Tàu đến Quảng Châu vào khoảng 8h sáng. Từ ga bước ra, gặp lại 4 người Ba Lan. Sima hỏi ghế ngồi của họ thế nào. Họ nói khá tốt, hầu như chẳng có vấn đề gì. Tôi bước đến phòng thông tin hỏi thăm bến tàu điện ngầm (metro). Thì ra nó nằm ngay sau lưng quầy thông tin.
Tôi, Sima và 4 người Ba Lan đều bước xuống cầu thang nhưng sau đó thì chúng tôi mất dấu họ, chẳng biết họ đi đâu. Ở đây, hệ thống metro bán vé tự động. Mỗi người mua phải chuẩn bị tiền xu hoặc nếu tiền giấy thì máy chỉ chấp nhận tờ 5 đồng và 10 đồng mà thôi. Nếu không có tiền xu lẫn tờ 5 và 10 đồng thì có thể đến quầy để đổi tiền. Sau khi có tiền đúng yêu cầu thì vào máy chọn tuyến tàu của mình (Làm sao biết tuyến nào mà chọn? Có bản đồ hướng dẫn ngay bên cạnh. Quan trọng là phải biết mình muốn đi ga nào, sau đó tìm trên bản đồ xem ga của mình nằm ở tuyến màu cam, màu vàng hay màu lục. Ở đây có 5-6 tuyến thôi.) bằng cách bấm vào màu tương ứng, sau đó bấm ga muốn đi. Ngay ô bên cạnh sẽ hiện ra giá tiền. Nếu muốn mua hai vé thì bấm vào số 2. Sau đó nạp tiền vào khe. Nạp đến đâu thì máy tính sẽ hiện ra số tiền nạp đến đó. Sau đó máy nhả ra token cho một lần đi cộng với tiền thối bằng đồng xu. Nói tóm lại là việc mua vé tự động khá dễ dàng.
Dựa vào sách hướng dẫn du lịch, chúng tôi muốn đi ga Fangcun (đọc thành Phang chuẩn) bởi vì ở đây có Riverside Youth Hostel, nằm ngay trên bờ sông Pearl. Mỗi người trả 4 NDT cho metro. Vậy là chúng tôi lên tàu.
Hệ thống metro tại Quảng Châu khá là hiện đại. Vì thế chỉ lần đầu chúng tôi gặp rắc rối, sau đó thì rất dễ dàng trong việc xác định đúng hướng để lên đúng tàu. Trên tàu có thông báo bằng tiếng Hoa và tiếng Anh. Ngay mỗi ga đều có chữ ghi tên nhà ga. Hướng nào tàu đi thì hiện chữ nổi, hướng ngược lại thì có chữ chìm. Vì vậy khi cần đi ga nào đó, chúng tôi chỉ cần tìm trên phía chữ nổi có tên ga của mình không. Nếu không thì chạy qua hướng kia.
Riverside Youth Hostel nằm trên đường Changdi ở khu Fangcun. Đây là khu đường mới thành lập nên không phải ai cũng biết. Sau khi ra khỏi ga điện ngầm, hỏi thăm vài người chúng tôi mới tìm được đến nơi. Hostel này trông khá hoành tráng, nằm giữa những khách sạn bề thế. Nếu so sánh với Sài Gòn thì khu vực này giống như khu vực cạnh bến Bạch đằng vậy đó. Giá dorm ở đây là 55 NDT cho thành viên và 65 NDT cho người không phải thành viên. Tôi nói giá như vậy thì không rẻ nếu chúng tôi phải ở đến 3 đêm.
Sima bàn với tôi vào đó gửi nhờ hành lý sau đó cùng đi kiếm nơi khác rẻ tiền hơn. Tôi hơi ngại nhưng bà ta nói cứ hỏi bởi vì theo bà nhận xét thì các tiếp tân của youth hostels tại Trung Quốc khá là dễ thương.
Vậy là bà ta bước vào nói với họ. Dĩ nhiên là họ đồng ý và đưa cho chúng tôi thẻ gửi hành lý. Chúng tôi đi ra con đường ở cạnh đó, vừa đi vừa hỏi thăm nhà nghỉ giá rẻ. Cuối cùng được chỉ vào một con hẻm. Tại đây giá phòng đôi là 88 NDT. Chúng tôi trả giá xuống còn 70 NDT/đêm. Trong phòng có máy điều hòa lạnh mà không có máy điều hòa nóng bởi vì họ nói chẳng bao giờ nhiệt độ lạnh đến mức phải cần đến nó. Tuy nhiên trong phòng có tivi và nhà tắm có nước nóng. Phòng khá sạch sẽ và thực ra đây là khách sạn chứ không phải nhà nghỉ.
Tôi và Sima quay lại youth hostel để lấy hành lý. Trong khi chờ Sima hỏi thăm thông tin về việc đi ra sân bay bằng cách nào thì tôi mở máy tính ra để thử vào internet. Thì ra wifi ở đây không có mật mã, ai vào cũng được. Tôi thông báo với Sima việc này. Bà nói sau này chúng tôi có thể đến ngồi trên ghế ở ngoài sân để sử dụng wifi.
Sima có vẻ thích thú lắm bởi vì vừa được ở phòng giá rẻ vừa có thể sử dụng wifi miễn phí. Chúng tôi hầu như mỗi ngày đều đi bộ ra khu youth hostel này để dùng wifi. Lúc đầu Sima vào xin sử dụng máy tính của họ. Mặc dù Sima không ở đó nhưng họ vẫn cho phép bà ta sử dụng. Tuy nhiên máy tính ở đây chỉ miễn phí 15 phút đầu, sau đó thì phải đóng tiền.
Những hướng dẫn cho du khách đến các địa điểm tham quan tại Quảng Châu mà tôi chụp được ở Riverside Youth Hostel
Khu Fangcun chúng tôi ở nổi tiếng với chợ trà. Ở đó 3 ngày nhưng chúng tôi chưa có dịp đi đến đó bao giờ bởi vì cứ bước chân ra khỏi cửa thì không lạc vào khu chợ này thì cũng lạc vào trung tâm mua sắm nọ.
Chúng tôi cũng đi ra khu phố mua sắm ở đường Beijing (Bắc Kinh). Thực ra khu phố này bán đồ không rẻ chút nào. Sima luôn miệng bảo đây là khu phố nhà giàu, không phải là nơi bà cần. Tuy nhiên ở khu này có một ngôi chùa khá rộng, người dân vào đốt nhang nghi ngút. Ở đây có bán cơm chay, 5 NDT/phần. Tôi cũng mua ăn thử. Có người bảo ẩm thực Trung Quốc chia làm 4 trường phái: bắc mặn, nam ngọt, tây cay, đông chua. Ở phía Tây ăn cay thì tôi thừa nhận qua những thành phố mà tôi ở trước đây. Nhưng đây là thành phố Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, nhìn trên bản đồ thì thuộc phía Đông Nam mà sao thức ăn ở đây mặn quá. Sau này ăn những món khác tôi cũng thừa nhận là dân ở đây không ăn cay mà lại ăn mặn. Vì vậy khi mua đồ ăn thì người bán luôn hỏi có muốn ăn cay không, nếu muốn thì họ mới thêm ớt vào. Trong khi ở phía Tây, họ không thèm hỏi, cứ việc cho ớt vào, khi nào không ăn nói trước thì họ mới không cho. Ah họ có hỏi đấy chứ nhưng mà hỏi có cần thêm muối vào không? Hehehe. Trên bàn ăn luôn có để thêm hũ muối cho những người muốn ăn muối.
Chê khu đường Beijing bán hàng mắc, chúng tôi đi qua khu quảng trường Hải châu (cũng phải hỏi thăm đã đời mới đến nơi được.) Ở đây có những khu bán lẻ giá sỉ dưới tầng hầm. Sima vào mua mấy cái quạt để dưới laptop cho mát cộng thêm ổ cắm USB có nhiều đầu ra đủ hình như hình rô bô, hình bông hoa,…và nhiều thứ lặt vặt khác. Bà ta mua một cách thích chí và say mê. Câu mà Sima hay nói là trời ơi, rẻ quá, chỉ có vài đô, với vài đô này thì hầu như chẳng mua được gì ở Úc. Ở đó chỉ một ly cà phê thôi mà giá đã là 5 đô rồi. Một câu khác mà bà ta hay nói là: hàng hòa rẻ như thế thì đúng là một trò đùa (it is a joke!!!) Đi đâu bà ta cũng kêu lên như thế.
Hai ngày lê la mệt mỏi ở các khu mua sắm cùng Sima. Chủ yếu là bà ta mua hàng còn tôi thì làm thông dịch bằng thứ tiếng Hoa bập bõm nhưng cũng đỡ hơn bà ta nhiều bởi vì bà ta chẳng biết nói gì luôn. Chỉ một câu: bao nhiêu tiền? (tua xào chẻn?) mà tôi chỉ mãi, bà ta vẫn không nói được. Có lẽ do bà ta quá ỷ lại vào tôi chăng chứ ở Trung Quốc gần 1 tháng rồi mà một câu cũng không nói được là sao? Có lần tức mình quá khi bà ta muốn ăn hoành thánh kêu tôi hỏi bao nhiêu tiền, tôi không thèm hỏi, bà ta bước vào hỏi đại: tua xào chẻn. Họ ra dấu 4 NDT. Họ cũng hiểu đó. Vậy mà muốn mua gì, bà ta cứ toàn kêu tôi hỏi. Bà ta gọi tôi là Yumy. Cứ ra đường là Yu my, Yu mỷ, Yu mỳ ỏm tỏi để kêu tôi hỏi giá và trả giá cho bà ta.
Quảng Châu là thành phố khá lớn và hiện đại. Sima nói đây là thành phố lớn thứ 3 của Trung Quốc. Ở đối diện Riverside Youth Hostel là bến phà (1/2 NDT cho một lần qua phà) qua đảo Shamian. Khu trung tâm của đảo trông giống y như ở Châu Âu vậy đó. Khu này đúng là khu vực nghỉ dưỡng dành cho nhà giàu. Ở đây có một youth hostel, giá dorm là 60 NDT. Sima nói giá cả như vậy là không đắt ở một khu sang trọng như thế. Ở đây dọc theo bờ sông là các công viên cây xanh ngát và các bức tượng đúc màu đen: có bức là hai đứa trẻ đang chơi lò cò, có bức là hai người đang ngồi chơi cờ, có bức là những nam nữ mặc quần áo Trung Quốc cổ truyền, có bức là ông bà đang đẩy xe nôi cho cháu đi dạo,… Sima vô cùng thích những bức tượng này. Bà ta nói người đúc tượng quả thật có tài bởi vì các khuôn mặt tượng trông đầy cảm xúc. Hôm đó là chủ nhật nên tại các công viên người dân ra tập thể dục hoặc chơi thể thao, có người chơi tennis, có người đánh vũ cầu, có người tập thái cực quyền theo tiếng nhạc từ điện thoại di động, có nhóm tập múa quạt, múa gậy,… ôi đủ cả.
Tôi rủ Sima lên xe buýt 25 đi đến đền Ren Wei. Thực ra đây là đền của đạo Lão.
Người dân cũng đốt nhang khói nghi ngút. Họ mua những mâm quấn toàn là giấy vào cúng và sau đó là mang ra đốt tại lò đốt ngay trước cổng đền. Bên trong đền là các tượng thần có hình dạng khác nhau trong đó có một bức tượng trông khá lạ - từ cặp mắt của bức tượng này mọc ra hai cái chân chỏng ngược lên trời. Không hiểu gì về đạo Lão nên dĩ nhiên tôi cũng không hiểu ý nghĩa của những bức tượng này rồi.
Ngay sau lưng ngôi đền là một cái chợ, chúng tôi vào đó đi loanh quanh một hồi lại ra đường cái. Con đường ngay trước cổng đền Ren Wei trông cũng khá lạ. Nhà nhà đều treo lồng đèn đỏ và cửa nẻo, kiến trúc thì trông giống như cảnh ở những bộ phim cổ trang của Trung Quốc hay Hồng Kong vậy đó. Vì thế con đường này hoàn toàn khác với những con đường khác tại Quảng Châu mà chúng tôi đã đi qua.
Ra khỏi con đường như trong phim cổ trang, chúng tôi lại lọt vào khu thương mại giá sĩ quần áo trẻ em. Ôi trời, một khu trung tâm rộng lớn chỉ chuyên bán đồ cho trẻ em. Cả tôi lẫn Sima đều không hứng thú với quần áo trẻ em nên chúng tôi đi thẳng luôn và sau khi băng qua hai cái cầu vượt quanh co vắt vẻo, có cả lối đi riêng trồng hoa cho người đi bộ và lối đi cho xe, chúng tôi lại lọt vào khu chuyên bán thiết bị dành cho nhà cửa như đèn, vách, dụng cụ nhà tắm, …… Sima nói ở đây chẳng có gì mà họ lại không bán và mỗi món lại có cả một khu bán hàng riêng. Quả đúng là Quảng Châu danh bất hư truyền đối với những tay buôn người Việt. Hèn chi mà dân Việt Nam hay qua đây “đánh hàng” về bán.
Tuy nhiên theo nhận xét của cả tôi và Sima thì thành phố này hàng hóa vẫn mắc hơn những thành phố khác. Có thể do chúng tôi không biết chỗ để mua hàng hoặc không biết trả giá chăng?
Hệ thống tàu điện ngầm hiện đại ở Quảng Châu rất hữu ích đối với chúng tôi. Trong suốt thời gian 3 ngày tại Quảng Châu, chúng tôi hầu như chẳng gặp vấn đề gì về phương hướng. Cứ đi loanh quanh lẩn quẩn, mỗi lần muốn về thì lại tìm ga tàu điện ngầm, mua vé về lại Fangcun. Tàu điện ngầm ở đây có giá vé từ 2-8 NDT cho mỗi lần đi, tùy theo tuyến đường ngắn hay dài. Có cả tuyến ra sân bay (cách trung tâm đến 32 cây số). Từ Fangcun ra sân bay phải đổi tàu một lần và mất 1 tiếng đồng hồ trên tàu, giá vé chỉ có 13 NDT thôi, rẻ hơn nhiều so với đi taxi (ít nhất 140 NDT). Ga điện ngầm nằm ngay tại sân bay. Từ ga bước ra, lên thang leo lên là đã đến sân bay rồi. Vì vậy những ai đi máy bay đến Quảng Châu muốn về trung tâm thành phố thì nên đi tàu điện ngầm. Nếu không biết bấm vào ga nào để chọn thì hãy chọn Guangzhou Train Station. Nhà ga này nằm ngay trung tâm thành phố. Vì vậy từ đây muốn đi kiếm nhà trọ hay khách sạn rẻ tiền đều dễ dàng. Tuy nhiên chớ dại dột mà chọn ga Guangzhou East Train Station nhé (ngoại trừ muốn đi tàu lửa đường dài), ở khu này toàn là nhà cao tầng và khách sạn 4-5 sao không hà.
Phào, ba ngày ở thành phố rộng lớn Quảng Châu thật ra chẳng xi nhê gì hết. Ngày thứ nhất khi chúng tôi mới đến, đi tìm khách sạn và khám phá khu vực Fangcun. Ngày thứ hai khám phá phố mua sắm Beijing và quảng trường Hải châu. Ngày thứ 3 khám phá đảo Shamien, đền Rei Wei và khu vực xung quanh. Vẫn còn một khu mua sắm khác ở gần ga tàu điện ngầm Changsha – nghe nói khu này chuyên bán quần áo giảm giá. Tuy nhiên, một người thích mua sắm như Sima còn không đủ hơi sức để khám phá nơi này huống chi là tôi.
Ba ngày hết vù, sáng 24/1, tôi đưa Sima ra ga tàu điện ngầm để ra sân bay. Tôi tiễn bà ta đến tận sân bay và chưa biết sẽ đi thành phố nào tiếp theo.
Trong khi ngồi trông hành lý cho Sima đi toilet, tôi mở sách hướng dẫn ra đọc và phát hiện thành phố Zhaoqinh, cách Quảng Châu 110km về phía Tây Nam, nơi này có một đặc sản nổi tiếng mà tiếng Anh gọi chung là dumplings. Tôi thông báo cho Sima biết bởi vì bà ta rất thích ăn dumplings của Trung Quốc. Vậy là tôi biết sẽ phải đi đâu rồi – tôi “đi theo tiếng gọi của món ăn.”
Chia tay với Sima xong, tôi quay về ga metro. Đến bàn thông tin hỏi thăm muốn đáp tàu đi Zhaoqinh thì nên đến ga xe lửa nào (ở Quảng Châu có đến 3 ga tàu lửa.) Câu trả lời là Guangzhou East Train Station. Hơi ngời ngợi bởi vì tôi biết ga này chuyên đi tuyến đường dài trong khi Zhaoqinh chỉ cách Quảng Châu có 110 km thôi. Tuy hiên tôi cũng mua vé đi Guangzhou East Train Station với giá tiền 12 NDT.
Khi đến ga mới biết ở đây không có tàu đi Zhaoqinh. Muốn đi tôi phải về Guangzhou Train Station. Làm biếng quay trở lại tàu điện ngầm, tôi ngoi luôn lên mặt đất đón xe buýt đi bởi vì tôi thấy mũi tên hướng dẫn ra bến xe ở gần đấy. Dọc đường có nhiều sinh viên tình nguyện trong bộ đồng phục hướng dẫn những người không biết đường (cái này giống ở Việt Nam vào mùa thi đại học đây.)
Bến xe trông khá hiện đại và giá vé cũng không rẻ (có thể giá vé tăng theo dịp tết giống như ở Việt Nam chăng?) Tôi phải trả 51 NDT cho 2h trên xe – quá mắc! Trong bến xe này có một cửa hàng bán thức ăn giá cũng không rẻ tí nào – buổi sáng Sima có đãi tôi một bữa tiệc chia tay là món salad do bà tự làm. Bây giờ đã qua 12h trưa rồi mà tôi vẫn chưa có gì vào bụng. Nhưng giá ở đây cắt cổ quá, tôi không thèm ăn, ngồi uống nước trà trừ cơm vậy. Mà cũng không dám uống nhiều, mắc toilet thì ai giữ hành lý cho mà đi chứ. Từ đang đi 2 người chuyển sang 1 người phải mất 1 thời gian tôi mới quen được (cũng như trước đây đang tự do tự tại một mình, tự nhiên Sima tháp tùng đi chung thì phải mất 1 thời gian tôi mới quen được việc lúc nào cũng có một người kè kè bên cạnh.)
Bán buôn hàng Trung Quốc tại Việt Nam ngày càng phổ biến đối với những người kinh doanh. Người tiêu dùng ngày càng lớn. Cùng với nguồn hàng phong phú và đa dạng từ Trung Quốc. Đây là cô hội lớn để các nhà kinh doanh nhập được nguồn hàng chất lượng với giá rẻ để về kinh doanh.
Trả lờiXóaBán buôn hàng Trung Quốc đem lại lợi nhuận cao
Bạn nên kinh doanh các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như mặt hàng thời trang, đặc biệt là quần áo và giày dép, những mặt hàng sử dụng hàng ngày. Vì nguồn hàng này tại Trung Quốc có chất lượng rất tốt và số lượng khổng lồ, các chợ buôn nổi tiếng ở Việt Nam thường xuyên sang nơi mua hàng Trung Quốc, thiên đường mua sắm sầm uất bậc nhất tại Trung Quốc. Hàng ở đây được sản xuất theo quy trình hiện đại, hàng chính hãng, mẫu mã phong phú, độc đáo, giá cả phù hợp, thậm chí có giá rất rẻ.