy. Tôi bảo chắc chị ta thấy tôi là người nước ngoài nên muốn bắt chuyện.

Thấy Kiệt và mấy đứa học trò đến, người phụ nữ bỏ đi. Chị ta chạy trước chúng tôi. Khi xuống dốc thì chị ta quay lại nhìn chúng tôi và lảo đảo ngã xuống đường. Máu chảy ra từ chân mày. Tôi đưa khăn giấy cho Kiệt bảo đưa cho chị ta. Chị ta có vẻ choáng váng nên ngồi luôn xuống cầu. Tôi hối mấy đứa học trò dựng xe chị ta dậy. Sau đó tôi bảo chúng hỏi xem chị ta có thể tự chạy xe về không. Chị ta bảo không. Tôi nói với Kiệt lấy xe đạp của tôi chở chị ta về; còn tôi sẽ chạy xe của chị ta. Khi leo lên yên, chị ta té ngã sấp xuống đường, người giật giật y như bị mắc kinh phong. Tôi bảo tụi nhỏ đỡ chị ta dậy.

Sau đó mấy đứa nhỏ nói chuyện với nhau và lảng ra hết. Kiệt bảo tụi nó sợ chở chị ta về nếu chị ta bị té giữa đường thì sẽ bị bắt bồi thường nhiều tiền lắm. Ngoài ra nếu chở chị ta về phum (làng) thì có thể bị người trong phum bắt giữ luôn. Tôi không hiểu gì cả. Tôi nói kiểu gì thì tụi nhỏ cũng không nghe; tất cả lảng ra hết. Tôi không biết làm sao. Kiệt bảo: nếu chở chị ta về, có khi bị bắt bồi thường; nếu không chở, chị ta tự đạp xe mà có chuyện gì thì lại mang tội vì không giúp đỡ (mới có 15 tuổi mà nó đã nghĩ thế.) Chúng tôi ngồi xuống thành cầu suy nghĩ xem nên làm gì.

Có một chuyện lạ là người phụ nữ này luôn tìm cách tiếp cận tôi. Tôi ngồi đâu, chị ta cũng đến ngồi cạnh, mắt thì nhìn tôi đăm đăm. Tôi sợ bị bỏ bùa (nghe nói dân Khmer chơi bùa ghê lắm) bởi vì chị bám theo đúng có một mình tôi thôi. Chị ta còn lôi từ áo ngực ra sợi dây chuyền vàng bảo là đi bán vàng lấy tiền mua thuốc cho con (cái này sao giống mấy kịch bản mà tôi đọc ở Sài Gòn thế?) Tôi lôi Kiệt tránh ra xa và nói làm gì thì làm đừng có dính líu đến vàng bạc.

Cuối cùng, chúng tôi có giải pháp. Một chiếc xe máy đến; trên xe là hai thằng nhóc Khmer, khoảng 18-19 tuổi. Kiệt chặn chúng lại và nói chuyện. Chúng bảo chúng mới gặp tai nạn nên xe bị hư. Một thằng ngồi lại chờ, một thằng đi sửa xe. Kiệt bảo chúng nó đồng ý chở chị kia về phum nên chúng tôi có thể đi. Vậy là chúng tôi mừng húm bởi vì sau những hành vi lạ lùng của chị ta thì tôi cũng không dám giúp luôn.

Khi nhìn thấy nét mặt của người phụ nữ chủ nhà mà tôi định cắm trại ngủ hao hao như vẻ mặt của người phụ nữ trên, tôi cảm thấy sợ nên quyết định không cắm trại ở đó mà hỏi thăm đường đến chùa. Họ nhiệt tình chỉ dẫn và bảo chùa gần đó, có thể ngủ.

Tôi chạy và một cái cổng, băng qua một cái cầu nhỏ bắc qua một cái ao rồi vào chùa. Chùa này nếu không nhìn kỹ sẽ không nhận ra bởi vì trông như một nhà dân. May là bóng áo cam thấp thoáng, nếu không tôi cũng không nhận luôn. Tôi vào hỏi sư tôi có thể ngủ không. Sư bảo được. Tôi cắm trại bên ngoài.

Chùa chỉ có một sư và mấy đứa trẻ địa phương. Họ rủ tôi lên ngồi tụng kinh. Sau đó rủ tôi ăn cơm, tôi từ chối. Bọn nhỏ này đúng là tốt bụng. Chúng bảo tôi dọn lên chánh điện ngủ. Mới đầu, tôi từ chối nhưng sau đó gió thổi mạnh quá nên phải dọn đồ lên. Chúng dọn phụ tôi và còn giúp tôi đẩy cả xe đạp lên thang để lên trên cho an toàn nữa.

Đây là chánh điện

Tôi ngủ thật ngon. Sáng hôm sau, tôi tặng sư một hộp sữa hộp và biểu diễn tài đọc kinh “A vẹt xê xa….” ra. Sau đó tôi ăn cơm cùng bọn nhóc. Bữa ăn chỉ có cơm với cải xanh (tự trồng) chấm mắm. Vậy mà ngon vô cùng.

Chạy dọc theo quốc lộ 7 một lúc thì đến ngã ba, rẽ trái đi Phnom Penh, rẽ phải đi Kratie. Quốc lộ 7 chán phèo nên tôi rẽ phải (sau khi hỏi thăm đường cẩn thận.) Đường nhỏ hơn nhưng gần gũi với người dân hơn. Tôi lại dừng ở một quán ven đường ăn một tô bún giá 3 ngàn kíp. Mọi người bu vào hỏi tôi đủ thứ chuyện (hiểu được, chết liền!)

Giữa trưa gió thổi mạnh vô cùng, cát bụi bay mịt mù không thấy đường chạy xe. Tôi ghé vào một chùa khác để tránh gió và để ngủ trưa.

Lúc ấy đã qua giờ trưa nên sư tăng đều lui về phòng nghỉ ngơi cả. Tôi vào phòng ăn gặp vài phụ nữ đang ăn cơm; họ rủ tôi ăn; tôi ăn qua quýt rồi nằm lăn ra ngủ.

Mấy phụ nữ ở đây bảo tôi rằng chùa có 5 sư và có một sư biết Anh; sư cũng mở lớp dạy miễn phí trong chùa. Chùa này có nuôi 5 con chó kiểng suốt ngày chỉ biết ăn no rồi sủa om sòm. Bọn chúng sủa cả gió nữa mấy ghê!

Chạy dọc theo đường này thì sẽ đến một con đường thật đẹp nằm dọc theo sông Mê kong. Quả là một chặng đường lý tưởng!!!


Tôi cứ theo con đường tuyệt đẹp dọc sông Mê kong mà chạy đến trời chiều thấy một thảm cỏ xanh mượt nằm trên bờ sông. Nơi này là bãi đổ xe (bởi có chữ Parking phía trước). Tôi thấy đồn công an nằm đối diện nên đẩy xe qua hỏi cắm trại ngủ ở đây có an toàn không.

Khi biết tôi là người Việt Nam, anh chàng công an gọi điện cho một người Việt Nam đến làm phiên dịch. Anh này là Nguyễn Văn Cu ở đây lâu rồi. Mới đầu mọi người ái ngại không muốn tôi ngủ ở bờ sông nhưng tôi bảo có lều. Họ chả hình dung ra cái lều như thế nào nên tôi phải mở ra cho họ xem. Họ phụ tôi giăng lều hoặc soi đèn cho tôi làm. Lần đầu họ thấy cái lều như thế đấy. Anh công an hỏi tôi có muốn anh ta gác cho tôi ngủ không. Tôi cảm ơn và nghĩ bụng: “Anh ta mà gác thì tôi mới không ngủ được đấy chứ.”

Anh Cu bảo thấy tôi một mình cu ki, tội nghiệp quá nhưng thông cảm cho anh ta là anh ta không thể bảo lãnh tôi về nhà ngủ được bởi vì tôi là người lạ. Mà tôi cũng đâu có cần về nhà anh ta làm gì; ngủ giữa thiên nhiên như thế chả tốt hơn à? Vả lại, họ đã biết tôi ngủ ở đó rồi, xung quanh có cơ quan nhà nước với công an, kiểm lâm và công nhân làm đường nên an toàn.

Anh Cu ngồi nói chuyện với tôi một lúc. Anh ta bảo nếu tôi muốn xuống sông tắm thì anh ta sẽ cùng đi xuống dưới và rọi đèn cho tôi. Anh ta bảo không phải muốn dê tôi đâu mà tại vì muốn giúp đỡ, chắc sợ tôi bị nước cuốn hay sao ấy. Tôi từ chối bảo trời tối và lạnh nên sáng hôm sau mới tắm.

Thông qua anh ta, tôi biết được nhiều chuyện như sau:

Công an Cambuchia ăn hối lộ khủng khiếp. Cái đồn công an trước mặt đang xây dựng nham nhở ấy. Tình trạng này đã 5 năm rồi. Người dân đóng tiền vào 8 ngàn đô mà do họ ăn sạch nên đồn xây mãi không xong. Hèn chi nhìn vào trông y như nhà hoang. Lúc đầu họ hỏi tôi nếu sợ ngủ ở ngoài thì dựng lều ngủ trong đồn cũng được. Tôi cảm ơn và bảo: Thà ngủ ngoài trời, tôi không sợ, chứ vào đó ngủ tôi sợ ma lắm!!!! Bọn họ cười nắc nẻ, chắc nghĩ: “Đã dám đi bụi một mình mà còn sợ ma!”

Anh Cu bảo sau khi qua biên giới, đóng mộc 30 ngày rồi muốn ở bao lâu cũng được; nhờ công an (chắc chắn là có tiền rồi) làm cho giấy tờ để lại lâu (hèn chi lúc tôi ở chùa gần Strung Treng, mọi người cứ bảo tôi nếu muốn ở lại lâu thì họ làm cho giấy Cambuchia luôn- lúc đó tôi hết hồn tưởng họ muốn đổi quốc tịch mình nên lắc đầu lia lịa.)

Anh ta bảo kiểm lâm ở đây thức đêm hôm không phải để chặn xe chở gỗ mà chủ yếu là để ăn tiền của xe này. (Lúc chúng tôi nói chuyện thì có vài người kiểm lâm đến xem cái lều.)

Anh ta còn thăm dò gần xa nói rằng chắc tôi có số tu nhưng không chịu đi tu nên có vong hồn nào đó dắt đi lang thang miết, theo kiểu đày thân cho cực đấy. Anh ta bảo trước đây anh ta cũng đi như thế, không chịu ở một nơi nên bố mẹ bắt về sắp đặt chuyện vợ con cưới xin thì mới ổn định được. Anh ta bảo nhiều khi “nhớ đường” lắm nhưng kẹt con cái nên không đi được. Vậy là tôi hiểu ý anh ta rồi- anh ta bảo là tôi bị “ma nhập” nên mới đi dữ thế. Tôi nghĩ bụng nếu thật thế thì tôi muốn con ma này nhập luôn để được đi dài dài hehehe.

Cũng như mọi người đàn ông khác mỗi khi nói chuyện với phụ nữ, anh Cu kể cho tôi nghe về gia sản, nhà cửa của mình. Không hiểu sao đàn ông thích “khoe khoang” trước phụ nữ đến thế?

Trước khi chia tay với anh Cu, tôi có kể chuyện về một nhà sư Khmer có cảm tình với tôi. Anh Cu bảo rằng sư yêu thì không sao, bởi họ sợ nhân quả nên không bỏ bùa đâu, nhưng nếu là người thường, một khi đã yêu mình mà mình không yêu họ thì họ sẽ bỏ bùa đấy. Tôi bảo tôi không tin vụ bùa ngãi. Anh Cu bảo rằng anh sống ở Cambuchia lâu rồi nên biết rằng vụ ấy có đấy.

Ngoài ra, khi tôi hỏi anh Cu rằng tôi nghe nói đất Cambuchia linh thiêng lắm, tài sản làm ra ở đây khó lòng mang ra khỏi Cambuchia. Anh Cu bảo đúng thế bởi vì rất khó mang tiền về Việt Nam. Cứ mỗi khi muốn mang tiền về thì lại xảy ra một việc gì đó như đau ốm, bệnh hoạn hoặc tai nạn và buộc phải chi dùng số tiền ấy.

Tôi ngủ khá ngon trong lều của mình. Sáng tôi dậy và xuống sông tắm thật dễ chịu và thoải mái. Khi đi trở lên thì thấy 3 người nước ngoài đứng ngắm cảnh. Họ bảo người Thụy Điển. Một người có vợ Khmer, có nhà trọ gần nơi ấy, rủ hai người bạn sang chơi. Họ đi xe máy từ Siem Rep về theo ngã Kratie. Họ bảo từ Strung Treng có đường đi về Pleiku, Việt Nam. Nhưng Việt Nam không cho phép du khách mang xe máy vào nên họ đành “cuốc bộ.” (hehehe)

Cảnh sông Mê kong chụp từ nơi tôi ngủ


Tôi lại chạy xe dọc theo con đường dọc sông Mê kong.

Ở ngoại ô Kratie có một bảng chỉ đường vào núi Sambok. Núi này cao chỉ 90 mét và dọc theo các bậc thang là các tượng sư khuất thực trong thật ấn tượng.



Tôi vào đúng giờ trưa. Chùa có 4 sư và 6 ni. Lúc ấy các ni đang dọn bữa trưa (thức ăn do người cúng dường mang đến.)

Người dân ở đây cúng dường khá nhiều thức ăn. Tôi ngồi nhìn họ bày hết món này đến món khác ra mâm mà “hãi hùng.”

Mâm cơm cho một sư.

Cuối cùng các sư vào. Điều lạ là ở đây mọi người phải cầm từng món dâng cho sư và sư nhận từng món chứ không dùng tay vịn vào mâm một cách tượng trưng như ở các chùa khác!

Sư trụ trì khá trẻ và nói được tiếng Anh. Sư đi du lịch nhiều nước rồi trong đó có Myanmar và Ấn độ. Sư bảo ở chùa này có trung tâm thiền và du khách có thể ở lại. Sư bảo trước đây tu ở chùa ở Siem Rep và sư nói nơi này ở thú vị lắm. Có vẻ sư muốn giữ tôi ở lại.

Tôi hỏi sư sao người dân cúng dường thức ăn nhiều thế thì sư bảo đó là do họ tin tưởng vào sự linh thiêng của ngôi chùa và vào các nhà sư. Các ni bắt chuyện với tôi, thỉnh thoảng sư phải thông dịch giúp; vì thế mà sư ăn ít bởi bận nói chuyện và làm thông dịch cho tôi.

Khi các sư ăn xong, tôi biểu diễn tài đọc kinh “A vẹt xê xa…” Các ni dọn cho tôi một mâm riêng. Quả là thức ăn ê hề. Dù tôi đói bụng muốn chết vẫn không thể ăn hết dù họ bảo tôi rằng tôi phải “chén sạch” cơ.

Sau khi an xong thì mọi người đổ thức ăn thừa đi. Tôi thấy tiếc quá trời! Sao họ không làm như các chùa ở Lào nhỉ? Thức ăn thừa thì gom lại đem cho gia đình nghèo trong làng. Tôi ở lại phụ các ni rửa chén rồi mới đi. Từ chùa trên núi Sambok đi khoảng vài cây số là vào Kratie.

Chùa trên núi Sambok này rất đặc biệt. Chánh điện có kiến trúc Pháp nằm ở giữa, xung quanh là nhà các sư và ni, dưới nữa là khu vực dành cho những người ở học thiền. Tóm lại nơi này ở không tệ.


Bảng hướng dẫn lối vào chùa và cổng chùa


Kỳ sau: Cambuchia (3): Kratie