Kỳ trước: Myanmar kỳ 7: Những kỷ niệm đáng nhớ (tt)
Lúc đầu, tôi chẳng hề biết tí gì về lễ hội này. Khi từ Myanmar trở về, việc đầu tiên của tôi là đến ngay nhà hàng để thưởng thức món súp yêu thích của tôi. Tại đây tôi ngồi chung bàn với một phụ nữ Thái và bà ta cho tôi biết hai thông tin quan trọng. Thứ nhất, món súp yêu thích của tôi có nguồn gốc từ Việt Nam. Hơi xấu hổ khi tôi thừa nhận với bà ta rằng ở Việt Nam tôi không thấy có món ăn này. Bà ta khá ngạc nhiên và thông báo thông tin này cho toàn thể nhân viên nhà hàng biết. Tự nhiên tôi trở nên “nổi tiếng” bất đắc dĩ. Thông tin thứ hai là lễ hội Loy Krathong sẽ được tổ chức vào chủ nhật ngày 21/11/2010. Tôi đã không nghĩ rằng lễ hội này quan trọng với người Thái nên cũng chẳng để ý lắm.
Tối ngày 19/11, tôi nghe tiếng pháo nổ ì đùng (bởi vì nhà nghỉ tại Bangkok của tôi nằm rất gần công viên trên bờ sông Phra Chao nơi tổ chức lễ hội). Tôi nghĩ thầm tụi Thái Lan ồn áo quá, chưa đến ngày hội đã lo khoe mẽ.
Tối ngày 20/11, tôi cũng lại nghe tiếng pháo nổ ì đùng. Tức mình, tôi đi ra bờ sông để xem họ khoe mẽ như thế nào. Khi đến công viên cạnh bờ sông, tôi không thể nào tin vào mắt mình được khi trước mặt tôi là một không khí nhộn nhịp và tấp nập của một lễ hội lớn. Công viên được trang hoàng lộng lẫy. Các hàng quán bán các món ăn cổ truyền của Thái Lan được bày dọc theo lối đi. Các cô gái Thái trong trang phục truyền thống đang hướng dẫn khách cách làm những sản phẩm cổ truyền cho lễ hội này như krathong (một khúc thân cây chuối được cắm hoa tươi và lá cây trang trí xung quanh, trên cùng cắm đèn cầy và nến thơm), lồng đèn, hoa sen. Khắp nơi trong công viên là những bảng thông báo về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội Krathong đối với người Thái cũng như sự khác nhau của lễ hội ở những tỉnh thành khác nhau trên khắp Thái Lan.
Tôi đến bàn thông tin để lấy tờ chương trình thì mới biết thực ra lễ hội Loi Krathong được tổ chức đến 3 ngày từ ngày 19 đến ngày 21/11. Tuy nhiên ngày 21/11 là ngày quan trọng nhất cùng với sự biểu diễn thuyền hoa đăng do các trường đại học và công ty tham gia với giải thưởng cao.
Quyết tâm không bỏ lỡ ngày cuôí cùng quan trọng của lễ hội, tôi lên kế hoạch sẳn sang có mặt lúc 6h tại công viên để quan sát cho bằng hết.
Trưa ngày 21, sau khi ngồi ở quán Fabulous trên đường Khaosan để thưởng thức món trà chanh và sử dụng wifi miễn phí để “tám” cùng bạn bè, tôi ra về lúc 5h30. Ngay đầu đường là một anh chàng Châu Á (bởi vì có tóc đen và mũi tẹt giống tôi mà) đang giơ một tấm bảng trên có chữ thật to FREE HUGS (ôm miễn phí). Vụ này tôi thấy có nói trên báo chí nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến tận mắt vì vậy tôi cũng hơi tò mò. Đang ngập ngừng không biết có nên đến ôm anh ta và hỏi anh ta từ nước nào đến không (có khi anh ta là người Việt Nam hổng chừng) thì có 2-3 người khách du lịch khác đã làm điều đó rồi. Tôi còn thấy có một khách du lịch đứng cách anh ta chừng 100m và canh me hễ ai ôm anh ta thì chụp hình. Tôi cũng định lấy máy ảnh ra và canh me như thế. Chợt nghĩ đến lễ hội Loi Krathong, tôi đành tiếc nuối mà đi về vậy.
Trên đường về công viên, tôi đã cảm nhận một không khí khác biệt so với những ngày trước. Mới 6h chiều thôi mà đường phố tấp nập người, đặc biệt là các gian hàng bán krathong (hơi ngạc nhiên bởi vì lúc trưa tôi không thấy bây giờ lại có quá trời). Vui lây không khí lễ hội của người Thái, tôi hớn hở đi về phía bờ sông. Bây giờ thì không chỉ những gian hàng bán krathong, các quầy bán đồ ăn cũng tấp nập (thường ngày không có những quầy này đâu nhé). Thậm chí nhà hàng mà tôi hay đến để ăn món súp cũng khác hẳn, bàn ghế kê luôn ra lòng đường, khách đang sì sụp húp súp và không còn một chỗ trống nào hết. Cái không khí tấp nhập đó đi theo tôi suốt đoạn đường đến bờ sông. Khi đến được nơi, tôi thấy mọi người đều đổ dồn về phía sân khâu chính. Tôi cũng nhanh chân kiếm được một chỗ. Định vị xong tôi ngồi quan sát xung quanh. Oh giời, số lượng khách nước ngoài tương đương với số lượng người địa phương. Đặc biệt một điều là Bangkok không chỉ là nơi duy nhất tổ chức lễ hội này, các thành phố khác như Ayuthaya, Sukhothai (2 cố đô của Thái Lan) và ChiangMai (thành phố lớn ở Bắc Thái) cũng tổ chức hoành tráng không kém. Điều đó nghĩa là khách du lịch đã tản ra bớt những thành phố này (thực sự những thành phố naỳ mới là nơi bắt nguồn của Lễ hội Loi Krathong, không phải Bangkok đâu nhé) nhưng số lượng khách ở lại Bangkok cũng nhiều vô cùng. Thái Lan thật thành công trong lĩnh vực thu hút khách du lịch phải không các bạn?
Đến khoảng 6h thì cô MC xinh đẹp xuất hiện. Cô hướng dẫn chương trình bằng cả tiếng Thái và tiếng Anh. Sau đó những vũ công cho điệu muá đầu tiên xuất hiện. Điệu muá này có tên gọi là Ram Khom Chai do nam biểu diễn cùng lồng đèn bốn cánh. Điệu muá này liên quan đến người Việt Nam đó nghen. Những người Việt Nam di cư sang Thái, được sự cưu mang của vua Thái nên đã bày tỏ lòng biết ơn bằng cách nghĩ ra điệu muá này. Điệu muá thứ hai do các cô gái Thái xinh đẹp biểu diễn cùng đèn cầy – đó là điệu Ram Prateep Sukhothai (đây là điệu múa cổ truyền có nguồn gốc từ cố đô Sukhothai của Thái Lan). Điệu muá thứ ba mang tên Phon Khon Bua, được biểu diễn cùng với những lồng đèn hình bông sen. Theo tôi điệu múa này trông giống như những điệu muá ở Việt Nam cùng hoa sen.
Sau đó là màn trình diễn của những chiếc thuyền hoa đăng. Năm nay có tổng cộng 11 đơn vị tham gia biểu diễn và mỗi đơn vị chọn một tiêu đề riêng cho thuyền của mình. Ví dụ như Toả sáng dưới sự bảo bộc của Đức Vua; Văn hoá hình thành nên một dân tộc, Đức Vua muôn năm; Miền Nam sặc sỡ sắc màu, thế giới nước tuyệt vời; Bảo vệ Biển, theo chân Đức Vua;…..
Sau đó chúng tôi cùng xem thêm ba tiết mục muá nữa. Cũng khá hay và hấp dẫn. Lễ hội kết thúc khoảng 9h30. Người dân Thái Lan bắt đầu thả những chiếc thuyền Krathong của mình xuống nước.
Thực sự lễ hội Loi Krathong là để nhằm tôn vinh Thần Nước, cho thấy tầm quan trọng của nước đối với người dân Thái. Nguồn gốc cho rằng con người thả krathong xuống nước như gửi một lời xin lỗi đến với Thần Nước vì những lỗi lầm mà họ vô tình hay cố ý phạm phải đối với Thần Nước. Từ nguồn gốc đó, lễ hội Loi Krathong ra đời. Người dân tham gia vào lễ hội vì khi thả krathong xuống nước, họ tin rằng may mắn sẽ đến với mình.
Thật là một phong tục đẹp nhưng cũng gây ô nhiễm nguồn nước vô cùng. Với một lượng lớn thân chuối, hoa, đèn cầy và nến được thả xuống sông thì nguồn nước sẽ như thế nào? Vì thế tờ Bangkok Post đang tổ chức một cuộc thi về việc tổ chức lễ hội Loi Krathong nhưng vẫn bảo vệ được nguồn nước. Nếu có ý kiến hay thì bạn hãy tham gia vào nhé.
Kỳ sau: Tôi đi Trung Quốc (1): Thủ tục và cửa khẩu Trung-Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét