Sáng hôm sau, cảm thấy khỏe khắn hơn, tôi lại bắt đầu có ý nghĩ “tung hoành” rồi. Thấy trong sách hướng dẫn nói cần phải đến và nghỉ đêm tại làng Yujiacun để thấy không khí trong làng cổ bằng đá này. Thế là tôi trả phòng và kéo hành lý đi sau khi từ chối bữa ăn sáng cùng với những người bạn của chủ nhà. Mà sao tôi thấy họ lúc nào cũng ăn thế. Không hiểu ông chủ nhà tôi mời thiệt hay mời lơi mà bữa ăn nào cũng rủ tôi qua ăn hết. Tôi không khỏe trong người lắm, nếu không tôi cũng qua ngồi ít nhất một bữa để thử tài nấu nướng của ông ta rồi.
Người Trung Quốc ở phía Bắc nói tiếng Hoa nghe mệt lỗ tai lắm bởi vì họ hay đệm từ “ơ” hay “ở” hay “ờ” gì đó vào mỗi câu nói.
Từ nhà ga xe lửa ở Shijiazhuang, tôi đón xe buýt số 9 (1 RMB) đi đến bến xe Xiwang (Tây Vương). Từ bến xe này, tôi mua vé đi Jingxing (10 RMB). Xe chạy khoảng 1 tiếng thì đến và từ Jingxing, tôi lên xe buýt đi đến làng Đá Yujiacun (5 RMB). Làng Đá Yujiacun nghĩa là ngôi làng của họ tộc Yu với những ngôi nhà được xây hoàn toàn bằng đá.
Khi xe buýt dừng lại và bảo tôi xuống xe thì ngay tay phải là phòng vé, giá vé 20 RMB. Đây là lần đầu tiên móc tiền ra mua vé cửa mà tôi lại “thấy sướng”. Lý do theo tôi nghĩ tiền vé này đi vào túi của dân làng. Người bán vé cũng là thuyết minh viên và họ chẳng mặc đồng phục của nhà nước như những nơi bán vé khác đâu. Đó là lý do tôi nghĩ tiền này là để phục vụ lại dân làng. 95% dân làng ở đây mang họ Yu mà.
Tôi nói với cô bán vé rằng tôi muốn ngủ đêm ở đây thì đi hướng nào để tìm nhà trọ. Cô ta nói sẽ giúp tôi. Cô ta gọi điện và một lúc sau, một phụ nữ trung niên đi đến. Bà ta bảo đến ở nhà bà ta. Thì ra căn nhà này nằm rất gần nơi bán vé. Bà ta dẫn tôi vào xem các căn phòng để tôi chọn. Thực sự các phòng ở đây rất lớn y như phòng tập thể vậy đó. Tôi chọn căn phòng mà trước đây chắc là phòng tân hôn của con gái bà ta (trên tường treo đầy ảnh cưới của họ ấy). Phòng này có đến 2 cái giường đôi và hai cái tủ gỗ. Trong các tủ đầy ắp quần áo. Tôi nói tôi muốn ở phòng này thay vì phòng bên trong gần toilet. Phòng của tôi có đến hai cánh cửa, một cánh dẫn sang phòng bên cạnh và một cánh dẫn ra ngoài sân với ánh nắng chan hòa (đó là lý do mà tôi chọn căn phòng này – sau một thời gian chịu lạnh ở Trung Quốc thì tôi không còn sợ ánh nắng nữa mà thấy ánh nắng là thích).
Giá tiền cho một người ở là 15 RMB/ngày, mỗi bữa ăn 5 RMB. Tôi đăng ký ăn luôn ba bữa. Vì vậy, mỗi ngày tôi trả 30 RMB. Tính ra thì khoảng 100.000 VNĐ cho tiền ăn ở một ngày thì quá rẻ phải không các bạn?
Khi tôi sắp xếp xong đồ đạc thì bà chủ nhà bảo tôi ra ăn trưa. Theo tôi thì hình như nơi này nhận nấu cho du khách của các đoàn luôn ấy. Lúc tôi đến thì có một đoàn khách đi ra từ hướng này và có khá nhà tô chén đã sử dụng nằm lổn ngổn trên sàn. Lúc tôi ăn thì cô bán vé đang ngồi ăn trong bếp. Ở đây, bếp nằm luôn ngoài sân. Như vậy thì cô bán vé và bà chủ nhà tôi có quan hệ mật thiết rồi. Điều này không có gì lạ khi 95% dân số trong làng đều mang họ Yu, nghĩa là hầu như là người một nhà rồi còn gì. Họ thờ chung một tổ tiên ấy mà.
Ăn xong thì tôi bắt đầu đi tham quan. Ở đây không có thuyết minh tiếng Anh. Có khá nhiều đoàn khách tham quan người Trung Quốc. Tôi gia nhập họ. Tiếc là không hiểu tiếng Hoa, nếu không thì tôi được nghe thuyết minh miễn phí rồi còn gì. Các địa điểm tham quan đều khóa cửa và các cô thuyết minh đều có chìa khóa, sau khi khách tham quan xong thì khóa cửa lại. Nếu đi một mình (mà trốn vé nữa) thì không thể vào rồi.
Đầu tiên là tôi đi đến đình Qingliang. Đình này do một người trong làng tên là Yu Xichun MỘT MÌNH xây hoàn toàn vào ban đêm trong vòng 25 năm. Ngôi đình được hoàn tất vào năm 1581. Ông ta xây dựng ngôi đình này bởi vì hy vọng là có thể trông thấy kinh thành Bắc Kinh từ trên tầng cao nhất. Đình có 3 tầng. Tầng dưới là tầng nền. Tầng 2 gồm có 4 phòng nằm 4 bốn hướng. Trong mỗi phòng có tượng thờ của các vị khác nhau. Những vị khác thì tôi không biết, chứ trong một căn phòng thì tôi thấy tượng thờ Ngọc Hoàng Đại Đế. Tầng trên cùng có 2-3 căn phòng cũng có tượng thờ và một cái chuông. Dĩ nhiên là từ tầng trên cùng chẳng thể nào thấy được Bắc Kinh rồi.
Sau đó, tôi đi đến nhà thờ gia tiên của họ tộc Yu. Trong nhà thờ này ngoài bàn thờ chính nằm ở giữa, xung quanh có 5 bàn thờ nhỏ hơn. Đó là bàn thờ của 5 người con đã có công lập làng và sau lưng mỗi bàn thờ nhỏ này là cây phả hệ của nhánh ấy. Cây phả hệ ở đây có đến 24 đời. Các tên được viết nhỏ li ti kín hết các bức tường ấy.
Dĩ nhiên là kiểu tham quan của tôi khác người rồi, tôi đi theo hướng ngược với những du khách khác và khi thấy có gì hấp dẫn là tôi dừng lại, nhìn thỏa thích và chụp hình đã, sau đó đi, thấy đoàn khác thì nhập lại. Cuối cùng tôi nhập khoảng 3-4 đoàn gì đó. Một số người bắt chuyện với tôi, tôi nói không hiểu. Họ ah lên ngạc nhiên khi biết tôi là người Việt Nam, lại đi một mình, nghe và đọc chả hiểu tiếng Hoa gì hết. Trong khi nhiều người trong số họ ở tại Shijiazhuang mà lại phải đi theo đoàn. Họ hỏi tôi làm thế nào mà “mò” được đến nơi này, đã vậy còn nghỉ đêm nữa chứ.
Thực sự, cho dù có hiểu tiếng Hoa thì “con người phiêu bạt” trong tôi cũng chẳng thích đi theo đoàn. Cứ phải đi và dừng theo hướng dẫn của người khác thì tôi chẳng chịu nổi. Sau khi tham quan xong hai nơi chính và bắt đầu quen thuộc với khu vực này thì tôi tách đoàn ra và tự đi “lang thang.” Cứ thấy ngôi nhà nào mở cửa là tôi bước vào nhìn ngó. (Lúc đầu chẳng dám đâu nhưng lúc đi theo đoàn thấy thuyết minh viên khuyến khích mọi người vào xem nên tôi nghĩ chắc dân làng cũng quen với cảnh bị nhìn ngó rồi. Tôi còn tranh thủ mua một bịch hồng phơi khô – khoảng 1 kilo ấy- Lý do là tôi thấy bà cụ bán hàng trong một căn nhà cho khách tham quan xem – khách vào xem thì bà bán ngay tại sân nhà mình luôn- ra rả rao hàng và mời mọi người thử nhưng ai cũng làm lơ và bỏ đi hết. Tôi chẳng hiểu bà cụ nói gì nhưng không thể bỏ đi được bởi vì bà cụ rao hàng trông thật tội nghiệp– vậy là lấy tiền mấy lần trốn vé trước ấy ra mua hàng- mà hồng phơi khô của bà cụ ăn cũng ngon ấy chứ mà chả hiểu sao mấy người khác cứ làm lơ – chắc do không có bao bì đẹp bởi vì bà cụ chỉ cho hồng và các loại trái cây phơi khô khác vào bọc nylong và cột lại nên họ chẳng thèm ư? Mà có mắc mỏ gì đâu, chỉ có 10 RMB/kilo. Tôi không hiểu nổi vì sao họ có thể bỏ một đống tiền ra mua tour đi tham quan mà chỉ bỏ 10 RMB ra mua hàng giúp người dân mà lại không dám chứ?)
Tôi cứ lạng qua lạng lại các khu nhà để xem và chụp hình. Nhiều căn nhà ở đây có cùng một kiểu như sau: đầu tiên là cánh cửa (dĩ nhiên là hai bên treo câu đối và trên cửa là các hình chống ma quỷ rồi), sau cánh cửa là tấm bình phong (bình phong ở đây có đủ loại – có loại tráng men với những hình ảnh màu sắc sặc sở, có loại chỉ là bức tường đá, có loại vuông, có loại khuyết vào cong cong hai bên), trên khoảng giữa tấm tường bình phong là một ô nhỏ lõm vào, trong đó là một tượng thờ.
Sau tấm bình phong là một khoảng sân ngập nắng dùng làm nơi phơi đồ và sinh hoạt chung. Các căn phòng nằm xung quanh khoảng sân này. Đây đúng là kiến trúc của nhà Thanh (giống y như trong phim) rồi còn gì.
Thậm chí có căn nhà, các phòng có cửa sổ dán bằng giấy ấy (chỉ cần thấm ướt ngón tay là có thể khoét một lỗ để ngó vào trong rồi.)
Có căn, nhà bếp nằm ngay ở góc phải của sân. Có căn, nhà bếp nằm trong một gian phòng ở bên mé tay phải. Có căn, tấm tường bình phong nằm bên ngoài, trước cổng chính. Có căn, tường bình phong nằm trước (thường trên tường bình phong có dán hoặc vẽ hoặc khắc một chữ giống nhau – tôi đóan là chữ “phúc”) sau đó là một khoảng sân có bàn đá và ghế ngồi ngằm phong cảnh bên dưới, sau đó mới đến cánh cổng chính.
Toalet ở đây cũng bằng đá luôn. Lúc đầu nhìn chả biết đó là toilet, bởi vì nó bằng đá nên trông rất giống một cái hang động, đã vậy bên ngoài còn xây một đống đá chắn ½ lối vào nữa chứ.
Có nhà, toilet nằm trước cửa nhà (nghĩa là nằm trước tấm bình phong) luôn mới ghê chứ. Có nơi toilet nằm bên hông nhà. Có nơi toilet công công nữa, nghĩa là một chum 5-6 cái hang nằm san sát nhau. Tóm lại, làng Đá nên toilet đá nhìn khá ngộ nghĩnh. Tóm lại, khi đến làng này, cứ thấy nơi nào giống cái hang nho nhỏ thì chứ dại mà chui vào thám hiểm nhé bởi vì rất có thể đó là một toilet ấy.
Nhiều nơi ở đây có cho thuê phòng lắm. Tôi vào một căn hỏi giá thì cũng là 30 RMB/ phòng gồm 2 bữa ăn. Căn nhà tôi đang ở không mang nét đặc trưng của thời Thanh lắm bởi vì nó được tráng xi măng và mang nét hiện đại hơn. Lần sau có quay trở lại thì tôi chịu khó đi sâu vào làng một chút là sẽ được ở trong những căn nhà như trong phim rồi. Những căn phòng có cho thuê phòng có tấm bảng ghi trước cửa ấy.
Khi thấy tấm bảng như thế này trước cửa nhà nào đó thì có nghĩa là nơi ấy có thể ở lại được đấy các bạn!!! |
Lúc chúng tôi đang ăn thì thấy những người chơi bài xong và ra đưa cho chủ nhà 100 RMB. Cha, kinh doanh kiểu này khá tốt à nghen. Chỉ cho thuê chỗ thôi mà có được 100 RMB rồi. Vậy theo tôi thì chủ nhà tôi không nghèo tí nào, họ có vẻ làm ăn tốt ấy chứ. Ở đây đúng là đặc trưng của Trung Quốc luôn ấy, mọi người có thể ra vào phòng thoải mái. Bà chủ nhà ra vô phòng tôi mà không cần gõ cửa đâu. Lúc thì vào dặn tôi nếu lạnh thì lấy hai cái mềm mà đắp, lúc vào lấy mềm cho cháu, lúc thì châm nước sôi vào bình thủy cho tôi,… Tuy nhiên, chỉ có bà chủ là ra vào thôi. Ở nông thôn Trung Quốc vấn đề nam nữ thọ thọ bất thân vẫn còn được tôn trọng lắm. Chẳng hạn, trên chiếc xe buýt đến làng Yujiacun, khi tôi lên xe thì cô bán vé chỉ tôi ngồi vào ghế cạnh một phụ nữ (lúc đầu tôi định ngồi ghế cạnh một người nam), khi ngồi ăn cơm thì họ để nữ ngồi cạnh tôi, phòng tôi chỉ có bà chủ và con gái bà được phép ra vào,….
Tôi rất thích ngôi làng này, tuy nhiên tiếc một điều là ở đây không thể vào được internet. Nếu không thì tôi có thể ở mấy ngày liền luôn. Nhưng tôi có hẹn vào cuối tuần nói chuyện trên mạng rồi nên không thể ở lâu được. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, những thành phố lớn như thủ phủ của các tỉnh, hầu như chẳng để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc bằng những thành phố nhỏ, đặc biệt là những vùng nông thôn nơi mà bạn có thể ngồi ngắm trăng một cách trọn vẹn mà không bị những tòa nhà che khuất ấy.
Kỳ sau: Tôi đi Trung Quốc (39): Beijing (Bắc Kinh) (1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét