CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

Tôi đi Lào (11): Pakbeng - Đường về biên giới Lào - Thái

Kỳ trước: Tôi đi Lào (10): Luang Prabang (2)  

Lênh đênh trên sông Mêkông để về Thái Lan qua biên giới Bắc Lào

Sáng sớm tôi và mọi người ăn điểm tâm bằng bánh mì Baguette với phô mai, cà chua và dưa leo do Sima chuẩn bị xong thì bắt đầu xuống phà. Đường xuống bến phà khá dốc nên thật khổ cho ai phải xách nhiều hành lý (phương châm đi bụi không xách nhiều hành lý của tôi trong tình huống này quả là không sai phải không các bạn?) Trên tàu có bán mì gói (10.000 kip/ly), bánh snack và cà phê. Tàu khởi hành lúc 8h30 đến 5h30 thì đến Pakbeng. Đến nơi, đường lên còn khó hơn đường xuống ở Luang Prabang nữa.

Tôi cùng gia đình người Úc quyết định ở tại Nhà nghỉ Phoy Dathha (giá 80.000 kip/ phòng 2 giường đơn). Ở đây không có nước nóng và hẻo lánh hơn nhiều so với khu vực bên phải của bến phà. Tối hôm đó, chúng tôi đi dạo qua các nhà hàng để tìm món ăn. Tôi ăn món Pad Thái (mì xào) rau củ giá K15.000.

Sáng hôm sau, tôi tranh thủ dậy sớm ra chợ ăn phở Lào. Ở đây, phở mặn chát và lại mắc 8.000 kip/tô. Ăn xong buổi điểm tâm đầy muối, tôi trở về Nhà nghỉ xách balô ra tàu để giữ chỗ giùm cho gia đình người Úc. Ở đây, không cần thiết phải mua vé trước, mọi người trả tiền khi lên tàu, giá vé là 100.000 kip. 8.30 tàu khởi hành. (sáng sớm ở Pakbeng có bán bánh mì kẹp 10.000 kip dành cho khách mua đem theo lên tàu, cũng không đến nỗi tệ so với tô phở 8.000 kip mặn chát của tôi)

Lại thêm một ngày lênh đênh trên sông Mê kông. Buổi sáng sớm và chiều tối khá lạnh, vì vậy nếu ai muốn đi theo lộ trình này, cần phải chuẩn bị áo ấm và mềm mỏng. Thực sự phong cảnh dọc sông Mê kông không có gì mới lạ đối với người Việt Nam. Chỉ có duy nhất một điều làm tôi ngạc nhiên là trên sông này nhiều nơi nhìn tưởng chỉ là cát nhưng thực sự lại là nước sông. Sông phẳng lặng đến nổi bạn sẽ có cảm giác như đang trôi trên cát, chứ không phải nước. Và đặc biệt là nước sông lại có 3 màu khác nhau bạn nhé: màu đỏ đục, màu đỏ đục nhạt màu hơn và màu trắng (hay gọi theo khoa học là không màu đó). Tôi không hiểu vì sao sông lại có 3 màu như vậy. Một điểm khác biệt nữa là khi đi tàu vào lúc chiều, bạn sẽ thấy cảnh những ngưòi dân Lào quấn xà rông tắm sông (họ có thể quấn cả xà rông vào người và nhảy xuống sông để bơi lội). Nếu nam thì tôi chẳng có gì để thắc mắc nhưng cả phụ nữ cũng làm thế, tôi ngạc nhiên quá và nhìn mãi để xem làm thế nào để họ vẫn giữ được xà rông che toàn thân khi xuống nước. Thật sự thì tôi chờ xem có ai bị tuột xà rông không nhưng lại chẳng thấy. Nếu là tôi thì chắc bị tuột xà rông ngay khi vừa ùm xuống nước rồi.

Tàu đến Huay Xai vào khoảng 6h chiều, quá trễ, không qua biên giới được nên mọi người phải nghỉ lại đây một đêm. Chúng tôi lên xe tuk-tuk đến nhà nghỉ gần chỗ trạm kiểm soát để qua biên giới Thái Lan. Nhà nghỉ của chúng tôi mang tên Huay Xai, giá 200 Thái Baht/đêm cho phòng có 2 giường đơn. Tuy nhiên nhà nghỉ này không được sạch sẽ bằng Nhà nghỉ Friendship, ở ngay phía đối diện bên kia đường, cũng giá 200 Thái Baht/đêm.

Sau đó chúng tôi cùng đi ăn tối. Tôi ăn món cơm chiên, giá K10.000, khá ngon và rau rất tươi. Tại đây, chúng tôi quen và nói chuyện với một người Mỹ. Ông này tên Bill, có một nông trại ở Maine, Mỹ. Lúc này ở đó đang mùa đông nên ông không trồng trọt được, phải đi du lịch đến khi nào tuyết tan thì mới về làm việc. Khi biết tôi là người Việt Nam, ông tỏ ra rất thú vị và muốn tôi giới thiệu người Việt Nam qua làm việc cho nông trại của ông. Ông bảo khu vực của ông ở hầu như không có người Việt ở. Vì vậy nhân công Việt sẽ hút khách đến mua hàng ở cửa hàng của ông (ông này vừa có trang trại vừa có cửa hàng bàn sản phẩm sản xuất ra từ trang trại luôn). Ông ta thật sự rất quan tâm đến nhân công Việt Nam. Ông cần 1 nam 1 nữ trong độ tuổi 20, yêu thích làm việc trong nông trại, có thể bán hàng, trung thực, chịu khó, lương 1.300 đô la Mỹ/tháng, bao ăn ở. Trong suốt những ngày sau đó, khi gặp nhau ở Thái Lan, ông ta cứ nhắc đi nhắc lại ý định của mình về việc thuê nhân công Việt Nam. Lúc đó, tôi đang “ghiền” đi du lịch, nếu không tôi cũng tham gia vào việc tìm người giúp ông ta rồi (Tony và Sima còn “xúi” tôi đi Mỹ làm việc cho ông nữa đấy chứ bởi vì họ thấy ông ta có vẻ nhiệt tình với tôi quá!)

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm, đi xuống bến tàu để trình hộ chiếu. Ở đây thủ tục miễn phí, không giống như ở Savannakhet (Laò) đi Mudahan (Thái Lan) phải đóng 10.000 kip phía Lào và 200 Baht phiá Thái.

Từ chỗ trình hộ chiếu, chúng tôi phải mua vé đò qua sông 10.000 kip/người tương đương là 40 Thái Baht. Cửa khẩu của Thái Lan tại đây có tên là Chiang Kong. Sau khi được đóng dấu vào hộ chiếu (tôi được 28 ngày ở tại Thái Lan, gia đình người Úc mỗi người chỉ được ở 14 ngày thôi), chúng tôi thuê tuk tuk (30 Thái Baht/người) để đi đến bến xe bởi vì chúng tôi muốn đi Chiang Rai ngay trong ngày mà.





Tôi đi Lào (10): Luang Prabang (2)

Kỳ trước: Tôi đi Lào (9): Luang Prabang

Chúng tôi dự định ở Luang Prabang thêm vài ngày nữa. Đây là một nơi ở Lào mà tôi ở lại lâu nhất, khoảng 1 tuần lễ.

Sáng hôm sau chúng tôi ra chợ Dara thuê xe đạp, 20,000 kip/xe, phải thế chân passport của một người trong đoàn. Những người Úc không ai mang theo passport, thế là tôi phải "ma rốc" cái của mình ra.

Chúng tôi đạp xe dọc bờ sông Nam Kha, khung cảnh rất đẹp và người Lào cũng rất biết khai thác vẻ đẹp này. Nhiều quán cà phê lãng mạn được dựng lên. Chúng tôi tìm đến bến sông để mua vé tàu đi Pakbeng. Sau một hồi tìm kiếm thì chúng tôi cũng đến được bến tàu nằm ngay sau lưng Viện Bảo tàng Quốc gia (National Museum). Cuối cùng chúng tôi cũng mua được vé đi Pakbeng, 120,000 kip/vé, khởi hành lúc 8.30 sáng ngày 13/1/2010.

Sau khi mua vé, chúng tôi đạp xe đến Chinese market xem thử. Ở đây chủ yếu bán đồ điện tử và quần áo giầy dép, không hấp dẫn lắm. Sau đó tôi rủ mọi người đến Phousi market, cách đó khoảng 80m để xem. Trên đường đi thì chúng tôi lạc mất Sima và Aeran (về sau tôi mới biết, xe đạp của Aeran bị hư, Sima phải dừng lại giúp, lúc đó tôi và Tony đang xuống dốc nên không nhận ra , thế là lạc luôn; ở Luang Prabang đường dốc cũng khá nhiều). Chợ Phousi khá dơ, trông giống như một cái chợ truyền thống ở Việt Nam, chợ hơi tối, đường thì lầy lụa và ruồi thì rất nhiều.

Khi về, Tony mệt quá nên ghé vào một nhà hàng bên sông Mê kong uống bia (ở LP có 2 con sông: Mê kong và Nam Kha). Tôi đi thẳng về nhà tắm rửa, trả xe và ghé chợ thưởng thức vegetarian buffet ở một gian hàng khác, giá 10,000 kip, dĩa to hơn, no quá!

Sáng hôm sau là một ngày tự do, ai muốn làm gì cũng được. Chúng tôi lấy trái cây ra ăn điểm tâm chung với nhau; tôi gọt chuối, xoài và đu đủ để lên dĩa, mọi người lấy nĩa gắp ăn, ai cũng có vẻ uể oải; vì vậy, ăn xong, tôi một mình đi dạo luôn. Thế nhưng vừa ra đến cổng, tôi gặp lại cặp vợ chồng người Pháp mà tôi gặp ở Pakse. Họ đang cùng một bác sĩ người Pháp trên đường đến trường học làm hề cho bọn trẻ Lào. Vị bác sĩ này có một chút khiếu. Thế là tôi nhập bọn với họ luôn.

Xong việc, họ rủ tôi đến khu nhà trọ của họ chơi. Ở đây phòng trọ mắc hơn, giá  80,000 kip nhưng có thể nấu ăn và giặt đồ. Khu này người Pháp ở rất đông. Có thể họ giới thiệu nhau đến ở. Ở đây có Perol và cô vợ Lào, hôm đó cô ấy làm món tom yam Lào khá cay.

Chiều hôm đó, tôi đi bơi cùng với họ ở hồ bơi do một phụ nữ Pháp quản lý, giá vé là 20,000 kip cho người nước ngoài và 10,000 kip cho người Lào, nhưng tôi chỉ trả có 10,000 kip thôi. Biết tôi là người nước ngoài nhưng vì tôi là dân Châu Á nên trả tiền ít hơn.

Tối hôm đó, tôi lại ghé chợ ăn vegetarian food, chắc tôi ghiền món này luôn quá! Vừa rẻ vừa ngon, dại gì không ăn!

(Ah, quên, ở bên kia sông Nam Kha có làng làm lồng đèn giấy, giá rẻ hơn so với mua ở chợ, chỉ cần băng qua cầu, đi bộ khoảng 15 phút là tới làng. Ở đó, lồng đèn nhỏ giá 5,000 kip; lồng đèn lớn giá 10,000 kip. Cái này là tôi nghe cặp vợ chồng người Pháp nói à nghen)

Kỳ sau: Tôi đi Lào (11): Pakbeng - Đường về biên giới Lào - Thái

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

Tôi đi Lào (9): Luang Prabang

 Kỳ trước: Tôi đi Lào (8): Gia đình người Úc mà tôi gặp ở Lào

Sáng hôm nay trời có vẻ âm u nên Sima đòi đi Luang Prabang, trong khi đó thì Tony cứ nằng nặc đòi ở lại Vang Viêng để đi tubing (bởi vì có nhiều cô gái trẻ mặc bikini mà). Thế là họ lại cãi nhau và đem tôi ra làm trọng tài, hỏi ý tôi muốn đi tiếp hay ở lại thêm một ngày. Nghĩ trời âm u nếu tubing sẽ lạnh, không có gì thú vị nên tôi đòi đi Luang Prabang. Thế là mọi người ra mua vé đi, giá 45,000 kip/vé. Tony vẫn có vẻ ấm ức lắm.

Đường đi LP khá quanh co, khúc khuỷu, xe chạy khoảng 7 tiếng là đến nơi. Chúng tôi đến LP lúc 5h30 chiều. Từ bến xe đến khu trung tâm khoảng 3 cây số, chúng tôi thuê một chiếc tuk tuk cho 5 người đi (có cả ông bạn đồng hành người Đức -ông này có vẻ khá lạ- hành lý lỉnh kỉnh- không hiểu sao ổng không cho vào một cái ba lô lớn rồi vác đi cho tiện), mỗi người trả 5,000 kip.

Chúng tôi ở Goun Ghing Guesthouse (cạnh bên khách sạn sang trọng Mallay Villa), giá cho phòng twin hoặc double là 60,000 kip, trông cũng khá sạch sẽ.

Nhận phòng xong, mọi người cùng nhau ra chợ đêm ăn vegetarian buffet, khá rẻ chỉ có 7,000 - 8,000 kip/dĩa. Aeran chê nên không thèm ăn, chỉ có tôi, Sima và Tony ngồi ăn ngon lành.

Khu chợ đêm này là tâm điểm cho khách du lịch, chủ yếu ở đây bán lụa, quần áo, đồ lưu niệm. Tại đây cũng tập trung rất nhiều điểm đổi tiền, công ty du lịch, nhà hàng, tiệm truy cập net.

Sáng 9/1/2010, chúng tôi ra Dara Market ăn sáng. Khu chợ này cũng chỉ bán quần áo và vải vóc.

Sau đó, mọi người thuê xe tuk tuk đi Khuangsi Waterfall, mỗi người trả 40,000 kip tiền xe đi đến chiều. Trên đường đi, xe dừng cho chúng tôi vào tham quan làng du lịch nơi mà người dân vừa sản xuất vừa bán hàng luôn ngay trước cửa. Đặc biệt ở đây chủ yếu là tụi con nít bán hàng (chắc đưa con nít ra câu khách đây nhỉ?). Ở đây chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ, nhưng bán giá cũng khá mắc. Sima đem theo xà phòng lấy từ các khách sạn trước đấy tặng cho người dân nơi đây. Bà cũng phát bánh bích quy cho tụi trẻ. Khi xe chạy rồi, tụi nhỏ vẫn chạy theo xin bánh (hình như kiểu phát bánh này không hay cho lắm).

Thác nước Khuangsi khá đẹp và yên tĩnh, không khí trong lành và mát mẻ. Ở đây có cả một khu bảo tồn động vật hoang dã. Đúng là một nơi dã ngoại lý tưởng. Khi đến đây mọi người nhớ mang theo áo tắm bởi vì thác nước cực kỳ quyết rũ, đặc biệt là trò đu dây rồi phóng xuống nước. Du khách rất ghiền trò này.

Ở Luang Prabang, đi nơi nào cũng phải mua vé vào cửa, giá vé ở đây thường cố định 20,000 kip cho một lần vào cửa (không rẻ tí nào).Kể cả lên đồi ngắm mặt trời lặn phải mất 20,000 kip (quá đáng thật!).

Dọc theo bờ sông có rất nhiều nhà hàng bán đồ ăn sáng , trưa, chiều. Đặc biệt ngồi đây ngắm mặt trời lặn thì cực đẹp.

Hôm sau, chúng tôi đi Pak Ou Cave, giá thuê tàu là 60,000 kip/4 người. Trên đường đi, chúng tôi ghé lại một làng thủ công mỹ nghệ bên sông. Nói chung sản phẩm ở đây tương tự như ở ngôi làng mà chúng tôi ghé trên đường đi Khuangsi Waterfall.

Ở Pak Ou Cave, vé vào cổng lại là 20,000 kip. Hang động này gồm 2 phần Lower Cave và Upper Cave. Ở Lower Cave có rất nhiều tượng Phật từ cổ chí kim, bằng đủ mọi chất liệu, kích thước. Trên đường lên Upper Cave, vài trẻ em Lào vừa bán hàng lưu niệm vừa múa hát giúp vui cho du khách, trông cũng khá điêu luyện. Upper Cave khá tối, khi đi phải chuẩn bị đèn pin, nếu không thì phải thuê đèn pin ngay trước cửa động. Bên trong hầu như không có gì đặc biệt, chỉ có bóng tối.

Từ Pak Ou Cave, chúng tôi vào một nhà hàng cạnh bờ sông ăn tối. Ở Vientaine, tôi ăn lạp gà nên bây giờ tôi thử món lạp vịt (20,000 kip), cũng tương tự nhỉ, sao tôi không thấy có gì khá biệt.

Trên đường về khách sạn, chúng tôi gặp một đám cưới Lào. Tương tự như ở Việt Nam, khách ngồi ăn ở những cái bàn đặt ở ngoài sân, thùng tiền cưới thì đặt ở ngay lối vào. Cô dâu chú rể mặ đồ truyền thống Lào. Khách đi dự tiệc thì từng đôi ra phía sân khấu múa truyền thống, trông họ múa khá tự nhiên và cũng khá vui.

Kỳ sau: Tôi đi Lào (10): Luang Prabang (2)

Tôi đi Lào (8): Gia đình người Úc mà tôi gặp ở Lào

 Kỳ trước: Tôi đi Lào (7): Vang Vieng

Trên chuyến xe đi từ Vientiane đến Vang Vieng tôi đã gặp gia đình này. Họ gồm có 3 người. Người vợ khoảng 58 tuổi, tên là Sima, người Israel nhưng định cư ở Úc. Hiện Sima đang dạy tiếng Do Thái cho một trường tiểu học ở Úc. Người chồng tên là Tony, khoảng 65 tuổi, người Úc, là nhà đầu tư tài chính. Trước năm 2008, ông là triệu phú. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế ông rớt luôn ngôi "triệu phú." Cậu con trai của họ tên Aeran, 17 tuổi, học sinh trung học, rất đẹp trai, một nét đẹp lai của Do Thái. Họ rất cưng chiều cậu bé này bởi vì họ có con muộn và chỉ có một người con duy nhất.

Họ gắn kết nhau bởi cậu con trai chung chứ thật sự thì nhà ai nấy ở tiền ai nấy xài mạnh ai nấy sống và hai người chưa bao giờ kết hôn mà cũng không có ý định kết hôn. Sima là một phụ nữ khá cầu toàn. Mỗi khi chúng tôi ăn xong bữa, dù đang ở nhà hàng, bà vẫn thu xếp chén đĩa thành một chồng gọn ghẽ cho người phục vụ khỏi mất công thu dọn. Tony lại là một người khá bay bướm, mỗi năm ông đi Thái Lan vài lần, mục đích là "tìm gái" và ông cũng không hề che dấu ý định này. Ông cũng là một tay chuyên buôn cổ vật và mỗi khi sang các nước Châu Á bao giờ ông cũng để mắt tìm cổ vật để về Úc bán lại với giá cao gấp mấy chục lần. Cậu con trai cũng học hỏi điều này từ bố. Đó là một cậu bé rất quan tâm đến "nhan sắc" của mình và luôn biết cách làm cho ba hoặc mẹ đáp ứng nhu cầu của mình. Cậu luôn ngọt ngào dịu dàng cho dù đang bị ba mẹ "mắng" vì vậy cậu luôn có tất cả những gì mình muốn. Cậu lại là một cậu bé hay đòi hỏi và thích tiêu xài.

Gia đình này mỗi năm chỉ đi du lịch chung với nhau một lần. Những lần khác chỉ có Tony và Aeran đi chung với nhau. Mỗi năm khi nghỉ giáng sinh, Sima dẫn Aeran về quê ngoại là Israel để cho cậu bé không bị mất gốc Do Thái. Sau đó, họ hẹn gặp Tony ở Thái Lan và cùng đi chung trong 1 tháng.

Đi chung với họ trong 10 ngày nhưng tôi đã học hỏi rất nhiều từ gia đình này đặc biệt là ông bố. Ông ấy quả một tay mua bán "sừng sỏ". Cách ông ấy trả giá khi mua hàng thật đáng nể và ông hầu như luôn mua được món mình cần với giá tiền mình muốn. Các bạn muốn biết tuyệt chiêu của ông ấy không?

1. Thứ nhất luôn thân thiện với người bán, không bao giờ cáu gắt. Luôn nở nụ cười. Thậm chí còn bá vai, quàng cổ với họ. Luôn nói chuyện với họ một cách dí dỏm. Tóm lại những cuộc mua bán giống như những cuộc nói chuyện của những người bạn. Đặc biệt nữa là trả giá bằng tiếng địa phương nếu có thể (ông này nói tiếng Thái rất giỏi; tiếng Lào na ná tiếng Thái nên người Lào hiểu luôn)

2. Thứ hai, chiêu này ông ấy bảo học hỏi từ lối đánh du kích của Việt Nam (?). Ông bảo luôn dắt đối thủ đi vòng vòng cho đến khi họ mệt mỏi thì quay trở lại "chụp mũ" họ, thế nào cũng dính.

Tôi không thích chiêu này lắm bởi vì tôi vẫn chọn phương án win-win, mua ở một cái giá mà cả người bán lẫn người mua đều hài lòng và đều có lợi nhuận. Tôi không thích kiểu ép người bán đến mức họ phải bán ở mức giá không có lợi nhuận hoặc lỗ vốn để khi người mua đi rồi thì giật mình nghĩ chắc mình bị bỏ bùa nên mới bán mức giá đó.

Khi tôi bày tỏ sự thán phục của mình trước trình độ trả giá của ông ta thì ông ta bảo tôi rằng bất cứ một người Việt Nam nào cũng có sẳn máu Tàu trong người (?) nên khả năng trả giá còn trùm hơn ổng nhiều nhưng chỉ có điều khả năng này bị ẩn đi, nếu gặp hoàn cảnh và điều kiện thích hợp sẽ bộc phát ra ngay và lúc đó ổng mới phải cần học hỏi (?) Bó tay! Kiểu gì ổng cũng nói được.

Những người phụ nữ lớn tuổi thường cần sự quan tâm của người khác nên họ nói khá nhiều. Sima không là một ngoại lệ. Bà nói luôn miệng mặc dù không ai muốn nghe vì quá mệt mỏi trước việc luôn muốn sắp xếp trước mọi thứ của bà. Lúc đầu vì lịch sự nên tôi cũng cố nghe, sau oải quá nên bó tay luôn. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân Tony không bao giờ muốn kết hôn với bà. Tony nói mỗi khi Aeran đến ở nhà của Tony, thì sáng nào bà cũng đến để sắp xếp mọi chuyện khiến cho mọi thứ trở nên rối tung và trở thành địa ngục.

Sima lại có lý lẽ riêng của mình. Bà cho rằng mình là người cầu toàn nên không muốn xảy ra sai sót. Bà muốn mọi người phải theo đúng sự sắp xếp của bà. Và quả đúng như vậy. Vài lần bà đã thành công trong việc này nên rất hãnh diện. Tony cho rằng ông đã nhiều lần đi du lịch không có sự sắp xếp của bà nhưng mọi thứ vẫn bình thường. Tại sao bà cứ hối thúc mọi người làm cho ai cũng trong trạng thái khẩn trương không còn thì giời thưởng thức kỳ nghỉ.

Cặp đôi này cãi nhau hầu như mỗi ngày. Không biết Aeran nghe riết thấy thế nào chứ tôi chỉ nghe trong 10 ngày thôi mà thấy oải vô cùng nên khi chia tay với họ ở Chiang Mai, Thái Lan, tôi nghĩ thầm: "từ nay cái đầu mình được thảnh thơi rồi nhé, không phải nghe cãi nhau rồi."

Sima vừa cho tôi biết tháng 1/2011, lần đầu tiên họ sẽ không cùng nhau đi du lịch chung. Aeran đã lớn nên muốn tự đi du lịch ở Nhật một mình nhân tiện thực tập tiếng Nhật luôn. Ở Úc, cậu bé học tiếng Nhật khá giỏi. Tony thì có một cô bồ nhí người Khmer nên sẽ đi cùng cô này. Sima dự định đi Lào một mình nên đã hỏi tôi có muốn đi chung với bà vào tháng giêng không. Bà nói nếu tôi không thích Lào thì bà sẳn sàng đi chung đến nước mà tôi thích nếu không thì bà sẳn sàng qua Việt Nam bởi vì bà không thích đi du lịch một mình. Nghĩ thấy cũng thương Sima nhưng tôi cũng ngán cái vụ nói nhiều của bà quá.

Kỳ sau: Tôi đi Lào (9): Luang Prabang

Tôi đi Lào (7): Vang Vieng

Kỳ trước: Tôi đi Lào (6):Vientiane

Sáng hôm sau tôi mua vé xe giá 45,000 kip để đi Vang Vieng, giá vé bao gồm cả xe đến đón tại khách sạn. Dân Lào rất đậm đà phong cách nông dân nên họ hẹn tôi 9h sáng có xe đến đón. Thực ra 10h, xe mới đến. Chắc họ sợ tôi sử dụng "giờ dây thun" nên nói trước 1 tiếng chăng? 10h lên xe ngở rằng mình sẽ được đi thẳng đến bến xe luôn nhưng không phải như vậy, xe còn chạy thêm 1 vòng đón khách ở những khách sạn khác. Cuối cùng khi người và hành lý đã đầy nhóc trong xe thì họ mới chịu chở chúng tôi ra xe đi Vang Viêng. Nhờ thời gian rỗi nên chúng tôi bắt chuyện và làm quen nhau. Ngồi cạnh bên tôi là hai vợ chồng người Úc (Sima và Tony) và cậu con trai 17 tuổi tên Aeran.

Khi ra được xe đi Vang Viêng thì chúng tôi phải chờ tiếp - chờ những người khách khác trên những chiếc xe trung chuyển khác và họ cũng bảo rằng không biết chờ đến khi nào bởi vì đủ khách thì xe mới được chạy. 

Lúc đó thì có một chiếc minibus chạy đến dụ dỗ chúng tôi qua xe đó, nhỏ hơn, được đi ngay mà không phải trả thêm tiền vé. Gia đình người Úc, tôi và vài người nữa thế là "bị dụ" qua. Té ra chiếc xe này do nhỏ hơn nên đã chạy chậm hơn chiếc xe buýt ban đầu của chúng tôi mặc dù khởi hành trước.

May là buổi sáng tôi có đi nhanh ra cửa hàng mua một hộp bánh AFC của Việt Nam và  một chai sữa mang theo để ăn trưa. Buổi trưa xe có dừng ở một cửa hàng nhỏ cho hành khách vào ăn trưa. Nhưng lúc đó cả 3 chiếc xe khách đỗ cùng một cùng, khách phải xếp hàng để chờ mua bánh mì ăn trưa. Ngán ngẩm tôi lấy sữa ra uống luôn, no bụng, đỡ tốn tiền hehe.

Đường đi Vang Vieng khá quanh co. Cũng may tôi ngồi cạnh gia đình người Úc nên nói chuyện với họ cũng đỡ buồn. Khoảng 3h chiều xe đến nơi. Bến đỗ là khách sạn Malany trên đường Khaosan (các bạn thấy lạ chưa? Bến đỗ của xe lại nằm trong khuôn viên khách sạn? Mà lại có đường Khaosan, giống như ở Bangkok mới ghê). Nhiều người khách không thích ở đây bởi vì giống như "bị ép" nên họ gọi xe ôm chở qua chỗ khác. Gia đình người Úc vào hỏi giá phòng và ra hỏi ý tôi có muốn share với họ không. Họ định lấy 2 phòng đôi. Tôi và Sima ở chung một phòng. Tony và Eran ở phòng kia. Giá phòng là 70,000 kip. Chúng tôi chia đôi, mỗi người trả 35,000 kip. Thấy cũng không tệ nên tôi đồng ý luôn. Ngoài ra, khách sạn này có view khá đẹp. Đứng ở ban công nhìn thấy cả núi lẫn sông, rất thơ mộng.

Sau khi mang đồ đạc lên phòng, chúng tôi đi đến một công ty du lịch lấy tour one-day trip, giá 90,000 kip cho mỗi người gồm 3 họat động là cave visiting, kayaking và tubing. Lên chương trình cho ngày mai xong, chúng tôi đi dạo phố. Ngộ ghê, ở đây có rất nhiều du khách mặc bikini đi lại trên phố giống như ở bãi biển vậy đó. Hỏi ra tôi mới biết là tubing nghĩa là mặc đồ tắm nằm trên bè trôi trên sông, dọc đường có những quán bar bán rượu bia ngay trên sông; vì thế sau khi tubing, ai cũng nạp kha khá rượu bia vào người nên "quậy" luôn. Đa số du khách trẻ đến đây rất mê hoạt động này. Họ có thể "quậy líp ba ga" mà, mặc luôn cả bikini đi lại trên phố cũng không sao. Tôi trông chờ cho đến  sáng mai để tubing.

Trở về khách sạn, tôi ngủ một giấc thật ngon cho đến sáng, khi mở mắt ra nghe không khí mát lạnh và tiếng lách tách ngoài cửa sổ. Ôi trời mưa hầu như cả đêm. Vậy là ông trời không muốn tôi "quậy líp ba ga" rồi. Mưa tầm tã và khi ấy ở ban công khách sạn nhìn ra xa, phong cảnh đẹp vô cùng.

Đến hơn 8h sáng trời vẫn mưa tầm tã. Thấy trời không có dấu hiệu tạnh mưa nên Sima mặc áo mưa đi ra công ty du lịch hủy chiến đi và lấy lại tiền cho chúng tôi. Chúng tôi mặc áo mưa đi ăn sáng. Sau đó gia đình này đi massage Lào, còn tôi đi bộ ra chợ xem và đi dạo ở một con đường bên hông chợ. Con đường này dẫn đến núi nên phong cảnh rất đẹp nhưng vắng vẻ quá nên tôi cũng không dám đi xa. Từ chợ quay về tôi thấy có một thông báo bằng tiếng Anh dán trước cổng một ngôi cùa cũng khá lớn. Thông báo kêu gọi khách du lịch đến dạy tiếng Anh cho các nhà sư ở đây từ 6-8h tối, chùa này chỉ cách khách sạn của chúng tôi khoảng 300m. Tôi vội vã quay về khách sạn định rủ gia đình Úc này tham gia nhưng họ vẫn chưa về. Tôi đi bộ dọc xuống bờ sông và thấy nhiều người mặc đồ tắm ướt sũng đang từ dưới bến sông đi lên. Thì ra dù trời mưa nhưng du khách vẫn không muốn bỏ qua tubing vì Vang Vieng rất nổi tiếng cho hoạt động này mà. Thấy cũng tiếc vì đã không tham gia nhưng khi nhìn kỹ lại người của họ toàn bùn đất do con đường cạnh bến sông khi trời mưa đất nhão ra trơn trợt nên họ "chụp ếch" liên tục.

Trời lại mưa nên tôi chạy vội vào một nhà hàng gần đấy, thấy trong thực đơn có món sweet rice. Tôi gọi ăn thử, cũng ngon, nhưng hơi ngọt mà tôi lại không hảo ngọt lắm.

Kỳ sau: Tôi đi Lào (8): Gia đình người Úc mà tôi gặp ở Lào

Tôi đi Lào (6):Vientiane

Kỳ trước: Tôi đi Lào (5): Tìm đường về Vientiane

Cách bến xe Vientiane khoảng 1 km đi về phía bờ sông có khá nhiều nhà nghỉ giá rẻ. Các bạn có thể gọi xe tuk tuk bảo họ đến Mixay Guesthouse. Nhớ trả giả bởi vì dân ở đây nói thách lắm. Tôi đã trả hớ 20,000 kip cho 1 km. Lần sau sẽ rút kinh nghiệm trả giá thấp hơn.

Nhà nghỉ Mixay hết phòng trống nên tôi đã đến nhà nghỉ Sabaidy (cách Mixay 3 phút đi bộ), dorm bed giá 20,000 kip/đêm, quá rẻ nhưng cả nguyên tầng lầu chỉ có 1 phòng tắm và toilet thôi và cũng không sạch lắm. Ở đây tôi kết bạn với cô sinh viên người Úc. Chúng tôi cùng share tuk tuk đi Luang Stupa (nơi khai mạc Sea Games 2009). Ở đây chúng tôi làm quen với một anh người Lào. Vì vậy chúng tôi cùng nhau đi ăn tối ở dãy quán dọc sông Mê kong. Ở đây chúng tôi ăn Lạp gà và Lẩu Lào cũng khá ngon. Ba người ăn mà chỉ có 90,000 kip (tương đương VND 230,000).

Qua anh chàng người Lào này, rôi được biết một điều khá thú vị là các bạn trẻ Lào rất thích đi du học......ở Việt Nam (hehe các bạn VN chê nền giáo dục nước nhà và đi du học Mỹ, Úc, Âu nhé). Anh ta bảo đấy là mơ ước của anh ấy và anh ấy sẽ cố gắng để được đi du học... Việt Nam. Chính phủ Lào rất tôn trọng bằng cấp Việt Nam. Một người có bằng do VN cấp sẽ có cơ hội việc làm nhiều hơn bằng ở những nơi khác cấp kể cả của Lào. Hihi, lạ quá nhỉ!

Ở dọc theo bờ sông có khu chợ đêm bán đồ khá đẹp và (nếu biết trả giá) khá rẻ. Tôi mua một cái ví đựng tiền thêu tay rất đẹp giá 25,000 kip (lúc đầu họ thách đến 40,000 kip cơ).

Sáng hôm sau, kiểm tra lại tình hình tài chính cho 10 ngày đi bụi vừa qua, tôi thấy mình đã tiêu mất khoảng 5 triệu VND bao gồm tất tần tật mọi thứ. Như thế cũng chưa rẻ lắm bởi vì tiêu chí tôi đưa ra là $1,000/3 tháng. Tôi phải thừa nhận rằng chi phí ở Lào mắc hơn ở Thái Lan và Cambodia. Cũng có thể tôi đi Lào lần đầu nên chưa có kinh nghiệm chăng?

Kiểm tra tài chính xong, tôi ra ngoài internet để check mails và kiểm tra "khủng bố" đã đến Đông Dương chưa để còn lên kế hoạch tung tảy. Ở đây khi hỏi đường đi đến bến xe buýt thì tôi được cô nhân viên quản lý phòng net, hết giờ làm việc, sẳn tiện đường về nên chở tôi ra bến xe luôn thể. Thế là đỡ tốn tiền đi xe tuk tuk hehe.

Ở đây mấy tay lái xe tuk tuk và cô nhân viên phòng net khẳng định với tôi rằng ở bến xe này không có xe đi Xiêng Khoảng (Buddha Park -Cánh đồng tượng Phật cổ- nằm ở đây, ngoại ô Vientiane). Tôi đi thử vào trong bến xe hỏi thì hóa ra có xe buýt đi đến đó, giá rất rẻ, chỉ có 5,000 kip, so với thuê 1 chiếc tuk tuk khoảng 100,000 kip. Xe buýt chạy 45 phút thì dừng ở Tha Dieu để thả khách, sau đó thì chạy tiếp đến Buddha Park. Ở đây vé vào cổng là 5,000 kip. Khung cảnh ở đây cũng khá đẹp và nếu không bị quấy rối bởi những du khách khác thì các bạn có thể thì thầm trò chuyện cùng với các pho tượng Phật lâu đời đứng sừng sững giữa cánh đồng mấy trăm năm nay. Có ai tin không nhỉ?

Từ cổng Bubbha Park, tôi băng qua đường đón xe buýt về Vientaine. Tối đó, tôi đi ra bờ sông để ăn salad Lào. Dặn đi dặn lại người bán là không cay vậy mà cuối cùng sau khi ăn thử vài miếng, nước mắt nước mũi dầm dề, tôi bỏ luôn nguyên dỉa gỏi. Không hiểu sao dân Lào ăn cay gớm? Nhưng bù lại, coconut shake ở đây khá ngon mà chỉ có 7,000 kip.

Ăn sau, tôi đi dạo một vòng và thu về chiến lợi phẩm là một cái túi xách khá đẹp mà sau một hồi trả giá thì còn 25,000 kip.

Mệt đừ, tôi về nhà ngủ thì phát hiện ra nguyên cái dorm chỉ còn 2 du khách. Tôi ở giường 21 và một anh chàng ở giường 19. Mệt quá, tôi không thèm bắt chuyện, leo lên giường ngủ luôn. Không hiểu có chuyện gì mà suốt đêm anh chàng ở giường 21 trở mình liên tục, ồn ào quá làm tôi không ngủ được. Tức mình, tôi ngồi dậy nói.: "Sao anh làm ồn quá vậy? Nếu cái giường đó bị hư, vậy sao không chuyển xuống mấy cái giường trống đằng kia kìa. Ồn như vậy ai mà ngủ được". Hình như anh chàng này sợ tôi hay sao ấy nên anh ta nằm im luôn đến sáng.

Ah quên , phở Lào ăn cũng khá ngon (ngon hơn phở Thái), giá 10,000 kip/tô. Rau sống và nước chấm hơi khác với phở Việt. Đặc biệt ở đây người ta ăn phở, chấm rau sống với mắm, khá ngon.

Kỳ sau: Tôi đi Lào (7): Vang Vieng

Tôi đi Lào (5): Tìm đường về Vientiane

 Kỳ trước: Tôi đi Lào (4): Đông Bắc Thái Lan

Nghe lời những người Việt ở đây mách, sáng sớm ngày 2/1/2010, tôi ra công viên cạnh bờ sông xem người dân Thái khiêu vũ theo tiếng nhạc.

Sáng nay, tôi thấy nhiều người đến viếng chùa và chụp hình hơn hôm qua.

Ở đây ngay tại ngã tư chính sừng sững một tượng đài kỷ niệm do Việt kiều xây dựng để tưởng nhớ quê hương. (Tối hôm trước biết tôi là người Việt, một số Việt kiều lớn tuổi, sau khi đi đám ma xong, kêu tôi vào hỏi chuyện về Việt Nam và lạ một điều là họ nghĩ tôi là gián điệp của Việt Nam cử sang. Tôi có giải thích kiểu nào thì họ cũng không tin một người Việt Nam lại dám đi du lịch một mình - chỉ có gián điệp thôi - botay.com)

Khi vào chợ ăn sáng, tôi được bà chủ hàng - một người Thái gốc Việt- tìm giúp xe tuk tuk để đi thăm nhà Bác Hồ ở làng hữu nghị Việt - Thái. Đây là nơi Bác Hồ ở và làm việc trước năm 1930, do một người tên Võ Tòng Đại cưu mang và hỗ trợ. Tại đây, Bác Hồ đã gặp và dẫn dắt Lý Tự Trọng theo con đường cách mạng (Oh, thì ra Lý Tự Trọng là người Thái sao?). Bây giờ nơi ở này do cháu nội của ông Võ Tòng Đại chăm sóc. Rất nhiều người Lào và Thái gốc Việt đến đây tham quan và giúp đỡ tài chính hàng năm. Ở đây có bán cả sản phẩm, đĩa nhạc và quần áo Việt Nam. Hiện giờ số lượng người Việt sống tại làng này còn rất ít, họ bỏ ra ngoài để đi làm ăn hết, những người ở lại là người già hoặc làm bên du lịch.

Trưa hôm đó, từ khu làng Việt - Thái trở về, tôi quyết định đi Nong Khai ngay và từ Nong Khai tôi có thể đi Vientiane. Quảy ba lô lên vai, tôi đi ngay và hầu như không kịp chào hỏi ai (chắc điều này càng giúp họ khẳng định rằng tôi là gián điệp)

Nhưng khi ra bến xe thì tôi mới biết không có xe đi Nong Khai vào buổi trưa. Không sao. Tôi đón xe đi Udon Thani, một trong những thành phố nhộn nhịp của Thái Lan. Xe chạy khoảng 5 tiếng thì đến Udon. Đến đây tôi có cảm giác như mình đang ở Singapore bởi không khí sôi động, khu chợ đêm sáng rực đèn và khu trung tâm thương mại sầm uất. Tất cả nằm ngay sát bến xe khách. Tôi quyết định tìm khách sạn ở gần đây để sáng hôm sau đi cho tiện.

Quả là một quyết định đúng đắn. Số lượng người đi rất đông nên tôi phải ra sớm để mua vé. Xe khởi hành mỗi tiếng một chuyến từ 11h sáng đến 7h tối. Xe đông đến nỗi nhiều người phải đứng, dọc đường một số người xuống bớt nên mới có chỗ ngồi.

Xe đến Nong Khai khoảng 3h30 chiều, tôi đón xe tuk tuk (20b) đến Sawabi Guesthouse do một người Thái gốc Hoa làm chủ. Nơi này đẹp, sạch sẽ, tương tự như nhà nghỉ ở Melecca, Malaysia mà tôi từng ở. Giá phòng ở đây rẻ nhất là 140b.

Giặt giũ, tắm rửa xong, tôi đi dạo phố. Thành phố này khá dễ chịu, sạch sẽ, trong lành, êm đềm và nhộn nhịp. Cái êm đềm của một thành phố cổ và cái nhộn nhịp của một thành phố hiện đại đều có thể được tìm thấy ở nơi đây. Thật là một nơi lý tưởng để ở. Ở đây có Hội Người Việt và nhiều người Thái ở đây có thể nói tiếng Việt.

Buổi sáng hôm sau, tôi ra chợ Morning ăn phở Thái (tiếng Thái gọi là "khuây tịu"). Phở này giống hủ tiếu Việt Nam hơn, giá 25b/tô.

Buổi trưa, tôi trả phòng, sau đó đón xe buýt 12h40, giá vé 55b để đi Vietntiane. Ở cửa khẩu này, thủ tục hải quan miễn phí. Tôi lại trở qua Lào sau 6 ngày 5 đêm "lưu lạc" trên đất Thái Lan.

Tóm lại, tôi rất thích vùng Đông Bắc Thái. Ở đây mọi thứ đều khác hẳn Bangkok. Tiếng nói nghe dễ chịu hơn, thức ăn ngon hơn, người dân thân thiện và dễ thương hơn nhiều. Bây giờ thì tôi bắt đầu có cảm tình đặc biệt với Thái Lan rồi nhé.

Kỳ sau: Tôi đi Lào (6):Vientiane

Tôi đi Lào (4): Đông Bắc Thái Lan

Kỳ trước: Tôi đi Lào (3): Quá cảnh qua Thái Lan

Sáng ngày đầu tiên của năm 2010, tôi đón xe đi That Phanom. Từ Mudkahan đến That Phnom khoảng 1 tiếng đồng hồ, giá vé xe buýt là 35b.

Tôi định ở That Phatnom một đêm nhưng xui cho tôi, hôm đó là ngày đầu tiên của năm mới nên mọi người đi chùa, đi lễ hội rất đông. Giá khách sạn ở đây rất mắc 400b/ đêm nhưng rất đẹp vì các khách sạn nằm dọc theo bờ sông Mê kông mát rượi và nên thơ. Ở khách sạn Chivon nằm thụt ra sau các khách sạn này có phòng giá 100b/đêm nhưng nhìn không sạch sẽ lắm. Tôi được một người Thái khuyên là không nên ở đây vào thời điểm này bởi vì mọi thứ đều mắc theo mùa lễ hội.

Vẫn còn sớm nên tôi dự định dạo một vòng lễ hội trước khi lên xe buýt đi đến một thành phố khác. Không muốn đeo ba lô trên vai chen chúc vào những nơi này, tôi tìm đến chỗ ban trật tự lễ hội và gửi đồ. Thấy tôi là người nước ngoài, dù không nói được nhiều tiếng Anh, họ cũng vui lòng giữ giùm miễn phí và còn tặng cho một tấm bản đồ. Tôi đi một vòng quanh khu lễ hội. Đúng là một quốc gia Phật giáo. Người dân đi chùa rất đông. Tôi mua một ít quần áo Thái Lan vì nghe nói thành phố này rất gần khu làng dệt lụa của Thái Lan. Nghĩ chắc mua ở đây giá cả rẻ hơn. Nhưng thật ra tôi đã nhầm. Kinh nghiệm rút ra là chớ nên mua đồ ở các nơi lễ hội.

Đã trưa nên tôi đến lấy ba lô để đón xe đi Nakhon Phatnom. Thấy một ông cảnh sát đang đứng ở cổng ra vào, tôi chạy đến hỏi thăm đường ra bến xe. Ông này không biết nói tiếng Anh, chỉ hỏi tôi người nước nào. Tôi nói Việt Nam. Ông ta chạy vào lấy xe máy ra và ra dấu bảo tôi leo lên. Nghĩ thầm trong bụng chắc ông ta chở mình đến bến xe đây. Vậy là khỏi tốn tiền tuk tuk. Cảnh sát Thái Lan dễ thương quá. Nhưng tôi đã nhầm. Ông ta chở tôi đến một cửa hàng do người Việt làm chủ. Đối diện cửa hàng này là trạm đón xe. Ổng giao tôi lại cho ông chủ người Việt để hướng dẫn. Ông chủ này chắc khoảng 40 tuổi, bận túi bụi với công việc mua bán (cửa hàng này có vẻ làm ăn được đây) nhưng vẫn không quên bảo tôi ngồi chờ ở trạm khi nào có xe đi Nakhon Phano thì ra dấu cho tôi lên xe. Ở Thái Lan, xe chỉ ghi toàn tiếng Thái nên người nước ngoài không biết đường nào mà lần. Thế là ông chủ vừa bán hàng vừa trông đón xe cho tôi.

Cuối cùng xe đi Nakhon Phatnom cũng đến, một chiếc xe buýt 2 tầng, giá vé là 45b cho một tiếng đồng hồ trên xe.

Khi đến Nakhon Phatnom, tôi hỏi thăm đường đến các khu nhà trọ rẻ tiền thì được chỉ vào khu người Việt. Lúc đó, ở khu này đang có đám ma, ngoài cửa ghi tiếng Việt. Nhìn thấy tiếng Việt tôi mừng quá vào hỏi thăm luôn. Phòng ở đây chủ yếu cho thuê theo tháng cho công nhân Việt Nam qua ở làm việc. So với mức sống của người Thái, tôi thấy lao động Việt Nam đáng thương quá. Khu ở của họ thực sự là khu ổ chuột của Thái Lan. Nhưng những người Việt được sinh ra ở Thái Lan thì có mức sống khá hơn rất nhiều. Họ học hành tử tế và làm những nghề có thu nhập cao, nhưng đổi lại họ không nói rành tiếng Việt, thậm chí con cháu đến đời thứ 3 là không nói được tiếng Việt luôn. Tôi ở đây một đêm, giá 60b.

Ở đây cũng có khu chợ Indochina và chợ đêm nhưng không nhộn nhịp đông đúc như ở Mudkahan và That Phanom. Có lẽ chùa chiền ở đây không nổi tiếng lắm.

Thái Lan biết cách khai thác bờ sông Mê kong hiệu quả hơn Lào. Thường họ xây công viên dọc theo bờ sông để dân chúng và khách du lịch có thể ra ngắm cảnh và thư giãn.

Tối hôm đó, tôi ra công viên bờ sông đi dạo. Bên kia sông là phía Lào. Ánh đèn sáng loáng và tiếng nhạc xập xình vọng sang. Tôi nghĩ: "Ah, thì ra dân Lào biết cách "ăn chơi" hơn người Thái nhiều." Đêm đầu tiên của năm mới ở dây không khí khá yên tĩnh nhưng bù lại khí trời mát mẻ dễ chịu vô cùng làm cho việc ngắm sông ban đêm vô cùng thú vị. Vài bạn trẻ Thái Lan đem máy ra chụp mặt sông ban đêm.

Kỳ sau: Tôi đi Lào (5): Tìm đường về Vientiane

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Tôi đi Lào (3): Quá cảnh qua Thái Lan

 Kỳ trước: Tôi đi Lào (2): Những thành phố ở Nam Lào

So với những nước trong khu vực thì giao thông của Lào khá kém, xe thì cũ kỹ, đường xá thì xuống cấp, vận chuyển chậm chạp, giống như tình hình giao thông của việt Nam vài năm về trước. Nghĩ đến đọan đường dài thăm thẳm đến Vientaine mà tôi thấy ngán ngẩm. Vì thế thay vì đi Thae Khaet, Lào, tôi đón xe đi Mukhahan, một thành phố của Thái Lan giáp biên giới với Savannakhet của Lào, giá vé chỉ có 13,000 kip. Tôi định dùng giao thông của Thái Lan mà đi dần lên Vientaine. Giao thông của Thái Lan thì trên cả tuyệt vời.

Xe khởi hành lúc 9h40 sáng. Khi đến cửa khẩu Lào thì làm thủ tục xuất mất 10,000 kip, sau đó mất thêm 200 THB làm thủ tục nhập ở cửa khẩu Thái Lan. Tôi không hiểu sao tại cửa khẩu này lại phải trả nhiều tiền như vậy, trong khi các cửa khẩu của  Thái Lan lại miễn phí (!). Phải chăng do cây cầu Thai-Lao Friendship, nhiều người đi xem quá nên phải đóng tiền hao mòn?

Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau là xe đến Thái Lan. Kế bên bến xe là một siêu thị rất lớn. Người Lào sang đây mua sắm rất nhiều. À, có thể đây là nguyên nhân cửa khẩu này thu tiền rất cao và cũng là nguyên nhân ở Lào không hề có nơi mua sắm nào đủ lớn và hiện đại để được gọi là siêu thị.

Tôi đi xe tuk tuk đến khu chợ Indochina. Đang đứng lóng ngóng vì không biết ở đâu cho rẻ thì một ông người Thái, khoảng 35 tuổi, mập mạp bụng phệ (đặc điểm chung của nhiều người Thái bây giờ) giới thiệu tôi khách sạn Huanum, 150 b/phòng. Tôi okay luôn.

Thành phố này cũng nhỏ nên đi đến các khu chợ đều gần. Ở chợ Indochina có bán hàng hóa Việt Nam. Ô phía kia có người đang bán ổi không hạt, giá tương đương 25,000 VND/kg, thấy rẻ hơn giá bán ở Việt Nam và lại trông khá ngon mắt, tôi mua luôn một kg.

Ăn xong một kg ổi, no bụng luôn làm tối hôm đó được ông người Thái (người giới thiệu khách sạn này) dẫn đi chợ đêm, có bán khá nhiều đồ ăn ngon, nhưng không thể ăn nổi nữa nên thấy tiếc ghê.

Hôm đó là ngày 30/12/2009, ở đây tổ chức hội chợ mừng năm mới. Trong hội chợ có nhiều trò chơi như phóng phi tiêu làm bể bong bóng, thảy vòng, vớt cá, bắn súng... Có rất nhiều gian hàng bán quần áo, giầy dép, có cả gian hàng trưng bày xe máy. Ngoài ra, phía dưới sân khấu ca nhạc là cả một cái sân rộng để người dân có thể nhảy theo ca sĩ. Dân Thái rất thích khiêu vũ và họ nhảy khá đẹp. Có cả quay lô tô, mỗi vé là 40b, giải nhất là một pick-up truck của hãng Honda. Ngoài ra còn có rất nhiều entertainment games cho trẻ em. Nói chung hội chợ ở đây tương tự như các hội chợ ở Việt Nam nhưng quy mô lớn hơn nhiều.

Ham chơi nên đến gần 12h đêm tôi mới về khách sạn. Con đường cạnh sông Mê Kong khá trong lành và yên tĩnh.

Sáng hôm sau, chợ Indochina chưa dọn hàng, nên tôi phải qua một con phố khác ăn sáng. Ở đây một món giá từ 30-35 b. Tôi thuê xe tuk tuk 50b đến siêu thị cạnh bến xe trung tâm. Siêu thị này giống như Metro ở Sài Gòn, bán cả sỉ và lẻ. Tôi mua thử một hộp thức ăn được ghi là Fried Chinese Sausage. Khi ăn mới biết đó là lạp xưởng, toàn là dầu mỡ không, ngán muốn chết

Ở đây tiền đô Mỹ đổi ở ngân hàng Bangkok Bank có tỷ giá khá thấp 33.01; trong khi ở bên ngoài đổi đến 35.

Tối nay, tôi lại ra chợ đêm chơi. Hôm nay ở đây có tổ chức thi hoa hậu trong trang phục truyền thống (có thể là hoa hậu cho khu vực này). Hôm nay là ngày 31/12/2009 nên ở đây bắn pháo bông ăn mừng.

Kỳ sau: Tôi đi Lào (4): Đông Bắc Thái Lan

Tôi đi Lào (2): Những thành phố ở Nam Lào

Kỳ trước: Tôi đi Lào (1): Tìm đường qua cửa khẩu

8h20 sáng ngày 25/12/2009, tôi ra xe đi Lào. Lái xe cũng là chủ xe và chủ khách sạn. Ông này trước đây là bộ đội. Hiện có doanh nghiệp tại Lào nên qua lại thường xuyên. Hôm đó chỉ có tôi là hành khách duy nhất. Chúng tôi đi trên chiếc Furtuna 7 chỗ của ông cùng với một nhân công qua đó làm việc. Ông biết tiếng Lào nên tôi cũng học lõm bõm được vài câu.

Cửa khẩu Bờ Y khá bụi. Rõ ràng đây không phải cửa khẩu du lịch. Có rất nhiều xe container chở gỗ qua lại Việt Nam và Lào. Không hiểu sao hải quan Việt Nam ở đây khá "chảnh", trong khi hải quan Lào lại rất dễ thương.

Tỷ giá đổi tiền ở biên giới là 4.32.

Qua phía Lào, đường tráng nhựa khá đẹp chạy quanh co theo dãy Trường Sơn Tây. Nghe chủ xe bảo con đường này do Việt Nam xây dựng cho Lào nhằm hướng dẫn cho dân Lào kỹ thuật xây đường lẫn vá đường và đến bây giờ thì dân Lào vá đường còn giỏi hơn của thầy (người Việt Nam).

1. Khoảng 2h trưa, chúng tôi đến Attapeu - một tỉnh cực Nam của Lào. Chủ xe giới thiệu cho tôi nhà trọ mà theo ông là sạch sẽ và giá cả phải chăng. Đó là nhà trọ Aloonsotsai, giá phòng rẻ nhất là 50,000 kip. Chủ nhà
trọ là một bác sĩ người Lào đã từng học ở Hà Nội và ở tại Việt Nam 8 năm nên có thể nói tiếng Việt khá sõi.

Thị trấn này khá buồn, không có nightlife. Ở đây, tôi gặp một vài người đang làm việc cho chi nhánh của công ty Hoàng Anh Gia Lai tại Lào. Năm 2008, Attapeu đã chịu một trận lũ đầu tiên trong lịch sử. Có lẽ là hậu quả của nạn phá rừng chăng?

Tối hôm đó, tôi đi uống cà phê cùng với một anh tên Trung, một nhân viên của Hoàng Anh Gia Lai, tại một quán cà phê do người Việt Nam làm chủ. Ở đây, tôi được giới thiệu uống sữa đâu nành Thái Lan khá ngon nhưng hơi ngọt, giá 5,000 kip/hộp.

2. Sáng hôm sau tôi ra bến xe mua vé để đi Pakse, giá vé 40,000 kip. Khoảng cách từ Attapeu đến Pakse là 225 km. Xe chạy khá chậm và dừng lại đón khách ở 2 bến Sekong và Paksan. Ở Nam Lào, có khá nhiều đất bỏ hoang, và cuộc sống còn đậm chất nông nghiệp.

Xe khởi hành lúc 7h45 sáng và đến nơi vào lúc 1h trưa, hơn 5 tiếng cho đoạn đường 225 km.

Tại Pakse, tôi ở tại Sabbaidii 2 (Sabbadii trong tiếng Lào nghĩa là Hello), giá 40,000 kip/phòng. Tôi ăn tối ở nhà hàng Xuân Mai. Ở đây người Việt Nam sang mở doanh nghiệp khá nhiều. Chủ nhà hàng là người Lào gốc Việt có thể nói được tiếng Lào, Việt Nam, Anh và Pháp.

Ở tại nhà nghỉ Sabbaidii 2, tôi quen với một cặp vợ chồng người Pháp. Người vợ là nông dân, chuyên chăm sóc trang trại cho người khác khi họ đi vắng. Người chồng làm thợ xây, chuyên phục hồi nhà cổ. Người vợ nói tiếng Anh bập bõm với tôi, còn người chồng hoàn toàn không biết tiếng Anh. Khi nghe họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, kiến thức tiếng Pháp của tôi dần dần được khôi phục. Họ thấy rất vui khi ở Lào và dự kiến ở luôn 3 tháng. Qua họ, tôi biết rằng bởi vì Đông dương trước đây thuộc Pháp nên khi người Pháp đến đây họ có cảm giác như về nhà.

Tôi ở Pakse 2 đêm thì đón xe đi Savannakhet, giá vé 35,000 kip, xe chạy lúc 10h30 sáng đến khoảng 3h chiều thì đến, khoảng cách là 200 km. Xe tuk tuk từ nhà nghỉ Sabbaidii 2 đến Northern Bus Terminal là 15,000 kip, khoảng 5-6 cây.

3. Tại Savannakhet, tôi ở trong nhà nghỉ Sayamungkhun, phòng có giá 40,000 kip khá rộng và nhà tắm thì khá sạch sẽ. Tòa nhà có kiến trúc Pháp dù hơi cũ kỹ. Những nhà nghỉ xung quanh có giá mắc hơn, một phòng giá khoảng 50,000 -80,000 kip. Ở đây có một công ty Việt Nam chuyên có xe đi tuyến Việt-Lào. Tôi đổi tiền ở đây được tỷ giá cao hơn 4.35. Nhiều ngân hàng ở Lào, ngoại trừ ngân hàng Việt-Lào, không đổi tiền Việt.

Ở đây có khá nhiều người Việt. Chủ yếu họ là những người có ba mẹ Việt Nam và được sinh ra ở Lào nên nói được cả tiếng Việt và tiếng Lào. Dọc theo trục đường chính có khá nhiều nhà hàng do người Việt làm chủ. Tôi ăn cơm vịt cho buổi cơm chiều, cũng khá ngon và sạch sẽ.

Hôm sau, tôi thuê xe đạp (10,000 kip/ngày) đi tham quan Savannakhet. Buổi chiều trên con đường dọc theo sông Mê Kong có nhiều quán lẩu, người ăn ngồi theo kiểu Nhật, trông rất đẹp và khá hay nhưng tôi chưa ăn thử bởi vì sợ một mình ăn không hết một cái lẩu (đi bụi một mình bất tiện như thế ấy.) Người dân ở đây xuống sông bắt cá lên bán cho các hàng quán. Ở đây cũng có món cá nướng ăn với cơm và rau sống. Có vài bạn trẻ Việt Nam qua đây làm nail, đến mời tôi nhưng tôi từ chối. Họ đứng nhìn tôi ăn cá chép nướng và nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt (dĩ nhiên họ không nghĩ tôi là người Việt rồi): "Trông 'nó' ăn ngon lành chưa kìa."
Ở đây một con cá chép nướng cho một người ăn giá 18,000 kip + 5,000 kip tiền cơm. Ăn cũng được nhưng so với giá cả ở Việt Nam thì mắc hơn. Chắc do tôi là khách du lịch.

Kỳ sau: Tôi đi Lào (3):Quá cảnh qua Thái Lan

Tôi đi Lào (1): Tìm đường qua cửa khẩu

Thường từ Sài Gòn muốn đi Lào, người ta ra Huế, rồi từ Huế đi xe đến cửa khẩu Lao Bảo ở Quảng Trị. Tuy nhiên, tôi muốn đi qua một cửa khẩu khác: Cửa khẩu Bờ Y ở cực Nam của Lào.

Đọc báo thấy từ Quy Nhơn có xe buýt đi Lào, thế là tôi mua vé xe lửa đi Quy Nhơn. Bởi vì đây là chuyến đi xe đầu tiên trong những tháng đi bụi sắp tới, tôi đã chịu chi 430,000 VND cho một giường mềm, dự định ngủ một giấc cho thật đã rồi bắt đầu chuyến đi "lang thang'.

1. Khi đến Quy Nhơn rồi tôi mới biết ở đây chỉ thỉnh thoảng mới có xe đi cửa khẩu Bờ Y. Nếu muốn đi ngay, tôi phải đón xe đi Kontum. Thế là tôi có một ngày đêm tham quan thành phố Quy Nhơn. Xung quanh bến xe Quy Nhơn có nhiều nhà nghỉ, yên tĩnh hơn và không khí trong lành hơn những khu khác. Tuy nhiên, tôi đã ở  Nhà Khách của Quy Nhơn nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Con đường có nhiều xe tải chạy nên rất bụi bặm và cách bến xe khoảng 5-7 km. Tuy nhiên, trong phòng có máy nước nóng, bình thủy nước nóng để pha trà và truyền hình cáp, giá chỉ có 100,000 đồng/đêm.

Thức ăn ở Quy Nhơn khá ngon và rẻ. Một tô mì Quảng chỉ có 7,000 - 8,000 đồng. Bánh xèo Quy Nhơn cũng đặc biệt hơn ở miền Nam. Ở đây, người bán lấy bánh xèo gói vào trong bánh tráng, người mua chỉ cần cầm lấy và chấm nước mắm giống như ăn gỏi cuốn vậy. Ốc luộc cũng khá ngon mà chỉ có 5,000 đồng/ tô.

2. Sáng sớm hôm sau, tôi ra bến đón xe đi Kontum, 75,000 đồng/vé. Lộ trình khoảng 4 tiếng. Tôi ở tại khách sạn Thịnh Quý 215 Phan Đình Phùng, giá 120,000 đồng/đêm, phòng hơi cũ nhưng rộng, có nước nóng nhưng ti vi không có cáp. Cũng may là khách sạn này cũng có xe đi Lào nên tôi đã đăng ký vé cho ngày hôm sau đi luôn. Vậy là tôi có một ngày đêm dạo phố Kontum.

Hôm đó là ngày 24/12/2009. Theo chân những người dân tộc đến khu hành hương của họ là Nhà thờ Gỗ ở thành phố Kontum thì tôi thấy những người dân tộc miền núi theo đạo Thiên Chúa khá đông. Họ ngồi chất đầy trên những chiếc xe buýt cũ kĩ hoặc lội bộ đến khu hành hương này. Hôm nay là ngày lễ đặc biệt của họ. Họ mang theo cả đồ ăn và chiếu ngủ. Họ ngồi khắp trong ngoài khuôn viên nhà thờ. Xung quanh hàng quán tấp nập. Quả là không khí của lễ hội.

Tôi đi vào khuôn viên phía sau nhà thờ. Ở đó có nhà trẻ Vinh Sơn 1, nơi nhận nuôi những đứa trẻ miền núi bị cha mẹ bỏ rơi hoặc quá nghèo không đủ tiền nuôi con nên gửi cho các sơ nuôi giùm. Nhân dịp lễ hội này, một số cha mẹ ghé vào thăm con. Ở đây có một du khách người Canada. Ông này đã về hưu nên mỗi năm đến Việt Nam 3 tháng để chăm sóc những đứa trẻ ở đây. Thật là một tâm hồn đẹp. Nhìn thấy thái độ dịu dàng của ông  khi bồng một đứa trẻ đang khóc ngất vì thiếu sữa và hơi ấm của mẹ mới thấy tình thương là không biên giới. Mấy đứa bé ở đây còn rất nhỏ, từ vài tháng đến 5-6 tuổi. Tôi đã ở đó nguyên buổi trưa bồng bế những đứa trẻ và trò chuyện với các sơ.

Sơ Văn kể rằng trong số những đứa trẻ ở đây có đứa bị chôn sống theo mẹ hoặc có đứa bị bỏ rơi trong rừng nhưng được người dân cứu ra và giao cho các sơ nuôi. Những đứa trẻ thật sự rất thiếu hơi ấm và rất hiếm khi được bồng bế. Đa số những đoàn cứu trợ đến đây không đủ thời gian để chơi và ẳm bồng các em. Khi tôi ẳm một bé trong tay, một bé khác giận hờn và tìm cách đẩy bé kia ra để ngồi vào lòng tôi. Thật tội nghiệp!

Kỳ sau: Tôi đi Lào (2): Những thành phố ở Nam Lào

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

Từ Thái Lan về Sài Gòn, đi như thế nào cho rẻ?

1. Từ Bangkok có thể đến biên giới Thái Lan - Cambodia (Poipet) bằng tàu hỏa. Mỗi ngày có hai chuyến tàu đi lộ trình này. Một chiếc khởi hành vào lúc sáng sớm khoảng 6h kém. Chiếc kia khởi hành vào khoảng 1 h trưa. Từ Khaosan dến ga Hualamphong nếu đi taxi khoảng 60THB. Nếu đi xe buýt thì rẻ hơn nhiều. Nhưng đi vào sáng sớm thì khó đón xe buýt hơn taxi.

Nếu muốn qua biên giới trong ngày thì nên chọn chuyến khởi hành vào sáng sớm. Tàu đến khoảng 12h trưa. Từ nhà ga các bạn có 2 lựa chọn để đến biên giới:

a. Thuê xe tuk tuk để đi đến biên giới. Nếu đi đông người thì có thể áp dụng cách này. Giá khoảng 50THB/ chuyến

b. Nếu không thì đi ra khỏi bãi đậu xe tuk tuk, các bạn sẽ thấy có xe buýt luân chuyển đi ra biên giới, giá 10-15THB. Nếu lên sớm thì có ghế ngồi, còn không thì phải đứng.

Lộ trình đi từ ga đến biên giới khoảng 10-15 phút. Nhớ là người Việt Nam không cần visa. Không nên nghe lời tụi cò visa ở đây, có thể tốn tiền vô lý.

Ở biên giới Poipet, nếu các bạn đến sớm có thể làm thủ tục qua Cambodia. Nếu không có thể thuê nhà nghỉ ở lại bên phía Thái Lan một đêm. Ngạy tại đây có  một khu chợ, buổi chiều các bạn có thể đi tham quan. Nhà nghỉ ở khu này không rẻ, trung bình khoảng 300THB. Tuy nhiên nếu các bạn hỏi đường đến đồn cảnh sát, ở đối diện đồn là khu nhà nghỉ rẻ hơn, giá 150THB/đêm. Vì khu này viết bằng tiếng Thái nên khó nhận ra, các bạn có thể vào đồn cảnh sát hỏi thăm.

Nếu đến biên giới vào buổi trưa, các bạn có thể làm thủ tục qua biên giới luôn. Ở đây, bạn có những lựa chọn sau:

a. Lên shuttle bus để đến bến xe Mới. Ở đây có xe đi Siem Rep trong ngày.

b. Lên xe honda ôm để đến bến xe cũ. Ở đây có xe của hãng Paramount đi Phnom Pênh vào lúc 2h trưa, giá vé 300 THB. Lộ trình 7 tiếng. Ở Phnom Pênh, xe dừng ở Đại lộ Mao Ste Tong (Mao Trạch Đông). Xung quanh có nhà nghỉ, giá 6-7 đô cho phòng đôi. Bến đỗ này rất gần chợ Nga, nơi các bạn có thể mua hàng hóa giá rẻ.

c. Ở lại một đêm trên biên giới Poipet bên phía Cambodia, phòng khách sạn $ 7 cho 2 người. Tối, các bạn có thể đi tham quan casino. Nhưng nếu các bạn xin phép hải quan để vào casino thì sẽ bị vòi tiền đấy. Tôi thấy nhiều người Cambodia cứ băng qua cổng là vào, không cần xin phép ai hết. Các bạn cũng có thể áp dụng cách này bởi vì người Việt và Khmer giống nhau mà.

(Tôi nghe nói từ Bangkok, các bạn có thể đăng ký vé xe buýt tốc hành để đi về biên giới Poipet từ các quán bar. Các bạn trả tiền rất rẻ khoảng 100THB hoặc miễn phí. Chủ yếu người ta muốn các bạn vào tiêu tiền trong các casino. Nếu đi xe buýt thì chỉ mất có 3 tiếng đồng hồ thôi. Xe buýt của nhà nước tốn 300THB. Các xe buýt của casino thì rất rẻ hoặc miễn phí. Tôi còn được một người Thái cho biết: các bạn có thể vào ăn ở miễn phí trong các casino mà không cần phải đánh bạc. Tôi không tin lắm vì chưa thử bao giờ.)

Buổi sáng các bạn có thể đón xe đi Battambang. Đây là thành phố lớn thứ ba của Cambodia. Ở đây các bạn có thể chơi một trò chơi có một không hai trên thế giới - đó là bamboo train, giá $5/người. Trò chơi này vui ở chỗ chỉ có một đường ray thôi. Khi có tàu đi ngược chiều thì một trong hai lái tàu thỏa thuận nhau ai sẽ là người bước xuống "bốc" tàu mình ra khỏi đường ray cho tàu kia chạy. Thật sự bamboo train là những cái giường bằng tre, trên trải chiếu, dưới lắp hai trục bánh xe. Vì vậy các tay lái tàu mới có thể "bốc dỡ" dễ dáng. Bambo train có thể chạy rất nhanh làm khiếp vía người ngồi trên đó vì sợ bị lật tàu.

Nếu đi Siem Rep thì các bạn có thể ở Garden Village Guesthouse, giá phòng ở đây từ thượng vàng đến hạ cám $ 1- 15. Tôi ở dorm bed giá $1/người/đêm. Từ đây đến khu chợ trung tâm chỉ mất 5 phút đi bộ. Ở đây có mát xa cá. Bạn cho 2 chân vào bồn nước, những chú cá nhỏ bé xinh xinh sẽ ăn hết da chết làm sạch đôi chân cho bạn. Ở tại Garden Viallage có xe đạp cho thuê, giá $1/ngày. Ngoài ra bạn có thể sử dụng internet, xem phim miễn phí và gặp gỡ khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Tôi được kể rằng Garden Village G.H do một người chạy xe ôm ở đây thành lập. Anh ta thường chở khách du lịch và thấy khách có nhu cầu ở một nơi thật rẻ và có cơ hội gặp gỡ nói chuyện với những người khác. Ý tưởng ra đời như thế ấy.

 Ở Phnom Pênh, nếu muốn ăn và nói tiếng Việt, bạn có thể ở gần khu chợ Việt, ở đây giá phòng đôi $5-7. Giá thuê xe đạp ở khu Boeung Kak Lake là $1/ngày, đóng tiền thế chân $20. Khi nào trả xe thì lấy lại $20. Bạn có thể giữ xe đạp qua đêm.

2. Từ Phnom Pênh, các bạn có thể mua vé xe buýt về Sài Gòn. Giá vé thông thường là $10. Nhưng hãng Sorya chỉ bán $ 9. Bạn có thể mua trực tếp vé của hãng Sorya tại chợ trung tâm Ph'sar Th'mey. Nếu mua qua đại lý ở khu Boeung Kak Lake, giá vé chỉ có $8 thôi. Nhân viên của hãng này nói tiếng Khmer và tiếng Anh. Họ khá trẻ và đẹp trai (hihi). Xe Sorya dừng ở gần khu Phạm Ngũ Lão Q1. Tuy nhiên bạn có thể xin xuống giữa đường. Họ có thể dừng ở các trạm xe buýt cho khách xuống xe.

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

Thế nào là đi du lịch bụi?

Theo tôi, đi du lịch bụi là bao gồm những cái không sau đây:

1. Không tốn nhiều tiền


2. Không có hướng dẫn viên

3. Không lộ trình cố định

4. Không mang nhiều hành lý

5. Không ở nhà người quen

Còn theo bạn, du lịch bụi là gì?

Từ Sài Gòn sang Ấn độ, đi như thế nào cho rẻ?

Thường người Việt Nam muốn đi Ấn độ hay mua vé máy bay Sài Gòn-Delhi. Những chuyến bay này thường quá cảnh ở sân bay quốc tế của Bangkok. Giá vé khứ hồi khoảng 800 đến 850 USD.

Để đi rẻ hơn và có thể ngắm cảnh, tôi đã đi theo cách như sau:

1. Từ Sài Gòn tôi mua vé xe buýt đi Phnom Pênh. Giá vé một chiều là VND 200,000. Có rất nhiều hãng xe đi lộ trình này. Việt Nam thì có Mai Linh, Sapaco. Hãng xe của Cambodia thì có Sorya.  Địa điểm mua vé của Sorya là văn phòng du lịch của công ty Lửa Việt nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, Q1. Tôi chọn xe của hãng Sapaco. Do nhà tôi ở Gò vấp nên tôi đến văn phòng của Sapaco ở ngã 3 Cộng Hòa - Tân kỳ Tân quý. Tôi chỉ cần gọi điện thoại nói ngày giờ mình muốn đi. Đến hôm đó tôi ra văn phòng trước 1/2h để trả tiền và lấy vé.

Lộ trình đi là khoảng 6 tiếng và thường các xe khởi hành vào buổi sáng. Xe Sapaco cứ mỗi tiếng là có một chiếc khởi hành.

Ở Phnom Penh, bến đỗ của Sapaco là trên đường Sihanouk, trong khi bến đỗ của Sorya là ngay tại chợ trung tâm Ph'sar Th'mey.

Xe ôm từ Sihanouk đến Boeung Kak Lake (khu cho khách du lịch ba lô) khoảng USD 1; nếu đi từ chợ Ph'sar Th'mey chỉ khoảng 0.5 đô. (Ở Cambodia, mọi người xài đô la thoải mái. Nhưng nếu đổi sang tiền ria của combodia thì sẽ có lợi hơn.)

Phòng ở khu Boeung Kak Lake khoảng 2-3 đô/người/đêm. Ở ngay tại chợ Ph'sar Th'mey, phòng đôi khoảng 5 - 6 đô. Ở đây không có phòng đơn

2. Từ Phnom Pênh có hai cách đi Bangkok.

Thứ nhất là ra chợ Ph'sar Thmey, mua vé đi Siem Rep khoảng 4-5 USD cho đoạn đường 6 tiếng. Sau khi đến Siem Rep có thể ở đó một đêm (nếu muốn tham quan Angkok Wat thì phải ở đó ít nhất 2 đêm). Nếu chỉ muốn ở một đêm thì phải mua vé xe ngay khi vừa đến. Vé xe Siem Rep -Bangkok khoảng 7-8 USD. Lộ trình là khoảng 8 tiếng.

Nếu chọn cách này, bạn sẽ đi qua cửa khẩu Poipet.

Thứ hai là mua vé đi thẳng Phnom Pênh - Bangkok qua cửa khẩu Klong Yai. Đổi xe ở cửa khẩu.

Đối với người Việt Nam, nhập cảnh vào Cambodia là miễn phí nhưng hải quan Cambodia hay tìm cách vòi tiền. Tốt nhất là các bạn đừng trả bất cứ khoản gì dù chỉ một xu. Luôn cảnh giác với những sĩ quan hải quan Cambodia biết nói tiếng Việt. Họ luôn tìm cách vòi tiền của các bạn. Nếu họ cứ khăng khăng bắt các bạn đưa tiền, các bạn đòi biên lai. Họ sẽ không có biên lai mà đưa, vì vậy các bạn sẽ không bị mất tiền oan.

Giá vé xe đi từ Phnom Penh đến Bangkok dao động trong khoảng 15 đến 20 USD. Tùy hãng xe và tùy thời điểm đi. Nhớ giữ vé cẩn thận bởi vì bạn sẽ trình vé nhiều lần trong suốt đoạn đường từ biên giới đến Bangkok. Lý do là phải đổi xe nhiều lần. Nhớ là không trả thêm bất cứ khoản tiền gì bởi vì giá vé là trọn gói cho mọi chuyến xe (không bao gồm đồ ăn đồ uống đâu nghen).

Lộ trình Phnom Penh - Bangkok khoảng 12 đến 15 tiếng.


Bạn có thể yêu cầu tài xế cho bạn xuống ở khu Khaosan Road (khu dành cho khách du lịch ba lô của Bangkok).

Nếu không thích ồn ào bạn có thể đến ngõ Tok Kae Tre ( khoảng 5 phút đi bộ từ Khaosan Road). Tôi hay nghỉ tại Apple II Guesthouse. Dormitory bed $3/người/đêm



3. Ở Khaosan Road có nhiều đại lý bán vé máy bay đi Calcutta, Ấn độ. Bạn nên đi hỏi nhiều nơi để so sánh giá cả. Vé một chiều rẻ nhất có thể là USD 100. Nếu đặt vé trước ba tháng, vé khứ hồi Bangkok-Calcutta có thể chỉ có USD 136.  Bạn cũng có thể tự mình mua vé trên mạng chẳng hạn như trên web
www. ebookers.com của Anh.

Ở Khao sản Road để đi ra sân bay quốc tế, bạn có thể đón xe buýt tốc hành 150THB. Xe khởi hành mỗi 40 phút một chiếc. Không nên mua vé của bất kỳ đại lý nào. Nên đến thẳng ticket booth để mua.

4. Khi đến Calcutta, bạn không nên đổi nhiều tiền ở sân bay này bởi vì ở đây tỷ giá rất thấp và phải đóng phí dịch vụ. Nên đổi khoảng 10-20 USD thôi. Có hai cách để bạn đi về khu Sudder Street, khu dành cho khách ba lô ở Calcutta.

Thứ nhất, đi pre-paid taxi. Trả tiền ở tại pre-paid taxi booth ngay cổng sân bay. Từ sân bay đến Sudder Street Rs240. Bạn có thể share với những du khách khác.

Thứ hai, ra khỏi cổng sân bay, leo lên Shuttle Bus miễn phí đến ga trong nước (domestic terminal). Ở đây có bus booth, bạn hỏi mua vé xe buýt đi đến khu Esplanade (xe chạy khoảng 1 tiếng đồng hồ). Xe máy lạnh, giá chỉ có Rs.40. Từ trạm xe buýt ở khu Esplanade, chỉ cần 5-10 phút đi bộ là bạn có thể đến được Sudder Street.

Ở Sudder Street, tôi hay ở tại Paragon Hotel, 2 Stuart Lane, dorm bed Rs120/ người/ đêm 


Chúc một chuyến đi thành công!




Lần đầu đi bụi (2) - Bài dịch


Đối với những bạn trẻ thì việc đi bụi mang ý nghĩa của một "năm trống" (GAP year). Nghĩa là giai đoạn sau khi tốt nghiệp trung học và trước khi vào đại học, các bạn trẻ có thể muốn nhìn thấy thế giới và muốn "tự khám phá bản thân." Thường thì ba mẹ của các bạn không đồng ý bởi vì họ cảm thấy lo lắng rằng các bạn có thể sẽ trở thành "những tay đường phố thật sự". Tuy nhiên, việc đi du lịch bụi sẽ thêm "màu sắc" cho hồ sơ xin việc của các bạn sau này.

Đây là điều rất quan trọng mà các bạn trẻ có thể dùng để thuyết phục ba mẹ mình. Hãy cho bố mẹ biết về kế hoạch cụ thể của mình, những trải nghiệm mình có thể có, những cơ hội cho công việc kinh doanh của mình sau này.

Cho dù các bạn có cảm thấy thất vọng về ba mẹ của mình như thế nào, cảm thấy ngột ngạt với sự quản lý của ba mẹ thì cũng đừng bao giờ cắt đứt liên lạc với họ. Trong hầu hết mọi tình huống, họ không hoàn toàn "ngốc" như các bạn nghĩ. Họ đã làm nhiều việc cho các bạn hơn là các bạn đang chuẩn bị làm cho bản thân mình. Vì vậy, đừng bao giờ vội vã.

Một ngày nào đó điều mà các bạn cần sẽ là sự giúp đỡ của họ

Khi bạn bị cướp, bị bệnh phải nhập việc hoặc bị rắc rối với pháp luật, họ sẽ là những người đầu tiên các bạn gọi điện thoại.

Vì vậy đừng căng thẳng với họ. Không ai có thể ngăn cản bạn làm điều bạn muốn. Cuộc đời bạn là của bạn và đi du lịch bụi là cách giáo dục ngoài trời tốt nhất. Nhưng đừng quên thường xuyên liên lạc với họ.

Bài dịch theo http://www.roadjunky.com

Lần đầu đi bụi (1) - Bài dịch


Ai cũng phải có bước khởi đầu. Dưới đây là hướng dẫn dành cho những người lần đầu đi du lịch bụi.

Những người mới đi du lịch lần đầu thường bận rộn với việc chuẩn bị  những đồ dùng cần thiết, chẳng hạn như sách hướng dẫn, bảo hiểm du lịch, vé khứ hồi, tiêm ngừa, và hàng đống thuốc men. Họ cũng lên kế hoạch sẽ viết những bức thư như thế nào cho bạn bè và người thân ở nhà để kể về chuyến đi của mình. Cặp mắt họ sẽ long lanh ước mơ khám phá và đầy sự háo hức. Trong đời mỗi người đi du lịch thì ai cũng trải qua kinh nghiệm đầu tiên này. Chỉ cần 6 tháng sau, ba lô sờn cũ, bản đồ tơ tả, sách hướng dẫn quăn góc và những thứ không cần thiết sẽ bị ném đi. Bạn bè ở nhà không còn nhận tin tức có thể nghĩ họ đã chết ở đâu đó. Còn họ, cặp mắt sẽ ánh lên vẻ sành sõi đầy chất bụi của một người đã nhìn thấy thế giới.    

Vì vậy không cần phải lo nghĩ về việc nên và không nên mang theo gì . Nếu bạn mang theo mọi suy nghĩ , thành kiến và quan điểm của mình thì bạn tốt hơn nên ở nhà. Lý do mà bạn đi du lịch là để khám phá ra những gì khác với mình. Cho nên bạn chỉ cần mở rộng trái tim ra và những trải nghiệm mới sẽ đến với bạn "Khi bạn không biết mình đi đâu để đến nơi mình muốn đến thì mọi con đường đều có thể dẫn bạn đến đó."

Bài dịch theo http://www.roadjunky.com

Bảo quản tiền khi đi du lịch (5) - Bài dịch


Ai cũng có lúc " bị kẹt" và vì thế cần sự giúp đỡ của gia đình hoặc bạn bè. Có vài cách chuyển tiền, ví dụ như chuyển tiền qua American Express Money Gram, gửi séc du lịch qua Thomas Cook, dùng ngân hàng địa phương để chuyển tiền mặt hoặc sử dụng Western Union.



Western Unioncó vẻ là cách thực tế nhất bởi vì bạn có thể nhận tiền chỉ trong vòng vài phút.Tuy nhiên, cái gì cũng có thể sai sót. Ví dụ ngân hàng địa phương đóng cửa vì nghỉ lễ. Hoặc khi bạn đi nhận tiền thì bị cúp điện. Hoặc người gửi  viết sai tên bạn và bạn không thể nhận tiền. Hoặc khi bạn điện thoại để lấy thông số giao dịch thì đường liên lạc không thông và bạn không nghe được
Trong những trường hợp, bạn chỉ có cách cầu nguyện cho ngày mai trời lại sáng.


Bài dịch theo http://www.roadjunky.com


Bảo quản tiền bạc khi đi du lịch (4) - Bài dịch

Séc du lịch không phải là cách rẻ nhất để mang theo tiền. Khi mua, bạn đã bị tính phí 1-2%. Khi đổi sang tiền mặt, bạn có thể cũng phải chịu phí và thường giao dịch bằng séc du lịch bạn phải chịu mức giá thấp hơn tiền mặt.

Tùy địa điểm bạn đến, có thể bạn khó tìm ra nơi đổi séc. Thường các ngân hàng ở các thành phố nhỏ không chấp nhận séc du lịch và nếu có thì họ cũng chỉ chấp nhận một loại  nào đó thôi. Nếu chọn đổi hết séc ở các thành phố lớn thì cuối cùng bạn cũng phải đi du lịch với cả một đống tiền mặt.

Tuy nhiên, so với tiền mặt thì séc du lịch có 2 lợi thế.  Thứ nhất, chúng ít hấp dẫn trộm hơn. Bạn không thể đổi tiền mặt nếu không có hộ chiếu / CMND và chữ ký giống như mẫu. Vì vậy, séc du lịch ít bị trộm hơn.

Thứ hai, nếu bị mất, bạn có thể đến ngân hàng khai báo để có thể được làm lại một tấm séc khác. Tuy nhiên, mỗi lần làm lại một tấm séc là một lần khó khăn hơn.

Thực tế, một số công ty như Thomas Cook và American Express từ chối làm lại cho những tấm séc bị mất ở những nơi nổi tiếng với những vụ lừa đảo như Bangkok hoặc Bombay. Ở đây, có thể "hệ thống cửa sau" của ngân hàng hoặc chính du khách bán séc ra thị trường chợ đen với giá thấp hơn 40-60% rồi sau đó cớ mất.
Bài dịch theo http://www.roadjunky.com



Bảo quản tiền bạc khi đi du lịch (3) - Bài dịch


Có thể đây là cách rút tiền mặt đáng tin cậy khi đi du lịch nước ngoài. Ngân hàng sẽ lấy phí dịch vụ vài % và bạn có thể rút tiền nhiều hay ít tùy mình.

Tuy nhiên, ngân hàng sẽ giới hạn số tiền bạn rút trong khoảng thời gian 24 tiếng; vì vậy nếu cần mua một mặt hàng đắt tiền, bạn cần phải lên kế hoạch trước.

Tuy nhiên, ở những nước nghèo hoặc đang phát triển, việc tìm ra một máy ATM có thể không dễ dàng gì. Có thể cả thị trấn chỉ có một máy ATM chấp nhận thẻ quốc tế và cái này lại bị hỏng. Trong tình huống này, bạn có thể vào những ngân hàng lớn ở đó và rút khấu chi thông qua một nhân viên giao dịch.

Luôn nhớ rằng máy ATM cũng chỉ là một cái máy vi tính được gắn vào tường. Vì vậy, cũng như bất kỳ cái máy vi tính nào khác, nó có thể làm bạn phát điên lên. Có thể bạn có đầy ắp tiền trong tài khoản, nhưng khi bạn tiến hành giao dịch, máy có thể phát tín hiệu rằng bạn là kẻ gian, vì vậy nó từ chối không cho bạn rút dù chỉ một xu.

Nó cũng có thể nuốt mất thẻ của bạn, buộc bạn sáng hôm sau phải xuất hiện và giải thích với những giao dịch viên ngân hàng (có thể không đáng tin) về những gì đã xảy ra. Nếu như vậy thì bạn thật "may mắn" đấy. Bạn có thể trở thành một kẻ nhẳn túi và không thuyết phục được người khác chấp nhận thẻ tín dụng của mình.


Ở một số quốc gia, khi rút tiền bạn nên đi ban ngày. Kẻ cướp có thể đang chờ bạn bên ngoài máy ATM. Vì vậy trước khi rời buồng ATM, hãy cất số tiền vừa rút đi và mở mắt thật to khi bước ra.

Bài dịch theo http://www.roadjunky.com


Bảo quản tiền bạc khi đi du lịch (2) - Bài dịch


Thường mang theo tiền mặt là dễ dàng nhất. Bạn có thể sử dụng ở bất cứ đâu. Bạn dễ dàng cho vào túi của mình và không cần phải nhớ mã số pin.

Nhưng thật ra chỉ có những ai "liều" mới dám mang theo cả đống tiền mặt khi đi du lịch. Nhưng việc mang theo một ít ngoại tệ có giá trị quốc tế như đô la Mỹ để sử dụng trong những lúc khẩn cấp thì thật đáng giá.


 Một cái túi mỏng đeo sát vào người (như trong hình) có thể giúp bạn giấu được tiền là một ý kiến không tệ. Hầu hết các vụ trộm xảy ra khi bạn sơ ý. Vì vậy khi đeo túi sát vào người như thế này sẽ giúp bạn cảm giác được ngay nếu có một bàn tay thò vào đó.


Bạn cũng có thể giấu tiền ở túi quần trước. Nhưng nó sẽ ít an toàn hơn nếu bạn bị cướp.


Có người thích sử dụng bóp tiền giả để lừa tên trộm. Bạn có thể vào bóp 1 ít tiền lẻ để đánh lừa. Dĩ nhiên sau khi móc túi bạn xong, tên trộm sẽ không đứng ngay tại đó để kiểm tra ví tiền giả của bạn.


Một cách nữa là bạn có giấu tiền vào giày. Trong nhiều nền văn hóa, những gì có liên quan đến chân cẳng là tối kỵ và một số kẻ trộm cũng có lòng tự trọng.

Nếu cần phải giấu tiền trong phòng khi bạn đi ra ngoài thì thùng rác là một nơi giấu tiền tốt. Nhưng cũng khá nguy hiểm bởi vì người dọn phòng có thể đổ rác đi. Hoặc có khi bạn lại quên mất số tiền giấu. Đừng bao giờ giấu tiền dưới nệm. Bạn có thể giấu tiền trong một quyển sách hoặc trong đống quần áo đang bốc mùi.

Nếu muốn giấu tiền ở ngoài trời, bạn hãy bọc nó vào một cái túi ni lông và chôn sâu dưới đất ở một nơi hẻo lánh. Nhưng hãy đảm bảo rằng bạn sẽ không quên mất nơi giấu tiền và hy vọng rằng không có con thú nào đào nó lên để ăn vì ngỡ đó là bữa điểm tâm.

Khi đổi ngoại tệ để mang theo, bạn nên kiểm tra kỹ xem ở nơi đó người ta chấp nhận những loại ngoại tệ nào hoặc ngoại tệ nào sẽ có giá trị hơn. Nếu ở nơi bạn đến, người ta không chấp nhận giao dịch loại tiền bạn mang theo thì số tiền mà bạn dày công bảo quản chỉ là một đống giấy lộn.

Bài dịch theo http://www.roadjunky.com

Bảo quản tiền bạc khi đi du lịch (1) - Bài dịch


Giữ kỹ tiền, séc du lịch, thẻ ATM, hoặc nữ trang kín trong người.

Thử tưởng tượng bạn đã tiết kiệm như thế nào trong 6 tháng hoặc nhiều hơn nữa để sau đó "cúng" tất cả tiền cho chuyến đi vào tay  một tên móc túi hay một kẻ trộm.


Rất may là bây giờ việc bảo quản tiền bạc trong các ngân hàng dẽ dàng hơn rất nhiều so với trước đây khi người ta lúc nào cũng lo lắng về những băng cướp núi hoặc cướp rừng. Tuy nhiên, bạn cần phải cẩn thận khi đăng nhập vào tài khoản ngân hàng ở các tiệm cà phê nét nếu bạn không muốn mình bị sạch túi bởi tên trộm "hơi bị siêu" trên mạng.


Một cái ba lô sáng loáng, một quyển sách hướng dẫn du lịch hoặc bản đồ trong tay, một nét mặt hăm hở ngơ ngác của bạn ở chốn đông người như bến xe, nhà ga là những ngọn đèn ra đa thu hút và dẫn đường cho những tên trộm, móc túi ở xung quanh đó trong phạm vi một cây số.

Có nhiều cách bảo quản tiền khi đi du lịch. Sau đây là một vài bí kíp dành cho bạn tham khảo:

Bài dịch theo http://www.roadjunky.com