CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Sukhothai - Cố đô của Thái Lan

Ở Chiang Mai đến 10 ngày mà tôi vẫn không biết bến xe ở đâu để mua vé đi về Sukhothai. Vì thế tôi phải đặt vé qua JoJo (hướng dẫn du lịch ở nhà nghỉ Chada’s House). Tôi trả cho JoJo 350b cho vé xe đi về Sukhothai và được chở ra bến xe miễn phí. Bến xe cách nhà nghỉ Chada’s House khoảng 1.2 cây số. Khi đến bến xe, tôi thấy JoJo vào mua vé và tôi thấy giá vé ghi trên cửa sổ phòng vé là 218b. Tuy nhiên JoJo có dặn dò tài xế xe cho tôi xuống ngay trước cổng công viên (Historical Park) tại Thành Phố Cổ  - Old City thay vì phải đi thẳng đến bến xe Sukhothai ở Thành Phố Mới – New City (cách Phố cổ 12km). Ở Thành phố Cổ, giá phòng không hề rẻ chút nào, chắc do nhiều khách du lịch chọn ở tại đây để tiện việc tham quan công viên lịch sử chăng? Ở đây nhà nghỉ rẻ nhất có giá phòng rẻ nhất là 150b, nhà tắm bên ngoài, phòng thì nhỏ xiú, chẳng hề thoải mái tí nào. Tôi không muốn ở tại đây nên quyết định gửi ba lô lại nơi tiếp tân, ra ngoài thuê xe đạp (30b, tương đương một đô la Mỹ) chạy lòng vòng vừa tham quan vừa tìm nhà trọ khác, vừa rẻ vừa thoải mái. Không biết đi đâu để tìm nên tôi quyết định mua vé vào công viên tham quan luôn. Thật là một quyết định dại dột bởi vì lúc đó đã gần cuối ngày rồi, nếu tôi đợi đến sáng hôm sau thì sẽ có nguyên cả ngày trong công viên.

Ở công viên lịch sử này (Historical Park), vé vào cổng cho người là 300b và vé cổng cho xe đạp là 10b. Buồn cười nhỉ, xe đạp cũng phải mua vé cổng nhưng xe đạp làm gì có tiền, vì thế người cưỡi xe phải “ma rốc” thôi. Các bạn biết mình sẽ xem gì trong Historical Park không? Đó là các pho tượng cổ bằng đá và gạch trong các ngôi chùa được xây bằng gạch đỏ và đá tổ ong. Tôi mua vé vào cổng lúc 4h chiều nhưng đến gần 5h chiều thì đã đi gần hết công viên rồi. Thật sự nếu không mua vé cổng, chỉ đứng bên ngoài nhìn thôi thì các bạn cũng đã thấy hết được bên trong công viên. Chỉ có điều nếu đứng bên ngoài thì không thể leo lên trên các toà tháp để chụp hình và không thể chụp hình tượng Phật ở bên trong các ngôi chùa cổ này.

Đến gần 5 giờ chiều, tôi chạy xe đạp ra ngoài để đi tìm nhà nghỉ. Lúc đó khi hỏi thăm đường một người địa phương thì tôi được họ chỉ cho một nhà nghỉ dành cho người Thái ở (thường là sinh viên Thái chuyên ngành khảo cổ hoặc lịch sử mỗi cuối năm đến ở vài ba tháng để nghiên cứu về lịch sử Thái Lan – Sukhothai là cố đô của Thái Lan mà) nên ngoài cổng chỉ ghi toàn tiếng Thái, người nước ngoài dĩ nhiên là không đọc được rồi. Nếu không có người địa phương nhiệt tình hướng dẫn thì tôi chẳng thể nào tìm ra nhà nghỉ này. Đó là nhà nghỉ của chị Jeab, số điện thoaị là 089 – 2694635 (di động); 055-633511 (điện thoại nhà). Chị chủ nhà này khá là dễ thương và thân thiện. Bố của chị là người làm vườn. Vì thế nhà nghỉ này thật sự là một nơi rất dễ chịu để ở bởi vì nó nằm ngay trong khuôn viên một khu vườn lan, không khí trong lành, có tiếng chim ríu rít vào buổi sáng và tiếng muỗi vo ve vào buổi chiều (nếu muốn ngồi ngắm cảnh đêm trên băng ghế trước cửa phòng thì đừng quên mang theo nhang muỗi nhé và cũng đừng quên luôn đóng cửa phòng khi vào hoặc ra nếu không muốn “ngủ chung với muỗi” nghen bạn.) Chị chủ này đã ly dị chồng và đang ở cùng bố mẹ và con trai khoảng 10 tuổi. Họ thật là một gia đình dễ thương. Khi tôi ngỏ ý muốn ăn một buổi cơm chiều của người Thái. Chị chủ nhà rất vui vẻ và đồng ý nấu cho tôi ăn. Hôm đó tôi đi chơi về trễ, thật tội chị cứ ngóng chờ mãi và đành phải cùng gia đình ăn cơm trước, dĩ nhiên là sau khi đã chừa phần cơm cho tôi.

Ở đây sinh viên thường thuê với giá 1.700b/tháng. Nếu khách du lịch chỉ ở vài đêm thì họ trả 250b/phòng/2 người, 200b/phòng/1 người. Do lúc đó không phải là muà cao điểm nên tôi chỉ trả 350b/2 đêm/người. Chị chủ nhà vừa mua một chiếc xe đạp mới cho cậu con trai, vì thế họ đã cho tôi mượn chiếc xe đạp cũ (tuy thế chạy cũng khá tốt). Ở đây tôi còn được uống nước nấu miễn phí và có thể giặt đồ và phơi đồ khá thoải mái. Ngoài ra tôi còn có thể mượn tô chén để nấu mì hoặc để ăn những món mình mua về nữa. Theo tôi, nhà nghỉ này thật sự giống như homestay vậy đó.

Sáng hôm sau, tôi lấy xe đạp đi xung quanh để ngắm cảnh thì thật bất ngờ là tôi gặp lại Ted (người bạn Hàn quốc ở cùng dorm ở nhà nghỉ Chada’s House ở Chiang Mai). Thế là chúng tôi được dịp “tám.” Khoảng giữa trưa thì Ted phải về lại New City (Thành phố Mới –nhà nghỉ của Ted ở đây) để trả xe đạp. Tôi tìm điểm internet để vào kiểm tra email. Ở các quán cà phê dành cho khách du lịch, vào net 1b/phút. Tôi đi ra khu dân cư, ở cạnh cửa hàng Seven Eleven (7-11) có một con hẻm nhỏ, ở đó có tiệm net dành cho người địa phương với giá 20b/giờ. Tiệm này không xa khu du lịch lắm, từ khu du lịch chỉ cần đi thêm khoảng 300 mét, thấy cửa hàng Seven-Eleven, quẹo vào là thấy ngay.

Tối hôm đó tôi ngỏ ý với chị Jeab là muốn đi Bangkok vào sáng hôm sau, lúc đó đã gần 10 đêm nhưng Jeab và chị của mình vẫn lấy xe gắn máy chở tôi ra quầy vé để mua. Giá vé về Bangkok là 376b.


Sáng hôm sau khi tôi chuẩn bị đi Bangkok, chị chủ nhà mua cho tôi ăn thử đồ ăn sáng của người Thái – đó là món khắc nủm thuay (gói trong lá dừa, có màu trắng và ăn hơi ngọt) và khao nẹo sẳng khai dã (cũng gói trong lá dừa, gồm có cơm và trứng nhưng trông rất giống đậu xanh xay nhuyễn.) Sau đó chị Jeab còn nhờ bố mình chở tôi ra bến xe gần đó để tôi khỏi phải vác ba lô đi bộ. Thật là một gia đình và những con người hiếu khách các bạn nhỉ!!!

Xe đi Bangkok khởi hành ở Old City lúc 8h20 sáng. Khi đến bến xe Sukhothai ở New City, xe dừng lại khoảng nửa tiếng. Sau đó xe chạy thẳng đến 12h thì dừng lại ăn trưa. Phiếu ăn trưa đính kèm theo vé nhưng chỉ được chọn một món, nếu món ăn thêm phải trả thêm tiền. Ví dụ tôi chọn thêm món rau xào và chỉ trả 5b.

Sau đó xe chạy đến khoảng 4h thì đến bến xe Mochit ở Bangkok. Ở Mochit, bến xe buýt nằm ngay phía sau cửa hàng Seven-Eleven. Từ đó có thể đón xe để đi về các khu trung tâm trong thành phố Bangkok.

Bắc Thái

Kỳ trước: Tôi đi Lào (11): Pakbeng - Đường về biên giới Lào - Thái

Chiang Rai

Ở Chiang Kong, giá xe đi Chiang Rai là 60 Thái Baht/người.  Khi đến nơi, chúng tôi “được” đón tiếp bởi một đội quân tiếp thị khách sạn ngay tại bến xe. Lúc đầu, chúng tôi dự định ở tại Khách sạn Gold Triangle nhưng ở đây giá phòng mắc quá (700 Thái Baht/phòng 2 giường đơn). Thế là chúng tôi nhờ lái xe tuk tuk chở đến một nơi khác, rẻ hơn nhưng hơi xa khu du lịch một tí. Đó là Khách sạn Tana-Pat. Ở đây phòng đẹp, sạch sẽ, rộng rãi, có tivi, có thể tự giặt đồ, phòng có 2 cửa, cửa trước và cửa sau ăn thông ra sân phơi đồ, giá chỉ có 350 Thái Baht/ phòng 2 giường đơn. Chúng tôi ở đây khá thoải mái và hầu như không có khách du lịch, đa số là người Thái thuê phòng theo tháng.

Tối hôm đó, tôi một mình đi ra chợ đêm chơi. Trên đường đi ngang qua công viên nơi người dân đến để nhảy theo nhạc và có người hướng dẫn mỗi ngày. Sau này đi đến các tỉnh thành khác tôi mới biết hầu như ở Thái Lan, nơi đâu cũng có những công viên như vậy. Tôi nghe nói rằng do người dân Thái ăn nhiều mà ít vận động nên họ ngày càng béo phì vì thế chính phủ đề ra chương trình này để giảm béo cho dân chăng? Đặc biệt là ai cũng có thể tham gia vào những lớp nhảy này miễn phí hết. Chỉ cần chịu khó đến công viên là có thể tham gia, kể cả người nước ngoài (Ở Phnom Pênh, Cambuchia cũng có những lớp nhảy ngoài trời như thế này, nhưng phải đóng tiền đấy.)

Chợ đêm ở đây bán trái cây khá rẻ. Một kilô ổi không hạt chỉ có giá 30 Baht thôi và một kg me Thái giá 20b¸1 kg cam cũng 20b.

Đêm hôm sau là thứ bảy, vậy là tôi lại đi ra chợ đêm thứ bảy. Chợ đêm này khá lớn, tôi lội bộ rã cả giò mới tương đối đi khắp một lượt. Ở đây bán thức ăn, quần áo, đủ thứ, có cả ca muá nhạc do trẻ em mặc quần áo người dân tộc thiểu số biểu diễn. Người xem muốn bỏ bao nhiêu tiền vào thùng cũng được, tùy long hảo tâm. Đặc biệt ở ngay tại giữa chợ là một thanh niên Thái đứng làm tượng, ai muốn vẽ gì lên người cũng được, có người còn đến chỉnh sửa tư thế và vị trí tay chân của tượng theo ý mình. Ngay dưới chân bức tượng người thật này là một cái nón để mọi người sau khi vẽ thoả thích cho tiền vào nón, bao nhiêu cũng được.  Tại khu chợ này còn bán cả đồ sida của hãng Gap, Mỹ nữa chứ. Tôi cũng chọn mua một cái ao thun màu đỏ khá đẹp giá chỉ có 50b.

Chiang Mai

Sáng hôm sau mọi người dậy sớm (trước đó tôi đã tranh thủ ra chợ ăn món chuốt chap 25b rồi) và thuê xe tuk-tuk (25b/người) để ra bến xe Mới mua vé đi Chiang Mai. Giá vé xe đi từ Chiang Rai đến Chiang Mai là 132b. Đến bến xe Chiang Mai, chúng tôi thuê tuk tuk (25b/người) đến khu nhà nghỉ khách sạn dành cho khách du lịch. Đêm đầu tiên chúng tôi ở tại khách sạn Inter Inn (17 Thapae Soi 5) giá phòng 2 giường đơn là 250b. Phòng có nước nóng, có tivi nói tiếng Anh, nhưng giường gối không được sạch sẽ lắm. Xung quanh khu vực này có khá nhiều nhà trọ và nhà nghỉ giá tương đương mà lại sạch sẽ hơn nhiều.

Sáng hôm sau, chúng tôi dọn đến khách sạn Namkhong, ở đây người Israel ở rất đông. Giá phòng ở đây rất rẻ so với chất lượng phòng, chỉ có 250b/phòng 2 giường. Vì thế thường chỉ có khách đăng ký trekking tour (tour đi bộ qua rừng) tại đây mới có phòng để ở. May là Sima người gốc Israel, nói được tiếng Do Thái, chúng tôi mới có phòng để ở.

Ở đây internet có giá từ 10-15b/giờ. Tôi ra chợ Muang Mai chơi và mua một số món ăn với giá địa phương giá từ 10-20b. Ở đây có người dân tộc thiểu số ngồi tự may đồ và bán cho du khách. Trên đường về, tôi thấy quảng cáo về tour đi tàu trên sông để học hỏi về văn hoá Chiang Mai. Thấy khá thú vị nên tôi ra bờ sông quan sát thì thấy thực tế không giống như quảng cáo. Không có nhà sử học nào đi theo để giải thích hết, chỉ có một người chèo đò và du khách thôi (chẳng lẽ nhà sử học ở đây cũng là người chèo đò sao ta?). Giá tour cho 1 tiếng 30 phút là 250b, chẳng rẻ chút nào.

Ở khách sạn Namkhong được 2 đêm thì gia đình Tony quyết định đi về Bangkok (giá vé tàu lửa đi Bangkok là 600b giường nằm), sau đó đi miền Nam Thái Lan để tắm biển. Tôi còn nuối tiếc Chiang Mai, muốn ở lại lâu hơn. Vì thế chúng tôi chia tay nhau tại Chiang Mai.

Thế là tôi đi tìm chỗ ở mới. Đó là Nhà Nghỉ Chada’s House, Soi 3 Rachamankha Rd., ở đây giá giường cho dorm là 100b/đêm, trông khá sạch sẽ và có thể tắm giặt thoải mái. Tôi quyết định ở lại đây luôn.  Ở đây tôi quen với một du khách Hàn quốc tên là Ted. Anh ta chẳng nói chuyện với ai trong dorm này cả ngoại trừ với tôi (có thể do tôi cũng là người Châu Á giống anh ta chăng?)

Ở khu vựa này, giá thuê xe đạp là 50b/ngaỳ, xe máy từ 150b-300b/ngày tùy theo xe cũ mới, xe số hay tay ga, xăng tự đổ, nón bảo hiểm kèm theo.

Do ở đây mọi người lái xe bên trái, nên tôi chẳng dám tự mình lái xe, rủ Ted cùng đi, anh ta hào hứng tham gia. Thế là chúng tôi thuê một chiếc xe số 150b và lên đường.

Đầu tiên chúng tôi ghé làng Bosang, đặc sản nơi đây là quạt và dù được làm bằng giấy. Chúng tôi có thể quan sát từng công đoạn sản xuất tại xí nghiệp nơi đây. Sau đó, chúng tôi đi đến suối nước nóng Sankampaeng, vé cửa là 40b, với vé này chúng tôi chỉ có thể ngâm chân vào nước nóng, nếu ai muốn tắm thì phải mua thêm vé tắm nữa. Tại đây có bán hột gà sống trong những cái rổ đan bằng tre. Người dân mua hột gà và luộc trong các suối nước nóng.

Từ Sankampaeng ra, chúng tôi dự định đi tìm hang động Mae On, nhưng tìm mãi chẳng thấy mà chúng tôi lại đi vào một khu vô cùng yên tĩnh và trong lành trên một con đường xuyên qua rừng. Ở đây có cả nhà nghỉ, xung quanh là thác nước rì rầm. Trong đây còn có cả khu phát triển Teak Tok của chính phủ. Khu này cách trung tâm Chiang Mai khoảng 50 cây số. Tối đó, chúng tôi cùng ăn tối ở ngay cổng thành Chiang Mai.

Sáng hôm sau, tôi đi bộ ra khu vực xung quanh thì nghe tiếng trẻ con ê a đọc bài. Thì ra đó là một trường tiểu học. Tôi ghé vào nói chuyện với những giáo viên ở đây thì được biết có tổng cộng 26 giáo viên người nước ngoài đang giảng dạy tại đây. Họ đến từ Singapore, Philippines, Ý, Đức, Mỹ,… Tôi còn được một giáo viên người Thái tặng cho một phong bì do cô tự dán và một hộp đựng tăm có gương soi. Khi đi xuống sân để ra về, tôi gặp một giáo viên người Mỹ đang giảng dạy tại đây. Anh ta cho biết mỗi ngày chỉ dạy 4 giờ, từ thứ hai đến thứ sáu, lương tháng là 28.000b (tương đương 850 đô la Mỹ). Thời gian trống còn lại, anh ta ra dạy ở các trường tư.

Từ trường tiểu học ra, tôi đi đến đường Suthep. Ở trên đường này, có khá nhiều trường đại học và các dịch vụ kèm theo dành cho sinh viên. Sau đó, trên đường về thì tôi phát hiện ra một công viên trong lành và mát mẻ - đó là công viên Nong Buak Haad. Thường cuối tuần người dân hay đến công viên này để picnic và cho chim bồ câu ăn. Ở đây còn có một người nước ngoài hay đến ngày hai buổi cho đội quân mèo hơn chục con ăn mỗi ngày. Ông ta cho biết đã ở Thái Lan gần 10 năm rồi và ngày nào cũng vào ra công viên này hai lần để chơi và cho mèo ăn. Thật là một thói quen kỳ lạ!

(Ah quên, ở Thái Lan, đi toa lét công cộng luôn phải đóng tiền; muốn đi miễn phí thì các bạn hãy vào các bệnh viện, trường học, chùa hay cây xăng để đi ké nhé. Toa lét ở nơi tham quan nổi tiếng ở Chiang Mai – chùa Prangh – sạch sẽ đến không ngờ, do luôn có những người thiện nguyện lau dọn suốt – bạn có thể cho tiền vào thùng công đức nếu muốn)

Khi đã quen với việc lái xe bên trái, tôi bắt đầu thuê xe gắn máy và tự đi ngắm cảnh. Đầu tiên tôi lên chùa Doi Suthep, ở đây người Thái miễn phí, người nước ngoài 30b (do tôi quá giống người Thái nên chẳng có ai chạy theo tôi để đòi tiền vé và chỉ chỗ vào mua vé cả). Chùa này cũng được gọi là chùa 300 bậc thang (tôi chưa bao giờ đếm nhưng nghĩ chắc có khoảng 300 bậc thang xung quanh chùa naỳ quá) Thật sự tôi thấy ngôi chùa này không có gì nổi bật, chỉ có điều là ở ngoài sân chùa có khá nhiều nhóm trẻ em múa hát (có cả bầu show nữa nhé) để lấy tiền thưởng của khách du lịch. Doi Suthep cách Chiang Mai khoảng 11 cây số. Chạy thêm khoảng 4 cây số nữa thì đến cung điện Phuping, ở đây người Thái mua vé 20b, người nước ngoài 50b. Nếu đi thêm 2 cây số nữa thì đến làng H’mông, ở đây cả làng đều tham gia vào việc kinh doanh, nhà nhà là cửa hàng. Các bạn có thể thuê trang phục H’mông (giá 30b) mặc vào chụp hình. Ngoài ra còn có cả một viên bảo tàng nói về bí mật của người cổ dài Karen. Khám phá này là thú vị nhất đối với tôi trong suốt thời gian ở tại Chiang Mai. Thật sự cổ của người cổ dài không hề dài hơn, cổ vẫn như người bình thường. Chính sức nặng của những chiếc vòng cổ mà họ đeo đã làm thụt xương vai của họ xuống; vì vậy tạo ra cảm giác là cổ họ dài hơn.  Thú vị nhé!

Trên đường về để tiết kiệm xăng (đoạn đường về chỉ toàn xuống dốc thôi), tôi tắt máy và để xe chạy tự do như đang chạy xe đạp điện ấy. Sau đó, tôi đi đến Night Safari (vườn thú đêm). Ở đây có ba khu: khu đi bộ 1.2 km, khu vực dành cho thú nguy hiểm và khu vực dành cho thú ít nguy hiểm hơn; mỗi khu rộng hơn 2 km. Nếu chỉ đi bộ thì tốn 100b vào cửa. Nếu muốn đi đến 2 khu vực kia thì phải đi bằng xe điện chở khách (tram) 400b/người.

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Lễ hội Loi Krathong 2010 ở Bangkok, Thái Lan

Kỳ trước: Myanmar kỳ 7: Những kỷ niệm đáng nhớ (tt)

Lúc đầu, tôi chẳng hề biết tí gì về lễ hội này. Khi từ Myanmar trở về, việc đầu tiên của tôi là đến ngay nhà hàng để thưởng thức món súp yêu thích của tôi. Tại đây tôi ngồi chung bàn với một phụ nữ Thái và bà ta cho tôi biết hai thông tin quan trọng. Thứ nhất, món súp yêu thích của tôi có nguồn gốc từ Việt Nam. Hơi xấu hổ khi tôi thừa nhận với bà ta rằng ở Việt Nam tôi không thấy có món ăn này. Bà ta khá ngạc nhiên và thông báo thông tin này cho toàn thể nhân viên nhà hàng biết. Tự nhiên tôi trở nên “nổi tiếng” bất đắc dĩ. Thông tin thứ hai là lễ hội Loy Krathong sẽ được tổ chức vào chủ nhật ngày 21/11/2010. Tôi đã không nghĩ rằng lễ hội này quan trọng với người Thái nên cũng chẳng để ý lắm.

Tối ngày 19/11, tôi nghe tiếng pháo nổ ì đùng (bởi vì nhà nghỉ tại Bangkok của tôi nằm rất gần công viên trên bờ sông Phra Chao nơi tổ chức lễ hội). Tôi nghĩ thầm tụi Thái Lan ồn áo quá, chưa đến ngày hội đã lo khoe mẽ.

Tối ngày 20/11, tôi cũng lại nghe tiếng pháo nổ ì đùng. Tức mình, tôi đi ra bờ sông để xem họ khoe mẽ như thế nào. Khi đến công viên cạnh bờ sông, tôi không thể nào tin vào mắt mình được khi trước mặt tôi là một không khí nhộn nhịp và tấp nập của một lễ hội lớn. Công viên được trang hoàng lộng lẫy. Các hàng quán bán các món ăn cổ truyền của Thái Lan được bày dọc theo lối đi. Các cô gái Thái trong trang phục truyền thống đang hướng dẫn khách cách làm những sản phẩm cổ truyền cho lễ hội này như krathong (một khúc thân cây chuối được cắm hoa tươi và lá cây trang trí xung quanh, trên cùng cắm đèn cầy và nến thơm), lồng đèn, hoa sen. Khắp nơi trong công viên là những bảng thông báo về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội Krathong đối với người Thái cũng như sự khác nhau của lễ hội ở những tỉnh thành khác nhau trên khắp Thái Lan.

Tôi đến bàn thông tin để lấy tờ chương trình thì mới biết thực ra lễ hội Loi Krathong được tổ chức đến 3 ngày từ ngày 19 đến ngày 21/11. Tuy nhiên ngày 21/11 là ngày quan trọng nhất cùng với sự biểu diễn thuyền hoa đăng do các trường đại học và công ty tham gia với giải thưởng cao.

Quyết tâm không bỏ lỡ ngày cuôí cùng quan trọng của lễ hội, tôi lên kế hoạch sẳn sang có mặt lúc 6h tại công viên để quan sát cho bằng hết.

Trưa ngày 21, sau khi ngồi ở quán Fabulous trên đường Khaosan để thưởng thức món trà chanh và sử dụng wifi miễn phí để “tám” cùng bạn bè, tôi ra về lúc 5h30. Ngay đầu đường là một anh chàng Châu Á (bởi vì có tóc đen và mũi tẹt giống tôi mà) đang giơ một tấm bảng trên có chữ thật to FREE HUGS (ôm miễn phí). Vụ này tôi thấy có nói trên báo chí nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến tận mắt vì vậy tôi cũng hơi tò mò. Đang ngập ngừng không biết có nên đến ôm anh ta và hỏi anh ta từ nước nào đến không (có khi anh ta là người Việt Nam hổng chừng) thì có 2-3 người khách du lịch khác đã làm điều đó rồi. Tôi còn thấy có một khách du lịch đứng cách anh ta chừng 100m và canh me hễ ai ôm anh ta thì chụp hình. Tôi cũng định lấy máy ảnh ra và canh me như thế. Chợt nghĩ đến lễ hội Loi Krathong, tôi đành tiếc nuối mà đi về vậy.

Trên đường về công viên, tôi đã cảm nhận một không khí khác biệt so với những ngày trước. Mới 6h chiều thôi mà đường phố tấp nập người, đặc biệt là các gian hàng bán krathong (hơi ngạc nhiên bởi vì lúc trưa tôi không thấy bây giờ lại có quá trời). Vui lây không khí lễ hội của người Thái, tôi hớn hở đi về phía bờ sông. Bây giờ thì không chỉ những gian hàng bán krathong, các quầy bán đồ ăn cũng tấp nập (thường ngày không có những quầy này đâu nhé). Thậm chí nhà hàng mà tôi hay đến để ăn món súp cũng khác hẳn, bàn ghế kê luôn ra lòng đường, khách đang sì sụp húp súp và không còn một chỗ trống nào hết. Cái không khí tấp nhập đó đi theo tôi suốt đoạn đường đến bờ sông. Khi đến được nơi, tôi thấy mọi người đều đổ dồn về phía sân khâu chính. Tôi cũng nhanh chân kiếm được một chỗ. Định vị xong tôi ngồi quan sát xung quanh. Oh giời, số lượng khách nước ngoài tương đương với số lượng người địa phương. Đặc biệt một điều là Bangkok không chỉ là nơi duy nhất tổ chức lễ hội này, các thành phố khác như Ayuthaya, Sukhothai (2 cố đô của Thái Lan) và ChiangMai (thành phố lớn ở Bắc Thái) cũng tổ chức hoành tráng không kém. Điều đó nghĩa là khách du lịch đã tản ra bớt những thành phố này (thực sự những thành phố naỳ  mới là nơi bắt nguồn của Lễ hội Loi Krathong, không phải Bangkok đâu nhé) nhưng số lượng khách ở lại Bangkok cũng nhiều vô cùng. Thái Lan thật thành công trong lĩnh vực thu hút khách du lịch phải không các bạn?

Đến khoảng 6h thì cô MC xinh đẹp xuất hiện. Cô hướng dẫn chương trình bằng cả tiếng Thái và tiếng Anh. Sau đó những vũ công cho điệu muá đầu tiên xuất hiện. Điệu muá này có tên gọi là Ram Khom Chai do nam biểu diễn cùng lồng đèn bốn cánh. Điệu muá này liên quan đến người Việt Nam đó nghen. Những người Việt Nam di cư sang Thái, được sự cưu mang của vua Thái nên đã bày tỏ lòng biết ơn bằng cách nghĩ ra điệu muá này. Điệu muá thứ hai do các cô gái Thái xinh đẹp biểu diễn cùng đèn cầy – đó là điệu Ram Prateep Sukhothai (đây là điệu múa cổ truyền có nguồn gốc từ cố đô Sukhothai của Thái Lan). Điệu muá thứ ba mang tên Phon Khon Bua, được biểu diễn cùng với những lồng đèn hình bông sen. Theo tôi điệu múa này trông giống như những điệu muá ở Việt Nam cùng hoa sen.
  
Sau đó là màn trình diễn của những chiếc thuyền hoa đăng. Năm nay có tổng cộng 11 đơn vị tham gia biểu diễn và mỗi đơn vị chọn một tiêu đề riêng cho thuyền của mình. Ví dụ như Toả sáng dưới sự bảo bộc của Đức Vua; Văn hoá hình thành nên một dân tộc, Đức Vua muôn năm; Miền Nam sặc sỡ sắc màu, thế giới nước tuyệt vời; Bảo vệ Biển, theo chân Đức Vua;…..
 
Sau đó chúng tôi cùng xem thêm ba tiết mục muá nữa. Cũng khá hay và hấp dẫn. Lễ hội kết thúc khoảng 9h30. Người dân Thái Lan bắt đầu thả những chiếc thuyền Krathong của mình xuống nước.

Thực sự lễ hội Loi Krathong là để nhằm tôn vinh Thần Nước, cho thấy tầm quan trọng của nước đối với người dân Thái. Nguồn gốc cho rằng con người thả krathong xuống nước như gửi một lời xin lỗi đến với Thần Nước vì những lỗi lầm mà họ vô tình hay cố ý phạm phải đối với Thần Nước. Từ nguồn gốc đó, lễ hội Loi Krathong ra đời. Người dân tham gia vào lễ hội vì khi thả krathong xuống nước, họ tin rằng may mắn sẽ đến với mình.

Thật là một phong tục đẹp nhưng cũng gây ô nhiễm nguồn nước vô cùng. Với một lượng lớn thân chuối, hoa, đèn cầy và nến được thả xuống sông thì nguồn nước sẽ như thế nào? Vì thế tờ Bangkok Post đang tổ chức một cuộc thi về việc tổ chức lễ hội Loi Krathong nhưng vẫn bảo vệ được nguồn nước. Nếu có ý kiến hay thì bạn hãy tham gia vào nhé.

Kỳ sau: Tôi đi Trung Quốc (1): Thủ tục và cửa khẩu Trung-Việt