|
Bùng binh trước nhà ga |
Dân số ở đây so với các vùng của Trung Quốc là khá thấp, chỉ khoảng 6-7 triệu, vì vậy ở đây các bạn có thể chứng kiến những con đường rộng lớn và rợp bóng cây nhưng rất vắng người qua lại.
Do đó nơi đây cũng trong lành hơn và ít ô nhiễm hơn. Tuy nhiên do vùng này nằm ở phíc Bắc nên dù là mùa hè cũng khá lạnh vào ban đêm dù ban ngày trời nắng ấm.
Dân số ở đây ngoài người Hán, người Mãn còn có người Mông Cổ, người Hàn.
Từ Shenyang (Thẩm Dương) lúc đầu tôi dự định mua vé tàu đi Harbin (Cáp Nhĩ Tân) nhưng hết vé, chỉ còn vé đứng thôi. Vậy là tôi mua vé đi Qiqihar luôn. Từ Shenyang đến Qiqihar tàu chạy khoảng 11 tiếng. Tàu của tôi từ Dalian đến trễ nên dù vé ghi là 20:07 thì đến gần 21h chúng tôi mới lên tàu. Do ga Shenyang đang sửa chửa nên bụi mù trời, vì thế lần này tôi rút kinh nghiệm ra ga Shenyang Bei (Shenyang Bắc) nhưng ở đây bên trong cũng đang sửa chữa nên bụi cũng kinh dị luôn. May là tôi đến sớm nên việc đi lên và đi xuống các bậc thang để đến phòng chờ tàu cũng không khiến tôi phải vừa thở hồng hộc vừa chạy tá lả tìm kiếm (do có đọc được tiếng Hoa đâu nên chả biết cái phòng chờ tàu khi được viết ra nó trông như thế nào). Các bạn rút kinh nghiệm nhé: đến những nhà ga lạ thì nên đi sớm để được thong thả thời gian đặc biệt là khi không đọc được ngôn ngữ của nơi đó.
Đoạn đầu tàu còn đông người nhưng càng về sáng nghĩa là càng đến Qiqihar thì số người xuống càng nhiều mà lại không có người lên tàu, vì thế tôi có luôn nguyên băng ghế dài để nằm ngủ. Chỉ trả 53 tệ mà được nằm ngủ như trên giường thì quá sướng. Tuy nhiên càng lên phía bắc thì trời càng lạnh. Dù bên trong đóng kín hết cửa nhưng cái lạnh vẫn thấu vào xương rét buốt. Ai cũng xuýt xoa vì lạnh. Tôi cũng thế vì làm biếng lôi cái áo khoác mùa đông nằm tuốt dưới đáy hành lý ra mặc (tôi nghĩ khi đến vào buổi sáng trời sẽ sáng và sẽ nóng- lúc đó lại phải lôi hết đồ đạc ra để xếp áo thì lười quá). Vì thế tôi cũng co ro cố ngủ. Và quả thật càng về sáng thì trời càng bớt lạnh. Ở phía Bắc trời sáng rất sớm. Khoảng 4-5h trời đã sáng trưng rồi.
|
Nhà ga Qiqihar |
Tàu đến vào khoảng 7h30 sáng, tôi kéo hành lý ra ngoài và lại y như cũ, không biết đi hướng nào để kiếm nơi ở. Tôi hỏi một ông lái taxi đứng gần đó thì ông ta nói giá 100 tệ sẽ chở đến khách sạn. Tôi nói cảm ơn, tôi đi bộ. Ông ta nói xạo rằng gần đây không có nhà trọ đâu? Dĩ nhiên là tôi không tin. Từ ga bước ra tôi quẹo trái và đi vài bước thì đến ngã ba đường thì tôi băng qua và bên tay trái con đường này là một dãy các nhà trọ được ghi bằng tiếng Hoa là zhao dao suo. Tôi học thêm một từ mới tiếng Hoa để chỉ nhà trọ ngoại trừ từ Zhu shua. Ở đây họ sử dụng từ zhao dai suo nhiều hơn. Thật kỳ lạ là đa số các nhà trọ ở đây điều có máy vi tính nối mạng internet trong phòng có giá từ 25-30 tệ/đêm cho phòng hai người. Nếu đi hai người thì giá này thật rẻ. Tuy nhiên khi biết tôi là người nước ngoài thì họ từ chối hoặc cố tình lấy giá cao hơn. Tôi đi hết con đường thì ngay tại ngã ba có một tòa nhà trông như chung cư. Ở trong đây có hai zhao dai suo. Tôi vào một nơi hỏi giá thì họ chỉ phòng cho tôi xem. Phòng khá lớn có cửa sổ và giường. Một phòng giường đôi có tivi. Một phòng hai giường đơn có máy vi tính nối mạng. Phòng hai giường đơn thì lớn gần như gấp đôi phòng kia. Cả hai phòng đều có giá 30 tệ. Họ còn chỉ cho tôi một phòng khác cũng khá lớn có cả máy vi tính và tivi có giá 40 tệ (phòng này có hai giường đôi nên có thể ở đến 4 người). Tóm lại theo tôi thấy thì phòng ở thành phố Qiqihar có giá khá rẻ, đặc biệt nếu đi hai người trở lên thì giá cực rẻ.
|
Con đường nơi có nhiều zhao dai shua |
Trước cửa nhà ga là đường Zhanqian Dajie. Từ ga nhìn ra thì có ba ngã ba. Hai ngã ba đầu là rẽ vào hai con đường lớn: đường Longhua (đây cũng là con đường trung tâm- nếu đi thẳng đường này thì ra khu siêu thị và trung tâm thương mại) và đường Longsha. Con đường mà tôi ở là ngã ba thứ ba đi về phía Nam của đường Zhanqian Dajie nghĩa là từ ga bước ga rẽ trái và đi chừng 100m là thấy ngã ba này.
Nếu từ ga xe lửa đi thẳng vào đường Longhua khoảng 500 mét thì sẽ thấy một cái chợ bên tay phải. Trong chợ này cũng có nhà trọ, tôi thấy có nơi còn để giá 10-20 tệ. Ngoài ra thức ăn ở đây cũng khá rẻ. Chợ ở phía Bắc có một đặc điểm chung là nằm bên trong mái che thường thì trông vô cùng sạch sẽ y như trong siêu thị vậy đó. Theo tôi nghĩ là do mùa đông ở đây khắc nghiệt hơn nhiều so với những nơi khác nên chả có người bán nào đủ can đảm mà ngồi bán hàng bên ngoài trời lạnh.
|
Chợ có mái che |
Ở Qiqihar dù ban ngày trời nắng gắt nên phải đội mũ và đeo kính râm tuy nhiên ai cũng mặc áo khoác không phải để che nắng như ở Sài Gòn mà là dù trời nắng nhưng gió lại lạnh. Ban đêm thì tôi phải đắp đến hai cái mềm mới đủ ấm dù bây giờ đã là giữa tháng 5 – theo tôi nghĩ là đã cuối xuân hoặc đầu mùa hè rồi ấy.
Qiqihar có những điểm tham quan hấp dẫn du khách như sau:
Thứ nhất là chùa Dacheng. Chùa này nằm phía nam con đường Zhanqian Dajie nên có tên là Zhanqian Nan Dajie (Nan là phía Nam). Để đi đến đây thì từ nhà ga băng qua bên kia đường và đón xe buýt số 2 xuống trạm Dacheng Si (trạm chùa Dacheng). Từ ga xe lửa đến ga Dacheng Si chỉ cách khoảng 3-4 trạm xe buýt. Các bạn có thể đi bộ nhưng đường đại lộ vắng hoe chả có gì để xem.
Cảnh xem bói trước cổng chùa; mỗi người mỗi kiểu:
Chùa Dacheng rộng lớn được xây vào năm 1939 trên một khoảnh đất rộng 31 hecta. Toàn bộ khu quần thể này gồm có 3 đại điện và những điện nhỏ bao quanh theo hình bát quát.
Tượng Phật trong chính điện bằng cẩm thạch trắng và là một trong những tượng Phật cẩm thạch lớn nhất ở khu vực Đông Bắc.
Các toà nhà đều được phủ mái đồng bộ bằng gạch có màu vàng và được bao quanh bởi các khu vườn vì vậy không khí khá thư giãn.
Đây là địa điểm hành hương của Phật tử khi đến Đông Bắc Trung Quốc. Chùa này miễn phí tham quan và mở cửa từ 9h sáng đến 3h chiều. Cạnh chùa là lối dẫn vào điện thờ 500 vị La hán. Các tượng La Hán đều tạc bằng đá đen và mỗi vị là một vẻ mặt và tư thế khác nhau. Có vị như đang trầm tư suy nghĩ, có vị như đang đùa giỡn, có vị như đang nổi giận. Tượng hoàn toàn bằng đá nên vào đó một lúc là có cảm giác khá lạnh do hơi lạnh từ đá phả ra.
Ngoài ra trong điện này còn có thờ các vị Phật. Khác các chùa ở Việt Nam một chút – trước mỗi vị Phật là một tấm gỗ trên khắc câu niệm cho từng vị Phật. Ví dụ trước mặt Quán Thế Âm Bồ Tát là câu niệm "Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát", trước mặt Địa Tạng Bồ Tát là câu niệm "Nam Mô Địa Tạng Bồ Tát."……Như thế khá dễ dàng cho ai không rành về Phật giáo nhưng lại muốn niệm Phật.
Ngoài ra còn có công viên Longsha cũng là một địa điểm khá hút khách du lịch. Xe buýt số 2 cũng có thể đến công viên này nhưng ở hướng ngược lại. Từ ga xe lửa bước ra không cần băng qua đường mà đứng đón ở trước cổng ga. Nếu không thì sau khi viếng thăm chùa Dacheng thì băng qua đường, leo lên xe buýt số 2 và đi đến công viên Longsha thì xuống. Từ chùa Dacheng, xe buýt số 2 chạy khoảng 20-25 phút thì bạn sẽ thấy bên tay phải là một công viên rộng lớn và xanh mát. Trạm dừng xe buýt số 2 nằm ngay trước cổng số 5 của công viên. Nếu muốn chắc ăn các bạn có thể hỏi người dân trên xe buýt "Longsha công yuan" (công viên Longsha). Ngoài ra xe buýt số 15 và 104 cũng có thể đến đây.
|
Cổng số 5 |
Công viên Longsha được xây dựng vào năm 1907 và có diện tích 72.5 hecta được xây dựng bao quanh hồ Lao Dong.
Không hiểu sao nước trong hồ này lúc nào cũng đỏ như nước sông Hồng ở Việt Nam vậy đó.
Công viên này có cả "một nhà tù của các con thú" hay còn gọi là sở thú. (Trong những lúc vật vã mấy chục tiếng trên những chiếc xe lửa đường dài ở Trung Quốc, tôi giết thời gian bằng cách đọc quyển truyện "The Life of Pi" – truyện kể về cuộc đời của một cậu bé người Ấn độ tên Pi và sau này cậu ta sang sống ở Canada. Do gia đình cậu ta lúc ở Ấn độ có sở hữu một sở thú nên câu chuyện mô tả rất rõ về cuộc sống của các con thú nơi đây. Đố các bạn con vật nguy hiểm nhất trong tất cả các con ở sở thú là con gì?????????????????? Câu trả lời trong truyện thì đó là con……….người. Một số con thú chết vì bị khách tham quan cho ăn miểng chai hoặc hành hung như đâm bằng vật nhọn. Sau khi đọc truyện này thì mỗi khi vào sở thú tôi quan sát hành vi của "những con thú nguy hiểm nhất này". Quả đúng là như vậy. Tôi thấy trước chuồng cọp một cậu bé Trung Quốc cầm theo một cung tên và những mũi tên nam châm để bắn. Những mũi tên này có thể không làm cho chú hổ kia bị thương nhưng có thể làm cho chú ta hoảng sợ. Cũng may là các "nhà tù" đều có hàng rào mắt cáo bao bọc nên muốn bắn hay ném vỏ chai vào cũng không dễ (nếu không phải là thiện xạ). Hậu quả do "những con thú nguy hiểm nhất" gây ra là các tấm bảng hướng dẫn tên và nguồn gốc của các con vật đang bị "cầm tù" bị vỡ nham nhở.
Ngoài ra ở công viên Longsha còn có viện bảo tàng về nguồn gốc công viên (tôi tìm mãi chả ra), những cái đình có kiến trúc nhà Thanh khá đẹp; trong đó cái đình cao nhất có thể nhìn được bao quát toàn cảnh công viên và khu vực dân cư xung quanh.
Đường lên ngôi đình này vào tháng 5 phủ đầy hoa tử đinh hương tím lịm tỏa hương thơm mát.
Tôi chỉ muốn ngồi mãi nơi này nếu gió không lạnh lắm. Ở công viên còn có khu trò chơi khá náo nhiệt dù hôm tôi đến là thứ hai chứ không phải cuối tuần.
Công viên rộng lớn và dân cư ở đây lại ít ỏi nên các bạn luôn có thể tìm thấy những góc tĩnh cho riêng mình trong công viên này.
Công viên Longsha quả là một nơi đáng để tham quan khi đến Qiqihar.
Ngoài ra ở Qiqihar còn có một điểm tham quan cũng khá nổi tiếng đó là thánh đường Bukui của Hồi giáo (nằm trên đường Buhui và có thể đến bằng xe buýt số 13 và 101 tại ga xe lửa). Thánh đường này nổi tiếng vì được xây dựng vào thời nhà Thanh. Tuy nhiên tôi không tham quan thánh đường này bởi vì nơi tôn giáo mà lại lấy vé vào cửa giá 6 tệ (ghét không vào!!!)
Từ Qiqihar tôi phải tính đường lần về Bắc Kinh để từ đó đi đến biên giới Erenhoh giáp Mông Cổ trước ngày 2/6/2011. Do đó tôi đi lần xuống phía Nam. Thay vì đón tàu thẳng về Harbin (Cáp Nhĩ Tân) thủ phủ của tỉnh Heilongjiang, tôi mua vé đi nửa đường thôi và dừng lại ở Daqing nơi có quặng dầu mỏ lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ tư trên thế giới. Vé tàu lửa từ Qiqihar đến Daqing có giá 11 tệ và tàu đi khoảng 2 tiếng (từ 14h40 đến 16h10). Lúc đầu tại ga người bán vé yêu cầu tôi mua vé của tàu mắc hơn có giá 23 tệ nhưng do có tra cứu trên trang
www.chinatrainguide.com nên tôi biết có vé tàu giá 11 tệ nữa. Vì vậy khi tôi nói tên con tàu K7016 thì cô ta mới bán.
Kinh nghiệm cho các bạn khi đi tàu lửa ở Trung Quốc là tra cứu giá vé và số hiệu tàu trước khi ra ga bởi vì người bán vé thường chọn bán vé đắt tiền trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét