CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Tôi đi Trung Quốc (30): Changsha

 Kỳ trước: Tôi đi Trung Quốc (29): Liuzhou 

Ở Liuzhou hai đêm thì tôi quyết định mua vé đi nơi khác. Sáng thu dọn hành lý xong, tôi nói với chị chủ nhà tôi muốn trả phòng và cho tôi gửi hành lý để ra ga mua vé. Chị chủ và bà mẹ của chị ta nói tôi có thể để hành lý trong phòng, họ chẳng lấy thêm tiền đâu. Tôi nói sau khi mua vé, tôi có thể ra phòng internet và đi lòng vòng bởi vì có thể tàu đi lúc ban đêm. Họ vẫn nói không sao, tôi cứ để hành lý trong phòng. Họ thật tốt bụng. Nhưng tôi không thể lợi dụng lòng tốt của người khác. Tôi mang theo ba lô nhỏ chỉ gửi túi hành lý lớn. Tôi nói với họ nếu có khách vào nghỉ thì họ cứ việc đẩy túi hành lý của tôi ra ngoài mà để, tôi khóa ngăn kéo lại rồi nên không sao đâu. Khi tôi đưa chìa khóa phòng, chị ta móc túi trả lại cho tôi 10 RMB thế chân hẳn hoi.

Ra phòng internet tra thông tin về tàu lửa, tôi thấy tàu đi Baise dến lúc nửa đêm (lúc ấy tôi sẽ làm gì ở ga?) còn tàu đi thẳng đến Kunming (Côn Minh), tỉnh Yunnan (Vân Nam) thì khá mắc. Lúc ấy tôi chợt nảy ra ý tưởng là thay vì đi Vân Nam ngay, tôi có thể làm một vòng là đi lên phía Bắc một tí, trở lại tỉnh Hunan (tháng trước tôi ở đây, nơi có tuyết rơi ấy), bây giờ chắc là trời đỡ lạnh hơn rồi (tôi hy vọng). Đặc biệt có một tàu đi từ Nanning (Nam Ninh) đến Changsha (thủ phủ của tỉnh Hunam) có giá rẻ vô cùng, chỉ có 50 RMB cho khoảng 12 tiếng trên tàu (giá cho ghế cứng), trong khi những tàu khác có giá gấp đôi. Vậy là tôi đi thử Changsha xem thủ phủ này có gì vui không?

Có thông tin trong tay, tôi lót tót chạy ra ga xếp hàng để mua vé. Ô giá vé chỉ 49 RMB à và tàu khởi hành lúc 10h 40 tối và đến vào khoảng 12h trưa hôm sau (giờ khá đẹp.) Có vé rồi, tôi quyết định trở lại Hang Phật ở núi Mã để xem tại sao nơi ấy hôm qua làm tôi sợ thế. Lúc này tôi biết đường lên chính (không phải đi vòng núi như hôm qua). Hôm nay lên bằng lối chính thì tôi mới thấy cạnh chùa là hai phòng, một phòng dành cho nhà sư trụ trì và một phòng bán nhang cho khách hành hương. Hôm nay có người ngồi ở đây nói chuyện lao xao. Tôi vào bên trong nhưng thấy tượng Phật tổ thấp thoáng trong hang tối, tôi lại sợ. Phải đứng trấn tỉnh một hồi, thu hết can đảm thì tôi mới quyết định leo lên những bậc thang tối thui để vào. Tôi lại cứ nhìn các bức tượng. Lúc ấy có mấy người hành hương vào, nói chuyện điện thoại lao xao bên dưới, nhưng khi họ vào sâu bên trên, thấy tôi đang đứng im với những bức tượng thì họ im lặng và cũng đứng đó nhìn tượng……. và nhìn tôi. Một hồi sau, họ lặng lẽ đi ra không hề gây một tiếng động. Vậy là tôi lại một mình nhìn tượng.

Một lúc sau, vị sư vào tụng kinh làm lễ khoảng 5-10 phút và cũng để mặc tôi nhìn tượng. Nhìn hoài đến khi nào không còn cảm giác sợ nữa mà cảm thấy vô cùng quen thuộc với nơi này (như thể ở nhà ấy) thì tôi đi ra.

Khi đi ra, tôi quyết định quay lại chợ để ăn món “uy mì trâu” (món cháo trắng chắc nấu bằng lúa mì với buffet rau – nghĩa là có vô số thố đựng đủ loại rau xào, ngâm, muối,…. ai muốn ai loại nào thì gắp cho vào chén của mình, ăn bao nhiêu rau cũng được) với giá 3 RMB cho 1 phần ăn.

Có thể đây là món ăn dành cho người nghèo. Nhưng tôi thích món này vô cùng bởi vì có thể ăn nhiều rau (tôi là động vật thích rau mà – mỗi khi tôi ăn rau thì có người bảo rằng giống y như con bò ăn cỏ vậy đó.) Tuy nhiên, khi tôi đến thì quán đóng cửa. Đi lang thang, tôi kiếm nơi khác để “nhai cỏ” và tôi thấy trong một con hẻm gần chợ có bán cơm cho người địa phương. Quan sát, tôi thấy “mê tít thò lò”. Người mua được phát cho một cái dĩa và có thể gắp vào dĩa này bao nhiêu rau cũng được từ những cái thau đựng đủ loại rau xào (lại là buffet rau). Sau khi gắp xong rau thì đưa cho người bán và chỉ vào hai món mặn muốn ăn để người bán múc để lên trên các món rau trong dĩa. Tôi làm theo y chang (chẳng cần hỏi han) và chỉ trả 6 RMB.

Dân Trung Quốc ăn rau rất nhiều đấy nhé (chắc tương đương tôi). Có thể đó là thói quen của người nghèo và theo tôi đó là thói quen rất tốt. Tuy nhiên, người Trung Quốc khá lùn, họ lùn đến nỗi phụ nữ lúc nào cũng mang giày cao gót kể cả khi phải mang vác hành lý cồng kềng (và lúc leo núi khakhakha). Tôi chỉ cao 1.62 mét. Vậy mà còn cao hơn họ trên đôi giày cao gót của họ. Đó là lý do mà lúc đầu tôi chả hiểu bây giờ mới “ngộ” rằng họ luôn nhìn xuống chân tôi mỗi khi tôi đi ngang qua họ (chắc để đo độ cao của đôi giày tôi đang mang để xem tôi thật sự cao như thế nào.) Lúc mới sang, tôi nghĩ dân Trung Quốc quái lạ, cứ thích nhìn xuống giày của người khác. Bây giờ thì tôi thông cảm cho dân tộc lùn này rồi. Dù vậy vẫn có nhiều người khá cao (chắc là do uống nhiều sữa không có melanin chăng?) nhưng số này khá ít (làm sao tôi biết? Cứ ra ngoài đường thì thấy ngay).

Ăn xong cơm với buffet rau, tôi vẫn còn khối thời gian. Vậy là tôi vào siêu thị Century để giết thời gian. Xem tivi về văn hóa của họ thì tôi vẫn thấy thán phục họ vô cùng về sự tinh tế của nền văn hóa (chửi thì chửi nhưng phục thì vẫn cứ phục.) Khi về nhà trọ để lấy lại hành lý thì tôi “tám” một hồi với bà mẹ chị chủ. Nhiều người Trung Quốc vẫn thích “tám” với tôi dù tiếng Hoa của tôi chẳng ra gì và chẳng giống ai. Lúc đầu, họ nhìn tôi khinh khỉnh khi nghe tôi nói nhưng khi biết tôi không phải là người Trung Quốc, tiếng Hoa hai tháng rưỡi của tôi khiến tôi khá vất vả thì họ lại khen tôi nói tiếng Hoa giỏi (!!!!) và ra sức dạy tôi thêm từ vựng (nhớ được chết liền) và phát âm.

Tàu của tôi đến trễ gần nửa tiếng. Tôi ngồi chờ cùng với những người dân nghèo và xem họ (đối với tôi, họ luôn thú vị mà). Tôi thấy có một anh thanh niên khá đẹp trai, mang theo cả chiếc xe đạp được gấp làm đôi và một cái ghế xếp nhỏ (khi xếp lại thì khá gọn). Hết ghế ngồi ư, anh ta mở ghế xếp ra ngồi ngắm những người đang đứng vì không có ghế. Vẻ mặt anh ta cứ hếch lên khinh khỉnh ấy (như thể ta đây khôn ngoan). Còn đối diện tôi, có một anh thanh niên với đôi mày sậm (trông như một hảo hán ấy), anh ta thỉnh thoảng liếc nhìn tôi và còn cuốn áo lên khoe rốn nữa chứ (có thể do nhà ga đầy người nên nóng và do anh ta muốn khoe với tôi cái gì đó). Cạnh bên tôi là một bác tóc hoa râm rồi và cứ liếc liếc tôi và cứ nhích qua nhích lại trên ghế ấy. Bây giờ thì tôi quen với cảnh bị nhìn bởi vì việc phụ nữ đi lại một mình là khá lạ lẫm ở Trung Quốc và Ấn độ. Tuy nhiên, theo nhận xét và kinh nghiệm của tôi, đàn ông Trung Quốc khá tự trọng đấy. Họ muốn “thả dê” ra nhưng một cách tự trọng. Không bao giờ họ chạm vào cơ thể bạn nếu không được “bật đèn xanh.” Trong khi mấy thằng Ấn độ thì chẳng cần đèn xanh đèn đỏ gì hết. Thích thì tìm cách chạm thôi, lúc nào ư? Mọi lúc. Ví dụ, lúc qua đường khi đi ngược chiều lại, họ cố đánh tay thật rộng để chạm vào người, lúc ngồi trên xe buýt đông người, họ cố tình ngồi sát để chạm, lúc chen chúc trên đường họ cố ý chạm. Trong khi, ở Trung Quốc (vẫn là một nước đông dân), tôi chưa bị những cái ấy bao giờ. Vậy là tôi có thể kết luận rằng đàn ông Trung Quốc vẫn khá tự trọng.

Khi tàu đến thì lại vẫn cảnh chen chúc để lên tàu. Tuy nhiên, tôi may mắn vì lên nhầm một toa khá trống (toa của tôi là số 3 và tôi lên toa số 4  - có thể toa này được thêm vào bởi vì tôi không thấy ghi số ở bên ngoài.) Vậy là mỗi người có một dãy băng để nằm ngủ. Được thoải mái trên toa tàu trống đến hết đêm luôn. Đến sáng thì số người lên toa ngày càng đông. Càng gần đến Changsha thì số người lên càng nhiều. Nhờ thế tôi phát hiện có nhiều người tiết kiệm hơn cả tôi nữa bởi vì họ mua vé đứng, vậy mà có cả băng ghế để nằm ngủ (quá rẻ). Làm sao tôi biết? Những người lên sau có vé và có số ghế nên họ “tống cổ” chúng tôi ra khỏi ghế của họ. Dù vé của tôi cũng có số ghế nhưng phải kéo hành lý qua một toa đầy người để đến toa số 3 thì tôi thà đứng mấy tiếng còn hơn. Nhưng tôi thật may bởi vì sau khi bị “tống cổ” ra khỏi dãy băng tôi dùng để ngủ thì tôi trở về dãy băng nơi tôi để hành lý trên khoang ấy (lúc ấy còn một chỗ trống) và ở đây chẳng ai tống cổ tôi hết. Vậy là tôi có ghế ngồi suốt những tiếng đồng đồng hồ còn lại, trong khi những người khác không có ghế nên họ nhìn tôi “ghen tị.” Nhờ thế tôi mới hiểu cảm giác hồi hộp của dân đi tàu vé đứng. Bạn luôn hồi hộp khi tàu dừng ở ga và có người lên bởi vì không biết người nào sẽ dừng trước mặt mình và chìa vé của họ ra để “tống cổ” mình đi. Cảm giác này thì đến tận hôm nay tôi mới có được. Nếu không vì hành lý cồng kềng thì tôi cũng đi dạng này bởi vì vừa rẻ vừa vui.

Tàu đến ga Changsha vào khoảng 12h trưa. Ra khỏi ga, tôi kinh ngạc trước cuộc sống náo nhiệt ở đây (thủ phủ của một tỉnh mà có khác). Cạnh bên lối ra (exit) là một phòng internet. Và tôi cứ đi theo đám đông về tay phải (chẳng hiểu vì sao nhưng cứ đi). Càng đi thì tôi càng thấy có nhiều phòng intenet ở dọc theo ga này (nhiều hơn ở bất kỳ nhà ga nào trước đây tôi từng thấy). Tôi thấy tên đường là Chezhan Zhong Lu. Vậy là tôi cứ đi về phía tay phải. Có khá nhiều người đứng chìa ra tấm bảng ghi chữ
(kinh nghiệm ở ga Huaihoa đây – họ là cò phòng ấy). Tôi biết rằng xung quanh đây hẳn có nhiều phòng trọ. Tôi cứ đi dọc theo đường Chezhan Zhong Lu. Dọc đường này có khá nhiều nhà trọ nhưng nhìn không rẻ tí nào. Vậy là tôi cứ bước đi. Đến đầu một con hẻm (trông như hẻm vào chung cư ấy), có khá nhiều người cầm bảng đứng ở đầu hẻm. Tôi biết là đến “hang ổ” rồi đấy nên rẽ vào. Trời không tin nỗi. Hình như ở đây nhà nhà đều trở thành nhà trọ hay sao ấy. Tuy nhiên giá phòng khá giống nhau, từ 30-40 RMB/đêm. Tôi kiếm phòng giá 15 RMB nhưng chẳng có. Ah có đấy chứ, nhưng bé tí, chẳng có chỗ để hành lý. Chị chủ bảo để bên ngoài. Thôi cảm ơn. Cuối cùng tôi cũng kiếm ra một nơi, phòng nhỏ nhưng thoải mái và ấm cúng, giá 30 và tôi trả giá 20, cuối cùng ok.

(Nếu đi thẳng đường Chezhan Zhong Lu về phía trước, băng qua trái đường, đi qua khỏi đường dành cho tàu lửa chạy, dọc theo bên này cũng có nhà trọ, tôi đoán có thể giá rẻ hơn bởi vì ở xa nhà ga hơn, có thể ở đây có phòng giá 15 RMB đấy (dù cũng nằm trên Chezhan Zhong Lu))

Sau khi thu xếp xong thì đã 2h chiều, tôi tranh thủ đi đến viện bảo tàng thành phố Hunan (nghe nói ở đây vào cửa miễn phí).


Tôi quay về ga xe lửa (thường ở Trung Quốc, trước cửa ga xe lửa cũng là trạm xe buýt lớn) và hỏi thăm thì được biết lên xe buýt 136 (dân ở đây phát âm số 1 (yi) thành (yao) nên nghe mãi mới hiểu). Giá vé xe buýt 2 RMB và tôi được chở qua đường Bayi đến đường Yingbin rồi ra đường Dongfeng. Tôi xuống xe ở viện bảo tàng. Hôm nay ở đây có khá đông khách tham quan, giá vé là 30 RMB (chả miễn phí đâu). Viện bảo tàng trông khá lớn, tuy nhiên lúc đó cũng gần đến giờ đóng cửa rồi nên tôi không vào (vả lại cũng tiếc tiền vé cửa nữa – nghe nói nhiều nơi ở Trung Quốc miễn phí vào cửa bảo tàng lắm – thôi đợi đến nơi nào có miễn phí thì vào hehehe).

Không vào bảo tàng, tôi đi ra công viên Matyrs’ (công viên dành để tưởng niệm những người tử vì đạo – hiểu ở đây là những liệt sĩ ấy).

Công viên này trông như một khu rừng vậy đó. Cây cối khá nhiều và không khí trong lành vô cùng. Dọc theo lối đi là những thùng rác, trên thành của những thùng rác có cả tranh đồng nữa ấy (lần đầu tôi thấy người ta đính tranh đồng trên thùng rác ấy.)

Ở đây người ta giáo dục người dân về ý thức bảo vệ môi trường. Bạn có thể đọc những câu như : công viên phục vụ chúng ta nên chúng ta phải bảo vệ công viên, hãy nâng niu cây cối, quan tâm đến môi trường là quan tâm đến sức khỏe của chính chính ta, môi trường trong lành hay không là do chính chúng ta tạo ra,….



Thật là hay phải không? Không biết các công viên ở Việt Nam có những câu khẩu hiệu như thế này chưa nhỉ? Ah quên, trong công viên này có cả amusement park với thật nhiều trò chơi, có nhiều trò chơi mà tôi xem tivi thấy có ở các công viên ở Mỹ và Châu Âu ấy. Khu trò chơi ở đây rất hoành tráng. Ngoài ra ở đây có một cái hồ khá lớn với một cây cầu khá đẹp và thơ mộng bắc ngang qua.

Trạm xe lửa Changsha cũng nằm ngay trung tâm. Vì vậy ở đây cũng có nhiều khu mua sắm, tuy nhiên nhìn chả rẻ tí nào. So với những nơi khác thì nơi này vẫn còn lạnh lắm, ra đường mà gió thổi rát cả mặt. Vả lại theo các trang web du lịch thì hầu như thành phố này chẳng có gì để tham quan ngoài vài viện bảo tàng và công viên cả. Phong cảnh ở đây so với thành phố Liuzhou thì thua xa. Chủ yếu khách du lịch đến đây là để chuyển tiếp đến Shaoshan, quê của Mao Trạch Đông ấy.

Kỳ sau: Tôi đi Trung Quốc (31): Wuhan (Vũ Hán) (1)

2 nhận xét:

  1. Đọc bài này có 3 chỗ mà em cười muốn vỡ bụng (người ngoài chắc ngạc nhiên lắm khi tự nhiên có con nhỏ ở 1 mình trong phòng trọ lâu lâu lại phát ra tiếng cười):

    1. Đoạn người Trung Quốc hay nhìn xuống giày người khác.
    2. Đoạn người Trung Quốc "thả dê" nhưng vẫn tự trọng.
    3. Đoạn đi tàu đứng và cảm giác bị "tống cổ".

    Trả lờiXóa
  2. haizz.cong nhan hay that.kiem mai moi co bai nhu vay`.hop voi y cua em qua .

    Trả lờiXóa