18/12/2014 08:22
Nghề
này phát triển do nhu cầu kì lạ của nhiều người, phần lớn thuộc nhóm người bận
rộn và giới nhà giàu.
“Nghề hot”
mùa cưới
Mùa cưới bắt
đầu từ tháng 9 và cao điểm vào những tháng 11, 12. Vào những tháng gần tết ai
nấy đều bận rộn, “thời gian quý hơn vàng” thì một số người lại vướng vào những
đám cưới “không thể vắng mặt”. Những người này thường rất bận rộn, có quan hệ
rộng hoặc có chức quyền. Họ có quá nhiều mối quan hệ phải duy trì nên không thể
bỏ đám cưới con người này, đi đám cưới con người kia.
Theo họ, gửi
phong bì mừng là "hạ sách" bởi như thế sự chu đáo sẽ chưa được hết
nhẽ. Mà việc cử thư ký, trợ lý... thay mặt mình đi dự đám cưới mãi cũng không
xuể, nhiều khi lại "lộ". Chính vì thế, họ cần những người có thể đóng
giả mình để đi ăn cưới.
Có cầu ắt có
cung, nắm bắt được nhu cầu trên, loại hình dịch vụ tưởng như đùa là “cho thuê
người đi ăn cỗ” đã nhanh chóng ra đời.
Anh H - Quản
lý một trung tâm chuyên tổ chức tiệc cưới, cung cấp nhân sự cho dịch vụ cưới
hỏi ở Hà Nội cho chúng tôi biết, dịch vụ thuê người ăn cỗ chỉ mới xuất hiện
trong năm nay và nở rộ vào mấy tháng cuối năm, khi nhiều người, đặc biệt là các
quan chức, Giám đốc bị “chìm trong đống thiệp” mà không cái nào có thể bỏ được,
khiến họ buộc phải thuê người đóng giả mình để đi ăn cỗ hộ.
"Những
người được thuê đi "ăn cỗ" không phải ai cũng đáp ứng yêu cầu, người
được chọn phải là người hiểu biết, có kiến thức. Nhân sự tôi chọn thường là
sinh viên các trường đại học, người có học vấn, có ngoại hình tốt và đặc biệt
là biết cách giao tiếp linh hoạt trong mọi trường hợp để không bị
"lộ”" – Anh H chia sẻ.
Đặc biệt, anh
H còn tiết lộ tiêu chí quan trọng cho việc tuyển người đi "ăn cỗ
thuê" là người đó phải thật thà trung thực. Bởi khi họ đi ăn cỗ cưới, phía
trung tâm sẽ giao phong bì tiền mừng để họ đến làm “thủ tục”.
Đối với những
người thật thà thì không sao, nhưng không ít trường hợp thấy phong bì tiền mừng
"dày" nên nảy sinh lòng tham. Nhẹ thì "rút lõi", còn nghiêm
trọng hơn nữa là “ẵm” luôn phong bì. Lúc đó, người "đứng mũi chịu
sào" chỉ có nước kêu trời, bởi họ sẽ phải bỏ ra một số tiền khác để đền bù
cho khách hàng, đồng thời, uy tín cũng bị giảm sút nghiêm trọng.
Về giá thành
dịch vụ thì trung tâm tổ chức sự kiện chỉ đóng vai trò môi giới và hưởng phần
trăm. Sau khi nhận được mối, hai bên tự làm việc với nhau về giá cả. Thường chi
phí cho người "ăn cỗ thuê" phụ thuộc vào quãng đường di chuyển đến
chỗ tổ chức đám cưới xa hay gần, nên dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/đám.
Tuy nhiên, người ăn cỗ thuê không chỉ có việc ăn, mà còn phải "diễn"
như những diễn viên thực sự.
Cũng theo Anh
H chia sẻ: Việc thuê người ăn cỗ cưới giúp ban đầu cũng có nhiều định kiến, bởi
từ trước tới giờ người ta vẫn coi "miếng ăn không mời" là không được
đẹp. Thế nhưng, nghề nào chẳng có cái khó, cái khổ của nó. Mới đầu thì thấy còn
ngại ngùng, nhưng chỉ qua vài lần “thực hành”, nhiều "nhân viên" lại
tỏ ra hào hứng và coi đây là nghề hấp dẫn vừa được ăn, được nói, lại kiếm được
thêm thu nhập.
Đi ăn là
đi…"diễn"
Mới đầu hình
dung ai cũng nghĩ công việc này quá dễ, bởi người được thuê chỉ việc đến đưa
phong bì, ăn cỗ rồi đi về, nhưng không hẳn như vậy. Trên thực tế xảy ra không
ít những chuyện bi hài, bởi người đi ăn cỗ thuê diễn không đạt, thành
"lộ" chuyện.
Theo anh Tuấn
- một nhân viên “đắt sô” của trung tâm chia sẻ: “nghề này nói dễ thì rất dễ, nhưng
mà khó thì cũng rất khó. Bởi công việc không chỉ là đến đó bỏ phong bì và ăn
uống, mà còn phải "diễn" sao cho như thật. Mà muốn diễn đạt thì bắt
buộc phải thuộc thân nhân của gia đình cô dâu, chú rể, rồi ứng biến một cách
linh hoạt, chứ nếu ú ớ sẽ rất dễ lộ chuyện. Mà việc đã lộ thì sẽ rơi vào những
tình huống rất khó xử, ảnh hưởng đến mình và cả người đi thuê”.
Trong công
việc này, với những khách hàng dễ tính thì tất cả giao dịch chỉ cần thông qua
người môi giới, hoặc trung tâm môi giới là xong. Công việc của “người đóng thế”
chỉ là đến tiệc cưới để “điểm danh” rồi về là nhận được tiền. Nhưng ngược lại,
với những khách hàng kỹ tính, họ xin số điện thoại của “người đóng thế” rồi dặn
dò đủ thứ về đám cưới mà người này sẽ đến dự. Đến gần sát ngày đi đám cưới,
khách hàng sẽ gọi điện “kiểm tra” lại một lần xem đã thuộc hết thông tin chưa.
Nếu chưa thuộc người được thuê có thể bị huỷ hợp đồng, vì "không đạt yêu
cầu".
Thường những
người được thuê thay mặt khách mời đi ăn cỗ sẽ xuất hiện vào lúc sát giờ tổ
chức hôn lễ. Sau cái bắt tay vội vã, cùng lời giới thiệu ngắn gọn thay mặt cho
ông A, bà B... đi dự cưới, cùng với trọng trách quan trọng là bỏ phong bì vào
thùng là nhập tiệc theo sự chỉ dẫn. Lúc đó công việc chính chỉ là ăn và... ăn,
thi thoảng nâng lên đặt xuống vài ly bia, chén rượu phụ họa với cả bàn tiệc là
hết nhiệm vụ.
Đúng theo
kịch bản anh Tuấn nói với chúng tôi “Cứ đàng hoàng vào bắt tay, chúc mừng, cho
phong bì đã ghi sẵn vào hòm rồi đi vào bàn theo sự chỉ dẫn của gia đình người
ta, mà thường là sẽ bị "ấn" vào ngồi với toàn người chẳng liên quan,
cốt cho đủ một bàn là được. Nếu họ hỏi thì nói mình là nhân viên của ông A.,
ông B. thay mặt sếp,...". Anh này còn không quên tếu táo "ngày xưa
thời đi học đại học, mấy người bạn tôi còn tay không vào "ăn cỗ cưới
chui", giờ mình mang phong bì đàng hoàng, có gì mà phải sợ?!”.
Không chỉ có
những quan chức bận trăm công nghìn việc, hay những doanh nhân tối mắt với
những hợp đồng, công việc làm ăn mới có nhu cầu tìm đến dịch vụ thuê người đi
ăn cỗ thay mình. Trên thực tế, còn có cả những gia đình khi tổ chức hôn lễ cho
con, vì nhà neo người, khách mời thưa thớt, nên cũng tìm đến dịch vụ này để
thuê thêm người dự. Những trường hợp như thế phải thuê không phải là một người,
mà có khi lên tới vài chục người để đám cưới được đông đúc, xôm tụ. Gia chủ
ngày hôm đó không chỉ mất tiền thuê người đến dự đám cưới, mà còn tốn một khoản
tiền không nhỏ cho những mâm cỗ "phát sinh" để phục vụ những
"khách mời" không quen biết này. Người được hưởng lợi nhiều nhất khi
đó chính là những trung tâm dịch vụ, những "ông mối, bà mối" của dịch
vụ lạ đời này.
Trước kia,
người ta đến dự đám cưới nhau là để chung vui, để mừng ngày trọng
đại khi con cái trưởng thành bước vào cuộc sống riêng, thì nay đám cưới
đang trở thành dịp để thực hiện "nghĩa vụ", "trả nợ miệng"
lẫn nhau. Những dịch vụ này ra đời xuất phát từ nhu thực tế tuy không sai trái,
nhưng vẫn đang vấp phải những định kiến, bởi nhiều người cho rằng, dịch vụ này
đang tạo điều kiện cho những tư duy và lối sống đi ngược lại với giá trị truyền
thống văn hóa của dân tộc.
Theo Huy Hùng (Công Lý)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét