Blog Thích đi bụi ra đời với mục đích truyền can đảm cho người VN, đặc biệt là giới trẻ, để họ dám nghĩ và dám đi. (The establishment of this blog is to spread the courage to young people, especially Vietnamese ones, in order that they dare think and dare go.)
CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY
1. Đối tượng độc giả:1. Những bạn trẻ có máu phiêu lưu thích chu du xứ người trong thời gian dài nhưng với số tiền tối thiểu nhất có thể; 2. Những người có tâm hồn rộng mở, sẳn sàng dẹp cái tôi và quan điểm của mình sang bên để tiếp nhận những quan điểm mới.
2. Quan điểm: Bạn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bạn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bạn sai. Bạn suy nghĩ khác tôi bởi vì tôi và bạn không giống nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.
3. Phương tiện: "Với bát cơm ngàn nhà; Một mình muôn dặm xa; Chốn chốn không phải nhà; Chỗ nào cũng là nhà."
4. Nội dung: Bao gồm nhiều lĩnh vực mà tôi quan tâm 1. Du lịch bụi (Budget Travelling) 2. Sống tối giản (Minimalism) 3. Tái chế và tái sử dụng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuộc sống
Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010
Tôi đi Lào (1): Tìm đường qua cửa khẩu
Đọc báo thấy từ Quy Nhơn có xe buýt đi Lào, thế là tôi mua vé xe lửa đi Quy Nhơn. Bởi vì đây là chuyến đi xe đầu tiên trong những tháng đi bụi sắp tới, tôi đã chịu chi 430,000 VND cho một giường mềm, dự định ngủ một giấc cho thật đã rồi bắt đầu chuyến đi "lang thang'.
1. Khi đến Quy Nhơn rồi tôi mới biết ở đây chỉ thỉnh thoảng mới có xe đi cửa khẩu Bờ Y. Nếu muốn đi ngay, tôi phải đón xe đi Kontum. Thế là tôi có một ngày đêm tham quan thành phố Quy Nhơn. Xung quanh bến xe Quy Nhơn có nhiều nhà nghỉ, yên tĩnh hơn và không khí trong lành hơn những khu khác. Tuy nhiên, tôi đã ở Nhà Khách của Quy Nhơn nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Con đường có nhiều xe tải chạy nên rất bụi bặm và cách bến xe khoảng 5-7 km. Tuy nhiên, trong phòng có máy nước nóng, bình thủy nước nóng để pha trà và truyền hình cáp, giá chỉ có 100,000 đồng/đêm.
Thức ăn ở Quy Nhơn khá ngon và rẻ. Một tô mì Quảng chỉ có 7,000 - 8,000 đồng. Bánh xèo Quy Nhơn cũng đặc biệt hơn ở miền Nam. Ở đây, người bán lấy bánh xèo gói vào trong bánh tráng, người mua chỉ cần cầm lấy và chấm nước mắm giống như ăn gỏi cuốn vậy. Ốc luộc cũng khá ngon mà chỉ có 5,000 đồng/ tô.
2. Sáng sớm hôm sau, tôi ra bến đón xe đi Kontum, 75,000 đồng/vé. Lộ trình khoảng 4 tiếng. Tôi ở tại khách sạn Thịnh Quý 215 Phan Đình Phùng, giá 120,000 đồng/đêm, phòng hơi cũ nhưng rộng, có nước nóng nhưng ti vi không có cáp. Cũng may là khách sạn này cũng có xe đi Lào nên tôi đã đăng ký vé cho ngày hôm sau đi luôn. Vậy là tôi có một ngày đêm dạo phố Kontum.
Hôm đó là ngày 24/12/2009. Theo chân những người dân tộc đến khu hành hương của họ là Nhà thờ Gỗ ở thành phố Kontum thì tôi thấy những người dân tộc miền núi theo đạo Thiên Chúa khá đông. Họ ngồi chất đầy trên những chiếc xe buýt cũ kĩ hoặc lội bộ đến khu hành hương này. Hôm nay là ngày lễ đặc biệt của họ. Họ mang theo cả đồ ăn và chiếu ngủ. Họ ngồi khắp trong ngoài khuôn viên nhà thờ. Xung quanh hàng quán tấp nập. Quả là không khí của lễ hội.
Tôi đi vào khuôn viên phía sau nhà thờ. Ở đó có nhà trẻ Vinh Sơn 1, nơi nhận nuôi những đứa trẻ miền núi bị cha mẹ bỏ rơi hoặc quá nghèo không đủ tiền nuôi con nên gửi cho các sơ nuôi giùm. Nhân dịp lễ hội này, một số cha mẹ ghé vào thăm con. Ở đây có một du khách người Canada. Ông này đã về hưu nên mỗi năm đến Việt Nam 3 tháng để chăm sóc những đứa trẻ ở đây. Thật là một tâm hồn đẹp. Nhìn thấy thái độ dịu dàng của ông khi bồng một đứa trẻ đang khóc ngất vì thiếu sữa và hơi ấm của mẹ mới thấy tình thương là không biên giới. Mấy đứa bé ở đây còn rất nhỏ, từ vài tháng đến 5-6 tuổi. Tôi đã ở đó nguyên buổi trưa bồng bế những đứa trẻ và trò chuyện với các sơ.
Sơ Văn kể rằng trong số những đứa trẻ ở đây có đứa bị chôn sống theo mẹ hoặc có đứa bị bỏ rơi trong rừng nhưng được người dân cứu ra và giao cho các sơ nuôi. Những đứa trẻ thật sự rất thiếu hơi ấm và rất hiếm khi được bồng bế. Đa số những đoàn cứu trợ đến đây không đủ thời gian để chơi và ẳm bồng các em. Khi tôi ẳm một bé trong tay, một bé khác giận hờn và tìm cách đẩy bé kia ra để ngồi vào lòng tôi. Thật tội nghiệp!
Kỳ sau: Tôi đi Lào (2): Những thành phố ở Nam Lào
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét