CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Lại trở về Trung Quốc (19): Đạp xe từ Lijiang (Lệ Giang) đến Dali (Đại Lý)

Kỳ trước: Lại trở về Trung Quốc (18): Đạp xe từ Zhongdian/Shangri La đến Lijiang (Lệ Giang)

Bên trong khu phố cổ ở Lijiang không được phép chạy xe nên tôi dẫn bộ ra đến cổng thì dừng lại hỏi bảo vệ đi Dali thì đi hướng nào. Anh ta trước khi chỉ đường, hỏi tôi: muốn đi Dali bằng chiếc xe đạp này à? Tôi nói dĩ nhiên rồi. Nhìn vẻ mặt của anh ta tôi đoán chắc anh ta nghĩ rằng tôi bị khùng (hehehe). Trên đường đi tôi đạp xe ngang qua khu chợ (cũng rất gần khu phố cổ mà sao trước đây tôi không thấy nhỉ?) và vừa đi vừa hỏi đường. Kinh nghiệm của tôi khi hỏi đường ở Trung Quốc là cứ tìm đàn ông mà hỏi, nếu hỏi phụ nữ thì hoặc họ không biết hoặc họ cũng chỉ nhưng là chỉ đường vào bến xe mua vé xe buýt ấy. Bực mình ghê bởi vì phải đạp xe lên xuống dốc ấy.

Tôi hỏi đường cũng gần chục người thì tìm ra được hướng đi Dali (đến lúc ấy mới thấy bảng hướng dẫn). Khoảng 8 cây số đầu, đường nhựa đẹp đẽ có lối cho xe đạp.

Tuy nhiên người dân đang thu hoạch bắp/ngô nên họ đổ cả lên lối dành cho xe đạp. Tôi phải vừa chạy vừa tin tin (bằng miệng, chứ xe tôi làm gì có kèn) cho họ tránh đường. Ai nhìn thấy cái dù màu hồng của tôi cũng gọi nhau í ới để cùng nhìn và cùng cười. Vui ghê! Ở phía bắc Vân Nam (Yunnan) cán cắm dù không thấy nơi nào bán nên tôi đi đến đâu cũng thành nhân vật đặc biệt bởi vì mang lại tiếng cười cho mọi người. Nếu biết trước tôi mua vài chục cái mang về đây bán rồi. Chị chủ nhà của tôi ở Lijiang cứ xăm xoi xe tôi mãi cũng vì cái dù này. Chị ta nói ý tưởng thật hay! Tức ghê, nếu biết trước tôi mang về bán lại ăn lời rồi đấy.

Chạy một lúc thì trời đổ mưa. Mới đầu mưa nhỏ nên tôi mặc một cái áo mưa, sau mưa lớn tôi phải trùm hai cái cho chắc ăn. Hành lý của tôi cho vào bao ny lông cột lại hết. Mưa cứ lúc to lúc nhỏ, lúc tạnh một lát thì lại mưa tiếp, cứ rả rích như thế. Tôi có cái dù hồng che trên đầu nên không phải vừa đạp xe vừa vuốt nước mưa trên mặt, và nhờ cái dù mà mưa dù to cỡ nào cũng không thấm được vào bên trong cổ áo nên tôi cứ tha thẩn vừa đạp xe vừa ngắm cảnh. Ở đây phong cảnh lại giống ở Việt Nam rồi, nghĩa là ruộng lúa gạo không phải là lúa mạch hay lúa mì nữa. Tôi cứ đi như thế trong sự ghen tị của người dân địa phương (với cái dù hồng trên đầu của tôi) và của các du khách đang bị “nhốt” trong xe buýt (chắc họ nhìn tôi “thương hại” vì phải đạp xe dưới trời mưa.) Vừa đạp xe tôi vừa tận hưởng từng giây phút và cảm thấy yêu làm sao cuộc sống đi bụi bằng xe đạp này.



Tôi ghé vào một ngôi làng. Ở đây người dân vẫn đội nón mây rộng vành và khoác áo tơi chứ họ không mặc áo mưa ny lông đâu. Tôi nói họ chả hiểu mà họ nói tôi cũng mù tịt dù là cùng nhau nói tiếng phổ thông đấy.

Tôi cứ đạp xe qua hết làng nọ đến làng kia với những con người ăn mặc cứ như trong phim ấy bởi vì họ là người Bai và người Hui mà. Và họ lại cũng nhìn tôi mà cười tủm tỉm chắc do cái dù và cái xe chất đầy hành lý của tôi. Tại hostel ở Lijiang chung phòng tôi là một cô gái đến từ Đài Loan. Cô gái này mua đủ thứ đồ nghề gồm xe đạp, ba lô,… với tổng tiền hơn 3 ngàn tệ để đạp xe đi Tây Tạng. Nhưng cuối cùng cô ta đổi ý không đi nữa và muốn bán xe trở lại cho tiệm Merida nhưng phải chịu lỗ 20%. Tôi thuyết phục mãi mà cô ta vẫn không dám đạp xe một mình đi Shangri La. Cô ấy bảo không dám đạp xe một mình và không can đảm như tôi dù cô ta nói tiếng Hoa rất tốt. Khi nhìn thấy đống hàng lý của tôi, cô ta tò mò không biết tôi chất hành lý lên xe như thế nào và nói lần đầu tiên thấy một người đi xe đạp với nhiều hành lý như thế. Thật ra không nhiều lắm nhưng do tôi mang theo nhiều thức ăn và nước uống nên trông hơi lỉnh kỉnh. Cô ta chụp hình tôi và chiếc xe để làm bằng chứng về khoe với bạn bè. Đồ nghề đi bụi của tôi có giá trị chỉ 1/8 đồ nghề của cô ta mà tôi còn dám đi, vậy mà cô ta không dám sau khi được trang bị đến tận răng như thế.

Vì vậy có một tay chuyên đi bụi bằng xe đạp nói rằng: Việc đi bụi bằng xe đạp không liên quan đến vấn đề sức mạnh thể chất hay khoảng cách địa lý hoặc địa hình mà đó là vấn đề của sức mạnh tinh thần. Tại sao ông ta phát biểu như thế? Bởi vì ở Trung Quốc có một người đàn ông cụt một tay và cụt một chân đi xe đạp từ Dalian đến Dali (khoảng cách 3 ngàn cây số) và ông ta đi như thế 3 lần chứ không chỉ 1 lần (ông ta mới mất ở Guangxi năm ngoái.) Chính người đàn ông cụt tay chân này tạo hứng cho tay đi bụi phát biểu câu trên đi bụi bằng xe đạp ấy. Khi chia tay, cô gái Đài Loan tặng tôi một dây cột hành lý có giá trị 59 tệ (trong khi dây tôi mua chỉ có 2 tệ nhưng hay bị giãn) và một số dây cột.

Tôi đạp xe được khoảng 50 cây số ra khỏi Lijiang thì trời sụp tối nên tôi tìm chỗ dựng lều hoặc chỗ trọ. Thấy phía trước có ánh đèn và vài quán ăn nên tôi tấp đại vào một nơi hỏi thăm. Họ bảo chỉ có bán thức ăn không có chỗ trọ. Họ nói tôi đi thêm 20 cây nữa thì sẽ vào thị trấn hoặc quay về thị trấn cách đó khoảng vài cây. Ngán phải lên xuống dốc nên tôi nói tối rằng không thấy đường chạy xe. Tôi hỏi họ chỗ để dựng lều. Họ chỉ tôi qua tòa nhà bên kia đường. Tôi đẩy xe vào một khoảng sân rộng và tìm người hỏi thăm thì một ông lão từ nhà hàng bên cạnh đi qua và nói tìm chỗ trọ à. Tôi nói phải. Ông ta nói phòng ở trên lầu. Tôi nói xe đạp để dưới được không. Ông ta bảo được. Khi tôi nói muốn xem phòng và hỏi giá. Ông ta bảo chỉ lấy 10 tệ thôi nên khỏi xem. Ông ta mở cửa một phòng để người ta vào chơi mạt chược và bảo tôi cho xe đạp vào đó.

Khi tôi đang loay hoay tháo hành lý thì ông ta hỏi một câu mà lần đầu tiên tôi nghe thấy từ một chủ nhà trọ ấy. Ông ta hỏi tôi sức khỏe thế nào, có tốt không, có chết bất đắc kỳ tử không (!!!) Tôi đang ngẩn người ra vì nghĩ rằng mình nghe nhầm thì ông ta mới bảo rằng có một tay cua rơ người Beijing chết ở đây rồi. Tôi hoảng hồn nói rằng tôi không muốn ở phòng ấy đâu thì ông ta nói người đó chết rồi. Ý tôi là không muốn ở phòng có người chết trong khi ông ta nghĩ tôi không muốn ở chung với anh chàng này. Tôi cũng không muốn đính chính vì không muốn biết anh ta chết ở phòng nào cho đỡ sợ.

Bỏ mặc tôi đứng dỡ hành lý, ông ta đi ra ngoài. Tôi khệ nệ khiêng hành lý đi lên cầu thang. Có hai phòng, một phòng ba giường và một phòng hai giường. Tôi mở đèn và cho hành lý vào phòng hai giường. Tôi lởn vởn ý nghĩ, có khi nào anh ta chết trong phòng này không nhỉ bởi vì anh ta cũng đi một mình thì khả năng ở trong phòng hai giường nhiều hơn ấy chứ. Nhưng chỉ trả có 10 tệ mà có phòng rộng rãi nên tôi cố dẹp bỏ ý nghĩ người chết ra một bên. Tôi đi xuống thang lấy một bình thủy nước nóng trong nhà hàng và nấu mì gói ăn.

Đây là một nơi không nằm trong trung tâm thị trấn thị xã nào hết nên tôi khởi động máy tính với ý nghĩ vẩn vơ rằng biết đâu có wifi. Quả là có wifi thật và lại không cần password. Thật không tin nổi là tôi chỉ trả có 10 tệ cho cả căn phòng rộng rãi với wifi.

Buổi tối tôi ngủ không ngon giấc lắm bởi vì sợ ma dù chả thấy con ma nào; ngoài ra các tài xế xe tải đến vào ban đêm nên đập vào cổng rào bên dưới ầm ầm để đánh thức chủ nhà dậy mở cửa cho họ vào thuê phòng. Tất cả bọn họ đều ở phòng dưới đất, chỉ một mình tôi ở trên lầu với ý nghĩ vẩn vơ biết đâu anh chàng Beijing kia chết trong phòng mình. Tôi chập chờn như thế đến sáng (chả thấy con ma nào) thì dậy nấu thức ăn sáng và trưa mang theo. Tôi nấu đơn giản lắm. Tôi nấu canh cà chua với trứng, ăn cùng bún gạo hoặc mì. Trưa tôi nấu canh khổ qua với nấm cũng ăn với mì (tôi không biết nấu cơm nếu không có nồi điện tự động đâu nhé! Vả lại tôi cũng không nghĩ có thể nấu được cơm với cái nồi của tôi nữa. Dễ khét lắm! Tôi toàn nấu canh hoặc luộc chứ chiên xào cũng chả dám.)

Xong xuôi, tôi chia tay ông lão chủ nhà. Ông ta hỏi tôi đi đâu. Tôi nói Dali. Ông ta nói có nhiều đèo lắm và có thể hôm sau tôi mới đến nơi. Nghe đến đèo dốc là tôi thấy hãi hùng. Quả thật như để chứng minh cho lời ông ta. Vừa ra khỏi cửa thả đèo xuống một tí là lại lên dốc và cứ thả một tí lại lên nên tôi đẩy xe mãi. Tôi lại cứ đi theo kiểu hễ lên dốc thì nhảy xuống đẩy xe lên, xuống dốc thì leo lên ngồi.



Tôi làm như thế cho đến một ngọn núi, chỉ toàn lên, đẩy đứt hơi mà chả thấy xuống dốc tẹo nào cả. Tôi đẩy bộ đến khi trời chạng vạng thì đi ngang một ngôi làng.


Nơi này có vài nhà nghỉ nhà trọ và nhà hàng, có vẻ khá nhộn nhịp. Tôi vào một nơi trong khá lãng mạn vì nhìn xuống đồi núi bên dưới để hỏi giá. Phòng từ 30-50 tệ. Chê đắt, tôi lại đi đến một nơi khác, phòng 50 tệ sau đó xuống giá 40. Thực ra nếu đi hai người thì chả đắt tí nào bởi vì những nơi này trông khá mới và sạch sẽ, lại nằm ngay triền núi nên có thể thấy làng mạc núi đồi bên dưới.

Tôi đẩy xe đi qua khỏi ngôi làng này. Lúc ấy trời tối thui. Nhìn thấy con đường dốc lên trước mặt, tôi hãi hùng nghĩ đến việc đẩy xe lên dốc ban đêm. Tôi đứng phân vân thì chợt thấy ánh đèn pin lấp loáng từ một ngôi nhà bên kia đường. Ngôi nhà nằm hơi khuất sau đường chính, nghĩ mình có thể cắm trại ở đây nên tôi đẩy xe qua đường. Tối thui. Tôi cầm đèn pin đứng tần ngần thì một người đàn ông soi đèn pin thẳng vào mặt tôi đi ra. Tôi nói tôi muốn cắm trại ở đây. Anh ta soi đèn khắp nơi và nói chỗ này có chỗ nào để cắm đâu (thực ra chỉ có dân chuyên đi cắm trại mới nhận diện ra nơi nào cắm được.)

Nghe câu trả lời của anh ta xong, tôi vẫn không bỏ đi mà đứng đó hoài dù anh ta đã bỏ vào trong. Một người đàn ông cõng hai cái bao nặng trĩu vào. Họ soi đèn pin và bật công tắc một cái máy nào đấy ầm ầm. Tôi nghĩ bụng sao họ không mở đèn mà dùng đèn pin, vả lại bây giờ là ban đêm là còn làm gì nữa, sao giống ăn trộm quá vậy. Tôi đẩy xe vào xem họ làm gì. Họ chả thèm để ý đến tôi nên tôi mặc nhiên đứng nhìn. Thì ra họ đang xay lúa. Cái máy này thật ngộ. Họ cho lúa vào lẫn cả rơm rạ, máy xay tất cả ra thành một thứ bột trắng mịn. Tôi soi đèn pin cho một người để đổ thứ bột trắng mịn đó vào bao. Cái đèn pin tôi mua với giá 25 tệ, nhỏ xíu nhưng cực sáng, trong khi cái đèn của họ to hơn gấp nhiều lần nhưng ánh sáng kém hơn. Họ hỏi tôi mua cái đèn ở đâu. Họ hỏi tôi ở đâu đến và đi một mình không sợ à?

Cuối cùng khi họ làm xong thì người đàn ông vác bao hai bột đã xay nhiễng ra sau khi trả 7 tệ (chỉ 7 tệ mà xay cả hai bao lúa thì quá rẻ rồi còn gì.) Tôi lại hỏi anh thanh niên chủ nhà một lần nữa là tôi muốn cắm trại ở đây. Anh ta hỏi tôi không sợ à. Tôi nói không và hỏi phải anh ta ngủ trong cái lều kia không. Anh ta nói phải (hình như anh ta đang xây nhà bởi tôi thấy gạch, xi măng bên ngoài). Anh ta bỏ đi đâu đó. Tôi soi đèn pin bắt đầu dỡ hành lý xuống chuẩn bị cắm trại. Tôi lấy rơm trong kho nhà anh ta ra lót một lớp dày dưới đất rồi mới dựng lều lên. Tôi không cần cho xe đạp vào lều mà khóa và xích xe vào một trong những cái máy trong nhà kho. Xong xuôi tôi lấy thức ăn ra ăn và bắt đầu ngủ. Quả là lớp rạ dưới lưng êm ái thật.

Càng về đêm thì trăng càng sáng và càng đẹp. Tôi tận hưởng một buổi tối tuyệt đẹp ngay triền núi với ánh trăng vàng trên đầu, con đường với xe tải chiếu đèn loang loáng xuyên qua các hàng cây bên ngòai, ruộng ngô ngay trước mặt. Quả là một đêm thanh bình. Tôi chợp mắt thì chợt tỉnh vì có cảm giác như có ai đó đang chạm vào một góc lều. Tôi nín thở nghe ngóng và vẫn thấy cảm giác ấy. Phải mất một hồi lâu tôi mới nhận ra ấy là tiếng gió. Do tôi cắm trại ngay trước nhà kho nên hầu như toàn bộ cái lều được cái nhà kho ấy chắn gió, duy chỉ có một góc lều nhô ra ngoài nên gió thổi vào. Nhìn qua lều, tôi thấy ánh trăng vàng vằng vặc sáng rực (dù trăng vẫn chưa tròn, do chưa đến rằm trung thu mà).Muốn ngắm cảnh lắm nhưng làm biếng ngồi dậy mở cửa lều nên tôi nằm ngủ luôn.
Bình minh.

Sáng tiếng chim hót líu lo đánh thức tôi dậy, tôi mở cửa lều và lấy thức ăn ra ăn sáng. Một phụ nữ đang nhổ cỏ ở cánh đồng ngô ngay trước mặt. Tôi vẫy tay chào bà tay, bà tay vẫy tay chào lại. Ăn xong tôi bắt đầu dọn dẹp và lên đường. Lại lên dốc, tôi đẩy xe đi trong một buổi sáng mát mẻ và vắng tiếng xe qua lại.

Tôi tranh thủ hít thở bầu không khí trong lành nơi đây. Lên dốc thêm một đoạn nữa thì xe bắt đầu xuống dốc. Đây là đoạn đường xuống núi nên xe lại cứ phăng phăng.
Xuống dốc.

Tôi đi ngang qua một doanh trại. Mấy anh lính nhìn tôi quá trời. Hai người lính đang gác đường cho xe qua lại. Tôi nỉ hao nỉ hào với họ. Họ cười và chào lại. Tôi phăng phăng vừa xuống núi vừa tranh thủ đứng lại chụp hình phong cảnh bên dưới.




Cuối cùng cũng xuống đến nơi. Tôi đạp xe một hồi thì đến một ngã ba mà ngay đầu đường đã có mũi tên chỉ đường đến West Lake Scenic Spot. Tôi quẹo xe vào xem sao. Lòng vòng hỏi thăm đường một hồi thì tôi mới tìm ra. Có một tòa nhà xây đẹp đẽ và xe của du khách đậu đầy.
Nơi bán vé.

Tôi vào, họ bảo tôi mua vé. Tôi cám ơn và đạp xe dọc theo con đường tráng xi măng đẹp đẽ ấy để ngắm cảnh hồ thật đẹp và miễn phí.






Tôi đi xuyên qua khu dân cư và họ lại nhìn tôi cười (chắc lại do cái dù). Cứ thấy cảnh hồ là tôi vào ngắm nghía. Dân ở đây chắc sống bằng nghề đánh cá trên hồ quá. Cái mái chèo của họ to như cái xẻng gỗ vậy đó. Nhìn cảnh họ vớt rong rêu, tôi nhớ đến Inlay Lake ở Myanmar quá. Nhưng ở đây họ không chèo bằng chân như ở Myanmar. Người dân ở đây mua nước uống từ một cái xe lưu động vừa chạy vừa phát loa cho họ ra mua. Chắc nước hồ là để giặt giũ còn nấu ăn họ phải mua nước, vậy là khu này chưa có nước máy sao ta?

Xe bán nước.




Khung cảnh thật thanh bình ngoại trừ tiếng loa văng vẳng lời của các hướng dẫn viên cho các du khách Trung Quốc.
Thuyền chở du khách.

Tôi nghĩ thật buồn cười. Tự nhiên leo lên xe buýt để được chở thẳng vào tòa nhà dành cho du khách để mua vé, trong khi tôi chỉ cần đi vào khu dân cư thì cũng ngắm được cảnh hồ y như họ mà có vé gì đâu. Xem mãi cũng chán nên tôi đi trở ra để đạp xe đến Dali, cách đó cũng khoảng 53 cây số.

Khu vực quanh Hồ Tây là làng của người Bai. Có chợ gần đó nên tôi vào mua lê và thức ăn, giá khá rẻ.

Tôi lại lên đường. Phải băng qua một cái dốc cao thì mới ra được con đường cao tốc (đang xây nên xe đạp được chạy). Do người địa phương chỉ nên tôi cứ đạp xe trên con đường đang xây này. Nhờ thế tôi có thể chụp toàn cảnh Erhai Hu (trong bài trước tôi nhầm, đó là Lashi Hu chứ không phải Erhai Hu).


Tôi đi mãi. Bây giờ tôi cứ thấy bao ny lông nào mới đẹp do du khách trên các xe buýt ném xuống bay lăn lóc trên đường thì nhặt để dành đựng đồ. Có khi thức ăn treo trên xe bị thủng bịch nên rơi hết, khi nhìn lại chỉ còn cái bao còn cái bên trong được rải dọc đường theo kiểu nàng Mỵ Nương rải áo lông ngỗng vậy đó. Ngoài ra ở các làng của người dân tộc, khi đi chợ, họ có cái địu tre trên lưng, mua gì cũng cho vào đó nên tôi mà không có thủ sẳn bao ny lông cũng chả biết đựng đồ như thế nào. Vì thế cứ thấy bao nào mới đẹp là tôi dừng xe nhặt ngay. Kiểu này chắc tôi phải làm thêm nghề nhặt bao ny lông và vỏ chai nhựa bán cho các vựa ve chai để có thu nhập luôn quá. Hoặc sắm một cục nam châm đi nhặt đinh (dù ở Trung Quốc không có nạn đinh tặc như ở Sài Gòn nên chả thấy ai làm việc này cả) về bán.

Còn khoảng 30 cây số nữa là đến Dali thì tôi băng xuống, xuyên qua một khu dân cư, người dân ngồi trước cửa nhà “tám,” mấy đứa con nít thấy tôi thì Hello om tỏi. Tôi chạy hết khu dân cư đến đường 214 và thẳng đường này thì cũng đến được Dali. Đi trên đường này vui hơn do đường nhỏ hơn nên gần gũi người dân hơn. Tôi vừa chạy vừa ngắm cảnh ruộng lúa bên dưới. Lúa chín vàng, hương thơm theo gió thổi vừa mát vừa thơm ngát. Cảnh y hệt như ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Thật ra thì phía nam Yunnan (Vân Nam) mang không khí Đông Nam Á hơn là phía bắc.

Dù chỉ dẫn ghi là 30 cây đến Dali nhưng phố cổ chỉ cách đó có 12 cây thôi, còn thành phố mới, cũng được gọi là Xiaguan mới cách đó 30 cây. Tôi thấy một cổng vào rất lớn và bên ngoài là bảng chỉ dẫn ghi phố cổ Dali. Tôi chạy vào, hỏi người dân mới biết đó là cổng bắc. Nơi này đang sửa chữa gì đó nên tôi phải vòng xe trở ra mà tìm một lối đi nhỏ để vào.


Kỳ sau: Lại trở về Trung Quốc (20): Dali (Đại Lý)- Tịnh dưỡng ở one of three best hostels in Asia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét