Sáng hôm sau, khoảng 10h tôi quay lại phòng PSB thì cô công an nói rằng visa của tôi vẫn chưa xong và tôi nên quay lại trước 12h. Vậy là tôi có hai tiếng đồng hồ đi lòng vòng. Tôi lên xe buýt số 22 ngay trước cửa văn phòng PSB. Xe chạy ra ngoại thành. Ở đây có một khu chợ khá nhộn nhịp và một gánh hát rong miễn phí đang có hát bội ấy. Người dân ngồi xem sau sưa. Xe buýt số 22 đi một vòng rồi trở lại đường Zhongshan Lu. Lúc ấy vẫn còn sớm nên tôi lại đón xe buýt 19 đi một vòng. Anh tài xế dừng lại và hỏi tôi muốn đi đâu. Tôi nói tôi là du khách nên muốn đi lòng vòng xem cảnh ấy mà. Tôi hỏi anh ta xe buýt số mấy đến viện bảo tàng. Anh ta nói là xe của anh ta luôn.
Tôi ngồi trên xe đó (sau khi cho thêm 1 RMB vào thùng tiền) và khi đến khu vực hồ Baogong thì anh ta bảo tôi xuống vì đến rồi. Viện bảo tàng Kaifeng, so với những bảo tàng mà tôi từng đi thì không hoành tráng bằng, nhưng cũng lớn tương đương với bảo tàng Hồ ChínMinh rồi đấy. Ở đây miễn phí vé cổng. Tôi lấy vé và hẹn buổi trưa mới vào. Ở đây mở cửa đến 12h trưa, đóng lại và 2h mở đến 5h.
Tôi đi trở về phòng PSB thì visa của tôi đã sẳn sàng. Cô công an cho tôi biết đây là lần gia hạn visa cuối cùng (nghĩa là chỉ được tối đa hai lần thôi), sau đó tôi phải ra khỏi Trung Quốc. Sauk hi trả 160 RMB thì tôi cầm hộ chiếu xem. Họ cho tôi gia hạn đến ngày 15/4. Nghĩa là từ hôm đi gia hạn là ngày 10 thì tôi chỉ còn 35 ngày tại Trung Quốc thôi.
Từ phòng PSB đi ra, tôi ghé vào hàng cơm của người địa phương, mỗi phần giá 5-6 RMB, ăn khá ngon và người dân ở đây không phung phí thức ăn bởi vì họ ăn hết không bỏ mứa. Sau đó, tôi đi trở lại viện bào tàng nhưng chưa đến giờ mở cửa nên tôi đi bộ ra công viên ngay trước tường thành. Người dân ra đây phơi nắng. Có người nằm luôn trên cỏ ngủ, có người ngồi đọc báo, có người ngồi chăm sóc mấy con chim mà họ mang đến trong lồng,…
Đến 2h, tôi quay trở lại. Trên đường thì gặp một tai nạn giao thông. Người Trung Quốc cũng “bà tám” y như người Việt Nam. Họ cũng xúm quanh…chỉ để xem và tôi cũng vậy (hehehe) dù lúc đó đã có cảnh sát đến giải quyết và họ cũng cãi nhau y như người mình vậy đó. Nhân tiện, tôi nói luôn. Theo quan sát của tôi thì dù Việt Nam là một nước Đông Nam Á nhưng văn hóa của mình lại giống Trung Quốc hơn, trong khi các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Cambuchia, Lào và Myanamr, văn hóa của họ tương tự nhau (kể cả chữ viết cũng loằn ngoằn như rắn bò ấy). Vì vậy, lúc đầu tôi hơi ngạc nhiên khi đến những nước này, tôi cảm thấy mình như người xa lạ ấy mặc dù đều cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á nhưng sao mình chẳng giống ai? Nếu vậy, so với các nước khác thì Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc khá đậm chăng?
Viện bảo tàng Kaifeng có một khu mà các nơi khác không có. Đó là nơi vẽ tranh treo trên cửa để bảo vệ gia đình vào dịp tết ấy. Không biết các bạn hình dung ra loại tranh này không. Đó là những tờ giấy màu đỏ trên có hình một ông như Quan công ấy và người ta treo trước cửa nhà vào đầu năm mới với hy vọng gia đình của họ sẽ được bảo vệ cả năm. Khi năm cũ hết và năm mới đến thì họ lại gở tờ giấy cũ ra và dán tờ giấy mới vào ấy.
Tại đây tôi được tận mắt nhìn cách họ sản xuất hàng loạt loại tranh này. Cũng nhiêu khê với nhiều công đoạn lắm nhé. Tổng cộng là năm công đoạn, bắt đầu từ công đoạn vẽ bằng mực đen, sau đó là tô màu cho tranh. Ở đây có sẳn khuôn hết nên người ta chỉ cần quết mực lân khuông và ịn tờ tranh vào mà thôi.
Bây giờ thì tranh không chỉ được treo trước cửa nhà mà có thể được lộng kiếng hoặc lộng khung treo trên cột nhà, trên tường hay trên cánh cửa để làm tranh trang trí nữa ấy.
Ngoài phòng nghệ thuật tranh này ra trong thư viện này còn có phòng trưng bày đồ vật của thời nhà Song (tôi nghĩ Song ở đây là nhà Thương). Kaifeng là nơi khai quật những đồ vật của nhà Song ấy. Tuy nhiên đồ vật trưng bày khá nghèo nàn. Dù vậy trong đây vẫn có mô hình của một lò gốm và những người thợ làm gốm. Ngoài ra còn có mô phỏng một quá rượu thời ấy nữa đó. Trong đó người ta để cả bàn ghế ly chén luôn và trên trần là một cái đèn kéo quân.
Từ thư viện ra tôi lên xe buýt số 16 và đến chùa Da Xiangguo (Temple of the Chief Minister). Nơi này được Sở Du lịch đánh dấu đến 4 chữ A lận, nghĩa là đây là một nơi phải vào. Nhưng tôi không vào. Vé cửa đến 30 RMB. Tôi ghét mua vé vào cửa mà (hehehe), đặc biệt là mua vé cửa để vào chùa thì tôi càng không mua. Đây là chùa bởi vì tôi thấy có một số vị tăng đang đứng nói chuyện với du khách. Tại phòng bán vé ngay cửa ra vào có phần giới thiệu bằng tiếng Hoa và tiếng Anh. Có cả sơ đồ của khu này nữa. Tóm lại đó là một cái chùa cũng khá lớn và chùa này có vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá ở Kaifeng nói riêng và cả Trung Quốc nói riêng.
Có thể các bạn sẽ thắc mắc là vì sao tôi cứ lên xuống xe buýt ở đây. Lý do là ở đây hầu như mọi nơi tham quan đều phải mua vé cổng, mà lại rất kính cổng cao tường nên nếu không thể nhảy qua những bức tường cao thì không thể trốn vé rồi (hihihi). Đặc biệt là nhiều nơi tham quan ở đây lại là chùa mới ghê chứ. Tôi không bao giờ ủng hộ việc mua vé vào chùa cả. Vì vậy tôi cứ ngồi xe buýt ngắm cảnh, vừa rẻ tiền vừa được xem cảnh đẹp nữa. Xe buýt ở đây tuyến nào cũng chỉ trả có 1 RMB thôi. Tôi ngồi đến khi nào xe chạy đến trạm cuối, không chạy nữa, đuổi thì tôi xuống, đón xe khác đi và làm y như vậy (nếu không đuổi thì tôi ngồi hoài chẳng hạn xe buýt số 22 – chạy vòng nên chỉ dừng 1 trạm cuối thay vì hai trạm như các xe khác). Đúng là đi du lịch kiểu con nhà nghèo các bạn nhỉ? (lúc đi du lịch bụi ở Singapore tôi cũng làm y như vậy ; vậy là tôi đi hết thành phố Singgapore với giá cực rẻ).
Chào bạn, mình xin phiên dịch một số từ quan trọng cho chuyến đi của bạn thêm phần ý nghĩa.
Trả lờiXóa- Song Dynasty là nhà Tống, chữ Song có nghĩa là Tống chứ không phải nhà Thương.
- Tỉnh Henan (Hà Nam) có các thành phố quan trọng là thủ phủ Zhengzhou (Trịnh Châu), Luoyang (Lạc Dương, kinh đô nhà Đông Hán), Kaifeng (Khai Phong, kinh đô nhà Bắc Tống, cũng là chỗ ông Bao Công mặt đen xử án luôn), và Anyang (An Dương, kinh đô nhà Thương, một triều đại rất cổ).
- Tỉnh Shaanxi (Thiểm Tây) thì có Xi'an (Tây An, tên cũ hồi trước là Trường An, cố đô của mười mấy triều đại Trung Quốc, đặc biệt là nhà Tây Hán và nhà Đường) và Xianyang (Hàm Dương, cố đô của Tần Thủy Hoàng)
- Tỉnh Shanxi (Sơn Tây, lưu ý là Shanxi khác với Shaanxi nhé) có Taiyuan (Thái Nguyên), Baoding (Bảo Định)
- Tỉnh Shandong (Sơn Đông) có Jinan (Tế Nam), Qingdao (Thanh Đảo), Weihai (Uy Hải)
- Tỉnh Hebei (Hà Bắc) có Shijiazhuang (Thạch Gia Trang)
- Liaoning (Liêu Ninh) có Shanyang (Thẩm Dương), Dalian (Đại Liên)
- Hubei (Hồ Bắc) có Wuhan (Vũ Hán)
- Hunan (Hồ Nam) có Changsha (Trường Sa)
Nhiêu đó đã, rồi từ từ tính tiếp.
À, đặt hàng bạn hỏi thử người Trung Quốc có biết Việt Nam là cái nước nào không? Nếu biết thì họ có suy nghĩ gì về Việt Nam? (Giống hỏi thi tốt nghiệp cấp 3 quá nhỉ he he)
Với lại bạn hỏi thử xem người Trung Quốc bi giờ suy nghĩ gì về văn hóa truyền thống, có còn tôn trọng Khổng Tử nữa hay không, hay là theo văn hóa Tây hết rồi?
Cứ gọi mình là Ly Cà Phê Sữa Đá nhe hehehe.