Blog Thích đi bụi ra đời với mục đích truyền can đảm cho người VN, đặc biệt là giới trẻ, để họ dám nghĩ và dám đi. (The establishment of this blog is to spread the courage to young people, especially Vietnamese ones, in order that they dare think and dare go.)
CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY
1. Đối tượng độc giả:1. Những bạn trẻ có máu phiêu lưu thích chu du xứ người trong thời gian dài nhưng với số tiền tối thiểu nhất có thể; 2. Những người có tâm hồn rộng mở, sẳn sàng dẹp cái tôi và quan điểm của mình sang bên để tiếp nhận những quan điểm mới.
2. Quan điểm: Bạn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bạn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bạn sai. Bạn suy nghĩ khác tôi bởi vì tôi và bạn không giống nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.
3. Phương tiện: "Với bát cơm ngàn nhà; Một mình muôn dặm xa; Chốn chốn không phải nhà; Chỗ nào cũng là nhà."
4. Nội dung: Bao gồm nhiều lĩnh vực mà tôi quan tâm 1. Du lịch bụi (Budget Travelling) 2. Sống tối giản (Minimalism) 3. Tái chế và tái sử dụng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuộc sống
Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011
Tôi đi Mông Cổ (12): Darkhan
Darkhan là thủ phủ của tỉnh Selenge ở phía Bắc Mông cổ. Theo nhận xét của tôi thì phía Bắc Mông cổ giàu hơn. Lý do theo tôi nghĩ là có nhiều khu mỏ và giao thông tốt hơn: có đường tráng nhựa và có đường ray xe lửa (các khu vực khác chỉ có thể tiếp cận bằng xe mà thôi và đường lại không được tráng nhựa).
Ấn tượng đầu tiên mà tôi có ở tại Darkhan là nó có cửa ngõ khá đẹp. Một bức tượng đồng một cảnh sát giao thông được đặt ngay tại cửa ngõ. Sau đó là tượng Phật ngồi khá to trên đồi, đối diện tượng Phật là một công viên và tượng. Nối giữa công viên và tượng Phật là một cây cầu vượt khá đẹp. Tóm lại ấn tượng mà tôi có được là đây là một thành phố hiện đại.
Tôi phải vác ba lô đi ngược lại một đoạn khá xa mới vào được thành phố. Lúc ấy có những người lớn tuổi đang tập thể dục trong công viên. Tôi ghé vào đó nghỉ mệt và lau chùi ba lô cho đỡ bụi bặm. Xong xuôi, tôi bắt đầu đi tìm nhà trọ. Tôi đi vào trung tâm của khu mới (Darkhan có hai khu: khu mới và khu cũ) lòng vòng mấy tiếng đồng để tìm ra nhà trọ được hướng dẫn trong Lonely Planet nhưng tìm mãi chả có (chắc nơi này dẹp tiệm rồi quá). Các tòa nhà chung cư ở đây có hoa văn đẹp lắm nhé. Tôi thấy quán bar ở khắp nơi, trong đó bar Texas còn có cả free wifi nữa đấy. Tôi vào thử một hotel hỏi thăm phòng. Phòng rẻ nhất có giá 10.000T và lại kín khách. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì đang lễ Nadaam mà. Dân Mông Cổ được nghỉ lễ nên tranh thủ đi du lịch. Các đoạn đường đến các khu du lịch như hồ Khosgol ấy thì đầy nhóc xe cộ.
Tôi quyết định vác ba lô tìm sông suối gì đó để tắm rửa cho bớt bụi đường. Tôi đi mãi, lòng vòng ở khu thảo nguyên tìm nguồn nước mà chả thấy, chỉ thấy nước đọng vũng do trời mưa hay hồ chết thôi (hồ không có nước chảy ấy). Lòng vòng đã đời luôn, tôi nhớ sông ở cách đó khá xa bởi vì tôi có nhìn thấy khi ngồi xe đi vào Darkhan.
Tôi đi tới đi lui đi xuôi đi ngược giữa trời nắng, vừa mệt vì trời nắng vừa mệt vì người đầy bụi bặm. Tôi không thể không tắm vào lúc này được. Vậy là tôi quyết định đi bộ trở lại thành phố và tìm public bathhouse (ở các thành phố ở Mông cổ luôn có public bathhouse bởi vì người dân, đặc biệt là ở trong ger, không có bathroom).
Trên đường về, tôi thấy ở ngay trên đường xi măng đẹp đẽ là một cái hố (hình như là ống cống nhưng bị “chôm” mất cái nắp hay sao ấy?). Cái hố đủ to để làm lọt một bánh xe ô tô. Thật nguy hiểm! Chả có biển báo gì cả. Cái này dân Mông Cổ phải học hỏi người Việt Nam ấy. Ở Việt Nam, cứ trên đường có hố thì người dân gần đấy báo cho cánh tài xế bằng cách cắm vào một cái cây có treo một cái bao ny lông. Vậy là tôi đi tìm một cái cây khô và lượm một cái bao tải bị vứt bên đường treo lên để báo cho các tài xế. Vẫn không an tâm nên tôi bẻ thêm một nhánh cây và nhặt thêm một cái bao ny lông có màu đỏ treo lên. Xong xuôi, tôi lại lội bộ tiếp. Lúc ấy tôi chợt nghĩ không biết cánh tài xế Mông cổ thấy nhánh cây có treo cái bao thì họ hiểu không nhỉ hay cứ lao xe vào vì nghĩ đó là một nhánh cây rụng trên đường!!! Như thế, tôi muốn giúp hóa ra lại hại họ à?
Tôi đi trở lại ngọn đồi có tượng Phật ngồi và trông thấy có nhiều du khách đang chụp hình. Có cả hai tu sĩ da trắng đang niệm Phật và chụp hình nữa ấy. Tôi bắt chuyện với một trong số họ thì mới biết bà ta là người Anh và đang sống tại Darkhan luôn. Ở tượng Phật này có khá nhiều chim bồ câu, mặc cho du khách chụp hình và nói chụp lao xao, đám chim vẫn nằm bình yên trên tượng Phật. Khung cảnh thật thanh bình!
Hôm đó là ngày lễ nên public bathhouse cũng đóng cửa. Tôi lại lội bộ xung quanh thì thấy một tòa nhà có ghi chữ hotel. Tôi đi vào và chị chủ chỉ cho tôi phòng và ra giá 2.000T. Thấy giá rẻ quá nên tôi hơi nghi ngờ và lấy sách ra chỉ vào từ ngày mai, ý nói tôi sẽ ngủ đến ngày mai thì chụ chủ ah lên và chỉ vào bảng giá có ghi 18.000T. Thì ra 2.000T là cho một tiếng đồng hồ, nếu ở đến hôm sau thì là 18.000T. Theo tôi thì giá này không đắt lắm nếu đi hai người, tuy nhiên tôi chỉ có một mình (hai người hay một người đều phải trả giá như nhau). Lúc đó tôi chỉ vào giá 1.500T và hỏi đó là cái gì thì chị ta mở cửa nhà tắm và ra dấu nói là tắm nước nóng thì trả 1.500. Tôi nói tôi sẽ không ngủ mà chỉ muốn tắm. Chị ta gật đầu.
Vậy là sau mấy ngày lang thang bụi bặm tôi lại được tắm rửa đàng hoàng (tắm theo đúng nghĩa sau 1 tháng ra khỏi UB ấy). Tôi tranh thủ giặt đồ luôn. Quá thỏa mái!!!
Đang hưởng thụ sự thoải mái thì tôi thấy có tiếng đập cửa và tiếng ai đó lao xao ra điều vội vã lắm. Chả hiểu người đó nói gì bởi vì phòng tắm này không có toilet nên ai đó cần toilet gấp thì đây không phải nơi rồi. Tôi nghĩ chỉ có khả năng là do tôi ở lâu quá nên hết thời gian. Tôi hơi bực mình bởi vì tiếng đập cửa và tiếng nói lao xao bên ngoài. Tôi mặc quần áo vào và mở cửa thì mới biết có một con mẹ Mông cổ (khách ở tại khách sạn) muốn lấy đôi giày mà mẹ ta giặt và phơi trong này và lý do mà mẹ ta đập cửa ầm ầm là xe đang đợi mụ ta bên ngoài. Vậy mà làm tôi hết hồn. Thực ra do tôi không hiểu mụ ta nói gì chứ nếu hiểu thì tôi sẽ chuyển đôi giày cho mụ ta thay vì vội vã mặc quần áo để kết thúc sự hưởng thụ vì được tắm của mình. Mà không hiểu sao mẹ ta còn trẻ thế mà lại ăn mặc đẹp đẽ thế mà sao một từ tiếng Anh là “shoes” cũng chả biết nói nhỉ??? (chắc chắn chị chủ cho mẹ ta biết tôi là người nước ngoài rồi mà). Ah, lý do mà trước đây tôi lòng vòng mãi tìm đường ở Darkhan là do tôi làm biếng hỏi thăm đường. Hỏi người lớn tuổi thì họ làm gì biết tiếng Anh. Hỏi đám trẻ thì nhìn họ ăn mặc modern và đẹp đẽ thế mà cứ hỏi tiếng Anh là đứng đực mặt ra ấy. Tôi chán thấy cảnh đực mặt của họ nên quyết định không thèm hỏi thăm luôn. (thời buổi này không biết tiếng Anh và vi tính thì làm ăn được gì nữa hả các bạn- mà họ ăn mặc trông rất modern ấy chứ, thế mà chả biết tiếng Anh dù là những câu đơn giản nhất, thật xấu hổ ấy nhỉ???)
Sau khi được sạch sẽ, tôi hỏi thăm chị chủ nơi nào có bán thức ăn thì chị ta chỉ qua toà nhà cạnh bên. Tôi cảm ơn và đi qua gọi món bánh chiên. Bánh ở đây họ chiên lâu rồi và khi có khách gọi thì cho vào lò vi sóng hâm cho nóng vì thế ăn dỡ ẹt. May là tôi chỉ gọi có hai cái.
Tôi lội bộ tìm đường ra ga xe lửa để tối hôm ấy đi về UB luôn. Trên đường tôi thấy một cái chợ trời bán lều và quần áo mà tôi đảm bảo “made in China.” Tôi chìa từ nhà ga xe lửa bằng tiếng Mông cổ được in trong sách hướng dẫn ra hỏi thăm thì họ chỉ cho đi lòng vòng một hồi thì tôi cũng đến được ga. Khi đến ga thì tôi lại chìa từ “phòng vé” ra hỏi.
Tại Mông cổ muốn mua vé tàu thì phải chìa ra hộ chiếu hoặc chứng minh thư. Tại đây, tôi nói từ “Ulaanbaatar” và chỉ vào từ “hôm nay.” Trong lúc ấy thì có một thằng Mông cổ chen vào mua vé, tôi nguýt một cái, hắn quay sang ra ý xin lỗi. Chị bán vé bán cho hắn xong thì quay lại giải quyết với tôi. Chị ta ghi ra giấy 23h40 và 1h45. Tôi nghĩ đó là giờ tàu chạy và giờ tàu đến nên nói ok. Chị ta có vẻ bối rối (chả hiểu vì sao?) Sau đó chị ta ghi ra giấy 3 mức giá: 5.000T, 10.000T và 15.300T. Tôi biết ở Mông cổ tàu lửa có ba loại ghế: ghế cứng, ghế mềm và giường nằm. Tôi chỉ vào mức giá 10.000T mà tôi đoán là ghế mềm. Chị ta ah lên một tiếng và in vé cho tôi. Sau đó chị ta nói gì đó và ghi ra giấy 00h40. Tôi hơi ngạc nhiên bởi vì tôi nghĩ chả lẽ tàu ở Mông cổ lại chạy nhanh thế sao, chỉ khoảng 1 tiếng là vượt qua được đoạn đường 200 cây.
Để chắc ăn, tôi ghi ra giấy hỏi lại thì cuối cùng mới hiểu thì ra có hai tàu – một tàu đi lúc 23h40 và một tàu đi lúc 1h45 và tôi mua vé ghế mềm nên chỉ có tàu 1h45 còn ghế này thôi và tôi cần có mặt ở ga lúc 00h40 để lên tàu và tàu chạy đến 7h10 sáng thì đến UB. Lúc ấy chỉ gần 5h chiều. Vậy là tôi còn gần 7 tiếng đồng hồ tại Darkhan.
Tôi ra ngoài, đi ngược về hường ga và lần ra phía thảo nguyên để ngồi ngắm bò ăn cỏ và cũng để phơi quần áo luôn (lúc ấy trời vẫn còn nắng ấy.)
Ở phía Bắc Mông cổ có một loại bò mà nhìn mặt thấy ghét lắm các bạn – đó là các con bò có khuôn mặt trắng và cặp mắt toét đó. Tôi chả thích loại bò này tí nào, nhìn xấu xí quá. Tuy nhiên con nào mập thì đồ sộ như một ngọn đồi ấy và cách bọn chúng nhìn tôi chả thân thiện tí nào. Chỗ mà tôi chọn ngồi để phơi đồ lại gần đám bò đang ăn cỏ. Tôi ra dấu với chúng rằng tôi không đi vào khu vực của chúng thì chúng cũng đừng xâm nhập vào lãnh địa của tôi nhé (mặc dù tôi là người đến sau!!!) Chả hiểu bọn chúng hiểu ý tôi không mà chúng chỉ đi gặm cỏ ở xung quanh bên ngoài, không có đứa nào mon men lại gần tôi cả.
Ở Mông cổ, ban ngày đến khoảng 17-18 tiếng lận và khi mặt trời tắt nắng thì khá lạnh. Lúc ấy khoảng hơn 9h tối và gió thổi lạnh ngắt. Tôi dọn dẹp và đi trở lại ga để tìm quán ăn. Tôi ra ngoài, đi ngang qua khu dân cư và ra đường cái thì thấy một nhà hàng. Tôi vào hỏi món dumpling Mông cổ thì lạ là lúc đó khoảng 10 tối mà họ vẫn còn phục vụ món này. Sau đó tôi gọi thêm một dĩa rau trộn và ly trà sữa Mông cổ. Tất cả chỉ tốn khoảng 2.000T (gần 2 đô Mỹ ấy).
Tôi đi tìm tiệm internet nhưng chả thấy nơi nào mở cửa cả. Vậy là tôi đi trở lại ga xe lửa ngắm người vậy. Dân Mông cổ ăn mặc đẹp lắm và điều lạ là nhiều người Mông cổ có khuôn mặt như mặt ngựa ấy. Không biết tả những khuôn mặt ấy ra sao, tuy nhiên nhìn vào mặt họ thì các bạn lại thấy hình ảnh của một chú ngựa ngay. Đúng là lạ nhỉ!
Tàu của tôi đến khá sớm nhưng tôi chả biết bởi vì nghe thông báo cũng có hiểu đâu. Tôi ngồi tại ga đến khoảng 1h thì bắt đầu mon men ra ngoài hỏi thăm. Thì ra con tàu đang đậu ngay trước là con tàu của tôi ấy. Tôi chìa vé ra và được chỉ đi đến toa số 1. Tại đây tôi leo lên tìm ghế thì thấy mọi người nằm ngủ mê mệt.
Toa ghế mềm giống y như toa ghế cứng. Tuy nhiên mỗi người có cả một cái ghế để nằm. Trên ghế gỗ được trải một tấm nệm và tôi thấy ai cũng có khăn trải giường và đồ bao gối bằng vải trắng cả. Khi ấy toa tàu tắt đèn bởi vì mọi người nằm ngủ mê mệt. Tôi lần tìm số ghế của mình. Một người đàn ông (hình như say rượu) đang nằm trên ghế của tôi. Tôi nói số ghế của mình là 17 (a rúp to lót) thì anh ta chỉ vào ghế đó và qua ghế đối diện nằm. Anh ta giúp tôi mở ngăn hành lý bên dưới ghế để cho túi xách vào (thật ra tàu Mông cổ khá an toàn các bạn nhỉ! Các bạn cho hành lý vào ghế và leo lên nằm – không ai mở được cả khi các bạn nằm trên ấy.) Anh ta ra dấu bảo tôi đi về đầu toa hỏi ga trải giường và bao gối. Tôi đi về hướng đó nhưng chả thấy ai, tôi quay trở lại và ra dấu bảo không cần. Tôi buồn ngủ lắm rồi. Tôi mặc áo khoác và lăn ra ngủ. Anh ta với lên ngăn hành lý phía trên lấy cái gối ra cho tôi nằm và lấy một cái mềm đắp lên người tôi. Thật ra dân Mông cổ rất tốt các bạn nhỉ?
Vậy là tôi có một giấc ngủ êm ái và ấm áp trên tàu với giá 10.000T và tôi còn được đến UB vào sáng hôm sau nữa ấy. Rẻ hơn ở khách sạn nhiều đấy nhỉ! Khi nào đến Mông cổ muốn được ngủ êm ái mà không tốn tiền khách sạn thì các bạn cứ mua vé tàu lửa ghế mềm nhé! Tuy nhiên đối với ghế này thì cần phải mua trước vì nó thường kín khách. Hôm đó tôi may mắn là đi về UB vào dịp lễ hội (mọi người đi trước đó hết cả rồi nên tôi mới còn ghế mềm mà nằm.) Tuy nhiên tiếc một điều là đường ray của Mông cổ không nhiều lắm. Nó chỉ có một tuyến đường duy nhất là đi thẳng một lèo từ biên giới Nga đến biên giới Trung Quốc và tuyến đường thứ hai là đi đến thành phố mỏ đồng Erdenet mà thôi.
Kỳ sau: Tôi đi Mông Cổ (13): Trở lại UB (Ulaanbaatar)
Dear ban,
Trả lờiXóaO nhung vung phia bac, vao mua he, mat troi lan rat muon. Co nhung luc khong co dem. Neu ban den vao mua dong, 3h chieu troi da bat dau toi roi.
Chị ơi! em đang chuẩn bị đi du lịch Mông cổ. em muốn có thêm 1 số thông tin chi tiết hơn. chị có thể add nick yahoo của em rồi chat đc không ạ? Nick của em là : hungirkutsk. Em cảm ơn chị nhiều ạ
Trả lờiXóa