Hôm nay đã là ngày 15, tôi và Sima ra bến xe để đi dần về biên giới. Từ Kaiyuan về biên giới Hà khẩu khoảng 300 cây số. Ngán phải ngồi trên xe nhiều nên chúng tôi quyết định sẽ đến Pingbian ngủ một đêm. Sáng hôm sau sẽ đón xe đi từ Ping bian về Hà Khẩu (Hekou), cách nhau khoảng 110 cây số. Từ Kaiyuan đến Pingbian chỉ có một chuyến xe duy nhất vào lúc 1h50 chiều với giá vé là 30 RMB/người. Tuy nhiên xe đến trễ khoảng 1 tiếng; vì thế đến khoảng 2h50 thì chúng tôi mới bắt đầu đi.
Trên xe không có nhiều hành khách lắm và đa số xuống giữa đường nên cuối cùng chỉ còn khoảng 6 hành khách đi đến tận Pingbian. Sau lưng tôi và Sima có một ông khách cứ hút thuốc lá liên tục. Tôi phải mở cửa sổ cho khói thuốc bay ra ngoài. Ông ta không chịu lạnh được nên yêu cầu tôi đóng cửa sổ. Tôi chỉ vào điếu thuốc của ông ta và nói: Wo mẻn bu xì huan (chúng tôi không thích). Cuối cùng thì ông ta phải chịu thua và chuyển lên ghế cạnh bác tài ngồi. Vì thế trên chuyến xe này chúng tôi không phải hít khói thuốc.
Đường đi từ Kaiyuan đến Pingbian khá quanh co bởi vì xe chạy theo triền núi. Tuy nhiên chúng tôi đi ngang qua một khúc sông khá đẹp, rất hữu tình, chẳng kém Lệ Giang là mấy. Sông quanh co theo những ốc đảo nên tạo hình khá đẹp. Phong cảnh ở Vân Nam thật tình là đẹp vô cùng.
Tuy nhiên, xe chạy khá chậm bởi vì đường đang được sửa chửa. Nhìn thấy những căn lều tạm bợ dọc theo đường và những người phụ nữ đang ngồi nấu cơm bên trong. Sima hỏi tôi đó là gì. Tôi nói có thể là nơi ngủ của những công nhân làm đường kia. Sima nói: thật đau lòng khi họ phải ngủ những nơi như thế. Tôi cũng nghĩ vậy bởi vì đang mùa đông mà lại giữa rừng núi (ắt là rất lạnh), xe cộ qua lại đầy bụi bậm (rất ô nhiễm), họ phải chui ra chui vào những căn lều tạm bợ này.
Khoảng 7h tối chúng tôi mới đến nơi. Thành phố vắng lặng. Tôi nói với Sima có thể đây là Shilin thứ hai, một thành phố chết khác. Sima nói bà nghĩ thành phố này khác và ban ngày sẽ nhộn nhịp hơn. Ra khỏi bến xe, chúng tôi lại một lần nữa in the middle of nowhere bởi vì hoàn toàn không thể định hướng được vị trí của mình. Thấy bên trái có một biển hiệu sáng ánh đèn nê ôn. Tôi nói nói Sima đứng đợi và chạy đến để xem có phải là nhà trọ không.
Thì ra phải. Chị chủ đang ngồi sau quầy tiếp tân và có vẻ bất ngờ và mừng khi thấy tôi leo vào (phải leo lên vài bậc thang mới vào được nơi này.) Tôi hỏi giá chị ta nói 40 RMB. Tôi trả giá 30, chị ta đồng ý. Tôi lên phòng xem. Phòng khá rộng, trong phòng có buồng tắm có nước nóng, bình lọc nước nóng, tivi. Tôi không thấy công tắc cho mền điện. Nhưng nghĩ rằng chúng tôi đang gần biên giới nên chắc không lạnh lắm (giống như ở Lunan và Kaiyuan vậy). Tôi chạy ra báo với Sima.
Khi thấy Sima, chị chủ đòi giá 40 RMB. Tôi không đồng ý (dĩ nhiên rồi). Cuối cùng chị ta cũng okay. Tôi phải tự mình ghi lại thông tin về bản thân như họ tên, số hộ chiếu, số visa….bởi vì chị ta đọc chẳng hiểu.
Nhận phòng xong, chúng tôi đi tìm internet. Ngoài đường phố vẫn có người qua lại nhưng không nhiều lắm. Tuy nhiên ở loanh quanh đây lại có đến 3-4 tiệm bánh mì. Sima nói tôi ghi nhớ địa điểm để sáng mai quay lại mua ăn sáng. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra. Thật sự người dân rất nhiệt tình hướng dẫn nhưng do chúng tôi không hiểu tiếng nên chẳng hiểu họ nói gì; thành ra phải đi loanh quanh hỏi nhiều người.
Tôi và Sima ở phòng internet đến 10h tối. Khi bước ra, mọi cửa hàng đều đóng cửa, gió thổi lạnh căm, hai đầu gối cứ đập vào nhau. Tôi may mắn là lúc ở phòng internet, cô bé Trung Quốc ngồi cạnh bên có hộp bánh quy, cô ta chỉ ăn phân nửa và bỏ lại phân nửa. Lúc đó đang ngồi nói chuyện với cậu học trò người Ý, quá đói bụng nên tôi lấy ăn nốt còn lại. Bánh không đến nổi tồi mà sao cô bé lại bỏ nhỉ? Chắc giống vài teenagers ở Việt Nam đây, giới teens ở đây tiêu xài vô cùng hoang phí (nhiều lần tôi thấy họ chỉ ăn môt nửa thức ăn và bỏ vào thùng rác thùng rác một nửa – trong khi đó ngay ngoài cửa, mấy ông lão bà lão ăn xin khắp nơi.)
Thấy vài quầy hàng nướng, tôi nói Sima vào mua đại 1-2 que ăn cho đỡ đói. Tuy nhiên phải đợi họ nướng thì lâu quá trong khi đó hai đầu gối của chúng tôi đập vào nhau. Sima đầu hàng nên để bụng đói về ngủ cho giảm cân (theo lời bà, bởi vì ở Israel bà ăn quá nhiều nên lên cân vài kg.)
Về đến phòng rồi mà vẫn lạnh run, Sima không thể cởi áo khoác ra, bà ta cứ để vậy mà lên giường (mỗi người chúng tôi có hai cái chăn.) Bà ta nói lần đầu tiên trong đời đi ngủ mà mặc hai cái quần cùng với đủ thứ áo khoác và không đánh răng rửa mặt. Tôi lại khác, đủ dũng khí cởi áo khoác ra để làm vệ sinh cá nhân sau đó lại ngồi viết bài đến hơn nửa đêm.
Lên giường thì mới thấy kinh dị thế nào. Giường như thể nước đá vậy. Tôi phải mặc hết áo ấm vào. Sima cũng không thể ngủ, hết quay qua trái và qua phải. Bà ta nói nơi này lạnh quá và không thể hiểu nổi là sao người ta có thể ngủ được ở nơi lạnh thế này. Cuối cùng hết chịu nổi, bà ta nói bà ta phải xin thêm mềm bởi vì không hai cái thì không đủ ấm. Tuy nhiên lúc đó đã 1h sáng rồi.
Tôi đề nghị Sima và tôi chuyển vào ngủ chung một giường. Như vậy chúng tôi sẽ sưởi ấm cho nhau và lại có đến 4 cái mềm để đắp. Bà ta đồng ý và bảo chuyển vào giường tôi bởi vì giường của bà cạnh nhà tắm nơi có nhiều hơi ẩm hơn.
Khi chúng tôi định vị trên giường xong, bà ta cười hắc lên và nói ngày mai sẽ nói chuyện với Tony (chồng) và Aeran (con) kể lại kinh nghiệm kinh dị này. Bà ta sẽ bảo Tony rằng chúng tôi phải chạm vào nhau cả đêm để ngủ. Dù vậy chúng tôi cũng thấy lạnh quá trời quá đất. Chẳng thể ngủ được. Tuy nhiên cuối cùng khi cơ thể dần ấm lên, tôi cũng đánh được một giấc ngon lành đến sáng (tôi thuộc dạng dễ ăn dễ ngủ mà). Ngủ ngon quá nên Sima phải đánh thức tôi dậy lúc 8h. Bà ta nói bà ta không thể ngủ được.
Ah, nước trong nhà tắm không phải nước nóng mà là nướ csôi và không thể điều chỉnh được độ nóng. Chúng tôi phải pha với nước lạnh để sử dụng.
Sắp xếp xong mọi thứ chúng tôi ra đường. Thì ra ngay trước cửa là một cái chợ chồm hổm. Nhìn trang phục của những người dân tộc đang ngồi bán hàng (giống như những người dân tộc mà chúng tôi trông thấy ở Kaiyuan). Tôi lại một lần nữa nói với Sima rằng tôi biết những người này bởi vì trang phục của họ trông rất quen với tôi. Tuy nhiên, từ Kaiyuan cho đến Pingbian, trông thấy họ nhiều lần nhưng tôi chẳng thể nhớ là tôi đã trông thấy những người vận trang phục này ở đâu.
Trông thấy một cửa hàng bán bánh bao há cáo khá đông khách.Chúng tôi bước vào gọi một vĩ bánh bao (bao trự) và một vĩ hoành thánh (trâu trự) –mỗi vĩ 3.5 RMB. Tôi ăn thêm một tô súp phổ tai giá chỉ 1 RMB. Bánh bao và hoành thánh ở đây là ngon nhất đối với tôi (có lẽ do đói bụng chăng?)
Khi ăn xong, bước ra lại gặp những bộ trang phụ quen thuộc. Chắc do no bụng nên thông minh ra chăng? Lần này thì tôi nhớ ra họ rồi. Họ chính là người Hmông ở Sapa đây mà. Vui quá!!! Nhớ ra họ rồi. Người Hmong sống ở Bắc Việt Nam, Nam Trung Quốc, Bắc Myanmar và Bắc Thái đây mà. Tuy nhiên ở Trung Quốc thì họ được gọi là người Miao.
Loanh quanh đến 10h,chúng tôi trở về để chuẩn bị ra bến xe lúc 10h30 chờ bắt chuyến xe lúc 11h đến Hekou. Đêm hôm trước khi vừa đến bến, chúng tôi đã vào phòng vé hỏi thông tin rồi mà.
Tuy nhiên, chắc do đoạn đường ngắn nên họ không bán vé trước, chỉ bán khi nào có xe đến. Vậy là chờ đến hơn 11h thì mới mua được vé. Lại một lần nữa leo lên một chuyến xe buýt bên ngoài thì đầy bụi còn bên trong thì đầy khói thuốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét