CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Tôi đi Trung Quốc (24): Zhanjiang


Sau 3 đêm ở tại Maoming, tôi quyết định phải đi đến thành phố khác thôi. Nghĩ rằng mới mùng 2 tết chắc chưa ai đi lại nhiều nên tôi hí hửng chạy ra chỗ bán vé ở ga xe lửa. Tôi lại nhầm to. Trước mặt tôi là 3 hàng người ở 3 ô cửa bán vé. Tham gia vào một hàng người, kiên nhẫn chờ và khi đến lượt tôi mua vé thì mới biết không có vé tàu đi Zhanjiang, Cô bán vé chỉ tôi đi qua bến xe buýt mua. Thế là dự định đi xe lửa cho rẻ tiền của tôi tan thành mây khói.

Ở bến xe buýt có một cô bán vé khá trẻ và dễ thương ghê. Cô ta chẳng biết nói tiếng Anh nên xoay màn hình về phía tôi để tôi tự đọc và tự chọn xe đi giờ thích hợp nhất. Lúc đó đã 11h20 sáng nên tôi chọn xe đi lúc 11h40, giá vé cho tất cả đều như nhau, 45 NDT.

Chạy về nhà trọ ở bên kia đường để lấy hành lý, tôi vội vã quay lại bến để bắt chuyến xe này. Xe khá vắng khách và chạy khoảng 1h trưa là đến Zhanjiang. Bến xe nằm ở một nơi khá đẹp; tuy nhiên ngoài đường chẳng thấy xe cộ qua lại mấy. Lại leo đại lên chuyến xe buýt chuẩn bị khởi hành số 33, tôi đi về đâu cũng chẳng biết nữa. Xe chạy ngang qua một khu trung tâm khá rộn rịp và rồi dòng chữ Wal Mart to đùng đập vào mắt. Biết rằng đó là khu trung tâm, tôi chẳng xuống xe vội mà ngồi mãi đến cuối.

Khi xe dừng, mọi người xuống hết, tài xế hỏi tôi muốn đi đâu. Tôi nói không biết, tôi muốn tìm nhà trọ giá rẻ khoảng 20-30 NDT. Ông ta xuống xe bô lô ba la với những người xung quanh. Họ chỉ tôi qua phía đối diện đường. Tôi lắc đầu nói muốn ở gần trung tâm thành phố cơ.

Thế là họ bảo tôi lên xe và bây giờ tài xế có thêm nhiệm vụ kiếm nhà trọ rẻ tiền cho tôi ở gần trung tâm. Ông ta dừng lại ở một trạm dừng và bảo tôi xuống xe. Ông ta chỉ qua bên kia đường và nói giá 40 NDT (giá ghi ngay ngoài cửa). Thấy đường phố khá vắng, tôi không chịu xuống và nói tôi muốn đến trung tâm cơ. Ông ta nói đây là khu trung tâm.

Qua bên kia đường hỏi thăm tôi mới biết giá 40 NDT là giá theo giờ, phòng ở đây giá 100 NDT lận. Tôi nói mắc quá và hỏi thăm nhà trọ giá rẻ. Hơi bất ngờ là chị tiếp tân lại rất nhiệt tình chỉ tôi đường đi đến đó. Tuy nhiên tôi chẳng hiểu gì hết mà chỉ biết là đi về phía trước (do chị ta chỉ tay về phía trước mà.) Vậy là vừa đi vừa hỏi thăm. Tuy nhiên ở đây khác với Maoming là người dân đều biết nơi nào có nhà trọ giá rẻ nên họ chỉ tôi đi đúng đường. Ở Maoming khi tôi nói nhà trọ giá rẻ, họ luôn lắc đầu và bảo rằng không có. Có thể du khách chẳng ai thèm đến Maoming chăng? Cả Maoming và Zhanjiang đều không được đề cập đến trong sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet. Maoming thì có thể hiểu được chứ Zhanjiang là thành phố lớn thứ hai ở Quảng Đông mà (Quảng Châu là lớn nhất).

Theo hướng chỉ dẫn của người dân, tôi cũng đến nơi. Ở đây không chỉ có một mà là vài nhà trọ giá rẻ. Tôi bước vào một nơi hỏi giá. Họ giới thiệu cho tôi một phòng có toilet nhà tắm và tivi giá 45 NDT. Tôi nói tôi không cần tivi bởi vì nghe chả hiểu, họ giới thiệu phòng giá rẻ 25 NDT. Phòng tương tự như phòng tôi ở Zhaoqinh nhưng nhỏ hơn. Tôi trả giá 30 NDT/2 đêm. Họ gật đầu liền làm tôi ngờ ngợ là mình bị hớ giá.

Lúc đó đã 4h chiều, tôi lại đi một vòng khám phá thành phố Zhanjiang. Người dân ở đây khác với người dân ở các nơi khác ở kiểu tóc của họ. Nhiều người phụ nữ có kiểu tóc giống nhau là tóc cắt ngắn, hơi cúp vào (hơi giống kiểu tóc của nghệ sĩ cải lương Minh Vương đó). Từ nay khi gặp người Trung Quốc nào có kiểu tóc này, câu đầu tiên tôi hỏi là có phải họ đến từ Zhanjiang không?

Thật sự Zhanjiang giống như hai thành phố nhập lại thành một vậy đó. Nơi tôi ở là quận phía bắc có tên là Chi kan. Hôm sau, tôi lên xe buýt số 2 để đi sang quận phía Nam có tên là Xia Shan. Quận nam này có một khu chợ hải sản (hải sản là đặc sản của Zhanjiang mà) nơi đây có bán đủ loại hải sản khô từ hải mã đến tôm tép, đủ cả. Ngoài ra khu vực này trông hơi bát nháo hơn khu Chi Kan tôi đang ở. Thật ra nó lại có không khí của khu quận 6 ở thành phố Hồ Chí Minh ghê. Những ngôi nhà cổ và những tòa nhà cao tầng chen lẫn vào nhau. Tuy thuộc một thành phố Zhanjiang nhưng đi lại giữa hai khu Chikan ở phía Bắc và Xia shan ở phía Nam lại mất đến khoảng 45 phút ngồi xe buýt đấy. Vì vậy Zhanjiang mới giống như hai thành phố nhập thành một.

Điều đặc biệt nữa ở đây người dân nói tiếng Quảng Đông khá nhiều bởi vì hình như đó là ngôn ngữ chính thức của họ. Đi đâu cũng nghe họ Ngộ ngộ cả (tiếng Hoa phổ thông là Wo – nghĩa là tôi, thì tiếng Quảng Đông là Ngộ) và sập (thay cho “shu” nghĩa là 10 trong tiếng phổ thông.) Cứ mỗi khi nghe ai Ngộ Ngộ là tôi biết họ đang nói tiếng Quảng Đông. Ngoài ra ở đây người dân còn nói tiếng Liuzhou nữa. Thật đau đầu! Chỉ tiếng Hoa phổ thông thôi cũng đủ làm tôi điếc tai rồi. Giờ lại thêm tiếng Quảng Đông, tối ngày cứ Ngộ ngộ, làm tôi thấy thất kinh hồn vía. Bây giờ lại thêm tiếng Liuzhou. Mỗi khi nghe họ Ngộ ngộ hoặc nói cái quái gì đó mà tôi không hiểu (chắc họ nói tiếng Liuzhou) là tôi chỉ muốn chấp tay xá họ và nói: Mấy ông nội, bà nội Trung Quốc làm ơn nói tiếng Hoa phổ thông giùm con.

 Lúc ở Xia shan, tôi trông thấy vài người Tây Tạng (qua cách ăn mặc của họ). Hơi ngạc nhiên bởi vì người Tây Tạng sống tập trung ở Tây Nam Trung Quốc mà. 

Mỗi khi nhìn thấy họ, tôi lại thấy cám cảnh cho một dân tộc bị mất nước ghê. Nhìn họ khá lạc lõng giữa những người Trung Quốc khác qua cách ăn mặc và vẻ mặc ngơ ngác của họ. (Thật ra tôi cũng lạc lõng giữa các thành phố Trung Quốc nữa- qua vẻ ngu ngơ khi chả hiểu họ nói cái quái gì.) Chắc những người Tây Tạng này cũng là du khách ở Zhanjiang.

Ah quên, đêm đầu tiên của tôi tại Zhanjiang vào mùng 2 tết, tôi được xem Hồ Quảng miễn phí. 

Trên đường về nhà trọ, tôi đi ngang qua một sân vận động và nghe tiếng đàn réo rắt vọng ra từ đây. Vậy là băng qua đường vào xem cùng người dân (đa số là đứng xem, chỉ những người lớn tuổi mới ngồi và hình như họ mang ghế từ nhà theo hay sao ấy bởi vì mấy cái ghế không giống nhau, mỗi cái mỗi kiểu). Nghe một hồi chẳng hiểu gì hết, lại quay về nhà ngủ thôi. Về nhà thì chủ nhà cũng đang xem Hồ Quảng trên tivi, lại đau đầu với những tiếng Ngộ Ngộ. Mà những người Trung Quốc ở chung với tôi cũng Ngộ ngộ không hà.

Vào mấy ngày tết người dân tập trung vào các công viên, nơi đây có các trò chơi như trong hội chợ vậy đó – bắn súng làm bể bong bóng, thảy vòng, cào vé số,… Ngoài ra các công viên ở Trung Quốc có khu vực gọi là barbecue area (khu vực nướng). Ở đây có những cái bàn và những cái ghế tròn thấp xung quanh, tất cả đều bằng đá. Đặc biệt là trên mỗi cái bàn có một cái lỗ tròn to ở giữa. Người dân cho cồn hoặc than vào cái lỗ này là có một cái bếp rồi, sau đó để đồ muốn nướng lên trên. Đây quả là một ý tưởng hay. Có công viên thu phí nếu muốn nướng tại đây. Công viên Cunjing ở khu Chi kan gần nơi tôi ở có cả amusement park và sở thú bên trong nữa. Trong và ngoài các công viên là các quầy bán thức ăn, chủ yếu là thịt xỏ que nướng, mỗi que 1 NDT. Ngoài ra họ còn bán gà bọc đất sét nướng hoặc đùi gà luộc mỗi cái đùi giá 3.5 NDT.







Khu vực barbecue





Trong các bộ phim cổ trang Trung Quốc hay có cảnh người dân cần tiền làm gì đó hay ra lề đường ngồi với một tấm bảng ghi lại hoàn cảnh của mình trước mặt. Ở Trung Quốc hiện nay, những cảnh này cũng có đầy đường. Đặc biệt là ở Maoming, đa số là những bạn trẻ trông giống như học sinh sinh viên vậy đó. Họ để trước mặt một tấm bảng hoặc ghi bằng phấn ngay trên lề đường, dĩ nhiên là ghi bằng tiếng Hoa tôi đọc chẳng hiểu rồi. Tuy nhiên ở Maoming có một cô bé học sinh cấp 3 ghi cả bằng tiếng Anh và tiếng Hoa. Cô ấy nói rằng bố mất vì sốc thuốc phiện, mẹ tái giá, cô ấy phải học trung học tại thành phố, mỗi tháng phải đóng 300 NDT. Ngoài các bạn trẻ ngồi đường như thế, thỉnh thoảng tôi thấy có những phụ nữ ẳm con (giống như đang bị bệnh) ngồi đường (thật sự họ không giống ăn xin, họ chỉ là những người đang cần sự giúp đỡ. Ăn xin thì cần gì ghi chữ, chỉ cần để cái lon trước mặt thôi. Họ không để lon mà để một mảnh giấy cùng bảng photo thẻ học sinh học bạ, bảng điểm…)

Trung Quốc ơi là Trung Quốc, giàu có cỡ nào tôi không biết nhưng để dân phải ra ngồi lề đường kêu gọi sự giúp đỡ như thế thì cảnh này tôi chỉ thấy ở trong phim và ở Trung quốc thôi. Điều đó cho thấy phúc lợi xã hội của Trung Quốc còn khá kém.

Một điều nữa là người Trung Quốc khá phung phí thức ăn (không phải người giàu đâu, tôi đang nói về những người dân thường). Tôi hay vào các quán ăn địa phương để ăn cơm như một người địa phương ấy nên nhận thấy điều này khá rõ. Họ hầu như không bao giờ ăn hết thức ăn trong dĩa, có khi bỏ lại hơn phân nửa và người dọn bàn thường vất phần còn lại vào sọt rác. Có người tiếc thì lấy lại về cho chó mèo ăn nhưng thành phần này rất ít, đa số họ vất cả vào thùng rác. Ăn xin thì đầy đường mà họ thì cứ lãng phí. Tôi ngạc nhiên là họ phải biết rõ họ ăn nhiều ít thế nào chứ, khi người bán múc đồ ăn họ có thể nói người bán múc ít đi một chút (tôi luôn làm điều này- đây là một trong những câu tiếng Hoa cần thiết mà tôi phải học bởi tôi không muốn bỏ thừa đồ ăn). Thật đáng buồn khi thấy người Trung Quốc (đặc biệt là giới trẻ) phung phí thức ăn như thế (trong khi sở lương thực thế giới báo động về việc thiếu hụt thực phẩm trong tương lai). Hình như cái đó một phần nằm trong văn hóa của họ hay sao ấy?? Tôi thấy họ rất thản nhiên khi vứt bỏ thức ăn thừa vào sọt rác trong khi ngay cạnh họ là một người ăn xin ốm yếu.

Tôi thấy Hồ Cẩm Đào còn cả một đoạn đường khá dài để giáo dục hơn tỉ dân của ông.

Từ con đường tôi ở là Shengli Lu, đi vài bước là ra con đường chính Zhongshan Lu, tại đây có nhiều xe buýt đi đến “mã tran” (dịch sát nghĩa là Bến xe Ngựa). Theo tôi đoán thì chắc bến xe này thuộc về gia đình họ Mã nào đấy. Nếu đúng như thế là gia đình này giàu thật. Bến xe khá rộng lớn. Các xe buýt (ngoại trừ những xe đi nội thành) xuất phát từ đây đi các nơi đều có hình một con ngựa trên thân xe.

Tại đây tôi hỏi vé đi Beihai (Bắc Hải) cho sáng hôm sau. Giá vé là 65 RMB, khá mắc cho 1.5h trên xe. Sau khi mua vé đi Bắc Hải, tôi hỏi vé xe đi Leizhou bởi vì nghe nói ở đây có nhiều địa điểm tham quan lắm. Có rất nhiều công viên và chùa. Tôi lại một lần nữa bị bất ngờ bởi vì giá xe đi Leizhou là 18 RMB. Tôi thấy hơi lạ bởi vì tôi nghĩ Leizhou cũng thuộc thành phố Zhanjiang, giá xe để đi đến một nơi nào đấy trong thành phố như thế thì mắc quá.

Xe chạy khoảng 1.5h mới đến nơi. Ôi trời, Leizhou trông giống như một thành phố khác vậy đó. Đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu lắm về Zhanjiang, chẳng lẽ thành phố này lớn đến nỗi mỗi một quận hay hạt lại lớn như một thành phố vậy sao? Khi xe đến nơi, tôi hỏi thì được biết chuyến xe cuối cùng từ Leizhou về lại Mã Tran là 6h chiều. Vậy là tôi có khoảng 3.5 tiếng đồng hồ loanh quanh ở đây. Nếu biết Leizhou lớn như vậy, tôi đã không mua vé xe đi Beihai mà khăn gói về đây ở vài ngày để khám phá rồi.

Ngay từ bến xe ở Leizhou bước ra thì tôi thấy ngay một cái chùa (tiếc là không đọc được tiếng Hoa nên không biết chùa này tên gì). 


Ngay gần cổng ra vào có một nhà sư và một nhóm Phật tử đang làm lễ phóng thích cho mấy con rùa và ốc. 

Họ trông rất trịnh trọng (đúng là Trung Quốc và Việt Nam – theo phái Bắc Tông -  có khác- mọi lễ nghi đều rất trịnh trọng –trong khi đó ở Myanmar và Ấn độ - theo phái Nam Tông- rất xuề xòa trong các nghi lễ). Ngay tại sảnh đường chính là tượng Phật và dọc hai bên là tượng 18 vị La Hán.

Từ chùa bước ra, tôi đi khoảng 2-3 phút thì đến một công viên – khi hỏi người dân thì biết đây là công viên Hồ Tây. 

Ở đây có các nhà trưng bày những vị nổi tiếng của Trung Quốc – tên những vị này được phiên âm theo tiếng Anh nên tôi chẳng hình dung nổi họ là ai nhưng nếu nổi tiếng ở Trung Quốc thì chắc chắn cũng rất nổi tiếng ở Việt Nam rồi.


Từ công viên ra, tôi đi dọc theo các con phố để xem. Leizhou mang một không khí cổ hơn Zhanjiang nhiều. Các con phố nhỏ hẹp và những tòa nhà cũ kỹ. Tuy nhiên tôi lại thích ở đây hơn bởi chính không khí cổ và đường phố nhỏ hẹp làm cho người ta cảm thấy thân thiện với những người xung quanh hơn. Lần sau quay lại thì tôi sẽ không ở Zhanjiang mà sẽ khăn gói quả mướt về Leizhou ở.

1 nhận xét:

  1. Thích quá, càng đi nhiều, càng hiểu ra nhiều chuyện mà chỉ có "nằm vùng trường kỳ kháng chiến" như chị mới có được.

    Trả lờiXóa