Kỳ trước: Tôi đi Trung Quốc (3): Guilin (Quế Lâm)
Xe buýt đi Yangshuo ở ngay bên kia đường trước cổng ga xe lửa. Nếu chúng tôi đi thẳng một lèo đến Yangshuo thì chẳng có gì để bàn ở đây cả. Dân đi bụi mà, chẳng thích đi đứng đơn giản như thế (cái gì cũng bỏ tiền ra mua thì đơn giản rồi). Chúng tôi mỗi người trả 15 NDT để đi đến Yangdi. Xe vừa chạy vừa đón khách nên khoảng 1 tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới đến nơi. Khi đến ngã ba để đi vào Yangdi, chúng tôi được gọi xuống xe và mọi người cùng nhau băng qua đường để đi vào con lộ khác. Tôi và anh chàng Louis người Venezuela hăm hở đi trước và khi quay lại thì chẳng thấy anh chàng Trung Quốc đâu. Tôi đoán là anh chàng quên đồ trên xe buýt nên thuê xe Honda ôm chạy theo để lấy chăng? Anh chàng Louis lại chẳng tin. Chúng tôi vào quán bên đường ăn mì (3NDT) và chờ khoảng ½ tiếng. Chẳng thấy anh ta quay lại nên chúng tôi đón minibus để đi ra bến sông (3NDT). Khi đến bến sông chúng tôi thuê thuyền tre (50 NDT/người) để đi Xinping. Sông Lệ giang (Lijiang) phong cảnh khá hữu tình và khá đẹp. Chúng tôi dừng lại ở núi Cửu Mã để chụp hình. Có khá nhiều thuyền tre chở khách du lịch (90% là khách du lịch Trung quốc) qua lại trên sông. Khá lạnh đấy nhé! Nhưng chúng tôi cũng tranh thủ chụp hình sông Lệ Giang vào mùa đông. Nước, núi và cây cối quyện vào nhau tuyệt đẹp.
Louis đưa cho người lái thuyền tờ 20 NDT và chỉ vào phong cảnh phía sau tờ giấy này, ý muốn nói rằng chúng tôi muốn dừng ở đây để chụp hình bởi vì nghe nói đoạn sông này là đoạn sông đẹp nhất của Lệ Giang. Bác lái tàu gật đầu lia lịa (chắc khách du lịch nào cũng muốn đến đây). Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến nơi trên tờ 20NDT. Tôi thấy cũng chẳng đẹp lắm (chắc hình trên tờ tiền chụp từ trên máy bay nên trông khác với cảnh chụp từ mặt đất).
Thì ra nơi đây cũng là bến dừng chân. Mọi khách đều lên bờ ở đây để đi xe trung chuyển về trung tâm Xinping. Tôi và Louis đi bộ, cũng chẳng xa mấy, vừa đi vừa ngắm cảnh và quan sát cuộc sống người dân mà.
Cuối cùng chúng tôi đến Xinping vào khoảng 5h chiều. Đi dạo một vòng thành phố cổ này và chụp hình, chúng tôi trông thấy biểu tượng của yha, China nên ghé vào hỏi thăm thì được biết từ Xinping đến Yangshuo khoảng 25 cây số. Quá trễ nên chúng tôi nhận phòng dorm tại đây nghỉ ngơi một đêm (cũng là giá 25 NDT cho thành viên).
Xinping ban đêm hầu như chẳng có gì cả. Chúng tôi đi tìm quán ăn địa phương, cũng khá vất vả bởi vì toàn là quán ăn dành cho khách du lịch không hà (thực đơn có ghi tiếng Anh thì dĩ nhiên là thực đơn khách du lịch rồi và giá cả cũng cho khách du lịch luôn, từ 10 NDT trở lên/món). Cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra quán cho người địa phương. Chúng tôi bước vào hỏi giá một nhóm thanh niên Trung Quốc đang xì xụp ăn thì họ cho biết giá mì xào hoặc cơm chiên là 5 NDT, giá soup là 3.5 NDT. Tôi ăn cơm chiên. Louis ăn một tô soup và một dĩa mì xào. Thì ra nhóm thanh niên này là sinh viên kiến trúc đang đi vẽ thực tế tại đây. Đoàn của họ gồm 100 sinh viên và 3 giáo viên. Họ đang ở ký túc xá ngay bên kia đường, giá dorm là 14 NDT/ đêm nhưng họ bảo phòng khá tệ (chắc họ toàn là con cưng không đây). Cùng bàn với chúng tôi có thêm một người phụ nữ Úc. Bà ta ở Trung Quốc 8 năm rồi. Ở Yangshuo dạy tiếng Anh 3 năm và ở Xinping 1 năm. Bà ta có phòng trưng bày tranh ở đây và bà ta nói khá nhiều về phòng tranh của mình.
Ăn xong, chúng tôi đi bộ về hostel, vào mạng đọc thông tin và chat. Cùng dorm với tôi có anh chàng người Mỹ. Anh ta đúng là dân đi bụi thứ thiệt. Hành lý chỉ 7-8 kg thôi, có cả đệm hơi, túi ngủ. Anh ta đã đi Tây Tạng và Nepal ngay mùa đông.
Sáng hôm sau, chúng tôi khởi hành lúc 10h, vào nhà hàng tối hôm qua ăn mỗi người một phần rưỡi (lấy sức đi bộ mà). Sau đó hỏi đường đi Yangshuo. Mọi người chỉ chúng tôi đi ra đường lộ. Đi một hồi không thấy sông Lệ ở đâu, tôi nói với Louis rằng chắc đây không phải là đường chúng tôi muốn đi rồi, chúng tôi muốn đi dọc bờ sông Lệ để đến Yangshuo mà. Thế là chúng tôi đi một lúc nữa thì thấy một con lộ tẻ về hướng sông. Chúng tôi hỏi người dân thì được biết rằng nếu đi theo đường đó thì có thể đến sông nhưng phải leo qua 2-3 quả núi (dĩ nhiên là có đường lộ hoặc đường mòn để đi rồi). Thế là chúng tôi đi.
Đường đi xa hơn dự kiến nhưng chúng tôi được đi vào các khu làng trồng cam của người dân. Cứ mỗi khi đến ngã ba hoặc ngã tư (dĩ nhiên là không biết đi hướng nào), chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi và chờ để hỏi người dân. Chúng tôi chỉ nói: Lijiang, một số người hiểu ngay và chỉ đường. Một số người không hiểu nên lắc đầu. Có người sau khi chỉ đường và làm một vài cử chỉ gì đó. Louis nói rằng họ bảo chúng tôi bị điên khi đi bộ từ đó đến sông bởi vì đường đi khá xa. Chúng tôi vừa đi vừa cười và nói rằng có thể đó là lý do mà một số người không hiểu bởi vì họ chẳng thể nào hình dung ra được là chúng tôi có thể đi bộ đến bờ sông. Bù lại, chúng tôi có thời gian khá vui và chụp hình khu vực dân cư sống xung quanh núi.
Khi chúng tôi vào một ngôi làng, có một ngôi nhà gỗ trông rất mới và hai bên tường cũng như khắp cửa có dán chữ song hỉ cắt theo hình hai quả tim. Tôi nói với Louis rằng có thể đó là nhà của cặp vợ chồng mới cưới và những hình dán này có ý nói: Cấm làm phiền vào sáng sớm nhé!!!!! Cũng trong ngôi làng này, có một bé gái Trung Quốc cứ đi theo chúng tôi mãi, tôi lấy kẹo ra cho. Bé gái cứ chỉ vào Louis. Cuối cùng chúng tôi hiểu ra. Thì ra cô bé thấy mái tóc xoăn của Louis khá ngộ nên muốn sờ vào. Louis cười hề hề và cúi đầu xuống cho cô bé sờ.
Càng đến gần bờ sông thì số người hiểu chúng tôi càng tăng. Có thể do càng ít điên khi đi bộ từ đây đến sông chăng? Cuối cùng chúng tôi cũng đến sông. Lúc đó khoảng hơn 2h chiều. Chúng tôi phải băng qua bên kia sông để đi bộ bởi vì bờ bên đây toàn là đá lởm chởm. May là có một chiếc thuyền tre vừa vận chuyển một con bò qua sông. Họ vận chuyển như sau. Chú bò thì lội dưới nước cạnh thuyền. Người chủ bò thì cầm dây cương ngồi trên thuyền để giữ cho bò không bị chìm ở khúc sông sâu. Trong khá buồn cười và khá tội nghiệp con bò bởi vì nước sông khá lạnh và bị dở hểnh mũi lên khỏi mặt nước.
Bò ta không khoái lắm nên khi lên được đến bờ là quậy um lên. Tôi và Louis nhảy lên thuyền và nhờ chở qua bên sông. Chúng tôi trả 5NDT cho hai người.
Qua được bờ bên kia, chúng tôi đi bộ dọc bờ sông, vừa đi vừa ngắm mấy chú vịt đang bơi lội. Tôi nghĩ đây không phải vịt trời, có người nuôi bởi vì thỉnh thoảng chúng tôi thấy thức ăn vịt ở trên bờ (bắp khô). Tuy nhiên bên bờ này, đường đi cũng không dễ. Chúng tôi thỉnh thoảng phải leo trèo như khỉ để qua các đoạn sông không có lối đi. Nếu không thì đi lên trên núi băng qua các khu ruộng bậc thang (mùa này chẳng có lúa nên không chụp được hình đẹp. Tiếc quá!) Tuy nhiên cách đi này cũng không ổn bởi vì mấy con trâu ở đây nhìn chúng tôi chẳng thiện cảm chút nào. Khi thấy chúng tôi, bọn chúng dừng ăn và trong trạng thái căng thẳng chờ đợi sẳn sàng nghênh chiến. Thấy ghê quá! Ở đây đường ruộng gập ghềnh nên chắc chắc tụi trâu này chạy nhanh hơn chúng tôi rồi. Vậy là mỗi khi gặp trâu, chúng tôi phải băng xuống núi, đi dọc bờ sông để tránh, sau đó thì leo trở lên.
Đến khoảng 4h chiều thì chúng tôi vừa mệt vừa đói và không biết còn bao xa nữa thì đến Yangshuo và cũng chẳng biết mình đang ở đoạn nào bởi vì có biết tiếng nói đâu mà hỏi. Chúng tôi chỉ biết nói: Yangshuo và người dân lấy tay chỉ về phía trước thôi. Chúng tôi lại hỏi đường và người dân chỉ lên bờ và nói: công lu (lộ công). Louis nói chúng tôi nên đi đường lộ cho nhanh bởi vì đi kiểu này thì lâu quá. Thế là chúng tôi lên lộ để đi. Lộ cũng nằm dọc theo mé sông và chúng tôi bắt đầu đi từ điểm khởi đầu của con lộ luôn. Lại cũng vừa đi vừa hỏi thăm đường mỗi khi đến ngã ba. Cuối cùng Louis đói quá nên nói tôi tìm quán ăn. Chúng tôi chẳng thấy quán ăn hay nhà hàng nào cả nên cuối cùng tôi dừng lại hỏi đại một chị đang đứng trong sân nhà. Ý tôi là muốn hỏi nơi nào có nhà hàng. Tôi nói: Wo mẻn dao thư phan (Chúng tôi muốn ăn). Chị ta hỏi: lèng cơ rẻn? (hai người ah?) chúng tôi gật đầu. Vượt quá sự mong đợi của chúng tôi. Chị ta mời chúng tôi vào nhà và nhanh chóng bới cơm nguội ra khỏi nồi, đổ vào hai lon gạo và nấu. Chúng tôi chưng hửng bởi vì đó chỉ là nhà dân, có phải nhà hàng đâu. Chị ta chỉ ghế mời chúng tôi ngồi và chạy ra vườn hái rau. Tôi nói với Louis chắc chị ta thấy mình mệt quá nên nấu cơm cho ăn luôn. Chúng tôi ngồi chờ. Chị ta xào xào nấu nấu gì đó trong bếp và chỉ bịch khế trên bàn mời chúng tôi ăn. Khế quả thật là rất ngọt!!
Cuối cùng chị ta bưng lên một dĩa đầy đậu hủ non kho và một nồi canh rau nấu thịt heo. Chị ta chỉ vào nồi cơm và ra dấu chúng tôi bới ăn. Sau đó chị ta ra ngoài cho chúng tôi được tự nhiên. Lần đầu tiên ở Trung Quốc chúng tôi được ăn nhiều thịt heo đến thế. Thịt heo ăn khá ngon, ngay cả mỡ heo cắn vào cũng khá giòn. Quả thật là ngon!!! Chúng tôi làm một phát nửa đĩa đậu hủ và sạch sành sanh nồi canh. Chị ta bước vào hỏi chúng tôi muốn thêm canh không. Chúng tôi lắc đầu bảo ăn no quá rồi. Tôi nói Louis: không biết mình nên trả bao nhiêu tiền đây. Louis nói: bao nhiêu cũng trả bởi vì ngon quá. Cuối cùng chị ta ra dấu cho chúng tôi trả 40 NDT. Mỗi người 20 NDT (65.000 VND), cũng đáng bởi vì khá nhiều thịt. Sau đó tôi lấy bánh chocolate ra phát cho 3 đứa con chị ta mỗi người 1 cái và xin một quả khế để mang theo. Chi ta tặng luôn cho tôi cả bịch khế và chỉ vào chiếc mô tô trước sân hỏi chúng tôi có muốn đi không. Chúng tôi nói: bủ dao (không cần) và chỉ vào đôi chân ý nói rằng chúng tôi muốn đi bộ.
Lại lên đường và vừa đi vừa hỏi thăm. Khi chúng tôi nói Yangshuo, một người làm dấu chữ thập bằng cách chéo 2 ngón tay (10 cây), một người nói 18 cây và một người nói 8 cây. Hehehe, tóm lại chúng tôi chẳng biết bao nhiêu cây số nữa thì đến Yangshou. Lúc đó khoảng 5h30 chiều rồi và chúng tôi cứ đi, một bên là rừng núi và một bên là sông. Đi một hồi thấy một chiếc xe du lịch đậu lại và người trên xe bước xuống, chúng tôi lại hỏi. Lần này câu trả lời là 8 cây. Vui quá!! Lúc đó khoảng 6h kém 15. Trời bắt đầu tối dần. Tôi nói có trăng nên chắc không tối lắm. Louis nói nếu vậy thì ok bởi vì chẳng đứa nào có đèn pin cả. Chúng tôi đi mãi đi mãi đi mãi, cứ đến ngã ba là dừng lại hỏi thăm đường. Đường tối, chúng tôi chờ những chiếc mô tô chạy ngang qua, vẫy tay cho họ dừng lại để hỏi đường. Người dân rất dễ thương khi chúng tôi vẫy tay là họ dừng ngay và rất sốt sắng chỉ đường.
Chúng tôi lại đi, một bên núi đen sẫm, một bên sông Lệ trắng nhờ nhờ. Tôi vừa đi vừa sợ cướp, vừa sợ ma nên cứ bám sát gót Louis chẳng dám rời. Cũng may anh chàng này cũng nhỏ con, bước chân không quá lớn nên chúng tôi có thể đi cùng tốc độ, nếu không chắc tôi phải chạy theo suốt.
Cuối cùng chúng tôi đến một căn nhà, người dân đang ăn cơm, tự dưng tôi nhớ ra hỏi còn bao nhiêu cây số nữa bằng tiếng Hoa. Tôi bước vào hỏi: Yangshuo, tua xào công lị. Họ nói: Yangshou, hải dầu san công lị (còn 3 cây nữa đến Yangshou). Tôi và Louis reo lên mừng rỡ. Chúng tôi đi một lúc thì đến đường lộ tráng xi măng khá đẹp. Tôi nói với Louis: vậy là vào khu du lịch rồi nhé, đường này là do tiền của du khách đấy. Lúc bắt đầu đường tráng xi măng là 6h45 tối. Chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi và chụp hình lưu niệm là mình đã đi bộ được đến Yangshou.
Tưởng đã đến nơi nhưng không ngờ chúng tôi phải đi bộ thêm khoảng 45 phút nữa thì mới vào trung tâm. Từ đây chúng tôi dừng lại ngắm cảnh phố xá và thư giãn và quyết định nơi ngủ. Chúng tôi biết ở đây có dorm của yha china nhưng không nhớ địa chỉ (thật ra tôi có đem theo namecard của nơi này nhưng mệt quá nên chẳng nhớ để ở đâu). Tôi lấy sách Lonely Planet ra xem thì thấy dorm của Bamboo House Inn cũng có giá 25 NDT. Chúng tôi đi tìm và tình cờ thấy ngay cạnh đường West Street (đường West Street này cũng giống như Khaosan Road của Bangkok, Thái Lan) là đường Guihua và Bamboo House Inn nằm ngay tại đây. Chúng tôi bước vào hỏi giá thì đúng là 25 NDT cho dorm và có wifi. Dorm ở đây chỉ có 3 giường và có cả toilet bên trong, trông giống như triple room (phòng cho 3 người) hơn là dorm. Trong phòng có máy điều hòa nóng/lạnh, tivi, bình nấu nước nóng. Nhà tắm có nước nóng/lạnh, có bàn chải và kem đánh răng, có dầu gội và sữa tắm. Thấy quá ok, chúng tôi đồng ý ở. Mỗi người phải đóng 25 NDT cho tiền phòng và 25 NDT tiền thế chân.
Bạn viết thật là hấp dẫn và sinh động lắm, cố lên nhé !!!
Trả lờiXóaSông ở Quê lâm là sông Ly giang bạn ơi, ko phải sông Lệ giang
Trả lờiXóa