Nhóm của tôi đúng 10h sáng thì khởi hành. Trong nhóm 7 người gồm có tôi, hai bác đến từ Xian, một cặp vợ chồng đến từ Beijing, một bạn gái đến từ Chengdu và một nữ sinh viên đến từ Nanning. Tài xế của chúng tôi là người Tây Tạng. Làm sao biết? Nhìn thấy ông ta lúc nào cũng cầm xâu hạt dài lần lần trên tay và cách quấn áo gió khi không mặc ngang eo là biết ngay.
Cảnh ở phía Bắc Sichuan đẹp lắm các bạn nhé; tuy nhiên do tôi đi Mông cổ rồi nên nhìn thảo nguyên riết chán. Khác là ở Mông cổ hầu như không có hàng rào trên thảo nguyên, ở Trung Quốc lại có. Khi đi ngang một cánh đồng cỏ có hoa nở đẹp vô cùng; thấp thoáng là những chiếc lều mùa hè vuông vắn đầy màu sắc của người Tây Tạng (trong khi lều Mông cổ luôn có hình tròn và thường có màu trắng) cùng những đàn gia súc đang gặm cỏ. Mọi người yêu cầu tài xế dừng xe cho họ chụp hình.
Điều buồn cười nhất là sau đó xuất hiện một thanh niên và một cậu bé Tây Tạng trên xe mô tô yêu cầu mỗi người trả cho họ 5 tệ bởi vì đã chụp hình trên vùng cỏ của họ. Mọi người bàn nhau là nếu trả tiền thì yêu cầu anh ta cho vào thăm lều của anh ta luôn. Anh ta bảo lều của anh ta ở xa lắm (vậy mà bắt mọi người đóng tiền là sao??) Tôi biết bọn người Hoa không ngu nên xem họ giải quyết thế nào? Họ tìm cách để anh ta cho vào lều của anh ta nhưng cuối cùng khi anh ta ra giá 100 tệ/người thì ai cũng lắc đầu và lên xe. Họ đồng ý trả cho anh ta 3 tệ/người và tài xế đưa 20 tệ tổng cộng.
Tôi thấy tội nghiệp cho những người du mục Tây Tạng bị Hán hóa đến thế là cùng. Thật ra bây giờ tôi biết vì sao họ lại khá giả rồi – họ đang bán dần văn hóa và tính cách Tây Tạng của họ cho khách du lịch. Cuối cùng thì cách kiếm tiền của họ thật trơ trẽn (trong khi bọn người Hán khôn hơn nhiều, cũng kiếm tiền ấy nhưng không làm cho người trả tiền cảm thấy họ trơ trẽn mà thật sự là người trả tự nguyện móc túi ra đưa ấy chứ. Các bạn nghĩ dân Việt Nam có đủ trình độ làm cho người trả tiền cảm thấy vui vẻ khi "ma rốc" chưa vậy?)
Sau đó chúng tôi đến Huahu (Flower Lake),
vé cổng ở đây khá mắc 58 tệ/người. Đây cũng là nơi bảo tồn loài hạc cổ đen. Hồ này nổi tiếng vì có loại hoa mọc bên dưới hồ và chim chóc kéo đến rất đông. Vì khu hồ nổi tiếng vô cùng nên thị trấn gần đó cũng được gọi là Zoige (Ruoergai – Flower Lake) luôn. Tuy nhiên lúc chúng tôi đến thì mọi người bảo hiện tại trong hồ không có hoa nên không cần mua vé mắc mỏ để vào (nếu thế sao họ họ vẫn đi đến đó làm gì nhỉ?) Vậy mà ngoài bãi xe, xe du lịch đổ về nườm nượp. Ngay bên ngoài tảng đá ghi chữ Huahu là một cậu bé Tây Tạng với một con hổ giả. Ai muốn chụp hình cùng con hổ giả thì phải trả cậu ta tiền. Các bạn sang Trung Quốc mà kẹt tiền thì có thể kiếm tiền như thế nhé!
Mọi người lên xe đi và tài xế ghé vào một quán ăn dọc đường. Sau khi hỏi giá thì họ bảo giá từ 25-28 tệ/người là đắt quá nên bảo tài xế chở thẳng về trung tâm Zoige (họ bảo ở Langmusi, thức ăn rẻ hơn, mỗi người chỉ trả 10 tệ thôi!!)
Xe dừng ở một khu thương mại cạnh chợ và rất gần bến xe. Tại đây mọi người xách hành lý vào một youth hostel (sau này tôi phát hiện hostel này cách cổng chợ chỉ 2-3 căn nhà thôi.) Tại đây không có dorm, có phòng đơn và phòng đôi; dù ở phòng nào thì mỗi người cũng trả 30 tệ/người. Theo tôi chỉ có hai phòng ở gần hành lang nhìn ra lộ là thoải mái nhất vì thoáng khí. Những phòng khác khác bí. Và phòng ốc ở đây nhỏ vô cùng. Ở đây có cả wifi và tôi có thể truy cập ngay tại phòng của mình.
Mọi người cùng nhau đi ra nhà hàng đối diện bến xe để ăn cơm. Họ gọi món, khoảng 6-7 món cùng một tô canh lớn. Mỗi người trả 20 tệ. Đây là những người Hoa đầu tiên mà tôi thấy họ ăn sạch thức ăn trong dĩa ấy (thật ra thức ăn cũng không đủ cho tất cả mọi người, chúng tôi chỉ ăn vừa đủ chứ không no lắm.) Khi tôi bảo họ điều đó thì cặp vợ chồng người Xian bảo rằng họ luôn hết thức ăn ấy chứ; những người Hoa bỏ thừa thức ăn mà tôi thấy là những người Hoa khác rồi, không phải họ đâu (!!!)
Ăn xong mọi người về hostel nghỉ ngơi và "tám" đến hơn 3h chiều thì ra xe để đi đến làng Tangke. Từ làng Tangke, đi thẳng thì sẽ đến khúc ngoặc tuyệt đẹp của sông Huanghe (Hoàng Hà), con sông dài thứ nhì của Trung Quốc (dài nhất dĩ nhiên là sông Trường Giang rồi.)
Làng Tangke cũng đầy người Tạng (phải chi biết trước thì tôi vác hành lý đến đây ở luôn rồi.) và trông khá đẹp. Từ Ruoergai đến Tangke khoảng 80 cây số. Từ Tangke đến đồi ngắm sông Huanghe khoảng 10 cây nữa.
Tài xế bảo mỗi người sẽ mua vé cổng 20 tệ. Mọi người lao xao nói gì đó, đại ý là bảo tài xế chở đi lối nào không phải mua vé ấy, họ sẽ đưa tiền cho tài xế. Cuối cùng thay vì đi lối chính, chúng tôi đi lối ngang qua khu thiền viện dưới chân đồi và từ đó băng lên núi.
|
Lối đi ngang qua thiền viện (để trốn vé ấy mà) |
|
Lối đi chính thức dành cho du khách (dĩ nhiên là phải mua vé) |
Từ đây mọi người leo các bậc thang gỗ để đi lần lên trên ngắm sông.
|
Chui rào, leo ra đồng cỏ để chụp ảnh. |
Nếu không thì có thể thuê ngựa do người Tạng dẫn để đi lên núi.
Trên một đỉnh núi có một cái ovoo thật to và mọi người lại chụp hình.
Quả thật sông Huanghe nhìn từ trên cao uốn lượn đẹp tuyệt vời, trông cứ y như một dải băng lụa vậy đó các bạn. Phong cảnh đẹp lắm!!!!
|
Những người bạn Hoa cùng đi chung xe với tôi |
Ngoài ra từ đồi các bạn nhìn xuống thấy cảnh khu làng cùng các ngôi chùa mái vàng ché bên dưới, các ngọn đồi nhấp nhô sau lưng và một dãy sông uốn lượn.
Và tôi phải công nhận một đều rằng sông Huanghe dài thật. Ngoài việc nó uốn lượn qua các dãy núi đồi, nhìn mút mắt vẫn không thấy hết.
Mọi người chờ hoàng hôn trên sông nhưng hôm đó trời có vẻ âm u nên hoàng hôn không đẹp lắm. Buổi chiều trên núi khá lạnh nên các bạn đến đây thì nhớ mang theo nhiều áo ấm nhé!
Xem cảnh và chụp hình phong cảnh chán chê, mọi người đi lần xuống núi. Lúc ấy mưa nhẹ một chút và từ phía đường chân trời, dù không xuất hiện cầu vồng, nhưng những tia nắng cuối cùng trong ngày được thiên nhiên sắp đặt thật kỳ diệu, xòe ra như cánh quạt.
Mọi người vỗ tay mừng rỡ trước cảnh tuyệt đẹp và lấy máy ảnh ra chụp hình. Có một nhóm săn ảnh, rình rập đã đời trên đồi nên khi được chụp cảnh đẹp, họ cùng hát lên một ca khúc vui nhộn. Tóm lại thật là vui các bạn nhỉ!!!
Tôi phát hiện người lớn tuổi Trung Quốc thật ra có nhiều sở thích để hưởng thụ tuổi già lắm (không biết người già ở Việt Nam có được như thế không?). Ví dụ: họ ra công viên đàn ca múa hát khiêu vũ nè, họ trượt pa tin nè, họ đi phượt bằng xe đạp nè, họ chụp ảnh nè (máy ảnh của họ chuyên nghiệp lắm đấy nhé), họ đi câu cá nè, họ đánh cờ nè… Tôi thấy người già ở Trung Quốc (ngoại trừ những người không được chính phủ trợ cấp phải lao động vất vả) khá năng động (hèn cho họ trông trẻ- nhìn họ các bạn không đoán ra tuổi tác được đâu.)
Thậ ra muốn đi ngắm cảnh sông Huanghe miễn phí cũng khá dễ các bạn nhỉ. Các bạn khi đến (có thể đi xe đạp, có thể quá giang xe, có thể thuê xe đi) đừng vào lối cổng chính, cứ đi qua khỏi cổng một tí và leo đồi. Ở đây đồi núi mênh mông làm sao họ quản lý và rào chắn được hết chứ. Các bạn cứ nhắm hướng ngọn đồi có cầu thang gỗ dài ngoằn trông như Vạn lý trường thành ấy mà leo. Hoặc các bạn có thể rẽ vào khu thiền viện và từ ấy leo lên. Tóm lại muốn trốn vé ở đây khá dễ, chả khó khăn gì hết.
Chúng tôi xuống núi vào khoảng 8h tối và mọi người cùng nhau về lại Ruoergai. Tôi buồn ngủ vô cùng nên mặc cho nhóm người Hoa ngồi tám, tôi ngủ. Khi đến nơi đã gần 10h tối, vậy mà họ vẫn quyết định đến nhà hàng ăn tối mới ghê. Tôi từ chối không ăn vì đã quá trễ. Vậy là mọi người ngồi tính tiền. Tổng cộng mỗi người phải trả đến 92 tệ. Tôi hỏi vì sao? Họ giải thích mà tôi chỉ hiểu bập bõm thôi 60 tệ thuê xe, cộng thêm tiền trả cho thảo nguyên, tiền vào cổng xem Huanghe (vậy sao chúng tôi lại phải đi tắt?), tiền gì đó cho tài xế (hình như tiền cho tài xế quay về Langmusi). Tôi thấy cách tính tiền của họ thật lạ. Tuy nhiên tôi nghĩ thật ra tôi tự đi rẻ hơn nhiều ấy chứ. Xe buýt từ Langmusi đến Ruoergai chỉ 25 tệ. Từ đây, tôi có thể tìm xe hoặc quá giang (đang mùa du lịch nên xe nhiều lắm) đến làng Tangke và từ đó đến Huanghe, trốn vé vào xem. Tóm lại đi theo cách của tôi luôn rẻ hơn, có thể tốn nhiều thời gian hơn và có thể không đi được nếu không tìm ra hay quá giang được xe.
Tôi rút kinh nghiệm rằng việc đi theo nhóm có thể rẻ hơn ở nhiều khía cạnh, nhưng lại luôn mắc hơn cách đi truyền thống của tôi (đặc biệt là nếu tôi có xe đạp ấy nhé!). Đó là lý do tôi ít tham gia nhóm lắm đấy các bạn.
Ruoergai cũng là một thị trấn đầy người Tạng và các ngân hàng ở đây không đổi tiền nhưng máy rút tiền thì chấp nhận thẻ quốc tế (tôi rút ở máy của ngân hàng nông nghiệp Trung quốc ABC). Theo tôi thức ăn ở đây mắc mỏ hơn ở Langmusi. Đặc biệt ở đây họ có bán loại táo có pha màu, vì vậy các bạn cần thật trọng khi mua nhé. Tôi phải vứt đi cả bịch táo sau khi phát hiện ra ấy.
Từ Ruoergai, xe đi Songpan mỗi ngày có hai chuyến lúc 10h sáng và 2h30 chiều, giá vé 44 tệ. Xung quanh khu bến xe thì đầy nhà trọ và nhà hàng nên nếu đến đây các bạn không khó mà tìm ra một nơi để ở và ăn đâu. Ngoài ra đối diện bến xe là chợ nên có thể vào mua trái cây và bánh mì Tây Tạng.
Ở đây có cả xe đi Chengdu, giá vé gần 150 tệ. Nhưng vào mùa hè phải mua vé trước (có người mua vé từ Langmusi luôn) bởi vì tôi thấy có một nhóm sinh vé không thể mua được vé cho ngày hôm sau về Chengdu ấy. Ngoài ra từ đây các bạn có thể mua vé đi Jiuzhaigou (tôi không biết giá vé là bao nhiêu). Tuy nhiên nhiều du khách chọn cách đến Songpan rồi mới đi Jiuzhaigou (Cửu Trại Câu –thung lũng 9 làng của người Tạng).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét