Ngày 1/8/2012, tôi sắp xếp hành
lý chuẩn bị đạp xe từ Sarnath đến Kushinagar, khoảng 257 km. Do gần ra khỏi Ấn
độ rồi nên tôi “xả hàng” từ từ; tôi tặng đồ đạc cho 5 người Ấn làm việc tại
chùa Nhật Bản. Ngoài ra tôi còn để lại ấm nấu nước bằng điện do anh chàng người
Mỹ tặng cho tôi khi ở Bodhgaya nữa.
|
Bảng chỉ đường đến Kushinagar. |
Hôm ấy trời nắng nên tôi chạy đến
giữa trưa là phải dừng lại nghỉ ngơi. Tại đây tôi uống chai chỉ có Rs 2/ly
thôi. Do buổi sáng chén một bụng thật no cơm chiên ở chùa Nhật Bản tại Sarnath
do anh chàng quản lý chiên nên tôi cũng thấy đỡ đói hơn mấy lần đạp xe trước.
Không hiểu sao thức ăn Ấn độ nấu tại chùa tôi ăn vô cùng ngon miệng nhưng cứ
thấy thức ăn họ bày bán ngoài đường là mất luôn khẩu vị nên thà nhịn đói chứ
không thể nuốt. Chắc do thức ăn ngoài đường cay hơn và nhìn dơ dơ nên không ăn
nổi chăng?
|
Phong cảnh hữu tình trên đường. |
Đến một ngã ba, không biết đi
hướng nào nên tôi ghé mua luôn ½ kg ổi để vừa nghỉ mệt vừa gặm vừa hỏi thăm
đường luôn. Thấy anh chàng chủ tiệm mặt mày sáng láng nên tôi sáp lại
……………..không phải để thả dê đâu nghen mà là để hỏi thăm đường. Anh ta lấy cái
nón bảo hiểm của tôi đội lên đầu và ra dấu bảo tôi chụp cho một pô nữa chứ.
Dọc đường thấy cái nhà có tượng
một người mặc quân phục. Không lẽ là quân đội hay cảnh sát gì tự tạc tượng mình
chăng????
Đi mãi cuối cùng cũng đến
Ghazipur (cách Sarnath 67 km), vừa ồn vừa bụi bặm nên tôi định bụng chạy luôn
ra khỏi thành phố tìm nơi yên tĩnh nghỉ ngơi. Vả lại thường chiều tối trời mát
mẻ nên đạp xe dễ chịu hơn khi trời nóng gắt. Do đó tôi thường tranh thủ đạp xe
lúc chiều tối đến khi trời tối hẳn không thấy đường chạy nữa mới dừng lại tìm
nơi ngủ. Ở Ấn độ đến 7h trời mới tối.
Khi đến Ghazipur là khoảng 6h
chiều, lại đến ngã ba, không biết đi hướng nào, tôi hỏi hai người cảnh sát đang
ngồi gác tại ngã ba. Họ bảo quẹo trái, đến ngã ba thì quẹo phải rồi chạy thẳng
mãi. Tôi đi theo hướng dẫn. Khi đến ngã ba quẹo phải thì thấy xe cộ đậu thành
hàng dài, tôi hỏi một người đàn ông mặc đồ trắng ngồi trên một chiếc xe du lịch
rằng phải đường này đi Kushinagar không. Ông ta ra dấu bảo chạy thẳng.
Vậy là an tâm. Tôi len lỏi qua
dãy xe lớn tiến lên phía trước thì phát hiện ra nguyên nhân kẹt xe. Đó là đường
có barrier cản để chờ tàu lửa đi qua. Chờ chờ chờ chờ mãi, ai cũng sốt ruột,
vậy sao chả thấy tàu đâu cả.
Ở Ấn độ vui lắm!!! Dù có barrier
chặn lại nhưng người dân đi xe đạp và đi bộ cứ chui qua đi tỉnh bơ; thậm chí
mấy người đi xe mô tô kềnh càng cũng không ngại xuống xe, nâng barrier lên cao
một tí, nghiêng xe xuống và cũng chui qua nốt. Họ theo phương châm: ta cứ đi,
khi nào tàu đến thì hay. Đối với dân Ấn, việc chui qua barrier để đi là bình
thường bởi ai cũng làm thế cả. Nếu xe tôi không có hành lý kềnh càng thì tôi
cũng chui qua luôn chứ mắc chi đợi cho lâu lắc hehehehehehe. Đi đâu học hỏi
người địa phương đến đó mà.
Mãi rồi tàu cũng đến. Xong, tôi
tranh thủ lên xe đạp liền để tránh cái đám xe tải kềnh càng sau lưng. Tôi cong
đuôi chạy một mạch. Sao chả thấy bảng chỉ đường gì cả; ah có nhưng toàn là chỉ
đến mấy cái nơi lạ hoắc. Trong khi đó muốn đi Kushinagar, tôi phải đi thẳng
quốc lộ 29 đến thành phố Gorakhpur, rồi từ đó rẽ phải để đi Kushinagar cách
Gorakhpur khoảng 51 cây số. Không hiểu đường sá có bị nhầm lẫn không mà tôi
không thấy quốc lộ 29 nhưng lại thấy quốc lộ 31 và không thấy tên Gorakhpur hay Kushinagar
trên bảng chỉ đường. Trời tối và chột dạ nên tôi dừng lại một nơi có bảng chỉ
đường ngay trên đầu, cạnh đó là mấy anh cảnh sát đang ngồi hóng gió trước cửa
một tòa nhà giống như đồn công an.
Thấy tôi đứng tần ngần trước bảng
chỉ đường mãi (thật ra có đọc tôi cũng chả hiểu là đường dẫn đi đâu nữa, mấy
cái tên lạ hoắc – tôi có đến mấy tấm bản đồ lận đó các bạn nhưng thói quen đạp
xe không sách hướng dẫn, không bản đồ cả năm nay làm tôi cất mấy tấm bản đồ kia
ở đâu cũng chả nhớ bởi vì thường khi đạp xe tôi toàn hỏi thăm người dân và cứ
đường chính mà đi thôi), mấy anh cảnh sát gọi vào hỏi thăm đi đâu. Tôi bảo đi
Kushinagar. Họ bảo phải quay lại Ghazipur cách đó khoảng 6 cây số. Phải không
vậy????? Tôi vừa từ đó đến mà và hỏi thăm hai lần đều được bảo là đi thẳng. Mà
tôi hỏi thăm cảnh sát chứ có phải người thường đâu mà chỉ đường bậy bạ.
Tôi làm mấy tay cảnh sát này cũng
chột dạ nên họ điện thoại tùm lum để hỏi thăm đường cho tôi. Cuối cùng họ bảo chỉ
có cách quay lại Ghazipur bởi vì từ đó đi thì đường vừa dễ chạy vừa gần hơn
nhiều so với con đường vòng mà tôi đang chạy. Tôi khăng khăng không chịu và bảo
có khi tôi quay lại đó thì người dân ở đó lại bảo tôi quay lại đây thì sao
(thật ra lúc đó tôi mệt nên trở nên cáu rồi đó!) Tay cảnh sát trưởng nhóm
(người duy nhất biết nói tiếng Anh) trấn an tôi và bảo ông ta có bà con sống ở Gorakhpur nên biết đường
đi ấy là chính xác, không nhầm đâu mà lo.
Họ mời tôi nước ngọt, mời bánh;
có anh cảnh sát còn chạy sang bên kia đường mua bánh ngọt cho tôi nữa chứ.
Lúc ấy bên trong có đền Hindu,
tôi vào xem xong và hỏi tôi giăng lều ngủ ở trước đền ngay gốc cây (trên cây có
đầy khỉ luôn nhưng mấy người cảnh sát bảo ban đêm chúng không có xuống). Họ bảo
đợi họ điện thoại xin phép tổng hành dinh ở Ghazipur chứ nơi của họ là output
không có thẩm quyền. Người trưởng nhóm nói chuyện hồi lâu trong điện thoại sau
đó bảo rằng: nơi này toàn nam cảnh sát không có nữ nên sẽ không an toàn tôi. Tôi
bảo tôi chỉ sợ cướp thôi chứ cảnh sát thì sao phải sợ? Ông ta bảo không có
toilet nhà tắm nữ nên bất tiện lắm. Vả lại nếu quay về Ghazipur ngủ một đêm,
buổi sáng từ đó đi Kushinagar sẽ tiện hơn. Mệt rồi mà bắt quay lại đường cũ nên
tôi càng cáu. Tôi bảo: không đi đâu, bây giờ tối rồi chạy xe nguy hiểm lắm. Ông
ta bảo sẽ cử một cảnh sát chạy mô tô đi kèm để đảm bảo an toàn. Nếu tôi muốn ở
khách sạn thì chỉ chỗ cho tôi; nếu tôi muốn ở đồn công an thì cũng dẫn tôi đến.
Thật sự lúc ấy tôi giống như ăn
vạ do bị đồng nghiệp của họ chỉ sai đường còn họ thì cố dỗ dành tôi vậy đó.
Ông cảnh sát trưởng thì cứ giục
tôi mãi bởi tôi càng ngồi thì trời càng tối. Tôi bực lên nên bảo ông dịch lại
cho tay cảnh sát dẫn đường là hãy dẫn tôi đến đồn cảnh sát ở Ghazipur để tôi
tìm cho ra tên nào chỉ đường bậy bạ sẽ chỉ vào mặt hắn và nói: “Fuck you!!!!!!!
Why did you show me the wrong way????????” Ông cảnh sát trưởng vừa dịch vừa bảo
tôi rằng chắc đó là người mới không biết đường hoặc do vấn đề ngôn ngữ chứ họ
không cố ý chỉ sai đường đâu. Nhưng tôi đang ăn vạ mà nên thây kệ, tôi khăng
khăng đòi dẫn đến đồn cảnh sát để…………chửi hehehehehehe. Công nhận tôi ăn vạ
cũng gớm thiệt!!!!
Vậy là tôi quay về Ghazipur có xe
cảnh sát dẫn đường hẳn hoi. Dọc đường tay cảnh sát này liên tục nghe và nói
chuyện điện thoại. Đảm bảo chỉ để giải quyết cho tôi, họ điện thoại không dưới
20 cuộc.
Khi trở lại ngã ba nơi tôi được
chỉ đường, do tôi chạy phía sau, tôi thấy tay cảnh sát trên mô tô nói gì đó với
một cảnh sát đang đứng giữa đường (chắc tên này đã chỉ đường tôi đây mà) và tay
này lảng đi chỗ khác khi thấy tôi đạp xe đến. Thật ra do đạp xe dưới trời mát
mẻ nên ý chí chửi bới của tôi mất rồi, tôi chỉ muốn nghỉ mệt thôi, không gây
chuyện gì đâu.
Tay
cảnh sát đi mô tô ra dấu bảo tôi chạy theo. Thì ra là chúng tôi đến đồn cảnh
sát Ghazipur. Ông ta hỏi thăm rồi dẫn tôi đi thẳng vào một tòa nhà. Tôi xuống
xe dựng chống, vừa định đi vào trong thì tay cảnh sát này la ó lên và chạy đến
chỗ xe đạp của tôi. Thì ra một tên khỉ lợi dụng lúc ấy xuống xé một cái bao ny
lông tôi bọc túi xách tránh mưa. Cái bao bị nó xé tan, hên là chưa rách vào bên
trong. Trong tòa nhà một người cảnh sát nữa ra và ra dấu bảo tôi đẩy xe vào
trong.
Ah bây giờ tôi hiểu lý do họ điện
thoại liên tục là để sắp xếp chỗ ngủ cho tôi. Người cảnh sát này sẳn sàng
nhường phòng của ông ta để cho tôi ngủ. Ông ta thì ngủ ở ghế bố bên ngoài. Thật
ra tôi khoái giăng lều ngủ ngoài sân hơn nhưng do họ không biết tiếng Anh và
tôi lại sợ khỉ xuống xé lều nên dù thấy áy náy tôi cũng thây kệ luôn.
Người cảnh sát đi mô tô và người
cảnh sát trong tòa nhà điện thoại cho một cô cảnh sát trưởng của nữ từ trên lầu
xuống để giới thiệu sự có mặt của tôi. Họ kể lại chuyện tôi đòi quay lại chửi
cảnh sát đến chuyện bị khỉ xé túi rồi cười hí hố. Cô cảnh sát hỏi sao không ở
khách sạn. Người cảnh sát đi mô tô bảo ngủ đây cho an toàn. Cô cảnh sát hỏi tôi
có muốn ăn uống gì không. Tôi bảo mệt quá nên không muốn ăn chỉ muốn ngủ. Ôi mẹ
ơi, tôi nghe hiểu được tiếng Hindi luôn nè!!!!!!!!!!!!!!!! Cô cảnh sát hỏi tôi
hôm sau đi à. Tôi bảo hôm sau đi Kushinagar chứ ở đây làm chi???????????
Cuối cùng tay cảnh sát đi mô tô
bàn giao tôi xong thì ra về. Tôi được chỉ cho phòng tắm và toilet. Thật không
hiểu nỗi là tầng trệt chỉ có hai người cảnh sát là một nam một nữ, vậy mà họ đi
cầu lại không dội, thúi không chịu nỗi; họ không dội thì sau đó lại đi cũng
phải dội chứ, vậy sao không dội ngay từ đầu để ngửi cho đã vậy ta??? Phong cách
Ấn thật không hiểu nỗi.
Tắm rửa xong tôi phải hứng nước sang
dội toilet cho họ, thật là không hiểu nỗi cái bọn Ấn này nghĩ gì?????????????
Tối ấy ngủ trong phòng muỗi cắn
quá trời. Tôi phải đổ cả chai xịt muỗi ra thoa như người ta thoa nước hoa chứ
không phải xịt. Chai này do mấy chị Phật tử ở Chùa Độ Sanh ở Bồ Đề Đạo Tràng
cho lại trước khi về nước. Muỗi Việt Nam khác muỗi Ấn hay sao ấy mà tụi
nó vẫn cứ bu tôi mà đốt. Cái mùng ở đây giăng ngộ quá, bốn góc được cột vào bốn
cái cây tre mà không có chỗ nào để cắm cây tre nên tôi cứ dựng lên là rớt xuống
mãi, bỏ mùng ra không giăng nữa thì muỗi lại đốt. Cuối cùng tôi phải lấy mùng
đắp lên trên rồi chui vào, như thế đỡ bị đốt hơn. Điện thì lúc có lúc không.
Lúc có thì không sao, lúc không thì nóng quá lại không ngủ được. Vừa nóng vừa
bị muỗi đốt. Ôi cực hình!!!!!! Tóm lại cả đêm chả ngủ nghê gì cả.
|
Căn phòng cảnh sát mà tôi tá túc một đêm. |
Mới hừng sáng qua song sắt cửa
sổ, tôi đã thấy đại gia đình khỉ bám víu nhau leo xuống bờ tường. Ôi nào là khỉ
cụ, khỉ ông, khỉ bố, khỉ mẹ bồng bế nhau mà leo xuống. Tôi nghe tiếng người
cảnh sát thức dậy bên ngoài, nghĩ bụng có khi ông ta cần thay đồng phục nên tôi
cũng dậy thu dọn đồ đạc.
Ngoài người nam cảnh sát nghỉ
trên ghế bố còn có một cô cảnh sát ngủ trên ghế trong phòng làm việc. Không
hiểu là do cô ta đang trực hay do họ nhường phòng cho tôi mà ngủ thế. Mà chả lẽ
họ ngủ chung phòng sao?????????????? Sáng sớm tôi đã nghe tiếng cô ta nói qua
bộ đàm nên chắc có lẽ là cô ta trực đêm.
|
Viên cảnh sát nhường phòng cho tôi và ngủ trên ghế bên ngoài; cô cảnh sát ngủ cả đêm trong phòng làm việc bên cạnh. |
Sắp xếp xong xuôi tôi chia tay họ
và lên đường. Thường mấy bãi rác ở Ấn độ, tôi hay thấy bò hay dê bu lại kiếm
ăn, chỉ có duy nhất ở Ghazipur này là tôi thấy hàng đàn khỉ bu lại kiếm ăn quanh
bãi rác thôi. Định bụng lấy máy ảnh chụp cảnh tượng hiếm có này nhưng sợ bị
chúng giật máy nên đành thôi vậy.
Người cảnh sát trong đồn chỉ
đường tôi thật cẩn thận; tôi nhờ ông ta viết bằng tiếng Hindi ra tờ giấy để đảm
bảo không đi nhầm đường nữa. Cũng quay về ngã ba, rồi rẽ trái, rồi đến ngã ba,
rồi rẽ phải, băng qua đường ray. Nóng mặt rồi nghen, chẳng lẽ quay lại chỗ cũ
sao????????????????? Băng qua đường ray chạy thẳng đến một ngã ba mà tối hôm
qua tôi chạy thẳng, tôi dừng lại hỏi thăm thì ra không phải chạy thẳng mà rẽ
trái vào quốc lộ 29. Àh bây giờ thì tôi ngộ ra rồi, không phải hôm qua tay cảnh
sát kia chỉ sai đường mà do hắn quên là có một ngã ba nữa và phải rẽ trái. Thế
đó, chỉ quên một tí mà biến tôi thành Chí Phèo luôn vậy ấy.
Kỳ sau: Đạp xe từ Sarnath đến Kushinagar (Phần 2): Đạo Phật chỉ có 3 chú khỉ: không nghe, không nói, không nhìn nhưng Ấn độ có đến bốn chú khỉ; thêm chú khỉ nào nữa đấy nhỉ???????????
Hành trình đi bụi của bạn thú vị thiệt đó. Biết thêm những nơi mới, wen những ngừơi bạn mới. Mình cũng mới đi Miến về, mặc dù ko bụi được như bạn nhưng cũng rất thú vị. Nhớ nhất là cảnh muốn đi toilet mà nói hòai (bằng tiếng Anh) mà lơ xe hok hỉu, nghĩ lại giờ còn thấy mắc cười. Cuối cùng cũng rút ra được kinh nghiệm là đi wa 1 nước lạ, phải học câu "Toilet ở đâu ?" bằng tiếng bản xứ.... Dự định đầu năm sau sẽ đi bụi ở Thái. Cám ơn bạn đã tăng động lực cho mình. Trước giờ thèm đi bụi lắm nhưng sợ nguy hiểm. Giờ thì he he he ...
Trả lờiXóaChỉ cho bạn một bí quyết khác nè! Muốn đi toilet hả, làm tư thế ngồi xổm xuống, tay chỉ vào cái ấy và miệng thì xè xè xè xè xè, thiên hạ hiểu tuốt. Chiêu này học được của bà người Úc đấy!
XóaTrời, phải bắt chước tài ăn vạ của chị trước khi em đi ấn thôi. Công nhận lợi hại thiệt.
Trả lờiXóaChiêu ăn vạ thì vô cùng dễ dàng cho phụ nữ đi một mình còn nam giới thì không biết có hiệu nghiệm không? Coi chừng bị sưng mỏ ấy.
XóaHa ha, càng đi "bụi" càng "giang hồ"!
Trả lờiXóa