Kỳ trước: Trở lại Trung Quốc (8): Hohhot/ Huhehaote
Đến ga xe lửa Hohhot vào khoảng 6h30 tối, tôi lấy máy tính ra và ngồi chăm chỉ viết bài đến gần giờ tàu chạy thì mới tắt máy. Tôi là người khách cuối cùng vào cổng soát vé. Lúc đó nhân viên chuẩn bị đóng cổng thì tôi mới chạy đến. Họ nói: Erlian? Tôi gật đầu và họ nói gì đó mà tôi đoán là chắc họ trách tôi sao đến trễ thế. Ga Hohhot là trạm khởi hành của chuyến tàu này vì vậy mà nó mở cửa cho khách vào khá sớm (thường ở Trung Quốc, các ga khởi hành luôn mở cửa cho hành khách vào sớm, còn ở các ga giữa thì đến đúng giờ hành khách mới được vào.)
Tôi leo lên tàu và ngồi đúng toa của mình. Tàu này là tàu chợ chỉ chạy từ Hohhot đến Erlian thôi nên nó có khá ít toa và ít người đi. Đa phần hành khách xuống giữa đường nên những người đến ga cuối thì có băng ghế nằm ngủ.
Tàu đến Erlian khá sớm, chưa đến 6h sáng. Dự định ở lại Erlian một đêm nên tôi kéo hành lý đi về tay phải ga để tìm chỗ trọ. Ở đây nếu đi đông người thì giá phòng khá rẻ chỉ khoảng 10-20 tệ/giường, còn phòng dành cho một người (thật ra là có hai giường đơn hoặc giường đôi) thì có giá 30 tệ. Tuy nhiên do tôi đến sớm nên khách chưa check out, vì thế các zhao dai sua giá rẻ không có phòng trống. Có một khách sạn ở đó lấy giá 80 tệ cho phòng có thể nối mạng internet. Khi tôi bỏ đi thì họ xuống giá 70, rồi 60 tệ. Tôi nghĩ nếu trả giá 50 tệ thì có thể được ấy. Đi loanh quanh Erlian vào lúc sáng sớm một hồi thì tôi lại vòng về phía trước trái của ga xe lửa. Ở đây cũng có phòng giá rẻ và phòng cũng có giá 30 tệ cho tôi (thật sự các zhao dai sua cũng có dorm nữa nhưng chỉ toàn là đàn ông nên tôi không ở được). Tôi trả giá một hồi thì được giá 25 tệ. Phòng tôi có hai cái giường. Một cái giường thì vị khách trước nằm vừa check out nên họ chưa dọn dẹp. Họ chỉ tôi cái giường kia. Trong phòng có tivi và nhà tắm dù không sạch lắm nhưng cũng khá ổn.
Tôi đồng ý với giá 25 tệ. Tôi nói tôi là người nước ngoài thì ở được hay không. Họ nói được và chỉ lên màn hình vi tính hộ chiếu của một vị khách người Pháp trước đây đã ở đấy. Thật ra hai vợ chồng chủ nhà này cũng là người Mông Cổ. Người vợ còn nói được nói Mông chứ người chồng thì không biết. Họ cũng có khuôn mặt dẹp và tính thân thiện dễ mến của những người Mông ấy.
Khi họ loay hoay scan hộ chiếu của tôi thì tôi vào phòng bày hành lý ra và chuẩn bị một ngày đi dạo.
|
Một con phố tại Erlian |
|
Ở Erlian, các cửa hiệu đều có 3 thứ tiếng như thế này đây- Hàng chữ loằng ngoằng như giun bên góc trái là tiếng Mông Cổ cũ. Hàng chữ ở giữa là tiếng Hoa. Hàng chữ cuối cùng trông giống tiếng Nga là tiếng Mông Cổ mới đấy nhé |
|
Đây là một trong những phương tiện giao thông công cộng phồ biến ở Erlian- Xe đạp này chạy bằng điện đấy nhé |
Erlain là một thị trấn nhỏ xíu nên mọi thứ và mọi nơi đều có thể đi bộ đến được. Tôi ngồi xe buýt có một chút xíu thôi là đã đi từ trạm đầu đến trạm cuối rồi.
Từ ga xe lửa bước ra, đi về hướng tay phải thì thấy một ngã ba. Đi thẳng ngã ba này thì thấy văn phòng CITS (nơi bán vé tàu đi Mông Cổ ấy) ở ngay ngã tư đầu tiên nằm bên trái đường. Con đường có văn phòng CITS có trạm cho xe buýt số 1. Leo lên xe buýt số 1 thì có thể đi đến cổng biên giới. Tuy nhiên, xe buýt và taxi không được phép vào bởi vì có những anh lính đứng gác trước cổng khoảng vài trăm mét. Nhiều người Hoa đến đây để xem biên giới lắm và ai cũng thất vọng quay về bởi vì ngay cả chụp hình cũng không được phép.
Khi tôi đang đứng tần ngần để tìm hiểu cách đi qua biên giới vào ngày hôm sau 1/6/2011, có một anh lính đeo máy ảnh đứng gần đó. Tôi tiến đến hỏi anh ta. Anh ta bảo ngày mai 1/6 là ngày lễ, nghỉ làm việc. Hôm nay 31/5 hoặc hôm kia 2/6 mới qua biên giới (thật ra vào ngày lễ, chỉ có tàu hỏa mới có thể đi qua biên giới được mà thôi.) Và không ai được phép đi bộ hay đi taxi vào biên giới, phải đi xe jeep mới được. Tôi hỏi giá. Anh ta nói giá 50 tệ/người và nói gì đó có giá 80 tệ (theo tôi chắc 80 tệ là có hành lý hay bao nguyên xe thì phải? Chả hiểu). Anh ta nói muốn đi thì đi hôm nay. Tuy nhiên, tôi vừa đóng tiền phòng giá 25 tệ nếu đi thì bỏ tiền, tiếc nên quyết định sẽ đi vào ngày 2/6 cũng là ngày thứ 30 của tôi tại Trung Quốc.
Vậy là tôi kẹt lại cái thị trấn Erlian tí xíu đến 2 đêm.
Khu trung tâm của Erlian (nơi tập trung nhiều cửa hàng, ngân hàng và siêu thị) nằm rất gần ga xe lửa. Từ ga, đi bộ khoảng 5-10 phút là đến. Tại đây tôi thấy có một cái chợ bán đủ hàng hóa (không có bán thức ăn đâu) và đối diện cái chợ là một công viên hay quảng trường gì đó. Xung quanh khu vực này, xe công an và quân đội đậu đầy. Trên lề đường, cứ cách vài trăm mét là có một tốp lính đứng gác hoặc đang đi qua lại. Tôi thấy có rất nhiều người có khuôn mặt dẹp đi xe đến chợ này mua sắm và trước cổng chợ là xe jeep đậu đầy. Ở đây hình như họ nói tiếng Mông thì phải. Tôi thấy có một phụ nữ rao gì đó. Tôi hỏi bà ta bằng tiếng Hoa thì họ không biết. Có người biết bập bẹ. Tôi nói xe đi Mông Cổ phải không. Họ nói phải và cho giá là 80 tệ. Tôi chê mắc, họ xuống giá 70, rồi 60. Có người đồng ý giá 50 bởi vì không thấy tôi có hành lý gì hết. Tôi nói hôm sau mới đi cơ.
Tại chợ này có một nhóm chuyên đổi tiền cho du khách. Sau đây là tường thuật của tôi về một vụ MONEY SCAM mà không biết tôi hay họ ai là nạn nhân nữa???
MONEY SCAM tại Erlian
Khi tôi loanh hoanh tại khu chợ thì thấy có hai phụ nữ nói tiếng Hoa phổ thông và chìa ra một xấp tiền có hình Thành Cát Tư Hãn. Tò mò, tôi đứng lại xem thì họ hỏi tôi có đổi tiền không. Tôi nói có và hỏi giá. Họ nói gì đó mà hình như là giá từ Nhân dân tệ sang tiền Mông Cổ thì phải. Tôi nói tôi đổi tiền Euro (họ gọi gì đó giống như You Yuan). Tôi hỏi tỷ giá. Họ cho tôi tỷ giá khá thấp. Lúc ở Hohhot, tôi đã tra tỷ giá trên mạng rồi mà. EUR 100 tương đương 174.000 MNT (tiền Mông Cổ). Họ nói tỷ giá này cao quá nên họ sẽ không lời. Tôi định bỏ đi vì nghĩ bụng ngày hôm sau đổi ở Zamiin Uud (thị trấn sát biên giới bên phía Mông Cổ) cũng không muộn. Nhưng họ lại đồng ý đổi. Tôi nói chỉ đổi EUR 50. Vậy là họ lấy máy tính ra bấm 174 chia 2 thì ra 87.000 MNT.
Khi họ bắt đầu đếm tiền và đưa cho tôi thì tôi khá lúng túng trước tiền Mông Cổ (lần đầu được cầm tiền có Thành Cát Tư Hãn mà). Họ đưa tôi 16 tờ có trị giá 5.000 và nói đây là 8 vạn (ở Trung Quốc họ vẫn dùng từ “vạn” ấy) và sau đó đưa cho tôi một xấp tiền lẻ có trị giá 100 và 50. Tôi lúng túng và không biết đếm thế nào. Một phần vì tiền lạ quá, một phần vì họ dùng từ “vạn” nên tôi phải dịch trở lại “vạn” là “chục ngàn”, một phần là vì tôi luôn lúng túng với tiền bạc (thật kỳ lạ phải không các bạn???), một phần là tôi lo sợ họ đưa tiền giả. Thật ra lúc đầu họ định lừa tôi với con số lẻ 7.000 kia, nghĩa là họ dự định đưa cho tôi 82.000 MNT thay vì 87.000 nhưng khi thấy tôi lúng túng với các tờ tiền có hình Thành Cát Tư Hãn thì họ nảy ý lừa tôi nhiều hơn.
Kinh nghiệm cho các bạn khi đổi tiền ở thị trường chợ đen là khi người đổi tiền (đặc biệt là bọn người ấy Hoa) lại “ngọt ngào” và “tốt bụng” đến ngoài dự kiến là họ đang lừa ta đấy.
Họ lấy lại các tờ tiền và chỉ tôi cách đếm và đếm đi đếm lại. Một phụ nữ đếm tiền cho tôi xem. Một phụ nữ khác móc túi lấy ra thêm 5 tờ tiền có trị giá 1.000 MNT nữa và khi tôi thấy họ có hai tờ tiền 1.000 khá mới và khá đẹp thì nói rằng tôi muốn hai tờ tiền này. Người phụ nữ đếm tiền ngọt ngào nói người kia đưa cho tôi tiền mới. Và lần này chị ta cầm xấp 16 tờ 5.000 lại cho vào chung với xấp tiền Nhân dân tệ của chị ta. Chị ta cột thun xấp tiền và đếm cho tôi thấy 16 tờ, xong thì đưa cho tôi và nói tôi cất kỹ đi. Còn chị kia thì đếm xấp tiền cho tôi thấy là 7.000. Họ yêu cầu tôi đưa tiền Euro ra. Tôi lần vào túi bao tử và móc ra tờ 50 euro. Hình như lần đầu họ nhìn thấy tiền euro hay sao ấy. Họ không hề xăm soi xem tiền thiệt hay giả nữa chứ. Họ cứ cầm lấy và xuýt xoa đây là tiền euro sao.
Họ tốt bụng đến mức chỉ vào xấp 16 tờ 5.000 và bảo tôi cho vào túi bao tử ấy kẻo rớt mất. Tôi cười cười và nói không sao. Họ ngọt ngào tạm biệt tôi và bước đi. Thật ra tôi cũng không nghĩ là họ lấy bớt vài tờ từ xấp 5.000 kia bởi vì rõ ràng là tôi thấy 16 tờ kia mà. Tôi chỉ sợ bị tiền giả nên vào công viên trước mặt và lấy tiền ra xem mặt của Thành Cát Tư Hãn cũng như đếm lại tiền của mình.
Khi chỉ có một mình thì tôi bình tâm ngồi đếm tiền. Tôi phát hiện xấp 5.000 chỉ có 10 tờ thôi. Vậy là cái bọn ngọt ngào đó đã rút mất 6 tờ 5.000 của tôi. Thật sự khi đó tôi không biết làm gì bởi vì tôi nghĩ sau khi lừa tôi thì họ đi mất rồi, dễ gì mà đứng đấy, và lúc đó không phải trước cổng chợ nên hầu như không ai thấy. Khá lúng túng! Tôi định bỏ qua luôn và xem như đó là tiền ngu. Tuy nhiên, tôi lỡ cho họ biết mình là người Việt Nam rồi mà bây giờ lại chấp nhận bị lừa thì “nhục” cho quốc thể quá! (Tôi đã nói rồi mà mỗi một du khách Việt Nam ở nước ngoài là một đại sứ của người Việt Nam ấy.)
Tôi quay lại chợ với hy vọng mong manh là gặp lại họ -thật ra tôi cũng chả nhớ mặt họ nữa bởi vì lúc đó chỉ chăm chăm nhìn vào các tờ tiền có hình Thành Cát Tư Hãn thôi. Tôi thấy có một phụ nữ đeo khẩu trang với một cái túi trước bụng –tôi bước đến, nói đại: Ni huan wo tơ qian –tuy bu tuy? (bà đổi tiền cho tôi, phải không?) Bà ta đổi giọng và nói tiếng Mông. Lúc đó có một phụ nữ khác nữa đến và bọn họ bỏ đi. Tôi bước theo và lặp lại câu nói. Vài phụ nữ đến – thật ra họ đến vì nghĩ tôi muốn đổi tiền. Tôi chỉ đại tùm lum vào đám người đó (có nhớ mặt họ đâu) và nói: đổi tiền của tôi phải không? Họ lãng ra.
Tôi thật sự không hy vọng mình có thể lấy lại tiền mà chỉ muốn loa lên cho mọi người biết tôi vừa bị lừa. Nhiều người trong số họ có mặt dẹp lắm và tôi nghĩ hai phụ nữ đổi tiền cho tôi có thể là người Hoa và không thuộc nhóm này.
Một phụ nữ có vẻ như “xếp sòng” ấy hỏi tôi muốn đổi tiền à. Tôi nói tôi đổi tiền rồi và hai người Hoa lấy mất tiền tôi rồi. Vài người tụ tập quanh tôi. Thật sự lúc đầu họ cũng chả hiểu tôi muốn nói gì. Cuối cùng khi họ hiểu ra thì à lên và có vẻ như lãng ra. Bỏ mặc tôi ấy. Bà “xếp song” nói tôi có làm rớt tiền không chứ dân đổi tiền ở khu này toàn là người tốt không hà. Khi nghe đến vụ rớt tiền, tôi nhớ đến money scam mà tôi gặp ở Myanmar. Vậy có thể nhóm này là một chăng??? Tôi lúng túng và nói bâng quơ theo kiểu phân trần: wo qu cong an jiu (tôi ra đồn công an đây) –thật sự tôi chả biết từ “đồn công an” nên dùng đại từ “cong an jiu” là nơi tôi hay đến để gia hạn visa ấy.
Điều tôi không hề nghĩ và ngờ đến là từ “cong an” lại có sức mạnh ghê gớm đối với họ. Thật sự, tôi nghĩ họ sẽ nói: đi đi (giống như kiểu ở Việt Nam ấy). Lúc đó, một đội lính đi diễu hành qua. Người phụ nữ “sếp xòng” mời tôi vào cửa bên trong chợ để nói chuyện .Để “rủ” được tôi vào trong, bà ta nói “wo men gui ni qian” (Chúng tôi sẽ trả tiền cho bạn). Tôi hơi ngạc nhiên bởi vì tôi biết người phụ nữ này không phải là người lừa tôi. Tuy nhiên trước sự tử tế của bà ta nên tôi đi vào. Họ hỏi tôi tỷ giá đổi. Tôi nói 174. Họ nói cao quá và yêu cầu tôi đổi với tỷ giá 140. Và bọn họ lúc đó khoảng hơn 10 người đứng cạnh hoặc lòng vòng gần đó và trao đổi lào xào qua lại bằng tiếng Mông.
Lúc đó tôi quả thật là một mình đứng giữa “bầy sói” ấy. Tất cả những người lúc đầu có vẻ như người bàng quan ấy thật ra là cùng một bọn cả và tôi nắm được điểm yếu của họ là họ không muốn tôi đi ra báo công an. Tôi cũng biết được điểm mạnh của mình là tôi không rành tiếng Hoa nên họ có nói hay chửi rủa tôi thì tôi cũng không hiểu; ngoài ra tôi đang ở giữa chợ, bên ngoài là công an và quân đội và bên trong tôi thấy có người mặc sắc phục của bảo vệ qua lại. Cái này gọi là “biết địch biết ta.”
Người phụ nữ “xếp sòng” ở đây quả là tay “sừng sỏ”, bà ta dùng đủ mọi chiến thuật từ ngọt ngào đến cao giọng, và còn được một đám tay sai đứng gần hùa theo để làm cho tôi đổi tiền với tỷ giá thấp hơn hoặc chấp nhận đổi nhân dân tệ thay cho tiền Mông Cổ. Thật sự họ chỉ làm cho tôi điên tiết lên mà thôi. Tôi nghĩ lúc này mà giao dịch với cả một bầy sói thì chỉ có lỗ với lỗ nên tôi nói không đổi tiền gì hết, trả tiền lại cho tôi. Thật ra trong bụng tôi cũng lo rằng họ sẽ nói hai phụ nữ kia lấy tiền đi mất rồi, có đâu mà trả (cho dù họ có nói thế thì tôi cũng có hiểu tiếng Hoa đâu các bạn nhỉ - không hiểu tiếng bản xứ nhiều khi có lợi như thế đấy.) Tôi cứ một mực đòi lấy tiền lại, họ nói thế nào cũng không nghe (bởi vì có nghe cũng không hiểu hehhehe). Tôi nói hoặc là tỷ giá 87 hoặc là lấy tiền lại.
Bà “xếp sòng” nói gì đó mà tôi đoán rằng “đã mua hàng miễn trả lại.” Tôi nói hai người kia đồng ý với tỷ giá 87 thì tôi mới đổi, không phải là 87 thì tôi không đổi nữa. Bà “xếp song” nói tiền Euro đổi sang nhân dân tệ chỉ có 7 thôi. Tôi lấy máy tính của bà ta bấm và nói tại ngân hàng tôi đổi được 9.2 ấy. Thấy tôi có vẻ cương quyết, hai phụ nữ trẻ có thái độ côn đồ đến và nói gì đấy có vẻ hung hăng lắm (họ trẻ đến mức lúc đầu tôi tưởng họ là học sinh, bây giờ lộ hình là kẻ đổi tiền.) Họ quát lên với tôi gì đấy mà tôi đoán là “hàng mua rồi miễn trả lại.” Dám quát tôi đấy à? Đã chúng mày lừa tiền của bà mà còn dám quát bà nữa đấy à? Tôi điên tiết và thật sự là tôi “gầm lên” (tôi có giọng opera ấy nhé và giọng này được huấn luyện hàng năm trời qua việc “quát” học trò đấy.): tỷ giá 87 thì tôi đổi, không phải 87 thì tôi không đổi, không trả lại tiền thì tôi đi ra đồn công an. Chắc tiếng gầm của tôi ghê gớm lắm hay sao (sau đó thì tôi bị đau cả cuống họng cả buổi chiều vì tiếng gầm này) mà hai đứa trẻ ranh đó cũng như tiếng lao nhao xung quanh tắt đài.
Người phụ nữ xếp sòng bảo tôi đợi một chút, bà ta điện thoại cho ai đó mà lúc sau tôi biết là hình như chồng bà ta ấy đem tiền đến trả. Khi họ trả tiền cho tôi, tôi biết cả một bầy sói đang quan sát mình (và họ biết tôi là người Việt Nam ấy) nên tôi không cần vội vã. Tôi lấy lại tờ tiền euro, cầm lên lật qua lật lại quan sát thật kỹ, sau đó cất vào túi bao tử, rồi mới lấy 57.000 MNT ra trả lại cho họ. Người phụ nữ cầm lấy tiền tôi đếm lớn tiếng trước mặt tất cả người khác. Tôi cười thầm trong bụng vì lấy lại được tiền nhưng vẫn giữ mặt lạnh băng, nói một tiếng gọn lỏn “Xie xie” (Cảm ơn) và bước ra. Người phụ nữ xếp sòng nói léo nhéo gì đó sau lưng tôi nhưng tôi chả hiểu nên cứ thế mà thẳng bước.
Khi ra ngoài trông thấy mấy anh lính trẻ măng diễu hành qua lại, tôi nói thầm trong bụng: “Cảm ơn nhé! Không có mấy anh lính này thì tôi cũng không có đủ can đảm mà đối đầu với cả một bầy sói trong kia đâu.” Tôi quả thật là may mắn!!!!
Thật sự tôi vẫn phục người Hoa bởi tinh thần đoàn kết khi làm ăn của họ -dù là hợp pháp hay phi pháp. Cái tinh thần này thì dân Việt Nam chúng ta còn lâu mới sánh nổi đấy nhé. Thật sự một anh bạn từng đi du học lấy bằng tiến sĩ tại Đức kể cho rằng khi Đông Đức và Tây Đức vừa sáp nhập thì dân Việt Nam bên đó “đánh hơi” ra một phi vụ làm ăn béo bở - đó là buôn thuốc lá lậu từ Đông Đức sang Tây Đức nhưng cái bọn Việt Nam tham lam và ngu xuẩn này chả biết phối hợp để thống trị thị trường này mà họ lại quay sang “chém giết” lẫn nhau, thậm chí các băng đảng còn rượt đuổi nhau bắn súng ầm ầm ngoài đường. Vậy là cảnh sát Đức vào cuộc. Lúc đó thì người dân và chính quyền Đức mới “tá hỏa” ra và từ đó về sau họ “cạch” luôn cả người Việt Nam.
Ví dụ thứ hai để cho thấy tính ngu xuẩn và ăn xổi ở thì của dân Việt Nam, đó là việc làm cà vạt. Lúc đó, người Đức rất chuộng loại cà vạt được dân Việt Nam làm bằng tay. Tuy nhiên các hãng lại tranh đua nhau đưa hàng vào siêu thị nên lần lượt giảm giá để siêu thị chấp nhận hàng của mình chứ không phải của đối thủ. Vậy là chỉ có người làm công bị thiệt do lãnh lương quá thấp trong khi các siêu thị lời to vì nhập hàng giá rẻ nhưng vẫn giữ giá bán như cũ ấy. Thế là các hãng sản xuất Việt Nam do hạ giá thành quá nhiều nên lần lượt tự diệt và nhường lại cả thị trường này cho người Trung Quốc.
Vì vậy khi ai đó khen rằng người Việt Nam “thông minh” thì các bạn chớ dại dột mà tin theo nhé bởi nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, ông Trần Quốc Vượng, đã chứng minh được rằng cái thông minh của dân Việt Nam thực ra chỉ là “khôn vặt” mà thôi. Mà “khôn vặt” là gì thì các bạn biết rồi đó- chỉ giỏi ở những cái nhỏ và linh tinh thôi, còn đối với những việc lớn thì không đủ khả năng. Lý do không đủ khả năng là do mình chả biết tính kế lâu dài mà toàn hành xử theo kiểu “ăn xổi ở thì” do vậy “tự mình diệt mình.” Chả trách chi mà bọn Ba tàu bảo: “Dân Việt Nam chúng mày ngu, chết ráng chịu!”
Bài liên quan: Tôi đi Mông Cổ (1): Biên giới Trung Quốc-Mông Cổ và thủ tục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét