Chuyến xe buýt đi từ Quảng Châu đến Zhaoqinh hầu như trống rỗng, chỉ có vài người đi thôi. Tuy nhiên cũng đáng đồng tiền bởi vì xe khá mới, sạch sẽ và hiện đại. Lúc đó chỉ khoảng gần 2h trưa, vậy mà lại kẹt xe ngay cửa ra vào thành phố. Do đó đến hơn 4h chiều thì xe mới đến Zhaoqinh.
Thành phố Zhaoqinh không nhỏ chút nào. Xe đỗ ngay gần siêu thị Wal Mart và khu trung tâm mua sắm rộn rịp nhất thành phố. Thì ra đó là bến xe đường dài, toàn là những xe mới và hiện đại. Từ bến xe bước ra, tôi đi dọc theo đường Wenming để kiếm nhà trọ giá rẻ. Ở đây giá rẻ nhất là 50 NDT. Dĩ nhiên là tôi không ở rồi. Đi dài hạn như tôi mà luôn ở những phòng giá gần 10 đô Mỹ như thế thì còn gì là ngân sách.
Thấy một tòa nhà lớn lớn trông giống nhà nghỉ tôi bước vào hỏi: phải nhà nghỉ không? Ông lão gác cổng nhìn tôi cười cười và hỏi nhà nghỉ nào. Có biết nhà nghỉ nào đâu nên tôi bước ra. Lúc đó bà lão đang đứng nói chuyện với ông bước ra và ngoắc tôi đi theo bà về phía trước. Đi hết đường Wenming ra một con đường thật lớn Jianshe, bà chỉ vào tòa nhà đồ sộ trước mặt ghi giá 60 NDT. Tôi nói mắc quá. Bà dẫn tôi qua đường, đi một đoạn đén một nhà nghỉ khác giá 45 NDT. Tôi vẫn nói mắc. Bà nói muốn rẻ hơn thì đi về hướng ngược lại. Bà định quay lại để đi cùng tôi. Tôi cản và nói cảm ơn, tôi có thể tự đi, bà không cần đi cùng tôi nữa (tôi thấy làm phiền bà lão như vậy là quá đủ rồi.)
Kéo hành lý đi, tôi dừng lại ven đường mua một cái bánh bò ăn cho có sức đi tiếp. Đi một đoạn, tôi thấy một con đường hẻm bên tay trái trông có vẻ náo nhiệt và có một tấm bảng ghi giá 15-20-30-40 NDT gì đó. Hy vọng đó là nhà nghỉ, tôi bước vào hỏi thì họ phẩy tay về phía trước. Tôi đi tiếp đến 1 toà nhà có bậc thang đi lên. Tôi dừng lại và thấy ở đầu bậc thang có một ông chú đang đứng. Tôi ngước lên hỏi: phải đây là nhà nghỉ không? Ông ta ngoắc tôi đi lên và ra giá 40 NDT. Tôi nói mắc quá. Ông ta nói phòng tốt giá 40 NDT, phòng thường giá 20 NDT.
Nghe nói có phòng giá 20 NDT tôi mừng húm nên nói ông ta mở cửa phòng cho xem. Trong phòng chỉ có một cái giường cũ, trên có nệm, gối và một cái cái chăn. Cạnh giường là một cái bàn viết lớn có 4 ngăn kéo. Trong góc phòng là một thùng đỏ và một cái giỏ rác cũng màu đỏ. Phòng không lớn mà cũng không nhỏ , thoải mái cho một người ở. Toilet và nhà tắm bên ngoài.
Dĩ nhiên là phòng không đến nỗi tệ. Tôi ra giá 2 đêm 30 NDT. Ông ta hơi ngần ngừ và gật đầu luôn. Sau đó tôi đưa hộ chiếu cho ông ta làm thủ tục và trả tiền 30 NDT cùng 10 NDT tiền cọc cho chìa khóa phòng.
Chỉ dự định ở 2 đêm tại Zhaoqinh, sau đó sẽ đi nơi khác. Tuy nhiên, nơi ở này lại quá thoải mái. Nhà tắm và toilet nằm bên trong nhà bếp của gia đình ông chủ nên họ dọn dẹp suốt. Trên bếp luôn có ấm nước nóng thật to, cạnh bên là một xô nước lạnh để châm vào. Khi nào khách lấy nước nóng cho vào xô để tắm rửa thì châm thêm nước vào nấu (bây giờ thì tôi biết công dụng của cái xô đỏ trong phòng rồi). Bếp luôn đỏ lửa than. Ở đây có hai nhà tắm khá sạch sẽ bởi vì đây cũng là nơi gia đình họ rửa đồ ăn để nấu nướng. Tuy nhiên toilet của họ thì tôi chưa đi bao giờ (cũng có hai cái). Tôi toàn là đi bộ đến Wal Mart để đi nhờ toilet ở đây mỗi khi cần đại tiện. Siêu thị Wal Mart này sạch sẽ vô cùng. Luôn có một ngũ nhân viên quét dọn (đa số là người lớn tuổi.) Ở Wal Mart, có khu bàn ghế cho khách ngồi ăn sau khi mua. Nhân viên quét dọn luôn túc trực để dọn dẹp nên khu vực này cũng luôn luôn sạch sẽ.
Tôi lại thêm một phát hiện. Con đường Wenming ngay gần nhà trọ của tôi cũng là khu chợ đêm tấp nập. Lúc tôi đến Zhaoqinh, ngay trước cổng siêu thị Wal Mart và siêu thị Star Lake Mart ngay sát cạnh bên có một khu hội chợ. Vui ơi là vui! Tôi cũng phát hiện ra là Star Lake Mart thu hút nhiều khách mua sắm hơn là Wal Mart có thể là do giá cả cạnh tranh hơn chăng? Ô siêu thị Wal Mart nổi tiếng là giá rẻ mà không cạnh tranh nổi ở đây thì cũng thật kỳ lạ nhỉ. Dĩ nhiên là tôi thích Wal Mart hơn do vắng khách mua sắm hơn rồi.
Hai ngày qua cái vù. Tôi đóng thêm 30 NDT ở thêm 2 ngày nữa. Mỗi sáng tôi thức dậy khá trễ, rửa mặt xong xuôi cũng đã trưa nên ra nhà hàng ngay đầu ngỏ ăn cơm phần giá 5 NDT (thức ăn ở đây hợp khẩu vị vô cùng, không chua không cay không mặn, mọi thứ đều hài hòa như một bản tình ca.) Sau đó tôi vào siêu thị Wal Mart (ké toilet) để xem hàng hóa và xem người ta mua sắm. Sau đó đi dạo phố phường. Ở đây vừa kết thúc Guangzhou Asian Games 2010 nên đường phố còn rực rỡ không khí lễ hội và những hình nộm trông rất vui mắt cộng thêm không khí tết sắp đến. Tôi mê cái không khí của thành phố này quá.
Lại hai ngày nữa qua nhanh quá. Tôi lại đóng tiền ở thêm 3 ngày. Lần này tôi trả giá, 40 NDT/3 đêm. Ông chủ ngần ngừ rồi cũng gật đầu cái rụp.
Sau 4 ngày ngủ lại sức sau những ngày lang thang mua sắm cùng Sima, tôi lại thức dậy sớm để ra đầu ngõ mua bánh dumpling nổi tiếng ở đây (muốn mua bánh nóng ăn liền thì phải dậy sớm). Trời thì ra cái bánh nổi tiếng ở đây trông giống như bánh chưng của Việt Nam nhưng lại được gói theo hình bánh ú.
Cái nhỏ giá 3 NDT, cái lớn giá 4 NDT. Người bán lấy dao cắt gọn một phát vậy là bánh được mở ra làm hai. Người mua lấy đũa tre gấp bánh ăn. Bánh gồm có nếp, bên trong là nhân đậu xanh không vỏ cùng một ít mỡ heo băm cùng một ít lạp xưởng, tôm khô, hạt sen. Tóm lại người gói muốn cho gì vào cũng được để làm nhân bán.
|
Cảnh nấu bánh ăn Tết |
|
Bánh nấu xong thì treo như thế này. |
Thực sự sau những chuyến xe và tàu đường dài để đưa Sima về Quảng Châu thì tài chính của tôi có vẻ hơi bị thâm hụt. Nhưng những ngày “nằm vùng” tại Zhaoqinh đã giúp tôi cân bằng lại ngân sách. Những ngày ở đây hầu như tôi chẳng làm gì cả. Sáng ngủ nướng đến trưa, sau đó dậy đi ăn và đi loanh quanh để đói bụng, rồi lại ăn tiếp. Tôi mê thức ăn ở thành phố này quá, cả thức ăn bán trong siêu thị, ngoài đường phố lẫn trong nhà hàng. Chưa có thành phố nào ở Trung Quốc mà tôi ăn lại thấy hạp khẩu vị như ở đây.
Sau khi loanh quanh đến nỗi muốn thuộc lòng thành phố thì tôi bắt đầu hỏi thăm tuyến xe lửa đi Maoming (ở phía Nam của Quảng Đông, gần với Việt Nam – đến giờ tôi vẫn quan niệm là càng gần biên giới thì càng ấm). Tôi tự đi ra ga, tự hỏi thông tin, tự làm hết. Bây giờ thì tôi lại quen dần với việc đi lại một mình. Hóa ra ở Zhaoqinh có đến mấy bến xe lận và ga xe lửa thì ở khá xa trung tâm. May là trước đây tôi không đi xe lửa đến bởi vì nếu đi xe lửa thì có thể tôi không tìm được nhà trọ này và không có cảm giác vui vẻ như bây giờ.
Muốn đi Maoming thì phải mua vé ở bến xe buýt đường dài gần chỗ tôi ở, giá vé đến 140 NDT lận (chỉ 4-5 tiếng trên xe mà giá như vậy thì đắc quá) Trong khi đó vé tàu lửa thì từ khoảng 87-95 NDT ghế mềm bởi vì ghế cứng làm gì còn chỗ. Đi lại dịp lễ tết mà đành phải chịu thôi. Tuy nhiên tôi vẫn không mua vé vội.
Tôi lại tiếp tục khám phá Zhaoqinh, lần này tôi mua vé xe buýt giá 8 NDT ở bến xe Qiaoxi (từ Wal Mart đón xe buýt 11 đến bến xe này) để đi thăm làng cổ từ thời Minh của người Bagua. Thật ra tại Zhaoqinh có hai ngôi làng cổ từ thời Minh. Ngôi làng thứ nhất là Licha, nhỏ hơn, khách du lịch đến đông hơn, do đó muốn vào phải đóng phí 20 NDT. Tuy nhiên nghe nói dân trong làng bỏ ra ngoài hết rồi. Làng thứ hai lớn hơn, sống động hơn, ít du khách hơn và quan trọng là đến bây giờ vẫn còn miễn phí tham quan. Tuy nhiên, dân làng ít quen cảnh có khách du lịch viếng thăm, vì vậy họ vẫn có vẻ tò mò khi thấy khách du lịch. Dĩ nhiên, tôi chọn nơi nào miễn phí để đi rồi.
Xe chạy khoảng 40 phút thì đến nơi. Ngay đầu làng là một khu chợ bán bánh mứt cho dịp tết. Lúc tôi đến thì trong làng đang có tiệc. Vì vậy mà họ mở cửa một sảnh đường (có tổng cộng 12 sảnh đường được chạm trổ rực rỡ, bên trong để bàn thờ gia tiên của người Bagua) và ngồi ăn uống bên trong. Tôi không nói không rằng (bởi vì bình thường các sảnh đường luôn đóng kín cửa, muốn vào không dễ) phăng phăng cầm máy ảnh, băng ngang qua các bàn nơi người ta đang ngồi ăn uống, vào tận bàn thờ gia tiên chụp ảnh.
Sau đó lại phăng phăng đi ra trong khi nhiều người đang ăn tiệc nhìn tôi sững sờ, chẳng biết tôi đang làm cái quái gì trong buổi tiệc của họ. Tôi cúi mặt bước đi, hơi xấu hổ (thì ra dây thần kinh xấu hổ mà tôi tưởng bị đứt hết trong 3 tháng ở Ấn độ - do bị nhìn chằm chằm hoài – vẫn còn hoạt động tốt ở đây.) Tuy nhiên, tôi vẫn cúi mặt phăng phăng đi ra trước khi bị đánh (nếu có). Thực sự người dân làng không đến nỗi như vậy, tôi có cảm giác hình như họ gọi tôi lại để ăn tiệc cùng họ, nhưng do đang xấu hổ (bởi vì sấn sổ nhảy vào nơi người ta ăn uống chụp ảnh) nên tôi đi ra (nếu không thì tôi ngồi lại đánh chén với họ rồi.)
Chụp ảnh xong sảnh đường, tôi qua gian kế bên nơi họ để vỏ chai, bát dĩa và bàn ghế dư. Ôi, những cái ghế băng dài, nhỏ bản trông y hệt những cái ghế trong các tửu quán trong phim cổ trang. Mỗi khi thực khách muốn đánh nhau thì họ cầm lấy những cái ghế này mà phang và đỡ. Những cái ghế mà tôi thấy y chang như vậy đó. Còn những cái tô thì đáy nhỏ miệng to. Những cái tô này hồi tôi còn nhỏ xíu, về ngoại ăn cơm bằng tô như vậy hoài.
Rời khỏi khu tiệc, tôi đi vào các khu dân cư để xem và chụp ảnh. Kỳ lạ là người dân ở đây ở chung lẫn lộn cùng với những nhà cũ, đổ nát.
Nghĩa là một ngôi nhà có người ở có thể nằm cạnh bên một ngôi nhà đổ nát không người ở. Những cánh cửa gỗ mục ruỗng, những căn nhà hoang tàn, những căn gác, những chái bếp, kể cả cách họ phơi đồ và ngồi cạnh thành giếng nói chuyện đều gợi cho tôi nhớ đến những bộ phim cổ trang của Trung Quốc và Hồng Kong quá.
|
Gác lửng tiêu điều |
|
Nhà hoang |
|
Nhà có người ở |
|
Dấu hiệu của sự sống |
Thế đấy, tôi cứ một mình đi loanh quanh trong làng, người dân nhìn tôi quá trời, tôi cũng mặc kệ. Cuối cùng tôi thấy một cái sảnh đường mở cửa và có người ra vô gánh đồ và đốt nhang. Tôi lật đật chạy tới (lúc chụp hình ở đám tiệc sợ bị đánh nên có dám chụp nhiều đâu). Khi vừa bước chân vào cửa thì mấy đứa trẻ đốt pháo nổ đùng đùng ngay bên ngoài. Tôi hơi giật nẩy người. Người dân ở đây tốt bụng ghê. Họ nghĩ tôi sợ tiếng pháo nên vào đây núp. Họ tìm cách trấn an tôi và nói đừng sợ. Tôi bước vào sâu bên trong định chụp ảnh thì họ nói chỉ là tiếng pháo không có gì phải núp và họ ngoắc tay nói tôi ra đi đừng sợ. Quê là không chụp hình được bởi vì họ đóng cửa rồi, đã vậy còn bị mang tiếng là sợ tiếng pháo nữa chứ.
Tôi lại tiếp tục loanh quanh và lại thấy một cái sảnh đường khác mở cửa. Ở đây vắng vẻ hầu như chẳng có ai. Tôi bước vào ngắm và chụp hình thật đã. Nói chung là bàn thờ gia tiên ở đây trông y hệt như trong phim nhưng chỉ khác là ở đây tôi được nhìn tận mắt thôi. Ngoài cổng lớn thì có một cái cửa gỗ chạm trỗ đẹp mắt, cửa này là bức bình phong ngăn giữa bàn thờ gia tiên và cửa chính. Đa số người dân không bước qua cửa này để vào mà đi vòng sang trái hoặc phải (chả hiểu vì sao?)
|
Đường làng |
Nói chung khu làng này khá sạch sẽ. Người dân ở đây trông hơi khác những người Trung Quốc khác, mắt họ sâu hơn và mày rậm hơn. Đi xem chán chê, tôi ra đón xe quay về Zhaoqinh, lại trả 8 NDT cho chiều quay về.
Vòng qua vòng lại thế là hết một tuần lễ “nằm vùng” tại Zhaoqinh, cả tinh thần, thể xác và tài chính hồi phục và cân bằng sau thời gian ở đây. Ngày thứ 7 ở tại Zhaoqinh, tôi quyết định ra phòng bán vé xe lửa mua vé đi Maoming bởi vì xe buýt mắc hơn đến gần 50 NDT. Tuy nhiên, chỉ có tàu đêm cho ngày hôm sau, nghĩa là tôi sẽ đến Maoming vào lúc gần 11h đêm. Tôi hỏi vé cho ngày hôm sau nữa thì có vé tàu sáng lúc 9h15 và tàu đến vào khoảng 12h15 (chỉ 3 tiếng đồng hồ trên tàu thôi). Tôi mua vé tàu này, giá 87 NDT cộng thêm 5 NDT tiền phụ thu do mua vé tại văn phòng trong thành phố chứ không phải tại ga. Kệ bởi vì nếu ra tận ga để mua thì tiền xe buýt đi và về là hết 3 NDT rồi. Ôi, vậy là tôi lại ở Zhaoqinh thêm ngày thứ 8.
Hôm nay là ngày thứ 8 tôi ở tại Zhaoqinh. Hôm nay cũng là ngày 31/1/2011, cũng là ngày 29 tết âm lịch. Hầu như cả ngày tôi nhốt mình trong phòng để viết bài trong hơn 10 ngày qua bởi vì từ khi quay trở lại Trung Quốc lần hai, tôi hầu như chẳng viết gì hết, một phần là do lười biếng, một phần do tâm trạng háo hức không còn nữa. Tôi biết nhiều tiếng Hoa hơn và mang tâm trạng người địa phương nhiều hơn người lạ rồi. Đó là lý do tôi thích đi du lịch đến một nước lâu là vậy. Khi ở lâu rồi thì sẽ biết ít nhiều tiếng địa phương, phong tục và có thể hành xử như người địa phương, do đó chi phí sẽ rẻ hơn. Vì vậy càng đi du lịch lâu thì chi phí càng rẻ là vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét