Blog Thích đi bụi ra đời với mục đích truyền can đảm cho người VN, đặc biệt là giới trẻ, để họ dám nghĩ và dám đi. (The establishment of this blog is to spread the courage to young people, especially Vietnamese ones, in order that they dare think and dare go.)
CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY
1. Đối tượng độc giả:1. Những bạn trẻ có máu phiêu lưu thích chu du xứ người trong thời gian dài nhưng với số tiền tối thiểu nhất có thể; 2. Những người có tâm hồn rộng mở, sẳn sàng dẹp cái tôi và quan điểm của mình sang bên để tiếp nhận những quan điểm mới.
2. Quan điểm: Bạn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bạn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bạn sai. Bạn suy nghĩ khác tôi bởi vì tôi và bạn không giống nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.
3. Phương tiện: "Với bát cơm ngàn nhà; Một mình muôn dặm xa; Chốn chốn không phải nhà; Chỗ nào cũng là nhà."
4. Nội dung: Bao gồm nhiều lĩnh vực mà tôi quan tâm 1. Du lịch bụi (Budget Travelling) 2. Sống tối giản (Minimalism) 3. Tái chế và tái sử dụng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuộc sống
Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011
Tôi đi Mông Cổ (11): Từ Moron đến Darkhan
Tôi bỏ đi ra đường cái để đón xe. Tôi vừa đi vừa lấy bánh mì và nước ra uống, và lại đi dưới trời nắng. Có vài chiếc xe tải chạy qua, sao tôi đón mà chả có chiếc nào dừng lại thế nhỉ? Một hồi tôi thấy hai thằng bé cưỡi ngựa ăn mặc có vẻ công tử ghé vào ger mà tôi ngủ hai đêm lúc tôi bỏ đi ấy, phi ngựa ngang qua. Tôi ra dấu cho họ quay lại và hỏi tôi có thể chụp hình hay không thì hai thằng bé công tử này lắc đầu và phi ngựa chạy mất.
Tôi lại đi bộ và thấy một chiếc xe tải nhỏ. Tôi ngoắc, chiếc xe dừng lại. Tôi chạy đến và nói tên làng Ikh Uul (ngôi làng này nằm trên đường đi UB ấy). Anh tài xế ra dấu bảo tôi leo lên và cứ thế mà lái, không nói gì hết. Tôi thấy hai thằng bé công tử và một người bạn nữa đang nằm bên cạnh đường cách chỗ tôi đón xe một đoạn đường. Chắc bọn chúng đang chờ tôi đi ngang qua nhưng tôi lại quá giang được xe trước đó rồi. Quê độ nhá!
Đường đi lắc và sốc kinh dị luôn. Trời nắng nên bụi cũng mịt mù. Thế mà có một khách sạn nằm trên đỉnh đồi con đường bụi bặm ấy mới ghê và vài du khách ghé lại đang ngồi chờ hay nghỉ mệt gì nữa chứ.
Tuy nhiên cảnh dọc đường cũng đẹp mê hồn. Bây giờ thì tôi mới thấy cảnh núi thật mà nhìn y như giả vậy đó. Núi ở đây do ánh nắng chiếu và tạo góc độ mà nhìn y như những ngọn núi giả được tạo ra để làm phông trên sân khấu. Buồn cười là đồ thật mà nhìn như đồ giả ấy nhỉ!
Xe chạy khoảng 2 tiếng thì đến một ngôi làng. Anh ta chạy xuyên qua ngôi làng luôn. Ngôi làng nhỏ nhưng lại có khách sạn nữa mới ghê (tôi đọc được từ khách sạn trong tiếng Mông cổ mà!). Sau đó anh ta chạy đến cây xăng đổ xăng và ra dấu rằng đây là làng Tonsontsengel (khác với làng Tonsontsengel trước nhé – hình như dân Mông cổ chả cần suy nghĩ nhiều mấy cái tên làng chi cho mệt óc nên tên làng hay được lặp lại ở đây lắm) và chỉ con đường trước mặt nói rằng Ikk Uul ở phía ấy. Vậy là tôi xuống xe cảm ơn và vác ba lô đi.
Tôi thấy một dãy ger phía trước nên đi về hướng ấy. Ở đâu có ger là ở đó có sông suối mà. (Ngoại trừ duy nhất ở Moron là không có thôi. Tôi chả thấy suối đâu cả mà sông thì cách đó 15 cây số. Người trong thành phố và trong ger phải mua nước từ các khu bán nước công cộng (nước đào từ giếng ấy)). Ở đây có suối nhưng nước không sạch mà khu có hàng rào gỗ mà tôi thấy người dân đem thùng ra lấy nước thì lại có cả ngựa đến uống. Vậy là nơi này khác với những nơi mà tôi từng đi. Suối dơ và nước trong hàng rào không chỉ dành cho người.
Tôi giặt đồ và ngồi một chút thì quần áo khô nên bắt đầu đi bộ ra đường. Trên đường đi đến suối tôi còn thấy một ngôi chùa nhỏ nữa. Chùa ở làng quê trông thật nhỏ bé và lúc ấy ngôi chùa lại khóa cửa.
Trên đường đi, tôi thấy một đàn hạc gần 20 con. Tôi mon men lại gần định chụp ảnh thì bọn chúng bay mất. Hạc mà cất cánh bay thì trông đẹp vô cùng. Hèn chi trong chuyện cổ tích hay ví hạc như tiên nữ ấy.
Tôi thấy có rất nhiều xe đi hướng ngược lại mà hầu như chả có chiếc xe nào đi về hướng UB cả. Duy nhất ở nơi này tôi trông thấy cỏ khá ngộ. Cỏ cao trông như hành lá và mọc theo cụm ấy.
Đi một hồi tôi thấy ở phía bên tay phải cờ xí đủ màu treo. Tôi quẹo vào và hỏi thăm phải đây là lễ Nadaam không. Hai ba gã say rượu nói gì đó, chả hiểu. Tôi ghé đại vào ger gần nhất và may là có một phụ nữ nói được tiếng Anh. Chị ta bảo hôm nay là ngày đầu tiên của lễ Nadaam tại làng Tonsontsengel này và nếu tôi muốn xem thì phải trở về làng ngủ một đêm để chờ xem vào hôm sau. Chị ta lúc đó đang cùng vài người dọn dẹp đồ đạc trong ger. Thì ra đó là một nhà hàng bán thức ăn cho những người tham dự lễ hội. Chị ta vỗ vào túi bao tử căng phồng ông chồng đang đeo trước bụng và nói rằng tiền bán cả ngày ấy.
Tôi leo lên sau xe tải để về làng cùng họ. Khi đến nơi, họ nói họ có một cái motel với giá 5.000T/đêm. Tôi thấy giá cả cũng không tệ nên ở lại motel của họ. Đó là căn phòng khá rộng tách riêng ra với căn nhà của họ nhưng lại nằm chung khuôn viên sân. Trong motel này có một cái máy nước nóng lạnh, ổ cắm điện, hai cái ghế sofa và một cái giường. Họ bảo tôi muốn ngủ ở đâu cũng được.
Thật sự khi gặp chị phụ nữ ở trong ger gần khu diễn ra lễ hội Nadaam thì chị ta đã nói xạo với tôi rằng trong bán kính 50 kilo mét chả có gia đình Mông cổ nào cả dù tôi thấy cả dãy ger trắng mờ phía trước. Sau đó khi về đến nhà, tôi nói muốn ở chung gia đình chị ta thì chị ta bảo rằng gia đình chị ta đông người lắm nên chả ở chung được đâu (sau này tôi thấy chỉ có hai vợ chồng và đứa con gái 6 tuổi thôi mà.)
Chiều tối, tôi lội bộ ra ngoài suối để đánh răng rửa mặt. Tôi thích sử dụng nước suối hơn bởi vì dân Mông cổ xài ít nước lắm nên nếu hỏi họ nước rửa mặt thì họ chỉ cung cấp cho bạn chừng một ly hay một ca thôi (đối với họ như thế là đủ rồi.)
Tôi đi ngủ sớm và sáng hôm sau quyết định ở thêm một đêm nữa bởi vì vác ba lô lòng vòng ở mấy khu lễ hội thì khá mệt mỏi ấy và sẳn tiện họ có ổ cắm điện nên tôi có thể mở máy tính viết bài và sau đó thì sạc pin dễ dàng.
Khoảng 9h sáng thì anh chồng vào tôi nói tôi có muốn đi đến Nadaam thì đi cùng gia đình họ luôn. Tôi chỉ mang theo ít đồ ra ngoài và nói với chị vợ rằng tôi sẽ ở thêm một đêm nữa. Tôi lại leo lên phía sau xe tải ngồi. Xe sốc kinh dị nên mấy bình trà sữa của họ bị đổ ra ngoài và khi đến nơi thì mỗi bình chỉ còn lại một nửa mà thôi.
Lúc đó hơn 9h mà thấy cảnh vắng hoe, chưa có nhiều người nên tôi lội bộ ra suối đánh răng rửa mặt. Sau đó khi tôi quay lại thì có thêm người và tôi thấy có hai người nước ngoài đang đứng. Tôi đến bắt chuyện. Họ bảo họ đang đi từ Moron về UB để dự lễ Nadaam tại UB. Họ là người Pháp và có vẻ không thân thiện, không hiểu do họ chả muốn nói chuyện với tôi hay do họ chả rành tiếng Anh nữa. Một lúc sau họ bỏ đi cùng cô hướng dẫn viên và người lái xe.
Nghĩ mình là du khách và là người nước ngoài duy nhất nên tôi cứ dung dẻ dung dẻ mà ngắm nhìn mấy anh chàng đấu sĩ thay đồ (hehehe). Hôm trước là đua ngựa. Hôm sau là đấu vật. Ở làng này không có tổ chức thi bắn cung. Mấy chàng đấu sĩ vừa thay đồ cũng vừa nhìn tôi, chắc họ nghĩ sao tôi dạn quá nhìn họ thay đồ bởi vì chả có phụ nữ Mông cổ nào làm thế cả (có thể do họ nhìn chán rồi nên chả thèm nhìn nữa.)
Mấy chàng đấu sĩ mặc áo chỉ đủ che được nửa cái lưng và hai cánh tay còn phần ngực thì bỏ trống. Tôi nghe nói là trước đây có một phụ nữ Mông cổ cải trang nam giới đấu vật và thắng tất cả nam giới nên từ đó về sau đấu sĩ phải mặc áo phạch ngực cho người ta thấy rằng họ là nam. Thật ra ở Mông cổ, vua bà không hiếm và có nhiều vua bà còn thống nhất và cai trị Mông cổ một thời gian dài nữa cơ.
Dân Mông cổ rề rà mãi thì mới bắt đầu lễ hội. Họ nói và hát gì đó bằng tiếng Mông cổ mà tôi có cố nghe cũng chả hiểu. Lúc đó tôi mới để ý thấy một anh chàng da trắng ngồi giữa những người Mông cổ ấy. Bị kiểu kém thân thiện của hai người Pháp trước nên tôi cũng lờ luôn chả thèm đến bắt chuyện.
Đầu tiên có 6 đấu sĩ ra sân và họ đấu theo cặp. Ở đây chả có luật gì đâu. Họ chả cần phân theo cân nặng nữa. Có những anh chàng ốm tong teo phải vật nhau với những anh chàng bụng phệ và béo như sumo Nhật Bản. Họ cứ ôm nhau vật, ai vật được đối thủ ngã xuống đất trước thì xem như là thắng cuộc vậy.
Xem một hồi chán nên tôi đi vòng qua ngoài để mua kem ăn. Tôi thấy có mấy đứa bé mút cà rem mà thèm ghê. Lúc đó anh chàng người nước ngoài cũng bước ra và tôi chạm mặt anh ta. Tôi chào hỏi. Thì ra anh ta không phải là du khách mà là tình nguyện viên đang làm việc tại làng này.
Buồn cười là anh ta chuyên về máy tính mà lại được cử về làm việc tại bệnh viện nên công việc của anh ta, theo tôi đoán là khá nhàn, bởi vì anh ta chủ yếu là hướng dẫn đào tạo cái gì cũng chả biết nhưng không phải là sử dụng vi tính. Anh ta nói muốn ở Mông cổ thêm một năm nữa. Qua anh ta mà tôi biết rằng thật ra theo truyền thống thì dân Mông cổ rất ư là tử tế đối với người nước ngoài. Khi anh ta mới đến, họ cũng thường miễn phí cho anh ta nhiều thứ, nhưng khi ở đủ lâu thì anh ta phải trả tiền bởi vì anh ta lúc ấy được xem như người địa phương rồi.
Mãi “tám” với anh chàng người Mỹ, tôi không thèm xem các đấu sĩ luôn bởi vì xem mãi cũng chán; tuy nhiên màn bán kết và chung kết thì khá hấp dẫn đấy nhé!
Dân Mông cổ chẳng nề hà trong mấy nghi thức thủ tục nên mọi thứ đối với họ đều được thực hiện khá đơn giản. Khi trao huân chương cho người thắng cuộc, họ để cho mọi nhóm trẻ ăn mặc màu sắc cưỡi trên những con ngựa được trau chuốt nên trông rất “ ngựa” hộ tống người chiến thắng vào trước ban giám khảo và nhận huân chương cùng một bát trà sữa to tổ bố. Người được trao huân chương có nhiệm vụ đọc cái gì được ghi sẳn trong tờ giấy và sau đó thì được đám trẻ reo hò hộ tống ra ngoài.
Khoảng 2h30 là lễ hội kết thúc, tôi và anh chàng người Mỹ lội bộ về mặc dù trên đường có quá trời dân làng reo hò mời anh ta lên xe. Qua anh chàng người Mỹ, tôi mới biết rằng thì ra chị ra chị chủ nhà là giáo viên tiếng Anh của làng; vì thế chị ta mới nới tiếng Anh được ấy.
Chiều hôm đó có một nhóm khách đến; vì vậy chị chủ nhà phải vào xin lỗi bảo tôi dọn qua nhà chị ta ở để nhường căn phòng rộng rãi cho nhóm khách mới đến. Lúc ấy, tôi hơi mệt nên đã leo lên giường ngon giấc thì bị đánh thức dậy. Dân Mông cổ có cách gọi người khác rất mất cảm tình ấy. Họ có hê hê hê, gọi con người mà y như gọi con ngựa vậy đấy. Tôi đang nằm trên giường thì con bé 6 tuổi vào hê hê hê. Tôi ghét không thèm dậy. Chị chủ biết ý nên lôi con bé ra và họ gõ cửa. Lúc ấy tôi mới dậy và biết rằng phải dọn sang nhà họ.
Thật ra chị chủ cũng khá tốt. Biết rằng điều ấy gây bực mình cho tôi nên chị ta hầu như nhường hẳn căn nhà cho tôi ở. Họ dọn cái giường của họ cho tôi nằm và cả gia đình ra bên chái nhà nhỏ xíu cạnh bên ở. Hai mẹ con thì ngủ trên cái giường nhỏ xíu còn anh chồng thì phải ngủ trên bàn. Tôi thấy ngại quá nên nhiều lần bảo họ cứ vào trong nhà chính mà ở chung cho vui và ấm cúng bởi vì tôi ở một mình vừa lạnh vừa buồn và tôi thường ở chung ger với người địa phương nên không ngại việc ở chung đâu. Chị vợ dịch lại cho anh chồng nghe nhưng họ vẫn không chịu vào ở chung. Vậy là cuối cùng tôi ở một mình trong căn phòng rộng. Vậy là tối hôm đó tôi tranh thủ ngồi viết nguyên bài dài về những ngày mình ở tại Moron.
Sáng, họ dậy sớm và ra vào phòng để lấy đồ torng khi tôi vẫn nướng trong chăn. Hôm đó là ngày nghỉ lễ Nadaam nên họ có vài ngườ bạn đến thăm. Tôi biết ý nên tự dậy dọn dẹp chăn màn và khiêng cái bàn trả về chỗ cũ (cái bàn này là do chị vợ tự ý mang đến cho tôi sử dụng ấy nhé.) Lúc ấy chị vợ có việc đi ra ngoài, anh chồng ở lại tiếp khách. Anh ta rót trà sữa và hâm bánh chiên mà họ còn dư sau buổi bán hàng hôm trước. Anh ta mời tôi trà và ăn bánh. Vậy là tôi lấy bánh bích quy ra mời lại.
Sau khi xạc pin máy tính, tôi chia tay anh chồng cùng con bé 6 tuổi và lại vác ba lô đi; tôi ra suối tắm rửa. Khi tôi xong xuôi và bắt đầu dọn dẹp thì có hai chàng Mông cổ xuất hiện trên xe máy và mời tôi về nhà họ uống trà. Tôi từ chối, cảm ơn họ và lội bộ. Tôi đi bộ giữa trời nắng một hồi thì có một chiếc xe khách dừng lại (xe khách chỉ có 9 ghế thôi) và mời tôi lên. Lúc đó khách đã ngồi đủ nên họ nhích vào nhường cho tôi một chỗ. Một anh chàng Mông cổ đoán ra tôi là Việt Nam. Tuy nhiên có một thằng điên say rượu cứ ngồi lảm nhảm cái gì đó mà tôi đoán là nói xấu Việt Nam. Có khi vài người quay xuống cằn nhàn cho hắn ta im lặng. Có khi họ người tủm tỉm cười. Có khi họ ra dấu bảo tôi đấm cho thằng điên một cái.
Trong chiếc xe nhỏ kín hơi người, lại thêm hơi của mấy thằng say rượu, đã thế họ còn hút thuốc nên đủ thứ hơi này làm tôi buồn nôn. Vì thế tôi chỉ ngồi im mà không nói gì hết. Xe chạy khoảng giữa đường thì dừng lại cho khách đi tiểu thì tôi vác ba lô xuống đường ngồi luôn. Tôi ra dấu không đi tiếp nữa bởi vì buồn nôn quá. Vài người chắc quay sang trách thằng điên kia lảm nhảm quá nên tôi không thèm đi nữa. Hắn ta quay lại dụ tôi đi tiếp bằng cách nói rằng nếu tôi đi một mình sẽ bị chó cắn ấy. Tôi chả sợ, cứ ngồi lì ở vệ đường, không thèm lên xe nên mọi người bỏ đi.
Vậy là tôi một mình lang thang giữa nơi vắng vẻ. Có nhiều xe chạy qua nhưng toàn là đi hướng ngược lại nên tôi chả thể quá giang. Tôi lăn ra giữa cỏ ngủ một giấc cho quên đi cái mùi hỗn độn trên chiếc xe trước đó. Mọi người chạy ngang bấm kèn tin tin, chắc muốn cho tôi quá giang đây mà.
Ngủ chán, tôi vác ba lô đi. Con đường này đẹp lắm, hai bên là hàng cây. Dọc đường tôi còn chụp hình cái gàu múc nước kiểu Mông cổ nữa ấy. Tôi đi mãi, đi mãi thì đằng sau có một chiếc xe Toyota 5 chỗ bấm kèn tin tin hỏi tôi đi đâu. Tôi nói Ikh Uul. Ông già lái xe chỉ ra sau ý bảo tôi leo lên. Lúc ấy phía sau là hai người đàn ông (một người có vẻ say rượu) và một đám 4 đứa con nít. Bọn con nít phải nhường chỗ cho tôi bằng cách leo lên phía trước ngồi lên người bà lão đang ngồi cạnh ông già lái xe và ngồi chồng lên nhau. Người đàn ông say rượu ngồi cạnh tôi cứ ra dấu bảo tôi trả tiền, lúc là 5.000T, lúc là 3.000T. Tôi làm lơ tuốt. Hai ông bà lão ngồi phía trước là một cặp và họ cứ nhìn tôi cười mỗi khi ông lão say rượu nói một từ Mông cổ và bắt tôi lặp lại (Theo tôi, cái ngôn ngữ này thật đáng ghét bởi vì hầu như tôi chả bao giờ phát âm đúng cả - chính vì thế bọn họ cứ cười mãi khi nghe tôi phát âm ấy.)
Xe chạy đến cửa hàng bách hóa thì dừng lại. Mọi người vào mua đồ ăn. Ông lão lái xe nói gì đó tôi chả hiểu. Cuối cùng ông ta lôi tôi xuống xe vào cửa hàng nhờ cô bán hàng phiên dịch giùm. Thì ra ông ta muốn mời tôi về nhà ông ta ngủ đây mà. Dĩ nhiên là tôi đồng ý.
Ngôi nhà của ông bà lão này thật ra là giàu nhất trong những ngôi nhà Mông cổ mà tôi đã từng đến ấy. Cứ nhìn đồ đạc trong nhà là biết ngay ấy mà. Lúc đó, ông lão giao tôi cho bà lão và đi đâu mất. Bà lão, thật là người tinh tế (người ta bảo gừng càng già càng cay mà). Sợ tôi là người nước ngoài không uống được trà sữa Mông cổ nên bà lão nấu nước nóng và lấy ra nào cà phê, nào trà túi lọc cho tôi chọn. Thực sự lúc đó tôi nghĩ chắc nhà họ không uống trà sữa nên không có. Sau này tôi mới vỡ lẽ ra khi chị hàng xóm qua và bà lão mời chị ta uống trà sữa trong bình thủy. Tôi chỉ vào trà sữa và giơ tay ra dấu number one. Vậy là họ rót cho tôi một bát trà to ứ hự.
Bà lão hâm thức ăn và dọn cho tôi chén súp gồm mì, thịt và khoai tây. Sau đó chờ tôi ăn hết, bà cho thêm chén nữa. Vậy là tôi no kềnh. Tôi xin phép vào phòng khách xem ti vi (đang nói về lễ hội Nadaam ấy); vậy là bà lão vào phòng ngủ bê nệm, mền, gối ra và bảo tôi nằm uống. Bà lão lấy mền đắp, còn quấn chân tôi cho khỏi bị lạnh nữa chứ.
Ông lão lúc ấy về (sau này tôi biết là ông ta đến nhà ông lão say rượu trên xe để làm thịt một con cừu – nếu biết trước là tôi đã xin đi theo rồi) và hỏi tôi bao nhiêu tuổi, có gia đình chưa, có con chưa. Đây là những câu mà người Mông cổ luôn hỏi tôi ấy.
Bà lão vào phòng lấy nệm hồng và mền màu hồng ra đổi và cái nệm và mền màu xanh mà tôi đang nằm thì bà lấy lại và trải cho đám trẻ con. Thật ra cái nệm màu hồng to và đẹp hơn cái màu xanh. Tôi nằm 1 mình trên cái nệm to còn đám trẻ 3 đứa thì nằm trên cái nệm xanh. Chả hiểu sau bà lão lại cứ bắt tôi phải ngủ trên tấm nệm và mền màu hồng nhỉ? Chắc đây là do họ quá hiếu khách.
Tụi trẻ con cũng khoái tôi lắm. Cứ đi theo nhìn tôi và khi dạn hơn thì xúm lấy tôi. Tôi bày trò chơi Việt Nam cho bọn chúng chơi.
Đêm đó, tôi ngủ thật ấm áp trong một ngôi nhà thật đẹp. Sáng bà lão dậy lui cui nấu trà sữa và dọn ra bàn bánh mì, bánh ngọt, phó mát và ra dấu cho tôi ăn. Bà lão ra dấu cho tôi ăn hoài nên tôi lại no kềnh.
Ông lão thức dậy, sau khi vệ sinh cá nhân thì nói gì đó, tôi chả hiểu nên lại lôi tôi ra xe đến cửa hàng tạp hóa nhờ cô bán hàng thông dịch. Thì ra ông ta muốn biết tôi khi nào đi và muốn đi bộ hay đi xe. Nếu muốn đi xe thì ông ta sẽ tìm xe giúp. Ông ta nói lễ Nadaam của làng diễn ra vào ngày 14/7 và hỏi tôi có muốn ở lại chờ xem lễ không. Tôi nói tôi gần hết hạn visa rồi nên phải về UB và tôi muốn đi bộ để chụp hình nhưng nếu có xe thì cũng ok. Cô bán hàng dịch lại xong và nói với tôi rằng ông lão này là người tốt nhất làng Ikh Uul ấy. Hèn chi nhà ông ta giàu quá. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu là do người ta tốt bụng nên trở nên giàu có hay sau khi giàu có thì họ trở nên tốt bụng vậy? Bạn này biết thì trả lời giùm nhé!
Ông lão lại kéo tôi ra xe và đi về nhà. Ông lão lôi ra nội tạng cừu luộc (con cừu bị thịt tối qua ấy) và lại bắt tôi ăn. Tôi lại no ních. Đã thế bà lão còn gói cho tôi một bọc thức ăn và ra dấu rằng nếu phải đi bộ thì khi nào nghỉ mệt tôi có thể lấy thức ăn ra mà nhâm nhi.
Xong xuôi mọi thứ, ông lão ra dấu cho tôi ra xe và chở ra đường cái để chờ quá giang xe đến làng kế tiếp. Chiếc tải đầu tiên từ chối. Chiếc thứ hai đồng ý. Vậy là tôi lại được quá giang. Ông ta bắt tay lưu luyến!
Tôi thấy quý ông lão và gia đình này vô cùng. Thật sự thì từ họ, tôi “ngộ” ra ý nghĩa thật sự của lòng hiếu khách và sự tử tế đối với người xa lạ. Có nhiều cái và nhiều điều quá quen thuộc đối với chúng ta; tuy nhiên từ “biết” đến “ngộ” là cả một đoạn đường dài đấy các bạn! Chính việc đi bụi và tiếp xúc với nhiều người đã giúp tôi “ngộ” ra những điều quen thuộc mà ai cũng biết ấy. Ví dụ ở đây là lòng hiếu khách và sự tử tế. Các bạn có bao giờ tự hỏi là mình đã “ngộ” ra được bao nhiều điều mình đã “biết” chưa nhỉ???
Chiếc xe tải mà tôi quá giang lúc ấy có hai người đàn ông và cùng quá giang với tôi còn thêm một phụ nữ. Bốn người ngồi trong ca bin thì chật quá nên tôi xin phép ra phía sau xe tải ngồi và cũng để ngắm cảnh luôn mặc dù đường bụi mịt mù. Xe chạy một lúc thì người phụ nữ xuống; vậy là tôi được mời lên ca bin ngồi.
Anh chàng lái xe và ông lão trong xe thật sự lúc đầu cũng tử tế. Sau khi dừng ở quán ăn trưa thì anh tài xế bắt đầu thả mồi dê ra. Anh ta dụ tôi cùng đi về thành phố Erdenet thuê phòng ngủ với anh ta. Còn ông lão sau khi chê nhà hàng đầu tiên không có món ông ta muốn ăn nên đi qua nhà hàng bên cạnh. Tôi và anh tài xế phải chờ mãi thì ông ta mới ra. Lúc đó tôi muốn ghẹo ông ta nên ra dấu hỏi là có phải ông ta ngủ luôn ở nhà hàng hay không mà sao lâu thế? Không hiểu anh tài xế phiên dịch kiểu gì mà ông ta cười ha hả và từ đó về sau cũng mở mồi dê ra. Ông ta nói gì đó và chỉ lung tung vào rừng cây vào đồng cỏ, sau đó chỉ vào tôi và ông ta và ra dấu ngủ. Mệt ghê với cái kiểu thả dê này ấy nhỉ? Lúc đầu, tôi còn lịch sự nên chỉ cười cười, sau đó mệt quá nên tôi ngồi im luôn.
Đường đi bụi mịt mù và sốc kinh người. Tôi quyết định sẽ không xuống ở ngôi làng tiếp theo mà đi theo họ về thành phố Erdenet luôn. Khi xe đến gần thành phố Bulgan thì đường tráng nhựa nên đỡ bụi. Lúc đầu, tôi dự định đến Bulgan sẽ xuống nhưng khi đến nơi thì tôi ngồi luôn và xe lại bon bon trên đường nhựa để đến Erdenet – đây là thành phố lớn thứ hai (sau UB) của Mông cổ. Đến nơi, tôi cũng dự định xuống nhưng khi họ hỏi tôi muốn xuống chỗ nào thì tôi không biết nên ngồi luôn. Họ nói họ không dừng ở Erdenet mà đi luôn đến Darkhan, thủ phủ của tỉnh Darkhan Uul. Tôi nói ok, vậy là tôi theo họ đi tiếp.
Chúng tôi dừng lại ăn tối đến khoảng 8.30 tối thì lại tiếp tục lên đường. Đường đi cảnh khá đẹp, chỉ tiếc là tối quá nên tôi không ngắm được mà thôi. Đặc biệt là trên đường đi có ngang qua một trong 3 thiền viện quan trọng nhất ở Mông cổ; nhưng tôi cũng chả thể nào thấy được. Xe chạy đến khoảng 11h đêm thì họ dừng lại bên đường và bắt đầu lấy nệm và mền trải ra để ngủ. Họ bảo tôi nằm giữa họ ấy. Tôi lắc đầu. Ông lão bảo tôi nằm phía ngoài bên cạnh ông lão, tôi cũng lắc đầu. Tôi ra dấu bảo rằng tôi sẽ ngủ trong xe. Ở Mông cổ, đặc biệt là ở phía Bắc, ban đêm khá lạnh dù là mùa hè. Tôi ở trong xe đóng kín cửa và mặc áo khoác vậy mà vẫn cảm thấy lạnh ngắt ấy.
Khoảng 4h thì họ dậy nói chuyện râm ran. Lúc ấy trời sáng nên tôi nhìn xung quanh thấy có vài xe tải cũng dừng lại ngủ ở gần đó. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường và gần 6h thì thủ phủ Darkha hiện ra trước mặt. Tôi nghĩ họ sẽ đi về UB luôn nên đang phân vân không biết nên xuống Darkhan hay đi theo họ về UB bởi vì hôm nay là ngày 11/7 bắt đầu ngày hội Nadaam tại UB nên nếu về thì chắc chắn sẽ không có phòng ở.
Tôi không hiểu sao họ cứ vòng xe qua lại và hỏi thăm đường người dân. Cuối cùng họ quay lại cửa ngõ và ra dấu bảo tôi xuống đón tàu lửa về UB (chỉ bắt đầu từ Erdenet mới có đường ray xe lửa thôi). Tôi ngạc nhiên. Lúc sau khi tôi hỏi người phụ nữ chỉ đường cho họ thì mới biết thì ra họ đến khu mỏ gần đó. Chắc họ là dân đi khai thác vàng đây mà bởi vì theo tôi biết thì có nhiều người Mông cổ và cả sinh viên tranh thủ dịp nghỉ hè, đi đãi vàng, và địa điểm mà hai người Mông cổ này đến là một trong những nơi ấy nên tôi nghĩ họ là dân đi đào vàng.
Vậy là tôi “bị bỏ” lại Darkhan vào lúc 6h sáng.
Kỳ sau: Tôi đi Mông Cổ (12): Darkhan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét