CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Lại về Lào (15): Hội đua ghe ngo (Bun Xuồng Hưa) ở Siphandon

 Kỳ trước: Lại về Lào (14): Si Phan Don (4.000 đảo) và hội đua ghe ngo Bun Song hưa 

Khoảng sau 12h trưa ngày 2/12/2011, các đội ghe bắt đầu tập luyện cho cuộc đua vào hôm sau. Họ mặc đồng phục hẳn hoi và chèo qua chèo lại trên khúc sông trước mặt tôi. Lần lượt các đội ghe tập trung ở các địa điểm khác cũng xuất hiện trên khúc sông này. Mãi đến hôm sau tôi mới biết là do nơi xuất phát của cuộc đua là ở đây.

Mấy đội ghe vừa tập luyện vừa quan sát chiến lược của các ghe khác. Họ bàn tán xôn xao và có đội còn đua thử với nhau.

Tôi thích “mê tơi” luôn bởi ngoài người địa phương, du khách bản địa và thành viên các đội ghe thì tôi là người nước ngoài duy nhất có mặt tại địa điểm này. Lúc sau có một anh chàng đi xuồng máy đến (tôi chắc là anh ta phải bỏ tiền ra để thuê) đi tá lả chụp ảnh. Lúc đó tôi ngồi một nơi bên bờ sông và ủng hộ cho một đội ghe mặc áo đỏ mà sau này tôi mới biết đó là đội ghe của một bản cách nơi này 7 cây số.

Họ thấy có người ủng hộ nên thay vì nghỉ ngơi lại hào hứng lấy kèn sáo ra thổi dù cho anh chàng trưởng đoàn bảo mọi người dừng lại nghỉ ngơi trước khi lại tiếp tục tập nhưng anh ta có nói kiểu gì thì cũng không ai dừng cả. Vui ghê luôn!!!!

Tôi vừa học xong mấy từ “giỏi lắm.” “lên đường,” “cố lên” (cái này do tôi đoán ý nghĩa chứ tôi nghe họ hô riết nên thuộc lòng luôn.) Tôi la to lên mấy từ này.

Tôi phải công nhận là ngày diễn tập của họ vui thật là vui (vui hơn cả ngày diễn ra hội đua chính nữa) và tôi chắc họ cũng biết điều này. Họ diễn tập, họ cười giỡn, họ bình luận lẫn nhau, họ thi đua nhau, họ hát hò, họ thổi kèn, thổi sáo.

Tôi cứ dạo qua dạo lại mấy đội ghe, lúc thì xin nước uống, lúc thì “tám,” lúc thì nghe họ hát hò, lúc thì chỉ để nhìn họ…..thay quần áo (hehehe). Ngày hôm ấy đúng là một ngày lễ hội của tôi và của họ.



Dạo mệt, chiều tà, tôi ngồi trên bờ sông nghỉ ngơi và suy nghĩ xem cắm trại ở đâu. Nơi tôi cắm trại trước đây thì ra đó là nơi người địa phương căng bạt để làm quán bán hàng. Mới chỉ có một quán bán thôi nhưng mọi người ngồi đó nhậu, chẳng lẽ tôi căng lều ngủ cạnh bên. Tôi không sợ không an toàn mà chỉ sợ họ làm ồn không ngủ được.

Mấy tay đua tập xong lên ngồi cạnh tôi và hỏi chuyện. Họ hỏi tôi có chồng chưa. Tôi nói rồi, 3 người, một Việt, một Thái, một Trung Quốc. Họ bảo thêm một ông chồng Lào cho thành bốn. Tôi bảo ba là đủ, vả lại người Lào không đẹp nên không thích.

Họ hỏi tôi ngủ ở đâu. Tôi chỉ xuống bờ sông bảo cắm trại ngủ ở đó. Họ nói không được, có 3-4 đội ghe ngủ rải rác trên bờ ở khu vực đó rồi. Trong wat thì có thêm 3 đội (chắc do có đăng ký trước nên được ở chung với các chú tiểu.) Họ bảo tôi vào wat căng lều ngủ.

Cuối cùng tôi căng lều gần đội ghe mà tôi ủng hộ để ngủ. Tôi vào xin nước uống. Họ ra vào xem cái lều của tôi mãi. Ở bên phía kia, có đội ghe còn mang theo cả chú tiểu và nhà sư của bản họ nữa (chắc để cầu nguyện cho đội họ thắng.)

Họ ngủ trên xe hoặc cắm trại gần xe mà ngủ.

Khi tôi lần mò xuống sông tìm nơi tắm rửa thì họ bảo tôi tắm ở cuối dòng bởi đầu dòng là các ghe đua của họ đang tập hợp. Chắc họ sợ nước tắm rửa của phụ nữ làm họ bị xui chăng. May là trước đó khi dạo qua dạo lại các đội ghe, tôi không dám chạm vào bất cứ đồ nào của họ cả, từ ghe cho đến kèn trống. Mắc công họ bị thua lại đổ thừa cho tôi lắm.

Nghe nói hôm ấy 6h chiều có ca nhạc nên sau khi tắm rửa và thu xếp xong, tôi ra khu hội chợ, chả thấy ca nhạc đâu dù đã 7h tối. Mọi người bảo tôi là 6h đã có rồi mà. Hội chợ đông nghịt người.Tôi chả quan tâm bởi sau 8 tháng ở Trung Quốc thường xuyên phải ra vào mấy khu chợ đêm đông nghịt thế nên tôi không hào hứng một tí nào cả.

Tôi đi về lều, mở ca nhạc Việt nghe và ngủ.

Ngày hôm đó vui quá!!!! Tôi thấy mình như được trở về thời học sinh, đi cắm trại cùng trường vậy đó. Vì sao?

Mọi người ra vào tấp nập, cười nói lao xao, ai cũng vui như hội; lều trại cắm ở khắp nơi (của đội ghe và của người đi dự) nên cái lều của tôi không còn kỳ lạ nữa; có người quấn mền ngủ ngoài trời nên họ đốt lửa (giống y như lửa trại) và nói chuyện râm ran cả đêm; có đội ngồi bên ánh lửa đánh trống tùm tum, thổi kèn, thổi sáo, hò hát.


Người đi hội chợ về đi qua lại tay xách nách mang…. Quả là một ngày đêm vui và đáng nhớ!!! Tôi đảm bảo những du khách ngủ nhà trọ khách sạn không thể có được không khí hội như tôi được; họ chỉ có thể hưởng không khí hội từ hội chợ mà thôi; không thể cùng ăn cùng ngủ với các đội ghe như tôi. Tôi là người nước ngoài duy nhất dạo qua dạo lại các đội ghe và được họ xem như người nhà.

Dù không khí náo nhiệt và hồi hộp chờ cuộc đua của ngày hôm sau nhưng tôi vẫn đánh một giấc ngon lành. Giữa khuya, tôi dậy đi toilet xong thì ngồi xuống hơ lửa cho ấm cùng vài người ở ngay cổng. Họ đang trò chuyện nên cũng không để ý đến tôi lắm.

Mới có 4h sáng mà mọi người đã lục tục dậy. Tôi nướng đến 5h thì cũng dậy thu xếp mọi thứ. Khi xuống sông rửa mặt thì tôi thấy một đội thuyền đang cúng chiếc thuyền.

Họ ra dấu bảo tôi đừng chạm vào ghe (chắc họ sợ nữ giới mà chạm vào thì họ xui xẻo). Tôi nói đùa: không chạm ghe nhưng chạm vào người được không? Họ bảo dĩ nhiên rồi và cười hô hố trước câu nói đùa của tôi.

Đến 6h sáng, tôi tranh thủ ra chợ ăn cho thật no và mua nhiều thức ăn ăn cả ngày. Tôi cũng háo hức chờ xem hội như ai đấy chứ. 7h tôi loanh quanh các đội ghe “tám” chuyện với họ. Đội ghe mà tôi ủng hộ đang cùng một cái dù với cơm nếp, thịt gà. Tôi thấy có mấy người lớn tuổi trong đội (chắc chức sắc của bản) săn soi mấy cái xương mỏ gà mãi, chắc họ đang cố đọc điềm lảnh dữ cho đội của họ. Tôi thấy họ lắc đầu, chắc là điềm không may rồi.

Đến 8h các đội thuyền lại nai nịt gọn ghẽ và tiếp tục tập dợt. Tôi điểm qua vài điều tôi biết về các chiếc thuyền đua (hay gọi là ghe ngo đấy) nhé!!!

Có hai loại ghe: loại lớn và loại nhỏ. Loại nhỏ thường có từ 10-12 tay đua; thường có một ngồi ngồi cuối thuyền, xa hơn các tay khác một tí, chắc là để định hướng đi của thuyền, các tay đua ngồi xen kẽ nhau, nghĩa là người chèo bên trái, người chèo bên phải. Loại lớn có hơn 30 tay đua. Thường thuyền dài hơn và to hơn ở bề ngang. Ở hai đầu có 3-4 tay đua ngồi thành một hàng. Ở đoạn giữa, các tay đua ngồi xen kẽ.

Thân ghe thì có cái được vẽ hoa văn màu sắc, có cái chỉ là thân mộc sơn đỏ. Mái chèo thì có mái chèo chỉ là gỗ, có mái chèo được viết chữ ngoằn ngoèo như bùa, có mái chèo được vẽ hình này nọ.


Hình dáng ghe đua cũng có nhiều dạng dù nhìn chung là có hai đầu nhọn nhọn. Nhưng có ghe hai đầu cong cong, có ghe hai đầu dẹp dẹp dài dài. Hai đầu ghe thường phủ vải điều đủ màu sắc. Đầu ghe thì có thêm bàn thờ gồm bông hoa làm từ là chuối và nhang, có khi cắm thêm cái dù (hoặc có người ngồi cầm dù)



Chiếc lược thi đua của các đội cũng khác nhau. Có đội thì tất cả các thành viên đều ngồi chèo. Có đội 2-3 thành viên ở cuối ghe đứng dậy chèo.

Tiếng hô của các đội cũng khác nhau. Có đội đếm luôn từ 1-9, có đội chỉ đếm 1,2,3 (nựng, soạng, sam), có đội lại chỉ đếm 6,7,8,9 (họp, chệt, pệt, cau) mà thường cách đếm này nhiều đội làm hơn. Vì thế lúc nào cũng nghe họp, chệt, pêt, cau.

Trước khi bắt đầu đua thì các ghe làm một nghi thức. Có ghe thì các tay đua gác mái chèo ngang qua và cúi người xuống, đội trưởng đập nhẹ vào ghe thì mọi người ngồi thẳng dậy hô to một tiếng và bắt đầu chèo. Có đội thì để mài chèo, thẳng đứng dưới nước và hơi cúi về trước. Sau đó cũng hô to và bắt đầu chèo. Có đội chèo xong thì làm nghi thức là lại cúi người, hô to và sau đó thì…vỗ tay để kết thúc một cuộc diễn tập hoặc một cuộc đua.


Khoảng 9h thì một người đi thuyền đến bảo các đội ghe đến tập hợ bốc thăm thi đấu. Tất cả các ghe cùng đi và cùng về nên không khí vui lắm.


Khi thi thì mỗi lần chỉ hai ghe hoặc 3 ghe đấu với nhau thôi. Ghe nhỏ đấu với ghe nhỏ và ghe lớn đấu với ghe lớn.


Các ghe phải ra tuốt gần giữa sông nên không được thấy rõ lắm (chả bủ với ngày hôm trước họ tập diễn gần bờ hơn) và cứ mỗi lần là hai ghe đấu với nhau nên tôi thấy.....chán. Không còn không khí vui vẻ đầy tiếng cười nói và kèn sáo của ngày hôm trước.

Đấu hết buổi sáng thì xong vòng ngoài. Họ tập hợp lại nấu ăn hoặc mua thức ăn về ăn. Tôi đi xin nước uống và được một đội ghe mời ăn món súp của họ. Đó là bắp cải nấu với lòng heo.

Theo tôi nhớ thì đó là món Tôm Khôi thì phải. Chữ đầu tôi không nhớ lắm nhưng chữ sau thì ấn tượng vô cùng. Vì sao? Tôi phát âm sai, “khôi” mà tôi đọc thành “côi.” Họ cười hô hố và nói “khôi” ăn được chứ “côi” thì không được ăn. Lúc đó tôi không hiểu nên ăn xong thì bỏ đi qua đội thuyền khác. Ở đội thuyền này có anh chàng thấy tôi ăn gì cũng xin cả. Đến khi anh ta chỉ vào chai nước của tôi (vừa mới xin của đội ghe kia) thì tôi chỉ xuống sông Me kong và nói: “kinh nạm Khỏn” (uống nước sông Mekong) làm cho cả đội cười hô hố và chọc quê anh ta quá trời. Lúc ấy tôi cầm mấy quả chuối, anh ta xin, tôi đưa và nói: “kinh mặc côi” (ăn chuối);mọi người lại cười hô hố và có người giải thích thì tôi mới biết “côi” nghĩa là hạ bộ của nam giới. Hèn chi mỗi khi tôi mua chuối, tôi bảo “mặc côi bao nhiêu tiền,” người bán nhìn tôi ngẩn ngơ đến khi tôi chỉ vào nải chuối thì họ……… mới hiểu. Chắc trước đó, họ nghĩ: “trời, sao cái con mụ này nói tục quá???” Bây giờ, nghĩ lại, tôi thấy xấu hổ quá, đặc biệt là khi người bán là đàn ông mới ớn chứ!!!

Trong lúc nghỉ trưa, mấy người dân bản địa đi xem đua ghe bày nhạc cụ ra đàn hát om sòm, các đội ghe cũng tham gia nhảy múa, vui ghê. Mấy tay đua mà thấy tôi là ngoắc lại để “tám” và bảo tôi chụp hình họ.


Tôi thấy tôi là một người nước ngoài may mắn bởi vì có thể hòa đồng dễ dàng với các đội ghe. Lúc nghỉ trưa có vài người nước ngoài xách máy ảnh đi lòng vòng. Có một con mụ da đen, phải bỏ dép để vào chính điện (có một đội thuyền ngủ ở đó tối hôm trước và sàn nhà đầy cát), mụ ta vào 1 phút rồi đi ra chề môi, lắc đầu, nhìn thấy…phát ghét. Mấy người khác thì không thân thiện lắm. Tôi được hưởng niềm vui từ việc hòa đồng với các đội ghe nên cũng muốn họ được hưởng niềm vui ấy, vì thế khi mới nhìn thấy họ tôi định “môi giới” và “thông dịch” giữa họ với các đội ghe. Nhưng họ không thân thiện lắm nên tôi đành….lắc đầu. Họ như thế thì ngay cả tôi còn không muốn..nói chuyện huống chi là những người Lào không biết tiếng Anh. Tôi biết họ cũng muốn “chơi” cùng các đội ghe như tôi bởi vì khi có người chào “hello” với họ thì họ quay lại chào ngay nhưng sau đó thì không biết nói gì thêm nên bỏ đi về các nhà hàng, những nơi “chán phèo” dành cho những du khách như họ. Tôi đảm bảo họ sẽ thấy cái lễ hội này vô vị.

Vì sao tôi nghĩ rằng nó vô vị? Tôi uống chung, ăn chung với mấy đội ghe đua, cùng hồi hộp chờ ngày đua chính với họ mà đến ngày đua còn thấy nó chán phèo nữa đây.

Nghỉ ngơi buổi trưa đến khoảng gần 2h thì các đội vào bán kết lại tiếp tục đua. Các đội bị loại thì ăn uống xong, “cuốn gói” đi mất.

Tôi ngây nắng nên đến 2h15 vào chùa chợp mắt một tí, đến 2h40 quay ra thì họ đã thi xong mất tiêu. Cờ cắm làm điểm xuất phát không thấy, thuyền của giám khảo đi mất, bờ sông thì trống vắng mấy đội ghe. Trống vắng đến ngẩn ngơ!!! Vài tay đua chạy xe máy ngang qua thấy tôi nên nói gì đó mà tôi đoán là họ đến nơi phát thưởng. Cuối cùng tôi không biết đội nào chiến thắng. Tôi đạp xe đi tìm nơi tổng kết, không biết nói tiếng Lào thế nào, hội chợ đông nghẹt người “hốt hụi chót” (vét hàng) nên tôi lòng vòng một hồi…oải quá, đạp xe ra phà để qua kia sông về wat có hai ni sư Tọi và Lasumy để ngủ luôn.

Bến phà đông nghẹt xe máy và xe ô tô. Tôi len lỏi cũng lên được phà. Gặp một thành viên trong một đội đua, anh ta hỏi tôi đi Pakse à. Tôi nói tôi đi về hướng Cambuchia. Tôi muốn biết giá vé là bao nhiêu mà chả thấy ai đến thu tiền vé của tôi cả. Mọi người chỉ đưa vé có màu và hồng mà hầu như chả ai đưa tiền. Chắc đó là vé khứ hồi. Vậy là tôi qua phà miễn phí.

Ah, lúc ở trên đảo có mấy đứa trẻ bảo tôi là fa rằng (người nước ngoài) nên bọn chúng đến xin tiền, tôi bảo không có. Tôi rượt theo một thằng nhóc có mái tóc y như con chó, nhuộm vàng lởm chởm thì nó khóc thét vừa chạy vừa bảo fa rằng. Tôi nói không phải fa rằng đâu, người Lào thì nó mới chịu đứng lại đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét