Ở Nanyang hai đêm thật ra chẳng xi nhê gì hết. Đêm đầu tiên, tôi đến nơi cũng đã chiều tối rồi. Ngày thứ hai thì tôi chỉ kịp đi một vòng ra ngoại ô một tí sau đó loanh quanh ở khu đường Renmin Nanlu chỉ được đến 3h chiều thôi, bởi vì tôi có hẹn nói chuyện với cậu học sinh người Ý lúc 4h chiều. Cậu bé này đúng là một con mọt sách, hình ảnh của tôi lúc nhỏ ấy. Cậu bé ham học lắm, một khi đã ngồi vào bàn học thì không ai dời cậu ta đi đâu được. Mỗi khi có hẹn nói chuyện với tôi thì cậu ta không bao giờ trễ giờ, toàn là vào mạng sớm và chờ tôi thôi. Không hiểu sao người nhà cậu bé cứ cho rằng cậu ta rất ít nói, hầu như chẳng nói với ai trong nhà cả nhưng khi nói với tôi thì nói quá trời (mà bằng tiếng Anh ấy nhé bởi tôi có biết tiếng Ý đâu). Cậu bé này mới 14-15 tuổi thôi nhưng có thể tranh luận với tôi các vấn đề về chính trị và tôn giáo (do tôi tập cho cậu ta mở rộng vốn từ tiếng Anh sang các lĩnh vực ấy.) Và bây giờ, sau một thời gian tôi thuyết phục và khuyến khích, thì cậu ta đọc báo bằng tiếng Anh luôn rồi. Nhờ thế, tôi mới biết thông tin mà tôi chẳng tìm thấy được ở các báo Việt Nam - ấy là ở Bắc Kinh đang có biểu tình phản đối chính phủ rầm rộ lắm. Chẳng những ở Bắc Kinh mà các thành phố lớn ở Trung Quốc như Thượng Hải cũng có nữa. Sao tôi ở Trung Quốc mà chẳng có tí thông tin gì hết? Và từ bài báo mà cậu bé gửi cho tôi qua Skype thì chủ nhật ngày 6/2 lúc 2h trưa, họ sẽ có buổi “quyết chiến” với chính phủ ấy. Theo bài báo thì các phóng viên và nhà báo nước ngoài bị đàn áp và tước máy ảnh khi có ý định chụp những cảnh này, và thậm chí các phóng viên này còn bị đánh nữa đó. Nghe thật kinh nhỉ! Cậu bé gửi cho tôi bài báo chỉ với ý định là muốn tôi cẩn thận khi đến các thành phố lớn thôi.
Tôi quyết định ở lại Nanyang thêm một ngày nữa (một phần là do đồ ăn ở đây vừa ngon vừa rẻ và ở đây tôi có thể ăn những món mà không thể ăn ở nơi khác do giá quá mắc ấy hehehe).
Sáng hôm sau, tôi trả tiền phòng thêm một ngày nữa và ra chợ trước cửa ăn món cháo đậu xanh cùng giò quảy với giá 1.5 RMB cho cháo và 1 RMB cho giò quảy. Sau đó, tôi ra đường Chezhan Nanlu leo lên đại chiếc xe buýt số 6. Khi xe đến bến cuối cùng là đường Dushan Da dao thì tôi quyết định đi đến núi Dushan (ở đây phải phát âm thành “tu sản” thì người ta mới hiểu). Ông lái xe nói tôi phải quay về bến xe ở ga xe lửa để đón xe số 2 (ngoài ra, xe buýt số 17 cũng có thể đi đến núi này). Tôi về bến xe trước nhà ga đón xe buýt số 2. Giá vé là 1.5 RMB. Khi cô gái thu tiền vé trên xe (xe này không có thùng tiền để khách tự động cho tiền vào như các xe khác) bảo tôi là đến rồi thì tôi được thả xuống ngay tại đường quốc lộ. Từ đó đi bộ vào con đường trước mặt khoảng 1.5 cây số là đến cổng chính.
Tại đây phải mua vé (5RMB) để vào trong. Sau khi qua khỏi cổng thì có lối đi xi măng dẫn thẳng đến các bậc thang xi măng để lên núi. Sau một hồi leo hết hơi thì tôi cũng đến đỉnh núi (nơi có tháp angten ấy).
Trên đỉnh núi không khí quả thật trong lành và hầu như chẳng có ai cả. Có một đôi trai gái đang ngồi nghỉ mệt ở gần tháp angten và có hai bạn nam đang ngồi nghỉ mệt phía đối diện. Tôi chẳng biết đi theo lối bên trái hay bên phải nên rẽ đại qua tay trái nơi có lối mòn. Và thế là tôi cứ đi theo lối mòn, chỉ một mình tôi với núi rừng (lúc này cây cối trụi lủi lá do mùa đông mà) và không khí thật trong lành. Rất thích ấy chứ (nhưng cũng hơi sợ đấy!). Tôi đi một lúc thì đến một vành đai (thật ra là một vòng tròn nhỏ ấy) tráng xi măng và có chú thích bằng tiếng Anh và tiếng Hoa phương pháp khai thác núi để ít gây tổn hại đến môi trường và thiên nhiên mà chính quyền ở đây đang áp dụng.
Dọc theo đường mòn này, tôi thấy nhiều hố lắm (chắc người ta đào để lấy ngọc bích đây mà bởi vì ngọc bích ở núi này là một trong bốn loại quý hiếm của Trung Quốc ấy).
Tôi đi mãi và đi mãi đến một hồi thì xuống dốc núi (không có cầu thang xi măng nữa đâu). Thật ra núi này theo tôi nghĩ chẳng có cái gì để xem cả ngoài không khí trong lành mà thôi. Cũng chẳng thể chụp ảnh thành phố bên dưới đâu bởi vì cây cối chắn tầm nhìn hết rồi, chỉ thấy thấp thoáng mà thôi. Vừa đi tôi vừa nghĩ bụng rằng thật phí tiền vé vào cổng. Sau khi đi hết lối mòn thì tôi xuống khoảng 2/3 núi và trước mặt tôi là một con đường vòng quanh núi khá lớn trải đá đỏ và đá xanh. Tôi nghĩ chắc người ta vẫn đang xây dựng công trình ở đây cho khách tham quan bởi vì tôi thấy bánh xe tải dọc ngang trên con đường này. Tôi phân vân không biết có nên đi theo con đường mòn để tiếp tục xuống núi hay quẹo trái hoặc phải vào con đường đất đỏ.
Trong lúc suy nghĩ thì tôi quan sát. Bên dưới núi tôi thấy đường quốc lộ nghĩa là sau này người nào muốn trốn vé thì có thể đi theo cách này: sau khi xuống xe buýt, thay vì đi thẳng con đường trước mặt để vào cổng chính thì có thể đi dọc theo con đường quốc lộ thêm khoảng 500m đến 1 cây số nữa. Sau đó quẹo phải vào cánh đồng cỏ (nếu có nhà dân chắn ngang thì đi vòng ra phía sau khu dân cư) và từ đó băng qua đồng thì có thể đến chân núi. Khi đến chân núi thì cứ theo con đường mòn mà đi thẳng hoài thì cũng đến được đỉnh và có thể leo xuống bằng con đường với những bậc thang xi măng do chính phủ xây.
Lần sau mà quay trở lại đây, nhất định tôi sẽ trốn vé ấy. Nghĩ ra cách trốn vé xong, tôi quyết đi theo con đường đá đỏ để xem họ đang xây dựng cái gì. Tôi quẹo trái (bởi vì tôi nghĩ lối này gần cổng ra vào hơn) và đi. Khoảng 10 phút sau, tôi nghe tiếng xe tăng ấy. Không phải một mà hình như 2-3 chiếc đang tiến lên từ phía dưới núi. Tôi thấy thú vị khi nghĩ rằng chẳng lẽ dân Trung Quốc dùng cả xe tăng để xây đường chăng. Khoảng một phút sau thì chiếc xe tăng đầu tiên từ dưới băng lên ngay tầm nhìn của tôi. Trên xe là 2-3 anh lính đang ngồi. Sau đó thì đến chiếc thứ hai. Hai chiếc quẹo trái (nghĩa là hướng trước mặt tôi ấy) và tiến vào khoảng đất trống trước mặt thì dừng lại. Tốp trên xe nhảy xuống cho tốp đang đứng đợi lên thay.
Chết rồi, tôi lọt vào khu đất quân sự rồi. Tôi nghe nói chớ dại dột mà chụp hình trong khu quân sự nhé. Vì vậy tôi, dù rất muốn, cũng chẳng dám móc máy ảnh ra mà chụp cảnh này. Tuy nhiên, tôi nghĩ chắc là các tân binh đang học cách lái xe tăng đây mà. Các chiếc xe tăng cứ vòng vèo ở khoảng đất trước mặt làm tôi chẳng dám bước (bước loạng quạng bị cán chết thì sao, lính đang học lái mà có phải dân chuyên nghiệp đâu). Đã vậy khi tiến về phía tôi, họng súng trên xe cứ chĩa thẳng vào người làm tôi sợ chết khiếp với ý nghĩa rằng rủi anh lính nào chẳng biết nhấn nhầm nút và xui làm sao có một quả đạn còn sót lại trên đó thì tôi chắc chết trên đất Trung Quốc rồi. Đến lúc này thì tôi mới cảm nhận hết ý nghĩa của từ “anh hùng” dành cho những người đứng trước họng súng mà không sợ ấy.
Chẳng biết tính sao, bước lui thì tôi chẳng muốn mà tiến tới trước thì tôi chẳng dám. Quẹo trái xuống núi thì tôi cũng sợ bởi đó là đường các xe tăng đang đi từ dưới lên. Vậy là tôi kiếm một khoảng đất trống, chỗ dễ thấy nhất và các xe tăng khó tiếp cận ấy và đứng đó hoài để nhìn xem họ tập lái như thế nào và để họ có thể trông thấy tôi mà “đuổi tôi ra ngoài” (lúc này tôi chỉ mong “được đuổi ra” thôi bởi vì lúc đó tôi biết đi hướng nào là an toàn.)
Mấy người lính đang lái dĩ nhiên là nhìn thấy tôi rồi nhưng chẳng ai tiến tới để “đuổi tôi” cả. Cuối cùng từ phía dưới núi đi lên một anh sĩ quan trẻ và đẹp trai (hihihi). Anh ta tiến tới và nói gì đó. Dĩ nhiên là tôi chả hiểu. Một hồi sau anh ta hỏi tôi đi đâu. Tôi nói tôi là du khách, tôi đi núi Dushan, và tôi chỉ lên núi và làm một vòng, thế là lọt vào đây. Anh ta nói anh ta biết rồi. Tiếc là tiếng Hoa tôi quá tồi nên không thể “tám” với anh chàng đẹp trai này được. Tôi chẳng biết nói gì đành móc máy ảnh ra chỉ vào từ tiếng Hoa lối ra mà tôi chụp ấy và anh ta nói “ah” tôi muốn ra à. Tôi thấy hơi lạ, sao anh ta chẳng hào hứng “đuổi tôi” ra gì hết vậy. Vậy là anh ta tước máy ảnh và nhấn xem tôi chụp gì (nếu chụp khu quân sự thì chắc anh ta xóa rồi). Sau đó, anh ta trả máy ảnh cho tôi và chỉ hướng trước mặt nói gì đó nhưng tôi đoán là nếu đi thẳng thì sẽ ra ngoài. Tôi hỏi “có xa không?” Anh ta nói “không xa” và sau một lúc ngần ngừ thì ngoắc tay ý bảo tôi đi theo sau.
Chúng tôi đi đến đám lính ở phía trước. Mấy người lính này nhìn tôi và anh chàng sĩ quan quá trời nhưng khi chúng tôi tiến đến gần sát họ thì họ lại tập trung vào việc đang làm (chắc sợ bị anh chàng sĩ quan quở trách hay sao ấy.) Một đám thì đang ngồi trên ghế, mỗi người cầm một quyển sách dày cộm trên tay (chắc đang “gạo bài” đây).Còn một đám thì bu quanh một anh chàng đang ngồi trên một cỗ máy có bánh như xe đạp ấy (chắc anh ta đang biểu diễn cách vận hành cái gì đó chăng?) Thật sự tôi cũng muốn ở lại xem và “tám” với đám lính này lắm nhưng sợ (đến lúc ấy tôi vẫn còn chết khiếp với mấy chiếc xe tăng và những họng súng ấy – công nhận tôi nhát gan thật).
Anh chàng sĩ quan nói gì đó và một anh lính trẻ bước ra. Chắc anh chàng này ra lệnh cho anh lính trẻ dẫn tôi ra ngoài. Tiếc quá bởi vì khi ra khỏi khu đó, tôi nghĩ lại thấy hình như họ không có ý định đuổi tôi ra ngoài thì phải. Do tôi nói muốn ra ngoài nên anh chàng sĩ quan mới ra lệnh cho anh lính trẻ dẫn tôi ra. Tiếc quá!!!
Chỉ kịp nói cảm ơn anh chàng sĩ quan, tôi chạy theo anh lính trẻ trước mặt. Đi một hồi thì tôi bắt đầu “tám.” Anh chàng này 25 tuổi, chưa có vợ con gì hết, quê ở tại tỉnh Henan luôn (anh ta có nói tên làng hay thành phố gì đó nhưng tôi chẳng biết nên chẳng thể nào nhớ.) Cuối cùng cũng ra con đường tráng xi măng. Lúc đó có một cặp người Hoa trông thấy tôi được anh lính trẻ dẫn đường nên “ganh tị” hay sao ấy? Họ nhìn tôi xong và thay vì đi thẳng phía trước, họ quẹo vào con đường mà tôi vừa đi ra. Tôi định nói với họ đó là khu quân sự nhưng chẳng biết nói thế nào đành thôi.
Tôi ra khỏi cổng và chờ xe buýt số 17 bởi vì trước đó, tôi thấy xe buýt số 17 dừng ngay trước cổng chính luôn chứ không phải dừng tuốt ngoài đường quốc lộ như xe buýt số 2. Chờ mãi chả thấy, tôi đi loanh quanh xem phong cảnh thì phải công nhận là ở đây cảnh xấu quá. Nếu so với phong cảnh ở tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, thì phong cảnh các tỉnh khác xấu thật. Mà theo tôi cảm nhận đến thời điểm này ấy là các tỉnh càng gần phía bắc thì phong cảnh càng xấu.
Chờ mãi chẳng thấy xe số 17 đâu, tôi lội bộ trở ra đường quốc lộ để đón xe buýt số 2. Lúc trở ra này tôi mới để ý thấy doanh trại của quân đội ngay gần đấy. Bên trong có một đám lính đang học cách đi đều bước và hô thật lớn tiếng. Đến lúc ấy thì tôi mới nghĩ ra: ủa tôi trả tiền vé để vào tham quan và khám phá núi Dushan mà. Đó là khu dành cho du khách, việc họ tập lái là họ lấn vào phần của du khách. Đó là lỗi của họ, có phải của tôi đâu mà tôi sợ. Tức thật, lần sau mà có quay trở lại, tôi cóc sợ họ nữa, cứ đường tôi tôi đi, họ phải tránh đường cho tôi chứ. Khu này là khu dành cho khách tham quan mà.
Họ làm tôi mất cả hồn vía nên chưa kịp xem hết núi. Từ dưới chân núi nhìn lên, tôi thấy bên trái tháp angten là con đường mòn mà tôi đi, còn bên phải là mấy tòa nhà chắc được xây dành cho du khách đây. Vậy là tôi đã xuống núi khi chưa kịp xem những toà nhà này.
Dươí đây là một trong những bí quyết mà tôi dùng để đối phó với tình trạng “dốt tiếng Hoa” của mình. Thật ra cho dù người không dốt tiếng Hoa thì cũng phải bó tay với những kiểu phát âm khác nhau ở các vùng khác nhau ở Trung Quốc. Ngay cả người miền Bắc và người miền Nam Trung Quốc nói chuyện với nhau còn không hiểu. Hèn gì lúc đầu tôi nói chuyện với tài xế xe buýt, ông ta cứ lắc đầu không hiểu và yêu cầu tôi nói tiếng Hoa phổ thông ấy. Ngoài vài từ tiếng Hoa phổ thông, tôi có biết nói ngôn ngữ nào khác đâu mà. Tôi nghĩ chắc tại phát âm tiếng Hoa của tôi học từ mấy người Hoa ở miền Nam nên khi đến đây thì họ không hiểu, cứ tưởng tôi nói thổ ngữ nào đó chăng?
Tôi chụp hình những từ tiếng Hoa thông dụng nhất đối với tôi. Ví dụ: nhà trọ, công viên, toilet, siêu thị, chợ, lối ra, lối vào,…Khi tôi nói người bản địa không hiểu (do phát âm của họ khác) thì tôi chìa hình chụp từ ấy ra (dù phát âm khác nhưng khi viết thì dĩ nhiên là giống nhau rồi), dĩ nhiên là họ có thể đọc rồi. Các bạn lưu ý khi chụp hình các từ thông dụng thì phải lựa những từ nào viết vừa dễ đọc vừa to để người mắt kém cũng có thể thấy ấy. Chụp ở đâu à? Dĩ nhiên là từ các bảng hiệu trên đường ấy. Ví dụ từ “siêu thị”, thường kèm theo cả tên siêu thị ấy nữa thì bạn bỏ phần tên, chỉ chụp từ “siêu thị” thôi. Vậy là tôi có bộ sưu tầm của riêng mình rồi.
Bài liên quan: Hình chụp những thuật ngữ cần thiết dành cho người đi bụi ở Trung Quốc
Ngoài ra, khi đến tỉnh nào thì chụp hình các bảng chỉ đường đến các địa điểm tham quan của khu vực ấy càng sớm càng tốt (thường các tấm bảng này có màu nâu đỏ và có ghi tên bằng cả tiếng Hoa và tiếng Anh). Và khi muốn hỏi đường đi đến một địa danh nào thì chỉ cần chìa cái hình ấy ra cho người địa phương tự đọc thì họ sẽ chỉ đi đúng hướng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét