Nhờ có 21 tiếng đồng hồ trên tàu mà tôi hiểu được hệ thống tàu lửa ở Trung Quốc hơn. Việc mua vé standing ticket thực ra chả có gì là ghê gớm (mặc dù lúc đầu tôi cũng khá ngán khi nghĩ đến việc phải đứng 21 tiếng) nếu không đi vào các dịp nghỉ lễ.
Các toa tàu hầu như chả bao giờ đầy (vào các ngày thường, không phải ngày lễ đấy nhé). Ví dụ toa của tôi là toa số 9 và đầy nhóc người. Vì vậy tôi di chuyển sang toa số 7, lúc đó chỉ có vài người thôi nên mỗi người có cả dãy ghế để nằm luôn. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau thì tàu ghé ga, vậy là một số người ở toa 9-7 xuống và những người khác lên. Thế là tôi đi về các toa khác, tôi đi sang toa số 5-4, ở dây mỗi người cũng có cả dãy ghế để nằm. Ở toa số 3 trống hơ trống hoắc, tôi vào đó nằm đến khoảng 4-5h sáng thì người lên toa này rất đông, vậy là tôi bị đuổi ra. Tôi về lại toa số 5, lúc này số người xuống nhiều hơn số người lên, vậy là tôi lại tiếp tục có dãy ghế nằm ngủ. Đến khoảng 8h sáng số người lên toa 5 khá nhiều, vậy là tôi về lại toa số 9 (nơi tôi để túi hành lý lớn trên giá cả đêm và lang thang sang các toa khác để kiếm chỗ ngủ), khoảng 1 tiếng sau tàu ghé ga, số người ở toa 9 xuống rất nhiều, vậy là tôi có ghế ngồi. Tàu càng đến gần Kunming thì chỉ có người xuống mà không có người lên, vì vậy mọi người có thể nằm ngồi thoải mái.
Tóm lại, dù mua vé đứng hay ngồi, muốn có chỗ ngồi thoải mái, các bạn chớ nên ở “chết dí” một toa mà nên linh động di chuyển từ toa này sang toa khác. Các toa tàu của Trung Quốc có một đặc điểm là ở mỗi ga số người lên chỉ giới hạn ở một vài toa mà thôi, những toa còn lại trống để đón người lên ở ga tiếp theo. Tuy nhiên khi tàu đến ga tiếp theo thì số người ở những ga đầy lại xuống bớt, vì vậy nếu chịu khó di chuyển giữa các toa thì các bạn luôn có chỗ ngồi thoải mái và được nhìn thấy nhiều người nữa. Tuy nhiên, cách làm này có phần mạo hiểm bởi vì khó mà di chuyển hành lý qua lại giữa các toa ngoại trừ các bạn đi bụi với túi hành lý nhỏ gọn. Nếu không thì để đại hành lý ở toa nào đó và có khả năng bị mất. Tuy nhiên tôi để hành lý ở toa 9 cả đêm chả thèm trông coi gì hết mà cũng chả sao. Vì vậy, các bạn chớ mua những túi hành lý quá nổi bật dễ làm người khác chú ý và không nên để đồ đạc quý giá trong đó mà nên mang theo khi di chuyển. Số người lên xuống các ga liên tục, vì vậy chả ai biết túi nào là của ai nên họ chỉ xách túi của họ thôi, bởi vì họ không biết chủ nhân của các túi hành lý khác có ở đó hay không nên không dám xách đại đâu. Tóm lại các bạn không nên làm cho mọi người biết túi nào là của mình và không làm cho mọi người nghĩ mình có đồ đạc quý giá trong đó.
Bây giờ thì tôi cảm thấy vô cùng thoải mái khi đi tàu lửa ở Trung Quốc rồi nhé. Nói ra thì hơi xí hổ nhưng sự thực thì tôi rành hệ thống tàu lửa ở Trung Quốc hơn cả ở Việt Nam nữa ấy chứ.
Tôi đến Kunming vào giữa trưa và từ ga thì đón xe buýt số 64 đến Cloudland Youth Hostel (cách đây 3 tháng tôi cũng ở đây cùng với Sima) và khi tôi bước vào để hỏi dorm thì các tiếp tân ở đây nhận ra tôi ngay (dù 3 tháng trước tôi chả có gây ra xì căng đan nào khi ở đây đâu nghen). 8-bed mixed dorm có giá 30 RMB/giường và female 6-bed dorm có giá 35 RMB/giường. Nếu có thẻ thành viên của International Hosteling thì được giảm giá 5 RMB. Sau khi check in, tôi hỏi vé xe để đi về Hekou (Hà Khẩu). Tiếp tân ở đây nói tôi phải trả thêm 15 RMB tiền giao vé nếu nhờ họ mua giúp. Theo hướng dẫn của họ, tôi đi ra đường lớn và đón xe buýt 22 để đi đến East Bus Station (ga này cách trung tâm thành phố khá xa, và do lên dốc nên đi mất khoảng 1h từ Cloudland Youth Hostel). Tôi vào ga mua vé cho tối hôm sau với giá lá 139 RMB và họ bảo xe chạy khoảng 10 tiếng là đến. Đoạn đường từ East Bus Station đến youth hostel chỉ mất khoảng 45 phút do xuống dốc. Vì vậy các bạn cần liệu trước thời gian đến ga này nếu không muốn bị trễ xe nhé.
Lý do tôi phải quay về Việt Nam thay vì đi Mông Cổ như dự tính là như sau.
Thứ nhất, ở Mông Cổ rất khó mà xin visa Trung Quốc và nếu xin được thì tốn rất nhiều tiền. Mà Mông Cổ lại chỉ giáp ranh đường bộ với Trung Quốc và Nga thôi. Việc xin visa du lịch để đi Nga thì impossible cho tất cả mọi quốc tịch. Nhiều du khách bị kẹt ở Mông Cổ nên cuối cùng họ phải bỏ ra một đống tiền để mua vé máy bay đi Hồng Kong. Người Việt Nam muốn đi Hồng kong thì phải có visa, trong khi rất nhiều quốc tịch khác lại không cần visa để đi Hồng kong.
Tôi đi Trung Quốc (39): Beijing (2)
Thứ hai, tôi cũng có thể mua vé máy bay đi Việt Nam hoặc Thái Lan nhưng cũng phải transit ở Trung Quốc (cũng phải có visa) và giá vé lại không rẻ.
Thứ ba, tôi cũng có thể mua vé tàu tuyến Tran- Siberia để đi Mông cổ và Nga. Nếu trình vé tàu ra thì có thể xin được visa đi Nga nhưng chỉ được ở Nga 3 đêm thôi. Nếu thế thì lại không đủ thời gian để xin visa đi nước khác.
Tóm lại, nếu lúc này đi Mông Cổ thì tôi bị kẹt lại đó chắc luôn. Vì vậy theo lời khuyên mà tôi nhận được từ forum của Lonely Planet là tôi nên quay về Việt Nam để xin multiple-entry visa vào Trung Quốc trước khi sang Mông Cổ.
Tôi đến bến xe buýt sớm 1 tiếng rưỡi bởi vì sợ kẹt xe. Ở cạnh bến xe buýt đường dài là bến xe buýt nội thành và có nhiều tuyến xe buýt đi đến đây lắm. Ví dụ tuyến xe số 906, 902, 194, 193, 60, 50, 22 (tuyến xe 60 xuất phát từ trạm xe lửa ấy)
Tôi lên xe buýt, tìm được đúng giường và bắt chuyện với các bạn Trung Quốc. Bạn nữ nằm giường sau lưng tôi đem theo cả một chú cún con lên xe – chú cún này buồn cười lắm. Khi xe chuyển bị lăn bánh, trông thấy một chú cún khác đứng dưới đất, chú ta nhảy phắt xuống và quấn quýt với chú cún dưới đất bỏ mặc cô chú hết sức gọi quay trở lại (đúng là đồ mê gái!). Cuối cùng cô chủ phải mang giày, nhảy xuống xe, rượt theo chú một hồi mới tóm được chú ta và mang về xe.
Các bạn trẻ khác hỏi chuyện tôi, lúc đầu tôi còn trả lời được, một hồi không hiểu gì hết nên ngồi cười trừ. Bỗng nhiên từ giường phía trên tôi phát ra tiếng nói mà lại là tiếng Việt hẳn hoi, phiên dịch giùm. Tôi mừng quá nên hỏi chuyện. Bạn ấy nói tiếng Trung khá giỏi bởi vì trước đây học ở Kunming và quê ở Lào Cai. Hiện giờ đang hành nghề “buôn trầm hương.” Bạn ấy bảo tụi Trung Quốc chuộng trầm hương của Việt Nam và Lào lắm. Bọn chúng mua rất nhiều và chả hiểu mua để làm gì. Tôi tức mình quá nên nói: Chúng nó mua về chế biến lại và bán vô thị trường Châu Âu và Mỹ chứ gì. Mình chả biết sử dụng nguồn tài nguyên trời cho, chỉ biết bán rẻ cho bọn Trung Quốc, và bọn chúng bán lại với giá cực đắt.
Giường phía trên cạnh anh chàng Lào Cai này là một anh chàng đến từ Ireland. Anh ta nói tiếng Trung cũng giỏi lắm – do đã ở Kunming học hơn 1 năm rồi. Thật buồn cười! Anh ta nói với tôi bằng tiếng Anh và sau đó thì phiên dịch lại với anh chàng Lào Cai bằng tiếng Trung.
Khi xe chuẩn bị chuyển bánh thì một đoàn khách người Nga (theo tôi đoán) lao đến, chặn xe lại bởi vì họ đến trễ vài phút (may cho họ!!!!). Cả đoàn người lao xao một hồi, vỗ tay chào mừng lẫn nhau vì xém trễ xe và thi nhau chụp hình. Đèn flash từ máy ảnh cứ nhá liên tục. Tôi nghĩ bụng nếu họ tiếp tục nhá đèn thì tôi phải ngăn họ lại thôi. Tôi chả muốn gặp nạn ở Trung Quốc. Đường tối mà nhá đèn như thế thì tài xế làm sao thấy đường mà lái chứ. Cũng may là trước khi tôi hành động thì cái bọn người Nga đã dừng hành động ngu ngốc của mình.
Xe của chúng tôi có đến 3 tài xế. Một người lái, một người ngủ và một người ngồi hút thuốc. Đã xe bít bùng mà còn hút thuốc. Tôi leo xuống giường và tiến lại sau lưng ông ta chỉ vào điếu thuốc và nói tiếng Hoa bập bẹ: Nếu muốn hút thì phải mở cửa ra. Tôi chả biết cửa sổ là nói thế nào nên nói đại: khai men (mở cửa). Lão tài xế này chả hiểu và giải thích gì đó mà tôi đoán lão ta muốn nói rằng xe đang chạy thì làm sao mà mở cửa. Nhưng ông tài xế đang nằm trên giường lại hiểu ý tôi nên dịch lại cho ông ta. Vậy là ông ta dừng hút. Một hồi sau, anh thanh niên nằm giường xéo tôi hút thuốc. Tôi quay xuống, chỉ vào anh ta và nói: khai men. Nói xong thì tôi mới thấy anh ta đang hút qua cửa sổ đã mở nhưng do ngược gió nên khói cứ bay vào trong. Nghe tôi nói, anh ta rít vài hơi và ném điếu thuốc đi luôn.
Các bạn viết gì sao người Trung Quốc lại nghe lời tôi đến như vậy không? Ở Trung Quốc có chiến dịch hướng người dân đến lối sống văn minh, không hút thuốc bậy bạ nơi công cộng, vì vậy khi họ hút theo thói quen và có ai nhắc thì họ dập thuốc ngay hoặc đi ra chỗ khác. Ở Việt Nam mà tôi làm như vậy chắc bị mắng hoặc tệ hơn là bị quýnh rồi. Lý do là mình chưa đến mức văn minh như tụi Trung Quốc?????? Đáng buồn thật!
Xe có dừng lại giữa đường vào ban đêm để mọi người lót dạ. Ở cái quán lề đường này, mọi người có thể mua mì gói giá 5 RMB hoặc ăn phở gà giá 6 RMB. Ngoài ra còn có đậu hủ và khoai tây nướng nữa.
Xe đến Hà Khẩu vào lúc 6h sáng. Tôi đi theo anh chàng Lào Cai đến ngồi đợi ở trước cửa phòng xuất nhập cảnh bởi vì đến 8h sáng ở đây mới làm việc. Gần đó có một anh chàng đang ngồi đợi. Tôi nói với anh chàng Lào Cai: Anh chàng này cũng đợi mở cửa khẩu đây mà. Anh ta quay sang tôi và nói mình là người Việt.
Vậy là chúng tôi có 3 người ngồi “tám” tiếng Việt. Anh chàng này quê ở Sóc Sơn, hiện đang học thạc sĩ ngành Quan hệ Quốc tế tại Kunming. Anh ta du học theo học bổng của chính phủ Trung Quốc. Anh ta bảo chả có tiền mà đi chơi bởi vì Trung Quốc kẹo quá. mỗi tháng chỉ cấp phí tiêu xài có 1.700 RMB thôi. Tôi nói như vậy mà chê à? Sinh viên Trung Quốc học tại Bắc Kinh thì tiền ăn ở mỗi tháng chỉ tiêu có 1.000 RMB, còn ở các thành phố nhỏ hơn thì mỗi tháng chỉ tốn có 600 RMB hà. Tôi “bà tám” với đám sinh viên nên mới biết ấy chứ. Anh ta nhìn tôi kinh ngạc, nhờ thế tôi mới phát hiện đi bụi như tôi chỉ 4 tháng mà biết về Trung Quốc nhiều hơn cả anh ta du học ở đó cả năm trời.
Tôi xúi anh ta học xong thì cố ở lại Trung Quốc xin việc làm, chớ có về Việt Nam ngay. Anh ta bảo thích Trung Quốc bởi vì môi trường sạch sẽ hơn Việt Nam nhiều (cái này tôi công nhận anh ta nói đúng bởi vì tôi ở Trung Quốc lâu lâu mới giặt đồ một lần hehehe). Tuy nhiên, anh ta bảo ở Trung Quốc buồn lắm bởi vì chả có bạn bè bà con họ hàng nên vẫn thích về Việt Nam. Có thể rất nhiều người có cùng suy nghĩ như anh ta nhưng theo quan điểm của tôi thì điều đó thật là vớ vẩn và ngớ ngẩn, phải có bản lĩnh mà vượt qua nó để đạt mục tiêu lâu dài chứ.
Đến 8h thì chúng tôi vào máy check in tự động – tự động nghĩa là sao? Mỗi người tự đặt trang đầu hộ chiếu của mình vào máy, máy đọc thông tin và hiện lên màn hình. Sau đó, các bạn cần trả lời cho câu hỏi: đi bằng phương tiện gì? Anh chàng Lào Cai gõ chữ DIBO bằng tiếng Việt luôn. Ok thì máy tự in ra tờ giấy. Các bạn xé miếng lớn để lại vào ô và ký tên vào miếng giấy nhỏ và cầm hộ chiếu cũng như miếng giấy nhỏ có ký tên vào xếp hàng. Ở đây hải quan chỉ xem hộ chiếu và visa hợp lệ không và đóng mộc cái rụp, vậy là qua, rất nhanh, do mọi thông tin đã được thực hiện trước đó.
Về đến Việt Nam, tôi thích nhất là nghe hiểu hết những gì mà mọi người xung quanh nói. Tôi ghé vào quầy bánh mì trứng chiên với lá ngải trước cửa khẩu mua một ổ ăn (giá 10.000 đồng), khá ngon. Ở Trung Quốc chả kiếm đâu ra kiểu bánh mì thịt như thế. Sau đó tôi đi tiếp đến một quán phở ăn một tô phở trứng gà giá 20.000 đồng. Tại đây tôi ngồi đối diện một ông giám đốc công ty buôn bán gỗ trầm hương người Đà Nẳng. Ông ta bắt chuyện và nói rằng thật vớ vẩn khi đi du lịch Trung Quốc vào sâu trong nội địa mà lại chả biết tiếng Hoa. Ông ta làm ăn với Trung Quốc 5-6 năm rồi mà một chữ cũng chả biết thì làm sao tôi mới ở 4 tháng mà biết chứ.
Tội nghiệp doanh nhân Việt Nam ghê! Trong khi doanh nhân Trung Quốc lại biết tiếng Việt ấy, còn mình thì….? Vì thế tôi tin rằng mình toàn là bị bọn chúng gạt (trước đó anh chàng Lào Cai cho tôi biết là dù anh ta nói tiếng Trung nhưng khi giao dịch với Trung Quốc thì bị gạt hoài hà.) Theo tôi thì lý do là mình chưa hiểu được cái style của bọn Trung Quốc mà thôi. Khi đã hiểu được rồi thì việc trả giá hay buôn bán với họ thật thú vị (theo tôi thì thú vị hơn rất nhiều so với buôn bán với Châu Âu hay Mỹ) bởi vì mỗi một thương vụ hay một công cuộc trả giá chả khác gì một trò chơi hay một ván cờ. Vừa kinh doanh vừa “chơi” với họ chả phải là hay hơn à? Cái style của họ là gì thì các bạn đích thân đi bụi hoặc đích thân “xông pha” làm ăn với họ vài lần thì mới biết nhé, tôi không kể ra đâu bởi vì như thế sẽ kém thú vị.
Ông giám đốc người Đà Nẵng ngồi “tám” với tôi một hồi thì trả tiền tô phở cho tôi luôn. Tôi không muốn nhưng bà bán hàng chỉ lấy tiền của ông ta mà không thèm đếm xỉa gì đến tiền của tôi. Ông ta dụ tôi ở lại Lào Cai một đêm và nói giờ ấy hết tàu xe rồi. Tôi cười thầm. Cái chiêu này mà áp dụng với tôi thì mắc cười quá! Nhưng kệ, giả vờ tin! Ông ta bảo ông ta ở khách sạn Hà Linh ấy. Tôi cứ đến đấy và nói là bạn của ông ta. May là tôi không sử dụng điện thoại di dộng nên chả có số mà cho ông ta (tôi không dùng điện thoại di động cả năm rồi nên bây giờ chắc quên cách sử dụng luôn hehehe).
Tôi đi về Khách sạn Ngôi Sao Phương Bắc mà mình ở trước đây ở số 40 Trần Nguyên Hãn (nơi này rất gần cửa khẩu). Giá niêm yết là 200 nghìn nhưng tôi bảo tôi ở một mình và trước đây chỉ trả có 80 nghìn thôi. Bà chủ kiêm tổ trưởng dân phố khu vực cuối cùng lấy giá 100 nghìn. Phòng ở tầng 4, rộng kinh khủng, có hai cái giường, cửa sổ rất lớn nhìn ra đường. Trong phòng có tủ treo quần áo, truyền hình cab và toilet rộng có nước nóng. Dưới tầng trệt là quán cà phê có wifi. Tóm lại tôi trả 100 nghìn để có những tiện nghi này thì thật là rẻ chán. Vì vậy tôi quyết định ở Lào Cai hai đêm luôn.
Cảm nhận của tôi về Việt Nam sau vài tháng ở Trung Quốc.
Thứ nhất, Việt Nam dơ quá, bụi mù đường.
Thứ hai, do chịu lạnh vài tháng quen rồi nên tôi thấy ở đây nóng quá.
Thứ ba, mình không biết cách kinh doanh công nghệ thức ăn bán sẳn như Trung Quốc và Thái Lan. Ở hai nơi này, đồ ăn sẳn có ở khắp nơi, trong khi ở Việt Nam mình chưa đầu tư nhiều lắm vào việc này. Vì vậy mà việc đi tìm quán bình dân để ăn thì không dễ, và nếu tìm ra rồi thì nó lại khá dơ. Trong khi hai nước kia, dù là thức ăn đường phố nhưng họ lại có tiêu chuẩn vệ sinh cao hơn mình nhiều.
Tóm lại, không phải tôi muốn nói xấu Việt Nam mà mình phải nhận biết mình là ai và đang ở mức nào so với các nước thì mới phát triển được.
Bạn nào mê kinh doanh thì nên đi Thái Lan và Trung Quốc học hỏi cách họ bán hàng lề đường nhé. Theo tôi nếu biết cách đầu tư thì kiếm khá bộn tiền ở lĩnh vực này ấy. Tôi không muốn nói nhiều về việc này bởi vì muốn các bạn tự mình đi tìm nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng ở lĩnh vực đồ ăn sẳn lề đường thì Thái Lan và Trung Quốc áp dụng vô cùng triệt để câu “Buôn có bạn, bán có phường.”
Kỳ sau: Tôi đi Trung Quốc (46): Hà Nội và thủ tục visa
Bài liên quan: Em ơi…..Hà Lội, Hà Lội
loạt bài này đến đây là kết thúc hử chị :D
Trả lờiXóachị
viết càng ngày càng hay đấy.
:D