Kỳ trước: Tôi đi Mông Cổ (6): Quá giang xe đến Tosontsengel
Sau một ngày tắm rửa trên sông Ider, tôi lại khoan khoái trở lại và đi lòng vòng chụp cảnh Tosontsengel từ đồi. Cảnh đồi núi hòa lẫn với sông nước thật đẹp và lãng mạn. Đêm thứ hai tại Tonsontsengel, tôi quyết định khăn gói quả mướp ra đồi ngủ. Khi tôi chia tay với những người trong khách sạn thì tất cả họ đều ra cửa để tiễn tôi (không biết là do họ luyến tiếc hay là do họ vui mừng khi tôi ra đi !!!!). Từ trên đồi nhìn xuống là cảnh sông Ider chảy tràn qua một đoạn đê và xe cộ khi đến đây thì phải lội nước. Suốt đêm tôi nghe tiếng xe chạy qua lại ấy (chỉ thỉnh thoảng mới có một chiếc thôi). Tối trời mưa lất phất nhưng tôi cũng tạm ngủ được.
|
My nature matress |
Sáng, tôi thu dọn hành lý xong thì bắt đầu đi dạo quanh Tonsontsengel trước khi quyết định chia tay nó. Tôi hỏi thăm đường đi đến Uliastai. Một anh chàng chạy xe máy ra dấu bảo tôi lên xe và anh ta chở tôi đến cổng vào của Tonsontsengel. Anh ta không nói giá tiền là bao nhiêu nhưng không vội bỏ đi mà cứ đứng hoài. Lúc đầu tôi chả hiểu đâu nhưng thấy anh ta cứ tần ngần và đề nghị chở thêm một đoạn, sau đó lại thêm một đoạn..thì tôi hiểu ra và móc túi đưa anh ta 1.500T (khoảng 25.000 đồng).
Với người Mông Cổ thì các bạn đừng dại dột mà hỏi giá họ trong những tình huống như thế này nhé. Cứ tự tính nhẩm và đưa tiền họ thôi. Bạn mà hỏi thì họ sẽ cho giá thật cao và khi phải xuống giá (khi các bạn trả giá ấy) thì họ lại thấy giống như mất thể diện khi bị …xuống giá ấy (đó là lý do mà dân Mông Cổ “ghét” trả giá chăng?) Đó là lý do khi họ ra giá rồi thì khó thương lượng với họ lắm. Vì vậy tốt hơn hết là bạn tự ra giá cho dịch vụ của họ vậy. (Điều này không áp dụng cho những nơi chuyên phục vụ du khách nghen các bạn; tuy nhiên đối với khách sạn thì vẫn trả giá được bình thường- Lý do: bạn là người nước ngoài nên họ tranh thủ kiếm chác ấy mà; du khách nào không sẳn lòng trả giá thì xem như họ được “giá hời,” du khách nào trả giá thì xem như họ vẫn bán được dịch vụ.)
Tóm lại, khi đã hiểu được “style” của một dân tộc rồi thì các bạn chỉ việc dung dăng dung dẻ mà tận hưởng và thăm thú đất nước đó thôi. Đối với tôi, lý do mà khiến cho người ta…nổi giận hay khó chịu khi đến một quốc gia khác là do họ không hiểu được cái “style” của dân tộc ấy mà thôi. Vì vậy, lỗi là ở chính họ chứ không phải ở dân tộc ấy các bạn nhỉ?? Nhập gia tùy tục mà. Khi mình không “tùy tục” nổi thì lại “giận cá chém thớt.” Tuy nhiên để có khả năng nhập gia tùy tục và hiểu được cái “style” của một dân tộc khác thì cần phải có lòng kiên nhẫn cao độ đấy các bạn. Để có được điều này thì không dễ tí nào (tôi phải học hỏi ngày đêm ấy – đặc biệt là khoảng thời gian ở Ấn độ - bởi vì tôi thuộc mạng hỏa mà, tính nóng như lửa ấy). Do đó lời khuyên của tôi là bạn nào cảm thấy mình không có được sự kiên nhẫn thì nên đến……..Ấn độ tối thiểu là 3 tháng – đất nước với những con người và phong tục kỳ lạ này sẽ là huấn luyện cho bạn lòng kiên nhẫn, bởi vì khi ở Ấn độ thì bạn sẽ chỉ có thể có được hai trạng thái cảm xúc mà thôi- vui vẻ hoặc nổi điên. Họ luôn “tạo điều kiện” cho bạn nổi điên, điên một thời gian thì các bạn sẽ có lòng kiên nhẫn, khi đó các bạn sẽ vui vẻ mà tận hưởng đất nước ấy (tôi nói thật đấy, không đùa đâu- đó là lý do một du khách người Ý để khuyến khích tôi đến Ấn độ đã nói rằng: “đất nước ấy có khả năng làm thay đổi một con người đấy” và tôi nghĩ rằng ông ta nói đúng – với điều kiện bạn phải ở đó đủ lâu)
Khi chia tay với anh chàng “xe ôm,” tôi tình tính tang vác ba lô đi bộ giữa hoang mạc dưới trời nắng gắt. Vài chiếc xe chạy qua, nhìn tôi kinh ngạc hoặc cười cười. Chắc họ nghĩ: lại thêm một thằng điên (thường chỉ có du khách mới lội bộ, chứ dân Mông Cổ chả khi nào).
Một chiếc xe chạy ngang qua, rồi dừng lại mời tôi lên (dù tôi chả ngoắc tay xin quá giang). Họ nói họ không đi Ulisatai mà đi Nomrog. Tuy nhiên tôi có thể đi với họ đến ngã ba của Uliastai và Nomrog. Họ là cảnh sát đấy các bạn. Băng ghế trước là hai anh chàng cảnh sát trẻ tuổi và băng ghế sau là gia đình sếp của họ. Thường những câu mà dân Mông Cổ luôn hỏi tôi là” từ đâu đến, bao nhiêu tuổi, có chồng chưa?” Tuy nhiên họ lại tối kỵ việc hỏi tuổi mấy đứa bé ấy – những đứa bé dưới 5 tuổi – bởi vì họ cho rằng việc này sẽ đem lại điều không may cho đứa trẻ ấy.
Họ không nói được nhiều tiếng Anh nhưng họ thật vui tính. Vậy là tôi được quá giang khoảng 30 cây số. Từ ngã ba đến Uliastai còn khoảng 150 cây nữa. Chia tay họ xong, tôi vác ba lô lội bộ giữa trời nắng. Hầu như chả có chiếc xe nào chạy ngang qua cả lấy gì mà quá giang. Cuối cùng khi trời chiều thì tôi băng qua đồng cỏ để đến ger của người địa phương xin ngủ nhờ. Từ đường lộ, tôi nhìn thấy ger trắng mờ mờ đằng xa và đi mãi mới đến nơi được.
Những người nông dân (gồm 3 gia đình) đang quây quần với nhau để cắt lông cừu. Khi thấy tôi đến thì họ quây quanh lấy tôi và một người hỏi tôi từ đâu đến. Tôi nói tôi từ Việt Nam. Họ cứ đứng ngồi xung quanh tôi, nói lao xao và nhìn tôi cười. Một chị phụ nữ mời tôi về ger uống trà. Vậy là tôi đi theo chị ta, chia tay với những gia đình kia. Khi về đến nơi, thì chị ta bắt đầu nổi lửa lên để đun chè. Chị ta có một đứa con khoảng 1 tuổi và đứa bé này cứ khóc nhèo nhẹo đòi mẹ cho bú. Chị ta thản nhiên thay quần dài ngay trước cửa ger. Người Mông cổ tự nhiên lắm các bạn nhé! Họ không ngại bị người khác nhìn thấy những phần nhạy cảm như dân Việt Nam và Trung Quốc đâu. Họ giống như dân Châu Âu ấy – có thể thay đồ dài bên ngoài ngay trước mặt người khác và khi ngủ thì họ chỉ mặc đồ lót thôi.
Cuối cùng tôi cũng có bát trà sữa uống và chị ta lại nấu mì cho tôi ăn. Trong lúc ấy thì chồng của chị ta về và mấy người ở gia đình cạnh bên sang chơi (chủ yếu họ sang là để nhìn tôi ấy). Họ có quyển sách tiếng Anh và tiếng Mông Cổ. Khi muốn hỏi gì thì họ chỉ vào sách; tôi cũng chỉ vào sách để trả lời. Lúc ấy chị chủ ger gần đó ra dấu rủ tôi về ger của chị ta ngủ. Tôi đồng ý. Tuy nhiên khi trời tối, tôi dự định vác ba lô đi thì anh chồng (khoảng 30 tuổi ấy) chỉ xuống đất và ra dấu tôi có thể ngủ tại đây trên nệm dưới đất ấy. Tôi đồng ý luôn. Vậy là chị vợ trải nệm, lấy gối và mền cho tôi trải ra đất nằm ngủ. Tôi ngủ ngon lành, dù sao trong ger vẫn ấm hơn bên ngoài trời mà.
Sinh hoạt của những người du mục giống nhau ở chỗ: sáng lùa dê, cừu, bò, ngựa ra đồng ăn cỏ. Nam giới thì lùa còn nữ giới thì vắt sữa. Tôi thấy họ suốt ngày vắt sữa, vắt sữa xong thì về chế biến thành các sản phẩm như phó mát (phó mát cũng có nhiều loại lắm – loại cứng như đá, loại mềm, loại thỏi như thỏi sô cô la, loại hình tròn) và nấu trà (trà của họ là những tảng cứng như đá –để nấu thì họ lấy dao chặt một góc cho vào chảo sữa pha nước đang sôi cộng thêm ít muối- ra món trà sữa truyền thống của dân Mông Cổ.)
Khi chia tay chị chủ ger (buổi tối, trong ger chỉ có tôi, chị ta, một thằng bé – chắc em trai của chị ta- và đứa con khoảng 1 tuổi ngủ mà thôi; chồng chị ta và đứa con lớn hơn ngủ ở ger bên cạnh; hai vợ chồng này tương đương tuổi tôi ấy), tôi lấy ra 2.000T và ra dấu rằng mình muốn mua phó mát. Chị ta vui vẻ vô cùng và cho vào bịch của tôi quá trời. Tôi lấy ra thêm 2.000T và chỉ vào đứa con của chị ta nói rằng tôi muốn tặng đứa bé. Chị ta vui vô cùng và dọn ra quá trời bánh bắt tôi ăn. Tôi nói rồi mà, nếu các bạn tự tìm đến ger của người địa phương, ăn ở chung họ và khi đi tặng họ một ít tiền (hoặc thức ăn) thì họ sẽ vui vô cùng. Điều này có ý nghĩa hơn nhiều so với việc đi theo tour các bạn nhỉ?
Chị ta tiễn tôi đi đến ger của chị tối qua rủ tôi sang ngủ mà tôi không có dịp sang ấy. Ở đây, tôi ra dấu mượn áo dài truyền thống để chụp hình. Chị chủ này mở rương lấy ra áo dài màu đỏ mới mà chị ta chuyên để dành đi ăn tiệc ấy ra mặc vào người tôi. Họ cũng tranh thủ mượn máy của tôi và chụp hình họ. Sau đó cho tôi địa chỉ và nói gửi hình cho họ. Dân Mông Cổ cực kỳ thích chụp hình các bạn nhé!
|
Who is more attractive? Is it I or the horse? |
Được mặc áo dài truyền thống của người Mông Cổ, tôi tranh thủ chụp hình và cả gia đình họ ai cũng khen tôi mặc áo dài đẹp quá (hihihi). Khi họ chia tay tôi để chuẩn bị đi…vắt sữa thì tôi cũng vác ba lô lên đường…lội bộ.
Có vài chiếc xe chạy ngang qua, tôi ngoắc không chiếc nào dừng, vậy là tôi làm biếng ngoắc luôn và cứ thế vác ba lô đi bộ. Tôi cũng không sợ lắm bởi vì dọc theo đường bên phía tay trái là dòng sông Ider và ger của người địa phương. Có gì thì tôi lại vào xin ngủ ké tiếp.
Khi tôi ngồi xuống nghỉ mệt thì có một thằng bé cưỡi ngựa đến nói gì đó mà tôi đoán là chắc mời tôi về ger chơi. Lúc đó trời hãy còn sớm nên tôi muốn đi bộ thêm một đoạn nữa. Tôi từ chối và lại đi. Đoạn đường này chỉ có buổi sáng là có xe đi về hướng Uliastai thôi, còn buổi chiều thì chỉ toàn là xe đi ngược lại – nghĩa là đi từ Uliastai ấy.
Lội bộ đã đời, vừa đi vừa lấy phó mát cứng ra nhai cho đỡ đói, tôi vừa được ngắm cảnh mấy con ngựa nằm ngủ (ngựa mà nằm ngủ…nhìn mắc cười lắm các bạn nhé!). Đi mãi, trời mưa, tôi thấy một nhóm khoảng 5-6 ger với khá nhiều xe cộ đậu gần đấy. Tôi lần đến nhóm ger này. Thì ra họ đang có tiệc tùng gì đó. Có một nhóm đang ngồi ngoài trời cạnh ger và họ mời tôi ngồi chơi. Họ lấy trà, cơm, bánh ra mời tôi ăn. Sau đó họ mời tôi vào ger chơi. Trong ger đầy nhóc người ngồi hai bên. Tôi chả biết họ đang có tiệc gì mà ai cũng ăn mặc đẹp- đa số là mặc áo dài truyền thống. Nam giới ngồi ở vị trí trang trọng là ở phía trong ger và ngồi hàng ghế trên. Nữ giới ngồi gần cửa ra vào và ngồi hàng sau. Họ ngồi hát những bài hát Mông Cổ, có những bài rên rỉ như tiếng kéo đàn cò vậy đó. Giữa ger là một thau thịt và hai mâm bánh. Họ uống rượu vodka hoặc uống trà sữa (trà sữa
Mông cổ, không phải trà sữa Trân châu như ở Việt Nam – đừng tưởng bở nhé!!!). Những người đàn ông trao đổi nhau snuff box và theo phong tục của họ là khi trao đổi snuff box thì họ cầm lên hít một hơi hoặc mở nắp ra lấy một ít hương bên trong ra để ra cánh mũi và hít một hơi thật sâu (theo kiểu người ta hít á phiện như trong phim vậy á!)
|
The snuff box on his right hand |
Họ ngồi và hát. Lúc đầu có người khởi xướng và những người khác hát theo. Ai khởi xướng cũng được và những người khác cứ theo người khởi xướng mà hát. Họ uống rượu và hát, thỉnh thoảng ăn bánh.
Một lát sau có một phụ nữ vác bụng bầu vào, một người đàn ông chỉ vào chị ta và nói gì đó với tôi nhưng tôi không hiểu. Chị ta khoác áo truyền thống vào, ngồi cầm lấy sợi dây thừng màu trắng được nối từ trên nóc ger xuống, đầu trên nóc ger cột một miếng vải màu xanh lục, đầu dưới chị ta ngồi trên ghế, một tay ôm thau phó mát mềm, một tay cầm đầu kia dây thừng. Mọi người đi thành vòng tròn đến hôn tạm biệt và nói gì đó với chị ta. Tôi thấy chị ta ngồi khóc. Tôi đoán chắc có ai….chết. Hình như chị ta có hai đứa con nhỏ và đứa bé trong bụng. Nhìn ảnh trên bàn thờ tôi thấy giống một người đàn ông trẻ mà tôi đoán chắc chồng chị ta qua đời.
|
Food in the party |
Có một đôi vợ chồng chỉ vào chiếc xe của họ và nói họ về thị trấn Telmen và tôi có thể đi với họ đến nơi ấy để tìm chỗ ngủ. Dĩ nhiên là tôi đồng ý. Khi mọi người ra về bớt, những người còn lại quây quần ca hát và ăn súp. Họ mời tôi ăn quá trời. Một lúc sau, hai vợ chồng ra dấu cho tôi ra về. Tuy nhiên, khi ra ngoài thì xe của họ có vấn đề. Vậy là tôi và những người khác đứng đợi. Trong lúc ấy, có một cô gái đến bắt chuyện với tôi bằng tiếng Anh. Nhờ thế tôi mới biết rằng thì ra đó là….. đám cưới. Thật kỳ lạ!!! Cô dâu chú rể ăn mặc bình thường và chú rể là anh trai của cô ta. Gia đình cô ta ở ger gần đó. Tôi ah lên và nói thật tiếc mọi người không cho phép tôi chụp hình nếu không tôi có hình tặng họ rồi (khi vào ger, tôi chụp hình với đèn flash và khi đèn lóe lên thì mọi người không đồng ý, mặc dù sao đó tôi tắt đèn flash đi nhưng mọi người vẫn ra dấu bảo tôi đừng chụp – nếu các bạn đi Mông Cổ và muốn chụp hình đám tiệc thì nên tắt đèn flash đi nhé, nếu không thì chả biết ngôn ngữ để mà giải thích với họ đâu.)
Cô gái chỉ vào ger của cô dâu chú rể và nói tôi có thể ngủ tại đó (lúc trước đã có vài người cũng nói thế); tuy nhiên tôi ngại (tự nhiên lại chui vào ger của cô dâu chú rể ngủ thì kỳ quá!) Nói chuyện một lúc tôi lấy vòng đá ra và nói muốn tặng cô dâu (dân Mông Cổ thích vòng đá lắm các bạn – do vậy nếu đi từ Trung Quốc sang thì các bạn tranh thủ ghé vào các cửa hàng đồng giá 2 tệ ấy, mua vài cái vòng sang Mông Cổ tặng họ.) Cô gái nói tôi có thể ngủ trong ger của gia đình cô ta. Lúc đó xe sửa xong, mọi người ra dấu bảo tôi lên. Lúc đó tôi cũng phân vân không biết nên đi hay ở. Tôi hỏi cô gái. Cô ấy nói mọi người chờ và thúc giục quá trời, thôi tôi đi với họ đi (cô ấy có vẻ lưu luyến lắm, chả muốn tôi đi.)
Khi lên xe rồi, tôi phát hiện cái gã say rượu bám theo tôi tò tò nãy giờ và cứ ra dấu bảo tôi ngủ với gã cũng đi xe này. Khi tôi leo lên thì gã tìm cách đụng vào người tôi mãi. Bà vợ của chủ xe bảo tôi lên hàng ghế trên ngồi với bà ta.
Xe chạy khoảng một đoạn thì…. hư. Tài xế tìm cách sửa nhưng cuối cùng bó tay. Cũng may Telmen cũng gần nên mọi người điện thoại nhờ xe khác đến đón. Bà chủ xe dẫn tôi về nhà bà ta luôn và lấy dụng cụ thay thế bộ phận hỏng ra đưa cho anh tài xế đón chúng tôi để anh ta quay lại đó sửa giúp chồng bà ta.
Gia đình bà ta không ở trong ger mà ở trong nhà gỗ. Lúc đó có hai cô con gái. Cô gái 16 tuổi học về đàn violin truyền thống của Mông Cổ (sau đó tôi mượn đàn giả đò ngồi đàn để chụp hình ấy) và cô gái 21 tuổi là vận động viên bóng chuyền (hèn chi cô ta cao quá trời) với 18 cái huân chương (tôi lấy ra ngồi đếm ấy chứ.)
|
My landlord and her two daughters |
Họ mời tôi ăn bánh uống trà và lấy album của gia đình ra cho tôi xem. Tối họ lấy nệm trải xuống sàn cho tôi ngủ. Cả gia đình họ chỉ có một cái giường cá nhân cho hai vợ chồng ngủ. Hai cô con gái cũng trải nệm nằm ngủ dưới đất như tôi. Ngủ một giấc ngon lành đến sáng thì nhà họ có khách. Đó là một cặp vợ chồng đến từ Uliastai và họ bảo tôi có muốn đi với họ đến Uliastai không? Dĩ nhiên là tôi đồng ý. Nhờ thế tôi có dịp chứng kiến cảnh dân Mông Cổ “mần thịt” một con cừu.
Họ lấy một miếng vải đặt giữa sân và mang con cừu đã bị giết vào. Đầu tiên họ rọc da con cừu ra. Sau đó thì róc lấy nội tạng. Phụ nữ sẽ sơ chế và làm sạch nội tạng. Sau đó họ lấy máu chế vào ruột và bao tử rồi cột lại bằng chỉ màu đỏ. Đối với gan thì họ lấy củ hành tây cắt lát rồi rạch lá gan ra làm hai nhét hành tây vào, sau đó bọc với một lớp mỡ bên ngoài rồi lấy chỉ đỏ cột lại. Nhiệm vụ của phụ nữ là “làm việc” với nội tạng.
Nam giới sẽ làm thịt những phần còn lại. Họ cắt con cừu ra làm hai và treo lên đinh trong nhà kho để dành dùng dần. Đối với chân giò và cái đầu đầy lông lá thì họ đốt bằng xăng rồi sau đó cạo sạch lông.
Ngoại trừ phần thịt treo trong nhà kho để dành dùng dần, còn lại tất cả được cho vào nồi to luộc tất. Do cặp vợ chồng kia đến chiều mới bắt đầu về lại Uliastai nên tôi ngồi chờ họ luôn và được mời ăn món nội tạng cừu luộc. Tất cả mọi thứ được cho vào thau và mọi người dùng dao cắt, muốn ăn cái gì thì cắt cái nấy. Ai cũng ngồi dưới đất quây quần xung quanh thau thịt và mỗi người được dọn một chén nước luộc thịt và thi nhau ăn. Ở Mông Cổ khi cắt thức ăn thì bạn phải cắt về phía bên trong chứ không cắt ra phía ngoài như ở Việt Nam đâu nhé.
Phải công nhận là dân Mông Cổ ăn mỡ ghê gớm. Tôi ăn một chút ngán muốn chết, đặc biệt là khi thau thịt nguội đi thì lớp mỡ ăn không nổi. Tuy nhiên do gia súc được chăn thả và nuôi tự nhiên nên thịt mỡ ăn ngon hơn là nuôi công nghiệp rồi.
Khoảng hai giờ chiều thì mọi người ra dấu tôi lên xe để đi Uliastai. Tuy nhiên khi tôi xách ba lô ra thì cặp vợ chồng ấy bảo tôi phải trả tiền. Tôi hỏi giá bao nhiêu. Lúc đầu họ nói 10.000T (đây là giá đi từ Tonsontsengel đến Uliastai bằng xe khách với đoạn đường 181 cây số; tuy nhiên tôi đã ở làng Telmen nghĩa là chỉ cách Uliastai 120 cây nữa thôi.) Tôi nói họ bớt thì họ bảo 8.000T. Tôi trả giá 7.000T thì họ đồng ý.
Khi xe ra cổng thì bà chủ nhà cũng leo lên ngồi cùng một bịch bánh và chai rượu. Tôi nghĩ chắc bà ta muốn đi nhờ đến nhà ai đó. Họ dừng lại ở một cửa hàng bách hóa và mua thêm một ít bánh và một chai rượu nữa. Sau đó mọi người lên xe và lại tiếp tục chạy. Ông chủ nhà chạy xe máy theo sau.
Khi ra khỏi làng Telmen thì họ dừng xe ở giữa thảo nguyên và lôi mọi thứ ra….nhậu. Bó tay dân Mông Cổ!!! Đang đi giữa đường mà nổi hứng thì cứ thế mà dừng lại và chén chú chén anh nhé!!! Tôi cũng ngồi chung với họ. Ông chủ xe lôi thịt luộc ra và mọi người thay phiên nhau cắt và đánh chén. Công nhận họ ăn nhiều thấy sợ, vừa mới ăn nội tạng cừu luộc xong mà bây giờ lại có thể tiếp tục gặm thịt. Hèn chi phụ nữ người nào cũng béo ngậy như mấy chú cừu no cỏ vào mùa hè ấy.
Họ rủ tôi nhậu. Tôi nói không biết và chai rượu vodka Mông Cổ của họ chỉ có 38% thôi. Tôi nói ở Việt Nam rượu 40% lận đó (rượu đế Gò Đen ở Long An đó phải không các bạn?). Họ le lưỡi và nói gì đó mà tôi đoán là dân Việt Nam nhậu dữ dằn hơn dân Mông Cổ, vậy sao tôi không uống. Họ còn dạy tôi rằng khi ai mời rượu mà không uống thì tay phải bê ly rượu, lấy ngón tay áp út (tay đeo nhẫn cưới ấy) của tay trái chấm vào ly rượu và búng lên trời, làm thế 3 lần, sau đó trả lại ly rượu cho người mời. Phong tục búng rượu lên trời và trước khi nhậu, tôi thấy họ còn bẻ nhỏ vài miếng bánh hoặc thịt và thảy lên trời – phong tục này là để cúng tổ tiên ông bà trước khi đánh chén ấy. Theo tôi ngoài ra phong tục này hay ở chỗ mấy con chim và chó hoang có thể ăn ké nữa.
Nhậu một hồi, trời mưa, họ vẫn không…đầu hàng mà chui vào xe nhậu tiếp. Chiếc xe ô tô 4 chỗ mà chứa đến 6 tên lận, ngồi chật cứng nhưng vẫn không làm nhụt chí ăn nhậu của họ. Một hồi hết mưa thì họ lại chui ra ngoài và ngồi dưới đất nhậu tiếp. Lúc ấy có mấy người quen của họ ở ger gần đấy cũng đi xe máy hoặc được chở xe máy đến tham gia…nhậu. Mỗi người đến thì hùn vào một chai rượu vodka 0.5 lít (mỗi chai có giá 4.500T, tương đương gần 3.5 đô Mỹ, chứ có rẻ gì đâu mà họ ham nhậu thế nhỉ?)
|
Getting drunken on the grassland |
Tôi thấy anh tài xế của mình quắc cần câu, đi còn không vững thì…oải chè đậu vô cùng. Trong số đám đó, chỉ có tôi là đủ tiêu chuẩn…lái xe mà thôi (tôi có uống gì đâu mà). Nhưng ở thảo nguyên làm gì có đường cho chạy mà lái, vì vậy anh tài xế xỉn vẫn lái an toàn hơn tôi lái ấy nhỉ???
Sau một hồi chén chú chén anh thì mọi người…quắc và ca hát các bài ca Mông cổ….tặng tôi. Bà chủ nhà của tôi quắc đến độ ngồi khóc ngất ngư. Bà ta nói tôi cứ xem bà ta như mẹ ấy. Bà ta ngồi khóc hu hu. Mọi người xúm vào dỗ. Khi chia tay nhau thì bà ta cứ ôm từng người mà hun mãi (dân Mông Cổ hôn vào hai má khi chia tay ấy và bắt tay khi gặp nhau – giống phương Tây thế nhỉ?) Bà ta xỉn bò lăn bò càng nên ông chồng phải lấy nước suối mà dội vào cổ cho tỉnh bớt.
Sau màn chia tay…lâu lắc giữa những tay quắc thì mọi người cũng được lên xe đi. Anh tài vừa lái vừa nói chuyện với tôi bằng “body language”. Anh ta cứ lấy tay chỉ chỉ lên trời và vỗ vào cánh tay tôi đau điếng. Dù xỉn nhưng chỗ nào ổ gà, anh ta vẫn lách được mới hay chứ.
Xe chạy khoảng 60 cây thì….hỏng (không hiểu sao tôi quá giang xe nào là xe nấy bị hỏng thế nhỉ???). Cũng may nơi này gần con suối và tôi trong tinh thần ngủ đêm tại đó rồi bởi vì đã 7h tối còn gì. Anh tài và ông chủ lôi đồ nghề ra sửa (không hiểu là họ sửa hay họ phá cho hư thêm nữa) một hồi thì anh tài quá giang xe về Uliastai để mua bộ phận thay thế. Vậy là còn tôi và ông bà chủ xe ở lại ngủ đêm giữa thảo nguyên. Họ có mang theo cả đệm và chăn màn nữa mới ghê. Vậy là họ trải ra giữa đất. Tôi lấy cái nệm lót yên xe ra, trải áo mưa và ngủ. Trời lạnh căm và sương đêm nên cái áo mưa mà tôi trùm lên đầu ấy ướt đẫm vào buổi sáng.
Sáng tôi lấy phó mát và bánh ngọt ra mời họ ăn. Họ lấy pho mát mềm và bình thủy trà sữa ra mời tôi uống (không hiểu sao họ lại có bình thủy trà sữa này nhỉ??). Chờ đến gần 11h thì anh tài quay lại (anh ta chắc ngủ trong chăn ấm nệm êm ở Uliastai đã đời rồi). Họ lại lôi đồ ra sửa một hồi thì….bó tay và nói chỉ còn có nước kéo xe về Uliastai. Tôi thấy họ có vẻ thản nhiên chả thèm ra ngoài đường ngoắc xe để quá giang gì hết mà lại ngồi…chờ cái gì đó mà tôi chả hiểu. Vậy là tôi ra đường ngoắc xe và nhờ kéo xe hư về. Họ trao đổi gì đó và sau cùng xe nào cũng bỏ chạy (chắc do tiền kéo xe cao quá hay sao ấy). Cuối cùng tôi hết kiên nhẫn nên khi có một chiếc 5 chỗ dừng lại và cũng chuẩn bị bỏ chạy thì anh tài bảo tôi leo lên xe ấy đi về Uliastai trước đi. Lần này hết kiên nhẫn và không cần phải khách sáo như những lần trước, tôi leo lên xe đi luôn. Dĩ nhiên là tôi không trả tiền cho ông bà chủ xe rồi, xe đi chưa đến nơi mà và tôi dự định rửa hình của họ ra tặng, đặc biệt là cảnh mà họ ăn nhậu ấy – họ thích được chụp cảnh ấy lắm mà! (Dân Mông Cổ thích chụp hình lắm! Họ làm gì cũng kéo tôi đến bảo chụp hình ấy.)
(Bịch phó mát mà tôi mua của chị chủ ger và phó mát mà bà chủ nhà gỗ tặng nặng quá nên tôi gặp ai cũng lấy ra mời để họ ăn bớt giùm. Vậy mà các tay lái xe chỉ ăn có một ít thôi và sau đó lấy bánh của họ ra đổ vào bịch của tôi – theo ý là giao lưu thức ăn ấy – làm cho bịch bánh của tôi ngày một nặng thêm. Bó tay.com)
Từ chỗ xe hỏng đến Uliastai là 60 cây và tôi thầm cảm ơn là xe hỏng bởi vì đoạn đường này hiểm trở ngoằn ngòe và cảnh đẹp vô cùng. Hên là xe hỏng nên tôi không bị anh tài quắc cần câu lái và hên là xe hỏng nên tôi đi vào ban ngày mới ngắm cảnh được chứ.
Trên xe ở băng ghế trước là hai người đàn ông lớn tuổi và băng ghế sau là hai đứa bé mà tôi đoán chắc cháu nội hay ngoại gì đó. Họ lái một hồi thì dừng lại bên suối để….rửa xe. Tôi cũng giúp họ đi lên xuống suối lấy nước. Rửa xe chán chê thì họ lên xe chạy tiếp. Ông già lái xe cẩn thận vô cùng và đường bụi kinh khủng. Khi xe đến Uliastai, tôi không còn nhận dạng được ba lô của mình nữa bởi vì nó phủ đầy bụi. Đường xá ở Mông Cổ nếu trời không mưa trơn trợt thì bụi kinh hoàng. Hèn chi mà sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet khuyên mọi người nên mang theo bao ny lông to, cho ba lô vào và cột lại.