Kỳ trước: Trở lại Trung Quốc (7): Changchun (Trường Xuân)
Sau khi trả phòng vào lúc gần 12h30 trưa thì tôi tạm biệt anh chàng tiếp tân và kéo hành lý ra ga xe lửa ngồi chờ chuyến tàu 7h33 tối luôn. Lý do là tôi không muốn kéo hành lý đi lang thang ngoài đường nữa và tôi muốn có thời gian để ngồi viết bài. Tôi ngồi ở đó đến khoảng 7h thì đi tìm phòng chờ tàu lửa của mình thì được biết một thông tin kinh dị- đó là tàu của tôi không đến ở ga này mà tôi phải đến đường Changbai Shan ấy (Changbai Shan- Trường Bạch San cũng là tên một ngọn núi vô cùng nổi tiếng tại Đông Bắc). Cũng may là từ ga xe lửa chính đến ga xe lửa trên đường Changbai Shan chỉ cách có 500 mét thôi. Tôi vừa kéo hành lý vừa chạy vừa chửi rủa trong bụng. Ga chính đang trong quá trình xây dựng lại nên nhiều chuyến tàu được dời về ga tạm tại Changbai Shan lắm. Lần này tôi chửi rủa bọn Trung Quốc thì ít mà chửi rủa cái tính chủ quan của mình thì nhiều.
Cuối cùng tôi cũng được ngồi vất vưởng trên tàu từ Changchun đến Hohhot gần 24 tiếng. Tôi phát hiện ra tàu mà tôi đi là tàu chợ bởi vì thứ nhất nó dơ kinh khủng (dơ là do nhân viên ở đây không thường xuyên dọn dẹp rác do hành khách vứt xuống sàn.) Thứ hai là cả đoàn tàu chỉ có một nơi để lấy nước nóng thôi (may là nơi này lại nằm ngay tại toa của tôi nên tôi không phải di chuyển xa như những người khác.) Thứ ba là do là tàu chợ nên rất nhiều người mua vé đứng (bây giờ tôi biết rồi: đối với tàu chợ thì vé đứng nhiều hơn vé ngồi nhưng họ lại có thể có ghế ngồi gần như cả chặng đường.) Tiếp theo là ở các trạm nhỏ người ta thậm chí không cần mua vé tàu trước mà cứ chen lấn lên tàu để giành chỗ ngồi hay chỗ đứng cho “ngon” trước rồi nhân viên sẽ đến bán vé sau, nghĩa là có thể mua vé trên tàu luôn. Cuối cùng là giá tàu khá rẻ -ngồi gần 24 tiếng mà chỉ trả có 88 tệ thì quá rẻ rồi còn gì.
Đường đi từ Changchun đến Hohhot, dọc đường là cảnh hoang mạc với những cánh đồng…cát, thỉnh thoảng được các đàn cừu điểm cho trắng xóa. Ngoài ra còn có những cánh quạt gió đứng sừng sững và trắng xóa trên những hoang mạc này. Tôi được ngắm hoang mạc Nội Mông miễn phí rồi nhé. Từ cửa sổ tàu lửa, lần đầu tiên trong đời tôi thấy người ta dùng ngựa để cày thay cho trâu bò ấy nhé. Tóm lại cảnh ở hoang mạc có nhiều nơi khá đẹp bởi vì có điểm thêm hồ nước, cây cối, gia súc. (Sau này khi được một anh chàng Đài Loan khoe hình anh ta chụp từ một khu vực hồ nổi tiếng với khách du lịch tại đây ấy –tôi không nhớ tên- thì tôi thấy cũng na ná như những cảnh mà tôi thấy từ cửa sổ tàu lửa ấy. Chỉ khác ở chỗ là anh ta phải tốn khá bộn tiền để thấy những cảnh này trong khi tôi được ngắm miễn phí cả ngày đến chán luôn ấy.) Hậu quả của việc mở he hé cửa sổ để tránh khói thuốc của mất tên “mất nết” là người, tóc và quần áo tôi đầy cát (sau này tôi phải tốn khá nhiều dầu gội và xà bông tắm để tẩy cái đống cát Nội Mông này đấy.)
Cuối cùng tàu cũng đến ga Hohhot. Tại Hohhot có hai ga –ga Đông Hohhot (Hohhot Dong) thì nhỏ hơn lại nằm xa trung tâm thành phố. Từ Changchun thì tàu sẽ đến ga này trước. 15 phút sau thì sẽ đến ga trung tâm. Cũng may là những người trên tàu nói cho tôi biết ấy chứ. Tôi nói tôi muốn đến “da tran” (ga lớn).
Hohhot là thủ phủ của Nei Menggu (Nội Mông). Cũng giống như thủ phủ Guiyang của tỉnh Guizhou, tại đây chỉ có duy nhất một international youth hostel của yha mà lại nằm trong khuôn viên của khách sạn bốn sao Binyue. Vì vậy giống như Yidu của Guiyang, nơi đây giống như khách sạn chứ không có không khí hostel tí nào. Nhân viên ở đây cũng không biết tiếng Anh. Tuy nhiên nhân viên ở tòa nhà chính (khách sạn 4 sao ấy) lại biết. Giá dorm ở đây là 60 tệ. Ai có thẻ thành viên của YHA thì được giảm 10 tệ. Để đến đây thì từ ga xe lửa bước ra, đến thẳng bến xe nằm ngay trước mặt đón xe buýt 34 (phải chờ khoảng ½ h mới có chuyến đấy) đi khoảng 20-25 phút thì đến trạm Shifan Da Xue (Normal University) thì xuống (nếu không biết thì hỏi người trên xe, khi đến trạm thì họ sẽ thông báo cho xuống). Khi xuống trạm thì nhìn phía xéo bên đường phía tay phải các bạn sẽ thấy tòa nhà của khách sạn Binyue. Từ đó băng qua đường và đi vào cổng chính hỏi nhân viên thì sẽ được chỉ cho tòa nhà phía sau.
Bởi vì nơi đây phảng phất không khí của khách sạn 4 sao nên phòng dorm 4 giường (dorm nam và dorm nữ riêng) ở khá thoải mái. Tóm lại các bạn thấy khách sạn 3-4 sao tiện nghi thế nào thì nơi đây tương tự như thế. Chỉ có đêm đầu tiên của tôi là có 4 người ở dorm này. Những ngày sau chỉ còn tôi và cô bé người Hoa, tên Xinran, 26 tuổi có bằng cử nhân và thạc sỹ tài chính, đến từ thành phố Lanzhou của tỉnh Gansu (Cam Túc). Mục đích cô ta đến đây là để tham dự kỳ thi TOEFL quốc tế. Tổ chức TOEFL này thật sự hốt được khá bộn bạc từ Trung Quốc đấy nhé. Cô ta nói để tham dự vào kỳ thi này (được tổ chức một lần/tuần tại 40 trung tâm ở khắp Trung Quốc) cô ta phải đăng ký trước 6 tháng (bởi vì các trung tâm luôn kín người dự thi ấy mà.) Phí dự thi khoảng 250 đô Mỹ đấy. Ôi trời quả là cả một đống tiền. Ngoài ra trước đó cô ta cũng đã tham dự kỳ thi GMAT tại một thành phố khác với giá tương tự và phải đăng ký trước 3 tháng.
Mục đích cô ta tham dự hai kỳ thi này là muốn giành một học bổng tiến sĩ kinh tế tại một nước nào đó ở Châu Âu hoặc Mỹ. Nếu thế thì số lượng người tại Trung Quốc muốn ra khỏi nước họ là khá lớn đấy nhé. Từ Xinran và một số người khác thì tôi kết luận rằng người Trung Quốc chả hài lòng với quốc tịch Trung Quốc của mình tí nào. Họ luôn muốn có quốc tịch Châu Âu hoặc Mỹ. Họ bảo quốc tịch Trung Quốc rất khó xin visa đi các nước phát triển (sao giống Việt Nam quá các bạn nhỉ?)
Xinran nói tiếng Hoa của tôi sao giống y như người Hoa đến từ Quảng Tây ấy. Cô ấy bảo lần đầu tiên nghe tôi nói tiếng Hoa cô ta nghĩ tôi là Trung Quốc ở Quảng Tây ấy. Sau khi biết tôi là người Việt Nam, cô ta hỏi bộ ở Việt Nam người ta nói tiếng Anh à? Sao tiếng Anh của tôi giống như của người bản xứ ấy. Tôi nói làm gì có. Việt Nam có tiếng Việt và tiếng Anh chỉ là ngoại ngữ thôi. Người Việt học tiếng Anh dễ hơn người Hoa bởi vì người Việt cũng sử dụng bảng chữ cái La tinh.
Xinran thuyết phục tôi ở lại Trung Quốc dạy tiếng Anh đi, giàu lắm đó. Cô ta còn giới thiệu tôi trung tâm ngoại ngữ nổi tiếng nhất của Trung Quốc là New Oriental. Cô ta nói giáo viên ở đây lãnh lương cao lắm. Ví dụ một giáo viên tiếng Anh của cô ta chịu khó cày bừa toàn thời gian ở Trung Quốc trong vòng 5 năm thì có thể mua một căn hộ tại Beijing luôn đó.
Ngoài ra Xinran cho tôi địa chỉ email của cô ta và nói sau khi từ Ngoại Mông về, khi đến Gansu (Cam Túc), tôi liên lạc với cô ta thì sẽ được cô ta hướng dẫn chỗ ở và chỗ tham quan. Vậy là tôi có hướng dẫn viê bản địa tại Gansu rồi nhé!!!!
Thật ra tại Hohhot còn có một international youth hostel khác nằm gần trung tâm thành phố hơn khách sạn Binyue. Nơi này có dorm giá 60 tệ (không giảm giá cho thành viên YHA bởi vì nó không thuộc tổ chức này) bao gồm luôn cả ăn sáng và dịch vụ đón khách tại ga xe lửa (chỉ cần cho họ biết ngày giờ bạn đến). Hostel này có tên là Anda và nếu muốn ở đây các bạn có thể vào google gõ từ “Anda guesthouse-Hohhot” thì sẽ có thông tin về nơi này.
Thật ra tôi thấy dorm của tôi tại Binyue khá thoải mái nên quyết định ở luôn 3 đêm (sau những ngày vật vả trên những tàu dài và những nơi rẻ tiền thì cũng đáng các bạn nhỉ?). Gần ga xe lửa có nhiều zhao dai suo có giá 20-30 tệ lắm và các nơi này lại gần trung tâm.
Ở tại Binyue, tôi lấy cột mốc Shifan Da xue (Normal University) nên có đi đâu thì đi khi trở về tôi cứ nói Shifan Da xue. Tại Hohhot, các tên trạm chỉ có tiếng Mông và tiếng Hoa, không có tiếng Pinyin đâu. Tuy nhiên cũng may là tôi ở Trung Quốc đủ lâu nên có thể nhận diện được mặt của vài từ và tôi có thể hỏi người dân địa phương hoặc sinh viên trên xe. Tôi chỉ cần nói: “dao Shifan Da xue ma?” Vậy là họ nhiệt tình hướng dẫn. Tôi thích người dân ở Hohhot vô cùng. Họ vô cùng thân thiện và rất nhiệt tình khi chỉ đường hoặc trạm cho bạn xuống đấy.
Bây giờ tôi nhìn và có thể phân biệt được ai là Mông Cổ rồi nhé. Người Mông cổ khá thân thiện và họ có khuôn mặt bẹt. Kiểu mặt tròn và dẹp ấy. Nhiều người chắc ăn nhiều thịt ngựa hay sao ấy nên khuôn mặt mập ú. Đó là kiểu mặt mà người Việt Nam hay nói: để 12 chén chè lên còn có chỗ quỳ lạy. Khi ra đường cứ nhìn thấy ai mặt dẹt thì tôi đoán đó là người Mông Cổ luôn.
Sách hướng dẫn du lịch nói rằng ở Hohhot hầu chư chả có người Mông Cổ. Tôi nghĩ rằng sách này không đúng bởi vì chỉ ở tại Hohhot có 3 đêm mà tôi gặp khá nhiều người Mông rồi.
Thứ nhất là cậu sinh viên dẫn đường tôi đến nhà ăn của Shifan Da xue (chị Chi nói các căn tin của các trường Đại Học có trợ giá cho sinh viên nên thức ăn khá rẻ). Thực ra cậu ta dẫn tôi vào nơi dành cho giới sinh viên khá giả. Cậu ta mua và trả tiền cho dĩa cơm của tôi là 7 tệ. Tưởng cậu ta sẽ quay lại để ăn nên định lúc ấy trả tiền lại. Tôi ăn xong ngồi chờ miết chả thấy nên lần mò lên cầu thang (bởi vì tôi nhớ cậu sinh viên lấy tay chỉ lên lầu và nói gì đó.) Khi lên cầu thang thì tôi phát hiện ra phòng ăn khá lớn dành cho sinh viên đại trà. Tôi đi loanh quanh kiếm cậu sinh viên này để trả tiền thì chả thấy.
Thứ hai là nhóm nấu ăn của Shifan Da xue. Lúc đó vắng khách nên tôi ngồi nói chuyện với họ và được họ dạy cho một ít tiếng Mông Cổ (bây giờ tôi biết vài tiếng Mông rồi đó nghen.) Lúc đầu họ nghĩ tôi đến từ Yunnan (Vân Nam) nhưng tôi nói Yue Nan và họ à lên nói Vietnam à? Thật kỳ lạ là họ biết từ “Vietnam” đấy.
Thứ ba là một nhóm nữ đứng đợi xe buýt trước cổng Shifan Da xue. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng gì đó. Nhìn những khuôn mặt bẹt của họ, tôi hỏi đại: phải người Mông Cổ không? Họ nói phải.
Thứ tư là khi đợi xe buýt 34 để đến ga tàu lửa cùng Xinran, cặp vợ chồng đứng cạnh chúng tôi cũng là người Mông. Khi biết tôi một mình đi du lịch ở Trung Quốc và chuẩn bị đến Mông Cổ, họ nói rằng tôi thật gan dạ.
Chỉ ở có bấy nhiêu ngày mà tôi đã gặp và nói chuyện với biết bao nhiêu người Mông rồi các bạn nhỉ? Đó là chưa kể tôi thấy ngoài đường khá nhiều khuôn mặt bẹt ấy nhé. Chẳng lẽ ai tôi cũng hỏi: phải người Mông không” thì kỳ quá. Những khuôn mặt bẹt này tôi cũng gặp khá nhiều ở vùng Đông Bắc Trung Quốc ấy.
Hầu như tất cả các bảng hiệu và tên trạm xe buýt ở Hohhot đều ghi bằng hai thứ tiếng –tiếng Mông ở trên và tiếng Hoa ở dưới.
Hohhot có một nơi miễn phí vé và rất đáng vào xem- đó là bảo tàng Nội Mông (Nei Menggu Bowuguan). Để đến được nơi đây thì từ Beimen (cổng Bắc của Shifan Da xue) đón xe buýt số 53 hoặc 83; từ Dongmen, đón xe 66. Tuy nhiên trước khi lên xe hỏi người dân để không đi hướng ngược lại nhé. Các bạn chỉ cần nói: “Nei Menggu Bo Wu Guan.” Ngoài ra để đến bảo tàng này còn có các tuyến xe buýt như 3, 12, 27, 51, 53, 72, 75, 87, 92, 96, 98, 301. Khi lên xe cứ hỏi người dân thì họ sẽ cho biết khi nào xuống nhé.
|
Mặt tiền của bảo tàng |
|
Điều mà tôi thích nhất ở bảo tàng này là họ có nhiều phòng trưng bày về thảo nguyên (những động vật và hoa cỏ sống trên thảo nguyên), về lịch sử, truyền thống, phong tục của người dân du mục trên thảo nguyên.
Điều mà tôi bực mình nhất ở bảo tàng này là học gán quốc tịch Trung Quốc cho Thành Cát Tư Hãn và quân đội của ông ta. Đúng là bọn trơ trẽn!!!
Tuy nhiên tôi cảm thấy khá thỏa mãn khi lại được vào một viện bảo tàng công viên khách sạn 5 sao sau những ngày phải tham quan những viện bảo tàng bé tí ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc.
Ngoài ra ở Hohhot còn có rất nhiều điểm tham quan khác mà tôi tra được ở trên mạng như sau:
- Mộ của Vương Chiêu Quân (Wang Zhaojun mu): tại ngã tư của đường Shiyangqiao xilu và Nanchafang jie, đón xe buýt 14
- Ra núi: xe buýt 54 ở gần quảng trường Xinhua (Xinhua Guang Chang)
- Đến khu phố cổ: ở đây có thể vào
- Da Zhao si (Da Zhao Temple) giá vé 30 tệ hoặc
- Qingzhen Dasi (Vương cung thánh đường của người Hồi): miễn phí
- Wutasi (Temple of the five Pagodas) giá vé 35 tệ
Tàu lửa của tôi đi Erlian (Erenhot/ Erlianhaote) vào lúc 10h tối thứ hai ngày 30/5/2011 với giá vé là 36 tệ cho ghế cứng và tàu dự kiến đến vào lúc 6h sáng hôm sau. Tôi và cô bé Xinran cùng nhau check out bởi vì tàu của cô ta về Lanzhou khởi hành vào lúc 2h trưa. Chúng tôi xuống trễ khoảng 10 phút. Vậy là tiếp tân ở Binyue bắt chúng tôi phải trả tiền cho ½ ngày. Xinran không đồng ý nên cãi nhau với tiếp tân và dịch lại cho tôi nghe. Tôi bảo Xinran nói với tiếp tân rằng chúng tôi ra khỏi phòng lúc 12h nhưng do phòng ở tầng 5, khách sạn không có thang máy và chúng tôi phải bê hành lý xuống cả 5 tầng lầu. Vì vậy không thể bắt chúng tôi trả tiền thêm ½ ngày được. Cô tiếp tân gọi điện thoại cho ai đó và nói rằng chúng tôi không phải trả tiền nữa. Hú vía!!! (Một du khách khác xuống trễ hơn chúng tôi chút xíu và cũng bị bắt trả tiền ½ ngày ấy.)
Xinran dẫn tôi ra tòa nhà chính. Tại đây chúng tôi chỉ cần nói số phòng mình đã ở là có thể được ký gửi hành lý cả tháng luôn và miễn phí ấy nhé. Tuy nhiên tôi chỉ để ở đó vài tiếng thôi.
Tạm biệt Xinran tại ga xe lửa, tôi leo lên xe buýt và đi ra ngoại ô Hohhot. Đến trạm cuối cùng, tôi leo xuống. Ở cánh đồng trước mặt tôi là một nấm mồ trăng trắng. Điều kỳ lạ ở nấm mồ này là nó trông giống như cái lều của dân chăn cừu ấy nhưng khác ở chỗ là nó bằng xi măng và phía trước có tấm bảng gỗ nhỏ để ghi tên người chết. Thật thú vị!! Dân du mục sống trong lều và chết cũng được chôn trong một cái lều xi măng. Tôi lấy máy ảnh ra và xăm xăm định băng qua khoảng đất trước mặt để chụp hình rõ hơn. Khi tôi vừa nhấc chân lên và bước thì cảm giác hụt hẫng và lành lạnh tràn vào. Ôi thì ra khoảng đất trống trông như đất khô ấy lại là bùn quánh. Tôi hết hồn vì đất sình lún qua khỏi mắt cá chân luôn. Tôi vội leo lên bờ thì hai đôi chân của tôi được phủ một lớp bùn dày.
|
Nấm mồ mà tôi đã nhìn thấy đây -Trông giống cái lều của dân du lục quá các bạn nhỉ? |
|
Hậu quả của việc ngắm nghía nấm mồ |
Lúng túng, tôi giũ cho bùn ra bớt. Một bác nông dân bước tới và nói đất này không đi được đâu và chỉ tôi đi về phía trước để lấy nước rửa chân. Tôi đến bác nông dân phía trước chỉ vào đôi chân của mình và nói: nước. Bác ta nhìn tôi vừa thương hại vừa buồn cười và chỉ vào trạm xe buýt.
Khi tôi vào trạm và hỏi nước. Một anh thanh niên chỉ cho tôi cái vòi rồng và nói gì đó. Chắc ý là dùng vòi rồng mà xịt cho sình rã ra. Tôi làm theo: giày, vớ và một đoạn quần của tôi ướt nhẹp. Tuy nhiên dù sạch bùn nhưng bên trong đôi giày và vớ của tôi lại đầy cát và không thể giũ ra được. Tôi ráng chịu đựng để đi trên đôi giày đầy cát và ướt nhẹp này trở lại khách sạn Binyue để lấy hành lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét