Kỳ trước: Tôi đi Trung Quốc (12): Guiyang
Dù trên vé ghi giờ tàu chạy là 22h24 nhưng chúng tôi phải chờ đến 22h59 thì tàu mới đến. Vội vã chạy theo đám đông (không hiểu vì sao họ lại vội vã – không hiểu tiếng nên chúng tôi nghĩ rằng tàu không ngừng lâu), chúng tôi chen chúc với đoàn người vừa xuống tàu. Thế là đoàn người xuống tàu và đoàn người lên tàu ùn vào nhau – thành ra kẹt cứng – đó là chưa kể những người mua vé đứng chen lấn nhau để dành chỗ đứng tốt trên tàu. Không khí này làm tôi nhớ đến vụ stampede ở Cambuchia khoảng hai tháng rồi và có hơn 300 người chết quá. Đã vậy, một cô gái Trung Quốc bên cạnh tôi bị đẩy té luôn xuống đất (hình như cô ta vấp phải túi hành lý của tôi nên ngã???). May mà mọi người thấy cô ta ngã nên tránh chứ không ai dẫm lên để chạy như ở Cambuchia cả .
Lúc đầu, tôi nghĩ đây là nghĩa vụ của đàn ông để kéo cô ta đứng dậy nên định bỏ đi nhưng thật xấu hổ cho những người đàn ông Trung Quốc, chẳng ai thèm đứng lại để làm việc này cả và mọi người cứ ùn ùn bước đi về phía trước bỏ mặc cô gái đang lăn cù mèo dưới đất và không thể tự mình đứng dậy được bởi đám đông cứ ùn lên và cô ta thì lại mang giày cao gót và mặc váy bó. Tôi phải quay lại để kéo cô ta đứng lên (nếu không chắc sẽ có một vụ stampede ở Trung Quốc rồi.) Không thể cúi người xuống quá thấp vì tôi không muốn bị giẫm lên nên tôi hơi nghiêng người và xốc nách kéo cô ta đứng lên. Chẳng kịp nhìn xem cô ta đẹp xấu và có bị thương không (tôi nghĩ rằng không), tôi bỏ chạy theo Sima đang ở tuốt đằng xa. Cuối cùng tôi cũng lên được toa của mình. Thật ra những toa giường nằm không có cảnh chen lấn như những toa ghế ngồi và đứng bởi vì mỗi người một giường và giường ai nấy nằm.
Có một người đàn ông Trung Quốc chất giùm hành lý của tôi lên ray để hành lý và một cô gái Trung Quốc thì giúp Sima. Giường của tôi và Sima ở trên cùng (bởi vì chúng tôi không mua được vé của giường phía dưới.) Mỗi toa được ngăn thành nhiều buồng và mỗi buồng có 2 dãy giường, mỗi dãy là 3 giường được trải drap trắng, có nệm, gối và mền, trông cũng không đến nổi tệ. Có ghế ngồi cạnh cửa sổ dọc hành lang cho những người ở giường trên nếu không muốn nằm trên giường thì có thể xuống dưới ngồi ngắm cảnh và có bàn để đồ ăn. Dù chúng tôi mua vé hard sleeper, giá 153 RMB (soft sleeper mắc tiền hơn nên chắc tiện nghi hơn nhiều), tuy nhiên cả Sima và tôi đều cảm thấy hard sleeper là quá thoải mái. Đặc biệt khi những người ở giường dưới xuống ga thì chúng tôi có thể xuống dưới nằm thoải mái.
Mọi người bỏ công chen lấn đã nhưng tàu dừng đến 45 phút ở ga Giuyang và khởi hành lúc 11h45. Lúc đó, chỉ có ngủ thôi. Tôi cho đồng hồ vào túi áo khoác để rửa mặt và sau đó thì không thấy nó nữa. Có thể là tôi làm rớt khi vào toilet hoặc có thể khi ngủ, tôi làm rớt xuống giường dưới. Nhưng kệ, cứ theo một ngạn ngữ của Trung quốc: cái mới sẽ không đến nếu không mất cái cũ. Tôi sẽ mua đồng hồ khác vậy.
Khoảng 10h thì tàu đến ga Kunming. Tôi có namecard của Youth Hostel mà chúng tôi muốn ở (các youth hostels luôn có namecard của nhau nên nếu đã ở một nơi này thì có thể tìm được namecard ở nơi khác mà), ở đây hướng dẫn rất kỹ làm thế nào để đi đến đó từ ga xe lửa. Chúng tôi ra ga hỏi thăm xe buýt số 64 và xuống ở trạm ngừng thứ 5. Từ trạm số 5 chúng tôi hỏi thăm Cloudland Youth Hostel. Được một phụ nữ Trung Quốc tận tình dẫn đến nơi, chúng tôi cuối cùng cũng đến được hostel với giá 1 RMB/người (tiền xe buýt).
Vào hỏi giá dorm thì biết dorm 6 người vẫn còn trống, giá 35 RMB/người. Tôi có thẻ thành viên nên chỉ trả 30 RMB, deposit 100 RMB cho chìa khóa phòng và chìa khóa tủ. Tôi và Sima leo lên tầng 4 vào phòng. Sima rất thích dorm ở đây. Bà ta không hình dung là ở dorm lại tiện nghi và thoải mái như vậy và lại rẻ nữa. Chỉ có điều là nhà tắm bên ngoài thôi. Trong nhà tắm luôn có nước nóng. Chúng tôi cũng luôn có bình nước nóng đặt ở tầng 1 và tầng 3 để pha cà phê, trà hay mì gói. Có thể xuống tầng dưới xin bình thủy nước nóng để mang vào phòng. Sử dụng máy tính nối mạng miễn phí, ai có laptop thì có thể dùng wifi. Tuy nhiên, có một rắc rối là máy tính của tôi có thể dùng wifi ở những nơi khác nhưng lại không thể dử dụng được ở hostel này (thật là kỳ lạ! Những người xung quanh đều vào được). Tôi phải sử dụng máy tính công cộng để nói chuyện vậy. Tuy nhiên phải chờ nếu có người đang dùng. Ở đây có thể xem DVD và chơi table tennis miễn phí, có cả xe đạp cho thuê, tour tham quan và thông tin chi tiết của từng địa điểm tham quan và làm thế nào để đi đến đó.
Ở đây có máy giặt nhưng phải trả tiền. Tôi và Sima vào buồng tắm tự giặt quần áo của mình trong những ngày qua. Sima giặt trước. Tôi sau khi tắm xong, đem hết đồ đã mặc ra giặt một lần luôn. Đang hăng say thì một phụ nữ (thuộc cleaning staff) bước vào nói gì đó. Tôi nói không hiểu. Bà ta chỉ vào tường. Ah, thì ra không được giặt đồ ở đây mà phải trả tiền để dùng máy giặt. Lý do là để tiết kiệm nước. Tôi rất ý thức nên dùng nước lạnh để giặt. Những người khác toàn dùng nước nóng để giặt không hà. Chắc tại thấy giặt nhiều đồ nên bà ta nhắc nhở chứ tôi thấy những người khác cũng giặt có sao đâu. Giặt xong, tôi đem phơi ngay lan can trước cửa phòng. Khỏang vài tiếng sau, quần áo đã khô (quá tuyệt! Hôm đó trời nắng ấm mà.)
Kunming quả là một thành phố tuyệt vời, không quá lạnh cũng không quá nóng, nhiệt độ từ 3-17 độ C, mà lại có nắng ấm thay vì gió lạnh như ở những nơi khác. Cả Sima và tôi đều rất thích ở đây. Tuy nhiên do bị ảnh hưởng ở những nơi lạnh lẽo khác, da mặt tôi bây giờ bị lột da nên bắt đầu bong ra (dù có thoa kem dưỡng ẩm). Tôi nói với Sima tôi là rắn đang thay da mới đây.
Sắp xếp và giặt giũ xong mọi thứ, chúng tôi ra ngoài đi dạo. Bây giờ thì tôi thông minh hơn. Khi vừa ra phố tôi tìm ngay một cái landmark để chụp ảnh làm dấu địa điểm. Khi nào muốn quay trở về, tôi chỉ cần chìa ảnh cái lanhmark này ra hỏi thì sẽ về được nhà thôi. Landmark mà tôi chọn là một bệnh viện trông khá lớn mà tôi không biết tên và chụp thêm ảnh của một bến xe gần đấy cho chắc ăn. Sima thì chọn Wal Mart (cách chỗ chúng tôi chỉ 5 phút đi bộ, lúc đầu chúng tôi không biết nên đi vòng đến 20 phút mới đến.) Trong suốt 1 ngày rưỡi đi dạo ở Kunming, chúng tôi không sợ bị lạc bởi vì tôi thì chìa ảnh bệnh viện; Sima thì hỏi Wal Mart nên chúng tôi luôn về được nhà, không cần phải quay vòng vòng trên phố để tìm người nói tiếng Anh nữa rồi. Hơn nữa, Cloudland Youth Hostel có bản đồ miễn phí nên chúng tôi cầm theo luôn, mỗi khi cần thì giở ra xem. Thành phố Kunming rất dễ định hướng. Bây giờ chúng tôi cảm thấy thoải mái vô cùng khi ở tại Kunming bởi vì thời tiết dễ chịu và chúng tôi không sợ bị lạc đường nữa rồi.
Buổi sáng chúng tôi đi vài bước là ra một khu chợ địa phương khá lớn và bán đủ mọi thứ trên đời. Sima rất thích nơi ở này bởi vì vừa gần chợ địa phương, vừa gần công viên, vừa gần Wal Mart, vừa gần khu phố thương mại, vừa gần trạm xe buýt, vừa gần bến xe, vừa gần những tiệm tạp hóa và nhà hàng địa phương nhỏ và bình dân. Tất cả mọi thứ đều trong vòng vài bước đi bộ. Bà ta nói lần sau đi cùng gia đình thì sẽ dẫn họ đến đây để ở.
Một điều vô cùng thú vị (và cho thấy tôi là một người cực ngốc) là các giường ở một số guesthouse (nếu không có máy điều hòa nhiệt độ) thì có thể có mền điện (electric blanket). Vậy mà trước đây tôi không biết. Bây giờ Sima nói tôi mới biết cái công tắc trắng trắng nằm dưới nệm mà tôi thấy nhưng nghĩ là để cắm đèn hay máy tính là công tắc dùng để bật mền điện. Trời, công nhận tôi ngu thiệt. Trước đây không biết nên toàn là chịu lạnh không hà.
Kunming nắng ấm được hai ngày, đến ngày thứ 3 thì trời mưa nên lạnh lẽo chẳng khác gì mấy thành phố khác cả. Những ngày nắng ấm mọi người đổ ra đường đi dạo mua sắm, phơi nắng. Ở Kunming có một công viên rất đẹp. Ở đây vào mùa này có rất nhiều seagulls đến nên mọi người ra công viên cho chim ăn bánh mì 1 RMT/cái, bán dọc theo hồ và chụp hình.
Phong cảnh đẹp lắm. Thành phố lại sạch sẽ không quá ồn ào nhưng cũng không quá yên ắng, thành phố không quá lớn để tạo cảm giác lạc lõng, cũng không quá nhỏ để tạo cảm giác chật chội.
Ở Kunming, người bán hàng bán theo kg, những thành phố trước đây bán theo 500gr không hà.
Hai ngày nắng ấm vui vẻ tiếp theo bởi một ngày mưa lạnh lẽo và buồn bã nên chúng tôi quyết định lên đường đi đến thành phố khác vào ngày hôm sau.
Visa Trung Quốc của tôi cho phép tôi ở Trung Quốc chỉ 30 ngày cho mỗi entry, vì vậy tôi phải ra khỏi Trung Quốc vào ngày 16/1, sau đó quay trở lại để sử dụng second entry. Nếu ở lại quá hạn 1 ngày (dù trễ 1h vẫn được xem là một ngày) thì bị phạt 500 RMB (tương đương khoảng 75 đô la Mỹ). Vì vậy tôi nói với Sima tôi phải đi dần về phía cửa khẩu. Vả lại ở khu vực gần cửa khẩu Lào-Trung Quốc và Việt Nam-Trung Quốc ấm áp hơn. Chúng tôi quá chán thời tiết lạnh lẽo rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét