CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Lại trở về Trung Quốc (11): Đạp xe từ Emeishan đến Ya an


Sau hai ngày nghỉ ngơi tại Teddy Bear Hotel, tôi lại tiếp tục hành trình đi xe đạp của mình. Thực ra tôi có ra bến xe ở Emeishan để hỏi xe buýt đi Kangding. Không có xe buýt đi thẳng đến Kangding, phải đón xe đi Ya an, rồi từ Ya an mua vé xe đi Kangding.

Khi tôi hỏi người bán vé, tôi có thể mang theo xe đạp lên xe buýt không thì họ không chắc chắn lắm mà bảo tôi khi nào đi thì mang xe đạp đến chất thử lên xe buýt, nếu được thì mua vé, không được thì thôi.

Tôi lên mạng tra thông tin thì thấy có vài người đạp xe từ Emeishan đến Kangding bằng cách đi trở lại về hướng Chengdu một tí để đến JiaJiang (từ Emeishan đến Jiajiang là 27 cây số), rồi từ Jiajiang đi theo hướng Hongya (từ Jiajiang đến Hongya là 35 cây số), sau đó từ Hongya đi Yaan (từ Hongya đến Yaan là khoảng 60 cây số). Vậy là tôi quyết định đạp xe theo lộ trình này.

Tôi đi dọc theo đại lộ Jinding Beilu ở Emeishan để đến Jiajiang. Đoạn đường này xuống dốc nên tôi đi khá thảnh thơi và khá nhanh. Khi đến Jiajiang thì có bảng chỉ đường để rẽ trái đi Hongya. Tôi đi ngang qua vùng nông thôn ở đây với những dây bầu dây bí cùng những quả to ơi là to lủng lẳng trên giàn. Nếu có mang theo bếp nấu thì vào vườn mua mỗi thứ một quả với giá cực rẻ và tự nấu thì quả thật là các bạn có thể đi bụi hàng năm trời vẫn không hết tiền đấy.

Con đường ở đây khá nhỏ và xe tải chạy chung với xe đạp nên phải chạy khá cẩn thận đấy các bạn. Đi mãi, cuối cùng tôi cũng đến trung tâm Hongya vào chập choạng tối. Tôi không ghé vào trung tâm mà chạy luôn. 
Hongya chụp từ núi.

Dọc đường là ao sen nở hoa thơm phức. Chạy mãi thì tôi đến một ngôi làng, thực ra là vùng ngoại ô của Hongya. Dù đây là một ngôi làng nhưng có công viên cho người dân ra múa – phía trên là cái màn hình cực to để ai không biết điệu múa thì có thể nhìn theo màn hình mà làm.

Tôi ghé lại xem một tí và ăn một tí thì lúc đó đã gần 8h tối. Nơi này tôi không thấy có nhà trọ nhà nghỉ gì hết. Ghé mua chai nước, tôi lại tiếp tục đạp xe. Chỉ có gần thành phố hay thị trấn thì mới có đèn đường, còn lại thì tắt tối thui. Dự định dừng ở trước sân ngôi nhà nào đó cắm lều nghỉ ngơi, nhưng cứ mỗi khi tôi dừng xe thì chó từ trong nhà lại sủa ran và có con còn rượt theo tôi nữa chứ. Vậy là không thể tùy tiện vào được rồi. Tôi lại tiếp tục hành trình khi thấy phía trước có ánh đèn. Thì ra đó là cây xăng. Tôi xin phép vào vòi nước rửa mặt mũi (và tại đây tôi bị rớt mất cái đồng hồ đeo tay.)

Lúc đầu, tôi dự định xin phép cắm trại gần cây xăng nhưng nghĩ lại xe cộ cứ ra vào đổ xăng ồn ào quá làm sao mà ngủ được nên tôi, sau khi cảm ơn, thì lại tiếp tục mò mẫm đạp xe trong bóng tối.

Chạy một chút thì tôi lại thấy ánh đèn của một tòa nhà mà tôi đoán là công ty hay trường học gì đó. Đối diện nơi ấy là một dãy nhà có mái che ngoài hiên, thật là lý tưởng để cắm trại bởi vì nếu có hiên che thì trời mưa sẽ không bị ướt. Tôi ghé vào nói với bảo vệ rằng tôi muốn đi Ya an nhưng trời tối quá không thấy đường chạy xe, tôi có thể qua phía hiên nhà đối diện cắm trại được không.

Anh bảo vệ dẫn tôi qua đường, gõ cửa. Lúc ấy chúng tôi mới thấy một cụ già đang đứng trước sân, thì ra đó là nhà của cụ. Hình như anh bảo vệ là con của cụ thì phải. Anh ta rất tự nhiên bảo tôi dắt xe đạp vào nhà và họ nói chuyện với nhau. Bà lão và anh bảo vệ thì đồng ý cho tôi cắm trại trước sân nhưng cụ già thì không. Cụ bảo muốn xem chứng minh nhân dân và hộ chiếu của tôi. Tôi hơi bực mình vì nghĩ rằng mình chỉ ngủ trước sân chứ có vào nhà đâu mà phải trình hộ chiếu. Tôi nói tôi không vào nhà mà chỉ cần cắm trại ngủ ngoài sân thôi, họ có thể đóng cửa mà. Lý do tôi phải xin họ là để chó không sủa tôi nữa mà thôi. Ông lão lại nằng nặc.
Ông cụ khó tính!

Cuối cùng tôi nói tôi có hộ chiếu nhưng họ xem sẽ không hiểu. Ông lão bất chấp những lời nói vô của bà lão và anh bảo vệ lại đòi xem. Lúc đó tôi hơi bực mình nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng những người có vẻ khó chịu và làm cho bạn "sốc hàng" lúc ban đầu, chỉ cần một chút thông cảm và kiên nhẫn với họ thì hóa ra cuối cùng họ là những người rất tốt bụng, thậm chí tốt hơn rất nhiều so với những người để lại ấn tượng tốt với bạn lúc đầu ấy. Giống y như viên ngọc được bọc trong lớp vỏ bằng đá xù xì ấy các bạn nhỉ.

Tôi dẹp đi sự khó chịu và móc hộ chiếu và chứng minh nhân dân Việt Nam ra đưa cho ông cụ. Cụ già 80 tuổi mà mắt còn tinh tường lắm, đọc giấy tờ của tôi mà không cần mang kiếng đâu. Xem xong, cụ đòi giữ hộ chiếu. Tôi lại bực mình vì nghĩ rằng mình chỉ ngủ ngoài hiên thôi mà, đưa hộ chiếu cho cụ rồi sáng hôm sau khi đi quên mất thì sao. Tôi nói không được, ở Trung Quốc, tôi là người nước ngoài, nếu không có hộ chiếu, tôi sẽ gặp rắc rối. Cụ lại không chịu, dù cho những người có mặt lúc ấy ra sức nói vô cho tôi. Cụ đòi giữ hộ chiếu và nói tôi không cần ngủ ngoài sân mà vào nhà ngủ.

Thôi tôi đành chiều ý cụ vậy dù hơi hồi hộp không biết sáng hôm sau có nhớ mà lấy lại hộ chiếu không nữa (các khách sạn nhà trọ ở Trung Quốc chưa bao giờ giữ giấy tờ của khách trọ, họ thường chỉ xem rồi trả lại ngay).

Bà lão dẫn tôi vào cả một căn phòng và bảo tôi có thể ngủ ở đó. Trong phòng có đủ mền gối, quạt. Hình như là phòng của con cụ.
Bà cụ tốt bụng.

Ông lão hóa ra lại rất tốt bụng (phán đoán của tôi không sai mà.) Ông lão lấy thau bảo tôi đánh răng, rửa mặt nè. Khi tôi lấy nước ra dội vào chân thì ông lão lấy cái thau cho vào một ít nước lạnh, rồi vào nhà bếp lấy nước nóng pha vào cho ấm, sau đó lấy cái khăn cho vào thau, ra dấu bảo tôi lấy nước ấm ấy mà rửa chân. Ông lão còn lấy đôi dép nhựa màu hồng dành cho nữ giới bảo tôi mang vào sau khi kỳ cọ chân ấy.

Sau đó, khi tôi vào phòng họ xin nước nóng pha trà thì họ bảo tôi xem ti vi cùng. Ông lão nhường cái ghế mây ông đang ngồi cho tôi (đó là cái ghế to nhất và thoải mái nhất phòng) và lên giường ngồi xem ti vi. Tôi nói tôi có thể ngồi ghế nhựa nhỏ xem, ông bảo ngồi ghế ấy không thoải mái đâu. Vậy là tôi ngồi xem ti vi với họ. Họ có 9 người con, 5 trai và 4 gái, hiện đang ở nơi khác. Họ nói tôi sao hơn 30 tuổi rồi mà chưa lấy chồng. Tôi nói đùa rằng ở một mình cho sướng, lấy chồng có nhiều rắc rối lắm. Tôi hỏi bà lão đúng không, bà ta gật đầu, cười và nói đúng rồi. Sau đó họ bảo tôi lấy chồng Trung Quốc đi. Đàn ông Trung Quốc tốt lắm, không đánh vợ bao giờ. Tôi nói đùa đàn ông Trung Quốc hút thuốc và uống rượu nhiều quá nên tôi không thích. Nếu tìm ra người nào không hút thuốc và uống rượu, tôi sẽ lấy. Họ bảo có nhiều lắm, họ làm mai mốt cho (!!!!)

Tối hôm ấy, trời mưa to và sấm sét ầm ĩ nên tôi không ngủ được (thiên nhiên cũng ồn ào quá các bạn nhỉ!) Sáng tôi dậy đánh răng rửa mặt thì bà lão rủ tôi ở lại chờ ăn sáng luôn. Tôi nói để tôi ghé quán ăn dọc đường. Khi ấy tôi mới phát hiện rằng thì ra ông bà lão có một tiệm tạp hóa nho nhỏ. Ông lão hỏi tôi có muốn mua gì không, dù không cần gì nhưng tôi cũng mua ủng hộ ông lão 15 tệ. Tôi mua mì gói và lấy nước nóng của họ pha ăn luôn tại chỗ. Sau đó, tôi chụp hình họ và chia tay lên đường.

Đoạn đường từ đây đến Ya an còn khoảng 35 cây và leo dốc kinh dị luôn. Thực ra dốc ở đây là dốc thoai thoải chứ không thẳng đứng nhưng xe của tôi không phải là mountain bike nên chả leo nổi, tôi đẩy bộ mệt đứt hơi.

Do tối hôm trước mưa to nên có đoạn bị sạt lở (đường một bên núi, một bên sông nước đỏ ngầu như nước sông Hồng vậy đó.) 
Sạt đường
Con đường chạy giữa một bên sông một bên núi.

Dọc đường tre mọc hai bên nên vừa đẹp vừa mát dù đường có nhiều đoạn đầy ổ gà (chắc do nơi đây hay bị sạt lở do nước mưa) và khá nguy hiểm vì nước từ trên núi cứ chảy xuống mãi. 
Cổng tre tự nhiên.

Tuy nhiên cảnh đẹp mê hoặc. Tôi cứ chạy dọc theo con sông nước đỏ ngầu vừa yên bình vừa tĩnh lặng, nhiều đọan nên thơ như sông Hương ở Huế. Vừa đi tôi vừa cảm ơn trời đất vì mình may mắn thấy được khung cảnh đẹp và nên thơ như thế này. 



Tuy thế đoạn đường này cũng khá nguy hiểm vì xe tải chạy đầy, đường thì lởm chởm ổ gà và lại hay sạt lở đất. Ngoài ra biết đâu đang đi thì đất đá từ trên núi rớt xuống thì chỉ có nước vào bệnh viện hoặc xuống âm phủ mà thôi. Quả là cái đẹp luôn đi kèm cái nguy hiểm các bạn nhỉ! Càng đẹp thì càng nguy hiểm!

Tôi cứ vừa đi vừa cảnh giác ổ gà, vừa tránh xe tải, vừa đẩy bộ mệt đứt hơi, vừa ngắm phong cảnh nên thơ đến lúc không đẩy xe nổi nữa thì tôi ngồi đại xuống một tảng đá trước nhà ai đó nghỉ mệt và lấy trái cây ra ăn. Khi ấy một bà cụ từ trong nhà đi ra, nhìn tôi và hỏi đi đâu. Tôi trả lời xong thì bà cười cười và đi vào nhà.

Nghỉ mệt xong, tôi vào hỏi xin nước rửa mặt, thực ra tôi muốn xem cuộc sống của người nông dân nơi đây. Ở đây họ sử dụng nước bơm lên từ sông nên nước đỏ ngầu, thôi kệ tôi rửa mặt luôn. Rửa mặt xong tôi chỉ vào cây lê vào hỏi tôi mua được không. Không biết bà lão hiểu không mà đi ra lấy cây thọc cho tôi hai quả. Tuy nhiên do rớt xuống nền xi măng nên cả hai quả đều bị dập và tôi chỉ ăn được phân nửa mà thôi.

Thấy bà lão đang ngồi lột vỏ ngô/bắp để phơi. Tôi tiến đến thì bà lão vào nhà lấy ghế mời tôi ngồi. Tôi ngồi lột vỏ cùng bà cụ. Bà bảo tôi không cần làm cứ ngồi nghỉ mệt. Tôi nói tôi muốn giúp. Vậy là bà lão cảm ơn tôi và bà làm gì thì tôi cứ thế mà làm theo. Bà lão lấy ra 3 cái trứng gà luộc, đưa tôi hai quả và bảo tôi ăn. Quả là trứng gà nhà nên ngon thật.

Bà lão lại hỏi tuổi và hỏi tôi sao không lấy chồng. Tôi lại nói rằng lấy chồng có nhiều vấn đề lắm. Bà lão cười và gật đầu đồng ý. Sau đó lại nói sẽ làm mai cho tôi người không hút thuốc, uống rượu (ối giào, sao lắm người muốn tôi "chống lầy" thế nhỉ?)

Bà lão rủ tôi ở lại ăn cơm. Tôi đồng ý luôn. Lúc chúng tôi lột vỏ gần xong đống ngô thì ông lão lái xe về. Gia đình họ có chiếc xe nhỏ, chắc để chở hàng hóa. Ông bà có hai con, một trai, một gái đang ở Jiangsu, mỗi năm về thăm nhà một lần. Bà lão 60 tuổi, còn ông lão 70, con gái lớn của họ là 40 tuổi (có con 15 tuổi rồi) còn con gái nhỏ thì 30, có cậu con trai khoảng gần 10 tuổi, đang nghỉ hè ở đây cùng ông bà lão.

Bà lão chuẩn bị thức ăn, sau đó rủ tôi ăn chung. Bà gắp cho tôi thịt nạc quá trời, chúng tôi ăn thịt heo kho chấm với đậu đũa xào, dưa leo bóp gỏi và một chén gừng. Ở đây họ không ăn cay lắm nên tôi ăn khá ngon (thỉnh thoảng tôi mới được ăn cơm mà là bữa cơm gia đình nữa.)

Bà lão thường xuyên bảo tôi ngủ lại cùng gia đình bà một đêm nhưng tôi từ chối và nói muốn đi Ya an (thực ra tôi cũng muốn ở lại nếu tôi không phải đi về Shangrila để xin gia hạn visa lần 2 và đoạn đường còn xa tít). Những người lớn tuổi ở Trung quốc sống xa con cháu nhiều lắm nên chắc tôi làm họ nhớ đến con cái của họ chăng? Tình trạng này ở Việt Nam cũng không hiếm. Vì vậy khi gặp những người già như thế, các bạn hãy bỏ ít thời gian vào nói chuyện và làm con cháu họ nhé!

Ăn trưa xong thì bà lão bảo tôi vào phòng khách xem ti vi cùng thằng cháu của bà. Tôi không khách sáo vào ghế sofa và nằm xuống ngủ luôn. Một lát sau, khoảng 1h trưa, tôi dậy và nói muốn đi Ya an. Ông bà lão bảo bây giờ đi nắng lắm. Vậy là tôi vào ghế nằm ngủ tiếp. Khi dậy thì thấy ông bà đang ngồi cạnh bên xem ti vi. Tôi cũng muốn ở lại nơi thanh bình này một đêm nhưng….

Khi tôi chia tay để đi thì ông bà bảo tôi ăn cơm rồi hãy đi (trời, tôi vừa ăn xong mà!) Tôi nói tôi còn no lắm. Vậy là ông bà tiễn tôi ra sân, bà lão lấy thang leo lên hái cho tôi 3 quả lê mang theo. Ông lão ghi vào sổ tay của tôi địa chỉ của họ bằng tiếng Hoa (đọc được chết liền!) Bà lão tiễn tôi ra tận ngoài đường.

Tôi lại tiếp tục đẩy xe lên núi và lại vừa đi vừa ngắm cảnh đẹp và chụp ảnh. 


Thật khổ khi lên dốc đẩy xe mệt đứt hơi mà khi xuống dốc cũng chả sung sướng gì. Xe toàn đổ dốc, chạy phăng phăng, thắng cũng không ăn thua nên tôi bóp thắng muốn rụng cả bàn tay, vừa lo có con chó con gà nào chạy ra thì chắc tôi toi. Vì thế lên dốc thì thở hồng hộc còn xuống dốc thì căng thẳng.

Cuối cùng sau khi băng qua mấy ngọn núi thì tôi cũng xuống được đồng bằng, lại thảnh thơi đạp xe ngang một thị trấn, tôi không biết tên nhưng ở đây họ bán đầy loại lông để may vào cổ áo ấm mùa đông ấy. Họ không bán áo mà chỉ bán lông thôi. Khi tôi dừng lại một nơi để chụp hình thì họ mời tôi mua, tôi nói bây giờ nóng muốn chết thì làm sao mặc, họ bảo mua để dành mùa đông. Hình như đây là nơi bán sĩ loại cổ lông này hay sao ấy?


Tôi đến Ya an vào chiều tối và lấy máy ra chụp hình con ngựa vàng ở quãng trường, sau đó chạy thẳng con đường trước mặt đến tối thì đến đường cao tốc. 
Thấy con ngựa này là đến Yaan rồi đó.

Một cái hầm trên đường cao tốc.

Tôi bị chặn lại và chỉ quay ngược lại trung tâm Ya an để đi Kangding (cách đó 17 cây). Mệt quá, tôi hỏi đường hai ông bà lão nơi cắm trại. Ông bà chạy xe đạp điện đi hóng gió và dẫn tôi đến một quãng trường và giải thích ở đây đông người lại có công an nên cắm trại được. Tôi đứng một hồi. Ông lão bảo tôi lên xe và chạy theo ông ta. Thì ra ông ta dắt tôi lại đồn công an gần đó. Sau khi gửi gắm tôi cho mấy anh công an thì ông lão lên xe chạy mất.

Mấy anh công an ở đây trẻ măng và tôi hỏi cắm trại được không. Họ bảo chờ sếp của họ về. Thì ra sếp của họ cũng trẻ măng bảo tôi đưa hộ chiếu cho xem. Anh ta mời tôi vào đồn. Lúc đó mấy anh công an trẻ xúm lấy tôi hỏi han bằng tiếng Hoa giọng Sichuan (Tứ Xuyên). Họ lấy nước ngọt ướp lạnh mời tôi uống và mời tôi ngồi trong khi anh chàng sếp xem xét hộ chiếu của tôi. Thực ra anh ta xem xét khá lâu và còn điện thoại chắc để kiểm tra thông tin. Sau đó anh ta nói: "Hoan nghênh đến Ya an!" Tôi chả hiểu nên một anh công an phải dịch lại là "Welcome to Ya an!" Họ lấy máy chụp hình hộ chiếu của tôi

Tôi cứ nghĩ mình sẽ được cắm trại tại đồn (hình như mấy anh công an kia cũng muốn thế để "tám" với tôi) nhưng anh sếp bảo không cắm trại được, nguy hiểm lắm, vào nhà trọ kế bên mà ở. Tôi bảo họ nói tôi người nước ngoài nên không cho ở đâu. Anh ta nói anh ta sẽ hộ tống tôi đến đó và ở đó giá rẻ không mắc đâu.

Vậy là tôi được 4 anh công an hộ tống đến khách sạn kế bên. Họ yêu cầu gặp quản lí. Quản lí ra thấy công an hết hồn. Họ nói tôi là người Việt Nam và họ cho phép tôi ở đây. Quản lí nói giá 40 tệ. Tôi hơi bất ngờ vì khách sạn rất đẹp. Tôi nghĩ ít nhất phải 60-80 tệ cơ. Chắc có công an nên họ không nói thách chăng. Khi tôi nói muốn xem phòng thì ba anh công an lên xem phòng cùng tôi, một anh ở lại dưới đất (chắc để trông chừng xe đạp cho tôi.) Anh công an sếp còn trả giá giùm tôi nữa. Cuối cùng tôi chỉ trả 30 tệ cho phòng 40 tệ mà nếu tôi đến một mình thì chắc chắn sẽ bị thách đến 60 tệ. Từ hồi cha sanh mẹ đẻ đến giờ, tôi mới được công an đối xử tốt tận tình và nhiệt tình đến như thế đấy các bạn! Các bạn mà đến Trung Quốc nhớ nhờ công an giúp đỡ nhé (dĩ nhiên là khi giấy tờ hợp lệ)

Khi xuống lầu lấy hành lý, tôi hỏi một anh công an tại sao ở Trung Quốc nhiều nhà trọ không chấp nhận người nước ngoài. Họ bảo cứ đến đồn công an trình hộ chiếu thì công an sẽ dẫn tôi đến nơi tôi muốn ở. Hehehe, vậy là tôi biết cách ở nhà trọ giá rẻ tại Trung Quốc rồi nhé! Khi đi với công an thì bạn sẽ không bị thách và có khi được giá hời; ngoài ra chủ nhà trọ còn "nể" bạn nữa. Chẳng phải bà chủ nhà trọ của tôi luôn miệng hỏi tôi cần gì cứ gọi bà và tôi muốn check out giờ nào cũng được sao.

Căn phòng 30 tệ của tôi quả thật là quá rẻ, vừa đẹp vừa sạch vừa có máy tính nối mạng vừa có tivi. Phòng tắm ở bên cạnh thì khô thoáng và sạch sẽ vô cùng. Các anh công an khi dắt tôi lên xem phòng còn kiểm tra phòng tắm và toa lét xem có sạch không nữa chứ. Quả lại họ nhiệt tình đến bó tay!

Sau đó, họ chia tay tôi và nói phải đi tuần tra. Lúc đó tôi mà không mệt, xin phép họ đi theo tuần tra dám họ cũng cho lắm đấy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét