CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Lại trở về Trung Quốc (21): Đạp xe từ Dali đến Lincang

  Kỳ trước: Lại trở về Trung Quốc (20): Dali (Đại Lý)- Tịnh dưỡng ở one of three best hostels in Asia

Sau 6 đêm ở tại Jade Emu, tôi quyết định lên đường. Sáng hôm ấy, trời mưa. Mọi người bảo tôi ở lại thêm một ngày nữa nhưng tôi vẫn quyết định đi, trời mưa trời mát mẻ dễ chịu hơn mà. Lúc tôi bơm bánh xe chuẩn bị ba lô thì anh chàng nấu bếp chạy ra nói anh ta cũng muốn đạp xe đi đây đó nhưng không có thời gian; năm sau anh ta sẽ lên đường. Tiễn tôi ra tận cửa và phụ tôi cột hành lý gồm có chị bồi phòng, anh chàng bếp và anh chàng người Pháp ở chung dorm. Khi mọi người chia tay tôi xong và quay vào thì anh chàng người Úc, chủ nhà, ẳm con đi đến. Tôi cảm ơn anh ta vì đã thành lập một hostel quá tuyệt vời.

Từ Dali, tôi đạp xe theo đường lớn một tí rồi tìm lối rẽ xuống Erhai Hu (Hồ Vành Tai) để chụp hình. Tôi men theo một ngôi làng, gặp hai bà cụ, tôi hỏi đi thẳng có ra Erhai Hu không? Bà ta nói có. Đi hết đường xi măng, rồi đến đường đất, ngang những cánh đồng củ cải trắng và cà tím, lúc ấy người ta đang thu hoạch, tôi lại hỏi và họ lại chỉ tay về phía trước. Đi một hồi, chả thấy đường, mà cỏ lau mọc um tùm, tôi lại hỏi một cặp vợ chồng đang cho củ cải trắng vào bao. Họ bảo cứ đi thẳng về trước và họ hỏi tôi sao bên đường lớn không đi. Tôi nói không thấy con đường đó. Hết đạp được nên tôi đẩy xe đi qua con đường ngập cỏ lau, vừa đi vừa hồi hộp sợ gặp rắn và sợ gai nhọn đâm thủng vỏ xe. Vất vả đẩy xe vượt qua một nơi mà tôi biết có nên gọi là đường hay không, tôi lại ra con đường sỏi (mừng quá) và tôi lại đạp xe trên đường xi măng để ra hồ. Con đường dọc hồ tráng xi măng thật đẹp. Hồ lớn thật lớn và tôi tranh thủ vừa đạp xe vừa ngắm cảnh vừa chụp hình.



Tôi lại quay ra con đường lớn để đi Xiaguan (còn gọi là New Dali) bởi vì từ đây tôi mới đi Weishan được. Đến thành phố Xiaguan, tôi lại vừa đi vừa hỏi thăm đường. Nhiều người ở đây không nói tiếng Hoa phổ thông nên tôi “ni hao nỉ hào” gọi mãi họ chẳng thèm trả lời, vậy là tôi phải đi tìm ai biết Hoa mà hỏi đường. Kỳ lạ là Xiaguan không gần biên giới Myanmar lắm mà tôi thấy vài phụ nữ mặc longi của người Myanmar ấy. Chắc họ vượt biên giới Ruili (cách Dali khoảng 7-8 tiếng xe buýt) sang đây sinh sống quá.
Xiaguan chụp từ núi.

Xiaguan chụp từ núi.

Loay hoay hỏi đường đã đời thì tôi cũng lần mò ra được con đường 224 đi Weishan. 9 cây số đầu là lên dốc nên tôi đẩy xe, vừa đẩy vừa ngắm cảnh vì nghĩ vẩn vơ, sao mình không có cục nam châm để hít sắt nhỉ (bù lông con tán rơi đầy đường). Hết 9 cây số đầu thì xe bắt đầu xuống dốc 17 cây số. Khi xe ngang qua một cái cầu mà bên dưới là cảnh y như thảo nguyên, đồng cỏ xanh mướt, vài chú ngựa tha thẩn gặm, bóng núi in hẳn xuống dòng nước xanh biếc. Ngắm cảnh và chụp ảnh chán chê, tôi lên xe đạp 2-3 vòng thì một tờ 10 tệ nằm ngay trước mặt. Tôi giật mình khi thấy tờ tiền 10 tệ, nhưng sau đó thì nhặt lên (ngu sao không nhặt nhỉ) và lại đạp 2-3 vòng thì một tờ 1 tệ lại ở trước mặt. Hehehe vậy là tôi nhặt được 11 tệ rồi ấy nhé. Chắc ai đó nhét tiền vào túi, khi chạy gió thổi, rải tiền như khi tôi rải trái cây với cái bịch ny lông bị thủng đáy ấy.

Xuống dốc 17 cây thì đường bằng phẳng và tôi lại thong dong đạp xe. Hai bên đường là đồng lúa và khắp nơi là bù nhìn. Người dân sáng tạo ra đủ kiểu bù nhìn luôn ấy. Có con bù nhìn được gắn cho cái đòn gánh, có con chỉ có cái mũ chụp lên cái gậy, có con được chụp cho cái bịch mủ bột giặt lên đầu,….Ở đây tôi thấy nhà có vách bằng đất trộn rơm nữa đấy.


Tôi cứ thong thả đạp xe (đường xuống dốc nhẹ) và ngắm dân làng. Những quán ăn của người Hui thì được ghi bằng tiếng Hoa và tiếng Ả rập, ngoài ra ở một góc bảng hiệu là hình ngôi sao nằm trong vành trăng lưỡi liềm. Người dân ở đây chiếm dụng đường dành cho xe đạp để phơi bắp, phơi lúa, phơi đủ thứ nên tôi phải đạp xe ở đường dành cho xe lớn ấy.

Trời tối dần và tôi thả một con dốc thì vào đến Weishan (cách Dali 51 cây). Khi đến nơi thì khoảng 8h tối, tôi thấy ngay tại ngã tư là một nhà trọ, quẹo vào hỏi phòng thì chị chủ cho biết giá 25 tệ, tôi trả giá 20 tệ, không được. Thấy phòng ở ngay dưới đất nên tôi có thể đẩy xe đạp vào tận phòng nên tôi chấp nhận và nói rằng tôi là người nước ngoài. Chị chủ lại bắt đầu dở chiêu từ chối, nói không được. Lần này rút kinh nghiệm. Khi chị ta nói thế, tôi hỏi công an khu vực ở đâu, tôi sẽ đến đó trình hộ chiếu. Chị ta chỉ đường cho tôi và nói công an khu vực đồng ý thì chị ta sẽ chấp nhận. Chị ta đưa cho tôi danh thiếp của khách sạn mình để tôi trình cho công an biết tôi dự định ở đâu (nếu nơi nào không có danh thiếp thì các bạn nhờ họ ghi tên, địa chỉ và số điện thoại của họ ra tờ giấy, rồi cầm tờ giấy ấy lên công an.)

Tôi gửi xe đạp và đi bộ đến đồn công an. Khi đến nơi, họ đón tiếp tôi vui vẻ nhiệt tình. Khi biết tôi đang một mình đạp xe thì họ còn chúc tôi lên đường may mắn. Anh chàng công an phụ trách photo hộ chiếu, và làm tờ tạm trú cho tôi, xong họ trao cho tôi một bản và bảo quay lại chỗ ấy mà trọ.

TẠI TRUNG QUỐC, MUỐN Ở NƠI GIÁ RẺ THÌ CÁC BẠN SAU KHI THỎA THUẬN GIÁ CẢ VỚI CHỦ NHÀ THÌ CẦM HỘ CHIẾU VÀ ĐỊA CHỈ CỦA NƠI ẤY LÊN CÔNG AN KHU VỰC ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ. SAU ĐÓ CẦM TỜ ĐĂNG KÝ NÀY QUAY LẠI NƠI MUỐN TRỌ THÌ CHỦ TRỌ SẼ ĐỒNG Ý CHO BẠN Ở.

Vậy là tôi có phòng 2 giường mà ở, toi lét và nhà tắm bên ngoài. Phòng khá bí và có mùi thuốc lá của người ở trước nên tôi không thích nơi này lắm. Tôi hỏi chị chủ chủ nơi nào ăn cơm. Chị ta chỉ qua bên đường. Ở đó, tôi ăn món giống như cháo nấu với thịt heo nhưng rút hết nước nên chỉ còn cái ấy, giá 13 tệ, cũng khá ngon nhưng có điều hơi mặn. Ăn xong tôi về phòng ngủ. Lúc đầu hơi khó ngủ vì tiếng tivi bên ngoài khá lớn và lại có muỗi. Vậy là tôi cắm cái đồ đuổi muỗi mà tôi mang theo vào và đến khuya thì tivi tắt nên ngủ cũng tạm ổn.

Sáng tôi tranh thủ dậy sớm ra chợ mua đồ về nấu mang theo ăn và sẳn tham quan thành phố này luôn. Ở đây họ bán món giống như xôi của mình vậy đó ăn cùng dừa dạo, khi tôi hỏi giá thì chị bán bảo 1 viên 1 tệ, tôi không tin đây là giá địa phương nên bỏ đi và mua của một bà cụ giá 0.5 tệ/viên. Ở đây mì có giá 4 tệ/tô và có nơi bán hàng giống như món phở chửi ở Hà nội ấy. Người mua xếp hàng, người bán một người đứng trụng mì và cho vào tô, người mua tự nêm gia vị, một người bán khác cho thịt vào tô và thu tiền.

Loanh quanh một hồi thì tôi lọt vào khu phố cổ, đẹp thật và hầu như chả thấy du khách. Theo tôi phố cổ ở đây đẹp chả khác gì phố cổ ở Lijiang hay Dali nhưng ít du khách hơn nên dĩ nhiên thì ở đây sướng hơn, tha hồ tự do tự tại, mọi thứ rẻ hơn. Trước đây Weishan từng là trung tâm của đế chế Nanzhao với dân số là người Hui và người Yi. Muốn tìm hiểu nhà cổ theo tôi các bạn nên đến đây. Ở đây có khu chợ địa phương với món ăn sáng khá lạ lùng mà chỉ có giá 1.5 tệ. Món này hơi giống cháo đặc, ăn cùng bánh tráng và giò quẩy. Ngoài ra ở đây còn có các khu chợ khác bán đồ cũng tương đối rẻ.

Đặc biệt ở đây, tôi thấy vài người dân còn mặc áo dài bên trong, bên ngoài khoắc áo ngắn tay, giống hệt như trong phim cổ trang ấy. Tôi canh me chụp hình họ, trong khi có một anh chàng du khách người Hoa canh me chụp tôi cùng chiếc xe đạp.

Loay hoay nhìn ngó một hồi, tôi chả biết đường về khách sạn của mình. Tôi hỏi thăm tới lui đường 224 bởi khách sạn tôi nằm gần đây. Nhờ đó tôi biết rằng để đi Dali hoặc Nanjian có đến hai con đường, thứ nhất là đường 224, thứ hai là Donglu. Hình như ở đây đường 224 có tên khác nên tôi hỏi chả ai biết. Vì không đem theo danh thiếp của khách sạn nên tôi cũng không biết hỏi đường thế nào mà tôi lại chả nhớ nó nằm ở đường nào luôn. Khi ra khỏi khách sạn, tôi ỷ y thành phố này nhỏ chắc không lạc đường, vậy mà vẫn lạc.

Vậy là tôi cứ chạy tới lui một hồi thì ra đường Nanzhao Lu, thấy cảnh hơi quen nên tôi men theo đường này, vậy là ra khách sạn tôi ở, hú hồn! Kinh nghiệm cho các bạn là cứ ra đường thì cầm theo danh thiếp khách sạn dù thành phố ấy to hay nhỏ, nếu không muốn có một phen hú vía như tôi.

Tôi đạp xe dọc theo đường 224 để đi Nanjian (cách Weishan 40 cây). Đường bằng dù có khi hơi lên dốc một tí. Sau 10 cây số đầu thì đường bắt đầu quanh co qua những ngọn đồi với phong cảnh là đồng lúa đủ màu bên dưới, cảnh đẹp mê hồn, vừa có núi, vừa có lúa, vừa có sông, tất cả nguyện lại thành một bức tranh thủy mặc nhìn mãi mà không chán.

Ở đây người dân đang gặt lúa và họ đập lúa vào một cái rổ mây thật to, to như một cái thuyền thúng ấy. Họ dùng tay quật từng bó lúa nhỏ vào rổ mây. Khi rổ đầy thì đổ vào bao rồi lại tiếp tục đập lúa như thế. Thật ngộ!

Từ Weishan đến Nanjian đi theo đường 224 thật thoải mái, vừa được ngắm cảnh đẹp mà đường lại xuống dốc. Sướng ghê! Tôi lại thấy yêu cuộc đời đạp xe này quá!

Khi đến Nanjian thì đã 5h chiều. Thành phố này chả có gì xem nên tôi đạp xe dọc theo đường 214 đi tiếp Lincang. Vừa ra khỏi Nanjian thì đường toàn là lên dốc, chỉ lên dốc nhẹ nhưng gió ngược chiều nên tôi đẩy bộ. Tôi đẩy được 10 cây số, vừa đi vừa xem người dân gặt và đập lúa vào cái rổ mây. Khoảng 7h chiều thì tôi đi ngang qua một cái cầu, cánh đồng cỏ bên dưới xanh mượt thật quyến rũ nên tôi quyết định dừng lại hạ trại. Tuy nhiên xem xét một hồi thì tôi lên phía trên một tí, hơi khuất và xa đường cái cho đỡ tiếng xe. Vậy là vì đồng cỏ lãng mạn ấy mà tôi dừng nhưng tôi lại không dựng trại trên cánh đồng ấy mà lên chỗ gồ ghề hơi, hơi khuất cho an toàn.

Dù 7h tối nhưng trời vẫn sáng nên tôi không dựng trại ngay mà đi chặt các nhánh cây dại lót ổ nằm cho đỡ gồ ghề. Tôi ngồi chặt đến khi trời sụp tối thì hạ trại, ngủ cũng không tệ, hơi ngon giấc ấy, tôi nằm mơ thấy cả Quan Âm Bồ Tát ấy. Buồn cười là khi phát hiện ra Quan Âm, tôi giơ máy ảnh ra định chụp hình (!!!), Quan Âm lắc đầu không cho chụp (cái này chắc do tôi bị ám ảnh do bị chụp hình miết đây mà.)

Gần sáng, trời mưa nhỏ nên tôi không vội dở trại mà ngồi chờ cho lều ráo nước, trong lúc ấy thì tôi tranh thủ mở máy tính ra viết bài được đến đây.

Tôi lại tiếp tục đẩy xe lên dốc, oái ăm là khi xe xuống dốc thì gió thuận chiều mà khi lên dốc lại gió ngược chiều, đi bộ không đã mệt huống chi là đạp xe các bạn nhỉ? Vậy là cứ tha thẩn mà đi hơn 10 cây số nữa thì đến một khu du lịch có tên là Mute Garden Phoenix Scenic Spot (đọc xong chả hiểu đây là cái gì, muốn vào đây thì phải lên núi nên tôi không vào) được ghi bốn thứ tiến Hoa, Anh, Hàn, Nhật. Tôi lại đẩy xe thì đến một đường hầm có chiều dài hơn 2.5 km. Tôi lấy đèn pin ra chuẩn bị vượt đường hầm. Tôi nhấc xe lên lề mà đi. Ít có ai đi trên lề nên lề cũng khá nguy hiểm do hay có ổ gà và có khi một nắp đậy bị bật ra và lại hay trơn trợt, tôi vừa đi vừa cảnh giác được khoảng 500m thì phát hiện đường hầm này xuống dốc, vậy là lên xe vi vu ra ngoài. Từ đó cho đến khoảng 20 cây số sau, xe toàn xuống dốc nên tôi cứ ngồi vi vút.

Lại đến một cái cầu nước bên dưới xanh biếc, bóng núi in xuống thật đẹp, phong cảnh nơi đây quá hữu tình. Qua khỏi đường hầm ngắn tôi dừng lại ăn món bánh đúc với giá 3 tệ (tôi chắc đây không phải là giá địa phương), tôi gặp một gia đình người Kunming vừa từ Lincang trở về, lại hỏi những câu cũ rít như từ đâu đến, muốn đi đâu, và lại “gan li,” “li hai,…” mấy cái này nghe riết nên chán rồi.

Nhìn thấy một ngôi làng nằm bên dưới núi ngay cạnh khung cảnh hữu tình nên tôi hỏi mấy người bán thì họ bảo xuống núi thì có nhà trọ. Ngán cảnh đẩy xe xuống rồi lại đẩy lên để tiếp tục con đường 214, tôi ngán ngẩm nên đẩy đi. Một người bán tặng tôi một trái ổi xẻ (chỉ có ở đây, tôi mới thấy loại trái cây quen thuộc này mà thôi.) Tôi đẩy bộ, vừa đi vừa chụp hình và ngắm cảnh bức tranh thủy mặc bên dưới. Ngang qua một nhà trọ nằm ở vị trí chiến lược vô cùng-từ đây có thể nhìn toàn cảnh bên dưới, tôi đẩy xe qua khỏi và leo lên một khúc cua thì ngang một ngôi nhà có một phụ nữ đang giặt đồ ngoài sân, tôi dừng lại xin nước vào chai để rửa mặt.

Người phụ nữ này có vẻ vô cùng thân thiện nên tôi dừng lại “tám.” Tôi hỏi lên núi bao lâu thì có thể xuống, bà ta nói leo 20 cây nữa thì xuống, nghe xong rụng rời tay chân, lúc ấy đã chiều rồi. Tôi hỏi có thể cắm trại ở nhà bà ta được không, bà ta nói được. Tôi ngồi nói chuyện một hồi thì bà ta chỉ về phía dãy nhà mới và nói tôi không cần hạ trại mà đến ở một trong những căn phòng ấy. Dãy này có 3 căn phòng để dành cho con gái của họ đang học đại học mỗi khi về nhà thì ở. Tôi nói cảm ơn, tôi muốn dựng trại. Dãy nhà mới này nằm trên nhìn xuống toàn cảnh sông núi bên dưới nên tôi xin phép cắm trại ở đây. Vậy là tôi có một nơi vô cùng lãng mạn để ở rồi nhé!

Tôi được gia đình này mời ăn tối. Lúc ấy có hai em trai của họ đến ăn cùng, một người 35 tuổi rồi mà chưa cưới được vợ (ở Trung Quốc nam nhiều hơn nữ mà) nên hỏi tôi ngày hôm sau theo tôi về Việt Nam tìm vợ được không? Tôi nói được. Chắc tôi phải chuyển nghề môi giới hôn nhân quá. Tôi nói thật đấy, nhiều người đàn ông Trung Quốc ở nông thôn, thân thể lành lặn thật sự muốn vợ mà ở Trung Quốc tìm mãi chả ra ấy (chắc trong tương lai đàn ông Việt Nam cũng lâm vào cảnh tương tự bởi vì gia trưởng quá nên phụ nữ Việt Nam bỏ đi lấy chồng ngoại hết.)

Tôi ăn tối với họ gồm có ba món trong đó có món củ kiệu giống ở Việt Nam, hai món còn lại chả biết gọi tên thế nào trong đó có một món xào và môt món như canh như thật ra là món kho thịt heo với đậu và một loại củ (chả biết gọi tên nhưng ăn hơi bùi.)

Sáng khi tôi ngồi viết bài này và ngắm phong cảnh hữu tình bên dưới thì chị chủ nhà đến, tôi hỏi tên của nơi này thì chị ta nói là Yun Xian Mao Wan và nơi này cách Lincang khoảng 150 cây số. Nhờ đạp xe mà tôi được trông thấy khá nhiều cảnh hữu tình mà nếu đi xe buýt thì khó mà thưởng thức được các bạn nhé!

Tại đây tôi phát hiện ra toa lét của họ như thế nào rồi, chui xuống gầm cầu vừa mát mẻ vừa ngắm cảnh vừa tiểu tiện đại tiện (như thế vẫn tốt hơn nhiều so với việc chui vào một nơi bí rị bốc mùi các bạn nhỉ?) Vậy thì sau này cứ thấy gầm cầu là tôi có thể chui vào đại tiểu tiện nhé. Chị chủ nhà nấu cho tôi một tô mì ăn với trứng và rau, tôi lại được thưởng thức món củ kiệu yêu thích.

Do tối hôm trước tôi đem hết quần áo ra giặt nên hôm nay tôi phải chờ cho đồ hơi khô bớt rồi mới lên đường. Tôi còn tranh thủ gội đầu nữa cơ đấy (cứ y như là ở nhà của mình vậy các bạn nhỉ?) Tôi ngồi phụ họ lột vỏ bắp và “tám.” Người em trai chưa lập gia đình của họ cũng đến phụ vài công việc lặt vặt (hay “làm màu” cho tôi thấy anh ta tháo vát như thế nào để tìm vợ giúp?) Anh chàng nông dân này 35 tuổi, tuổi con rồng (vậy là sinh năm 1976), hơi lùn, mặt mũi trông không tệ, tay chân lành lặn, mọi thứ trông bình thường (cơ quan “khác” có gì bất thường không thì tôi không biết đâu đấy) và thật sự muốn tôi giới thiệu một phụ nữ Việt Nam cho anh ta. Bạn nào biết ai đó thích hợp và muốn về làm dâu ở một nơi có hữu tình này thì giới thiệu cho tôi nhé, tôi điện thoại cho họ, họ cho tôi cả số điện thoại và địa chỉ để liên lạc nữa cơ. Theo đánh giá của tôi thì họ THÀNH TÂM muốn tôi tìm giúp ấy chứ không phải nói đùa đâu và tôi cũng nói thật đấy (họ tha thiết quá nên tôi cũng chả làm ngơ được đâu nhỉ?)

Tôi đẩy xe lên núi 20 cây số mệt đứt hơi, chỉ có 20 cây mà tôi vừa đi vừa ngắm cảnh vừa nghỉ mệt mất hết 6 tiếng đồng hồ. Khoảng chiều thì có một thanh niên, chắc đang ngồi đợi xe nhưng thấy tôi lội bộ nên lội theo để bắt chuyện. Khi đi ngang qua anh ta, người anh ta bốc mùi hôi quá nên tôi ngại và cũng chả hiểu anh ta nói gì nên làm thinh đi luôn (quả là con người luôn có óc phân biệt, cứ toàn là trông mặt mà bắt hình dong không nhỉ? Như thế thì không được rồi). Một hồi sau thấy anh ta mất tiêu nên tôi đoán chắc là leo lên một chiếc xe buýt nào rồi.



Tôi đi mãi đi mãi thì trước mặt tôi là một đường hầm cũng khá dài, tôi vừa đi vừa hy vọng qua khỏi đường hầm này là xuống dốc và quả là xuống dốc thật. Vậy là tôi lại vi vút trên chiếc xe của mình rồi. Tôi khổ sở đẩy xe mãi thì mới leo được 10 cây số, vậy mà lúc xuống dốc chỉ chớp mắt là đã xuống được 10 cây. Tôi thấy việc đi này của mình giống như một trò chơi trượt tuyết hay trượt cát vậy đó. Trượt xuống dốc trong chớp mắt rồi lại vất vả leo lên dốc, sau đó lại trượt xuống. Khu vực này ở tỉnh Yunnan (Vân Nam) cũng lên rồi xuống dốc nên tôi cứ đẩy xe lên rồi lại leo lên xe mà xuống như thế. Thật y như đang chơi.

Xuống được khoảng 10 cây số thì tôi thấy bên đường có một con dốc. Lúc ấy đã chạng vạng lắm rồi, trong chớp mắt thì trời sụp tối hẳn sẽ không thấy đường mà chạy nên tôi dừng xe vào khảo sát nơi này. Thật là một nơi lý tưởng để dựng trại (dù trên đường có rất nhiều nhà trọ nhà nghỉ dành cho giới xe tải nhưng tôi vẫn thích dựng trại ngủ giữa thiên nhiên hơn. Nhiều nhà trọ nhà nghỉ chăn mền của họ có mùi hôi nên tôi chả thích. Chẳng lẽ tôi trả tiền xong thì dựng trại trong phòng rồi ngủ. Vậy thà tôi dựng trại ngoài trời vừa miễn phí vừa ngắm cảnh vừa được ngủ giữa đống quần áo thơm tho của mình chả sướng hơn sao?)

Tôi chặt lau để lót chỗ nằm và bắt đầu dỡ đồ xuống thì một người đàn ông Trung Quốc đi ngang qua (nhà anh ta nằm trên đường mòn này và chỉ có một căn nhà ấy thôi.) và đứng lại nhìn tôi. Tôi nói tôi đang dựng trại. Anh ta nhìn một hồi thì bỏ vào nhà. Tôi dựng trại và cho đồ vào trại xong xuôi hết thì anh ta đi trở ra nói nhà anh ta có 3 phòng, tôi có thể ngủ trong một phòng, không cần ngủ ngoài trời. Tôi nói cảm ơn vì tôi dựng xong xuôi hết rồi. Anh ta lại ngồi trước cửa trại tôi mà “tám.”Lại một tên ế vợ. Ba mẹ anh ta mất hết rồi. Hai chị thì đi lấy chồng. Anh ta ở một mình trong căn nhà 3 phòng kia. Tôi nói tối rồi tôi muốn ngủ và bảo anh ta đi chỗ khác thì tôi mới ngủ được. Vậy mà mãi anh ta mới chịu đi ấy.

Vậy là tôi được ngủ cùng tiếng côn trùng và tiếng xe thỉnh thoảng chạy ngang qua. Trời hơi mưa nhẹ. Tuy nhiên tôi chả bị ai làm phiền hết. Tôi cứ ung dung mà thẳng cẳng cùng những giấc mơi của mình đến sáng. Khi tôi ngồi viết đoạn này thì anh ta lại đến trước trại nhìn. Tôi mặc kệ anh ta, cứ ngồi viết.

Đứng một hồi, anh ta bỏ đi, tôi dỡ lều và chất đồ đạc lên xe. Khi làm gần xong thì anh ta lại ra ngồi nhìn tôi, sau đó hỏi tôi gì đó (hình như hỏi tôi muốn ăn món gì không thì phải), tôi gật đầu, anh ta quay vào nhà, sau đó ôm một nải chuối ra đưa cho tôi (bắt đầu từ vùng này thì tôi lại thấy chuối sứ cả buồng). Tôi hỏi xin nước vào chai. Anh ta dẫn tôi ra sau nhà và chỉ vào một cái ao. Khi tôi lấy xong một chai đầy thì anh ta dở trò sàm sỡ (chắc có ý định sẳn rồi.) Mà sao lúc ấy tôi “hiền” nhỉ? Tôi chỉ bỏ đi thôi, bây giờ ngồi nghĩ lại tôi tự hỏi sao tôi không cầm chai 1.5l nước ấy mà đập vào đầu anh ta nhỉ?

Đẩy xe lên dốc vài cây thì tôi xuống dốc. Dốc ở đây là thích nhất, chỉ xuống nhè nhẹ nên có thể ngắm cảnh chứ không có vun vút như những con dốc kia. Xe xuống dốc xong thì hơi lên dốc nhẹ để vào Yun Xian. Tôi vào chợ mua thức ăn và mua theo trứng, sữa, và bánh bao để dành. Lúc đầu cũng dự định tìm nhà trọ ngủ nhưng nghĩ tới nghĩ lui thấy vẫn còn sớm, vả lại quần áo tôi vừa giặt xong nên chả có nhu cầu giặt nữa, vì thế tôi lại đạp xe ra khỏi Yunxian tiếp tục con đường 214 để đi Lincang.

Đường chỉ lên dốc nhẹ nhưng nắng kinh khủng, tôi đẩy xe đi giữa trời nắng, hai bên đường là những giàn hoa giấy hồng rực rỡ (càng làm cho trời thêm nóng bức). Đi một hồi, tôi mệt quá nên dừng xe lại nghỉ và ăn uống khoảng hơn 1 tiếng bên đường. Lúc ấy mà buổi chiều chắc tôi hạ trại ngủ luôn, không hiểu sao tôi thấy mệt vô cùng. Tôi ăn cả kilo củ sắn mua ở Yunxian với giá 3 tệ/kg ấy. Trời nóng kinh quá!

Tôi lại đẩy xe đi, càng đi thì càng lên dốc, mệt quá tôi vào một rẫy bắp ngồi nghỉ, gió mát nên tôi có ý định sẽ hạ trại ngủ sớm hơn mọi khi. Tôi đi lòng vòng tìm chỗ thì một người đàn ông vào (chắc chủ rẫy), tôi hỏi ông ta lên dốc bao nhiêu cây số thì sẽ xuống dốc. Ông ta bảo còn 5 cây nữa, sau đó xuống dốc 18 cây, còn lại là đường bằng phẳng vào Lincang. Tôi ngồi suy nghĩ xem còn 5 cây thì đi tiếp nổi không thì bà vợ của ông ta đi vào rẫy. Khi tôi hỏi bà ta nơi này cắm trại có an toàn không? Bà ta nói không, đi khoảng 1 cây nữa thì cắm trại an toàn hơn. Tôi nghĩ chắc bà ta không muốn tôi cắm trại ở rẫy bắp của bà ta nên nói thế.

Vậy là tôi lại đẩy xe đi, mệt quá nên tôi vừa đi vừa nhìn quanh quẩn tìm nơi cắm trại, cứ thấy chỗ nào khả dĩ là tôi lại dừng xe vào khảo sát. Tôi đang ở trên núi và các cánh đồng bên dưới thì hoặc không có lối cho xe đạp vào hoặc lối vào khá nhỏ và dốc đứng. Tôi cứ đi như thế thêm khoảng gần 3 cây thì thấy một con đường đất đỏ, tôi dựng xe lại và đi vào xem. Đi sâu vào một chút, tôi thấy đây quả là một nơi vô cùng lý tưởng để cắm trại, cỏ không cao lắm, đất bằng phẳng, xung quanh là các cây thông. Tôi thấy vài tảng đá to xung quanh nên đến gần thì thấy quả là lý tưởng, hình như có ai đó làm cỏ nên nơi này sạch sẽ, quả là vô cùng lý tưởng. Khi tôi nhìn các tảng đá, nhìn từ xa được mài nhẳn nhụi như những bà già trùm khăn lên đầu ấy thì tôi thấy trên các tảng đá đều có viết chữ. Thì ra nơi cắm trại lý tưởng của tôi là….một bãi tha ma. Các tảng đá ấy là các nấm mồ. Lúc đó trời khá chạng vạng mà xung quanh không có ai nên tôi…. bỏ chạy ra.

Tôi chắc đây là bãi tha ma của người dân tộc nào đấy, không phải của người Hán bởi các bia mộ ở đây trông khá kỳ lạ, tôi chưa từng thấy bao giờ kể cả trong phim cổ trang. Không biết tả thế nào nhưng đại ý là nhìn từ xa trông như những tảng đá mài nhẳn. Cả mộ lẫn bia dính liền thành một khối. Bia nằm hơi thụt sâu vào. Vì thế toàn thể trông như cái đầu của một người đang trùm khăn vậy đó. Kiểu mộ này nhỏ nhưng trông khá chắc chắn, dù gió táp mưa sa kiểu gì cũng khó mà làm trầy xước được (bởi được xây theo kiểu tảng đá tròn mà nên nước cứ chảy xuống chứ có đọng lại được đâu.) Tiếc là tôi ít khi nào chụp hình bia mộ lắm (tôn trọng người chết mà) nên tôi không có tấm hình nào về kiểu mộ kỳ lạ này.

Ra ngoài, tôi lại đi qua một cái đường hầm. Ra khỏi hầm, tôi lại thấy một con đường rải sỏi sạch sẽ. Tôi vừa đi vừa hy vọng không lọt vào một bãi tha ma khác. Trước mặt mình, tôi thấy một ruộng bắp lẫn hoa giấy, xung quanh đường rải sỏi sạch sẽ. Tôi nghĩ chắc đây là một công viên. Tôi lần theo một con đường sỏi đi vào thì nghe tiếng một cặp trai gái nói chuyện. Tôi hỏi họ phải đây là công viên không? Họ nói phải. Tôi hỏi nơi này có an toàn để cắm trại ngủ không? Họ nói an toàn nhưng họ bảo cách đấy một cây số có một nhà trọ, vào đó ngủ an toàn hơn.

Nơi họ đang ngồi tình tự quả thật là lý tưởng, trông như “đồi gió hú” vậy đó. Nơi này hơi nhô ra bên ngoài một tí nên từ đây có thể trông thấy toàn cảnh bên dưới, kể cả con đường 214 thỉnh thoảng loang loáng ánh đèn xe. Một nơi lý tưởng như thế dễ gì tôi chịu bỏ qua; tuy nhiên tôi chả muốn họ biết tôi có ý định ngủ tại đây nên tôi hỏi về nhà trọ kia. Chắc tôi làm phiền họ quá nên họ lên xe bỏ đi. Họ cũng có ý đợi tôi cùng đi để chỉ nhà trọ hay sao ấy? Tôi nấn ná, dẫn xe thật chậm ra ngoài. Họ đi mất. Tôi vòng trở vào. Trời tối rồi. Tôi mò mẫm cắm trại trên đồi gió hú xong thì lấy bánh bao mua ở Yunxian ra ăn.

Và quả thật tôi cắm trại trên đồi gió hú bởi gió thổi phần phật cả đêm muốn bay cả lều. May là tôi có ba cái ba lô to dằn ở 3 góc còn góc kia thì là chai nước 1.5l. Đến sáng khi tôi còn “nướng” thì trời đổ mưa to. Vậy là ướt lều. Không thể trú mưa trong căn lều nên tôi sắp xếp đồ đạc lại, mặc áo mưa vào chui ra khỏi lều để cột hành lý vào xe. Một cái cầu vồng rực rỡ xuất hiện trước mặt ngay ngôi làng bên dưới. Quá đẹp! Trời mưa nên tôi không thể lấy máy ảnh ra chụp hình cái cầu vồng này được. Khi tôi cột xong hành lý thì trời tạnh.

Tôi đẩy xe đi thêm vài cây số nữa thì thấy bảng hiệu “xuống dốc liên tục 17km.” Xuống hết dốc thì còn khoảng 50 cây số nữa là vào Lincang. Đường hơi lên dốc nhưng tôi cũng không đạp xe nổi nên đẩy bộ. Khi nào xuống thì leo lên ngồi, khi nào lên thì lại đẩy. Đặc biệt là dọc con đường trồng toàn là hoa giấy có cả ba màu: hồng, cam, đỏ. Chắc mấy cha chính quyền ở đây mê loại hoa này hay sao ấy mà cả mấy chục cây số, hai bên đường toàn là hoa giấy nở rực rỡ.

Đi một hồi tôi để ý con sông bên dưới ô nhiễm hết sức, nước có màu nâu quánh, thực ra không phải màu nâu mà là màu nâu đỏ, y như nước được trộn với bùn vậy đó, ai mà dám sử dụng cơ chứ, mà cả mấy chục cây số nước toàn là như thế. Ngoài hoa giấy, con sông đỏ quánh, tôi còn đi ngang qua những ruộng lúa và ruộng bắp theo kiểu bậc thang ấy. Tôi lại lang thang như thế mấy chục cây thì vào Lincang.


Vậy là sau 5 đêm (1 đêm ngủ nhà trọ ở Weishan, bốn đêm cắm trại), tôi vượt qua khoảng 300 cây số để đi từ Dali đến Lincang. Tuy nhiên Lincang không phải là đích đến của tôi đâu các bạn nhé mà chỉ là nơi đánh dấu tôi đã đi được một phần của đoạn đường cần đi mà thôi.

Kỳ sau: Lại trở về Trung Quốc (22): Lincang

1 nhận xét:

  1. Vậy là người Trung Quốc cũng hiền đấy. Ở ngay VN ta, nếu bạn trong hoàn cảnh này thì đêm đó không bị "quậy" thì mất gì tui cũng chịu! Hehe....

    Trả lờiXóa