CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

Lại trở về Trung Quốc (9): Hành trình LÊN Emei Shan (Nga Mi Sơn)


Tôi đến Emei shan vào khoảng 6h chiều và đạp xe đến Teddy Bear Hotel (tôi lấy brochure của nơi này ở Mix Hostel tại Chengdu). Brochure của họ có cả bản đồ chỉ đường đến đây và có cả hiking map trên núi nữa.

Nơi này nằm cách trung tâm Emei khoảng 6-10 cây số và nằm trong làng Baoguo ngay gần cổng vào núi. Tại đây họ nói giá 40 tệ/dorm bed. Tôi chỉ vào brochure và hỏi tại sao ở đây chỉ ghi giá 30-35 tệ. Họ bảo mùa cao điểm. Tôi ngần ngừ một hồi thì họ dẫn tôi vào một phòng có vẻ như family room, có hai giường to, một giường nhỏ và một nệm trải dưới đất. Họ bảo giường nhỏ có giá 35 tệ và tôi đồng ý không. Dĩ nhiên rồi. Tôi muốn ở hai đêm. Họ bảo hôm sau có người đăng ký rồi. Tôi nghĩ đây chỉ là family room thôi và họ biến nó thành dorm luôn và hôm sau thì gia đình nào đó đã book rồi nên tôi chỉ được ở một đêm thôi. Bây giờ lại là cuối tuần nên chắc nhiều người Trung Quốc đến lắm đây. Ngoài tôi, trong phòng có hai anh chàng người Anh và một cô nàng người Ireland. Tất cả đều leo núi vào sáng sớm hôm sau.

Tại đây có wifi nên tôi vào tìm cách trốn vé (giá vé 180 tệ) thì thấy một anh chàng người Úc trốn bằng cách đi vào làng (khu vực trồng trà) và từ đó leo ngược lên. Tôi cũng dự định làm thế xem có thành công hay không? Tuy nhiên anh chàng kia trả 70 tệ để được chở từ bến xe Emei và được dẫn lối vào làng. Còn tôi phải tự mò.

Sáng hôm sau, tôi đạp xe ra khỏi khu du lịch một tí để mua thức ăn mang theo cho mấy ngày leo núi và ăn no bụng. Trong khu du lịch, cái gì cũng bán mắc hơn cả; tuy nhiên chỉ cần đi 1-2 khỏi khu ấy thì mọi giá cả lại trở về bình thường.

Sau khi mua thức ăn, tôi gửi hai ba lô đồ tại Teddy Bear Hotel và mang ba lô cùng áo khoác và lều để leo núi.

Bến xe Baogou nằm ngay cạnh Teddy Bear Hotel, từ đây có xe đi đến các trạm và cổng vào Emeishan. Tôi lội bộ đến Baoguo Monastery và đi vào làng với hy vọng tìm được lối leo núi. Tuy nhiên do không có người hướng dẫn nên đi lòng vòng một hồi, tôi lại đi trở ra (tôi biết chắc một điều là tại đây có lối lên núi- lần sau khi đến đây các bạn ngỏ ý với một người dân địa phương nào đấy để được dẫn đường nhé.)

Tôi lại đi lòng vòng sang Fuhu Monastery thì để vào đây, phải mua vé cổng leo núi. Năm ngoái giá vé còn 150 tệ, năm nay lên giá 180 tệ rồi. Thực ra khi tôi về Hà Nội để xin visa Trung Quốc thứ hai, có người tặng tôi một cái thẻ sinh viên quốc tế giả để được giảm giá cổng khi vào các khu du lịch ở Trung Quốc. Nhưng tôi chưa bao giờ sử dụng cả. Thứ nhất, tôi không thích xài hàng giả. Thứ hai, giá vé dù giảm phân nửa vẫn khá đắt đỏ so với ngân sách của tôi nên tôi tìm cách trốn vé luôn (hehehe.)

Tôi lên xe buýt số 5 (giá 1.5 tệ) để hỏi thăm đường đi đến khu trồng trà. Họ chở tôi đến trước cửa một showroom của một công ty trà. Tại đây người ta hướng dẫn tôi quay về bến xe Baoguo mua vé đi Wannian Temple và trên đường thì xuống xe dọc đường để vào các khu trồng trà.

Tại bến xe Baogou tôi hỏi anh chàng ở bàn thông tin thì anh ta không biết khu này và anh ta điện thoại hỏi tùm lum. Cuối cùng tôi vẫn phải mua vé xe đi Wannian Temple và từ đó lội bộ (trên đường cao tốc!!!) vào khu trồng trà.

Dù hơi phức tạp nhưng tôi vẫn không nản chí anh hùng….trốn vé nên tôi mua vé xe buýt. Lúc đó thì té ngửa ra rằng giá vé xe buýt mà cũng đắt đỏ kinh dị luôn, đến 40 tệ lận (sau này tôi mới biết đó là giá vé khứ hồi cho cả đi và về.) Thực ra nếu muốn lên đỉnh Nga Mi mà không cần leo thì cũng có cách đấy các bạn. Đầu tiên mua vé xe buýt giá 90 tệ (khứ hồi) đến thẳng bến xe Leidongping ở cao độ 2430m. Từ bến xe này, leo bộ một tí (nếu không muốn leo thì thuê kiệu ngồi) đến cable car station (cáp treo) và mua vé lên đến đỉnh luôn với giá là 65 tệ. Tổng cộng với số tiền 180 tệ (vé cửa) +90 tệ (xe buýt) +65 tệ (cable car) thì các bạn thấy mình trên đỉnh Nga Mi Sơn rồi. Cách làm này có thể áp dụng cho người già nên các bạn mà dẫn bố mẹ lên đỉnh Nga Mi thì có thể đi theo cách này.

Tuy nhiên, tôi là một người đi bụi nên đối với tôi, đích đến không phải là trọng tâm mà là hành trình đi đến đó mới thực sự quan trọng (Destinations are not important but the way to there is.)

Tôi mua vé xe buýt và được chở đến bến Wannian ở cao độ 1020m. Từ bến tôi đi bộ trở ra, vừa đi vừa hỏi đường đến "tha ti" (tea plantation), thực ra tôi lội bộ trên đường cao tốc đến bến Leidongping. Đi bộ vã mồ hôi đến một ngã ba. Bên dưới là đường cao tốc và bên trên là đường vào làng bản nên tôi đi lối trên. Toàn là lên dốc nên tôi ngồi nghỉ mệt. Một người dân chạy xe mô tô ngang, tôi chặn lại hỏi đường vào "tha ti." Anh ta bảo nhà anh ta là tha di và mời tôi lên xe ngồi miễn phí. Anh ta chở tôi về nhà luôn.

Khi đến nơi anh ta dẫn tôi ra vườn trà và chỉ cách hái trà. 

Anh ta hái một nắm trà vào và cho vào nước nóng mời tôi uống. Lúc ấy nhà anh ta có bố mẹ (trên 80 tuổi mà nhìn họ còn khỏe mạnh lắm như mới 60 vậy đó- chắc là do hít thở khí trời ở Nga Mi Sơn riết nên thế.) Ngoài ra nhà anh ta lúc ấy có hai đứa cháu đang nghỉ hè nên về đó chơi (bọn chúng khoảng 10-11 tuổi.) Vợ anh ta làm nghề quét rác ở các bậc thang lên núi đến hơn 7h tối mới về. Anh ta nhìn còn trẻ mà đã 45 tuổi rồi và có con gái đã kết hôn đang ở ngoài thị trấn Emei.

Tôi chỉ ra sân và hỏi tối tôi có thể dựng lều ngủ được không. Anh ta bảo không cần, tôi có thể ngủ trong nhà.

Ở đây họ nấu cơm ngộ lắm. Không nấu trong nồi thường mà nấu giống như trong nồi để nấu lẩu vậy đó. Nồi này chính giữa là nơi để cho than vào. Vậy là chỉ cần cho gạo, nước vào, sau đó thêm than hồng vào giữa. Khi nào ăn thì mở nắp ra; vậy là có cơm chín để ăn.

Tôi hỏi anh chủ nhà làm nghề gì. Anh ta nói khiêng kiệu cho du khách lên núi. Mỗi tháng chỉ làm 5 ngày thôi, từ tháng tư đến tháng 10 (mùa du lịch) bởi vì trong làng hầu như đàn ông đều làm thế nên phải chia ca ra mà làm. Mỗi ngày anh ta có thể lên xuống khoảng 100 cây số, mỗi cây số là 20 tệ, chia cho 2 người khiêng. Vậy là mỗi ngày anh ta có thể kiếm được 1.000 tệ đấy (nếu có đủ khách đi 100 cây số.)

Họ là người dân địa phương nên lên xuống núi không cần mua vé cổng. Ngoài ra anh ta còn có xe để chở hàng thuê nữa. Nếu không thì ở nhà trồng trà và hái trà. Anh ta nói trà tốt nhất là thu hoạch vào tháng 2-3-4-5. Bây giờ là tháng 8, khá trễ nên trà không ngon. Anh ta đem trà phơi khô thu hoạch từ tháng 2 ra mời tôi uống. Tôi hỏi cái này bán giá bao nhiêu. Anh ta nói 300 tệ cho nửa ki lô (khoảng 1 triệu đồng ấy –không biết có nói thách không mà sao đắt thế nhỉ?)
quây quần ăn tối

Tôi ngồi chơi và nói chuyện với gia đình họ và vài người hàng xóm (thực ra cũng là bà con cả), khi ấy kéo sang để nhìn tôi. Đến tối thì mọi người kéo về nhà ngủ; tôi vào trong xem tivi với gia đình họ một lát thì về phòng ngủ. Họ dành cho tôi cả một căn phòng để ngủ luôn ấy.

Sáng, tôi được họ mời ăn sáng. Ăn xong thì tôi ngỏ ý rằng muốn leo núi nhưng không muốn mua vé vào cửa và hỏi họ có thể dẫn tôi vào hay không; tôi trả tiền cho họ. Anh chồng bảo được và chỉ vào bà vợ. Anh ta ra giá 150 tệ. Tôi không chịu, anh ta xuống giá 100 tệ. Tôi nghĩ rằng mình có thể trả giá xuống nữa nhưng không nỡ làm thế với những người vừa đối xử tốt với tôi.

Vậy là tôi chỉ trả 100 tệ mà lại được lên núi Nga Mi cùng với ngủ một đêm, ăn một bữa tối, một bữa sáng, một trái dưa leo nặng gần 1 ki lô (họ cho tôi mang theo để ăn lấy nước) và một gói trà có giá 10 tệ (do tôi hỏi mua nhưng khi tôi đưa tiền thì họ không nhận, chắc họ tính cả vào 100 tệ rồi.) Ngoài ra, điều đặc biệt nhất là tôi được dẫn đi quanh co qua các ngôi nhà nằm lưng chừng núi. 

Hướng dẫn viên của tôi

Tôi thấy những vườn trà nằm thả dốc theo triền núi; tôi thấy cuộc sống của người dân ở khu vực chân núi. Những cái mà tôi thấy thì những du khách vào bằng cổng chính chẳng bao giờ thấy được đâu các bạn nhé! Tôi và chị vợ anh chủ nhà lang thang leo núi như thế khoảng 2 tiếng đồng hồ sau thì đến gần đường dành cho du khách. Chị ta chỉ tôi leo lên một mình còn chị ta thì leo xuống. Vậy là tôi hết một mình với thiên nhiên rồi mà phải chia sẻ với những du khách khác khung cảnh nơi Nga Mi Sơn.

Tôi một mình chống gậy leo núi theo lối xi măng dành cho du khách. 
Những bậc thang hun hút phủ đầy sương mù dù là giữa trưa.
 Ai đi ngang cũng nhìn tôi bởi vì tôi đeo ba lô thêm cái lều được cột nằm trên ba lô nên trông khá nặng (dù chả nặng đến thế), trong khi nhiều người khác leo mình ên (chả có túi xách gì) mà thở như trâu nước. 

Tôi nghĩ lý do là họ nói nhiều quá khi leo núi. Điều cần nhất là câm miệng lại và tập trung vào hơi thở thì mới đỡ mệt. Thế mà họ cứ ầm ĩ bên lỗ tai bạn ấy. Đó là lý do tôi chả muốn đi theo nhóm (quá ồn ào.)

Khi tôi dừng lại nghỉ mệt ở một ngôi chùa thì một phụ nữ Trung Quốc đến ngồi cạnh và bắt chuyện. Nhóm của chị ta gồm 3 gia đình có tổng cộng là 9 người (mỗi gia đình 3 người). Họ đi cùng nhau và họ trông khá trí thức và có vẻ giàu có nữa. Khi biết tôi là người Việt Nam, chị ta nói tôi biết nói tiếng Hoa à, sao giỏi thế (tôi ghét câu này nhất – chả hiểu sao thằng ba tàu nào cũng khen tiếng Hoa của tôi thế nhỉ?)

Tôi leo cùng nhóm này và khi dừng chân nghỉ mệt thì họ mời tôi ăn bánh cùng. Một hồi tôi mệt quá nên leo lên sau họ thì gặp một gia đình người Pháp. Tôi bắt chuyện với gia đình người Pháp bằng tiếng Anh (nhóm 9 người ngồi nghỉ mệt gần đó mà tôi không thấy.) Khi leo lên đến Xixiangci Monastery (còn gọi là Elaphant Bathing Pool) ở cao độ 2070m, thì tôi gặp lại họ. Họ hỏi sao tôi nói tiếng Anh giỏi quá vậy, có đi du học bao giờ không? Tôi nói tôi chỉ toàn học ở Việt Nam, chưa bao giờ có cơ hội đi du học, những nước nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Úc thì chưa có cơ hội đặt chân đến. Họ hỏi tôi học đại học ở đâu? Tôi nói ở thành phố Hồ Chí Minh. Họ bảo trường đại học ở thành phố này giỏi thế à? Tôi nói không bằng trường đại học ở Bắc kinh đâu, vì thế nhiều sinh viên Việt Nam sang ấy. Vậy mà họ cứ theo hỏi tôi mãi vì sao tiếng Anh của tôi giỏi thế. Mệt ghê! Họ chỉ vào mấy đứa bé tuổi teen (con cái của họ) và nói tụi này cũng học tiếng Anh mà không dám nói. Tôi bảo có gì cứ nói với tôi. Nhưng tôi vẫn muốn nói tiếng Hoa với họ hơn.

Xixiangci Monastery có cả phòng trọ cho khách ngủ. Giá phòng từ 400-40 tệ (giá 40 là cho dorm.) Ở đây có phục vụ ăn tối và ăn sáng (tôi thấy ghi giá 10-15-20 tệ, chả hiểu bởi vì tôi ăn bánh mang theo.) Đặc biệt là dù tôi giăng lều ngủ bên ngoài nhưng vẫn có thể đến vòi lấy nước đánh răng rửa mặt; tôi còn đến nơi có nước sôi lấy một ca inox nước sôi cho vào ít trà, đến sáng nước nguội thì cho vào bình mang theo. Vậy là tôi khỏi tốn tiền mua nước uống. Trên núi mọi thứ đều có giá gấp đôi và nước thì có thể từ 5-10 tệ/ chai 500ml (lên càng cao thì càng mắc.)
Xixiangci Monastery

Khách ra vào tấp nập nên họ chả quan tâm đến việc tôi có ở phòng hay không nên tôi vẫn có thể sử dụng các tiện nghi như toilet, nước sôi (họ có cả căn phòng có máy nấu nước sôi), nước rửa mặt. Thậm chí tôi nghĩ tôi còn có thể tắm nước nóng nữa cơ (tắm nước nóng từ 5h chiều-10h tối) nhưng tôi không tắm bởi vì như thế thì kỳ quá (nếu các bạn muốn tắm mà căng lều ngủ như tôi thì trước khi đi nên cho vào thùng công đức ít tiền các bạn nhé!) Muốn tiết kiệm tiền ăn thì các bạn có thể mang theo nhiều mì gói và lấy nước nóng ở đây mà nấu. Tôi không biết nên không mang theo gói mì nào (tiếc ghê! Dù tôi có mang cả cái ca inox.)
Elephant Bathing Pool ở thiền viện này.

Xixiangci Monastery cũng nổi tiếng là nơi ngắm trăng rất đẹp. Tuy nhiên đêm đó dù trăng rằm nhưng do có nhiều sương mù nên các vị sư bảo khó mà ngắm được trăng. Do đó tôi đánh luôn một giấc tới 6h sáng. Trên núi ban đêm hay có mưa nhưng bây giờ tôi thông minh nên lấy mấy cái áo mưa ra trải bên dưới rồi căng lều bên trên; vậy là tôi có thể ngủ mà không bị ướt nhẹp rồi.

Sáng, tôi cứ tà tà mà cuốn lều và dọn dẹp. Bất chợt có hai con khỉ đến ngồi nhìn (chắc canh tôi có sơ hở gì thì chôm quá!) Tôi hết hồn khi nhìn thấy chúng. Bọn chúng nhe răng ra gừ gừ, tôi giơ hai tay lên (theo kiểu đầu hàng) cho bọn chúng thấy là tôi không có vũ khí. May là bọn chúng bỏ đi.

Một trong những "đặc sản" của Nga Mi Sơn là khỉ. Mấy con khỉ ở đây, đặc biệt là khỉ hoang, cực kỳ nổi tiếng vì chuyên gia ăn cướp thức ăn của du khách. Ngoài ra, do là khỉ nên bọn chúng nghịch như quỷ sứ. Chúng có thể từ trên cây nhảy xuống, ngồi trên đầu các du khách đi ngang qua. Chúng, hàng ngày ngồi trên cây human-watching, chả sợ người tí nào (chỉ có người sợ chúng), đặc biệt chúng còn biết cách đối phó với gậy gộc nữa cơ chứ. Ai mà xách bịch này bịch nọ thì thế nào cũng bị cướp; thậm chí có người ngụy trang bằng cách cho vào mấy cái túi vải mua sắm, cũng không thoát khỏi cặp mắt khỉ của chúng.

Cả ngày hôm trước, tôi chả thấy khỉ đâu cả. Bây giờ gặp vài con ở Xixiangci Monastery. Tôi thấy một nhà sư ra cho một chú khỉ ăn và còn đùa giỡn với chú ta nữa chứ. 
Chỉ có nhà sư mới "chơi" được với bọn khỉ này thôi.

Tôi tranh thủ chụp hình và sau đó tiếp tục hành trình. Tôi đi khá chậm và phải 3 tiếng sau thì mới đến được Leidongping bus station. Từ đó đi ra đường cái, dọc theo các nhà hàng và các nơi cho thuê áo ấm (giá 20 tệ và 100 tệ deposit-trên đỉnh cũng có nhiều chỗ cho thuê áo với giá tương tự), tôi lại leo lên thang để lên Golden Peak.

Do nơi này là điểm mà du khách đến từ bến Leidongping và ai cũng phải leo lối này để leo bộ lên núi hay để lên trạm cable car nên các bậc thang ở đây tấp nập người qua lại và hàng quán. Mọi người đứng lại ở một nơi có hàng rào bảo vệ để ngắm và chụp hình mấy chú khỉ. Nhưng lúc đó tôi chỉ thấy vài con, chả có gì đặc biệt nên tiếp tục leo.

Từ bến Leidongping lên Golden Peak quả là rất dốc và lại đông người vô cùng. Tôi leo không nổi nên cứ phải dừng lại nghỉ ngơi miết. Vừa mệt vì hơi người, vừa mệt vì leo dốc cao. Theo tôi đoạn này là mệt nhất bởi vì chỉ có dốc lên, trong khi nhiều nơi khác vừa dốc lên vừa dốc xuống.

Cuối cùng khoảng 4h chiều thì tôi cũng bò được đến đỉnh 3077m. Nơi này bức tượng khổng lồ 4 mặt của Phật Fu xian (dịch ra tiếng Việt chắc là Phổ Hiền Bồ Tát???) cưỡi voi 6 ngà lúc ẩn lúc hiện trong mây khói, trông khung cảnh thần tiên vô cùng. 

Tôi đã "toàn mạng" lên núi.
 Sau lưng bức tượng là hai ngôi chùa, một vàng, một bạc. 

Sau lưng hai ngôi chùa này là đỉnh Vàng (Golden Peak), nơi mà nhiều du khách đổ xô đến chụp ảnh. Lúc đó từ trên nhìn xuống chỉ thấy toàn sương khói. Nơi này nếu ai may mắn sẽ được thấy Sea of Clouds và Buddha Halo. Nhưng tôi không may nên chả thấy, chỉ thấy sương khói lan tỏa. Các bạn sẽ thấy mình y như ở trên thiên đình vậy đó.
Chỉ thấy toàn sương khói
Tôi đã chạm tay vào được Kim đỉnh (Đỉnh Vàng) trên Nga Mi Sơn.

Cái hình này trông tôi giống như đang bị xiềng xích quá các bạn nhỉ!!!

Đi lòng vòng ngắm cảnh và chụp hình đã, tôi lại tìm chỗ cắm trại (tôi nghe nói trên đỉnh này phòng 2 giường có giá 480 tệ.) Tôi hỏi những người dân ở đó thì họ chỉ tôi cắm chỗ nào cũng được, thậm chí còn chỉ nơi cho tôi cắm để không bị mưa hay gió lớn nữa; nhưng khi tôi hỏi cảnh sát thì anh ta bảo không được cắm, và nói gì đó mà tôi không hiểu, chắc ý muốn nói nếu tôi cắm trại mà có mất mát gì thì cảnh sát không chịu trách nhiệm hay sao ấy?

Tôi lang thang một hồi thì tìm ra nơi lý tưởng – chắc có ai cắm trước đây rồi bởi vì bên dưới có trải cỏ nằm êm ái như trên nệm vậy đó. Nơi này rất gần nơi ngắm mặt trời mọc và nằm trên đồi ít người qua lại. Từ đó có thể nhìn cảnh mặt trời mọc.

Tôi lại trải áo mưa bên dưới và dựng trại bên trên. Đêm đó trời mưa và tôi đánh một giấc đến gần 6h giờ thì bị những người đi ngắm mặt trời nói chuyện lao xao đánh thức dậy. Tôi chui ra và cũng leo xuống ra chỗ ngắm mặt trời cùng mọi người. Lúc ấy còn trăng tròn vằng vặc (đêm 14/8 dương lịch là rằm tháng 7 mà) nên tôi chụp vài tấm.

Chờ chán chê khi tôi nản chí định quay về lều thì nghe tiếng mọi người la lên và tiếng chân rầm rập chạy về hướng ấy, tôi chạy theo thì thấy mặt trời đỏ chói đang từ từ ngoi lên từ đám mây trắng. Ai cũng giương máy ảnh lên (ngoài ra có rất nhiều người leo lên đỉnh Golden Peak để chụp ảnh)- lúc đó nhiều người đến bằng cable car cũng nhào tới gia nhập vào chụp ảnh. Tôi may mắn là chọn một góc đẹp vô cùng để chụp. Góc này chụp xuyên qua một cái cây nên nhìn lung linh huyền ảo (tôi mê những tấm ảnh này lắm.)









Người ta cho rằng ai mà thấy được cảnh mặt trời mọc trên Nga Mi Sơn dù chỉ một lần thì xem như đã được Phổ Hiền Bồ tát phù hộ ấy. Thực ra núi này trước kia là núi tu tiên nhưng từ khi Phổ Hiền Bồ tát cưỡi voi 6 ngà xuất hiện ở đây thì núi này trở thành núi của Phật giáo luôn. Vua Khang Hy từng mặc áo lam đến đây để thỉnh an vua cha (nhường ngôi vàng lại cho Khang Hy để lên núi này tu.)

Không khí ở đây quả thật là rất thần tiên nhưng bị đám du khách ồn ào quấy rối. Khi chuẩn bị xuống núi, tôi còn thấy hai mẹ con đeo ba lô cứ đi tam bộ nhất bái (bước 3 bước thì lạy một cái) đang leo lên từ từ đến tượng của bồ tát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét