CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Tôi đi Trung Quốc (4): lộ trình đến Yangshuo (Dương Sóc)

 Kỳ trước: Tôi đi Trung Quốc (3): Guilin (Quế Lâm) 

Xe buýt đi Yangshuo ở ngay bên kia đường trước cổng ga xe lửa. Nếu chúng tôi đi thẳng một lèo đến Yangshuo thì chẳng có gì để bàn ở đây cả. Dân đi bụi mà, chẳng thích đi đứng đơn giản như thế (cái gì cũng bỏ tiền ra mua thì đơn giản rồi). Chúng tôi mỗi người trả 15 NDT để đi đến Yangdi. Xe vừa chạy vừa đón khách nên khoảng 1 tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới đến nơi. Khi đến ngã ba để đi vào Yangdi, chúng tôi được gọi xuống xe và mọi người cùng nhau băng qua đường để đi vào con lộ khác. Tôi và anh chàng Louis người Venezuela hăm hở đi trước và khi quay lại thì chẳng thấy anh chàng Trung Quốc đâu. Tôi đoán là anh chàng quên đồ trên xe buýt nên thuê xe Honda ôm chạy theo để lấy chăng? Anh chàng Louis lại chẳng tin. Chúng tôi vào quán bên đường ăn mì (3NDT) và chờ khoảng ½ tiếng. Chẳng thấy anh ta quay lại nên chúng tôi đón minibus để đi ra bến sông (3NDT). Khi đến bến sông chúng tôi thuê thuyền tre (50 NDT/người) để đi Xinping. Sông Lệ giang (Lijiang) phong cảnh khá hữu tình và khá đẹp. Chúng tôi dừng lại ở núi Cửu Mã để chụp hình. Có khá nhiều thuyền tre chở khách du lịch (90% là khách du lịch Trung quốc) qua lại trên sông. Khá lạnh đấy nhé! Nhưng chúng tôi cũng tranh thủ chụp hình sông Lệ Giang vào mùa đông. Nước, núi và cây cối quyện vào nhau tuyệt đẹp.


Louis đưa cho người lái thuyền tờ 20 NDT và chỉ vào phong cảnh phía sau tờ giấy này, ý muốn nói rằng chúng tôi muốn dừng ở đây để chụp hình bởi vì nghe nói đoạn sông này là đoạn sông đẹp nhất của Lệ Giang. Bác lái tàu gật đầu lia lịa (chắc khách du lịch nào cũng muốn đến đây). Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến nơi trên tờ 20NDT. Tôi thấy cũng chẳng đẹp lắm (chắc hình trên tờ tiền chụp từ trên máy bay nên trông khác với cảnh chụp từ mặt đất). 


Thì ra nơi đây cũng là bến dừng chân. Mọi khách đều lên bờ ở đây để đi xe trung chuyển về trung tâm Xinping. Tôi và Louis đi bộ, cũng chẳng xa mấy, vừa đi vừa ngắm cảnh và quan sát cuộc sống người dân mà.


Cuối cùng chúng tôi đến Xinping vào khoảng 5h chiều. Đi dạo một vòng thành phố cổ này và chụp hình, chúng tôi trông thấy biểu tượng của yha, China nên ghé vào hỏi thăm thì được biết từ Xinping đến Yangshuo khoảng 25 cây số. Quá trễ nên chúng tôi nhận phòng dorm tại đây nghỉ ngơi một đêm (cũng là giá 25 NDT cho thành viên).

Xinping ban đêm hầu như chẳng có gì cả. Chúng tôi đi tìm quán ăn địa phương, cũng khá vất vả bởi vì toàn là quán ăn dành cho khách du lịch không hà (thực đơn có ghi tiếng Anh thì dĩ nhiên là thực đơn khách du lịch rồi và giá cả cũng cho khách du lịch luôn, từ 10 NDT trở lên/món). Cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra quán cho người địa phương. Chúng tôi bước vào hỏi giá một nhóm thanh niên Trung Quốc đang xì xụp ăn thì họ cho biết giá mì xào hoặc cơm chiên là 5 NDT, giá soup là 3.5 NDT. Tôi ăn cơm chiên. Louis ăn một tô soup và một dĩa mì xào. Thì ra nhóm thanh niên này là sinh viên kiến trúc đang đi vẽ thực tế tại đây. Đoàn của họ gồm 100 sinh viên và 3 giáo viên. Họ đang ở ký túc xá ngay bên kia đường, giá dorm là 14 NDT/ đêm nhưng họ bảo phòng khá tệ (chắc họ toàn là con cưng không đây). Cùng bàn với chúng tôi có thêm một người phụ nữ Úc. Bà ta ở Trung Quốc 8 năm rồi. Ở Yangshuo dạy tiếng Anh 3 năm và ở Xinping 1 năm. Bà ta có phòng trưng bày tranh ở đây và bà ta nói khá nhiều về phòng tranh của mình.

Ăn xong, chúng tôi đi bộ về hostel, vào mạng đọc thông tin và chat. Cùng dorm với tôi có anh chàng người Mỹ. Anh ta đúng là dân đi bụi thứ thiệt. Hành lý chỉ 7-8 kg thôi, có cả đệm hơi, túi ngủ. Anh ta đã đi Tây Tạng và Nepal ngay mùa đông.

Sáng hôm sau, chúng tôi khởi hành lúc 10h, vào nhà hàng tối hôm qua ăn mỗi người một phần rưỡi (lấy sức đi bộ mà). Sau đó hỏi đường đi Yangshuo. Mọi người chỉ chúng tôi đi ra đường lộ. Đi một hồi không thấy sông Lệ ở đâu, tôi nói với Louis rằng chắc đây không phải là đường chúng tôi muốn đi rồi, chúng tôi muốn đi dọc bờ sông Lệ để đến Yangshuo mà. Thế là chúng tôi đi một lúc nữa thì thấy một con lộ tẻ về hướng sông. Chúng tôi hỏi người dân thì được biết rằng nếu đi theo đường đó thì có thể đến sông nhưng phải leo qua 2-3 quả núi (dĩ nhiên là có đường lộ hoặc đường mòn để đi rồi). Thế là chúng tôi đi. 

Đường đi xa hơn dự kiến nhưng chúng tôi được đi vào các khu làng trồng cam của người dân. Cứ mỗi khi đến ngã ba hoặc ngã tư (dĩ nhiên là không biết đi hướng nào), chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi và chờ để hỏi người dân. Chúng tôi chỉ nói: Lijiang, một số người hiểu ngay và chỉ đường. Một số người không hiểu nên lắc đầu. Có người sau khi chỉ đường và làm một vài cử chỉ gì đó. Louis nói rằng họ bảo chúng tôi bị điên khi đi bộ từ đó đến sông bởi vì đường đi khá xa. Chúng tôi vừa đi vừa cười và nói rằng có thể đó là lý do mà một số người không hiểu bởi vì họ chẳng thể nào hình dung ra được là chúng tôi có thể đi bộ đến bờ sông. Bù lại, chúng tôi có thời gian khá vui và chụp hình khu vực dân cư sống xung quanh núi.
 
Khi chúng tôi vào một ngôi làng, có một ngôi nhà gỗ trông rất mới và hai bên tường cũng như khắp cửa có dán chữ song hỉ cắt theo hình hai quả tim. Tôi nói với Louis rằng có thể đó là nhà của cặp vợ chồng mới cưới và những hình dán này có ý nói: Cấm làm phiền vào sáng sớm nhé!!!!! Cũng trong ngôi làng này, có một bé gái Trung Quốc cứ đi theo chúng tôi mãi, tôi lấy kẹo ra cho. Bé gái cứ chỉ vào Louis. Cuối cùng chúng tôi hiểu ra. Thì ra cô bé thấy mái tóc xoăn của Louis khá ngộ nên muốn sờ vào. Louis cười hề hề và cúi đầu xuống cho cô bé sờ.


Càng đến gần bờ sông thì số người hiểu chúng tôi càng tăng. Có thể do càng ít điên khi đi bộ từ đây đến sông chăng? Cuối cùng chúng tôi cũng đến sông. Lúc đó khoảng hơn 2h chiều. Chúng tôi phải băng qua bên kia sông để đi bộ bởi vì bờ bên đây toàn là đá lởm chởm. May là có một chiếc thuyền tre vừa vận chuyển một con bò qua sông. Họ vận chuyển như sau. Chú bò thì lội dưới nước cạnh thuyền. Người chủ bò thì cầm dây cương ngồi trên thuyền để giữ cho bò không bị chìm ở khúc sông sâu. Trong khá buồn cười và khá tội nghiệp con bò bởi vì nước sông khá lạnh và bị dở hểnh mũi lên khỏi mặt nước. 


Bò ta không khoái lắm nên khi lên được đến bờ là quậy um lên. Tôi và Louis nhảy lên thuyền và nhờ chở qua bên sông. Chúng tôi trả 5NDT cho hai người.

Qua được bờ bên kia, chúng tôi đi bộ dọc bờ sông, vừa đi vừa ngắm mấy chú vịt đang bơi lội. Tôi nghĩ đây không phải vịt trời, có người nuôi bởi vì thỉnh thoảng chúng tôi thấy thức ăn vịt ở trên bờ (bắp khô). Tuy nhiên bên bờ này, đường đi cũng không dễ. Chúng tôi thỉnh thoảng phải leo trèo như khỉ để qua các đoạn sông không có lối đi. Nếu không thì đi lên trên núi băng qua các khu ruộng bậc thang (mùa này chẳng có lúa nên không chụp được hình đẹp. Tiếc quá!) Tuy nhiên cách đi này cũng không ổn bởi vì mấy con trâu ở đây nhìn chúng tôi chẳng thiện cảm chút nào. Khi thấy chúng tôi, bọn chúng dừng ăn và trong trạng thái căng thẳng chờ đợi sẳn sàng nghênh chiến. Thấy ghê quá! Ở đây đường ruộng gập ghềnh nên chắc chắc tụi trâu này chạy nhanh hơn chúng tôi rồi. Vậy là mỗi khi gặp trâu, chúng tôi phải băng xuống núi, đi dọc bờ sông để tránh, sau đó thì leo trở lên.

Đến khoảng 4h chiều thì chúng tôi vừa mệt vừa đói và không biết còn bao xa nữa thì đến Yangshuo và cũng chẳng biết mình đang ở đoạn nào bởi vì có biết tiếng nói đâu mà hỏi. Chúng tôi chỉ biết nói: Yangshuo và người dân lấy tay chỉ về phía trước thôi. Chúng tôi lại hỏi đường và người dân chỉ lên bờ và nói: công lu (lộ công). Louis nói chúng tôi nên đi đường lộ cho nhanh bởi vì đi kiểu này thì lâu quá. Thế là chúng tôi lên lộ để đi. Lộ cũng nằm dọc theo mé sông và chúng tôi bắt đầu đi từ điểm khởi đầu của con lộ luôn. Lại cũng vừa đi vừa hỏi thăm đường mỗi khi đến ngã ba. Cuối cùng Louis đói quá nên nói tôi tìm quán ăn. Chúng tôi chẳng thấy quán ăn hay nhà hàng nào cả nên cuối cùng tôi dừng lại hỏi đại một chị đang đứng trong sân nhà. Ý tôi là muốn hỏi nơi nào có nhà hàng. Tôi nói:  Wo mẻn dao thư phan (Chúng tôi muốn ăn). Chị ta hỏi: lèng cơ rẻn? (hai người ah?) chúng tôi gật đầu. Vượt quá sự mong đợi của chúng tôi. Chị ta mời chúng tôi vào nhà và nhanh chóng bới cơm nguội ra khỏi nồi, đổ vào hai lon gạo và nấu. Chúng tôi chưng hửng bởi vì đó chỉ là nhà dân, có phải nhà hàng đâu. Chị ta chỉ ghế mời chúng tôi ngồi và chạy ra vườn hái rau. Tôi nói với Louis chắc chị ta thấy mình mệt quá nên nấu cơm cho ăn luôn. Chúng tôi ngồi chờ. Chị ta xào xào nấu nấu gì đó trong bếp và chỉ bịch khế trên bàn mời chúng tôi ăn. Khế quả thật là rất ngọt!!

Cuối cùng chị ta bưng lên một dĩa đầy đậu hủ non kho và một nồi canh rau nấu thịt heo. Chị ta chỉ vào nồi cơm và ra dấu chúng tôi bới ăn. Sau đó chị ta ra ngoài cho chúng tôi được tự nhiên. Lần đầu tiên ở Trung Quốc chúng tôi được ăn nhiều thịt heo đến thế. Thịt heo ăn khá ngon, ngay cả mỡ heo cắn vào cũng khá giòn. Quả thật là ngon!!! Chúng tôi làm một phát nửa đĩa đậu hủ và sạch sành sanh nồi canh. Chị ta bước vào hỏi chúng tôi muốn thêm canh không. Chúng tôi lắc đầu bảo ăn no quá rồi. Tôi nói Louis: không biết mình nên trả bao nhiêu tiền đây. Louis nói: bao nhiêu cũng trả bởi vì ngon quá. Cuối cùng chị ta ra dấu cho chúng tôi trả 40 NDT. Mỗi người 20 NDT (65.000 VND), cũng đáng bởi vì khá nhiều thịt. Sau đó tôi lấy bánh chocolate ra phát cho 3 đứa con chị ta mỗi người 1 cái và xin một quả khế để mang theo. Chi ta tặng luôn cho tôi cả bịch khế và chỉ vào chiếc mô tô trước sân hỏi chúng tôi có muốn đi không. Chúng tôi nói: bủ dao (không cần) và chỉ vào đôi chân ý nói rằng chúng tôi muốn đi bộ.

Lại lên đường và vừa đi vừa hỏi thăm. Khi chúng tôi nói Yangshuo, một người làm dấu chữ thập bằng cách chéo 2 ngón tay (10 cây), một người nói 18 cây và một người nói 8 cây. Hehehe, tóm lại chúng tôi chẳng biết bao nhiêu cây số nữa thì đến Yangshou. Lúc đó khoảng 5h30 chiều rồi và chúng tôi cứ đi, một bên là rừng núi và một bên là sông. Đi một hồi thấy một chiếc xe du lịch đậu lại và người trên xe bước xuống, chúng tôi lại hỏi. Lần này câu trả lời là 8 cây. Vui quá!! Lúc đó khoảng 6h kém 15. Trời bắt đầu tối dần. Tôi nói có trăng nên chắc không tối lắm. Louis nói nếu vậy thì ok bởi vì chẳng đứa nào có đèn pin cả. Chúng tôi đi mãi đi mãi đi mãi, cứ đến ngã ba là dừng lại hỏi thăm đường. Đường tối, chúng tôi chờ những chiếc mô tô chạy ngang qua, vẫy tay cho họ dừng lại để hỏi đường. Người dân rất dễ thương khi chúng tôi vẫy tay là họ dừng ngay và rất sốt sắng chỉ đường.

Chúng tôi lại đi, một bên núi đen sẫm, một bên sông Lệ trắng nhờ nhờ. Tôi vừa đi vừa sợ cướp, vừa sợ ma nên cứ bám sát gót Louis chẳng dám rời. Cũng may anh chàng này cũng nhỏ con, bước chân không quá lớn nên chúng tôi có thể đi cùng tốc độ, nếu không chắc tôi phải chạy theo suốt.

Cuối cùng chúng tôi đến một căn nhà, người dân đang ăn cơm, tự dưng tôi nhớ ra hỏi còn bao nhiêu cây số nữa bằng tiếng Hoa. Tôi bước vào hỏi: Yangshuo, tua xào công lị. Họ nói: Yangshou, hải dầu san công lị (còn 3 cây nữa đến Yangshou). Tôi và Louis reo lên mừng rỡ. Chúng tôi đi một lúc thì đến đường lộ tráng xi măng khá đẹp. Tôi nói với Louis: vậy là vào khu du lịch rồi nhé, đường này là do tiền của du khách đấy. Lúc bắt đầu đường tráng xi măng là 6h45 tối. Chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi và chụp hình lưu niệm là mình đã đi bộ được đến Yangshou. 

Tưởng đã đến nơi nhưng không ngờ chúng tôi phải đi bộ thêm khoảng 45 phút nữa thì mới vào trung tâm. Từ đây chúng tôi dừng lại ngắm cảnh phố xá và thư giãn và quyết định nơi ngủ. Chúng tôi biết ở đây có dorm của yha china nhưng không nhớ địa chỉ (thật ra tôi có đem theo namecard của nơi này nhưng mệt quá nên chẳng nhớ để ở đâu). Tôi lấy sách Lonely Planet ra xem thì thấy dorm của Bamboo House Inn cũng có giá 25 NDT. Chúng tôi đi tìm và tình cờ thấy ngay cạnh đường West Street (đường West Street này cũng giống như Khaosan Road của Bangkok, Thái Lan) là đường Guihua và Bamboo House Inn nằm ngay tại đây. Chúng tôi bước vào hỏi giá thì đúng là 25 NDT cho dorm và có wifi. Dorm ở đây chỉ có 3 giường và có cả toilet bên trong, trông giống như triple room (phòng cho 3 người) hơn là dorm. Trong phòng có máy điều hòa nóng/lạnh, tivi, bình nấu nước nóng. Nhà tắm có nước nóng/lạnh, có bàn chải và kem đánh răng, có dầu gội và sữa tắm. Thấy quá ok, chúng tôi đồng ý ở. Mỗi người phải đóng 25 NDT cho tiền phòng và 25 NDT tiền thế chân.


Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

Tôi đi Trung Quốc (3): Guilin (Quế Lâm)

Kỳ trước: Tôi đi Trung Quốc (2): Nanning (Nam Ninh)

Sáng hôm sau, 6h kém tôi đã dậy rồi (tôi có tinh thần kỷ luật lắm nhé, không bao giờ trễ tàu xe dù chưa bao giờ mang theo đồng hồ báo thức và cũng chẳng cần nhờ ai đánh thức đâu; hôm nào muốn dậy sớm là dậy được thôi.)

7h15 tôi có mặt ở ga. Tàu chạy đúng 8h. Đến 1h30 thì đến. Tôi bước ra ga. Có vài người gạ gẫm đi taxi. Tôi nhìn qua bên kia đường thấy có tòa nhà màu vàng ghi chữ Home Inn, vậy là giống như trong Lonely Planet rồi, tôi đến toà nhà này nhưng không vào, đi cặp theo con đường cạnh bên thì thấy Flowers Youth Hostel, giá dorm là 30 NDT và 25 NDT cho thành viên. Tôi hỏi thành viên gì? Họ nói thành viên của International Hosteling, nhà trọ này có ở khắp nơi trên thế giới, cứ nhìn thấy logo có hình cái nhà và cái cây là đúng nó đó. Tại đây họ có bán thẻ thành viên luôn, giá 50 NDT sử dụng 1 năm. Tôi nghĩ ôi tôi muốn ở Trung Quốc lâu, dù họ cho thông tin không chính xác thì sử dụng được ở Trung Quốc là cũng okay lắm rồi, vậy là tôi mua một thẻ giá 50 NDT của tổ chức yha, China.

Dorm ở đây khá sạch sẽ, có wifi miễn phí và có luôn bình nấu nước cũng như máy điều hòa nóng/lạnh trong phòng. Nhà tắm thì khá sạch bởi vì có người lau dọn suốt và luôn có nước nóng để tắm. Lúc tôi ở, hầu như khách du lịch là người Trung Quốc thôi.

Sau này khi đi dạo thành phố tôi mới biết có một hostel khác, ngay cạnh bờ sông, dorm chỉ có giá 20NDT thôi và có cả wifi. Tôi vào xem thử thì thấy phòng nhỏ hơn nhưng rất sạch sẽ và ấm cúng. Tên là International Youth Hostel.

Guilin dĩ nhiên rất khác Nanning rồi, trông giống Trung Quốc trong phim hơn với công viên, cầu, hồ, cây cối và theo tôi là nên thơ hơn nhiều. Tuy nhiên ở Guilin hầu như chẳng có gì để tham quan ngoại trừ 2 ngôi chùa vàng và bạc (do rọi đèn).
Vàng đây, còn bạc đâu rồi nhỉ???

Guilin nổi tiếng vì núi có hình dáng rất đẹp


Tên của cây cầu ở trên

Băng ghế đá cho du khách nghỉ chân.

Hai cái tháp này rất nổi tiếng đấy nhé!! Nhưng ở trong hình, tôi còn "nổi" hơn cả tháp hehehe!

Chụp từ cầu thủy tinh (cầu này tham quan miễn phí.)

Cầu thủy tinh; khi đến đây sẽ có người chụp hình bạn miễn phí rồi sau đó dụ dỗ bạn rửa hình có tính phí.
 Đa số khách du lịch đến đây là để đi tàu đến Yangshua (Dương Sóc) mà thôi. Tôi cũng đi một vòng hỏi tour thì được cho giá là 340NDT (có giảm rồi nhé) cho tour hướng dẫn tiếng Anh bao gồm hướng dẫn, vé, ăn trưa, xe buýt đến bến sông và cho tour tiếng Hoa là 160 hay 260 NDT gì đó bởi vì tôi cũng có hiểu tiếng Hoa đâu. Khá đắt nên tôi không đi.

Ở Guilin chỉ có một con đường chính thôi, cứ đi thẳng con đường này khoảng 4 km là coi như đi hết Guilin. Dọc theo đường này là các trung tâm thương mại và cửa hàng siêu thị. Vừa đi vừa ngắm cảnh thì chắc cũng phải mất 4-5 tiếng. Hôm nay ở đây có chợ ngoài trời, toàn là bán mấy món như nón, mũ, áo dành cho mùa lạnh và mấy thứ đồ lưu niệm. Tôi vào siêu thị dưới đất mua một con gà nhỏ giá 10NDT, ăn no bụng luôn. Sau đó đi về ngủ vào khoảng 11h tối.

Sáng hôm sau tôi dậy sớm ngồi gõ gõ vào máy tính thì 2 bạn Trung Quốc (đó là 2 mẹ con) ở cùng phòng thu dọn hành lý để đi Yangshua. Trước khi đi họ nói gì đó bằng tiếng Hoa, đại ý là chúc tôi may mắn và họ tặng cho tôi hai gói kẹo nữa (dễ thương chưa!) Chắc tại họ thấy tôi đi du lịch một mình, quá nể nên tặng kẹo để động viên tinh thần chăng???

Khi tôi xuống tiếp tân trả phòng và đang đứng quanh quẩn để lấy namecards của tổ chức International Hosteling này ở các thành phố khác ở Trung quốc (họ có mặt ở rất nhiều thành phố ở Trung Quốc với giá cả thống nhất: giá dorm là 25NDT/giường cho thành viên và 30NDT cho người không có thẻ thành viên.) thì một người Trung quốc bắt chuyện với tôi hỏi có phải tôi muốn đi Yangshua không? Tôi nói phải. Anh ta bảo rằng anh ta cũng muốn đi nhưng lộ trình hơi khác với các công ty du lịch. Từ Guilin bắt xe buýt đi đến Yangti, sau đó bắt một minibus đi đến bờ sông ở Yangdi. Từ đây thuê thuyền tre (bamboo raft) để đi Xinping. Từ Xinping đi bộ đến Yangshua. Đi như thế này vừa rẻ vừa được ngắm cảnh miễn phí (ở Trung quốc, cái gì cũng phải trả tiền nhé, vào một ngôi làng cổ cũng tiền, ngắm đồng ruộng cũng tiền, leo lên một tòa tháp ngắm cảnh cũng tiền…. Mọi thứ ở đây đều phải trả tiền nên dân đi bụi luôn tìm cách để được ngắm cảnh miễn phí mà không phải trả tiền. Tiền vé cổng ở Trung Quốc mỗi năm một lên giá và giá là do chính quyền địa phương ấn định, không phải do chính phủ trung ương đâu. Dĩ nhiên là tiền đi vào túi mấy cha nội chính quyền địa phương rồi. Và số tiền này có giúp ích gì cho nhân dân không thì chắc ai cũng có thể đoán ra rồi. Vì vậy những người như ông hiệu trưởng mà tôi gặp mới có thể ở khách sạn giá vài triệu đồng/đêm khi đi công tác chứ và còn dư tiền bao gái nữa chứ. Cũng may là tôi không nhận, nếu không thì thành ra là mắc nợ nhân dân Trung Quốc rồi.)

Dân đi bụi mà, hễ thấy đi kiểu gì vừa khác tour, vừa rẻ hoặc miễn phí là ok ngay. Tôi cũng không phải ngoại lệ. Chúng tôi gồm 3 người: anh chàng Trung Quốc, anh chàng người Venezuela và tôi. Mọi người đều gửi túi hành lý lớn tại hostel ở Guilin và đeo túi hành lý nhỏ trên vai.


Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Tôi đi Trung Quốc (2): Nanning (Nam Ninh)

 Kỳ trước: Tôi đi Trung Quốc (1): Thủ tục và cửa khẩu Trung-Việt 

Khi xe đến bến Nam Ninh (bến Langdong), xe đậu dưới tầng hầm và mọi người ai cũng xách hành lý xuống xe. Tôi cũng leo xuống thì thấy ba người Trung Quốc đang chờ lấy hành lý của họ cho vào xe đẩy. Họ cũng cho hành lý của tôi lên xe đẩy của họ và kéo đi. Tôi chạy theo họ. Họ gọi taxi và người đàn ông trung niên giải thích gì với tôi đó, đại ý là chờ ông ta làm thủ tục check-in ở khách sạn sau đó mọi người sẽ cùng đi ăn. Tôi bấm bụng leo lên taxi ngồi với họ luôn và theo trí nhớ của tôi (tôi đã xem bản đồ nhỏ xíu in  trong sách hướng dẫn Lonely Planet mà) thì chúng tôi đang đi vào trung tâm. Sau đó xe dừng ở khách sạn thật lớn. Khi vừa bước vào cửa thì các cô gái tiếp tân tung hô câu chào đón gì đó và giành lấy tay đẩy hành lý để kéo giúp chúng tôi. Liếc sơ qua giá phòng ở đây thì ôi hỡi gần 900 NDT/ đêm cho phòng có giá rẻ nhất. Chỉ có ông hiệu trưởng là ở đây thôi. Hai người kia ở khách sạn khác. Chắc ông ta là cán bộ đi học theo phân công của nhà nước nên được trợ cấp đây. Tôi có lên phòng ông ta xem thử cùng 2 người Trung Quốc kia (thật ra là 2 cha con, người con trông khá là đẹp trai). Phòng cũng tương tự như những khách sạn lớn ở Việt Nam hay các nước khác. Ông ta ở một mình nhưng lấy phòng 2 giường (chắc định rủ tôi ở chung đây???) có máy vi tính nối mạng và nhà tắm thì khá đẹp. 

Sau đó mọi người vào nhà hàng đối diện ăn trưa (lúc 3h chiều). Họ gọi các món: súp ngêu, khổ qua xào, lòng heo xào rau, đậu hủ kho, cá chưng tương, và một món của Trung Quốc mà tôi không biết tên, ăn tương tự đậu hủ nhưng họ bảo không phải đâu hủ. 

Sau đó mọi người lên taxi đến khách sạn của hai cha con kia. Đó trông giống như một khách sạn 4 sao. Ông hiệu trưởng bảo tôi ở đây nhé. Tôi thấy khách sạn sang quá nên từ chối và nói rằng tôi muốn đến Ying Bin Hotel (2 sao, trong Lonely Planet, phòng đơn có nhà tắm bên ngoài giá 50-60NDT) ở đối diện ga xe lửa. Vậy là ông ta kéo hành lý của tôi đi tìm khách sạn Ying Bin. Ông ta nói gì đó: hình như muốn hỏi giá phòng đôi thì phải bởi gì tôi nghe cô tiếp tân trả lời là hơn 100 NDT. Tôi hỏi cô ta nói tiếng Anh được không và nói tiếng Anh với cô ta. Phòng đơn, nhà tắm bên ngoài ở đây không còn nữa. Chỉ có phòng đơn có nhà tắm bên trong thôi (85NDT). Phòng có internet thì thêm 10 tệ nữa. Ông hiệu trưởng bảo tôi lấy phòng có internet. Tôi móc 100NDT ra chuẩn bị trả tiền phòng thì cô tiếp tân nói rằng ông hiệu trưởng đã trả tiền phòng rồi, tôi chỉ cần trả 50NDT tiền thế chân chìa khóa mà thôi. Sau nào trả phòng thì tôi lấy lại 50 tệ này. Tôi chưng hửng, không biết nói tiếng Hoa thế nào để từ chối cho lịch sự nên đành nói: xỉa xỉa (cảm ơn) với ông ta luôn. 

Sau khi tôi nhận phòng thì ông ta chờ để hỏi tôi có muốn đi dạo một vòng không. Dĩ nhiên là tôi muốn rồi. Đó là đêm đầu tiên của tôi tại Trung Quốc mà. Chúng tôi đi đến các trung tâm thương mại lớn. Ông ta muốn mua máy ảnh nên săm soi khá lâu. Tôi đi một vòng xem các sản phẩm của Trung Quốc, giá cả tương đương ở Việt Nam nhưng Trung Quốc có một số thương hiệu khá lớn như Haier, Gree, Midea…. (không nhớ nổi tên)

Sau đó ông ta đi mua đồ chơi cho con. Ông ta nói rằng ông có đến 7 đứa con (nghe hết hồn luôn) và rồi dẫn tôi vào khu bán quần áo cho phụ nữ và hỏi tôi muốn gì cứ lấy, ông ta sẽ trả tiền (mỗi một món đồ ở đây có giá thấp nhất là 5-6 triệu đồng tiền Việt. Chẳng muốn mua gì, bởi vì tôi không có tiền để trả và nếu để ông ta trả thì sẽ mắc nợ và tiền của ông ta nên để mua đồ cho con ông ta thì tốt hơn. Tôi luôn lắc đầu và bảo rằng tôi không thích và không cần. Cuối cùng không thể thuyết phục tôi mua. Ông ta hỏi tôi có muốn đi hát karaoke không. Tôi mệt quá. Sau một ngày trời lòng vòng nói tiếng Hoa mỏi tay và mỏi chân, tôi chỉ muốn về ngủ thôi. Vả lợi, phòngg karaoke ở đây chắc cũng tương tự như ở Việt Nam thôi. Phòng nhỏ, có thể kín đáo dành cho 2-3 người, vừa hát vừa uống rượu và sau đó thì cái gì nữa thì…. chắc ai cũng đoán ra. Tôi đi về ngủ cho chắc ăn. Mệt quá nên tôi bước hơi nhanh, hình như ông ta dừng chân nghe điện thoại hay điện thoại cho bạn rủ đi hát karaoke thì phải. Tôi thẳng bước và đến khi quay lại thì không thấy ông ta đâu. Cũng may tôi còn nhớ đường về nên đi về và đánh một giấc luôn. Tôi không có mang điện thoại và chẳng bị ai làm phiền hết. Trước đó tôi có nghe ông ta nói sáng hôm sau, ông ta và hai người bạn bay đi thành phố nào đó. Tôi mất liên lạc với họ luôn.

Phòng có giá 95NDT quá đắt đối với tôi nên hôm sau tôi đi một vòng ở khu vực quanh ga để kiếm phòng giá rẻ hơn. Tôi đi đến một khu chợ, ở đây có một số tòa nhà trông giống như nhà trọ nhưng chỉ ghi tiếng Hoa (chắc để cho người Hoa thuê thôi.) Tôi bước vào đại một nơi hỏi và đúng như vậy, Phòng chỉ có 1 cái giường, nệm và chăn gối, bàn viết giá 30NDT. Mừng quá vì kiếm được nhà trọ giá rẻ. Tôi hẹn sẽ quay lại. Trên đường về khách sạn Ying Bin để lấy đồ tôi thấy một khu khác, bước vào hỏi thì giá rẻ hơn 25 NDT. Chỉ còn một phòng trống cạnh toilet, tôi không chịu ở cạnh toilet nên định đi thì họ xuống giá 20NDT. Chị chủ khá dễ thương nên tôi chấp nhận ở luôn.

Những nhà trọ như thế này toàn là người Hoa ở và họ chỉ biết tiếng Hoa thôi. Ở Trung Quốc, hầu hết các nhà trọ đều có tivi và bình thủy nước nóng trong phòng. Tôi mang theo một bình thủy nhỏ cá nhân vì vậy tiết kiệm được nhiều tiền mua nước. Mỗi sáng tôi cho vào bình thủy của mình một ít hoa cúc phơi khô và cho nước sôi vào, mang theo đi khắp nơi. Vậy là tôi luôn có trà hoa cúc để uống rồi.

Thành phố Nam Ninh khá lớn, không thể nào đi bộ, tôi đi xe buýt. Xe buýt ở đây không có ai thu tiền đâu, có một cái thùng cạnh tài xế, mỗi lần lên xuống là 1 NDT. Mọi người phải có tiền lẻ và tự cho tiền vào thùng khi lên xe. Người lớn tuổi ở Trung Quốc đi xe buýt không phải trả tiền và luôn được ưu ghế ngồi. Các bạn trẻ Trung Quốc rất tự giác, thấy người lớn tuổi là tự động đứng lên nhường chỗ, không cần chờ phải có người nhắc như ở Việt Nam đâu.

Ở Nam Ninh, có bán bắp và khoai luộc, giá 2NDT/trái hoặc củ (tương đương 6 ngàn rưỡi). Ngoài ra các món bánh như bánh bao chỉ, màn thầu…chỉ có giá dưới 1 NDT thôi. Món ăn của người nghèo mà. Ở đây đang có đợt giảm giá, một chai dầu gội đầu to ơi là to có giá 10NDT (=32.000 VND) thôi và nhiều món khác có giá 10 NDT, nhiều hàng khuyến mãi quá nên tôi chẳng mua. Ngu sao mua hàng giá rẻ chắc là toàn chứa đồ độc hại quá! Công nhận tôi cũng có tinh thần cảnh giác ghê!

Ở tại Nam Ninh thêm 2  đêm để đi dạo phố và làm quen với cuộc sống cũng như giá cả ở Trung Quốc và để thực tập cũng như học thêm một số câu tiếng Hoa cần thiết. Tôi quyết định lên đường đi Guilin (Quế Lâm).

Vào ga tàu lửa ở ngay bên kia đường, đối diện khách sạn Ying Bin (nhà trọ mới của tôi cũng ở gần đấy), tôi cố so sánh chữ trên bảng thông tin và trong tờ giấy mình cầm theo. Cuối cùng thì cũng thấy được từ Quế Lâm (chữ Lâm có hình 2 cái cây đây mà), giá vé cho ghế cứng lá 65 NDT. Tôi xếp hàng (dù không phải mùa cao điểm nhưng số lượng người dân đi tàu cũng khá nhiều, các quầy vé luôn có người đứng xếp hàng chờ mua) và cuối cùng bước vào nói: Guilin, mỉnh then, ỷ cơ xinh chua (Guilin, ngày mai, một ghế cứng). Người bán nói một tràng, không hiểu, tôi đực mặt ra. Người bán nói: morning, ok? Dĩ nhiên tôi ok rồi, chứ nếu không cũng chẳng biết nói thế nào. Vậy là tôi có vé tàu đi vào 8h sáng hôm sau.
Hôm đó, tôi về nhà trọ ngủ sớm để chuẩn bị sáng hôm dậy sớm.
Ah quên, ở ngay trước ga tại Nam Ninh, dưới tầng hầm có một trung tâm internet khá lớn, giá 3NDT/giờ. Ở Trung quốc không vào được Facebook hay blogspot đâu. Tôi đăng bài trên blog này qua địa chỉ email ở google đó.

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Tôi đi Trung Quốc (1): Thủ tục và cửa khẩu Trung-Việt

 Kỳ trước: Lễ hội Loi Krathong 2010 ở Bangkok, Thái Lan

Ý định của tôi là ở tại Trung Quốc khoảng 4-5 tháng, chờ đến khi trời ấm hơn thì sẽ đi Tây Tạng, sau đó sẽ đi Nepal và Ấn độ. Vì vậy tôi đã đến lãnh sự quán Trung Quốc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai làm visa. Tôi đến vào sáng thứ 2, điền vào một tờ đơn và dán vào một tấm hình 3-4, sau đó nhận giấy hẹn 4 ngày sau (thứ 5). Tôi xin visa 6 tháng với 2 lần ra vào, thời gian dài nhất ở tại Trung Quốc mỗi lần là 30 ngày, giá là 90 đô la Mỹ. Khá mắc tiền!

Sau đó tôi vào trang web của Lonely Planet và hỏi làm thế nào ở Trung Quốc với visa như thế thì được chỉ dẫn là tôi nên ở đến ngày thứ 29 hoặc 30, sau đó ra khỏi Trung Quốc, có thể về Việt Nam hoặc sang Lào, hoặc Hong Kong, sau đó nhập cảnh trở lại. Lần này ở đến ngày 25 thì đến đồn cảnh sát khu vực làm gia hạn thêm một tháng nữa. Sau đó đến ngày 25 thì lại làm gia hạn…..

Có được thông tin trong tay, tôi ra ga Sài gòn mua vé tàu đi Hà Nội, tàu 7h tối, ghế mềm giá 729.000 đồng. Tàu chạy từ 7h tối ngày thứ 3 đến 4h sáng ngày thứ 5 thì đến nơi. Từ ga Hà Nội, tôi đi bộ một chút thì đón xe buýt về bến xe Gia Lâm. Tại đây tôi mua vé đi Móng Cái với giá 150.000 đồng. Xe đến Móng Cái vào khoảng 4h chiều (phải chuyển xe và phải chờ đủ khách thì xe mới chạy.) Từ bến xe Móng Cái, tôi đi xe ôm (10.000đ đến nhà nghỉ Hồng Nhung ở đối diện chợ Móng Cái và cách cửa khẩu khoảng 1km). Tại đây, phòng khá rộng dành cho 3 người, giá 150.000đ. Tôi ở một mình nên trả 120.000đ/đêm.

Ở cửa khẩu Móng Cái, mọi người phải mua vé 5.000đ để vào nơi làm thủ tục (hơi quái!) Tại đây, người đi bằng giấy thông hành nhiều hơn người đi bằng hộ chiếu. Lúc đó có đoàn 400 khách Trung Quốc vào tham quan nên phải chờ khá lâu nhưng may mắn tôi ké một người Việt Nam đứng xếp hàng ngay trước tôi, vì vậy được làm thủ tục sớm. Sau đó là đi qua cửa khẩu Trung Quốc. Tại đây, mọi thứ đồ ăn đồ uống đều bị vứt vào sọt rác, chỉ có mì gói là được cho qua thôi. Tiếc quá, tôi đã mua sẳn 1kg cam để dành ăn trên xe buýt, vậy mà cũng không thoát, bị vứt vào sọt rác hết. Các bạn hải quan Trung Quốc rất dễ thương, hướng dẫn nhiệt tình bằng tiếng Hoa nên nghe chẳng hiểu gì hết. Các bạn cười vui lắm, khác hẳn những khuôn mặt quạu quọ của mấy anh hải quan Việt Nam.

Thế là tôi bước chân vào Trung Quốc. Cũng may là tôi đã đổi tiền tại Sài Gòn, tỷ giá là 3.200đ/Nhân dân tệ. Khi đến Đông Hưng (Dongxing), thành phố của Trung Quốc, đối diện Móng Cái của Việt Nam. Đón tôi ngay tại cửa là những chị lơ xe trung chuyển từ cửa khẩu đến bến xe Đông Hưng nói lơ lớ tiếng Việt. Tôi hỏi giá thì biết rằng phải trả đến 8NDT, đắt quá. Tôi không đi, đang đứng tần tần thì thấy một xe minibus có số 45 chạy qua lại, đón rằng đây là xe buýt, tôi bước đến nói “đao trư tran” (đến bến buýt). May quá bác tài gật đầu. Tôi hòi: tua xào chẻn (bao nhiêu tiền). Bác tài: y quây (1NDT). Tôi không có tiền lẻ 1 NDT nên hai người Trung Quốc ngồi phía sau đổi tiền giùm tôi. Thế là tôi có tờ 1NDT để cho vào thùng rồi. Đến bến xe, anh tài xế xe buýt quay sang nói một thôi, chẳng hiểu gì nhưng tôi biết là đến bến xe rồi. Tôi xách giỏ leo xuống, qua đường và đến bến xe. Vừa vào bến tôi được vài người chạy theo hỏi gì đó. Chẳng hiểu gì hết. Một chị lôi tôi đến một bảng hiệu và chỉ vào dòng chữ trên đó (đọc được chết liền đó). Tôi nói: Nanning. Chị ta gật đầu lia lịa và ra giá “wu sửa quay”. Chẳng hiểu nên tôi mở máy  tính ra chi chị ta bấm số. Thì ra đó là 50 NDT. Tôi leo lên xe luôn.

Tôi chọn đại một ghế trống ngồi xuống. Khoảng vài phút sau, một nhóm 3 người đàn ông Trung Quốc bước lên. Người đàn ông trung niên chọn ghế ngồi cạnh tôi và hai người kia ngồi 2 ghế phía sau. Lúc họ trả tiền, tôi thấy chị chủ xe che người lại, không cho tôi nhìn. Tôi biết họ trả rẻ hơn. Lúc sau tôi mới biết họ chỉ trả có 45NDT/người thôi.

Ba người Trung Quốc ngồi nói chuyện và thỉnh thoảng nhìn sang tôi. Chắc họ muốn bắt chuyện đây. Một lát họ mở bản đồ ra xem. Tôi hỏi: tu thị tơ Nanning ma? Họ gật đầu và nói một hồi tiếng Trung. Tôi nói: wo bủ shua trung cỏ rẻn. Wo shua yue nản rẻn. Họ ngạc nhiên bởi vì họ luôn nghĩ rằng tôi là người Trung Quốc (vậy là tôi có khuôn mặt quốc tế nhé! Tôi đi nước nào thì người ta nghĩ tôi là người của nước ấy nhé!) Thế là người đàn ông trung niên ngồi cạnh thỉnh thoảng quay sang nói chuyện với tôi. Dĩ nhiên là tôi là không hiểu (với vốn tiếng Hoa đã học cách đây 10 năm thì làm sao hiểu nổi). Thế là ông ta lôi điện thoại ra và bấm vào đó, dịch từ Hoa sang Anh để nói chuyện với tôi. Khá mệt nhỉ! 

Sau một hồi nói chuyện bằng từ điển thì ông được biết ông ta là hiệu trưởng một trường cao đẳng kỹ thuật ở Anshui và đang học quản lý ở Nam Ninh. Ông ta đưa cho tôi xem đến hai danh thiếp. Một danh thiếp hiệu trưởng và một danh thiếp làm giám đốc công ty kỹ thuật. Ông ta chỉ vào mình và nói: lèng cơ công trua (2 nghề). Sau đó ông ta mời tôi và hai người bạn ngồi ghế phía sau ăn trưa khi nào đến Nam Ninh. Tôi chỉ nghe và hiểu: thư phan (ăn cơm) và wo chỉnh nị (tôi mời bạn) và đao Nản Nỉnh (đến Nam Ninh). Vì vậy tôi đoán là ông ta mời ăn trưa. Tôi cười cười (dám trả lời đâu bởi vì nghe nói nạn buôn bán phụ nữ ở đây cũng ghê lắm).

Sau đó thì mạnh ai nấy ngủ. Đến 1h30 thì xe đến bến xe Nam Ninh. 1h30 là giờ Việt Nam, ở Trung Quốc lúc đó đã là 2h30 rồi (Trung quốc đi sớm hơn VN 1h).

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

Tôi đi Myanmar – Kỳ 5: Hồ Inlay (tt)

Kỳ trước: Tôi đi Myanmar – Kỳ 5: Hồ Inlay (tt)

Một ngày trên hồ Inlay

Thuê một chiếc motorboat (thuyền có gắn động cơ) giá K12.000, nhóm 3 người chúng tôi gồm tôi, Stefan (Bỉ) và Aude (Pháp) bắt đầu lên đường để khám phá hồ Inlay.

Đầu tiên chúng tôi đi ngang qua các khu vườn nổi (floating gardens) do người Intha trồng trọt, vào mùa này họ trồng khá nhiều cà chua. Người dân ở đây dùng rong rêu họ câu lên từ đáy sông để làm phân bón cho khu vườn của mình. Vườn được phân thành luống thẳng tắp trông khá đẹp. Khu vườn có cả cổng vào, du khách chỉ được tham quan và chụp hình bên ngoài cổng, không được vào trong vườn.
Vườn nổi (Floating gardens)
Một người đang vớt rong rêu dưới hồ để làm phân bón cho vườn nổi (floating gardens)
 
Sau đó chúng tôi đến làng Maing Thauk, hôm nay ở làng này có buổi họp chợ (ở đây, mỗi làng luân phiên họp chợ một ngày trong tuần). Wow, có khá nhiều gian hàng bán đồ lưu niệm dành cho du khách (hình như người dân ở đây quá quen thuộc với hình ảnh của những du khách ghé thăm chợ nên có rất nhiều gian hàng bán đồ lưu niệm). Tại đây tôi mua một gói xì gà, quấn bằng lá tự nhiên giá chỉ có K400 gồm 50 điếu, trong khi đó ở khu chợ gần chỗ tôi ở bán giá K700. Ngoài ra tôi còn mua được một ít cà chua (K100) được đem ra từ những khu vườn nổi, và 3 quả táo giá K500. Làng này có một cây cầu gỗ khá dài, nhưng so với cầu U Bein ở Mandalay thì thấp hơn và ngắn hơn. Ở khoảng giữa cầu có những trạm nghỉ chân cho khách qua đường có mái che và ghế ngồi khá mát mẻ và thoải mái. 
Chợ phiên
Sau đó chúng tôi được chở dọc theo sông để chụp hình những ngư dân Intha bắt cá và xem họ chèo thuyền bằng chân. Họ bắt cá như sau. Họ có thể dùng nom dài ghim xuống sông (nước sông ở đây không sâu lắm khoảng 1-2 mét) hoặc dùng lưới giăng xuống đáy sông. Sau đó để lùa cá vào lưới hoặc nom, họ dùng cây đập mạnh xuống mặt nước. Khi họ làm như vậy, cá sẽ hoảng sợ và bơi vào lưới. Để di chuyển, họ dùng một chân để chèo thuyền, chân còn lại thì trụ trên ghe, hai tay thì gở lưới để lấy cá. 
Ngư dân chèo thuyền bằng chân
Ngư dân quấn lươí để gỡ cá
 
Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất bạc U Hla Pe Family. Ở đây nơi sản xuất và phòng trưng bày ở trong một phòng nên mọi người sau khi xem cách thức sản xuất có thể mua thành phẩm ở phòng trưng bày luôn. Ở đây, Aude mua 1 dây chuyền và đôi bông cùng kiểu giá khoảng 40 đô.
Thợ đang khắc bạc
Một số thành phẩm
 
Chúng tôi đến chùa Phaung Daw OO để xem. Trong chùa hầu như chẳng nhận ra tượng Phật nữa bởi vì người dân đến khấn vái và đắp lá vàng lên thân tượng. Đặc biệt là chỉ có nam giới mới được dán trực tiếp lá vàng lên tượng, nữ giới chỉ đứng bên ngoài, không được vào trong. 
Toàn cảnh ngôi chùa
Sau đó, chúng tôi ghé vào làng Inpawkon để xem sản xuất vải từ sợi tơ ở thân cây sen. Để có được kg tơ sen, phải mất một tháng. Nhưng thành phẩm từ tơ sen không rẻ chút nào, 50 đô cho một khăn choàng cổ. Ở đây họ cũng sản xuất lụa và vải cotton. Vải cotton sản xuất ở đây tương tự như ở nhà máy sản xuất vải cotton ở Amapura, Mandalay mà tôi đã ghé thăm. Tóm lại các thàng phẩm ở đây chẳng hề rẻ.
Thợ đang lấy chỉ từ thân sen; để có được 1 kg chỉ này, họ phải mất một tháng để gỡ.
Thợ dệt vải từ chỉ sen
 
Ngoài ra chúng tôi còn được chở đến nơi được gọi là làng của người cổ dài (long-necked village). Thực ra chỉ có 3 người cổ dài ngồi dệt biểu diễn cho khách xem và chụp hình. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ được đến làng của họ nhưng họ bảo làng của những ngưòi cổ dài ở xa lắm, không thể đến được. Ấn tượng của tôi là hình như người ta đem về 3 người cổ dài để nhằm biểu diễn cho du khách xem, sau đó bán đồ với giá cực mắc. Chẳng dại gì mà mua đồ ở những nơi như thế này.

Ngoài ra chúng tôi còn ghé thăm nơi sản xuất thuốc lá thiên nhiên. Ở đây chúng tôi được nhìn thấy cách quấn thuốc và gói thuốc. Nhưng thuốc lá ở đây cũng chẳng rẻ. Tôi mua một gói 50 điếu ở ngoài chợ giá chỉ có K400, trong khi ở đây họ bán đến K2.000. Khi tôi hỏi tại sao, họ bảo chất lượng khác nhau. Cũng có thể nhưng tôi không biết hút nên chẳng biết kiểm tra như thế nào. Ở đây người ta cũng bán đồ gỗ sơn (lacquerware), nhưng khác với ở Bagan là họ quấn tre bên ngoài nên lacquerware trông lạ hơn với nhiều màu sắc hơn.
Thuốc lá được quấn như thế này đây
lacquerware có vỏ bọc bằng tre
 
Cuối cùng chúng tôi đến Thiền viện mèo nhảy (Jumping-cat monastery). Ở đây người ta huấn luyện mèo để nhảy qua những cái vòng, giống như trong rạp xiếc, thay vì là khỉ hay voi nhảy qua vòng, ở đây là mèo nhảy vòng. Thiền viện còn có khá nhiều tượng Phật và các tượng đều được đặt trong một ngai vàng hoa văn rất đẹp.
Một trong những tượng Phật tại chùa
Các chú mèo nhảy đây
Trên đường trở về chúng tôi ngắm hoàng hôn trên hồ Inlay. May mắn hôm nay chúng tôi có một hoàng hôn rất đẹp và may mắn cho tôi là khi vừa chụp xong bức ảnh mặt trời lặn hẳn  xuống núi thì pin máy ảnh cũng vừa hết nên không bị lỡ dịp chụp cảnh hoàng hôn.
Hoàng hôn trên hồ Inlay
Tóm lại, một ngày đi chơi trên hồ thật vui dù buổi sáng và chiều khá lạnh, dù mặc áo khoác nhưng vẫn lạnh cóng cả người.


Tôi đi Myanmar – Kỳ 5: Hồ Inlay (tt)

Kỳ trước: Tôi đi Myanmar – Kỳ 5: Hồ Inlay

Nhà nghỉ của tôi tại Hồ Inlay

Nhà nghỉ này nằm xa hơn những nhà nghỉ khác một chút, bên ngoài là một khu vực khá đẹp, phòng nằm trên gác, dưới là sàn gỗ. Chúng tôi có 3 người nên quyết định lấy một phòng đôi (có 2 giường đơn) giá 14 đô, sau đó kê thêm 1 giường thêm 5 đô nữa, như vậy tổng cộng là 19 đô/ 3 người.

Điều đặc biệt là nhà nghỉ này có phòng thiền (meditation room), nhà hàng nơi mọi người ăn sáng có đầy hoa phong lan, khá đẹp. Mỗi người đều được phục vụ nước chanh miễn phí khi mới đến hoặc khi vừa đi chơi về. Trước phòng chúng tôi là một vườn phong lan. Phòng khá rộng vì vậy 3 người ở khá là thoải mái. Phòng tắm khá sạch sẽ, phòng có 3 cửa sổ: 1 cửa sổ lớn và 2 cửa sổ nhỏ. Hai cửa sổ nhìn ra vườn phong lan. Từ phòng đến sân phơi đồ khá thuận tiện. Vì thế tôi rất thích bởi vì tôi có thể phơi đồ thoải mái.

Ngay cầu thang là 2 thùng nước lọc cho mọi người uống miễn phí. Tại đây, có cả bản đồ miễn phí khu vực hồ và bản đồ dành cho người muốn đi dạo bằng xe đạp. Tôi nghĩ đây là một nơi khá thoải mái để ở. 
Một góc vườn của nhà nghỉ này
Nơi chúng tôi dùng bữa điểm tâm

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Tôi đi Myanmar – Kỳ 5: Hồ Inlay

 Kỳ trước: Tôi đi Myanmar – Kỳ 4: Bagan (tt)

Trekking (đi bộ) đến Hồ Inlay

Một du khách khi đến Myanmar thì không thể bỏ qua một trekking tour (tour đi bộ băng qua rừng, núi) nếu muốn biết về đất nước này một cách đầy đủ nhất. Đây là câu mà những du khách hay nói với nhau. Vì thế tôi cũng lọ mọ tham gia thử một trekking tour cho biết. Thường ở đây để đi trekking, du khách thường đi xe buýt đến Kalaw (xe búyt từ Bagan đến Kalaw, giá khoảng K10.500) sau đó tham gia vào 2-3 ngày trekking đến Inlay Lake.

Xe búyt của tôi khởi hành lúc 4h sáng tại Bagan và đến Kalaw vào lúc 1h trưa. Tại đây chúng tôi bị một đội quân quay quanh chào mời trekking tour. Tôi và một người Bỉ và một người Pháp cùng nhau đi về Nhà nghỉ Lily để tìm phòng ở, ở đây giá phòng cho một người là 3 đô Mỹ với toilet bên ngoài và 5 đô Mỹ với toilet bên trong. Ở đây chúng tôi hỏi về trekking tour thì được cho biết giá dành cho mỗi người là 10 đô Mỹ/ngày + K3.000 cho xe trung chuyển đến vị trí trekking + K4.000 vận chuyển hành lý đến Hồ Inlay trước (bởi vì chúng tôi chỉ cần mang theo một ba lô nhỏ đựng những vật dụng cần thiết, đây là tour trọn gói ăn ở) + K4.000 tiền đi ghe qua Hồ Inlay để về khu khách sạn. Tổng cộng mỗi người phải trả cho 2 ngày trekking là 20 đô Mỹ + K10.000 (nhờ tôi trả giá đấy chứ lúc đầu họ bảo 12 đô/ngày bởi vì giá trị đô la Mỹ ở đây đang bị giảm). Tuy nhiên tôi không có hành lý để gởi bởi vì tôi đã gửi balô lớn tại Yangon và ké vào ba lô của người bạn Bỉ một ít đồ. Thế là tôi có hành lý nhỏ gọn khoảng 3-4 kg trên lưng mà không tốn K4.000. Hehehe.

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm, ăn sáng tại khách sạn xong khoảng 7h30. Tôi tranh thủ đi ra chợ địa phương tại Kalaw để xem. Lúc này chợ chưa dọn hàng xong, hầu như chẳng thấy khách mua hàng, nhiều gian hàng còn chưa mở cửa. Hơi ngạc nhiên!!! Chợ gì mà 7h30 mà chưa dọn hàng nữa nhỉ?

Khoảng 8h30, chúng tôi ra xe để cùng đi đến điểm trekking. Do chúng tôi đến trễ một ngày nên những người đi trekking 3 ngày đã lên đường, vì thế chúng tôi phải đến điểm tập hợp để cùng đi với nhóm người này vào ngày thứ 2. Khoảng 9h15 nhóm trekking 3 ngày đến nơi: nhóm tôi gồm tôi, anh chàng Stefan người Bỉ và cô Aude người Pháp; nhóm trekking trước gồm 1 cô sinh viên người Đức (cô nàng này vừa trải qua kỳ thực tập 5 tuần tại Hà Nội), 1 người Nauy (sau khi nghe tôi kể về Việt Nam đã thay đổi kế hoạch, muốn dành 2 tuần cuối của kỳ nghỉ để đến Việt Nam), một cặp người Bỉ (họ không nhận mình là vợ chồng mà gọi nhau là traveling partners – bạn đi du lịch), một cặp người Israel mà tôi chia tiền taxi đến bến tàu tại Mandalay. Vậy là cuối cùng 9 khách du lịch, 2 hướng dẫn cùng 1 đầu bếp (đã đi trước đến điểm nghỉ ngơi để chuẩn bị bữa ăn trưa cho mọi người) lên đường.
Điểm tập kết
 
Phong cảnh khá đẹp nhưng nếu so với trekking của Sapa, Việt Nam thì thua xa. Chính cô sinh viên người Đức đã cho tôi biết điều này. Tôi cũng công nhận rằng phong cảnh ruộng bậc thang của Việt Nam thì không đâu sánh bằng.
Anh chàng Harry (hướng dẫn của chúng tôi) khá là thân thiện và đẹp trai nữa. Anh chàng gốc người Ấn độ, thuộc tôn giáo Sik (một tôn giáo có thánh đường là Golden Temple tại Amristar, Ấn độ; tôi đã ở tại thánh đường này 3 ngày: đó là một tôn giáo rất hay, xem mọi người là bình đẳng, không có tầng lớp, giai cấp; người Ấn ở đây khác với người Ấn ở những nơi khác, khá đáng yêu và thân thiện.

Trên đường đi chúng tôi nói chuyện khá nhiều và làm quen lẫn nhau. Khoảng 12h45, chúng tôi đến một ngôi làng nơi chúng tôi dừng chân để ăn trưa. Tại đây chúng tôi được ăn súp bông cải nấu với gừng, sau đó mỗi người được phát được điã mì ăn cùng rau xào thập cẩm, cũng khá ngon bởi vì chúng tôi khá đói bụng, sau đó ăn la sét – cam. Mọi người tranh thủ ngủ trưa đến khoảng 2h30, lại tiếp tục lên đường. Phong cảnh cũng tương tự như những gì chúng tôi đã thấy. Thỉnh thoảng chúng tôi có dừng chân để nói chuyện với những người địa phương, đặc biệt là 5 cô bé người dân tộc đang gùi cỏ về nhà. Thấy chúng tôi, cả 5 dừng lại nghỉ ngơi; vì thế chúng tôi tranh thủ chụp hình; trong đó có một cô bé khá xinh mà tôi nghĩ sau này có thể trở thành hoa hậu của khu vực.
 
Sau đó chúng tôi đi tiếp đến khoảng 5h20 chiều thì đến thiền viện nơi chúng tôi sẽ ăn tối và ngủ. Mọi người tranh thủ đến ngôi làng gần đó mua nước uống và trò chuyện trong khi chờ bữa ăn tối, những người khác thì tranh thủ tắm sau một ngày đi đường bụi bặm. Tôi không thể tắm do thời tiết ở đây khá lạnh vì thế vào bếp vừa sửa ấm vừa xem đầu bếp chuẩn bị bữa ăn tối.
Thiền viện nơi chúng tôi ngủ qua đêm

Chúng tôi được ăn một bữa thịnh soạn ngay tại hành lang trước cửa thiền viện. Chúng tôi được ăn món súp nhẹ. Sau đó món chính có món salad là dưa trộn, đậu xào cà rốt, đậu bắp xào, khoai tây nấu gà và một món thập cẩm đủ loại rau củ. Sau khi no căng bụng chúng tôi được ăn la sét đồ ngọt (giống như kẹo mè đậu phộng của Việt Nam). Sau đó là một món lasét rất đặc biệt, đó là món chuối được lột ra sẳn sắp lên dĩa, sau đó bật quẹt ga lên, và người ăn dùng muỗng lăn quả chuối cho chín đều, sau đó tắt lửa đi và thưởng thức, khá lạ và ngon.
Món chuối lăn hơi lửa khá lạ mắt
Sau khi ăn xong mọi người trò chuyện đến khoảng 8h thì điện bắt đầu tắt và mọi người đáng răng rửa mặt để đi ngủ, không còn điện nên mọi người phải sử dụng đèn pin để đi toa lét. Bầu trời đầy sao thật đẹp! Vì thế đoạn đường từ thiền viện đến toa lét cũng thật lãng mạn (dù hơi tối). Mọi người đều ngủ chung nhau giống như dorm, mỗi người một tấm nệm, gối và chăn. Ban đêm ở đây khá lạnh, trước đó quên hỏi thêm chăn, vì thế tôi đã không thể ngủ ngon bởi vì trời khá lạnh, co ro mãi cũng thiếp đi một chút nhưng lạnh quá phải tỉnh ngủ, sau đó lại thiếp đi. Chập chờn như thế đến khoảng 5h sáng thì các chú tiểu bắt đầu dậy đọc kinh. Mơ màng đến khoảng 6h30 thì tôi và mọi người lục đục dậy rửa mặt và chờ ăn sáng. Chúng tôi được dọn món chappati ăn cùng salad bơ, lasét có đu đủ, cam và quýt. Khá ngon!

Sau đó mọi người rủ nhau vào gặp sư trụ trì để cúng dường, có người cúng 5đô la, có người cúng 10 đô la. Trước đó, tôi đã vào cúng dường và được đeo một sợi dây may mắn; tôi được sư trụ trì tặng một bức tranh do chính tay Ngài vẽ, sau đó Ngài nhờ tôi chuyển giùm một bức thư cho người bạn Việt Nam của Ngài tại Đà Nẳng.
Những người đi trekking cùng tôi đang được đeo dây may mắn và được chúc phúc
Các chú tiểu tại thiền viện này
 
Sau khi tôi làm lễ cúng dường xong thì những người bắt đầu vào cúng dường, mỗi người đều được đeo một sợi dây may mắn, không ai được sư trụ trì tặng tranh cả.

Khoảng 8h20, mọi người bắt đầu lên. Hôm nay đoạn đường dễ đi hơn hôm trước, ít phải lên dốc hơn, chỉ khoảng ½ giờ đầu là leo dốc, sau đó chỉ toàn xuống dốc. Phong cảnh cũng tương tự như ngày hôm trước. Chúng tôi đến làng, nơi ăn trưa nghỉ ngơi và xuống thuyền đi đến khách sạn là khoảng 12h20. Mọi người được ăn món cơm nấu theo kiểu của người Shan (cơm gạo dẻo nấu cùng xì dầu và trứng, ăn chung với cà chua). Ăn xong thì mọi người chuẩn bị xuống tàu. Theo quy định, bất cứ du khách nào khi đến Hồ Inlay đều phải đóng 5 đô la Mỹ cho chính phủ. Nhưng Harry, hướng dẫn của chúng tôi, dặn dò rằng nếu nói với người thu tiền rằng chúng tôi chỉ đi tham quan hồ, sau đó về Kalaw thì mọi người chỉ đóng 2 đô thôi, và không có vé. Có du khách lo lắng hỏi nếu lỡ có người soát vé ở làng Inlay thì sao. Harry nói rằng không ai soát vé cả, họ chỉ thu tiền sau đó mặc du khách đi đâu thì đi. Vậy là thay vì trả 5 đô, mỗi người chúng tôi chỉ trả 2 đô.

Sau đó mọi người xuống tàu. Mỗi tàu để sẳn 5 ghế và có 5 aó phao trên ghế, có cả 5 cái dù để mọi người che nắng và che cho tránh bị nước bắn vào người khi có tàu đi ngược chiều. Nhưng thực sự không ai trong chúng tôi sử dụng dù cả. Lúc đầu, hồ trông giống như bất kì hồ nào ở Việt Nam. Sau đó khi đến khu vực ăn thông ra biển thì hồ trông giống như biển vậy. Điều đặc biệt nhất là ở đây có floating garden (người dân làm trang trại trồng rau ngay trên hồ). Khu vườn nay không cần tưới nước bởi vì rễ được gieo thẳng xuống hồ, người làm vườn chèo thuyền đi thăm vườn mỗi ngày và ngay trên nhà là ngôi nhà nhỏ dành cho những người làm vườn ở. Sau khoảng 1 tiếng rưỡi trên thuyền, chúng tôi đến nơi. Mọi người cùng nhau tìm khách sạn ở. Chúng tôi gồm 3 người: tôi, Aude và Stefan quyết định cùng nhau ở trong một phòng giá $19 tại Nhà nghỉ Min La Bar.
Chúng tôi đi qua hồ Inlay bằng chiếc tàu này

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

Tôi đi Myanmar – Kỳ 4: Bagan (tt)

Kỳ trước: Tôi đi Myanmar – Kỳ 4: Bagan  

Bagan – Thành phố cổ tích của những ngôi chùa

Bagan gồm có 3 khu: Nyaung U, Old Bagan và New Bagan. Thường khách du lịch ba lô chọn khu Nyaung U để ở bởi vì ở đây mọi thứ đều rẻ hơn nếu so với 2 khu còn lại. Ngoài ra khu Nyaung U rất gần bến tàu và bến xe vì thế cho dù khách du lịch chọn đến Bagan bằng tàu hay xe thì họ đều đến khu Nyaung U trước.

Ở đây giá phòng đơn khoảng $4-5 và giá phòng đôi khoảng $8-10. Du khách có thể chọn thuê xe đạp hoặc xe ngựa để đi tham quan các ngôi chùa cổ (ở đây chùa, đền, tháp đều được gọi chung là Paya.) Giá thuê xe đạp là khoảng $1/ngày. Từ khu Nyaung U đi xe đạp đến Old Bagan khoảng 45 phút. Điều khá ngạc nhiên là ở đây có chùa Mahabodhi, cả tên và kiến trúc đều rất giống chùa Mahabodhi ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn độ. Tại đây có một phụ nữ Myanmar rất thân thiện với mọi người, sẳn sàng mời các bạn nữ bôi thử thanakha (kem chống nắng và dưỡng da làm từ thân cây thanakha – đặc sản của các cô gái Myanmar). Sau đó mời bạn mặc thử longi rồi chụp hình. Nếu thích thì bạn có thể mua 1 ít thanakha và 1 cái longi. 
Chị bán hàng đang mài thanakak để chuẩn bị bôi lên mặt cho tôi
Chị ta quấn cho tôi một chiếc longi
Một người Myanmar made in Vietnam nhé
 
Bagan quả thật là một thành phố của những ngôi chùa bởi vì cho dù bạn đi đâu, loanh quanh thế nào thì bạn cũng ở trước hoặc sau, hoặc bên cạnh một paya cũ hay mới. Nghe nói ở đây có tổng cộng 4,000 paya lớn nhỏ. Và hình như người dân vẫn thấy con số 4,000 là chưa đủ nên họ vẫn tiếp tục xây dựng thêm những paya mới, có một số paya được người nước ngoài tài trợ vì thế bạn có thể thấy tên của họ ngay trước paya. Một số paya bạn có thể leo lên đỉnh để chụp hình. Một khi đã lên đến đỉnh của một paya thì phong cảnh thật tuyệt vời. Vì thế những khách du lịch hay nói đuà với nhau: Ở Bagan không hề có thợ chụp hình tồi, bởi vì chỉ cần bạn nhắm mắt lại, giơ máy lên, click một cái là có ngay một tấm hình đẹp. Theo tôi, thì ở Bagan không những không thể có thợ chụp hình tồi mà còn không thể có người xấu, bởi vì một khi background của một tấm hình quá đẹp thì ai cũng trở thành người mẫu mà không cần phải diễn xuất. 
Quá nên thơ phải không các bạn!
Tôi ghét những sợi dây điện này quá! Chúng phá hủy đi nét cổ tích của những đền đài nên đây.
Tôi thích đất nước đầy những paya này quá đi thôi
Ở Bagan những tượng Phật như thế này được trông thấy ở khắp nơi
Myanmar vẫn là một quốc gia xanh ngát
Phong cảnh quá quyến rũ!
Bagan là một nơi không bịch nylon
Cổng vào một ngôi chùa
Tượng Phật ở chùa Ananda
 
Các ngôi chùa ở Bagan nổi bật với Wall paintings. Những bức hoạ trên tường thật rực rỡ và đẹp mắt kể về cuộc đời hoặc những câu chuyện liên quan đến Đức Phật. Tôi tưởng tượng khi còn ở tình trạng nguyên thủy chắc hẳn một paya ở Myanmar rất rực rỡ và đẹp mắt bởi những bức hoạ trên tường này. Hiện nay rất nhiều bức hoạ bị người ta nạy ra để đánh cắp (nghe nói rất nhiều trong số đó là những du khách người Đức) vì thế rất nhiều mảng tường trông rất loang lổ dù nhìn vẫn rất đẹp. Một điều đặc biệt nữa ở Bagan là những paya nằm trong top 5 lại có khi không đẹp bằng những paya không được liệt kê trong sách. Tôi nghĩ điều này cũng hay bởi vì nhờ thế những paya này mới giữ được nguyên trạng và khá yên tĩnh bởi vì chỉ có những du khách tự đi khám phá tìm tòi thì mới phát hiện, những du khách đi trên những chiếc xe buýt lớn và đi theo tour chẳng bao giờ biết đến những nơi này. Suốt 3 ngày ở Bagan, tôi và một người bạn ở Bỉ cứ đạp xe đi xem những paya và chúng tôi luôn bị bất ngờ bởi nhiều paya đẹp đến lặng người để ngắm và điều đặc biệt nhất là những paya lại khá yên tĩnh bởi vì ít có du khách phát hiện ra chúng. 
Hoa văn được khắc trên trần
Tranh vẽ trên tường
Tranh vẽ cùng bàn chân Phật được khắc vào trần
Hình vẽ các Đức Phật –một trong những hình vẽ hiếm hoi còn sót lại nguyên vẹn
Bất kỳ du khách nào khi đến Bagan cũng được chào mời đặc sản nơi đây – đó là tranh cát. Các nghệ nhân sử dụng cát ở bờ sông gần đó, trải ra giấy vải cotton, tráng và nén, sau đó vẽ tranh lên, rồi tô màu, thế là một bức tranh cát ra đời. Có người sử dụng vàng pha loãng ra rồi dùng để tô màu cho bức tranh, vì vậy bức tranh có màu sắc khá lạ và óng ánh vàng. Một bức tranh như vậy giá khoảng $15-25 đô. Nội dung các bức tranh nói về văn hoá, con người Myanmar, hoặc kể về cuộc đời Đức Phật. Thường gặp nhất là những bức tranh vẽ vị Phật tương lai, tranh vẽ bàn chân Phật với 108 câu chuyện trên đó, trên về lịch của người Myanmar (ở đây người dân tin rằng mỗi ngày trong tuần đều tương ứng với một con vật, ví dụ ai sinh vào thứ hai thì tương ứng với con hổ và mỗi ngày họ đều đến chùa và cầu nguyện trước đền thờ có hình con hổ). Do những bức tranh họ copy từ những ngôi chuà nên thường chúng trông khá giống nhau. Vì thế nếu bạn muốn mua thì khoan mua ngay, hãy đi lòng vòng các ngôi chùa dọ giá trước sau đó hãy quyết định. Người bạn Bỉ của tôi đã mua hớ giá 2 bức tranh về bàn chân Phật và vị Phật tương lai bởi vì đã mua ngay tại ngôi chùa đầu tiên mà chúng tôi ghé thăm. Sau một hai ngày đi rảo khắp các ngôi chùa, chúng tôi phát hiện ra giá thật sự rẻ hơn rất nhiều và bạn sẽ luôn bị bao vây bởi đội quân bán tranh cát cho dù bạn đang ở những ngôi chuà hẻo lánh ít khách vãng lai hay những nơi đầy du khách. Đầu tiên một người Myanmar sẽ thân thiện tiếp cận bạn, hỏi thăm vài câu và sau đó rất lịch sự và nhẹ nhàng đề nghị bạn đừng nổi giận khi anh ta bày tranh của mình ra với giá rất rẻ dành cho bạn, và bạn chỉ cần mua một bức thôi. Một hai ngày đầu tiên, chúng tôi còn lịch sự xem tranh, sau đó oải quá nên từ chối ngay khi được đề nghị bởi vì ở đây một du khách có thể được chào mời bởi 100 người bán tranh cát bao gồm cả người lớn, trẻ em và người già. Chúng tôi chỉ ngạc nhiên là tại sao họ không mang tranh đến những thành phố khác để bán, như vậy họ sẽ có nhiều khách hơn. Họ trả lời rằng chính phủ không cho phép làm thế??? Một số người nài nỉ chúng tôi mua tranh ở những paya nhỏ bởi vì họ không được phép bày bán ở những paya lớn nơi thường xuyên có du khách ghé thăm. Lý do là họ không có license do chính phủ cấp và một license có giá khoảng $40, một số tiền không nhỏ đối với người dân ở đây.
Cảnh tráng cát lên giấy
Nghệ sĩ đang vẽ tranh cát
Một bức tranh cát đã hoàn tất
Trang cát vẽ bàn chân Phật

Dù bị quay quanh bởi đội quân bán tranh cát, chúng tôi vẫn không bị làm cho nản lòng và thối chí bởi vì vẻ đẹp của thành phố này quả là có một không hai. Đặc biệt là khi leo lên một paya và ngắm hoàng hôn, bạn sẽ có cảm giác chẳng khác nào đang ở xứ sở thần tiên. Vì thế chỉ ở đây 3 ngày nhưng tôi đã chụp khoảng 1,000 tấm hình và người bạn Bỉ của tôi cũng vậy. Câu mà chúng tôi hay nói với nhau là: “đẹp quá!” hoặc “không thể tin nổi!”

Với Bagan thì Myanmar quả không hổ danh là quốc gia đẹp nhất Đông Nam Á các bạn ạ!
Hoàng hôn trên xứ sở cổ tích
Hoàng hôn trên xứ sở cổ tích