Sáng sớm tôi và mọi người ăn điểm tâm bằng bánh mì Baguette với phô mai, cà chua và dưa leo do Sima chuẩn bị xong thì bắt đầu xuống phà. Đường xuống bến phà khá dốc nên thật khổ cho ai phải xách nhiều hành lý (phương châm đi bụi không xách nhiều hành lý của tôi trong tình huống này quả là không sai phải không các bạn?) Trên tàu có bán mì gói (10.000 kip/ly), bánh snack và cà phê. Tàu khởi hành lúc 8h30 đến 5h30 thì đến Pakbeng. Đến nơi, đường lên còn khó hơn đường xuống ở Luang Prabang nữa.
Tôi cùng gia đình người Úc quyết định ở tại Nhà nghỉ Phoy Dathha (giá 80.000 kip/ phòng 2 giường đơn). Ở đây không có nước nóng và hẻo lánh hơn nhiều so với khu vực bên phải của bến phà. Tối hôm đó, chúng tôi đi dạo qua các nhà hàng để tìm món ăn. Tôi ăn món Pad Thái (mì xào) rau củ giá K15.000.
Sáng hôm sau, tôi tranh thủ dậy sớm ra chợ ăn phở Lào. Ở đây, phở mặn chát và lại mắc 8.000 kip/tô. Ăn xong buổi điểm tâm đầy muối, tôi trở về Nhà nghỉ xách balô ra tàu để giữ chỗ giùm cho gia đình người Úc. Ở đây, không cần thiết phải mua vé trước, mọi người trả tiền khi lên tàu, giá vé là 100.000 kip. 8.30 tàu khởi hành. (sáng sớm ở Pakbeng có bán bánh mì kẹp 10.000 kip dành cho khách mua đem theo lên tàu, cũng không đến nỗi tệ so với tô phở 8.000 kip mặn chát của tôi)
Lại thêm một ngày lênh đênh trên sông Mê kông. Buổi sáng sớm và chiều tối khá lạnh, vì vậy nếu ai muốn đi theo lộ trình này, cần phải chuẩn bị áo ấm và mềm mỏng. Thực sự phong cảnh dọc sông Mê kông không có gì mới lạ đối với người Việt Nam. Chỉ có duy nhất một điều làm tôi ngạc nhiên là trên sông này nhiều nơi nhìn tưởng chỉ là cát nhưng thực sự lại là nước sông. Sông phẳng lặng đến nổi bạn sẽ có cảm giác như đang trôi trên cát, chứ không phải nước. Và đặc biệt là nước sông lại có 3 màu khác nhau bạn nhé: màu đỏ đục, màu đỏ đục nhạt màu hơn và màu trắng (hay gọi theo khoa học là không màu đó). Tôi không hiểu vì sao sông lại có 3 màu như vậy. Một điểm khác biệt nữa là khi đi tàu vào lúc chiều, bạn sẽ thấy cảnh những ngưòi dân Lào quấn xà rông tắm sông (họ có thể quấn cả xà rông vào người và nhảy xuống sông để bơi lội). Nếu nam thì tôi chẳng có gì để thắc mắc nhưng cả phụ nữ cũng làm thế, tôi ngạc nhiên quá và nhìn mãi để xem làm thế nào để họ vẫn giữ được xà rông che toàn thân khi xuống nước. Thật sự thì tôi chờ xem có ai bị tuột xà rông không nhưng lại chẳng thấy. Nếu là tôi thì chắc bị tuột xà rông ngay khi vừa ùm xuống nước rồi.
Tàu đến Huay Xai vào khoảng 6h chiều, quá trễ, không qua biên giới được nên mọi người phải nghỉ lại đây một đêm. Chúng tôi lên xe tuk-tuk đến nhà nghỉ gần chỗ trạm kiểm soát để qua biên giới Thái Lan. Nhà nghỉ của chúng tôi mang tên Huay Xai, giá 200 Thái Baht/đêm cho phòng có 2 giường đơn. Tuy nhiên nhà nghỉ này không được sạch sẽ bằng Nhà nghỉ Friendship, ở ngay phía đối diện bên kia đường, cũng giá 200 Thái Baht/đêm.
Sau đó chúng tôi cùng đi ăn tối. Tôi ăn món cơm chiên, giá K10.000, khá ngon và rau rất tươi. Tại đây, chúng tôi quen và nói chuyện với một người Mỹ. Ông này tên Bill, có một nông trại ở Maine, Mỹ. Lúc này ở đó đang mùa đông nên ông không trồng trọt được, phải đi du lịch đến khi nào tuyết tan thì mới về làm việc. Khi biết tôi là người Việt Nam, ông tỏ ra rất thú vị và muốn tôi giới thiệu người Việt Nam qua làm việc cho nông trại của ông. Ông bảo khu vực của ông ở hầu như không có người Việt ở. Vì vậy nhân công Việt sẽ hút khách đến mua hàng ở cửa hàng của ông (ông này vừa có trang trại vừa có cửa hàng bàn sản phẩm sản xuất ra từ trang trại luôn). Ông ta thật sự rất quan tâm đến nhân công Việt Nam. Ông cần 1 nam 1 nữ trong độ tuổi 20, yêu thích làm việc trong nông trại, có thể bán hàng, trung thực, chịu khó, lương 1.300 đô la Mỹ/tháng, bao ăn ở. Trong suốt những ngày sau đó, khi gặp nhau ở Thái Lan, ông ta cứ nhắc đi nhắc lại ý định của mình về việc thuê nhân công Việt Nam. Lúc đó, tôi đang “ghiền” đi du lịch, nếu không tôi cũng tham gia vào việc tìm người giúp ông ta rồi (Tony và Sima còn “xúi” tôi đi Mỹ làm việc cho ông nữa đấy chứ bởi vì họ thấy ông ta có vẻ nhiệt tình với tôi quá!)
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm, đi xuống bến tàu để trình hộ chiếu. Ở đây thủ tục miễn phí, không giống như ở Savannakhet (Laò) đi Mudahan (Thái Lan) phải đóng 10.000 kip phía Lào và 200 Baht phiá Thái.
Từ chỗ trình hộ chiếu, chúng tôi phải mua vé đò qua sông 10.000 kip/người tương đương là 40 Thái Baht. Cửa khẩu của Thái Lan tại đây có tên là Chiang Kong. Sau khi được đóng dấu vào hộ chiếu (tôi được 28 ngày ở tại Thái Lan, gia đình người Úc mỗi người chỉ được ở 14 ngày thôi), chúng tôi thuê tuk tuk (30 Thái Baht/người) để đi đến bến xe bởi vì chúng tôi muốn đi Chiang Rai ngay trong ngày mà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét