Quay lại Thái Lan chuyến này, tôi muốn đi tìm món cháo canh giá 20 baht của Việt Nam nên trước đó đã hỏi thăm thì mấy mẹ ở chùa Phước Hưng bảo ra quầy cháo canh của mẹ Tiên ở gần chợ.
Vậy là tôi đạp xe về trung tâm của Aranya Prathet và hỏi đường ra chợ.
|
Một con đường ở trung tâm Aranya Prathet. |
|
Một góc chợ. |
Đi quanh quẩn một hồi trong chợ. Không thấy đâu cả. Chỉ thấy mấy nhà sư đi khất thực nên tôi bám đuôi họ để chụp hình.
Tìm mãi mà không thấy, cũng chán nên tôi chạy ra và hỏi đường đi Bangkok. Tôi mua khoai lang nấu. Mẹ bảo 10 baht/xâu. Tôi trả giá 15 baht/2 xâu. Mẹ bán luôn. Thường người Thái ít khi trả giá lắm nhưng tôi quen trả giá rồi; đáng lẽ không bớt nhưng chắc thấy tôi là người nước ngoài nên họ bớt giá để tỏ thiện chí và lòng hiếu khách của dân Thái Lan chăng?
Tôi đi thẳng và ghé một quầy hàng; tôi vào và nói tiếng Việt (theo kiểu hú họa): Cháo canh. Không ngờ mẹ bán hàng ở đây cũng là Việt kiều nên mẹ bảo không có; chỉ có hủ tiếu và mì thôi. Tôi hỏi quầy hàng của mẹ Tiên; mẹ bảo xa lắm và bảo tôi muốn ăn hủ tiếu không mẹ nấu cho ăn. Mẹ nấu và mẹ kia lặt rau; họ hỏi chuyện về hành trình của tôi. Tôi kể cho họ nghe. Khi ăn xong, tôi trả tiền thì mẹ bảo: khỏi, bao (nghĩa là miễn phí đấy). Mẹ chúc tôi lên đường may mắn. Thật ấm lòng sau câu chuyện xảy ra ở chùa Phước Hưng!!! Đó là mẹ Việt.
Tôi dẫn xe qua bên kia đường, leo lên mới biết mình lại hành động theo quán tính. Thái Lan chạy xe bên trái cơ mà. Dân Thái cũng đáng yêu lắm!!! Thấy ai chạy lớ ngớ bên phải là họ biết người nước ngoài chưa quen chạy bên trái như họ nên họ nhường và ra dấu đi qua tay trái. Thái Lan dù xe cộ cũng đầy đường nhưng dễ chạy hơn ở Việt Nam. Họ nhường đường cho nhau.
Tôi vừa đi vừa hỏi thăm đường quốc lộ để đi Bangkok. Quả thật là người dân dễ thương!!! Dù họ có đang quạu quọ, cáu gắt với ai nhưng khi bạn dừng lại hỏi đường là họ tươi cười hướng dẫn nhiệt tình. Khi bạn đi rồi, họ mới quay lại tiếp tục “đấu đá” với đối phương.
Thỉnh thoảng, chạy ngang qua mấy doanh trại, thấy mấy anh lính đứng gác. Dù biết đường rồi nhưng tôi muốn nói chuyện với mấy anh lính nên dừng xe lại, đưa tay thẳng về phía trước và nói: Krung Thep (tiếng Thái, Bangkok được gọi là Krung Thep) thì họ nhiệt tình bảo phải rồi và hỏi đi xe đạp à? (chạc cơ yan) Tôi gật đầu và lên xe chạy.
Thái lan có một điểm rất hay – đó là những nơi ngồi chờ xe buýt, có băng ghế, có mái hiên, sạch sẽ mát mẻ dễ chịu. Vì thế đang chạy ngoài đường nóng rát mặt. Đậu xe lại vào các nơi này nghỉ ngơi là số dách luôn. Tôi thường xuyên áp dụng cách ấy.
Suốt đoạn đường từ Aranya Prathet đến Bangkok, thậm chí khi chỉ cách Bangkok chỉ khoảng 100 cây, tôi thấy có cây thốt nốt mọc bên đường, có nơi có nhiều nữa chứ. Trước đây nghe đồn rằng bọn Khmer có tuyên bố một câu xanh rờn lá mạ rằng: Nơi nào có cây thốt nốt thì nơi đó thuộc đất Campuchia. Không biết lời đồn về câu tuyên bố này là đúng hay sai. Nếu nó đúng thì đảm bảo mấy thằng Khmer có ngày bị quýnh bờm đầu. Lý do: Nam Việt Nam, Nam Lào và Đông Thái đều có cây thốt nốt. Tuyên bố như thế có khác gì tuyên chiến với 3 quốc gia láng giềng, đặc biệt là Thái Lan bởi vì cây thốt nốt nằm ngay sát thủ đô của họ.
Khi tôi đến thị trấn Watthananakhon, cách Sakeo khoảng 29 cây thì thấy dọc theo đường lộ là các gian hàng bán cơm nếp trong ống tre, nơi nào cũng ghi bảng là No 1 cả.
Dưa hấu bán đầy đường. Mới đầu nghĩ chắc không rẻ đâu nên tôi chạy luôn. Dân Thái có kiểu quảng cáo dưa đáng yêu và buồn cười lắm. Họ cắt các lát dưa ra và treo lủng lẳng trước gian hàng của mình.
|
Tưởng tôi mua hàng, anh chàng đứng dậy tiếp đón. Thấy tôi móc máy ra chụp và sau đó bỏ đi mà không mua gì. Anh chàng vẫn không hề khó chịu. Đúng là người Thái thiệt dễ thương!!!! |
Trời nóng quá, chịu hết nổi nên tôi ghé đại vào một gian hàng. Dưa Thái quả rất to, quả nhỏ nhất cũng hơn quả to ở Campuchia rồi. Chắc ở Thái họ sử dụng nhiều hóa chất hơn?????? Tôi chỉ vào quả nhỏ vừa cho một mình tôi ăn (tôi ăn nhiều hơn người khác, nên một mình tôi ăn cũng phải bằng 2 người ăn rồi đấy!) Giá 20 baht. Tôi hỏi 15 baht bán không? Chị ta bán luôn. Chỉ ½ đô Mỹ tôi có quả dưa vừa to vừa đỏ ngọt ngon vô cùng. So với quả dưa ½ đô (2 ngàn riel) ở Campuchia thì đúng là một trời một vực. Tuy nhiên tôi ngờ rằng ở Thái người ta sử dụng nhiều phân bón hơn.
Chạy theo đường lộ mãi thì trời bắt đầu chiều. Tôi phát hiện ra bánh sau hơi bị xẹp. Không thấy làng mạc hay nhà dân nên tôi cũng lo không biết trời tối thì ra sao, cộng thêm cái bánh xe sau có vẻ xì lỗ mọt nữa.
Bên trái đường một chiếc xe du lịch 4 chỗ màu trắng dừng lại, đèn đỏ nhấp nháy, nắp thùng trước dỡ lên. Một người đàn ông và một phụ nữ Thái đang đứng cạnh xe. Tôi nghĩ chắc xe họ hỏng hóc hoặc họ chạy nhiều quá nên dừng nghỉ cho máy xe bớt nóng. Thấy tôi từ xa, người đàn ông giơ tay ngoắc ngoắc; tôi thầm nghĩ: Trời đất, lẽ nào họ muốn quá giang………. xe đạp. Buồn cười quá!!!! Nhưng nghĩ bụng có thể họ có đồ bơm bánh xe nên tôi dừng lại ra dấu hỏi thì ông ta bảo không có. Thì ra lý do ông ta ngoắc tôi không phải để quá giang xe đạp mà để hỏi tôi: pây nại?? (đi đâu??) Trả lời: Krung Thép (Bangkok). Hỏi: chạc cơ giang (đạp xe đi à?) Trả lời: yes. Ông ta hỏi gì đó, tôi không hiểu. Ông ta ra dấu; àh thì ra hỏi tôi ngủ ở đâu? Tôi nói không biết bằng tiếng Lào: bò hu. Không biết ông ta hiểu tiếng Lào không mà ra dấu bảo tôi đi nhanh kẻo trời tối.
Tôi lại vừa đạp vừa lo lắng bởi vì vẫn chỉ thấy đồng không mông quạnh trong khi trời càng ngày càng về chiều. Cuối cùng đến một nơi trong giống như khu du lịch, cách Bangkok khoảng 165 cây số. Bên phải đường là một cái ao có vẻ thơ mộng, có cả bảng quảng cáo một khách sạn.
Tôi dừng lại ở một nhà hàng, hỏi người phụ nữ trông giống đầu bếp, lúc ấy chị ta đang đứng chơi trước cửa. Tôi ra dấu hỏi: nơi này ngủ ở đâu? (nơi ni, norm dù thi nại?) Chị ta chỉ qua con đường nhỏ để đi vào khu tham quan nằm bên kia đường và nói giá là 150 baht. Tôi hỏi chị ta có ống bơm không? Tôi vẫn còn cái ống bơm nhỏ xíu từ Trung Quốc nhưng mỗi lần bơm là hì hục lả người nên mượn ống to bơm đỡ mệt. Chị ta bảo không có và chỉ qua bên kia đường và nói 2 baht (bơm xe giá 2 baht ấy mà.) Tôi hỏi ở đây có chùa không? Chị ta bảo có và chỉ vào con đường ngay cạnh đồn trực của công an và nói đi khoảng 2 cây vào đường ấy là đến.
Tôi cảm ơn và qua đường ghé ga- ra ra dấu bảo muốn bơm xe. Một anh chàng bơm cho tôi xong, khi tôi hỏi giá thì anh ta khoác tay và nói gì đó, mà tôi đoán là khỏi trả tiền. Tôi cảm ơn và hỏi chùa. Anh ta cũng chỉ vào con đường nhỏ bên kia và nói đi khoảng 4 cây.
Vậy là tôi chạy vào con đường nhỏ. Hỏi thêm một lần nữa thì tôi đến nơi. Thấy một nhà sư đang đứng múc nước. Tôi hỏi thì sư bảo trải ra ngủ trước chánh điện. Chùa ở Thái khác với chùa ở Lào hay Campuchia ở chỗ: Bạn có thể ngủ trong chùa nhưng ở trước cửa chứ không được vào bên trong chánh điện. Lý do ban đêm chánh điện được khóa cửa mà. Vì thế khi đi bụi ở Thái, muốn ngủ chùa thì mang lều theo nghen các bạn!
Thật ra lúc đầu khi tôi hỏi thì sư bảo đi đâu đó; tôi đoán chắc là hỏi ý người nào chịu trách nhiệm chùa, trưởng ban chẳng hạn nhưng tôi chả hiểu và cũng không biết hỏi thế nào để đến được nơi ấy nên tôi nói không hiểu. Cuối cùng sư bó tay nên bảo tôi giăng lều ra mà ngủ ở đó luôn.
Một sư khác đến hỏi chuyện như hỏi....... cung bằng tiếng Thái làm tôi thấy mệt mỏi ghê. Tại sao? Không hiểu nhưng phải căng óc lên mà nghe và cố gắng hiểu để mà trả lời nên mệt chứ còn sao nữa???
Tuy nhiên có một điểm ở các sư Thái mà tôi thích là họ không bao giờ đến chỗ bạn để “tám” sau đó. Họ bỏ mặc bạn nơi ấy muốn làm gì cũng được. Tôi cảm thấy được tự do và sướng. Ở Lào hay Cam, các chú tiểu hay đến ngồi nhìn xem bạn làm gì lắm.
Các sư sau khi lấy chiếu ra cho tôi trải, lấy gối và cả một bình nước 20 lít cùng một cái ly uống nước ra ngoài. Chỉ nhà tắm cho tôi xong thì khóa cửa chánh điện và rút hết về tòa nhà của họ. Thỉnh thoảng tôi thấy họ có đứng bên ấy nhìn sang nhưng không bao giờ đến ,đặc biệt là khi trời tối. Quả là quy tắc của họ nghiêm thật đấy!
Tôi được tự do tung tăng tung tẻ và ngủ một giấc. Bên ngoài trời là một vườn cây xào sạt, trăng trên đầu tròn vằng vặc; chỉ có một con chó là canh me ai mà nhúc nhích gì là sủa ỏm tỏi.
Tôi ngủ thẳng giấc đến khi nghe tiếng trống thùng thùng báo hiệu các sư đến giờ đi khuất thực thì tôi mới dậy thu xếp và phát hiện: bánh xe bị xì lỗ mọt thật bởi vì bây giờ nó xẹp lép luôn rồi (mới bơm lúc chiều qua mà.)
Tôi không có đồ nạy vỏ xe; mấy lần trước mỗi khi vá xe toàn là vào nhà dân hay ở gần dân nên họ cho mượn. Bây giờ tôi ngại đi qua tòa nhà của sư mà hỏi mượn lắm bởi họ có vẻ vô cùng..... tránh né tôi.
Tôi ngã xe xuống và tìm cách nạy vỏ với chỉ một cái cờ lê nhỏ. Dĩ nhiên là không nạy vỏ ra được rồi. Mồ hôi mẹ mồ hôi con chảy ròng ròng. Nản. Tôi bỏ đi tắm, hy vọng tìm thêm cái gì đó để mở vỏ.
Tắm xong đầu óc sáng sủa một tí. Do tôi thường xuyên vá xe nên chỉ cần thêm một cái cờ lê là tôi có thể nạy được vỏ ra. Tôi đi lòng vòng tìm. Thấy mấy các muỗng nhựa ai vứt trên sàn. Tôi thử sử dụng, gẫy hết (đồ nhựa thì làm sao trụ nổi cái vỏ cứng ngắt ấy chứ!) Tôi lại loanh hoanh nghĩ ngợi. cuối cùng gỡ cái miếng dùng để móc vòi bơm trên cái ống bom nhỏ xíu ra. Tôi dùng cờ lê nạy một chỗ và kê miếng này vào, rồi lấy cờ lê nạy chỗ khác. Lần này làm suông sẻ. Tôi mở được vỏ xe với chỉ một cái cờ lê và một miếng nhựa nhỏ. Tôi không ngờ mình vá xe "lên tay" đến thế. Hơn cả dân chuyên nghiệp rồi còn gì. Mà cũng có thể có ai phù hộ tôi chăng? Lúc ấy mở vỏ nhẹ nhàng đến nỗi tôi còn phải ngạc nhiên mà.
Thì ra vết xì là từ miếng vá cũ. Lỗ ấy khá to, do lúc ở Campuchia, vỏ xe mòn cả mà tôi không để ý nên đá nhọn chém vào ruột một vết hơi dài, tôi lại vá qua quýt nên giờ vết ấy lại xì. Chỉ có hai cách là thay ruột khác (tôi không biết cách mở bánh xe để thay ruột) hoặc vá lại thật kỹ (phải có dụng cụ mài cho vỏ mòn đi hoặc phải hơ lửa). Tôi không có phương tiện gì nên đành lấy thêm một miếng keo ra đắp lên vết xì dù biết đây chỉ là tạm thời.
Tôi hì hục vá và cho ruột vào vỏ. Lúc tôi đang hì hục thì các sư đang dùng cơm trong chánh điện. Khi tôi làm xong chuẩn bị bơm xe thì các sư ăn xong và đi ra hỏi chuyện. Thấy ống bơm của tôi nhỏ xíu, sư bảo sư có ống bơm to. Tôi chờ một hồi lâu mới thấy sư mang ống bơm đến nên nghĩ chắc sư phải qua nhà dân mượn. Sư bơm bánh xe giùm tôi luôn.
Các sư bảo tôi dùng cơm mãi. Thái có phong tục khác Lào và Campuchia nên tôi còn lúng túng chưa biết làm thế nào. Các sư thì cứ chỉ vào chánh điện bảo phải vào đó ăn cơm mãi. Nhìn vào thấy không có ai mà cũng không thấy thức ăn thì làm sao mà ăn chứ.
Tôi cứ ậm ừ và ra dấu là tôi muốn vá xe trước. Khi mọi thứ xong xuôi, tôi ra nhà tắm để rửa tay và đến chào các sư (lúc ấy các sư đang trộn vôi vữa chuẩn bị xây gì đó.) Một sư chỉ vào trong chánh điện và ra dấu tôi ăn cơm. Tôi gật đầu luôn.
Sư lấy một cái dĩa, một cái muỗng, lấy một cái bình bát và bảo tôi lấy cơm trong ấy ra ăn. Sư đến rạp măng rê, mở ra, lấy ra hai dĩa thức ăn và một bọc đầy thức ăn bên trong (cầm lên thấy nặng tay và có nhiều bao nhỏ nên chắc có nhiều món lắm đây) và ra dấu bảo tôi ăn.
Khi tôi ngồi ăn, không sư nào cố ý đi qua lại để nhìn ngó. Tuyệt nhiên tôi không hề thấy bóng dáng họ.
Tôi ăn thật no với hai dĩa thức ăn. Một dĩa là thịt vịt, tôi ăn hết luôn, một dĩa là cà tím xào, tôi ăn ½. Bịch thức ăn tôi để nguyên.
Ăn xong tôi cất thức ăn vào tủ và ra ngoài rửa dĩa. Sư thấy tôi ăn xong thì đi vào mở rạp măng rê mà tôi đã đóng cửa ra xem rồi lấy một cái áo của thầy tu ra để lên phản chỗ tôi ngồi ăn trước đó.
Sư ngoắc tay bảo tôi đến và bê hết những món trong tủ ra để lên áo; sau khi tôi để hết thức ăn lên áo thì tự tay sư bê để trở vào. Sư giải thích gì đó mà tôi hiểu là đó cũng là thức ăn trưa của họ nên sau khi tôi đụng tay vào nếu không làm thế thì họ sẽ không được phép ăn.
Theo tôi nghĩ thì sư làm thế với ý là giống như tôi cúng dường thức ăn trở lại cho các sư nên các sư có thể ăn.
Thì trc đây những vùng đất đó là thuộc Cambodia đấy em, hình như đế chế Khmer rất rộng, gồm Nam VN, Nam Lào và một phần Thai. A đã giành 2 ngày liên tục đọc blog của e đấy, rất hay nhưng bớt khen mình xinh chuttt đi. Ah, lý do VN viện trợ quân sự vụ PR cho Cambodia là do Thai hồi đó lăm le ủng hộ Tàu ở Biển Đông, sau này Thai biết điều hơn, VN cũng xuôi dần và ủng hộ Thai khá nhiều về mặt chính trị.
Trả lờiXóa