Như một thủ tục khi nhận lớp mới, giáo sư người Đan Mạch,
thầy Flemming Svith, gửi “sơ yếu lý lịch” của mình cho cả lớp xem trước. Lẫn
trong các thành tích nghiên cứu khoa học, tôi thấy ngạc nhiên khi lý
lịch có ghi hai năm kinh nghiệm “du lịch bụi” (backpacking) ở Nam Mỹ.
Lần đầu tiên
tôi thấy một học giả ghi nhận quãng thời gian “lông bông” của mình vào CV.
Sau này có dịp nói chuyện nhiều hơn, thầy bảo rất tự hào về hành trình đó.
Ông nói đó là hai năm giúp ông tìm ra lẽ sống đời mình.
Thầy Flemming
có hai đứa con trai. Người con đầu của ông chết đuối khi đi tình nguyện ở Kenya, bi kịch
đến bây giờ tôi vẫn thấy nỗi buồn trong mắt ông. Nhưng ông không cản đứa con
thứ hai ra đi khi cậu muốn sang Italy
du học. Một người tìm được mình từ những chuyến đi sẽ hiểu được giá trị của nó
lớn như thế nào.
Không ít
người phương Tây giống như thầy Flemming. Họ đã khao khát khám phá thế
giới từ gần một nghìn năm trước, với Marco Polo và “Con đường tơ lụa”
nối châu Âu với châu Á. Khi người Việt, người Trung đang bế quan tỏa
cảng thì Columbus
tìm ra châu Mỹ, rồi Magellan đi vòng quanh địa cầu.
Thế hệ con
cháu của họ bây giờ vẫn tiếp tục xách ba lô và du hành khắp năm
châu. Với họ, du hành không phải là hiện tượng, mà trở thành một
chuyện bình thường. Hầu hết các bạn trẻ đều dành một năm trống (gap
year) sau cấp 3 để “đi bụi” trước khi vào đại học hoặc đi làm.
Ở Việt Nam
trong vòng chục năm trở lại đây, giới trẻ xê dịch nhiều hơn. Ngồi lên
xe máy đi “phượt” đến các miền xa của Tổ quốc, hay xách ba lô du lịch
bụi ở nước ngoài, bằng cách này hay cách khác, họ đã dần bước chân
ra để nhìn cuộc sống bằng chính đôi mắt của mình.
Trong một
nền văn hóa truyền thống đề cao trật tự và ổn định, việc đi lại
không chủ đích này nhận nhiều chỉ trích. Có người cho rằng đó là
việc vô bổ, phí thời gian. Người thì sợ những hiểm nguy trên đường:
từ tai nạn xe cộ cho đến gặp kẻ xấu. Người lại lo con cái mải chơi
mà xao nhãng học hành, sự nghiệp.
Cá nhân tôi
cho rằng trong cuộc sống, việc gì cũng có chi phí cơ hội: được cái
này thì phải mất cái khác. Nhưng tôi nghĩ, dù có tính đến tất cả
những rủi ro ở trên, thì việc đi ra, nhìn thấy, và nghe thấy thế
giới cũng đáng để làm. Vì cuộc sống không chỉ gói gọn trên màn
hình máy tính hay trong bốn bức tường lớp học.
Đi nhiều
không đảm bảo cho sự thành đạt, nhưng chắc chắn nó sẽ làm giàu thêm
vốn sống của mỗi người. Những người tôi gặp trên các chuyến đi, ở
Việt Nam hay nước ngoài, đều nhìn thế giới bằng tấm lòng cởi mở và
bao dung với sự khác biệt. Họ kết bạn không phân biệt màu da, chủng
tộc, tuổi tác, hay thậm chí là ngôn ngữ. Họ cũng trưởng thành và
dễ thích nghi với môi trường sống khác nhau. Trong một thế giới mở
như hiện nay, đó có lẽ là những tính cách quan trọng để tồn tại.
Những
chuyến đi cũng có hiệu quả trong việc khơi gợi tình yêu đồng bào và
xứ sở, thứ mà từ lâu xã hội vẫn cho là đang mất dần đi trong thời
buổi kinh tế thị trường. Bởi không có gì đi thẳng đến trái tim nhanh
bằng những gì hiện ra trước mắt.
Về miền Tây
mùa nước nổi, chúng ta không chỉ thấy đồng quê thanh bình mà cả cuộc sống lam
lũ của người nông dân. Lên Hà Giang để chụp ảnh với hoa tam giác mạch và
đại đèo Mã Pí Lèng, nhưng cũng để thấy những đứa trẻ không quần áo mặc
vẫy tay chào trong sương mù rét căm căm. Những chuyến đi, dù với mục đích
gì, đều tạo ra sợi dây gắn bó vô hình với mảnh đất mình đi qua.
Có thể
chúng ta sẽ phải trải qua những giây phút mệt mỏi trên đường dài, hay
khoảnh khắc đáng sợ như cô gái Việt bị kẹt trong bão tuyết trên dãy Himalaya. Nhưng đổi lại sẽ là những trải nghiệm
đáng nhớ và quan trọng hơn, là một con người trưởng thành.
Một nhà
triết học cổ đại từng nói “thế giới là một cuốn sách, những người
không du hành chỉ đọc duy nhất một trang”. Muốn hoàn thành cuốn sách
vĩ đại đó, chúng ta phải đi khi còn có thể.
Nguyễn Khắc Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét