CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Tôi ở Việt Nam Quốc tự Lumbini (Lâm Tỳ Ni)



Lúc ấy trong chùa ngoài thầy Kiến Huệ còn có một người tu gieo duyên, nghĩa là từ Việt Nam sang phụ xây chùa, vừa tu, vừa nấu ăn cho bản thân và thầy Kiến Huệ; người dân tộc thiểu số (dân tộc gì quên tên rồi, được thầy Huyền Diệu tiếp nhận làm đệ tử và cho xuất gia gieo duyên trong thời gian ở tại chùa.) Đó là Minh Phổ. Một người vô cùng dễ thương và chăm chỉ!

Thầy Kiến Huệ do nghiệp nặng nên phải đến năm 60 tuổi mới xuất gia được. Thầy tu thiền ở Thiền viện Thường Chiếu. Nhân chuyến đi Ấn độ do con trai tài trợ, thầy gặp thầy Huyền Diệu và thấy cảnh hai ngôi Việt Nam Quốc Tự (một cái ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn độ; một cái ở Lâm Tỳ Ni, Nepal) vắng vẻ thiếu người chăm sóc nên hỏi xin thầy Huyền Diệu phụ giúp quản lý. Thầy Huyền Diệu chỉ hỏi đúng hai câu:

-        Thầy bao nhiêu tuổi? Dạ, 70 (Lúc ấy khoảng 70; bây giờ là 76 tuổi rồi.)
-        Thầy biết nấu ăn không? Ở nhà có người nấu nhưng nếu muốn thì học dễ thôi mà.

Vậy đó, cái duyên của thầy Kiến Huệ đến với hai ngôi Việt Nam Quốc Tự là như thế.

Thầy Kiến Huệ rất sốt sắng bảo tôi đẩy xe vào trong, sau đó thầy đắn đo không biết nên cho tôi ở trên lầu hay dưới đất. Tôi bảo: ở đâu cũng được thầy ạ, miễn sao có ánh nắng chan hòa; nếu không, con ôm lều ra sân ngủ cũng chả sao. Cuối cùng thầy bảo tôi lên lầu 1 ngủ cho yên tĩnh. Tối ngủ thì khóa cửa nẻo cẩn thận. Tóm lại, cả ngôi chùa rộng lớn mà chỉ có 2 người thì cũng buồn quá! Công nhân địa phương chỉ đến làm ban ngày, tối về nhà ngủ cả. Có một người Nepal tên Chanra nhưng ngủ tuốt gần cổng để canh và mỗi sáng chiều đều gõ mõ tụng “Nam Mô A Đi Đà Phật” (giọng Việt Nam cực chuẩn đấy nhá!)

Tối ấy, tôi ăn tối cùng thầy Kiến Huệ và Minh Phổ, những món ăn Việt Nam do Minh Phổ nấu ban trưa.

Điều mà tôi mê nhất ở chùa này là cái đám rau má mọc từa lưa sau những cơn mưa, nhìn mê quá đi mất; nhất định hôm sau phải hái ăn cơm thôi.

Hôm sau, trong chùa đón thêm 4 sư cô sang đổi và làm visa. Cả bốn sư cô này tôi đều biết. Ở Bồ Đề Đạo Tràng, họ ở tại chùa Độ Sanh của thầy Hoàng Hiền. Vậy là gặp lại người quen, vui nhé! Trong bốn sư cô này có 2 cô lớn tuổi, một cô khoảng 60 và một cô trẻ bằng tuổi tôi. Cô trẻ tên là Nghiêm Túc, hay nấu ăn cho cả hội nhưng hôm ấy vừa đến Lumbini là cô bị bệnh. Á chà, mà mấy cô này lại chỉ ăn ngày hai bữa, trước ngọ. Chả lẽ để thầy Kiến Huệ 76 tuổi nấu ăn; Minh Phổ thì bận chỉ huy và canh chừng bọn công nhân địa phương (họ y như bọn Ấn, không ai canh chừng là không làm gì cả, chỉ ngồi chơi; nếu Minh Phổ mà xuống bếp thì xem như họ được giải lao.) Vậy giải quyết sao ta? Tôi vào bếp thôi. Mà tôi có biết nấu nướng gì đâu nên ai chỉ gì làm nấy. À tôi học được cách nấu cơm bằng bếp ga rồi nhé! Chẳng những nấu được gao thường mà nấu cả gạo lức đấy nhá!!!! (Do ở đây điện tắt có bất chợt nên nồi cơm điện hư hết, mọi người chuyển sang nấu cơm bằng bếp ga). Bao gạo lức mọt và sạn đầy nên tôi ngồi nhặt lại rồi phơi nắng xong mới nấu. Mấy sư cô mỗi người một nhu cầu nên xoay quần riết. Không hiểu sao ở Việt Nam Quốc tự, tự nhiên tôi đảm đang tháo vát dễ sợ!

Lịch một ngày của tôi như sau:

Sáng dậy rất sớm, trễ nhất là 4h khi chùa Trung Quốc bên cạnh đánh Đại Chung; tiếng vang rất lớn nên phải dậy thôi. Vệ sinh tắm rửa thay đồ xong là tôi chạy ngay xuống nhà bếp để rửa chén. Chùa này có tục lệ không rửa chén sau 12h trưa nên chén bát trưa chiều dồn lại thành một đống. Rửa chén xong là khoảng 5h, tôi chạy ra đường chính, đón các sư Nhật Bản từ Shanti Stupa đi ngang để theo họ vào trong Maya Devi Temple làm lễ (các sư bắt đầu từ Shanti Stupa là khoảng 4h30 mỗi sáng và đến ngang Việt Nam Quốc Tự là khoảng 5h nên tôi phải canh để đón họ. Shanti Stupa thuộc phái Nipponzan Myohoji nên họ chỉ tụng đúng câu: Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh; tiếng Nhật là Nam Mu Myo Ho Ren Ge Kyo; miệng tụng, tay thì gõ trống suốt dọc đường từ Shanti Stupa đến tận bên trong Maya Devi Temple là nơi Phật Thích Ca đản sanh. Lúc ở Sarnarth, chùa Nhật Bản mà tôi ở cũng thuộc phái này nên tôi quen với nghi lễ của họ. Thật ra lúc mới đến Lumbini, mỗi sáng nghe tiếng trống của họ, tôi không nhận ra đó là trống gì nên hỏi thầy Kiến Huệ; thầy giải thích xong, tôi ồ lên và nói: Con biết trường phái này nên hôm sau con muốn theo họ làm lễ. Thầy Kiến Huệ bảo mỗi sáng khoảng 5h là họ đi ngang đây nên phải dậy sớm để còn đi bộ ra đường cái mà đón họ. Đoạn đường từ Việt Nam Quốc Tự đi ra đường cái thì đồng không mông quạnh đấy các bạn, có cả chó sói tru mỗi tối nữa cơ đấy nhưng tôi cứ bấm bụng và rọi đèn pin mà đi. Có lần con chó Lucky của chùa đi hoang cả đêm bị nhốt bên ngoài, sáng, thấy tôi đi cũng chạy theo nhưng tối quá tôi không nhận ra, tưởng chó sói chận đường, hồn vía lên mây dù con Lucky rên ư ử trong miệng như ý bảo: Con là Lucky mà. Cái đồ Lucky, mày làm tao một phen hú vía vì tưởng chó sói chận đường! Hôm sau tôi hỏi Minh Phổ: chó sói ở khu vực này ăn chay hay ăn mặn làm cậu ta cười ngất. Hôm đầu tiên, tôi theo làm lễ với mấy sư và dặn các sư cô cứ để chén đũa đấy, khi nào về, tôi rửa. Nhưng khi tôi về tới, họ đã rửa sạch trơn còn nấu xong cả ăn sáng. Vậy là bắt đầu từ hôm sau tôi dậy sớm thanh toán cái đống chén dĩa trước khi đi làm lễ cùng các sư Nhật Bản.

Khi làm lễ cùng sư Nhật Bản về ngang Việt Nam Quốc Tự thì tôi chia tay họ để rẽ vào chùa chứ không cùng họ đi về Shanti Stupa. Về đến nơi là khoảng 6h15-6h30, kịp giờ mọi người ăn sáng, vậy là ăn chung luôn. Ăn xong, rửa chén đĩa là tôi tranh thủ đi hái rau má, rau vấp cá. Tôi không giỏi hái rau mà lại đông người ăn nên phải hái thật nhiều để tất cả mọi người đều có thể ăn thoải mái (ai cũng “chết thèm” rau cả mà). Mà tôi hái rau sang lắm đấy, hái từng lá, chỉ lấy lá chứ không lấy cọng nên hái lâu lắc muốn chết, hái cả buổi sáng mới xong rau cho bữa trưa và bữa chiều. Hôm nào hái nhiều thì để dành xay nước rau má uống. Sướng dễ sợ!!!! Ngoài ra tôi còn xem thức ăn thức uống nào do Phật tử để lại, xem hạn dùng, lấy ra pha pha quậy quậy cho mọi người uống nữa. Nếu không thì đổ bỏ hết, tiếc của mà.

Khoảng 10h sáng thì lại quây quần dưới bếp nấu cơm. Các cô ăn sáng xong, nghỉ ngơi tí rồi lên chánh điện tụng kinh niệm Phật suốt. Tóm lại bốn cô này tu hành cũng tinh tấn lắm. Ăn trưa xong, dọn dẹp và nghỉ ngơi. Thường mấy cô ăn sớm hơn do phải kết thúc trước ngọ. Hôm nào ăn xong sớm thì mấy cô rửa chén luôn nên sáng hôm sau, tôi đỡ được một mớ, nếu không thì hôm sau tôi phải dậy lúc 3h30 để rửa cho xong.

Ăn trưa nghỉ trưa xong thì tôi đi chợ cùng thầy Kiến Huệ. Chợ ở Lumbini là chợ phiên thay đổi địa điểm mỗi ngày; mỗi thứ hai có chợ Thái Tử, nghĩa là chợ này tồn tại từ thời Đức Phật Thích Ca (nghe thầy Kiến Huệ nói thế nên nói lại thôi nghen!). Nếu không đi chợ thì tôi đọc sách. Từ khi phát hiện ra hai bao gạo lức và mọi người chuyển sang ăn gạo lức thì buổi trưa tôi có nhiệm vụ phơi gạo rồi sàng sẩy nhặt thóc và sạn. Buổi trưa mấy cô sau khi nghỉ ngơi thì lại lên chánh điện tụng kinh niệm Phật. Thầy Kiến Huệ thì lau dọn chánh điện và chuẩn bị dọn dẹp tòa nhà mới để cuối tháng 9 có đoàn Phật tử sang ở. Minh Phổ thì bận công việc ngoài vườn với đám thợ. Tóm lại cả chùa không ai rảnh rỗi cả nhưng những ngày ấy sống thật vui! Tôi không thấy nề nà gì khi phải quây quần với công việc cả.

Chiều thì lo cơm chiều, sau đó dọn dẹp và lên phòng nghỉ ngơi để sáng hôm sau dậy sớm. Quây quần thế mà tôi cũng tranh thủ “nuốt” một mớ sách của chùa vào đầu. Tóm lại chùa này không có gì đáng phàn nàn cả ngoại trừ việc nó có quá ít sách để đọc; trong khi ở Shanti Stupa có cả một thư viện (tôi có đến đó 1-2 lần rồi mà). Tôi đã nghĩ trong bụng là: chả lẽ mình dọn đến Shanti Stupa ở sao ta???? Nhưng chưa nỡ bỏ mọi người mà đi, đặc biệt là thầy Kiến Huệ, 76 tuổi rồi mà còn xoay như chong chóng: quản lý kho, trông coi đám công nhân, lo phòng ốc cho các đoàn hành hương, lo chợ búa,…….. Tóm lại là lo búa xua nên tôi cũng “dính” luôn với nơi ấy. Thật ra ý thầy cũng muốn tôi ở đó lâu lâu cho vui cửa vui nhà. Khi nghe quy định  chỉ ở 3 ngày 2 đêm, tôi ok, rồi chỉ mang một ít đồ lên phòng thôi, để lại hầu hết hành lý trên xe. Hôm sau thầy Kiến Huệ đã bảo gỡ hành lý xuống; như vậy chả phải gián tiếp muốn bảo là tôi có thể ở lâu hơn sao?

Những buổi trưa, khi cô Nghiêm Túc hết bệnh, thấy thức ăn trong kho nhiều quá trời mà chuẩn bị quá đát hoặc đã quá đát mấy tháng nên cô bảo thôi tôi phụ cô gói chả lụa. Vui ghê! Vậy là bây giờ tôi biết cách làm chả lụa chay rồi nhé hehehe. Khi gói xong thì do cô bận lên chánh điện tụng kinh nên giao luôn cho tôi nhiệm vụ canh lửa để nấu. Vậy là cả buổi trưa ngồi bên bếp củi để canh. Cả cô Nghiêm Túc và tôi đều lần đầu làm chả lụa nên không rành lắm. Lần 1, ăn tạm được. Lần 2, làm ngon vô cùng do tôi hăng say canh lửa nên chả lụa ngon lắm, bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy thèm mấy cây chả do mình làm. Ôi chảy nước miếng!!! Chả nóng chấm muối tiêu ăn như bánh snack, tuyệt tuyệt quá!!!!

Tóm lại ở chùa Việt Nam khoảng 10 ngày mà tôi học được nhiều “chiêu” vô cùng, thật không tiếc thời gian ở tại đấy. Thế mới thấy một cuộc sống năng động là một cuộc sống không hối tiếc. Bạn nào hay tiếc nuốt thời quá khứ nghĩa là bạn ấy sống chưa đủ năng động đấy nhé!!!

Sống êm đềm vui vẻ và lao động hăng say khoảng 10 ngày thì được tin thầy Huyền Diệu sẽ về chùa cùng một nhóm kiến trúc sư Việt Nam sang giúp thầy việc xây chùa.

(Mở ngoặc giải thích tí về ngôi chùa Việt Nam Quốc tự này: thầy Huyền Diệu là tu sĩ nhưng lại năng động vô cùng; thầy tốt nghiệp ở Pháp nên tranh thủ “làm thuê” để kiếm tiền xây chùa (bằng việc đi dạy học). Đó là lý do mà hai ngôi Việt Nam Quốc tự của thầy xây hơn chục năm vẫn chưa xong. Thầy bảo dân Việt Nam nhiều người tệ lắm. Người Việt có người gửi từng cục gạch sang xây chùa nhưng chưa bao giờ có cơ hội sang đến đây mà thưởng thức nó; vậy mà nhiều người Việt lợi dụng bòn rút ngôi chùa. Thầy bảo những người bòn rút của chùa ấy cuối cùng đều trả quả cả. Có người công nhân trộm cắp gì đó của chùa, khi về Việt Nam bị tan nạn, chết, hiện hồn về xin sám hối với thầy Minh Hòa – đệ tử thầy Huyền Diệu và quản lý chùa lúc ấy. Nghe hết hồn chưa các bạn! Thầy Huyền Diệu hay bảo rằng đất Phật linh thiêng lắm nên ai có mưu đồ bậy bạ là bị nạn hết.

Do Thầy Huyền Diệu đã 72 tuổi rồi mà vẫn vô cùng năng động nên tất cả những ai là đệ tử hay ở tại chùa của thầy cũng đều phải năng động như thế. Thầy ghét kẻ lười biếng; thường xuyên bảo mọi người phải học tiếng Anh cho giỏi. Thầy “dụ dỗ” mấy sư cô và Minh Phổ rằng: nếu học tiếng Anh trong vòng một năm giao tiếp được thì thầy mua vé máy bay cho lên đỉnh Everest chơi. Sướng chưa! Tôi bảo thôi thầy mua vé một chiều thôi; cho mấy cô lên đấy tu khi nào đắc quả thì tự bay xuống, nếu không thì ở luôn trên đó tu cũng tốt vậy. Hehehehehe.)

Thầy Huyền Diệu nói chuyện cực kỳ vui tính, và nói nhiều điều hay vô cùng. Chẳng hạn thầy bảo: nhiều người nói xấu thầy lắm nhưng thầy kệ; ai nói xấu ta thì xem như họ lãnh nghiệp giùm ta. Thầy hay thúc giục mọi người làm việc nọ việc kia và không nên để thời gian trống.

Tóm lại người nào lười biếng mà ở chung với thầy thì hơi mệt à nghen!

Thầy là người cực kỳ sùng bái kinh Pháp Hoa và bảo hai ngôi chùa Việt Nam Quốc tự được xây đều nhờ bộ kinh này cả. Thầy bảo đã từng chứng kiến sự nhiệm màu của bộ kinh Pháp Hoa nên muốn mọi người cũng có trải nghiệm tương tự bằng cách cũng sùng bái bộ kinh này như thầy. Tất cả các đệ tử của thầy cũng như ai muốn ở tại Việt Nam Quốc tự thì mỗi ngày đều phải tụng và lạy kinh Pháp Hoa. Lạy chữ đó nghen các bạn! Nghĩa là cứ đọc chữ nào là lạy chữ ấy. Có người lạy chữ nào thì ghi lại chữ ấy nữa cơ đấy. Tóm lại muốn ở chùa này thì mỗi ngày lạy tối thiểu 500 lạy, nghĩa là 500 chữ trong kinh Pháp Hoa.

Trong thời gian tôi ở tại Việt Nam Quốc tự, tôi không có lạy kinh. Lý do: chưa đọc kinh Pháp Hoa bao giờ có hiểu gì đâu mà lạy; ngoài ra, bận rộn suốt, thời gian đâu mà lên chánh điện lạy kinh. Thêm lý do nữa là tôi không hạp lắm với cách tu của bốn sư cô kia nên tránh lên chánh điện trùng với họ.

Vậy đó thầy Huyền Diệu cứ “bóng gió xa xôi” với tôi mãi. Ý thầy bảo tôi là du khách thì phải tuân theo quy định 3 ngày 2 đêm chứ không thể ở lâu mà tôi lại ở hơn 10 ngày rồi. Thầy Kiến Huệ cũng vì tôi mà bị vạ lây nên cũng mệt mỏi. Thầy Kiến Huệ bảo thôi ra ngoài ở cho thoải mái, ở chùa này người ta cứ nói ra nói vào mãi. Lúc ấy có thầy Nhuận Đạt, đệ tử thầy Huyền Diệu; do là đệ tử chánh tông nên xem như có quyền cao hơn thầy Kiến Huệ. Ở chùa mà cũng vui ghê!!!!

Điều khiến tôi ở Việt Nam Quốc tự lâu là thầy Kiến Huệ, một người lớn tuổi và lại tu thiền nên biết chuyện. Tôi thấy tội thầy già cả nên ở lại phụ giúp một tay. Chả phải do tôi ở đó mà hai sư cô Hương Thảo và Nghiêm Túc thay vì về Bồ Đề Đạo Tràng với hai sư cô già kia nhưng lại không về mà quyết định ở lại đó hơn tháng sao? Cô Hương Thảo cứ luôn miệng bảo rằng do có tôi ở đó nên cô mới ở, nếu không cô về Ấn độ rồi.

Thật ra sự đời nó tréo nghoe lắm các bạn ạ! Muốn làm người tốt khó hơn làm người xấu. Đó là thử thách cho bất cứ ai muốn sống tốt đấy nhé! Nhưng khi muốn làm tốt mà gặp nghịch cảnh thì các bạn cứ tâm niệm câu thầy Huyền Diệu hay nói: Ai đặt điều nói xấu hay cản trở ta thì người đó lãnh nghiệp giùm ta, nên ta phải cám ơn họ. Câu này quả là hay vô cùng!

Gặp gỡ và nghe thầy Huyền Diệu nói chỉ có vài ngày nhưng tôi cảm nhận ở thầy một sức sống vô cùng năng động của tuổi 20 (đảm bảo có vô số độc giả trẻ của tôi có sức sống không bằng một góc nhỏ của thầy). Thầy nói nhiều điều đạo lý rất hay. Thầy quả là đáng phục. Tôi thấy thầy thật vĩ đại ngoại trừ duy nhất một việc – đó là thầy hay nói về chính trị quá!!! Quan điểm của tôi là người tu không nên dính đến chính trị; bàn luận hay nói về việc của quốc gia, nhà nước, chính phủ là một trong những animal talk. Đức Phật có mở miệng nói về chính trị đâu nhỉ??? Những cái đó chỉ làm người ta nặng óc chứ không đưa đến sự giải thoát; vậy thì nói về nó làm cái quái gì. Ai làm gì thì họ tự lãnh nghiệp; nói chi để lãnh giùm họ vậy nhỉ???

Tôi có nói với thầy Kiến Huệ và thầy Nhuận Đạt là tôi luôn tránh ở chung người Việt bởi toàn gặp phiền phức từ họ chứ không phải từ người bản xứ nhưng do tự ái vì chùa Thái bảo người Việt sao không ở chùa Việt mà đi lang thang nơi đâu nên mới đến đây mà ở. Khi hết duyên thì đi, đối với tôi không thành vấn đề bởi tôi là một người đi bụi mà. Thường khi nơi nào tôi không ở được thì nơi ở sau luôn tốt hơn nơi ở trước; tôi luôn gặp người tốt hơn như một sự đền bù của trời đất dành cho tôi. Tôi đi bụi không có lên kế hoạch sẽ ở đâu, làm gì bao giờ, mọi thứ đều do duyên và nghiệp quả dẫn đường chỉ lối. Dó đó nếu hết duyên với nơi này thì tôi đi nơi khác, vậy thôi.

Sáng ngày 26/8/2012, sau khi làm lễ với sư ở Shanti Stupa trong Mayadevi Temple xong thì hôm ấy sư trụ trì là sư Sato hỏi tôi việc gì đó nên nhân tiện tôi hỏi sư là tôi dọn qua đó ở được không. Sư hơi kinh ngạc (chắc nghĩ ở Việt Nam Quốc tự tốt quá rồi còn đòi đi đâu) và bảo dĩ nhiên rồi; nhưng sư nói phòng ốc bên sư không tiện nghi như ở Việt Nam Quốc tự đâu. Tôi bảo tôi không cần tiện nghi bởi vì tiện nghi chỉ làm cho con người càng dính mắc vào thôi, có gì tốt đâu. Sư bảo cứ dọn qua, chả có vấn đề gì cả.

Sáng ấy tôi cùng sư đi vào làng. Vì sao đi vào làng? Sẽ có bài viết riêng về mục này nhé!!!

Khi về, trước khi chia tay với sư Sato, tôi nói sẽ dọn đồ và thưa chuyện với thầy Huyền Diệu, khoảng buổi trưa sẽ qua. Sư Sato hẹn gặp tôi vào buổi trưa.

Tôi về đến nơi là đã gần 11h trưa, mệt gần tắt thở do đi bộ dưới trời nắng, vừa đi vừa gõ trống tụng câu “Nam Mu Myo Ho Ren Ge Kyo,” đã thế còn phải dạy bọn trẻ trong làng tụng câu này nữa nên suốt buổi cứ đọc liên tục câu ấy. Về đến chùa Việt Nam Quốc Tự xem như tôi bị lậm luôn câu này, cứ bất kỳ tiếng động nào phát ra cũng đều thành Nam Mu Myo Ho Ren Ge Kyo khi qua lỗ tai tôi cả.

Thầy Kiến Huệ bảo tôi ăn cơm. Ăn xong thì thầy Huyền Diệu có xuống lầu nói chuyện với các kiến trúc sư (thật ra bọn họ đều là đệ tử của thầy cả nên khi thầy “cạch” tôi thì bọn họ cũng theo đà ấy mà “cạch” luôn. Tôi nghĩ dân an nam mít muôn đời vẫn là an nam mít, cái máu nghi kỵ lẫn nhau nó thấm quá sâu trong người nên nhìn đâu cũng thấy người xấu cả. Ngẫm lại thấy tội họ bởi vì đó là nghiệp quả đấy các bạn!)

Khi ấy tôi có nói với thầy Huyền Diệu là trưa tôi dọn đồ đi. Thầy hay nói đùa với tôi là khi nào đạp xe lên Everest lắm. Tôi bảo: không, con dọn đồ qua chùa Nhật Bản ở. Thầy hơi ngạc nhiên nhưng sau đó dặn dò: qua đó thì phải xem phụ giúp công việc với họ; làm khách bữa đầu thôi, hôm sau phải làm………………… nô lệ. Sống dung hòa chứ đừng để người ta coi thường người Việt Nam. Khi làm lễ thì phải cầu nguyện cho đất nước Nepal, đất nước đã cưu mang mình trong thời gian ở đây và là nơi Đức Phật đản sanh. Tóm lại thầy dặn dò ngắn gọn nhưng hay ghê. Đến giờ tôi vẫn thấy thầy Huyền Diệu là một con người đáng phục! Thầy luôn nhắc nhở mọi người về lòng tri ân lắm!

Tôi lên phòng dọn dẹp và chất đồ lên xe. Khi chia tay thầy Kiến Huệ, tôi có đưa thầy phong thư cảm ơn (xem thư tại đây) nhờ chuyển giùm cho thầy Huyền Diệu. Sau đó tôi lên chánh điện tạm biệt hai cô Hương Thảo và Nghiêm Túc. Mọi người có vẻ ghen tị khi tôi dọn qua chùa Nhật Bản mới ghê chứ! Họ bảo ở chung các Ngài ấy là cơ hội tốt nên ráng mà tu. Tôi bảo: thôi, mấy cô mới tu, chứ con đi chơi chứ tu hành gì. Con chỉ có tu……….. hú mà thôi.

1 nhận xét: