CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu



 Xem nguồn bài viêt ở đâ

Tuổi trẻ không chỉ có nghĩa là trẻ tuổi, mà còn có nghĩa là năm tháng tươi đẹp nhất cuộc đời. Ở cái tuổi ấy, trong ba thứ: sức khỏe, thời gian và tiền bạc, chúng ta chỉ thiếu tiền thôi, còn thời gian và sức khỏe thì luôn đong đầy. Năm tháng qua đi khi về già ta sẽ nhận thấy tiền bạc hóa ra là thứ ít quan trọng nhất trong ba thứ trên. Nghĩa là tuổi trẻ là giai đoạn quý giá nhất đời người vì sỡ hữu trọn vẹn hai món quà lớn nhất của cuộc sống là sức khỏe và thời gian. Ta vốn được nghe nhiều người nói đến điều này rồi, nhưng hỡi ôi, sao chúng ta vẫn đang để cho tuổi trẻ của mình trôi qua một cách hời hợt và vô nghĩa đến thế? Với trí óc hạn hẹp được định hướng, phần lớn tuổi trẻ hiện tại của chúng ta vẫn cho rằng tiền bạc, hơn hết, mới là thứ quan trọng nhất, cần thiết nhất là đáng lưu tâm nhất. Và rồi ta vô tình lãng quên hai món quà quý giá nhất đời, thời gian và sức khỏe. Thật ngu ngốc, thật đáng trách nhưng cũng thật đáng thương làm sao.
Tại sao lại như thế? Tuổi trẻ của chúng ta dường như đang ngủ quá say và quá lâu không chịu thức dậy để tận dụng hai món quà quý giá nhất? Đó là lãng phí, là ngu ngốc, hay cả hai? Trong bài viết trước tôi có gợi một nguyên nhân nho nhỏ, chính xác hơn là một sự đổ lỗi, cho các bậc phụ huynh, rằng chính họ là nguyên nhân góp phần tạo nên sự thụ động, ù lì nơi thế hệ trẻ, làm mất đi khả năng tự lập của chúng ta bằng thứ tình yêu bao la vô bờ bến. Thật ra, thoạt nghe thì những điều đó có vẻ hợp lý, nhưng dù hợp lý đến thế nào cũng vẫn không đủ, không đủ vì đó là chỉ cách để đổ lỗi, để biện minh mà thôi. Tuổi trẻ của chúng ta chỉ nên nhìn nhận nguyên do đó cho biết để mà tương lai bớt bao bọc con cái mình như thế. Còn thứ chúng ta thật sự cần, không phải là đổ lỗi, tất nhiên, cũng không phải là ngậm ngùi bực tức rồi để đó. Thứ mà thế hệ trẻ thật sự cần, là hành động, hành động để đập tan những gì ta chưa hài lòng, hành động để xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn, cho mọi người hay đơn giản là cho chính mình. Điều này thật sự không khó, nhưng sao mọi người cứ tránh né và nêu hoài những lý do cũ rích mốc meo? Phải chăng lại tại vì ta đã ngủ quá lâu để có thể sẵn sàng thức dậy? Một giảng viên của tôi từng nói “Thật ngạc nhiên khi quá nhiều người sống như thể họ có một cuộc đời khác đang cất trong ngăn tủ vậy”. Câu này nếu viết cho tuổi trẻ có thể thành “Thật ngạc nhiên khi quá nhiều bạn trẻ sống như thể họ còn có một tuổi trẻ khác cất trong ngăn bàn.” Bạn biết đấy, đồ ăn để lâu không ăn sẽ bị hư, quần áo để lâu không xài sẽ bị lỗi mốt, đồ điện lâu không xài có thể bị chập điện. Riêng tuổi trẻ, nếu bạn cứ để đó mà không xài, không tận dụng, tôi e là nó sẽ không hư, không lỗi mốt, không chập điện nhưng nó sẽ biến mất mãi mãi, không một dấu vết và rồi cả phần đời còn lại bạn sẽ phải sống trong nuối tiếc ngập tràn mà thôi. Viễn cảnh đó, thật tôi không dám tưởng tượng thêm nữa.
“Hai mươi năm sau lúc này, bạn sẽ thấy thất vọng vì những điều mình không làm hơn vì những điều mình đã làm. Vậy nên hãy tháo nút dây. Hãy cho thuyền rời khỏi bến cảng an toàn. Hãy căng buồm đón gió. Tìm tòi. Ước mơ. Khám phá.”
— Mark Twain

Tạm thôi không so sánh về tuổi trẻ Việt Nam và thế giới. Bỏ qua luôn không nhắc đến khả năng tự lập, tư duy, chính kiến, sáng tạo, mối quan tâm và thành tựu của tuổi trẻ Việt Nam và thế giới. Tự bản thân mỗi người trẻ đều có thể hiểu và đánh giá.
Vậy thì, chắc chắn sẽ có người hỏi, câu hỏi muôn đời: thế thì phải làm sao? Tuổi trẻ phải làm gì để thay đổi, để khác biệt, để mang lại ý nghĩa đúng với trọng trách nó được giao phó?
Câu trả lời đơn giản làm sao, hãy tận dụng tốt nhất hai món quà lớn mà cuộc sống dành riêng cho tuổi trẻ chúng ta: Thời gian và sức khỏe. Hãy dùng nó để nhào vào đời, để quyện vào cuộc sống, để trải nghiệm mọi thứ khi còn có thể.
Vâng, là trải nghiệm. Đó chính là điều quan trọng nhất tôi muốn nói đến ngày hôm nay. Đó là điều tối cần thiết tạo nên một thế hệ trẻ khác biệt. Đó cũng là điều tuyệt vời nhất mà mọi người đều có thể làm dù đang ở vạch xuất phát nào trong cuộc sống. Dù bạn giàu hay nghèo, công việc tốt hay không tốt, bạn đẹp hay xấu, bạn cá tính hay mực tính… bất kể bạn thế nào, bạn đều có thể bắt đầu trải nghiệm cuộc sống này, biến nó trở nên ý nghĩa, và chính nó sẽ khiến bạn trở nên khác biệt hơn bao giờ hết.
Bởi vì, bạn có thể không tin, nhưng tuổi trẻ mà không có trải nghiệm, là tuổi trẻ vứt đi. Giống như một cuốn sách không có nội dung, một bài hát không có giai điệu, một khu rừng không có chim thú cỏ cây, một đời người không có tuổi trẻ… Tất cả đều rất vô nghĩa.
Chính trải nghiệm, chứ không phải thứ gì khác, là thứ làm nên con người bạn. Tôi đang nói con người thật sự bên trong bạn ấy, không phải gia cảnh, xuất thân, đồ trang trí trên người, bằng cấp học vị hay gì cả. Con người thật sự của bạn, muốn biết nó như thế nào, muốn tìm kiếm nó, thật không cách gì ngoài việc bạn  phải bước vào đời, trải nghiệm, trộn bản thân mình vào cuộc sống, rồi cảm nhận, rồi đúc kết và rồi cuối cùng là phát huy hết sức những gì mình đã học được trong quá trình đó.

Giá trị của những trải nghiệm chính là giá trị con người bạn

Tôi hay nhắc đi nhắc lại câu nói này trong các bài viết của mình như một sự tâm niệm, hi vọng các bạn cũng có thể học được gì đó từ chúng. Câu nói về giá trị bản thân trong sách 7 thói quen “Nếu như tôi có những thứ giúp chứng minh tôi là ai, thì khi những thứ đó mất đi, tôi là ai?” Chúng ta thường hay tìm kiếm những thứ bên ngoài để chứng minh bản thân mình, quần áo, điện thoại, hàng hiệu, xe cộ, nhà cửa, công việc, gia thế… Tất cả những thứ này là những vật chứng hoàn hảo nói về một con người ở thì hiện tại này. Nhưng tất cả chúng, lại là những thứ có thể mất đi. Bạn dùng chúng để chứng tỏ mình, bạn có dám đảm bảo chúng sẽ tồn tại mãi mãi không? Một công việc tốt, một tình yêu đẹp, một gia đình hạnh phúc, một căn nhà tiện nghi… Tất cả chúng đều có thể biến mất. Và khi đó, bạn là ai? Đấy là vấn đề của vật chất. Còn riêng với trải nghiệm ư, hãy yên tâm rằng chúng là của bạn, luôn là của bạn,  mãi mãi là của bạn, bên trong bạn, chúng sẽ không bao giờ mất đi. Hãy dùng những trải nghiệm để chứng tỏ giá trị bản thân và rồi bạn sẽ nhận ra bản thân mình thật đặc biệt và quý giá, hơn hết mọi những vật phẩm trang trí bên ngoài.
Hãy luôn tâm niệm rằng, cuộc sống, thực chất là một cuộc trải nghiệm lớn, mà trong đó bạn phải đi tìm những mảnh ghép là những trải nghiệm nhỏ để từ đó ghép nên cuộc đời mình. Khi tâm niệm cuộc đời chỉ là cuộc trải nghiệm, bạn sẽ không quá áp lực nên mọi sự lựa chọn của mình trong cuộc đời. Đó là cuộc chơi, không ai thắng và cũng không ai thua cả, vì suy cho cùng, ai rồi cũng đến lúc phải giã từ cuộc sống, nhưng người may mắn hơn, là người sống được nhiều hơn những người khác, sống nhiều hơn, không có nghĩa là sống lâu hơn nhưng là sống được nhiều khoảnh khắc hơn trong đời, như Jean Jacques Rousseau nói:
“Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất.”
Mục tiêu của thế hệ trẻ, có lẽ nên thay đổi ngay việc sống sung sướng hơn, sống tốt hơn, sống lâu hơn, thành “sống nhiều hơn”, thế là đủ.
Nhưng làm thế nào để sống nhiều hơn? Cách duy nhất là hãy biến từng phút giây có thể đều trở nên ý nghĩa và giải pháp là hãy không ngừng đặt bản thân vào tâm thế sẵn sàng trải nghiệm mọi thứ xảy ra xung quanh mình, đừng ngại ngùng, đừng lười biếng, đừng sợ hãi.
Còn làm thế nào để trải nghiệm cuộc sống ư? Hãy thay suy nghĩ bằng hành động, thay lời nói bằng hành động, thay kế hoạch bằng hành động, hành động ngay đi thôi. Hãy ngưng nói mà làm, ngưng suy tính quá kĩ càng, ngưng nghi ngờ và sợ hãi. Như Steve Job nói câu nổi tiếng nhất “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”. Henry David Thoreau nói: “Những người trẻ tuổi học sống thế nào nếu không phải là ngay lập tức thử trải nghiệm cuộc sống?” Tôi thì sẽ nói lại “Khi ta muốn ta sẽ tìm cách, khi không muốn, ta tìm lý do.”

 Nếu bạn không phải là một cái cây, lý gì bạn phải ở yên một chỗ?

Nếu muốn trải nghiệm, việc bạn cần làm là phải không ngừng hành động, không ngừng đặt bản thân vào thế chủ động và thế sẵn sàng, đi những vùng đất mới, thử những cái mới, làm những điều mới, học những thứ mới, quen những người bạn mới. Phải thoát ra khỏi vùng an toàn của mình càng sớm càng tốt. Đừng nói bạn không thể vì chắc chắn bạn có thể, lý do là vì tôi biết bạn không phải một cái cây. Cái cây đứng một chỗ nhận tất cả những gì nó cần: ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng nhưng bản thân nó vẫn luôn khao khát được vươn ra xa hơn. Thế nên rễ nó mới dài tủa đi khắp nơi, thế nên tán nó mới vươn rộng và cành không ngừng vươn cao để nhìn được những vùng đất xa lạ. Bạn may mắn hơn cái cây, bạn có thể tự dịch chuyển mình đi khắp chốn, thế thì tại sao lại không? Thoát khỏi vùng an toàn của mình là bước đầu tiên trong quá trình trải nghiệm. Mọi hành trình đều bắt đầu từ một bước chân. Ngay ngày mai, hãy thử làm những việc bạn chưa từng làm, dù nhỏ bé và đơn giản nhất thôi: hãy cười với một người lạ cùng tòa nhà, hãy đi một con đường khác tới công ty, hãy gọi một món ăn nghe tên thật lạ, hãy nghĩ một cách giải quyết khác cho công việc quen thuộc hàng ngày… Những thứ nhỏ bé này có thể đem đến cho bạn nhiều nguồn cảm hứng để bắt đầu những trải nghiệm khác to lớn hơn, bắt đầu hành trình lắp ghép cuộc đời mình bằng những điều mới mẻ và thú vị.

Cái giá của trải nghiệm là gì?

Cái gì trên đời cũng có giá cả, chỉ cần bạn trả đúng giá, bạn có thể mua được mọi thứ. Và tiền là cái giá rẻ nhất nếu muốn có gì đó. Còn trải nghiệm ư. Nếu bạn muốn có nó, tất nhiên không ngoại lệ, bạn cũng phải trả giá. Cái giá của trải nghiệm là ban đầu bạn sẽ cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bất an, hoài nghi và rất nhiều cảm xúc tiêu cực khác nữa. Nhưng tin vui đó chỉ là những cảm xúc ban đầu thoáng qua mà thôi. Khi đã quen với nó thì mọi cảm xúc đó đều tan biến hẳn, thay vào đó sẽ là sự hào hứng, thích thú, tò mò, vui sướng lẫn hài lòng.
Một cái giá khác nữa của trải nghiệm, đó là bạn có thể mất đi một số thứ cũ kĩ quen thuộc, nhưng đừng lo, chắc chắn bạn sẽ lại nhận thêm rất nhiều thứ khác tuyệt vời hơn. Như câu “Đừng e ngại sự thay đổi, bạn có thể mất đi một số thứ, nhưng bạn sẽ lại nhận lại những thứ khác tuyệt vời hơn!
Cái giá của trải nghiệm, là bạn sẽ phải đưa bản thân vào tâm thế sống cho chính mình, chứ không vì dư luận, vì xã hội, hay vì gia đình… không vì một cái gì hết. Chính vì thế bạn sẽ có thể bị người ta dèm pha, chê cười hay thậm chí là bị chửi mắng là ngu ngôc nữa. Và đôi khi, bạn cũng nghĩ là mình… ngu thật.
Nhưng này, đây chính là phần thưởng lớn dành cho bạn.

Yêu đời, yêu cuộc sống

Người trải nghiệm nhiều sẽ có cái nhìn về đời, về cuộc sống toàn diện và thông thoáng hơn. Họ thường nhìn ra được những thứ thật sự quan trọng với bản thân để rồi tập trung vào đó, hơn là việc phí công sức vào những thứ vô bổ phù phiếm hàng ngày. Đi đi, trải nghiệm đi, để thấy những mảnh đời bất hạnh, để nhận ra bản thân mình dù gặp nhiều rắc rối nhưng vẫn còn hạnh phúc và may mắn bao nhiêu. Những người đi nhiều trải nhiều gặp nhiều việc sẽ có cái nhìn tổng quát và bao dung hơn. Họ có xu hướng trân quý cuộc sống hơn và dễ dàng hòa nhập hơn vào mọi hoàn cảnh trên đời. Đó chính là phần thưởng. Cứ mỗi khi trải qua một chuyện ta lại thấy mình lớn hơn, già hơn, thấy cuộc đời đáng sống hơn rất nhiều.

Trải nghiệm giúp ta tìm ra kẻ mang tên “chính mình”

Hàng ngày chúng ta cứ nghe ra rả bên tai và đọc được hàng ngàn thông điệp kiểu “hãy là chính mình, hãy tìm chính mình” nhưng khoan, hãy là chính mình bằng cách nào khi ta còn đang phải mải mê tìm kiếm chính mình là gì? Thật ra chỉ có một cách thôi, một câu trả lời cho tất cả, đó là hãy trải nghiệm đi, trải nghiệm mọi điều trong cuộc sống. Chỉ có trong trải nghiệm, trong những hoàn cảnh cụ thể bạn mới biết mình là người như thế nào. Chỉ có trong trải nghiệm bạn mới tìm ra được chính mình. Trải nghiệm sẽ cho bạn biết bạn là người can đảm hay sợ sệt. Trải nghiệm sẽ cho bạn biết bạn là người giữ lời hay là kẻ thất hứa, là người trọng tình cảm hay luôn bị lý trí lấn át. Chỉ trong trải nghiệm bạn mới biết được khả năng sinh tồn, khả năng xoay chuyển tình huống và khả năng đối phó với những khó khăn. Chính những nét tính cách đó là con người bạn. Làm sao bạn có thể tìm ra nó, tìm ra chính mình khi không trải qua những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống?

Người thầy vĩ đại

Trải nghiệm sẽ là thầy dạy tốt nhất cho bạn trong cuộc đời mà không bất cứ người thầy nào khác có thể dạy tốt hơn. Kinh nghiệm từ đâu ra nếu không từ trải nghiệm? Chúng ta đương nhiên có thể học hỏi từ những kinh nghiệm của người khác, nhưng thôi nào, chẳng mấy ai chịu học từ bài học của người khác cả. Tôi có rất nhiều ví dụ thực tế chứng minh nhận định này, một trong số chúng là khi các bạn tôi đến hỏi kinh nghiệm mở shop thời trang hoặc quán cafe. Đương nhiên tôi luôn chỉ họ mọi điều, kể cả những kinh nghiệm đau thương của mình, nhưng rồi sao? Họ ờ à và rồi sau đó họ lờ nó đi và mắc những lỗi i chang tôi đã cảnh báo. Nhiều đến mức tôi chẳng thấy lạ hay buồn lòng gì nữa cả. Người ta thực sự chỉ học được từ chính trải nghiệm của bản thân.
Một người mới bắt đầu kinh doanh sẽ không thể biết tại sao vốn dự phòng lại quan trọng. Một người không bao giờ đọc sách sẽ chẳng hiểu nổi tại sao người ta phải đọc sách. Một người chưa đi du lịch bụi bao giờ sẽ không biết tại sao người ta phải mang theo mình thứ này thứ nọ như vài viên thuốc tây, chai nước lọc hay ít đồ ăn khô… Thật sự là như thế, bạn chỉ có thể học hỏi được nhiểu khi và chỉ khi chính bạn phải trải nghiệm cuộc sống trong từng hoàn cảnh xảy đến mà thôi.
Trải nghiệm đơn giản là hãy nhào ra ngoài đời, nhào vào cuộc sống, không sợ thử những điều mới lạ, những thử thách và cơ hội với tâm thế của người học hỏi mọi thứ, nhưng cũng đừng quên ước chừng trước những gì bạn có thể mất, hay cái giá bạn phải trả để có những trải nghiệm đó.
Tham gia một tổ chức đa cấp, đó là trải nghiệm. Làm thêm gia sư, phục vụ, lễ tân… đó là trải nghiệm. Tham gia một câu lạc bộ, những hoạt động xã hội, thử sức kinh doanh bất kì lĩnh vực nào, đó là trải nghiệm. Thử học những điều mới, làm quen bạn bè mới… đó là trải nghiệm. Đi đây đi đó, đi phượt, đi du lịch bụi… đi chính là kiểu trải nghiệm mạnh mẽ nhất.

Làm những việc mình chưa làm bao giờ, đó là trải nghiệm

Trên thế giới đã từng có một cuộc khảo sát về những điều người ta thường nuối tiếc trước khi chết. Và một trong số những điều người ta nuối tiếc nhất, đó là mọi người tiếc rằng mình đã sống quá an toàn, đã không trải nghiệm nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn nữa.
Còn tiếc hơn khi chúng ta, những người còn sống, biết được điều đó nhưng lại cứ thế cho qua, cứ thế tiếp tục sống một cuộc sống an toàn, bình lặng, cứ thế sống hết kiếp người rồi sau cùng nhìn lại lại ước gì, lại giá như lại hối tiếc.
Ta không thể đánh mất những gì ta từng tận hưởng. Tất cả những gì ta yêu sâu sắc trở thành một phần trong ta.
– Helen Keller

 Món quà vô giá

Tiền là có giá, con người hiện tại luôn dùng tiền để định giá mọi thứ. Thời gian, xét về mặt nào đó, cũng có giá, người ta có thể bỏ tiền ra mua thời gian của bạn. Chúng ta hay nói sức khỏe là vô giá, nhưng rõ ràng người nhiều tiền có điều kiện vẫn có thể mua được những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, kéo dài hơn thời gian sống trên đời. Còn trải nghiệm ư? Không một ai có thể trả bất cứ gì để mua trải nghiệm của bạn cả. Trải nghiệm của bạn là của bạn, của riêng bạn, nó vĩnh viễn không bao giờ thuộc về ai nữa cả. Nó không thể bị mất đi, không thể bị cướp, không thể mua bán được, nó là vĩnh viễn và thuộc về duy nhất người trải qua nó. Đó chính là điểm đặc biệt của việc trải nghiệm. Chỉ qua trải nghiệm, người ta mới trân trọng những đau thương và nhắc về nó với lòng tự hào tha thiết. Chỉ qua những trải nghiệm, con người ta mới lớn dần lên, tâm trí rộng mở đón chào mọi điều xảy đến trong đời.
Chỉ qua những trải nghiệm ta mới định nghĩa được bản thân một cách chính xác, sâu sắc và rõ nét.
Chỉ qua những trải nghiệm, ta mới sống được nhiều hơn, ta sẽ hơn được nhiều người vì chính điều đó, ta trải nghiệm nhiều hơn, ta yêu cuộc sống hơn, hiểu về nó và rất nhiều khi sẽ khiến những người khác ghen tỵ.

Ngập tràn cơ hội

Mỗi khi trải qua một điều gì mới mẻ, đến một nơi ở mới, làm quen những người bạn mới… chắc chắn bạn sẽ nảy ra vô vàn ý tưởng hay ho cho cuộc đời sau này. Những ý tưởng kinh doanh thành công đôi khi cũng chỉ bắt đầu từ những trải nghiệm thực tế. Một người đi làm thêm chẳng mấy chốc học đủ nghề và ra mở cửa hàng riêng. Một người đi du lịch vì quá nghiền món này món nọ mà cho ra đời những quán ăn địa phương trên những vùng đất khác. Một lần trải nghiệm làm người lãnh đạo một nhóm thuyết trình có thể khiến ai đó nhận ra tài năng lãnh đạo của mình. Việc gặp gỡ những người bạn trên đường trải nghiệm giúp ta hình thành một mạng lưới những người bạn ít gặp nhưng rất thân… Càng trải nghiệm nhiều bao nhiêu bạn lại càng thu lượm được nhiều ý tưởng và cơ hội bấy nhiêu để phát triển cuộc đời riêng của mình.

Trải nghiệm làm nên con người, trải nghiệm làm nên cuộc đời

Trên thế giới đã từng có một cuộc khảo sát về những điều người ta thường nuối tiếc trước khi chết. Và một trong số những điều người ta nuối tiếc nhất, đó là mọi người tiếc rằng mình đã sống quá an toàn, đã không trải nghiệm nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn nữa.
Còn tiếc hơn khi chúng ta, những người còn sống, biết được điều đó nhưng lại cứ thế cho qua, cứ thế tiếp tục sống một cuộc sống an toàn, bình lặng, cứ thế sống hết kiếp người rồi sau cùng nhìn lại lại ước gì, lại giá như lại hối tiếc.
Chúng ta thường được nghe những lời kêu gọi như “hãy khác biệt, hãy sống hết mình, sống là không chờ đợi, hãy cứ dại khờ…” nhưng áp dụng cụ thể những lời khuyên đó như thế nào thì dường như lại chẳng mấy ai biết và cũng thật khó khăn vô cùng.
Tôi là một kẻ lắm điều và lắm lời, nhìn độ dài các bài viết của tôi thì biết, tôi khuyên mọi người đủ thứ, đủ việc, tôi làm mọi cách, dùng mọi lời để khiến mọi người làm những gì tôi đã làm: viết sổ tay, đặt mục tiêu, lên kế hoạch, kiểm soát cảm xúc, tạo thói quen tích cực, quan tâm mọi người, đọc sách, tập thể dục thể thao, bớt mua sắm và thậm chí là tặng quà miễn phí, viết thư tay cho nhau nữa. Cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại bao đồng thế, nhiều người sẽ cho rằng sao phải đi khuyên mọi người làm vậy làm gì, sống tốt thì cứ sống tốt đi, ai cũng có cuộc đời riêng cần phải lo, đâu ai giống ai đâu mà phải khuyên, khuyên rồi cũng chẳng mấy ai làm theo thì khuyên làm gì… Ờ, nghĩ cũng đúng, tôi cũng không chắc có ai làm theo những điều tôi nói không, có ai vì đọc những lời viết đó mà muốn thay đổi, mà tự giác thay đổi, mà hành động không. Tôi không biết, nhưng có một điều tôi biết chắc chắn, những lời khuyên của tôi là không vô nghĩa, không giáo điều. Tôi không viết suông, viết láo, tôi chỉ viết những gì mình trải nghiệm, những gì mình đã làm, đã thực hành và thấy hiệu quả, thấy tác dụng tích cực thì mới khuyên. Và nhất là, đó là những việc hết sức bình thường, hết sức nhỏ bé mà ai cũng có thể làm được cả. Những việc nhỏ nhưng giá trị thì rất to.
Nếu như có một điều khiến tôi tự hào vào cuộc sống của mình, đó nhất định là tôi không sợ chết. Tôi không thích chết, nhưng tôi cũng không sợ nó. Tôi không muốn chết vì tôi còn quá nhiều dự định và kế hoạch muốn thực hiện. Vì tôi nhận ra cuộc đời thật quá đẹp tươi, quá thú vị và lôi cuốn. Vì còn quá nhiều thứ tôi chưa được trải qua, chưa được khám phá nên nếu vì lý do gì đó mà chết đi, hẳn tôi sẽ tiếc lắm. Nhưng mà tôi lại không sợ chết chút nào? Tại sao? Tại vì tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại, với những gì mình đã làm và đang làm. Dù nhiều chuyện không như ý muốn, dù đôi khi cuộc sống này làm tôi phát điên, nhưng tôi vẫn không hối hận những tháng ngày đã sống trên đời.
Nên hôm nay, tôi lại mạo muội xin được đưa ra một lời khuyên nữa, một lời khuyên mà tôi đã dùng những năm tháng qua để thực hành và chứng minh. Một lời khuyên có thể giúp bạn cũng như tôi, sẽ không hối hận, sẽ không tiếc nuối và nhất là sẽ không sợ chết nữa, không sợ lúc về nhà lại nằm một chỗ ao ước giá như. Một lời khuyên ngắn gọn thôi: Sống, hãy trải nghiệm, trải nghiệm nhiều hơn, nhiều hơn nữa…
Bạn đã đọc bài “Thế giới khác rất tuyệt thời sinh viên” rồi chứ. Trong đó tôi có nói rõ rằng mình không phải một sinh viên giỏi, càng không thích môi trường đại học chút nào, nhưng để đánh đổi bất cứ gì để lấy khoảng thời gian làm sinh viên, tôi sẽ không đổi. Đơn giản vì đó là một khoảng thời gian tuyệt vời, tôi được trải nghiệm rất nhiều điều mới lạ, chính vì thế khoảng thời gian sinh viên trở thành khoảng thời gian tươi đẹp, ý nghĩa và đáng giá.
Cuộc sống hiện tại của tôi cũng vậy, khi đặt bản thân vào tâm thế trải nghiệm cuộc đời, mỗi ngày xảy đến với tôi đều thật tươi vui và mới mẻ. Ngày xưa tôi đi được mấy nơi và tưởng rằng mình đi được nhiều lắm. Ngày nay tôi đi được nhiều hơn xưa rất nhiều nhưng lại cảm thấy mình đi quá ít so với những người bạn tôi quen. Những người bạn tôi, bất cứ ai mà trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn tôi, thú vị hơn tôi, tôi đều rất ghen tỵ với họ. Tôi thèm cái cảm giác được homestay trong nhà một người thiểu số của họ, tôi thèm được xách mũ bảo hiểm vừa đi vừa quá giang mọi người, tôi thèm được tự đi phượt khắp trời Âu, tôi thèm đủ thứ, bất cứ thứ gì người ta được trải qua còn tôi thì không, tôi thèm lắm, thế nên tôi vẫn sẽ và vẫn mãi không muốn dừng lại hành trình trải nghiệm của mình.
Trong công việc kinh doanh tôi thường hay bị một cậu bạn thân đang khá thành công lĩnh vực thời trang lắc đầu khó hiểu. Cậu ấy hỏi tôi sao lại phân tán đủ thứ như thế làm gì? Làm ít thôi, tập trung dô, làm cho một cửa hàng thật hiệu quả còn hơn mở đủ thứ mà không quản lý được. Tất nhiên tôi hiểu cậu, hiểu sự quan tâm của cậu và những gì cậu ấy nói hoàn toàn có lý. Nhưng tôi chỉ đơn giản là không thể nghe theo, vì hiện tại tôi không muốn chỉ làm việc vì tiền. Và nhất là, khác biệt ở chỗ tôi làm mọi thứ với tâm thế của người trải nghiệm. Tôi thử sức mình ở mọi lĩnh vực tôi yêu thích, ban đầu là thời trang, sau đó là lưu niệm, quán cafe, viết lách, sắp tới sẽ là về trà, nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ homestay và rồi bất động sản… Bất cứ thứ gì tôi đủ quan tâm tôi sẽ làm thử, không chắc là mình làm tốt và thành công nhưng chắc chắn sau mỗi thất bại đi chăng nữa tôi đều học hỏi được rất rất nhiều.
Tôi 24, cái tuổi không lớn, nhưng tôi dám cá là mình hơn rất nhiều người lớn tuổi khác về khoản những trải nghiệm. Đó là điều khiến tôi tự hào. Vậy nên, nếu bạn cũng muốn có gì đó để bản thân thấy tự hào, mà những thứ đó không thể là gia cảnh, công việc tốt, ngoại hình đẹp…. thì hãy chọn con đường làm giàu trải nghiệm để bản thân có thể tự hào về chính mình. Bạn có làm được không?
Tự  nhiên tôi tưởng tượng về một thế giới, mà không, một Việt Nam hoàn toàn khác. Một Việt Nam mà tuổi trẻ thực sự là một món quà lớn lao, nơi đó người ta xông pha trải nghiệm mọi thứ. Mọi sinh viên đều chủ động đi làm thêm, đều có những mục đích, định hướng cho riêng mình. Một nơi mà đi khắp nơi đều gặp tuổi trẻ đi trải nghiệm đông vui trên mọi nẻo đường. Nơi mà tuổi trẻ không ù lì, không thụ động, không ca thán, không đổ lỗi… Nơi mà tuổi trẻ mặc sức sáng tạo và được quyền làm mọi điều mình muốn. Khi đó, sức sống của dân tộc Việt Nam sẽ lại hồi sinh, mãnh liệt và đáng tự hào. Còn hiện tại thì sao? Việt Nam có thật là một quốc gia trẻ trung không? Hay chỉ đơn thuần là một quốc gia nhiều người trẻ tuổi nhưng khả năng vận động lại yếu ớt như những cụ già? Bạn có yêu nước không? Có muốn thay đổi điều đó không? Thế thì hãy bắt tay hành động đi, đừng nói câu “tương lai đất nước nằm trên vai các con, các cháu” nữa. Biết bao thế hệ người Việt Nam ta nói câu đó mỗi ngày rồi? Tại sao không chính chúng ta chịu một phần trọng trách đó mà toàn trốn tránh và đùn đẩy cho các thế hệ sau? Tuyệt đối đừng nói câu đó nữa mà hãy tự mình hành động đi thôi. Với các bạn trẻ, hãy nhào vào đời, hãy trải nghiệm đi, mà mở mang tầm mắt, mà học hỏi, mà lớn lên… Bởi vì, không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu đâu!
Tuyệt đối không một ai trên đời phải hối hận vì trải nghiệm quá nhiều. Bởi lẽ với trải nghiệm thì bao nhiêu cũng không đủ. Ấy thế mà bạn vẫn  muốn để tuổi trẻ trôi qua mà không có trải nghiệm gì sao? Đừng tìm kiếm xa xôi, kho báu tuổi trẻ là thời gian và sức khỏe đang ngay trong bạn đấy. Hãy tận dụng nó đi! Ngay đi!

 Phi Tuyết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét