Blog Thích đi bụi ra đời với mục đích truyền can đảm cho người VN, đặc biệt là giới trẻ, để họ dám nghĩ và dám đi. (The establishment of this blog is to spread the courage to young people, especially Vietnamese ones, in order that they dare think and dare go.)
CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY
1. Đối tượng độc giả:1. Những bạn trẻ có máu phiêu lưu thích chu du xứ người trong thời gian dài nhưng với số tiền tối thiểu nhất có thể; 2. Những người có tâm hồn rộng mở, sẳn sàng dẹp cái tôi và quan điểm của mình sang bên để tiếp nhận những quan điểm mới.
2. Quan điểm: Bạn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bạn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bạn sai. Bạn suy nghĩ khác tôi bởi vì tôi và bạn không giống nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.
3. Phương tiện: "Với bát cơm ngàn nhà; Một mình muôn dặm xa; Chốn chốn không phải nhà; Chỗ nào cũng là nhà."
4. Nội dung: Bao gồm nhiều lĩnh vực mà tôi quan tâm 1. Du lịch bụi (Budget Travelling) 2. Sống tối giản (Minimalism) 3. Tái chế và tái sử dụng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuộc sống
Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011
Cambuchia (2): Đạp xe từ Stung Treng đến Kratie
Do tôi là phụ nữ nên khó ở lại chùa chỉ toàn là sư tăng nên tôi đành chia tay mọi người sau 10 ngày “tá túc.” Từ chùa tôi đạp xe 8 cây số thì đến cây cầu bắc ngang qua sông Mê kong. Sau khi qua khỏi cầu này thì có thể rẽ tay phải để chạy thành phố Strung Treng.
Để đi Siem Rep có thể vào Strung Treng đón phà qua sông, từ đó chỉ cần đi ngang qua tỉnh Preah Vihear thì sẽ đến Siem Rep. Đoạn đường này chỉ khoảng 150 cây số. Tuy nhiên do tôi còn nhiều thời gian ở tại Cambuchia và tôi có việc cần làm ở Kampong Cham nên tôi chọn đường dài hơn, đi ngang qua tỉnh Kratie, tỉnh Kampong Cham, tỉnh Kampong Thom rồi đến Siem Rep. Đoạn đường này khoảng 600 cây số. Ngoài ra có thể đi đến Kratie, rồi từ đó đón phà qua sông; ngắn hơn khoảng 50 cây số.
Do có vài lần đạp xe từ chùa đến tham quan thành phố Strung Treng rồi nên tôi quyết định đạp xe thẳng hướng Kratie mà đi, không ghé vào Strung Treng nữa. Tôi lại đi dọc theo con đường quốc lộ 7 vắng vẻ với toàn cỏ lau mọc hai bên lề.
Tôi đạp xe mãi, vừa đi vừa nhớ lại những ngày dạy học tại chùa gần Strung Treng. Vậy là trời sụp tối lúc nào cũng không hay. Khi phát hiện ra thì tôi không xác định được mình đang ở đâu. Tôi ghé vào một nhà dân và hỏi có thể cắm trại ngủ sau lưng nhà họ hay không? Người phụ nữ bảo được. Tôi vào khảo sát tình hình và thấy nơi này có vẻ không an toàn lắm, đặc biệt người phụ nữ này có vẻ mặt của người phụ nữ mà trong một lần đi Strung Treng cùng mấy đứa học trò tôi gặp. Sự việc như sau:
Thằng nhóc Kiệt và hai đứa học trò rủ tôi đạp xe vào Strung Treng chơi. Tôi đồng ý. Có một phụ nữ Khmer đạp xe theo chúng tôi một đoạn dài. Khi chúng tôi lên cầu, tôi dừng lại chờ thằng nhóc Kiệt chạy bộ từ dưới lên (tôi chở nó mà; lên dốc cầu cao, tôi bảo nó xuống đi bộ); người phụ nữ đạp xe ngang qua tôi, dừng lại và nói gì đó; dĩ nhiên là tôi không hiểu. Kiệt chạy lên, và hỏi ngay có chuyện gì vậy. Tôi bảo chắc chị ta thấy tôi là người nước ngoài nên muốn bắt chuyện.
Thấy Kiệt và mấy đứa học trò đến, người phụ nữ bỏ đi. Chị ta chạy trước chúng tôi. Khi xuống dốc thì chị ta quay lại nhìn chúng tôi và lảo đảo ngã xuống đường. Máu chảy ra từ chân mày. Tôi đưa khăn giấy cho Kiệt bảo đưa cho chị ta. Chị ta có vẻ choáng váng nên ngồi luôn xuống cầu. Tôi hối mấy đứa học trò dựng xe chị ta dậy. Sau đó tôi bảo chúng hỏi xem chị ta có thể tự chạy xe về không. Chị ta bảo không. Tôi nói với Kiệt lấy xe đạp của tôi chở chị ta về; còn tôi sẽ chạy xe của chị ta. Khi leo lên yên, chị ta té ngã sấp xuống đường, người giật giật y như bị mắc kinh phong. Tôi bảo tụi nhỏ đỡ chị ta dậy.
Sau đó mấy đứa nhỏ nói chuyện với nhau và lảng ra hết. Kiệt bảo tụi nó sợ chở chị ta về nếu chị ta bị té giữa đường thì sẽ bị bắt bồi thường nhiều tiền lắm. Ngoài ra nếu chở chị ta về phum (làng) thì có thể bị người trong phum bắt giữ luôn. Tôi không hiểu gì cả. Tôi nói kiểu gì thì tụi nhỏ cũng không nghe; tất cả lảng ra hết. Tôi không biết làm sao. Kiệt bảo: nếu chở chị ta về, có khi bị bắt bồi thường; nếu không chở, chị ta tự đạp xe mà có chuyện gì thì lại mang tội vì không giúp đỡ (mới có 15 tuổi mà nó đã nghĩ thế.) Chúng tôi ngồi xuống thành cầu suy nghĩ xem nên làm gì.
Có một chuyện lạ là người phụ nữ này luôn tìm cách tiếp cận tôi. Tôi ngồi đâu, chị ta cũng đến ngồi cạnh, mắt thì nhìn tôi đăm đăm. Tôi sợ bị bỏ bùa (nghe nói dân Khmer chơi bùa ghê lắm) bởi vì chị bám theo đúng có một mình tôi thôi. Chị ta còn lôi từ áo ngực ra sợi dây chuyền vàng bảo là đi bán vàng lấy tiền mua thuốc cho con (cái này sao giống mấy kịch bản mà tôi đọc ở Sài Gòn thế?) Tôi lôi Kiệt tránh ra xa và nói làm gì thì làm đừng có dính líu đến vàng bạc.
Cuối cùng, chúng tôi có giải pháp. Một chiếc xe máy đến; trên xe là hai thằng nhóc Khmer, khoảng 18-19 tuổi. Kiệt chặn chúng lại và nói chuyện. Chúng bảo chúng mới gặp tai nạn nên xe bị hư. Một thằng ngồi lại chờ, một thằng đi sửa xe. Kiệt bảo chúng nó đồng ý chở chị kia về phum nên chúng tôi có thể đi. Vậy là chúng tôi mừng húm bởi vì sau những hành vi lạ lùng của chị ta thì tôi cũng không dám giúp luôn.
Khi nhìn thấy nét mặt của người phụ nữ chủ nhà mà tôi định cắm trại ngủ hao hao như vẻ mặt của người phụ nữ trên, tôi cảm thấy sợ nên quyết định không cắm trại ở đó mà hỏi thăm đường đến chùa. Họ nhiệt tình chỉ dẫn và bảo chùa gần đó, có thể ngủ.
Tôi chạy và một cái cổng, băng qua một cái cầu nhỏ bắc qua một cái ao rồi vào chùa. Chùa này nếu không nhìn kỹ sẽ không nhận ra bởi vì trông như một nhà dân. May là bóng áo cam thấp thoáng, nếu không tôi cũng không nhận luôn. Tôi vào hỏi sư tôi có thể ngủ không. Sư bảo được. Tôi cắm trại bên ngoài.
Chùa chỉ có một sư và mấy đứa trẻ địa phương. Họ rủ tôi lên ngồi tụng kinh. Sau đó rủ tôi ăn cơm, tôi từ chối. Bọn nhỏ này đúng là tốt bụng. Chúng bảo tôi dọn lên chánh điện ngủ. Mới đầu, tôi từ chối nhưng sau đó gió thổi mạnh quá nên phải dọn đồ lên. Chúng dọn phụ tôi và còn giúp tôi đẩy cả xe đạp lên thang để lên trên cho an toàn nữa.
Đây là chánh điện
Tôi ngủ thật ngon. Sáng hôm sau, tôi tặng sư một hộp sữa hộp và biểu diễn tài đọc kinh “A vẹt xê xa….” ra. Sau đó tôi ăn cơm cùng bọn nhóc. Bữa ăn chỉ có cơm với cải xanh (tự trồng) chấm mắm. Vậy mà ngon vô cùng.
Chạy dọc theo quốc lộ 7 một lúc thì đến ngã ba, rẽ trái đi Phnom Penh, rẽ phải đi Kratie. Quốc lộ 7 chán phèo nên tôi rẽ phải (sau khi hỏi thăm đường cẩn thận.) Đường nhỏ hơn nhưng gần gũi với người dân hơn. Tôi lại dừng ở một quán ven đường ăn một tô bún giá 3 ngàn kíp. Mọi người bu vào hỏi tôi đủ thứ chuyện (hiểu được, chết liền!)
Giữa trưa gió thổi mạnh vô cùng, cát bụi bay mịt mù không thấy đường chạy xe. Tôi ghé vào một chùa khác để tránh gió và để ngủ trưa.
Lúc ấy đã qua giờ trưa nên sư tăng đều lui về phòng nghỉ ngơi cả. Tôi vào phòng ăn gặp vài phụ nữ đang ăn cơm; họ rủ tôi ăn; tôi ăn qua quýt rồi nằm lăn ra ngủ.
Mấy phụ nữ ở đây bảo tôi rằng chùa có 5 sư và có một sư biết Anh; sư cũng mở lớp dạy miễn phí trong chùa. Chùa này có nuôi 5 con chó kiểng suốt ngày chỉ biết ăn no rồi sủa om sòm. Bọn chúng sủa cả gió nữa mấy ghê!
Chạy dọc theo đường này thì sẽ đến một con đường thật đẹp nằm dọc theo sông Mê kong. Quả là một chặng đường lý tưởng!!!
Tôi cứ theo con đường tuyệt đẹp dọc sông Mê kong mà chạy đến trời chiều thấy một thảm cỏ xanh mượt nằm trên bờ sông. Nơi này là bãi đổ xe (bởi có chữ Parking phía trước). Tôi thấy đồn công an nằm đối diện nên đẩy xe qua hỏi cắm trại ngủ ở đây có an toàn không.
Khi biết tôi là người Việt Nam, anh chàng công an gọi điện cho một người Việt Nam đến làm phiên dịch. Anh này là Nguyễn Văn Cu ở đây lâu rồi. Mới đầu mọi người ái ngại không muốn tôi ngủ ở bờ sông nhưng tôi bảo có lều. Họ chả hình dung ra cái lều như thế nào nên tôi phải mở ra cho họ xem. Họ phụ tôi giăng lều hoặc soi đèn cho tôi làm. Lần đầu họ thấy cái lều như thế đấy. Anh công an hỏi tôi có muốn anh ta gác cho tôi ngủ không. Tôi cảm ơn và nghĩ bụng: “Anh ta mà gác thì tôi mới không ngủ được đấy chứ.”
Anh Cu bảo thấy tôi một mình cu ki, tội nghiệp quá nhưng thông cảm cho anh ta là anh ta không thể bảo lãnh tôi về nhà ngủ được bởi vì tôi là người lạ. Mà tôi cũng đâu có cần về nhà anh ta làm gì; ngủ giữa thiên nhiên như thế chả tốt hơn à? Vả lại, họ đã biết tôi ngủ ở đó rồi, xung quanh có cơ quan nhà nước với công an, kiểm lâm và công nhân làm đường nên an toàn.
Anh Cu ngồi nói chuyện với tôi một lúc. Anh ta bảo nếu tôi muốn xuống sông tắm thì anh ta sẽ cùng đi xuống dưới và rọi đèn cho tôi. Anh ta bảo không phải muốn dê tôi đâu mà tại vì muốn giúp đỡ, chắc sợ tôi bị nước cuốn hay sao ấy. Tôi từ chối bảo trời tối và lạnh nên sáng hôm sau mới tắm.
Thông qua anh ta, tôi biết được nhiều chuyện như sau:
Công an Cambuchia ăn hối lộ khủng khiếp. Cái đồn công an trước mặt đang xây dựng nham nhở ấy. Tình trạng này đã 5 năm rồi. Người dân đóng tiền vào 8 ngàn đô mà do họ ăn sạch nên đồn xây mãi không xong. Hèn chi nhìn vào trông y như nhà hoang. Lúc đầu họ hỏi tôi nếu sợ ngủ ở ngoài thì dựng lều ngủ trong đồn cũng được. Tôi cảm ơn và bảo: Thà ngủ ngoài trời, tôi không sợ, chứ vào đó ngủ tôi sợ ma lắm!!!! Bọn họ cười nắc nẻ, chắc nghĩ: “Đã dám đi bụi một mình mà còn sợ ma!”
Anh Cu bảo sau khi qua biên giới, đóng mộc 30 ngày rồi muốn ở bao lâu cũng được; nhờ công an (chắc chắn là có tiền rồi) làm cho giấy tờ để lại lâu (hèn chi lúc tôi ở chùa gần Strung Treng, mọi người cứ bảo tôi nếu muốn ở lại lâu thì họ làm cho giấy Cambuchia luôn- lúc đó tôi hết hồn tưởng họ muốn đổi quốc tịch mình nên lắc đầu lia lịa.)
Anh ta bảo kiểm lâm ở đây thức đêm hôm không phải để chặn xe chở gỗ mà chủ yếu là để ăn tiền của xe này. (Lúc chúng tôi nói chuyện thì có vài người kiểm lâm đến xem cái lều.)
Anh ta còn thăm dò gần xa nói rằng chắc tôi có số tu nhưng không chịu đi tu nên có vong hồn nào đó dắt đi lang thang miết, theo kiểu đày thân cho cực đấy. Anh ta bảo trước đây anh ta cũng đi như thế, không chịu ở một nơi nên bố mẹ bắt về sắp đặt chuyện vợ con cưới xin thì mới ổn định được. Anh ta bảo nhiều khi “nhớ đường” lắm nhưng kẹt con cái nên không đi được. Vậy là tôi hiểu ý anh ta rồi- anh ta bảo là tôi bị “ma nhập” nên mới đi dữ thế. Tôi nghĩ bụng nếu thật thế thì tôi muốn con ma này nhập luôn để được đi dài dài hehehe.
Cũng như mọi người đàn ông khác mỗi khi nói chuyện với phụ nữ, anh Cu kể cho tôi nghe về gia sản, nhà cửa của mình. Không hiểu sao đàn ông thích “khoe khoang” trước phụ nữ đến thế?
Trước khi chia tay với anh Cu, tôi có kể chuyện về một nhà sư Khmer có cảm tình với tôi. Anh Cu bảo rằng sư yêu thì không sao, bởi họ sợ nhân quả nên không bỏ bùa đâu, nhưng nếu là người thường, một khi đã yêu mình mà mình không yêu họ thì họ sẽ bỏ bùa đấy. Tôi bảo tôi không tin vụ bùa ngãi. Anh Cu bảo rằng anh sống ở Cambuchia lâu rồi nên biết rằng vụ ấy có đấy.
Ngoài ra, khi tôi hỏi anh Cu rằng tôi nghe nói đất Cambuchia linh thiêng lắm, tài sản làm ra ở đây khó lòng mang ra khỏi Cambuchia. Anh Cu bảo đúng thế bởi vì rất khó mang tiền về Việt Nam. Cứ mỗi khi muốn mang tiền về thì lại xảy ra một việc gì đó như đau ốm, bệnh hoạn hoặc tai nạn và buộc phải chi dùng số tiền ấy.
Tôi ngủ khá ngon trong lều của mình. Sáng tôi dậy và xuống sông tắm thật dễ chịu và thoải mái. Khi đi trở lên thì thấy 3 người nước ngoài đứng ngắm cảnh. Họ bảo người Thụy Điển. Một người có vợ Khmer, có nhà trọ gần nơi ấy, rủ hai người bạn sang chơi. Họ đi xe máy từ Siem Rep về theo ngã Kratie. Họ bảo từ Strung Treng có đường đi về Pleiku, Việt Nam. Nhưng Việt Nam không cho phép du khách mang xe máy vào nên họ đành “cuốc bộ.” (hehehe)
Cảnh sông Mê kong chụp từ nơi tôi ngủ
Tôi lại chạy xe dọc theo con đường dọc sông Mê kong.
Ở ngoại ô Kratie có một bảng chỉ đường vào núi Sambok. Núi này cao chỉ 90 mét và dọc theo các bậc thang là các tượng sư khuất thực trong thật ấn tượng.
Tôi vào đúng giờ trưa. Chùa có 4 sư và 6 ni. Lúc ấy các ni đang dọn bữa trưa (thức ăn do người cúng dường mang đến.)
Người dân ở đây cúng dường khá nhiều thức ăn. Tôi ngồi nhìn họ bày hết món này đến món khác ra mâm mà “hãi hùng.”
Mâm cơm cho một sư.
Cuối cùng các sư vào. Điều lạ là ở đây mọi người phải cầm từng món dâng cho sư và sư nhận từng món chứ không dùng tay vịn vào mâm một cách tượng trưng như ở các chùa khác!
Sư trụ trì khá trẻ và nói được tiếng Anh. Sư đi du lịch nhiều nước rồi trong đó có Myanmar và Ấn độ. Sư bảo ở chùa này có trung tâm thiền và du khách có thể ở lại. Sư bảo trước đây tu ở chùa ở Siem Rep và sư nói nơi này ở thú vị lắm. Có vẻ sư muốn giữ tôi ở lại.
Tôi hỏi sư sao người dân cúng dường thức ăn nhiều thế thì sư bảo đó là do họ tin tưởng vào sự linh thiêng của ngôi chùa và vào các nhà sư. Các ni bắt chuyện với tôi, thỉnh thoảng sư phải thông dịch giúp; vì thế mà sư ăn ít bởi bận nói chuyện và làm thông dịch cho tôi.
Khi các sư ăn xong, tôi biểu diễn tài đọc kinh “A vẹt xê xa…” Các ni dọn cho tôi một mâm riêng. Quả là thức ăn ê hề. Dù tôi đói bụng muốn chết vẫn không thể ăn hết dù họ bảo tôi rằng tôi phải “chén sạch” cơ.
Sau khi an xong thì mọi người đổ thức ăn thừa đi. Tôi thấy tiếc quá trời! Sao họ không làm như các chùa ở Lào nhỉ? Thức ăn thừa thì gom lại đem cho gia đình nghèo trong làng. Tôi ở lại phụ các ni rửa chén rồi mới đi. Từ chùa trên núi Sambok đi khoảng vài cây số là vào Kratie.
Chùa trên núi Sambok này rất đặc biệt. Chánh điện có kiến trúc Pháp nằm ở giữa, xung quanh là nhà các sư và ni, dưới nữa là khu vực dành cho những người ở học thiền. Tóm lại nơi này ở không tệ.
Bảng hướng dẫn lối vào chùa và cổng chùa
Kỳ sau: Cambuchia (3): Kratie
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét