Sáng hôm sau, đón xe buýt số 12 trước cửa siêu thị Wal Mart, tôi ra ga để đi Maoming. Ở ga này muốn vào cổng phải trình vé và chứng minh nhân dân. Tôi bước đến bàn kiểm tra đưa vé ra và nói không có chứng minh nhân nhân. Không hiểu sao người kiểm soát nhìn tôi một cái rồi phát tay cho đi luôn. Tôi đến sớm hơn 1 tiếng đồng hồ nên chẳng có việc gì để làm ở ga ngoài việc ngồi ngắm những người Trung Quốc cũng đang đợi tàu. Cặp vợ chồng trước mặt tôi – người chồng mặc quân phục (chắc là bộ đội rồi) có đứa con trai khoảng 6-7 tuổi. Ngộ một điều là người chồng này nắm giữ tài chính hay sao á mà người vợ muốn mua mì gói cho con ăn phải chìa tay ra bảo chồng đưa tiền. Đa số những người chờ tàu cùng tôi đều mua vé đứng không hà (trên vé chỉ ghi số toa tàu mà không có số ghế ngồi thì chắc chắn là vé đứng rồi – giá chỉ ½ giá vé của tôi thôi. Nếu hành lý gọn nhẹ hơn thì tôi cũng mua vé loại này cho rẻ tiền)
Có một việc buồn cười là khi qua cổng để đi ra tàu, có một người cầm loa và yêu cầu mọi người xếp hàng trật tự và ngăn nắp đi theo ông ta – chắc là để tránh cảnh chen lấn đây mà. Ngoại trừ có một gia đình (qua cách ăn mặc thì có vẻ giàu có) là không phải xếp hàng mà đi thẳng ra tàu luôn (vậy là có ngoại lệ cho khách VIP rồi). Sau khi ra đến đường ray thì đang đứng loay hoay chẳng biết đi hướng nào để đợi cho gần toa tàu của mình thì tôi thấy một cô gái Trung Quốc cũng kéo hành lý đi một mình. Tôi hỏi chuyện thì ra cô ta cùng toa với tôi nhưng đi đến Zhanjiang (cách Maoming khoảng 1.5 tiếng bằng xe buýt). Vậy là tôi đi theo cô ta khi tàu đến. Cô ta có vẻ khá thân thiện, chỉ tiếc là tiếng Hoa của tôi còn giỏi hơn tiếng Anh của cô ta nữa nên cuối cùng chẳng nói chuyện được nhiều.
Tàu đến Maoming vào khoảng 12.30 trưa. Ra khỏi ga, tôi chẳng biết nên đi đâu về đâu nên leo đại lên xe buýt số 11. Xe đi ngang một trung tâm khá náo nhiệt và tôi đoán đây là trung tâm nên leo xuống. Đi bộ mấy tiếng đồng hồ lòng vòng khu này để kiếm nhà trọ giá rẻ, rẻ nhất là 50 NDT/đêm thì lại không chấp nhận người nước ngoài. Cuối cùng tôi lội bộ trở lại ga (cách trung tâm này khoảng 20 phút đi bộ) hy vọng gần nhà ga sẽ có nhà trọ giá rẻ nếu không thì đón tàu đi đến thành phố khác luôn.
Khi đi bộ đến ga thì tôi phát hiện gần ga là một bến xe buýt, bước vào hỏi vé đi thành phố tiếp theo là Beihai, không có vé. Tôi lại hỏi vé đi Zhanjiang, hình như tôi phát âm không chính xác nên người bán không hiểu hay sao ấy mà chị ta lắc đầu nói không có (sau này kiểm tra trên internet tôi biết rằng cứ mỗi 25 phút thì có một chuyến xe buýt khởi hành đi Zhanjiang mỗi ngày cơ mà). Bước ra ngoài, một đám tài xế xe ôm vây quanh, tôi nói muốn tìm nhà trọ giá rẻ 20-30 NDT/đêm. Vậy là họ chỉ tôi vào nơi bán hàng tạp hóa ngay cạnh nhà ga xe lửa (đối diện xéo bến xe) – ngụy trang kiểu này thì đố người nước ngoài biết được đây là nhà trọ chứ. Thì ra sau lưng nơi bán hàng là một dãy phòng cho khách lỡ tàu/xe ở, giá phòng cho một người là 30 NDT/đêm. Phòng khá nhỏ, toilet và nhà tắm bên dưới khá sạch sẽ. Tôi trả giá mãi không được nên đành chịu. Cô gái bán hàng khá lanh, cô ta nói liên tục như súng liên thanh làm tôi chẳng có cách nào khác đành móc túi trả tiền vậy.
Vậy là sau 5 tiếng lòng vòng ngoài đường tôi cũng kiếm được nơi ở. Cho hành lý vào phòng xong, tôi đi khám phá Maoming ngay. Đinh ninh rằng đêm nay là 30 tết, là đêm giao thừa, tôi ra trung tâm để xem người dân làm gì. Hỏi đường 2 bạn sinh viên, tôi mới biết thì ra là tôi nhầm to, hôm nay mới 29 thôi ngày mai mới giao thừa.
|
Maoming về đêm. |
Quyết định ở thêm 1 đêm để đón giao thừa cùng người dân Maoming. Sáng tôi xuống nhà để đóng tiền thì không thấy cô gái lanh chanh đâu chỉ có một ông chú đang ngồi trông cửa hàng. Ông ta điện thoại hỏi và sau đó cho tôi biết hôm nay tôi phải trả 35 NDT. Ghét quá, tôi nói không thèm ở nữa và sẽ mua vé đi Beihai.
Nhưng lại không có vé, tôi lên xe buýt dự định đi dạo một vòng kiếm nhà trọ khác thì lại lên nhầm xe buýt 302 đi ra ngoại thành. Phải trả 3 NDT tiền xe buýt, mãi rồi xe cũng dừng ở một ngôi làng. Nhảy xuống xe, tôi thấy trước mặt có một ngôi đền nhang khói nghi ngút, chạy ngay vào xem thì thấy có hai người đang xin quẻ.
Một ông chú gầy nhom (trông dáng vẻ y như một người dân quê ở Việt Nam) đang cầm một bó nhang để lên ngang đầu và đọc to câu gì đó (chắc là câu dùng để xin quẻ) sau đó thảy hai quẻ âm dương lên. Tôi đoán chắc ông ta là ông từ giữ đền đang xin quẻ âm dương cho người dân. Mắc cười nhất là khi tôi chụp hình, ông ta lại vừa đọc vừa ngó tôi (trước mặt thần thánh mà sao nhãng như thế thì ai cho quẻ chứ?)
Đi một vòng quanh làng để xem thì thấy trước mặt là những hộp bánh to đỏ chói. Tôi có một thói quen xấu ghê - hễ thấy cái gì có vẻ ăn được là tôi phải ngó dù chẳng mua và chẳng ăn. Đến gần ngó thì ra đó là những phong pháo to đùng được cuộn tròn (Việt Nam cấm đối pháo lâu quá nên bây giờ tôi mới nhớ ra hình dáng một phong pháo là thế nào). Xung quanh là khung cảnh mua bán náo nhiệt. Người dân chuẩn bị cúng 30 đây mà.
Lên xe trở lại trung tâm, tôi lang thang từ siêu thị này đến siêu thị khác. Lúc đó là đã trưa, các siêu thị tương đối vắng vẻ, chắc mọi người đã mua đủ và đang sắm cỗ để cúng nên chẳng ai buồn đi siêu thị nữa. Có một siêu thị khuyến mãi, mua một tặng một đối với một số món như bánh ngọt, gà và vịt quay (trông như đang bán tống bán tháo để nghỉ cuối năm đây mà). Ngoài dường phố cũng khá vắng vẻ làm tôi phát hoảng lên, có thể ngày mai mùng một mọi thứ mà im lìm như thế thì tôi lấy gì ăn đây (có thể không ai bán gì hết chăng). Tôi ghé mua hai gói mì ăn liền để thủ thế.
Tối, tôi đi lang thang ra cây cầu nơi sẽ bắn pháo hoa để chào mừng năm mới. Gần đó là một công viên nơi người dân đến để chơi thể thao. Trong công viên có sẳn bàn để chơi bóng bàn, các dụng cụ để tập thể dục. Tất cả đều miễn phí. Trung Quốc cũng quan tâm đến sức khỏe người dân ghê. Ngoài ra ở đây còn có hát karaoke ngoài trời. Một dàn loa, màn hình ti vi, 2 NDT/bài. Thế là người dân có dịp thi đua giọng hát với nhau ngay giữa trời đất. Chiêu kinh doanh này không biết ở Việt Nam có chưa nhỉ?
|
Hát Karaoke |
Loay hoay đến 11h đêm, quá mệt mỏi nên tôi đi về ngủ thay vì chờ xem pháo hoa. Lúc về thì tôi thấy một cô gái khác đang ngồi trực (cửa hàng này mở cửa 24/24 mà). Tôi đến hỏi để đóng tiền thì cô ta cũng nói giá 35 NDT. Không chịu, tôi nói cô gái kia (cô gái lanh chanh) nói có 30 NDT thôi. Cuối cùng thì tôi cũng chỉ trả 30 NDT. Khi tôi leo lên giường ngủ thì nghe tiếng pháo đùng đùng bên tai – 12h đêm rồi.
Sáng hôm sau, dự định ở thêm một đêm nữa để ngắm cảnh thành phố vắng vẻ vào ngày mùng một tết. Ôi thật là ngoài dự định của tôi, người dân chẳng muốn ở nhà hay sao ấy, họ đổ xô đến các siêu thị và trung tâm mua sắm để mua thỏa sức với những đồng nhân dân tệ mới tanh (tiền lì xì đây mà). Dân Trung Quốc quả là rất thích mua sắm, họ mua hàng khiếp luôn. Tôi nghĩ trước đó họ đã mua đủ cho cả cái tết rồi chứ, vậy mà ngày mùng một họ lại khệ nệ khiêng vác hàng từ các siêu thị về nhà. Các siêu thị tấp nập, các quầy thu ngân đông nghẹt. Thật là ngán ngẩm cho một đất nước đông dân.
Tôi ra đường. Ngoài đường, người dân đi lại nhộn nhịp. Các công viên đông đúc và ồn ào. Điều kinh dị nhất là họ xả rác quá vô tư. Một công viên đẹp đẽ đến chiều là biến thành một bãi rác, khắp nơi là bịch nylong.
Chẳng biết ông Hồ Cẩm Đào giáo dục nhân dân của ông ta như thế nào mà ý thức về môi trường của họ quá kém. Các bạn mà chứng kiến cảnh một bãi cỏ xanh ngát vào buổi sáng biến thành trắng xóa (bịch nylong) vào buổi chiều thì chẳng biết nói gì luôn. Không biết ở Việt Nam có cảnh này không? Nếu có thì hy vọng mọi người đừng nhuộm màu các thảm cỏ trong công viên của mình như các bạn Trung Quốc nhé! Điều vô tư thứ hai của họ là họ ngồi ăn ngon lành bên cạnh những đống rác ny long như thế đấy.
Kinh quá! Tôi đi vào một siêu thị bên dưới một công viên xem thì thấy siêu thị cũng biến thành bãi rác luôn. Hàng hóa vất lung tung, vỏ bọc rau quả nằm tùm lum (đa phần là vỏ ny long). Siêu thị này giống như một cái chợ hỗn tạp. Ngán cho một đất nước đông dân mà kém ý thức quá.
Tôi lại lang thang, lần này lọt vào một khu chợ địa phương nơi tôi mua một chiếc xe đẩy cho túi hành lý của tôi với giá 28 NDT (trong Wal Mart lại có giá đến 39 NDT). Nhiều người dân nghèo Trung Quốc không có tiền mua hành lý có cần kéo nên họ mua xe đẩy kiểu này và cho các túi hành lý lên, vậy là có một suitcase kéo khá rẻ. Túi hành lý của tôi sau những ngày vất vả với những con đường gập ghềnh ở Trung Quốc thì bị bung ốc hết nên tôi phải mua xe kéo này. Vả lại xe kéo này có bánh xe khá to, thích hợp với những lề đường lồi lõm ở đây. Đúng là người dân Trung Quốc khá sáng tạo, họ tạo ra mọi thứ phù hợp với môi trường và túi tiền người dân ghê. Loại xe đẩy này có thêm một cái túi ở trên là trở thành xe đẩy dùng để đi chợ hàng ngày. Vậy là người dân không cần phải xách nặng tay, chỉ cần kéo xe đi chợ thôi. Không biết ở Việt Nam có loại hàng hóa này chưa? Ngoài ra nếu sau này có bạn nào đi Trung Quốc mà va li bị hư bánh xe thì sắm một cái xe kéo này nhé. Loại xe này khi không sử dụng có thể gấp lại rất gọn.
"Ngoài ra ở đây còn có hát karaoke ngoài trời. Một dàn loa, màn hình tivi, 2 NDT/bài. Thế là người dân có dịp thi đua giọng hát với nhau ngay giữa trời đất. Chiêu kinh doanh này không biết ở Việt Nam có chưa nhỉ?" --> Có rồi đó chị, ở Hà Nội, ngay quảng trường thủ đô, các ngày hè dân tình ra uống nước mía và hát karaoke tránh nóng :D
Trả lờiXóa"Không biết ở Việt Nam có cảnh này không? Nếu có thì hy vọng mọi người đừng nhuộm màu các thảm
Trả lờiXóacỏ trong công viên của mình như các bạn Trung Quốc nhé! Điều vô tư thứ hai của họ là họ ngồi ăn ngon lành bên cạnh những đống rác ny long như
thế đấy..." --> Hí hí, người Việt ta cũng xả rác, nhưng ít thôi, vì ý thức người dân ngày càng cao hơn rồi, những nơi khang trang lịch sự cũng được người dân chú ý giữ gìn, hơn nữa cũng có người quét dọn thường xuyên.
Mà chị quanh năm đi bụi nên tình hình Việt Nam ít cập nhật nhỉ?