CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Tôi đi Mông Cổ (10): Moron

 Kỳ trước: Tôi đi Mông Cổ (9): Từ Uliastai đến Moron

Moron là thủ phủ của tỉnh Khovsgol. Lý do mà du khách đến Moron là để đi đến hồ Khovsgol – đây là hồ lớn thứ hai ở Mông Cổ (2.760 kilo mét vuông), là hồ sâu nhất ở Mông Cổ (262 mét) và là hồ nước ngọt lớn thứ 14 của thế giới; lượng nước ngọt của hồ chiếm 1-2% lượng nước ngọt của thế giới. Ngoài ra trong hồ còn có nhiều loại cá và khu vực xung quanh có nhiều chim và thú. Chính vì thế khu vực hồ trở thành công viên quốc gia. Du khách muốn vào thì phải mua vé cổng.

Tôi cũng đến Moron nhưng không phải là vì muốn đến khu vực hồ này. Lý do: ở đây lạnh quanh năm và thường có mưa. Tôi thà chịu cái nóng 55 độ C ở Ấn độ hơn cái lạnh mà. Vì thế, hồ đẹp thì mặc kệ hồ, tôi vẫn không đi đâu. Thay vào đó, tôi tìm cách khám phá thủ phủ Moron.

Sau khi chia tay với những du khách Đức và những người Mông cổ cho tôi quá giang xe đến Moron. Tôi theo chị bếp vào chợ. Chị ta đi mua thức ăn về nấu, còn tôi đi tìm món ăn yêu thích. Chợ tại Moron cũng là bến xe luôn ấy. Vừa ra khỏi xe thì một anh chàng Mông cổ hỏi tôi định ở guesthouse nào. Tôi nói đại Bata Guesthouse (nơi này được giới thiệu trong sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet). Anh ta nói anh ta là người của guesthouse đó và mời tôi lên xe để chở về. Tôi leo lên.

Thật sự thì Bata guesthouse rất gần chợ, chỉ cách khoảng 500 mét thôi. Ngay ngoài đường chính là bảng chỉ dẫn quẹo trái vào một con đường khác để đến và trước cửa là tấm bảng hiệu. Tại đây tôi được hai phụ nữ không rành tiếng Anh đón tiếp và dẫn vào ger. Khi tôi hỏi giá, một phụ nữ nói 6.000T, rồi sau lại nói 7.000T (thật sự thì tôi rất ghét cái kiểu nói 2 giá như thế này nên thấy mất cảm tình với guesthouse này ghê!!!). Tôi mở sách ra rồi nói tại sao trong sách chỉ nói giá 4.000T (thật sự thì sách này xuất bản năm 2008). Hai chị ta dẫn tôi vào nhà và ghi ra giấy rằng giá 4.000T là của năm 2003 còn bây giờ là năm 2011. Họ không trung thực tí nào. Sách xuất bản năm 2008 cơ mà, chả lẽ mấy thằng viết sách Lonely Planet lại ngu thế sao, ghi giá năm 2003 vào??

Tôi nói cảm ơn rồi bỏ đi. Tôi vào chợ chén một bụng món bánh yêu thích của mình rồi sau đó tìm đường đi đến một guesthouse khác cũng được giới thiệu trong sách hướng dẫn du lịch. Đó là Baigal guesthouse. Để tìm được đến đây thì trước tiên phải lần ra đường chính – đó là đường đi từ Ulaanbaatar đến Moron, nếu không thì phải tìm ra Wrestling stadium, rồi từ stadium đi về hướng Ulaanbaatar khoảng 800 mét thì sẽ đến được guesthouse này. Nếu không tìm ra thì khi băng qua một ngã tư sẽ thấy một garage sửa xe, cứ hỏi đường mấy anh chàng Mông cổ dễ thương ở đây thì sẽ được họ nhiệt tình hướng dẫn bởi vì Baigal guesthouse chỉ cách garage này có 5 căn nhà mà thôi.



Baigal guesthouse có cả ger lẫn dorm (bên trong nhà). Họ nói do tôi đi một mình nên tốt hơn là ở trong dorm. Và giá cả ở đây chả rẻ hơn ở Bata guesthouse tí nào, 8.000T cho một người bao gồm ăn sáng và internet (trong khi ở Bata guesthouse, giá 7.000T chỉ bao gồm ăn sáng, với internet thì phải trả tiền 800T/giờ). Tại Baigal guesthouse có cả một chuồng gà và mỗi sáng họ ra lượm trứng gà để làm bữa sáng cho du khách, cũng gồm trứng và bánh mì và trà, thế thôi.

Ở Baigal guesthouse, tôi lôi quần áo ra giặt và tắm rửa, may là tôi không làm biếng lắm bởi vì những ngày sau đó trời mưa và âm u, chả có tí nắng. Ở đây họ chỉ có nước lạnh thôi, không có nước nóng.

Vậy là chỉ trả 8.000T, tôi có cả một căn phòng dành cho 5 người.

Tôi bắt đầu đi dạo Moron và trông thấy một guesthouse khác cũng được giới thiệu trong sách hướng dẫn du lịch. Đó là Gan Oyu Guesthouse. Nơi này nằm gần trung tâm hơn hai guesthouse kia. Để tìm đến đây thì cần tìm ra Dul Hotel bởi vì guesthouse nằm cạnh đó. Ở đây, họ giới thiệu cho tôi phòng dành cho một người có giá 10.000T bao gồm luôn ăn sáng và tắm nước nóng. Mỗi bữa ăn có giá 1.500T. Theo tôi thì nơi ở này khá tốt đấy nhỉ. Tuy nhiên họ không có internet, muốn sử dụng thì phải đi qua Dul hotel gần đấy hoặc đến các điểm intenet công cộng.



Ngoài ra khi tôi đi dạo quanh Moron thì tôi còn thấy một hotel khác có tên là the White House. Ở đây phòng khá đẹp có giá 20.000T, còn phòng đơn giản hơn dành cho một người thì có giá 10.000T. Nơi này có một cái ban công nhìn ra đường khá đẹp và cạnh bên nó là trung tâm internet và ở trên lầu là quán cà phê có cách bài trí cũng khá ấm cúng. Vì vậy nếu ở đây thì cũng không tồi các bạn nhỉ.

Buổi chiều tại Baigal guesthouse có hai du khách người Ý. Hôm sau họ đi hồ Khovsgol. Khi tôi hỏi để quá giang đi đến thị trấn Khatgal gần hồ thì tài xế của họ bảo tôi phải trả đến 15.000T cho đoạn đường khoảng 100 cây. Tôi không đồng ý.

Ngày thứ hai của tôi tại Moron, tôi đi rửa hình để tặng những người Mông cổ thân thiện đã đón tiếp tôi nồng nhiệt tại Telmen. Tôi đi bộ giữa trời mưa và tìm ra nơi rửa hình chỉ toàn là phụ nữ. Họ ăn mặc và trang điểm khá đẹp. Tuy nhiên quả thật người ta nói không sai khi cho rằng một phụ nữ đẹp (do trời cho hoặc do họ tạo ra) thì kém thông minh. Câu này có thể không đúng với nhiều người nhưng rất đúng với những phụ nữ ở đây. Họ chả hiểu tôi muốn gì khi tôi chìa máy ảnh, thẻ nhớ và chỉ vào tấm ảnh có kích cỡ mà tôi muốn rửa. Phải một lúc sau, họ mới hiểu và sau đó bắt đầu rửa. Họ chỉ đẹp mặt mà chả chuyên nghiệp tí nào. Hình của tôi họ rửa quá tối, nhìn xấu ghê do họ cho màu quá tối (tôi hơi bực mình trước những con người đẹp mã mà trí thông minh thì tí teo này.) Hình trong camera của tôi đẹp hơn hình họ rửa nhiều ấy chứ. Tuy nhiên tôi nghĩ họ quá thiếu chuyên nghiệp nên đành chấp nhận bởi vì chả biết giải thích cho họ hiểu thế nào.

Sau khi rửa xong hình thì tôi đi tìm nhà hàng để lại ăn món yêu thích của mình. Trên đường đi ngang qua một tòa nhà thì một cô bé người Mông Cổ xông ra, bắt tay và nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh, tôi quá bất ngờ. Một phụ nữ Mông Cổ bước ra và giới thiệu bà ta là giáo viên tiếng Anh, học trò của bà ta muốn thực tập tiếng Anh với người nước ngoài và sẳn sàng giới thiệu về Moron cho du khách. Thựa sự thì tiếng Anh của cô giáo này theo đánh giá của tôi là khá kém. Khi họ hỏi tôi muốn đi đâu hay muốn tour tiếc gì không. Tôi nói tôi đi bộ nên chả cần tour gì cả.

Sẳn có họ nên tôi hỏi đường đến bưu điện luôn. Vậy là cô giáo bảo học trò dẫn tôi đi. Cô bé dẫn tôi đến bưu điện và nhờ thế tôi gửi ảnh cho những người ở hạt Telmen. Tổng cộng gửi 10 bức ảnh với giá khoảng 1 đô Mỹ, cũng chả mắc các bạn nhỉ. Sau đó cô bé nói cô giáo của cô ta muốn tôi quay về trung tâm ngoại ngữ Best (thì ra cái tòa nhà nơi tôi gặp họ là trung tâm ngoại ngữ Best ấy) để nói tiếng Hoa (!!!!) với một nhóm sinh viên đang học tiếng Hoa tại đây. Buồn cười quá, tôi nói tôi là người Việt Nam chả phải là người Hoa và tôi cũng chả biết tiếng Hoa mà nói bởi vì tiếng mẹ đẻ của tôi là tiếng Việt, ah có biết ấy chứ, thứ tiếng Hoa ba chớp ba nhoáng học trong 5 tháng tại Trung Quốc ấy chứ nhưng chả đủ để giao tiếp đâu. Cô bé ngạc nhiên hỏi thế tiếng Việt và tiếng Hoa khác nhau à? Tôi nói dĩ nhiên là khác rồi mặc dù có một số từ có phát âm tương tự.

Cô bé hỏi tôi muốn đi đâu, tôi nói tôi muốn ra chợ ăn món bánh chiên yêu thích. Trên đường đi thì đi ngang qua trung tâm Best và cô bé rủ tôi vào. Lúc ấy trong phòng có cô giáo tiếng Anh, chồng của cô ta, một giáo viên tiếng Hoa và hai học trò đang học tiếng Hoa. Tôi không hiểu cô giáo tiếng Hoa sao đa phần chỉ viết tiếng Pinyin lên bảng mà không viết tiếng Hoa ấy nhỉ??? Theo đánh giá của một người trong nghề như tôi thì phương pháp sư phạm của họ khá yếu. Dạy thế thì 10 năm sau học trò vẫn không nói được ấy chứ.

Lúc đó có một cô bé cũng 14-15 tuổi khác vào và thông báo với mọi người cô ta được trúng tuyển vào trường đại học quốc gia tại Ulaanbaatar để học chuyên ngành về Quản trị du lịch (không hiểu sao ở Mông Cổ mới 15 tuổi đã có thể học đại học rồi nhỉ? Sau này tôi có hỏi cô bé ấy nhưng cô ta không biết giải thích bằng tiếng Anh như thế nào.) Mọi người chúc mừng cô bé.

Ngồi một lúc, tôi ngỏ ý muốn đi ăn món bánh chiên thì họ bảo tôi chờ một chút bởi vì cô bé mới vào cũng muốn đi chung và nói tiếng Anh với tôi. Tôi nói nếu trễ thì có thể nhà hàng đóng cửa. Họ bảo không sao, nhà hàng mở cửa đến tận 9-10h tối (!!!). Tôi đành chờ và chồng cô giáo tiếng Anh có quyển sách du lịch Việt Nam của Fiditour. Ông ta mở ra cho tôi xem. Tôi chỉ cho mọi người xem đất nước Việt Nam.

Khi ngồi nói chuyện, tôi có nói rằng tôi thấy một số sản phẩm Việt Nam tại siêu thị ở thủ phủ Moron. Ví dụ bánh AFC hay kem đánh răng PS. Họ bảo tôi rằng kem đánh răng PS là sản phẩm yêu thích của họ ấy. Chồng cô giáo tiếng Anh là tài xế hay lái xe đi UB và trong túi luôn thủ sẳn ống kem PS để sử dụng ấy.

Khoảng 6h30 thì mọi người đóng cửa trung tâm và bắt đầu ra về. Hình như trung tâm Best này là của hai vợ chồng cô giáo tiếng Anh ấy thì phải. Cô giáo gửi gắm hai đứa học trò cho tôi. Chúng tôi cùng nhau đi tìm quán ăn và theo tôi dự đoán thì đúng là chả có quán nào bán món bánh chiên ấy chả. Thực sự tôi biết còn nhiều hơn hai cô bé ấy nữa chứ. Đi một hồi, tôi giải thích có tìm cũng vô ích bởi vì các nhà hàng ở Mông Cổ sau 5h chiều thì không phục vụ món ăn ấy nữa. Họ không tin hay không hiểu gì đó mà cố lôi tôi đi đến vài nhà hàng. Quả đúng như thế, chả có nơi nào phục vụ món ấy cả.

Một lúc sau, tôi nói muốn về guesthouse để sử dụng internet nên chia tay họ. Họ để lại cho tôi địa chỉ email và tôi cũng thế. Họ bảo muốn viết mail cho tôi. Tôi nói không sao, cứ việc nhưng tôi không thể thường xuyên vào mạng nên khó trả lời thường xuyên được.

Khi tôi về nhà trọ thì có thêm vài du khách khác đến. Tôi không quan tâm lắm mà tranh thủ vào internet để tải bài. Lúc đó bà chủ guesthouse hỏi tôi dự định làm gì vào ngày mai. Tôi nói không biết. Bà ta bảo có 3 du khách người Pháp ngày mai thuê xe của nhà bà ta để đi hồ Khovsgol. Nếu muốn thì tôi có thể đi chung họ. Tôi nói để tôi kiểm tra dự báo thời tiết. Dự báo nói trời mưa đến tận thứ 7 và khi trời mưa thì lạnh lắm, đặc biệt ở khu vực gần hồ, trời còn lạnh hơn nữa.

Sáng hôm sau, khi tôi thức giấc và ngồi chờ ăn sáng cùng những du khách này thì tôi mới biết rằng thực sự 3 người Pháp này không đi cùng nhau. Hai người (một cặp) tự đi đến Moron bằng máy bay còn người phụ nữ kia thì thuê xe từ Ulaanbaatar và đến đây. Nghĩa là xe do người phụ nữ này thuê từ UB ấy chứ và cặp kia thì đi ké. Thế mà bà chủ nhà bảo rằng họ thuê xe của nhà bà ta mới ghê!!!! Quả là phong cách Mông Cổ, luôn nghĩ cách moi tiền du khách, nhiều khi đến mức trơ trẽn ghê. Sao bà ta không nghĩ là tôi có thể nói chuyện với họ và vỡ lẽ ra nhỉ? Tuy nhiên theo đánh giá của tôi thì người phụ nữ vẫn còn đỡ hơn nhiều người Mông cổ khác ấy chứ.

Nhiều du khách khác cũng nói rằng dân Mông Cổ sau thời kỳ “bị” Liên xô cai trị thì họ rất là “money-minded,” luôn nghĩ cách moi tiền lẫn nhau và của du khách. Điều này thực ra cũng đúng với nhiều người chứ không phải là tất cả dân Mông cổ đâu các bạn!

Ở tại Baigal guesthouse hai đêm bị rệp hay muỗi gì đó cắn tơi bời hai cánh tay (lần đầu tiên tôi bị tấn công tả tơi thế), tôi quyết định đi đâu đó ra khỏi Moron. Vậy là tôi quyết định trả phòng. Bà chủ nhà cố tìm cách giữ tôi ở lại bởi vì bà ta muốn tôi mua tour du lịch đến hồ Khovsgol vào ngày hôm sau mà theo bà thì có lễ hội gì đó. Tôi vẫn quyết định ra đi và họ bảo nếu tôi chờ đến 1h thì sẽ có ai đó đến và hướng dẫn tôi ra bến xe để mua vé đi thành phố Erdenet, thành phố lớn thứ hai của Mông cổ (sau UB) và là một trong 10 mỏ đồng lớn nhất của thế giới. Tuy nhiên tôi bảo rằng tôi có thể tự mình đi đến đó. Vậy là tôi tạm biệt họ và vác ba lô lên đường.

Tôi lại đến nhà hàng ăn món yêu thích của mình và sau đó đi thẳng con đường chính và thấy một ngôi chùa. Lúc đó các nhà sư đang làm lễ và họ ra dấu bảo tôi đến làm lễ chung. Vậy là tôi được các vị lạt ma ở đây cho vào bàn tay một nắm gạo và nắm chung sợi dây mà các vị sư đang nắm để làm lễ. Tôi không hiểu họ đang làm lễ gì nữa nhưng vẫn tập trung nghe. Thực ra phật giáo Tây tạng khá ồn ào khi họ làm lễ ấy. Ngoài tiếng đọc kinh, họ còn có đủ mọi nhạc cụ như vỏ ốc, trống, kèn,….Và tiếng đọc kinh của họ cũng khá ngộ. Tuy nhiên có một điều tôi nể họ nhất là khi họ tạo âm thanh “uhm uhm” từ trong cuống họng ấy. Âm thanh này nghe thật sâu và dội vào lòng người lắm đấy nhé.


Sau khi làm lễ xong thì tôi lại vác ba lô đi. Nếu đi thẳng hướng từ ngôi chùa này thì sẽ đến hồ Khovsgol. Vậy là tôi đi hướng ngược lại và khi hỏi thăm đường một ông lão đang ngồi trong xe ô tô. Sau khi chỉ tôi đường, ông ta hình như thấy không yên tâm (lúc đó đã hơn 5h chiều) nên lái xe theo, mời tôi lên và chở đến các khách sạn, ý nói trời chiều rồi tôi nên ngủ lại, tôi lắc đầu và ông ta chở tôi đến cây xăng, ý nói tôi có thể đón xe tại đây. Lúc đó tình cờ có một cô bé Mông cổ biết chút ít tiếng Anh nên tôi nhờ cô ta nói với ông lão rằng ông ta không cần lo cho tôi: tôi đi bộ và khi trời tối thì sẽ ghé vào ger của người địa phương mà ngủ. Thế mà mọi người vẫn không tin và tìm cách hướng dẫn tôi ở lại và đón xe vào hôm sau. Tôi mệt quá nên nói tôi đi bộ mà. Cuối cùng mọi người cũng bỏ đi và tôi lại được tự do làm điều mình thích (nhiều khi sự giúp đỡ nhiệt tình quá cũng gây phiền phức, các bạn nhỉ!)

Tôi đi bộ về hướng UB. Trên đường cũng có xe dừng lại nhưng đa phần là xe buýt với đầy nhóc khách trên đó và những người khách trên xe ý chả muốn tôi leo lên chút nào. Tôi đi bộ ra khỏi Moron thì thấy những cái ger trắng mờ mờ trước mặt. Vậy là yên tâm. Tôi rẽ về hướng một cụm 3-4 ger gần nhất. Tại đây tôi thấy một đàn ngựa bị cột hai chân sau lại và những người phụ nữ đang quỳ gối để vắt sữa ngựa.

Tôi chỉ các bạn bí quyết để làm quen với dân Mông cổ nhé! Bí quyết này tôi chả thèm chỉ cho những khách du lịch khác đâu (nếu nhiều người biết quá thì sao gọi là bí quyết nhỉ?). Người Mông cổ thích được chụp ảnh lắm (không phải là tất cả nhưng mà đa số là thế) vì vậy để “break the ice” với họ thì các bạn cứ nhào tới chụp, nhá máy hình và chỉ cho họ xem ảnh của họ. Thế là cuối cùng có một gia đình mời tôi về ger và cho phép tôi ngủ lại (hehehe).


Hai vợ chồng chủ ger này khá trẻ, vợ 26, chồng 28 tuổi. Họ có hai cậu con trai, 3 và 1 tuổi. Tôi mê thằng bé 1 tuổi vô cùng. Tôi vài lần hỏi xin họ cho đem thằng bé về Việt Nam thì thái độ của họ như sau: Người vợ chỉ vào người chồng và nói tôi có thể đem anh ta về Việt Nam và để thằng bé lại. Người chồng thì ra dấu bảo tôi ngủ với anh ta đi rồi có bầu đẻ con. Cách nào tôi cũng không chịu cả.



Tôi học được cách làm airag (sữa ngựa lên men) rồi nhé. Nếu để lên men tự nhiên thì lâu lắm vì vậy mà họ dùng cây gậy khuấy vào thùng sữa cho mau lên men. Họ hướng dẫn tôi cách khuấy. Các bạn mà ở chung dân Mông cổ thì chả bao giờ họ để cho các bạn ở không đâu. Họ làm việc quần quật suốt, vì vậy cứ ai đến ger thì phụ giúp họ gì đó (nếu ở đủ lâu). Ví dụ như khuấy sữa cho mau lên men.


Tối hôm đó, chị phụ nữ chỉ vào chiếc vòng mà tôi được tặng ở Telmen và khen đẹp. Lúc sau, chị ta cởi chiếc nhẫn bạc đang đeo ở tay ra chùi rửa rồi sau đó đeo vào ngón tay giữa của tôi. Vậy là tôi cởi chiếc vòng mà chị ta thích ra tặng lại. Chị ta khi soạn chăn nệm cho tôi ngủ còn khoe rằng quần áo, cả cái ger và các đồ bao gối mền đều do một tay chị ta may lấy đấy. Chị ta còn tặng tôi một cái áo gối có hình hai con cá nữa. Chị ta chỉ vào hai con cá và ý nói chúc tôi mau lấy chồng ấy (khekhekhe).

Vậy là để đáp lại sự nhiệt tình của chị ta, tôi nói hôm sau tôi sẽ đi về Moron rửa hình mà tôi chụp mọi người ấy và quay lại đây để tặng trước khi chia tay. Chị ta vui lắm và cám ơn một cách niềm nở.

Tối đó tôi ngủ chung cô bé 10 tuổi mà tôi đoán chắc là em gái hay cháu của họ. Cô bé này 10 tuổi nhưng đã ra dáng thiếu nữ rồi và trông khá đẹp. Con bé cứ đi theo tôi suốt làm tôi phải nghĩ đến việc mua cái gì đó để tặng vào hôm sau. Chị chủ còn lấy cái áo deel (áo truyền thống của người Mông cổ) của ông chồng ra đắp lên cho tôi ấm nữa đấy.

Tối hôm đó, tôi lại bị rệp cắn tơi bời (chỉ có ở miền Bắc Mông Cổ, tôi mới bị rệp cắn thôi nhé!) Mọi người thức dậy sớm và muốn tôi đi vắt sữa cùng họ nhưng tôi thích “nướng” nên ở trong chăn đến hơn 8h.

Dân Mông cổ có tính cách mà tôi thấy giống y như dân miền Tây Nam bộ vậy đó. Đó là tính rề rà. Họ bảo họ làm cái gì thì các bạn cứ yên tâm đi, 1-2 tiếng đồng hồ sau (có khi lâu hơn nữa cơ) họ mới làm. Ngoài ra họ cũng không thích làm việc gì xong việc nấy đâu. Khi đang làm gì thì họ có thể bỏ ngang để làm việc khác ấy. Tôi lại là người không thích kiểu như thế. Vì vậy, tôi phải kiên nhẫn ghê gớm để “chịu đựng” người Mông cổ đấy nhé.

Sáng, mọi người bảo tôi chờ để đi chung anh chồng về Moron bởi vì anh ta sẽ đem airag đi bán, vì vậy tôi có thể đi ké xe máy. Thế mà khoảng 2 tiếng sau thì tôi mới được leo lên xe máy đấy các bạn. Họ vắt sữa, rồi họ cho sữa vào bình, rồi họ tiếp khách, rồi họ “tám.”

Cuối cùng tôi cũng ngồi đằng sau xe máy với bình airag khoảng 25 lít được ngự giữa tôi và người lái. Vậy là tôi có nhiệm vụ giữ cho bình airag không bị rơi. Đầu tiên chúng tôi đến doanh trại quân đội. Nơi đây có một ông lính ra mở cổng và cầm theo cái ca để xin airag uống. Một lúc sau thì một bà lính bước ra, uống thử và chê không mua. Thế là chúng tôi ôm bình airag lên xe và đi đến nhà một người nào đó (chắc khách hàng trước đây của anh ta) nhưng không ai ở nhà cả. Vậy là anh ta chạy xe ra chợ nơi có những người ở các ger gần ger chúng tôi, đang quây quần (chắc họ cũng đang chờ bán hàng). Tôi chia tay mọi người để đi rửa hình.

Lần này tôi muốn đến nơi rửa hình khác với nơi toàn những người phụ nữ kia nhưng nơi mà tôi trông thấy ở trong chợ vẫn chưa mở cửa dù lúc đó đã 11h. Vậy là tôi lại quay ra đường chính và thấy một nơi khác gần nơi cũ. Nơi đây cũng toàn phụ nữ và khi tôi ra dấu tôi muốn rửa hình thì họ lại hướng dẫn tôi đến nơi rửa hình cũ. Không có sự lựa chọn nào khác nên tôi đành chịu. Lần này họ thông minh hơn nên tôi không cần giải thích và họ rửa ra những tấm ảnh lợt nhách (chắc họ rút kinh nghiệm lần trước nên lần này cho màu lợt nhách); tuy nhiên vẫn đỡ hơn những tấm hình tối sầm trước đây.

Tôi rửa 24 tấm để tặng gia đình chủ ger và những gia đình xung quanh mà trước đây khi tôi nhảy vào chụp bụp chụp tôi chả phân biệt ai với ai và sáng khi tôi chuẩn bị đi rửa hình thì vài người từ ger khác đến ăn mặc và trang điểm đẹp để nhờ tôi chụp hình. Chả lẽ từ chối sao nên tôi đành chụp tất và rửa tất bởi vì khi họ ở gần nhau thì họ có bà con họ hàng gì với nhau rồi.

Rửa hình xong thì tôi vào siêu thị mua một tuýp kem PS “made in Vietnam” và một ổ bánh mì thật to để tặng gia đình chủ ger. Tôi còn mua một cái đồ cài tóc có hình chú mèo Kitty để tặng cô bé 10 tuổi nữa.

Xong xuôi thì tôi lội bộ về và bị lạc đường. Khi tôi hỏi thăm đường, tôi nói “Ulaanbaatar” vậy là mọi người chỉ tôi vào chợ để đón xe. Tôi phải móc máy ảnh và hỏi thăm đường về wrestling stadium thì mới yên thân đấy. Từ stadium cứ đi thẳng. Vậy mà đến 3h chiều tôi mới về đến nơi ấy. Mệt ghê gớm!!! Vì vậy, tôi quyết định ở lại thêm một đêm nữa (Đi bộ dưới trời nắng mà!) Mọi người xúm xít trầm trồ những tấm ảnh.

Phải công nhận chị chủ ger của tôi thuộc dạng người bừa bãi. Tôi phải phụ dọn dẹp và rửa chén trong khi chị ta vắt sữa. Cách rửa chén của dân Mông cổ như sau: cho một ít nước vào chảo đun, sau đó cho chén vào, rồi lấy vải lau, không cần xà phòng hay rửa nhiều lần đâu.

Cái con bé 10 tuổi và xinh đẹp ở chung ger lại xấu tính lắm nhé. Chắc nó “nhím” tiền mua hàng để mua kẹo hay sao ấy mà nó có một bọc kẹo giấu trong giỏ, lấy ra mời tôi ăn khi mọi người ra ngoài vắt sữa hết. Khi tôi cho vỏ kẹo vào bếp, chị chủ ger về nhìn thấy và hỏi thì nó lại chỉ sang tôi. Chị chủ ger chìa tay ra xin kẹo tôi thì tôi làm gì có mà cho chứ. Ngoài ra con bé còn có thêm một tính xấu nữa là “tám” điện thoại và “đùn đẩy” việc nhà sang tôi để “nấu cháo” điện thoại ấy. Con bé này thích đổ thừa mọi việc cho tôi lắm đấy. Cứ làm gì sai là nó cứ đổ qua tôi, dù họ nói tiếng Mông cổ với nhau nhưng tôi nghe và có thể đóan ý được đấy.

Chiều hôm ấy, mọi người hướng dẫn tôi cách làm mì để nấu món tsuivan truyền thống của dân Mông cổ. Món này tôi ăn hầu như hằng ngày nên ngán muốn chết. Khi tôi cắt mì thì chị vợ lấy thịt bò khô ra ngồi cắt. Sau đó chị vợ đi vắt sữa thì anh chồng vào nấu ăn. Bây giờ thì tôi có thể làm và nấu món này rồi nhé.

Tối hôm đó, tôi tự dọn chăn mền ra để lại ngủ chung với con bé 10 tuổi này. Lúc ấy có mấy người ở ger hàng xóm qua nhìn tôi và cũng xông vào dọn giúp.

Vợ chồng chủ ger bảo rằng muốn gửi thịt bò khô cho tôi để mang về Việt Nam. Dĩ nhiên là tôi đồng ý nếu chỉ một ít thôi chứ nhiều quá thì tôi chả vác đâu.

Buồn cười một điều là ở Mông cổ không có biển nên họ xem hồ Khovsgol như biển ấy và họ đặt tên nó là Dalai (nghĩa là đại dương). Tôi mở bản đồ Việt Nam ra chỉ cho họ xem thế nào là biển thì anh chồng quê độ và ẳm tôi và đem ra ngoài ger quăng xuống. Anh ta ẳm tôi gọn hơ.

Anh chồng gọi điện thoại tứ tung để tìm xe cho tôi đi UB vào hôm sau dù nhiều lần tôi nói rằng tôi đi bộ. Sau đó họ nói gì đó mà ý là chỗ tôi ngủ sẽ có 5 người. Tôi nghĩ cả gia đình họ sẽ xuống đất ngủ chung nên cười trừ.

Dân Mông cổ có thêm một tính mà vì tính này mà tôi bỏ hẳn ý định kiếm một ông chồng người Mông cổ ấy nhé. Đó là họ có thể xông vào ger của bạn (thường ger chả có khóa mà) bất cứ lúc nào kể cả giữa đêm, ngồi “tám” và nhìn hai vợ chồng chủ ger nằm ngủ với nhau (!!!).

Giữa đêm tôi bị dánh thức dậy bởi hai thằng điên như thế ấy. Bọn họ say rượu, đến bằng xe máy, mở cửa ger, xông vào, mở đèn lên, ngồi “tám” và nhìn vợ chồng chủ ger đang ngủ. Một lúc sau, một thằng điên chui vào giữa tôi và con bé nhưng tôi đá anh ta ra chỉ ra ngoài đất. Anh ta lại chui qua phía con bé và thằng bé 3 tuổi, kéo chăn của họ ra đắp. Con bé bị kéo chăn nên lằng nhằng, anh ta cũng bị kệ. Còn thằng điên kia chả chịu ngủ mà ngồi “tám” với anh chàng đã chui vào chăn. Lúc đầu tôi nghĩ họ chỉ nói một chút rồi tắt đèn ngủ nhưng họ nói mãi. Tôi tắt đèn. Họ lại nói. Tôi tung chăn ngồi dậy ngồi dậy và ra dấu cho anh ta ngủ. Anh ta giơ tay chào tôi, nhìn cái bản mặt của anh ta tôi nổi điên và ra dấu lần nữa đề nghị anh ta im lặng. Chả xi nhê gì nên tôi lấy chiếc dép đập vào đầu anh ta cho bỏ ghét. Anh ta bị bất ngờ nhưng cũng chả chịu im lặng (chắc nghĩ đó là cách chào của người Việt Nam!!!!), tôi lại lấy chiếc dép đập lần nữa (chỉ tiếc là chiếc dép của tôi nhẹ quá nên đập chả xi nhê gì) và chỉ ra ngoài ger. Tôi lấy cái nắp thùng ném về phía anh ta. Anh ta ném trở lại, chả trúng. Lúc đó chị chủ ger thức dậy, nhìn thấy, nằm cười.

Tôi nổi điên rồi đấy nên bắt đầu chửi bằng tiếng Việt. Chả cần biết anh ta nói gì, cứ anh ta nói một câu tiếng Mông cổ là tôi chửi một câu tiếng Việt. Tôi lôi cả dòng cả họ nhà anh ta ra chửi. Mọi người nằm cười và ra dấu bảo tôi ngủ. Làm sao ngủ được khi có một thằng điên cứ ngồi ra rả cái họng bên cạnh ấy nhỉ? Vậy mà vợ chồng chủ ger vẫn ngủ được mới ghê ấy chứ, chắc họ quen với kiểu này rồi chăng? Một hồi, tôi nằm im và anh ta cũng lấy áo deel (áo truyền thống của người Mông Cổ ra cuộn lại và ngủ). Tôi lại tiếp tục ngủ và bị rệp cắn tơi bời.

Tuy nhiên cũng chả ngủ được bởi một trong hai thằng điên ấy ói nên hắn ta cứ đi ra đi vào. Sáng, bọn họ dậy sớm và gọi tôi ê a (chắc hai thằng điên này là do anh chồng gọi điện bảo đến để chở tôi ra xe đi UB đây mà- có cho đi miễn phí với hai thằng điên này tôi cũng chả thèm nữa là.) Tôi chả thèm trả lời, cứ nằm ngủ. Bọn họ bỏ đi. Nằm chán, tôi dậy thì chị chủ làm lại hành động lấy dép đập vào đầu vào ra dấu number one ấy. Chị ta hỏi bộ tôi bị hắn kéo chăn thả dê hả. Tôi gật đầu đại luôn bởi vì cũng chả biết giải thích như thế nào. Chị ta cười ha ha và tôi đảm bảo tất cả mọi người xung quanh đều biết chuyện tôi lấy dép đập vào đầu cái thằng điên kia.

Chị vợ “dụ” tôi ở lại thêm một đêm. Tôi gật đầu luôn. Tuy nhiên sau sự kiện buổi tối với hai thằng điên và sau sự kiện chị chủ ger lấy đôi giày mới mua của tôi đi vắt sữa ngựa nên nó dính đầy phân ngựa, tôi phải ngồi kỳ cọ miết nên khi chị ta đem đồ ra nhờ tôi giặt giúp và nói gì đó ý là đồ nào đó thì phải giặt riêng. Tôi chả hiểu, cộng thêm con bé 10 tuổi cứ ngồi nói “no no no” mà chả chịu làm cho xong việc nên tôi hết kiên nhẫn nổi. Tôi vứt đồ xuống đất cái xạch và vào xách ba lô đi UB. Anh chồng thấy tôi nổi điên nên chạy đến ý muốn vuốt giận nhưng tôi hết kiên nhẫn nổi nên bỏ đi luôn.

Sau sự kiện này tôi rút ra kinh nghiệm rằng nếu ở ger người địa phương nên ở tối đa 2 đêm thôi, chớ nên ở lâu. Do tôi mê thằng bé 1 tuổi kia nên ở nơi này đến 2 đêm ấy chứ thường tôi chỉ ở một đêm là chia tay rồi.

Kỳ sau: Tôi đi Mông Cổ (11): Từ Moron đến Darkhan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét