Sau chuyến công tác hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long,
nhóm chúng tôi đang lang thang trong khu chợ nghèo thì gặp một chị đứng tuổi bế
bé gái có cái đầu to kềnh mà thân người và bàn tay nhỏ xíu. “Cô ơi
cho con xin đồng”, bà mẹ vừa nói, vừa hối đứa bé: “Đưa tay
ra xin cô chú đi”.
Tôi hỏi người phụ nữ: “Bé mấy tuổi rồi?”. Chị trả lời: “3
tuổi rồi. Nó sanh thiếu tháng, 7 tháng là tui sanh nó rồi. Cô cho con xin
đồng đi”, bà mẹ lại kéo bàn tay đang rụt rè của đứa bé hướng về phía
chúng tôi.
Tôi bối rối, thương bé quá chừng. Nhưng tôi băn khoăn không
biết người phụ nữ này có phải là mẹ của bé không? Đứa bé còi cọc như vậy
bị vác đi giữa trời nắng chang chang, bị hối xin tiền, chị ta thực sự không còn
lối thoát nào khác ngoài việc bế con đi ăn xin, hay đây chỉ là một “mẹ mìn” lấy
đứa trẻ làm bình phong để dụ lòng thương người khác như những câu chuyện
thường nghe trên báo? Thế rồi tôi tự nhủ, thôi thì cũng chẳng đáng bao nhiêu, mình
cứ cho người ta vài đồng bạc, nếu là thật thì khoản tiền cũng giúp chị chăm
con. Nếu không phải, thì người ta ăn cơm cũng phải cho đứa nhỏ tô cháo. Tôi tự
giải thoát những băn khoăn của chính mình bằng cách móc túi đưa chị ta mấy
đồng. Chợt nhớ tới câu mà người ta thường nói, lắm khi bỏ chút tiền ra làm điều
từ thiện không hẳn là vì người kia, mà chỉ để xoa dịu cho sự khó chịu trong
lương tâm của chính mình – để nói rằng mình đã làm một điều gì đó.
Quay lại, hai đồng nghiệp nước ngoài của tôi cũng đang bối
rối. Rõ ràng là họ cũng đang bị xúc động với hoàn cảnh của người phụ nữ. Tôi
nghĩ có thể hai người da trắng duy nhất trong buổi chợ hôm
nay cũng sẽ rút ví ra cho người phụ nữ và đứa bé tội nghiệp một đồng
tiền chẵn hay một món tiền đủ ăn tiêu cho vài ngày, để cũng được “giải thoát”
giống như tôi. Nhưng họ đã không làm như vậy. Một người sẵn túi cam mới mua
trên tay, hỏi em bé có ăn được cam không rồi cho cả túi. Một người ra hiệu với
chủ sạp hàng kế bên mua một túi xoài và mấy thứ trái cây khác đưa cho bà mẹ.
Tôi thấy tiếc, giá mình đừng cho tiền, mà chịu khó dành thêm chút thời gian để
hỏi chuyện, để mua một bịch sữa cho cháu uống. Chắc tôi đã bớt được chút ít mặc
cảm của người “chạy trốn khỏi sự áy náy”. Và như thế, tôi đã bớt nghi ngờ người
phụ nữ kia sử dụng đứa bé để dụ lấy tiền.
Một lần khác, khi chúng tôi trên đường trở lại Sài Gòn, lúc
dừng xe qua phà Cổ Chiên có ba bốn em nhỏ chừng mười mấy tuổi bu lại xe để bán
nước và vé số. Một đồng nghiệp nước ngoài nói với tôi: “Tôi muốn uống nước
nhưng không thể mua của trẻ con được vì như vậy là gián tiếp góp phần
kích thích lao động trẻ em”. Tôi rất ngạc nhiên hỏi: “Nhưng nếu bạn không mua
thì những đứa trẻ kia vẫn phải tiếp tục đi bán hàng. Nếu bạn mua là giúp chúng
thêm vài xu lẻ thôi”. Anh bạn tôi trả lời: “Nếu muốn giúp trẻ nhỏ, và nếu bạn
tin vào một tổ chức từ thiện nào đó, hãy đóng góp tiền để họ làm việc có hiệu
quả hơn giúp những đứa trẻ này có cơ hội đến trường và lớn lên có cơ hội việc
làm. Nếu bạn không tin ai cả, có thể tự mua đồ ăn tặng chúng”.
Tôi lại giật mình, vì chỉ trước đó mấy phút
thôi, tôi đã tin rằng mình có thể mua vài ba chai nước giúp tụi trẻ. Đã nhiều
lần trên phố, tôi mua kẹo cao su, tăm bông, móc chìa khóa, khăn ướt… mà chẳng
cần dùng lúc đó, chỉ vì trẻ con bán. Nhưng liệu tôi đã thực sự giúp được tụi
trẻ bao nhiêu phần, hay đã vô tình “góp phần” làm cho cha mẹ chúng, hay những người
nuôi chúng, thậm chí là những kẻ “bảo kê” thấy rằng tung trẻ con đi làm là thu
được lợi trước mắt. Và do đó, liệu rằng tôi đã góp phần làm chúng rời xa trường
học hơn?
Câu chuyện khiến tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về những cách
giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trên thế giới, có nhiều cách được khuyến
khích để giúp đỡ trẻ em nghèo khó, đơn giản nhất như dành thời gian để hỏi han
tụi trẻ một chút, dạy chúng và học từ chúng một trò chơi, học một câu phương
ngữ, một câu ngoại ngữ, kể về nơi bạn sống, hay chơi một đoạn nhạc, nghe một
bài hát. Ngay cả khi bạn không giỏi tất cả những trò trên, ít nhất bạn cũng có
thể chụp hình cùng chúng và đưa cho chúng xem các bức hình thú vị bạn đã từng
chụp trên hành trình của mình. Đó là cách để giúp mở ra cho trẻ ý nghĩ “có một
thế giới rộng lớn ngoài kia, và em cũng có thể đến được”.
Việc cho tiền hay cho đồ trực tiếp các em nhỏ không phải là
lựa chọn được khuyến khích. Theo một số tổ chức từ thiện muốn thuyết phục cha
mẹ đưa trẻ em đến trường, thì cứ mỗi đồng đôla của khách du lịch cho trẻ là một
lực cản cho mục tiêu này. Bởi vì cha mẹ thấy rằng cho trẻ em đi bán rong giúp
giải quyết được khó khăn trước mắt, trong khi việc đưa con đến trường chưa mang
lại một hiệu quả kinh tế rõ ràng nào. Thực chất, cho tiền trẻ em nghèo khó là
một việc có hại, nó làm cho vòng quay nghèo khó tiếp tục xoáy sâu hơn, khi bản
thân các em và gia đình ít nghĩ đến việc học hành và nghề nghiệp tương lai hơn.
Thậm chí, “làm việc” trên đường phố như vậy dễ đưa các em vào con đường buôn
bán bất hợp pháp, hoặc là nạn nhân của nạn buôn người.
Có những cách để góp một tay giúp trẻ nghèo khó bằng cách tìm
hiểu một tổ chức từ thiện thực sự trong sạch và hữu ích, vì mục tiêu bền vững
hơn là giáo dục, y tế và nghề nghiệp cho các em. Việc này thực sự đòi hỏi trí
tuệ và công sức. Chẳng thế mà quỹ từ thiện lớn nhất thế giới hiện nay được quản
lý bởi đầu óc tổ chức tuyệt vời và trái tim nhân hậu như vợ chồng nhà tỷ phú
Bill và Melinda Gates.
Bất cứ ai đến Việt Nam đều không khó nhận ra cảnh những người
phụ nữ ôm đứa bé ngủ gục hay có gương mặt thẫn thờ, bị bế vác đi khắp nơi xin tiền.
Trên các nẻo đường, bến tàu xe cũng không khó để tìm các em bé bán hàng rong.
Tôi nghĩ nếu có cơ hội, mỗi chúng ta cũng có thể cùng những
người cũng có tấm lòng xung quanh mình để cùng giúp các em một cách bền vững
hơn, để lòng tốt của mình được đặt đúng chỗ, đúng cách nhất, chứ không phải chỉ
là “chạy trốn” và giải thoát sự áy náy của mình.
Nguyễn Thị Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét