(Nghe nói rằng thường chó nuôi
trong nhà là người thân mình như ông/bà, cha mẹ, cô chú bác hay anh chị em chết
nhưng do còn dính mắc với mình nhưng không đủ phước báo làm người nên đầu thai
làm chó. Do đó, nên đối xử tốt với chó nói riêng và những con vật được nuôi/đẻ
trong gia đình mình nghen mọi người!)
Chú chó chuyên
trộm thịt lợn, mang về cho chủ nghèo ở Thanh Hóa
Xem nguồn bài viết ở đây
Chó mèo đi
trộm thức ăn rồi ăn vụng được xem là việc rất đỗi bình thường nhưng một chú chó
vẫn thường chạy một đoạn đường gần 1 cây số lên xóm chợ trộm thịt mang về nhà
cho ông chủ nghèo thì có thể coi là chuyện xưa nay hiếm.
Về làng Xa Lý (xã Thăng Bình, Nông Cống,
Thanh Hóa), hỏi thăm nhà anh Công (tên đầy đủ là Vũ Hữu Công) thì ai cũng rành.
Họ tường tận nhà anh không phải vì hoàn cảnh gia đình anh được xếp vào diện
"khó khăn có tiếng" mà vì nhà anh có nuôi một con chó hơi khác
thường. Và theo nhận xét hài hước của một số người dân sống tại vùng này thì
đấy là một con chó có khả năng "thông hiểu" gia cảnh khốn khó của chủ
nhà.
Con chó được chủ nhà đặt tên là Míc và là
giống chó lai béc-giê. Thông thường, khi chó nhà đi "trộm" được đồ ăn
thức uống thì chúng thường ăn ngay tại trận hoặc tha lôi tới một nơi vắng vẻ và
tự thưởng thức "chiến lợi phẩm". Và riêng đối với giống chó béc-giê
thì thịt tươi luôn là một trong những món yêu thích trong khẩu phần ăn của
chúng. Tuy nhiên, trường hợp chú chó nhà anh Công thì hoàn toàn khác vì chú
trộm đồ ăn không phải để giải quyết vấn đề cho cái dạ dày của mình. Những miếng
thịt lợn tươi "thó" được tại các cửa hàng thịt ở xóm chợ luôn được
chú kẹp chặt giữa hai hàm răng sắc nhọn, chạy bộ trên đoạn đường gần 1 cây số
và mang về tận nhà cho chủ.
Chị Sơn (42 tuổi, ở thôn Thái Giai, xã Thăng
Bình) - một người bán thịt lợn lâu năm tại khu chợ vùng này cho biết, có một
bữa, vào khoảng 8h30, chợ quê đã vãn nhưng quầy hàng của chị vẫn chưa bán hết,
vẫn còn 5 miếng thịt tươi (khoảng hơn 4kg) và chị đem bày gọn ghẽ trên bàn, hy
vọng có khách "nhỡ chợ" (người đi chợ trưa) ghé mua. Lúc ấy, trong
chợ chỉ còn khoảng hơn hai chục người ở các quầy hàng xén, đồ tre đan, hàng đồ
khô... và ở góc chợ là mấy con chó đang sục sạo lục lọi các đống rác sau phiên
chợ sáng.
"Tôi mải cúi xuống đếm lại số tiền bán
thịt của buổi chợ, đến lúc ngẩng lên thì phát hiện thịt trên bàn đã bị mất đi
một miếng tầm 0,6 kg. Tôi dáo dác nhìn quanh, thấy mấy người các quầy hàng khác
đang lục tục dọn đồ ra về. Phía góc chợ, mấy con chó vẫn đang tìm thức ăn và
cắn nhau ăng ẳng. Tôi lấy làm lạ vì nếu có người đi lại chỗ quầy hàng của mình thì
chắc chắn tôi đã trông thấy vì ở gian hàng này, tầm nhìn không bị che lấp. Còn
bầy chó nãy giờ vẫn kiếm ăn ở một góc. Tôi không có cảm giác tiếc miếng thịt mà
chỉ thấy khó hiểu vì không biết nó đã biến mất như thế nào trong khi mình vẫn
còn trông hàng. Tuy vậy, tôi định bụng giấu kín những băn khoăn đó, vì sợ nếu
kể ra chuyện này, có thể nhiều người sẽ cho rằng mình nói nhảm giữa ban
ngày" - chị Sơn cho biết.
Theo lời của chị Sơn, sau vụ mất trộm thịt
khó hiểu xảy ra ở quầy của chị mấy ngày thì việc tương tự lại lặp lại ở quầy
thịt bên cạnh. Hôm đó, cũng vào thời điểm chợ chuẩn bị tan, chủ quầy tên Mỳ
phàn nàn không hiểu một miếng thịt lợn trên quầy hàng của chị vừa bị ai đó
"thó" một cách khó hiểu. Thời điểm ấy, chị Mỳ đang đứng trông hàng và
khẳng định không có người nào đi vào quầy.
Nhân việc mất thịt lợn ở quầy hàng chị Mỳ, chị
Sơn mới đem chuyện đã từng xảy ra ở cửa hàng của mình kể với mọi người trong
khu chợ vì lúc ấy chị mới dám tin rằng, đúng là có một tay trộm nào đó đang
hành tẩu ở khu chợ này. Có điều, hình dung của kẻ này không một ai biết vì
"hắn" đi không ai biết, đến cũng chẳng ai hay, và thịt lợn vẫn biến
mất một cách khó hiểu.
Có lẽ ít ai có thể ngờ thủ phạm đánh cắp thịt
lợn ở khu chợ lại có thể là con chó Míc bản thân người chủ của Míc cũng không
ngờ hai miếng thịt nó mang về nhà lại có thể là đồ đi trộm.
Theo lời kể của anh Công, trong "phi
vụ" đầu tiên, Míc mang về nhà một miếng thịt lợn khá lớn (sau này mới biết
đó là thịt của quầy hàng chị Sơn). Sáng hôm đó, khi anh đang dọn chuồng gà phía
sau nhà thì nghe thấy tiếng Míc sủa liên hồi ở gian bếp. “Nghĩ là có người lạ
vào nhà, tôi vội vòng qua sân giếng rửa chân tay rồi ra xem. Nhìn quanh không
thấy ai, tôi toan quay vào thì Míc chạy tới cắn cắn nhẹ vào tay tôi, mũi hít
hít và sau đó lại sủa lên, dùng miệng cắn tay áo tôi dẫn tôi đi vào gian bếp.
Vào đến giữa bếp, tôi ngạc nhiên khi trông
thấy ở giữa gian bếp là một miếng thịt lợn nằm trên nền đất. Vì sáng đó nhà tôi
không đi chợ nên tôi đoán có thể là thịt lợn của nhà hàng xóm, không treo đậy
cẩn thận nên bị chó tha. Hỏi mấy gia đình xung quanh về chủ nhân miếng thịt lợn
ấy nhưng không nhà nào nhận. Cộng thêm việc trên miếng thịt có dính một ít cát
nên lúc ấy tôi nghĩ chắc có người nào đó đi mua thịt về làm thức ăn nhưng giữa
đường lại vô ý đánh rơi, con Míc nhặt được nên tha về nhà. Thịt dính cát rất
bẩn nên tôi mang chỗ thịt ấy đem nấu cháo cho bầy chó con.
Đến lần thứ hai, khi tôi đang ngồi chẻ tre
trước cửa nhà thì thấy Míc từ đâu chạy về, hai hàm răng quặp chặt miếng thịt và
chạy thẳng vào gian bếp. Sau khi thả miếng thịt xuống đất, nó cũng sủa váng
lên. Tôi đi vào thì thấy nó đứng bên cạnh miếng thịt, mũi chúi xuống hít hít
rồi lại ngẩng lên nhìn tôi.
Tôi quan sát thì thấy miếng thịt đó không bị
dính bẩn đất cát như lần trước. Nghĩ con chó nhà mình tự dưng lại có thói quen
tha lôi đồ nhà người khác về nhà, tôi nạt nó, rồi sau đó xách miếng thịt đi một
vòng hỏi xóm giềng chung quanh xem có nhà nào bị mất thịt lợn không. Tuy nhiên,
cũng như lần trước, miếng thịt vẫn vô chủ.
Tôi mang thịt về nhà mà tần ngần không biết
nên xử trí nào. Nhìn con chó, tôi nạt: "Mày cắp ở đâu đấy hả Míc!".
Míc nhìn tôi, ngoẹo đầu ngoẹo cổ, ngoe ngẩy đuôi rồi cứ ư ử, xoắn xuýt ở bên cạnh"
- Anh Công kể lại.
Không tìm ra chủ của miếng thịt lợn nên vợ
anh Công (chị Nga) đành đem thịt nấu cháo cho chó con như lần trước. Lúc đó,
gia đình anh chưa hề nghĩ tới việc có thể con Míc đánh cắp thịt ở ngoài xóm chợ
mang về nhà vì đoạn đường từ nhà anh tới chợ cũng gần 1 cây số, hơn nữa, theo
lời anh kể thì Míc thường quanh quẩn ở khu vực gần nhà, ít khi đi đâu quá xa.
Tuy nhiên, theo anh Công, vợ chồng anh thấy mọi việc bắt đầu khó hiểu.
Anh Công - người chủ nghèo của con chó Míc (Ảnh: Vũ Đậu).
Và rồi con Míc “đi đêm lắm cũng gặp ma”. Một
bữa nọ, cũng vào thời điểm chợ chuẩn bị tan, nó bị một người đi chợ trưa là ông
Vũ Hữu Bảo (56 tuổi, sống ở khu vực này) phát hiện nó “thó” thịt của một quầy.
“Thấy lạ vì nó không ăn ngấu nghiến tại trận mà dùng răng kẹp chặt thịt rồi
chạy thẳng nên tôi đã đi xe máy theo dõi nó. Chạy theo được gần 1 cây số từ chỗ
chợ, tôi thấy nó rẽ vào một con ngõ dài rồi mất hút” – ông Bảo cho hay.
Biết ngõ đó là vào nhà anh Công nên ông này
đã vào tận nhà hỏi thăm gia chủ về con chó đó, đồng thời kể lại sự việc hết sức
ngạc nhiên mà mình vừa chứng kiến. Sau khi nghe chuyện của người kia, anh Công
lờ mờ đoán ra sự việc.
Sau khi người khách bất đắc dĩ ra về, anh
Công lớn tiếng gọi con chó nhưng nó đã lủi đâu mất tăm. Anh đi vòng xuống bếp,
thấy “tang vật” là một miếng thịt lợn khoảng hơn 5 lạng nằm chỏng chơ trên nền
nhà. “Tôi tức phát điên vì không hiểu sao nó bỗng dưng có thói quen ăn cắp vặt
của người ta vì trước nay nó là con chó rất ngoan, không tha lôi hay cắn đồ bậy
bạ. Ngay cả hàng xóm chung quanh nuôi gà, vịt con đầy vườn cũng chưa bao giờ bị
nó cắp trộm” – chủ của Míc kể lại.
Theo lời anh Công, khoảng 20 phút sau khi chủ
gọi khản cả cổ, con Míc không biết từ đâu đi lủi vào trong sân. Anh giận quá,
lấy gậy đập vào lưng nó tới tấp, đồng thời, miệng không ngừng chửi rủa chuyện
trộm cắp nó đã làm ở xóm chợ. Tuy nhiên, điều lạ là nó đứng yên cho chủ đánh
đòn thay vì bỏ chạy như nhiều con chó khác.
“Bốn chân nó đứng nguyên tại chỗ, đầu hết cúi
xuống chịu trận rồi lại ngẩng lên nhìn tôi. Nó không bỏ chạy, không kêu rên, giữ
nguyên thế tấn và hứng chịu những cái vụt tới tấp trong cơn bức xúc của tôi.
Đến khi tôi thấy tay mình không vung lên được nữa, tôi ngồi bệt xuống bậc thềm,
đầu óc hơi hỗn loạn. Trên hai hốc mắt con Míc lúc đó ướt hai hàng lệ. Bất giác,
tôi chạy tới ôm lấy đầu nó, ân hận vì mình đánh nó quá tay. Lúc ấy, nó mới thay
đổi thế đứng, dụi đầu vào lòng, vào ngực tôi và bắt đầu rên lên ư ử. Tôi mường
tượng cảnh nó muốn giải thích với tôi về việc nó làm nhưng nó không có ngôn ngữ
để diễn tả. Vậy là một chủ, một chó ôm nhau khóc giữa sân”.
Sau màn trừng phạt con Míc một cách mạnh tay,
anh Công gói lại miếng thịt lợn và đạp xe ngược lên xóm chợ. Lúc tới nơi, chợ
vắng, chỉ còn hơn chục người hàng xén đang dọn hàng. Anh hỏi họ ở chợ hôm nay
có hàng nào bị mất thịt lợn không nhưng những câu trả lời “cũng không để ý” của
mấy người kia khiến anh lại phải đem miếng thịt về.
Về tới nhà, một bên là chủ, một bên là con
chó và ở giữa là miếng thịt trộm cắp, anh Công mắng Míc là đã gây ra tội lớn vì
nó đã vô tình làm cho chủ nhân bị mang tai mang tiếng. Nó ngồi chống hai chân
trước, đầu hơi cúi, điệu bộ giống như đang “lĩnh hội” toàn bộ lời trách mắng
của chủ.
Sau khi chuyện anh Công đánh mắng con Míc vì trộm
thịt lợn đến tai mấy người hàng xóm thì sáng hôm sau, gần như cả chợ đều biết
chuyện. Mấy người bán thịt thì không khỏi bất ngờ vì thủ phạm trộm thịt tưởng
như “vô hình vô dạng” lại là một con chó nuôi. Nghe chuyện nó mang thịt về tận
nhà cho ông chủ nghèo, mọi người không thấy tiếc vì mất của mà chỉ thấy phục nó
vì biết thương gia cảnh khốn khó của chủ.
Anh Công phân trần, nếu người ta cảm thông
thì sẽ nghĩ chuyện xảy ra chỉ là do thói quen tha lôi đồ của chó mèo. Nhưng anh
sợ có người lại cho rằng, chó được chủ “dạy” cho thói tắt mắt, thó đồ nên mới
có thể mang đồ từ chỗ trộm chạy gần 1 cây số về nhà. Vì vậy, để tránh chuyện ì
xèo, điều qua tiếng lại, từ bữa đó, mỗi buổi sáng, anh cẩn thận xích con Míc
lại, tầm trưa, khi chợ đã tan, anh mới cho nó được tự do. Xích được năm hôm,
anh thấy con chó lầm lì hẳn đi. Nó nằm nguyên một chỗ, chẳng ầm ừ gì. Thấy
thương, anh lại tháo xích ra và không quên “dằn mặt” nó nếu để anh thấy chuyện
cũ lặp lại.
Dường như nó là con chó hiểu chuyện nên sau
khi nghe chủ mắng mỏ, từ dạo đó, nó chỉ quanh quẩn ở nhà. Buổi sáng, nó theo
anh Công ra khu chuồng gà phía sau nhà. Trong khi anh cho gà ăn, dọn dẹp thì nó
chạy quanh, tỏ vẻ xoắn xuýt lắm. Sau khi xong việc, vào nhà thì nó thơ thẩn
trước thềm, trông nhà và thi thoảng lại đến nằm dụi trong lòng anh những khi
anh ngồi chẻ tre, vót nan hay thái rau chuối.
“Nghĩ lại những trận đòn đã vụt vào thân nó
“thừa sống thiếu chết” hôm phát hiện nó ăn cắp, tôi cũng ân hận lắm vì mình hơi
quá tay. Nghĩ lại, nó đều vì chủ của mình chứ đâu phải trộm cắp để thỏa mãn cái
dạ dày của nó. Khi biết chủ không đồng tình, nó đã từ bỏ chuyện đó và trở lại
rất ngoan ngoãn. Có một con chó biết thương chủ nhà như vậy, tôi cũng thấy hạnh
phúc lắm. Đối với gia đình tôi, Míc giống như một thành viên, như một người bạn
vì tôi biết, đôi khi, nó có thể thông hiểu chủ của mình nhưng có điều Míc hiểu
trong im lặng, không cần thành lời” – anh Công chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét