Blog Thích đi bụi ra đời với mục đích truyền can đảm cho người VN, đặc biệt là giới trẻ, để họ dám nghĩ và dám đi. (The establishment of this blog is to spread the courage to young people, especially Vietnamese ones, in order that they dare think and dare go.)
CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY
1. Đối tượng độc giả:1. Những bạn trẻ có máu phiêu lưu thích chu du xứ người trong thời gian dài nhưng với số tiền tối thiểu nhất có thể; 2. Những người có tâm hồn rộng mở, sẳn sàng dẹp cái tôi và quan điểm của mình sang bên để tiếp nhận những quan điểm mới.
2. Quan điểm: Bạn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bạn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bạn sai. Bạn suy nghĩ khác tôi bởi vì tôi và bạn không giống nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.
3. Phương tiện: "Với bát cơm ngàn nhà; Một mình muôn dặm xa; Chốn chốn không phải nhà; Chỗ nào cũng là nhà."
4. Nội dung: Bao gồm nhiều lĩnh vực mà tôi quan tâm 1. Du lịch bụi (Budget Travelling) 2. Sống tối giản (Minimalism) 3. Tái chế và tái sử dụng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuộc sống
Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011
Cambuchia (1): Đạp xe từ Biên giới Lào-Cam đến Strung Streng
Kỳ trước: Tôi thành ma nữ nhà Phật
Tôi đạp xe dọc theo quốc lộ 7 vắng vẻ, hai bên đường chỉ toàn là hoa lau, đồng cỏ hoặc đồng lúa, thỉnh thoảng mới thấy 1-2 ngôi nhà của dân. Cảnh còn vắng vẻ hơn cả phía Lào nữa nên tôi vừa chạy xe vừa hồi hộp.
Hầu như không có cảnh để ngắm nên tôi lấy sổ mà tôi có ghi chép lại vài câu thông dụng và số đếm bằng tiếng Khmer ra học thuộc lòng. Tôi vừa đạp xe vừa lẩm nhẩm. Vậy là thuộc lòng luôn. Tôi có thể tự tin mua hàng và trả giá bằng tiếng Khmer rồi đó.
Phải công nhận là Cambuchia làm du lịch tốt hơn Lào nhiều. Dù là một nơi vắng vẻ thì họ cũng dựng bảng chỉ đường cho du khách vào tham quan những khu vực vùng sâu vùng xa.
Không hiểu con trâu này tắm bùn gì mà da nó óng ánh đẹp đến thế?
Thành phố gần biên giới này nhất là Stung Treng, thuộc tỉnh Stung Treng, cách biên giới khoảng 60 cây.
Bánh xe sau bị xì lốp nên tôi ghé vào một nhà dân để lôi đồ nghề ra vá. Ông chủ nhà dẫn tôi ra ngoài và chỉ vào tiệm sửa xe gần đó. Lúc tôi vừa dẫn xe vào, sao ông ta không chỉ, đợi tôi ngã xe đạp xuống và lôi đồ nghề ra thì mới chỉ là sao? Tôi lắc đầu và quay vào tự vá luôn. Ông ta lấy ống bơm ra cho tôi mượn và chỉ thau cho tôi lấy nước. Một thằng nhóc 4-5 tuổi cứ quanh quẩn gần bên quấy rầy nên tôi không vá được, phải tốn đến hai miếng vá mới xong. Chủ nhà này quả thật là tốt bụng. Biết tôi là người nước ngoài, họ không nói gì cả mà chỉ giúp đỡ thôi. Họ chỉ vào một mảng rách trên vỏ xe và lấy kéo cùng một cái ruột xe cũ; họ cắt một miếng và đắp vào nơi vỏ xe rách. Wow! Tôi học được một điều mới. Khi vỏ xe bị rách hay thủng thì không cần thay nguyên vỏ mà chỉ cần lấy một vỏ khác đắp vào đó là xem như có vỏ xe nguyên rồi.
Làm xong, tôi chia tay họ và lại đạp xe dưới trời nắng với cái bụng đói meo. May là trước đó tôi có mua một nải chuối giá 500 riel của một cô bé đáng yêu. Giá này là quá rẻ bởi vì họ toàn bán giá 1500-2000 riel/nải không thôi. Lý do cô bé bán rẻ cho tôi là vừa bán chuối cô bé vừa ngắt chuối ăn nên nải chuối của tôi có 3 quả đã bị ngắt ăn rồi, cô bé bán rẻ cho tôi luôn. Vậy là tôi ăn chuối và kẹo lấy sức chạy vào Strung Treng.
Tôi đạp xe qua hết làng này đến làng nọ và khi trời ngả chiều thì đến Samaki. Tại đây tôi vào một quán định bụng ăn món gì đó nhưng gọi mãi chả thấy ai ra bán hàng. Trước quán chỉ có 1 con chó và 1 con mèo con đang chơi đùa (lạ chưa! Chó và mèo mà chơi được với nhau đấy!)
Đó là huyện Samaki và còn khoảng 8 cây số nữa thì vào thành phố, tôi thấy bên phải đường là ao sen rất đẹp. Lúc ấy trời đã về chiều nên ánh tà dương soi qua những bông sen e ấp bên hồ. Phong cảnh hữu tình làm sao.
Ngay cạnh hồ sen là một ngôi chùa có vài chú tiểu áo cam rực rỡ đứng chơi trước cổng. Tôi dừng xe vào hỏi thăm có thể cắm trại trong khuôn viên chùa để ngủ cạnh ao sen hay không?
Tôi sử dụng cả tiếng Lào lẫn ngôn ngữ chân tay điệu bộ hỏi rằng tôi có thể cắm trại ở dưới gốc đa gần ao sen không. Các chú tiểu ra dấu bảo rằng không hiểu và chỉ tôi đi về hướng một ngôi nhà tường có vài chú tiểu hay nhà sư đang đứng ngoài hiên.
Tôi đi về hướng ấy và nói tiếng Lào. Một nhà sư mặc áo khác màu với những người còn lại, áo sư có màu đỏ tía, trong khi những người khác mặc áo màu cam. Sư trả lời bằng tiếng Lào, tôi không hiểu. Sư hỏi tôi nói tiếng Anh được không. Tôi nói được.
Sư bảo không cần giăng lều ngủ ở ngoài. Tôi có thể vào ngủ chung hai phụ nữ nấu bếp ở nhà ăn. Lúc đó tôi tưởng sư bảo rằng họ ngủ ở chánh điện giống như ở Lào nên đồng ý luôn.
Sư giới thiệu lớp học tiếng Anh mà sư đang phụ trách dạy miễn phí cho bọn trẻ con trong làng. Sư nói tôi có thể dạy tối hôm đó không (tối ngày 6/12/2011). Tôi đồng ý luôn.
Sư giới thiệu mình là trụ trì của ngôi chùa này. Sư dẫn tôi ra ao sen để xem cảnh bắt cá và ngắm cảnh hoàng hôn.
Sau đó sư dẫn tôi vào phòng ăn và bảo các chú tiểu lấy mì gói ra cho tôi ăn (giống như ở Lào, các sư tăng Cambuchia không ăn chiều). Các chú tiểu hăng hái; một sư khác cũng lăng xăng giúp đỡ tôi này nọ.
Chùa này có tổng cộng 3 sư (1 sư già, 2 sư trẻ và một trong hai người là sư trụ trì) và 3 chú tiểu. Trước đây có nhiều sư ở đây lắm nhưng họ hoàn tục rồi.
Dĩ nhiên là tôi biết cách dạy tiếng Anh nên bọn trẻ mê học với tôi lắm. Lớp học xong, Sư đi theo tôi nói chuyện suốt. Sau đó đặc cách cho tôi vào ngủ trong một căn phòng bên trong chánh điện. Theo lẽ những phòng như thế chỉ dành cho sư, chú tiểu hoặc những người đang học đạo; người thường mà là đàn ông cũng không được ngủ; vậy mà tôi là phụ nữ, sư bảo vào đó ngủ. Tôi từ chối nhưng sư cứ một mực bảo ngủ ở đó. Sư bảo sư là trụ trì nên không ai nói gì đâu.
Đây là chánh điện - bên trái là lớp học và bên phải là cánh cửa phòng tôi ở.
Vậy là tôi phải dọn đồ lên phòng, trong khi hai phụ nữ nấu bếp thì ngủ bên ngoài trong nhà ăn.
Sáng hôm sau, tôi “nướng” rất lâu, mọi người ăn uống dọn dẹp cả rồi tôi mới dậy và vào bếp lấy thức ăn ra ngồi ăn một mình. Ăn xong, tôi đi về phía ao sen nơi có một nhà gỗ có vài ba cái võng giăng sẳn. Sư và các chú tiểu đang ngồi trên võng. Nơi này là nơi các chú tiểu phải ê a học thuộc lòng kinh Phật.
Các chú tiểu ra ao hái rất nhiều gương sen về đưa cho sư. Sư mời tôi ăn và bảo rằng rất thích món này. Tôi cũng thích. Sư mời tôi ở lại dạy học lâu lâu. Tôi bảo tôi chỉ ở lại 3 ngày thôi; tôi muốn đi Siem Rep.
Sư bảo sư muốn thực tập tiếng Anh lắm. Sư chỉ học tiếng Anh có 8 tháng thôi. Khi về chùa này thấy học sinh trong làng nhát nói tiếng Anh quá nên sư mở lớp dạy miễn phí, chủ yếu là giúp cho họ tự tin hơn. Sư nói rất muốn có người nước ngoài ghé chùa để sư và bọn học sinh có cơ hội nói tiếng Anh.
Trưa hôm ấy có người mời sư đến nhà ở thành phố Stung Treng đọc kinh trừ tà. Tôi xin đi theo. Họ mang xe du lịch đến rước sư. Sư đi cùng một chú tiểu nữa. Sư bảo họ nhường một chỗ cho tôi ngồi. Tôi ngại quá nhưng sư bảo không sao đâu, cứ đi theo sư là được rồi.
Đầu tiên là sư đọc kinh, sau đó lấy nước vẩy vào những người ngồi bên dưới.
Sau đó, sư làm lễ tắm cho hai vợ chồng chủ nhà. Họ mang ra hai thùng nước. Sư cho nước dầu thơm vào, để đèn cầy lên trên và vừa đọc kinh vừa lấy nước dội vào người họ.
Trong buổi lễ ấy ngoài hai vợ chồng chủ nhà là nhân vật chính. Những người hàng xóm hay bà con cũng đến dự lễ đọc kinh. Ai cũng để tiền vào mâm cho sư cả. Trước đó sư có phàn nàn với tôi rằng người dân vừa nghe sư đọc kinh vừa “tám.” Ở Lào cũng thế. Lúc đầu tôi ngạc nhiên bởi tôi nghĩ mọi người phải im lặng mà nghe kinh chứ. Nhưng không, họ ngồi nói chuyện và trả lời điện thoại y như một lớp học ở đại học vậy đó. Thật lạ!!! Tôi có bảo sư rằng sư dạy họ im lặng. Sư nói có nói nhưng họ quen thế rồi nên rất khó thay đổi. Sư bảo họ im lặng để thể hiện sự tôn trọng đối với Phật Pháp Tăng nhưng họ vẫn nói nên thường sư làm lễ khoảng 1 tiếng đồng hồ mà thôi. Nếu họ im lặng lắng nghe thì sư có thể làm lễ vài ba tiếng cũng không sao.
Tóm lại hôm đó tôi thấy thoải mãn vì mới sang Cambuchia mà được tham dự vào lễ trừ tà rồi. Tối ấy tôi lại lên lớp dạy.
Trong số các học sinh học tại chùa, có một thằng bé người Việt Nam 15 tuổi, tên Kiệt, ở đây 2 năm, theo cha- trước đây là bộ đội- làm nấm. Thằng bé này vào lớp nói tiếng Việt với tôi nên bị tôi la hoài.
Sáng hôm sau thằng bé đến chùa nói tiếng Việt với tôi. Nó gọi sư là anh; tôi la nó bảo phải gọi là sư chứ. Thì ra do trong tiếng Cambuchia, mọi người gọi sư là Lục Bon (Lục nghĩa là sư; Bon nghĩa là anh); tôi gấp đôi tuổi nó mà nó cứ gọi tôi là chị. Nó rủ tôi trưa hôm ấy đi vào thành phố Stung Treng chơi. Tôi đồng ý bởi tôi muốn đổi tiền. Hôm trước đi làm lễ với sư, tôi đổi số tiền Lào còn lại là 90 ngàn kíp để lấy khoảng 44 ngàn tiền Riel. Tôi vẫn còn tiền Việt Nam nên muốn đổi sang riel xài. Thằng Kiệt bảo nó biết chỗ đổi tiền nên sẽ dắt tôi đi chơi.
Stung Treng
Tôi và nó đi lòng vòng trong chợ tìm nơi đổi. Rất ít nơi chịu đổi tiền Việt, nếu có thì tỷ giá khá thấp nên tôi quyết định không đổi. Vậy là Kiệt rủ tôi đến chỗ nhà người Việt chơi; gia đình này quê ở Bến Tre; có một cô gái mới đám cưới với anh chồng gốc Hoa vài ngày nên tôi xem hình cưới của họ; đám cưới theo nghi lễ Cambuchia. Họ có nhận một chàng trai Khmer làm con nuôi. Trước đây có thời gian Kiệt ở chung gia đình này và theo lời mọi người thì nó khá quậy. Nói chuyện một chút thì trời chuyển mưa nên tôi bảo Kiệt về. Giữa đường trời quang đãng nên Kiệt dụ tôi vào trượt patin (nó trượt còn tôi thì chờ). Trời mưa!
Gần 5h chiều, tôi với Kiệt mới ra khỏi chỗ trượt. Tôi rủ nó uống sinh tố và ăn trứng lộn. Sau đó tôi còn bảo nó tìm giúp chỗ giặt ủi cho một du khách người Pháp. Ông này không biết tiếng nên cứ loay hoay mãi ở ngoài đường.
Cuối cùng tôi và nó trở về chùa khi trời tối thui. Tôi biết mọi người lo lắng không biết có tai nạn gì không mà chúng tôi về trễ thế nên bảo nó đạp xe nhanh lên. Vậy mà nó cứ cà kê dê ngỗng và bảo rằng Lục Bon (sư trụ trì được nó gọi là Lục Bon nên tôi cũng gọi theo thế bắt đầu từ đây các bạn nhé!) đang “nhai” tôi đấy. Tôi không hiểu. Nó bảo Lục Bon đang “dê” tôi đấy. Tôi nói sư mà làm sao dê được. Nó bảo chính vì là sư nên dê mà không nói ra. Tôi hỏi nó làm sao biết. Nó bảo nhìn cái mặt Lục Bon khi nói chuyện với tôi là nhận ra ngay liền. Tôi nghĩ bụng cái thằng nhãi ranh này mới bây lớn mà ăn nói lung tung quá; nói xấu sư là phạm tội lớn lắm đấy!
Tôi về chùa đã quá 6h mà lớp học bắt đầu lúc 6h và kết thúc lúc 7h. Tôi vào bếp ăn cơm. Lục Bon không nói gì cả mà đi về phòng lấy sách và bút. Khi tôi bắt đầu ra dạy thì Lục Bon hỏi tôi đi đâu, làm gì trước mặt mọi người. Lục Bon bảo lo lắng không biết tôi có tai nạn gì không.
Vài đứa học trò của tôi đây nè!
Thằng bé này thích được tôi gọi là "hot girl" lắm đấy!
Hôm ấy đi chơi cả ngày nên tôi mệt quá. Dạy xong, tôi ngồi luôn xuống thềm. Lục Bon hỏi tôi đang chán nản à. Tôi bảo tôi mệt. Lục Bon hỏi tôi muốn xem tivi không, vào trong tòa nhà của Lục Bon xem. Tôi bảo trời tối rồi, tôi vào đó, mọi người sẽ dị nghị.
Hôm ấy là rằm tháng 11 nhưng mặt trăng bị mây che khuất nên trời tối thui. Lục Bon bảo rằng ở Cambuchia người ta gọi hiện tượng đó là “dark moon.” Mỗi khi có hiện tượng như thế thì người dân khua gõ ầm ĩ vào bất cứ thứ gì miễn sao phát ra tiếng động. Lúc ấy, ngoài đường, bọn con nít đang la hét và gõ ầm ĩ. Bọn chúng còn vào chùa gõ trống của chùa nữa nên Lục Bọn phải bảo hai chú tiểu ra cầm dùi đánh trống luôn. Lục Bon giải thích là do người dân Cambuchia tin rằng nếu có dark moon mà không khua gõ hò hét ầm ĩ thì kiếp sau họ sẽ bị mù.
Lục Bon còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện thú vị lắm nhé! Ví dụ những người mà có quan hệ tình cảm nhăng nhít hoặc kết hôn nhiều lần thì kiếp sau sẽ thành pê đê. Tôi buồn cười quá trời luôn.
Trong thời gian tôi ở chùa. Lục Bon kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về bản thân mình. Ví dụ đi tu từ năm 10 tuổi. Khi ấy bà ngoại bảo nếu vào chùa tu sẽ cho nhiều tiền. Vì mới 10 tuổi, khoái có tiền nên vào chùa. Ở chùa vài năm, qua được giai đoạn chú tiểu. Về quê, trong một lễ hội, tham gia đánh nhau với trai làng nên bố mẹ bảo vào chùa thành sư luôn. Bảo với bố mẹ chỉ tu 5-6 năm thôi. Nhưng đến nay đã hơn 10 năm rồi. Lục Bon bảo mình ở chùa quá lâu, 17 năm rồi. Bây giờ 27 tuổi. Ước mơ là để dành tiền mua một chiếc xe du lịch, sau đó mua một miếng đất xây nhà. Khi nào đủ tiền làm những việc này thì sẽ nghỉ tu.
Tôi lại muốn cho Lục Bon tu mãi đến chết nên tìm cách “dụ”. Lục Bon bảo không được làm thế bởi nếu ai làm cho một Lục Bon sẽ nổi giận thì sẽ bị quả xấu đấy. Vậy là tôi hết dám.
Lục Bon muốn tôi ở lại chùa lâu hơn. Lục Bon thành tâm quá nên tôi không thể từ chối. Tôi đành ra điều kiện rằng tôi sẽ ở lại lâu hơn nếu Lục Bon chịu uống sữa mỗi ngày thay cho uống Red Bull (Lục Bon nghiện món này nên mỗi ngày uống 2-3 lon.) Lục Bon bảo không uống ngọt được. Vậy là tôi pha sữa theo kiểu Việt Nam (sữa ít nước nhiều), Lục Bon uống được và bảo nghiện món sữa của tôi rồi.
Lý do tôi ở lại chùa là tôi muốn Lục Bon thực tập tiếng Anh; tôi muốn truyền lại cách dạy tiếng Anh cho Lục Bon (mỗi ngày tôi dạy, Lục Bon đều đứng xem và mỗi khi tôi nói chuyện với Lục Bon đều chỉ bảo cho cách dạy như thế nào cho hiệu quả hơn. Tôi thấy ý định mở lớp học tiếng Anh để tạo sự tự tin cho mọi người đặc biệt là bọn học sinh của Lục Bon rất hay nên tôi muốn giúp đỡ để nó được hiệu quả hơn. Ngoài ra do thằng nhóc Kiệt và Lục Bon bảo khoảng vài ngày nữa có lễ hội gì đó diễn ra ở chùa nên tôi cũng muốn nán lại xem.
Lục Bon mời mẹ mình đến chùa để nấu món súp mà Lục Bon rất thích ăn và cho rằng không ai nấu ngon hơn mẹ mình. Món này ăn như lẩu với rất nhiều rau. Tôi cũng thích ăn vô cùng. Lục Bon bảo hôm ấy phải chi đến 50 đô cho món súp ấy.
Bình thường, tòa nhà Lục Bon ở cùng với 3 chú tiểu, phụ nữ không được phép vào nhưng chỉ có duy nhất nơi ấy là có ti vi. Sợ tôi ở trong chùa chán và tôi lại ngại bước chân vào nơi ấy nên Lục Bon đặc cách cho phép 2 người phụ nữ nấu bếp vào đó xem tivi (hôm ấy có chương trình đánh bốc giữa Cambuchia và Thái Lan). Vậy là tôi có thể vào đó xem tivi rồi.
Sợ tôi chán nên Lục Bon hay dẫn tôi đi chơi lắm. Ví dụ đi đến làng gần đó nơi có ông của Lục Bon tu và có chú tiểu hôm nào cũng lặn lội mấy cây số đến lớp học tiếng Anh.
Chú tiểu
Chùa này có cả hồ bơi
Tại đây tôi chụp hình một thằng nhóc Khmer đáng yêu vô cùng và bọn trẻ khác cũng yêu yêu không kém. Tóm lại, tôi thấy bọn nhóc Khmer rất đáng yêu.
Nhóc con yêu yêu
Mẹ con cùng đáng yêu
Lấm lem nhưng vẫn tươi cười hồn nhiên
Khúc sông Mê kong gần chùa, nơi này cá sấu hay vào
Lục Bon còn dẫn tôi về nhà bố mẹ chơi. Đó là nơi họ hay nghỉ ngơi mỗi khu thu hoạch vụ mùa, nơi này nằm cạnh sông Mê kong. Ở đây tôi chơi đùa với bọn trẻ.
Gia đình Lục Bon (bố mẹ, em trai và thằng nhóc 2 tuổi con người em trai)
Gia đình đang thỉnh cơm Lục Bon và chú tiểu
Mọi người bảo với Lục Bon rằng tôi rất thân thiện và tự nhiên. Tuy nhiên Lục Bon bảo bố mẹ dặn rằng do tôi là nữ giới và Lục Bon là sư nên cố gắng không nên để người khác dị nghị đàm tiếu. Lục Bon bảo bố mẹ Lục Bon rất nể trọng Lục Bon, kể cả người dân làng nữa. Khi thấy Lục Bon về làng, họ kéo đến nói chuyện đàm đạo cùng Lục Bon.
Trên đường từ nhà Lục Bon về chùa (Lục Bon và chú tiểu ngồi xe máy đi trước, tôi đạp xe theo sau, tôi bắt gặp hình ảnh này. Tôi yêu cô bé này quá!!!!
Trong thời gian ở chùa, tôi có rất nhiều việc có thể làm đấy nhé! Tôi dạy tiếng Anh mỗi chiều; tôi dọn chánh điện (nơi này không ai quét dọn cả nên tôi quét mỗi ngày,) tôi dọn dẹp phòng của mình (do phòng trống lâu nên bụi; thằng bé Vishna 15 tuổi, học trò của Lục Bon, ngủ chung phòng với tôi thì dễ gì dọn, nhưng tôi thích thằng nhóc này lắm, mỗi khi có nó nằm ngủ trong phòng là tôi lại ngủ ngon giấc vô cùng-không hiểu vì sao?- Vishna nằm trên chiếu trải dưới đất còn tôi ngủ trên giường,) tôi phụ với 2 phụ nữ nấu ăn rửa chén và quét dọn nhà bếp (họ lớn tuổi cả, một người 60 tuổi, một người 70 tuổi.) Ngoài ra tôi thấy ở đây người ta phung phí thức ăn (thức ăn thừa đổ đi chứ không đem cho người nghèo như các chùa Lào) và họ không tôn trọng môi trường (xả rác lung tung trong khuôn viên chùa và thay vì mua bình nước 20 lít để uống thì họ uống nước từ chai 500ml; uống xong thì vứt vỏ chai đi.) Chứng kiến cảnh phung phí thức ăn và xả rác bừa bãi ấy; tôi định bụng khi nào thuận tiện, tôi sẽ nói chuyện ấy với Lục Bon và hướng dẫn cách giải quyết dần dần; nhưng để làm thế, tôi phải ở đủ lâu để hiểu cách thức của họ và để họ nghe theo tôi.
Ngoài ra, ở Cambuchia, một sư được kính trọng khi người đó có thể đọc thuộc được nhiều kinh Phật; mỗi khi đọc kinh, họ không được nhìn sách đâu mà phải thuộc lòng cơ. Đó cũng là một cách tu. Học thuộc kinh. Lục Bon bảo lý do mọi người trọng Lục Bon bởi Lục Bon thuộc rất nhiều kinh (khoảng 100 kinh ấy), trong khi bạn bè cùng lứa tu thì không thuộc được như thế. Các chú tiểu của Lục Bon có vẻ lười học kinh quá nên tôi làm cách này. Tôi nhờ Vishna và một chú tiểu dạy tôi đọc thuộc kinh “xin thức ăn của sư.” Nghĩa là ở Lào và Cambuchia. Sư ăn trước. Sau đó người dân đọc kinh xin thức ăn thừa của sư để ăn. Ăn thức ăn này là được nhiều good merits lắm nhé!!! Tôi muốn chứng minh rằng, tôi không biết tiếng Khmer nhưng tôi vẫn có thể đọc kinh Khmer đấy để các chú tiểu chăm chỉ học hơn.
Chú tiểu đang ê a kinh Phật
Tôi bảo Vishnar đọc chậm chậm; tôi ghi phiên âm ra giấy, rồi ê a học khoảng 1 tiếng đồng hồ là thuộc. Trưa hôm ấy, tôi tự đọc kinh trước mặt mọi người luôn. Lục Bon và các chú tiểu cười suốt. Sau này khi đến các tỉnh khác, tôi cũng đọc kinh ấy trong các chùa mà tôi ghé. Mọi người nhìn tôi cười bởi rất nhiều phụ nữ Khmer không thuộc kinh lắm.
Đoạn kinh ấy như sau (các bạn có thể học thuộc để khi sang Cambuchia biểu diễn cho mọi người tròn xoe mắt chơi): A vẹt xê xa ha răng tê thẹt nô pon tê bo bợt lô mê chà đo chăm răng xông lung mê chà teng lai mê ta rồ tin nê a ha đai lơ xa xôn lơ đọt khơ nhông bẹt ka ơ na tẹt lai.
Đoạn kinh không dài nên việc học thuộc cũng không khó các bạn nhỉ!!!
Kỳ sau: Cambuchia (2): Đạp xe từ Strung Treng đến Kratie
Đọc thấy hay rồi đây!!! Thanks Dung!!!!
Trả lờiXóa