Ah quên kể cho các bạn nghe lúc “tám” với cô Linh, tôi có hỏi cô ta vấn đề môi trường ở Trung Quốc. Cô ta nói cô ta cũng biết và thừa nhận rằng người Trung Quốc không chỉ lãng phí thức ăn mà còn rất lãng phí các nguồn tài nguyên khác như nước và điện. Cô ta cho tôi một ví dụ là trước đây cô ta có đi làm cho một công ty. Tất cả mọi người trong công ty có một thói quen giống nhau là không bao giờ tắt máy tính trước khi ra về (nghĩa là để máy tính mở suốt đêm). Ngoài ra, dân Trung Quốc quả là đam mê bịch ny long – khi đi chợ họ luôn yêu cầu người bán cho họ thêm bịch ny long mặc dù họ biết sẽ không bao giờ sử dụng đến. Và cô ta cũng thế nên nhà của cô ta đầy bịch ny long. Tôi mở giỏ xách của mình để cho cô ta thấy lúc nào tôi cũng có vài cái bịch ny lông để trong túi và nói cô ta cũng có thể làm thế. Cô ta nói chưa bao giờ nghĩ đến việc thủ sẳn bịch ny lông trong giỏ để khỏi phải xin người bán và nói nếu nhiều người Trung Quốc cùng làm thế thì tốt biết mấy.
Tiện thể cô ta hỏi tôi có tin vào bộ phim “Năm 2012” nói về ngày tận thế do Mỹ sản xuất không? Tôi nói tôi tin vào ngày tận thế. Lý do ư? Lý do này thì ai cũng biết nhưng để thực sự thấy được một cách đầy đủ và “ngộ” ra được nó thì hình như rất ít người. Đa phần kiến thức và ý thức của tôi về môi trường là do học hỏi từ những người đi bụi gặp trên đường. Họ là những người liên tục di chuyển từ vùng này sang vùng khác và để tiết kiệm chi phí nên không thể có được những tiện nghi như những nhóm đi theo tour hoặc những nhóm khác. Vì vậy, sự biến đổi khí hậu tác động đến họ rõ rệt nhất. Tôi nói với cô Linh con người thực sự đang “sát hại” thiên nhiên. Và bạn sẽ làm gì nếu ai đó “sát hại” người thân của mình –trả thù – đó những cảnh thường xuyên thấy nhan nhãn trong những bộ phim ấy nhỉ. Thiên nhiên cũng vậy – đang “trả thù” chúng ta ấy.
Ví dụ cụ thể ư? Mùa hè năm ngoái tôi sống ở Dharamsala (nơi ở của Ngài Đại La Lạt Ma Tây Tạng), Ấn độ, một tháng. Chính nhờ sống ở đây một tháng mà tôi thực sự “ngộ” ra được sự biến đổi của khí hậu và vấn đề ô nhiễm môi trường đã thực sự tác động như thế nào. Trước đây tôi cũng biết về vấn đề này, giống như mọi người vậy, như để “ngộ” ra thì phải mất 1 tháng tại chân núi Hy Mã Lạp Sơn này. Mùa đông năm ngoái núi Hy Mã Lạp Sơn hầu như không có tuyết rơi nhiều. Người dân sống dưới chân núi đa phần sử dụng nước từ tuyết tan ra. Vào mùa hè 2010, khi tôi đến, mọi du khách phải hết sức tiết kiệm nước. Nhà trọ của tôi (do một tu viện của tu sĩ Tây Tạng quản lý) chỉ mở nước cho mọi người sử dụng từ 7h đến 9h sáng thôi. Hôm nào muốn tắm thì phải dậy sớm. Tôi và cô bạn người Nhật ở chung phòng phải tích lũy nước vào chai nước suối để tối có nước rửa mặt và tay chân (những du khách khác khen chúng tôi thông minh – chiêu này là do cô bạn người Nhật bày đấy).
Có thể những khách sạn sang trọng thì không có vấn đề này nhưng nơi chúng tôi ở là dành cho khách đi bụi và đi lẻ nên chúng tôi mới ý thức được nó. Các bạn có hình dung ra là núi Hy Mã Lạp Sơn là nóc nhà thế giới, là nơi đầu tiên hứng tia nắng mặt trời trong ngày và được xem là nơi trong lành nhất trên thế giới mà bị thay đổi về thời tiết như thế thì những nơi khác như thế nào?
Khi tôi nói đến đây, cô Linh đồng ý và nói rằng mùa đông năm nay ở miền Nam Trung Quốc quả thật là lạnh hơn những năm trước. Tôi nói nước Nhật cũng thế - mùa đông năm nay quả thật lạnh hơn nhiều so với trước (cái này là do Aeran – con trai của Sima- ở Nhật vào mùa đông năm nay – nói thì tôi mới biết – chứ tôi có bao giờ đi Nhật đâu mà biết).
Cô Linh nói người Trung Quốc luôn nghĩ vấn đề bảo vệ môi trường là “việc của thiên hạ” có phải của họ đâu mà lo. Dù ai cũng biết đó là tư tưởng ấu trĩ nhưng để thay đổi nó thì thật sự không dễ. Tôi nói dân số Trung Quốc quả thật rất lớn - 1 tỉ 3, gấp 13 lần dân số Việt Nam, và nếu so với vài nước ở Châu Âu thì còn gấp đến mấy chục lần. Vì vậy nếu dân nước này mà ý thức được thì cả thế giới sẽ được “hưởng soái.”
Tôi nói với cô Linh rằng tôi đã đi Ấn độ và ở đó 3 tháng. Nếu so với Trung Quốc thì Ấn độ chậm tiến hơn nhưng ở đó người ta lại không xài túi ny lông nhiều như ở Trung Quốc. Thậm chí có nơi như Dharamsala, người ta còn sử dụng cả túi giấy để gói hàng thay cho túi ny lông.
Ngồi nói một hồi, cuối cùng cô Linh khuyên tôi ở lại Trung Quốc tìm việc làm cho rồi, khỏi về nước. Tôi nói thôi, phải ở một nơi đến cả một năm thì hiện giờ tôi chưa nghĩ đến (vẫn còn ghiền đi lang thang mà.)
Tóm lại, sau một hồi “tám” thì tôi rút ra kết luận là người dân Trung Quốc (giống như nhiều người Việt Nam ấy) cho rằng việc bảo vệ môi trường là việc bao đồng, là việc của thiên hạ, có phải của mình đâu mà lo (chỉ cần lo cho cái nhà của mình được sạch sẽ là được rồi) chớ có mà “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.”
(Lưu ý nhé! Các siêu thị ở Trung Quốc hiện đại ở chỗ không phát bịch ny lông miễn phí đâu. Người mua hàng phải tự mang theo túi để đựng nếu không thì mua bịch ny lông chứ chẳng ai cho miễn phí -ngoại trừ những cái bịch ny lịch dùng để gói rau cải, trái cây, mà khách hàng sau khi lựa xong cho vào bao để nhân viên siêu thị cân đong xong thì niêm phong miệng bao lại sau khi dán lên đó giá tiền phải trả ấy. Không biết việc phải trả tiền để sử dụng bịch ny lông, các siêu thị ở Việt Nam đã áp dụng chưa?)
Ở các siêu thị Việt Nam vẫn phát túi nilon miễn phí đó chị, các siêu thị khác thế nào em chưa rõ, riêng siêu thị Big C có bán thêm loại túi lớn tên LOHAS là túi tái sử dụng và khuyên mọi người nên dùng. Khuyên thì khuyên chứ dân Việt Nam cái gì miễn phí thì người ta mới dùng :D.
Trả lờiXóa