Tôi lại đạp xe đi vòng quanh Luding nhìn ngắm và chụp ảnh cây cầu gỗ Luding nổi tiếng.
Ở chợ họ bán quả xương rồng có giá 1 tệ/quả, ăn vào rất tốt cho cổ họng. Tôi ghé chợ mua một kg lê và ăn một tô mì với giá 7 tệ. Xong xuôi thì bắt đầu vượt đường hầm để đi Kangding. Đường hầm ở đây vừa dài vừa bụi bặm, tôi đẩy xe qua đường hầm này (dĩ nhiên là đẩy trên lề rồi) mà thấy nó dài như một thế kỷ vậy đó. Con đường từ Luding đến Kangding 25 cây số đầu thì lầy lội do đang sửa đường nên xe dơ kinh khủng.
Xe cộ qua lại bắn sình khắp người, may là có nhiều tài xế có ý thức khi chạy ngang qua tôi họ cho xe đi chậm để sình khỏi bắn vào tôi. Vậy mà cũng có tên mất dạy, chạy cái ào làm tôi bị bắn sình khắp cả người và hành lý. Tôi lấy áo mưa mặc vào để che thì nóng quá do đẩy xe lên dốc. Đến giữa trưa thì trời bắt đầu đổ mưa nên mát mẻ. Trời cứ thế mà mưa rả rích đến tối.
25 cây số sau thì vào địa hạt Kangding nên toàn là leo dốc.
Tôi leo một hồi thì dừng lại mua một kg đào tiên (loại mà tề thiên bẻ trộm của Vương Mẫu Nương Nương ấy) với giá 8 tệ/kg và nửa kg táo xanh vừa ngọt vừa ngon với giá 4 tệ/kg. Thật ra tôi không định mua nhưng khi dừng xe lại xem thì xe tôi ngã xuống là rớt rổ đào của họ (thật ra khi tôi sắp ngã nếu ông lão dùng tay đỡ giúp thì đã không ngã nhưng ông ta chỉ đứng nhìn nên tôi mất thăng bằng). Định bỏ đi nhưng thấy người bán là ông bà lão nên tôi dựng xe lại và mua giúp họ. Họ bảo tôi ở lại ngủ với giá 15 tệ nhưng lúc ấy còn sớm, nếu ở lại nơi ấy thì chả có gì để làm cả nên tôi lại lên đường.
Còn khoảng 24 cây số nữa là vào trung tâm Luding thì toàn là dốc lên không có dốc xuống nên tôi xuống xe và đẩy bộ. Tôi vừa đi vừa ngắm cảnh suối chảy bên dưới. Con suối thật đẹp nhưng nước không sạch bằng suối ở Mông cổ. Có đoạn tôi thấy rõ là ô nhiễm do con người tạo ra. Nước từ trên chảy xuống có màu khác nhưng khi đến nơi sản xuất cát thì đổi sang màu đỏ do nước thải từ nơi sản xuất này gây ra. Vậy là con suối có hai màu. Rõ ràng là phát triển đi kèm với ô nhiễm môi trường mà.
Tôi cứ thế mà đẩy xe đi từng cây số một trên đường 318. Cứ đến mỗi cây số lại có cột mốc báo hiệu nên tôi cứ từng cây số mà đi bộ. Luding ở cao độ 1330m còn Kangding ở cao độ 2395m nên phải lên núi thì mới đến được. Tôi cứ đi như thế. Thật ra nếu tôi không ngại là mình có xe đạp thì tôi rất dễ dàng quá giang xe tải mà đi bởi vì xe cộ qua lại rất thường xuyên. Khổ nhất là lúc kẹt xe, xe đứng lại thành hàng dài xịt khói tùm lum. Sướng là lúc tôi một mình đẩy xe giữa núi khi vắng tiếng xe qua lại.
Thật ra có vài bạn Trung Quốc đi bộ đến Tây Tạng luôn nên nếu so với họ thì tôi còn sướng chán do tôi không phải mang vác hành lý trên vai ấy chứ. Nhưng đẩy xe lên nhiều đoạn dốc cao muốn rụng cả bàn tay.
Tôi cứ thế mà đẩy xe, xe cộ qua lại nhìn ngó tôi như một người điên (tôi nghĩ thế). Thật ra có rất nhiều cua rơ người Trung Quốc đạp xe đi trên đoạn đường này hoặc là đến Tây Tạng hoặc là đến các ngọn núi để tham quan nhưng họ đa phần là đi theo nhóm hoặc nếu có đi một mình thì họ là nam, chắc dân ở đây chưa bao giờ thấy nữ giới mà đạp xe đi một mình như thế nên họ nhìn tôi trước rồi nhìn chiếc xe của tôi (chiếc Giant thuộc loại city bike hay school bike) sau đó nhìn hành lý của tôi. Ôi giời tôi bị nhìn riết nên quen rồi.
Dọc theo đường 318 đoạn này có rất nhiều nơi rửa xe. Họ lấy nước từ suối lên (miễn phí) và cho nước chảy lại xuống suối. Những nơi nào là nhà dân mà có vòi và không ai ở đó thì tôi vào lấy nước xịt lên xe của mình cho đỡ dơ.
Tôi đẩy xe đi mãi thì trời sẩm tối nên tôi dừng lại đại trước cửa một căn nhà cũng là nơi rửa xe. Vợ chồng chủ nhà là người Tạng hoặc người Qiang bởi vì họ có mắt lồi và má bầu. Họ hỏi phía sau còn người không, tôi nói tôi đi một mình. Họ cười cười và nói gì đó với nhau và tôi thì cứ ngồi nghỉ mệt. Một hồi tôi hỏi họ tôi có thể ngủ tại đây không thì họ bảo được. Họ nói tôi có lều không, giăng ra trên hành làng mà ngủ cho đỡ bị ướt nếu trời mưa.
Khi tôi lấy lều ra giăng thì đứa bé lớn con của họ lấy đèn pin rọi cho tôi. Khi lều của tôi to hơn hành lang thì đứa bé và chị chủ nhà chạy ra sau nhà mỗi người khiêng một tảng đá ra để tôi gác đế lều lên (họ sốt sắng một cách tự nhiên, không hề màu mè) và họ rọi đèn cho tôi giăng lều. Sau đó tôi hỏi nước rửa mặt thì đứa bé mở vòi nước cho tôi. Sau đó đứa bé hỏi tôi còn cần nước nữa không bởi vì đến giờ đi ngủ rồi. Tôi nói tôi không cần nữa và tôi cũng đi ngủ.
Tối hôm đó trời không mưa nhưng lại lạnh. May là tôi ở trong lều nên được che bớt gió nếu không chắc chỉ có mà chết cóng.
Sáng hôm sau tôi lại tiếp tục hành trình đẩy xe lên núi. Hôm đó ngày nắng nên khá nóng và tôi phát hiện ra cái ba lô đựng laptop của tôi bị nước mưa thấm vào trong, vậy là tôi tháo bao đậy và tự trách mình ngu ngốc khi lười biếng không lấy bao ny lông đậy lên bởi vì trên núi ẩm độ khá cao. Cái đồ đậy che mưa mua ở Việt Nam thực ra chả ăn thua gì cả nên ba lô mới bị ướt. Theo tôi cần gì mua đồ đậy, cứ lấy cái bao ny lông to cho cả ba lô vào và cột lại. Như thế an toàn hơn nhiều. Lần sau tôi rút kinh nghiệm. Tôi có đến 3 cái bao ny lông to ơi là to. Một cái cũ tôi dùng từ lúc ở Mông cổ. Một cái do anh chàng người Israel tôi gặp ở Emeishan tặng và một cái do tôi lượm được ở ngoài đường và giặt sạch.
Tôi tháo bao áo mưa của ba lô ra và để ba lô phơi nắng cho mau khô. Xe của tôi biến thành cây phơi đồ lưu động. Tôi vừa đẩy xe dưới trời nắng vừa lấy áo mưa và mọi thứ ướt ra treo hoặc máng trên xe. Trời nóng đi mệt hơn trời mưa nhiều và tôi lại hết nước uống. Đoạn đường này tôi chả thấy hàng quán gì cả và thức ăn thì tôi đã chén sạch từ hôm trước nên bây giờ bụng tôi đói meo. May là tôi vẫn còn quả dưa leo được tặng lúc ở Ya an và vài trái táo mua dọc đường từ hôm trước. Tôi cứ đi vài trăm mét là dừng lại nghỉ mệt. Có khi tôi dừng xe lại thu hoạch quả tiêu cay (loại quả mà ăn và lưỡi tê luôn vài giây ấy) giúp người địa phương.
Tôi cứ tha thẩn đẩy xe như thế thì cuối cùng cũng đến được Kangding. Tại đây có một xe khách đang dừng nghỉ ngơi và hai người nước ngoài đi ngược chiều lại và họ chụp hình tôi nhưng họ ngại nên mới đầu làm bộ chụp phong cảnh rồi sau đó mới canh vào tôi. Chiêu này "xưa rồi diễm" bởi vì tôi cũng làm thế khi chụp người địa phương. Tôi dự định dừng lại "tám" với họ một chút và cho họ biết rằng tôi là người Việt không phải người Trung Quốc (tôi chắc họ cho rằng tôi là người Trung Quốc) nhưng mệt quá nên đẩy xe đi qua mặt họ luôn.
Khi đến Kangding thì đường ít dốc hơn và có đoạn xuống dốc nên tôi định leo lên xe chạy thì phát hiện bánh xe sau hơi bị xẹp nên tôi lại đẩy bộ tiếp. Tôi dừng lại ở nhà dân và ra dấu hỏi họ có đồ bơm xe không thì họ lắc đầu và chỉ tay về phía trước. Tôi đi một chút thì đến bến xe. Khu vực xung quanh bến xe đầy nhà trọ và quán ăn. Tôi dừng lại trước vài quán ăn và ra dấu hỏi họ có đồ bơm không thì có nơi không có, có nơi gật đầu bảo có thì nói tôi phải ăn cơm của họ thì họ mới giúp. Tôi ghét cái kiểu trao đổi này nên đẩy xe đi luôn. Tôi lại dừng ở một quán và họ bảo có nhưng khi tôi nhờ giúp thì họ chỉ cười cười. Chán cho những con người "tốt bụng" này ghê!
May là ngay gần bến xe, trước mặt quán cơm cuối cùng mà tôi dừng lại thì tôi thấy bảng hiệu của Kangding Dengba Hostel. Tôi đẩy xe vào đó luôn. Tại đây một nhóm cua rơ Trung Quốc chuẩn bị lên đường hướng về Lhasa và khi thấy tôi thì họ thú vị quá nên xúm lại chụp hình và hỏi chuyện. Tôi nhờ họ bơm giùm bánh xe miễn phí luôn. Dân đi Lhasa mà, lúc nào cũng có đủ đồ nghề. Họ xúm vào chụp hình chiếc school bike của tôi và hỏi tôi từ đâu đạp đến. Khi tôi nói tôi mới ở Luding đến thì họ nói: "Trời, không thể nào leo núi với chiếc xe này." Tôi nói: "Có leo đâu, toàn là đẩy bộ, mệt muốn chết." Họ rủ tôi đi Lhasa với nhóm họ luôn. Tôi nói mệt quá, đi hết nổi và người nước ngoài cũng không được phép đi. Họ bảo rằng tôi có thể đi theo nhóm của họ và họ dẫn tôi đi. Cách này cũng hay nhưng tôi không thể leo núi với chiếc xe đạp này nên từ chối.
Họ thấy thú vị với chiếc xe của tôi vô cùng nên cứ săm soi mãi và tìm cách rủ tôi đi với mục đích là xem tôi leo núi với chiếc xe này như thế nào (khekhekhe). May là lúc đó có một cô gái người Mãn Châu đến từ Beijing mặc trang phục của dân Tây Tạng nên họ chuyển sang săm soi cô ta.
Thực ra họ không phải là nhóm duy nhất săm soi tôi và chiếc xe mà tất cả các nhóm khác đều thế. Ai cũng thấy thú vị vì những lý do sau:
Thứ nhất, tôi là người Việt Nam mà lại đạp xe đi một mình đến Trung Quốc du lịch và tôi là khá đẹp nữa (đó là do họ nói ấy –khi biết tôi là người Việt Nam, họ nói phụ nữ Việt Nam toàn đẹp như vậy à? Nếu trong thời gian tới có nhiều đàn ông Trung Quốc sang Việt Nam tìm vợ thì cũng một phần nhờ "công" của tôi đấy nghen các bạn!)
Thứ hai là tôi leo núi cùng một chiếc school bike với cái dù che ở trên nữa. Họ xúm lại chỉ trỏ vào cái dù của tôi để cười. Trên núi gió thổi mạnh lắm và chắc chưa có ai leo núi đi đường dài mà gắn thêm cái dù màu hồng như tôi nên họ cười là phải.
Họ cứ đem máy ảnh ra nhá liên tục như thể tôi là minh tinh màn bạc vậy đó. Có người còn căng lá cờ họ mang theo và bảo tôi ký tên vào nữa. Tôi được quan tâm quá đáng như thế nên tôi có gì cần họ giúp thì họ cũng xúm vào giúp ngay. Quả là sướng thật! Thật ra tôi nghĩ bánh xe sau của tôi bị xì lỗ mọt bởi vì bơm ngày hôm trước thì hôm sau hơi bị xẹp lại nên tôi lại nhờ một nhóm khác giúp thì sau khi bơm hơi xong, họ tặng tôi một cái ống bơm luôn. Sướng chưa!!! Làm phụ nữ, mà lại là phụ nữ đẹp thì quả là sướng, muốn gì cũng được ấy nhỉ!
Tối họ cùng với các nhóm khác giao lưu ăn uống và rủ tôi nhập bọn luôn. Thật ra tôi đã mua khá nhiều thức ăn cho chuyến xe buýt khoảng 8-10 tiếng đi Litang vào hôm sau và đã ăn no bụng ở chợ nhưng họ vẫn cố mời. Vậy thì tôi nhập bọn họ luôn.
Giá vé xe buýt đi từ Kangding đến Litang là 87 tệ và mỗi ngày chỉ có duy nhất một chuyến khởi hành vào lúc 6.30 sáng. Tôi không biết xe đạp của mình có thể được lên xe buýt không. Tôi đi lòng vòng hỏi thăm thì họ bảo không được và nói gì đó tôi chả hiểu. Tôi liều mua vé đại luôn và nếu không đi được thì trả vé lại vậy nhưng hy vọng tôi đi được.
Tôi ra chợ mua trái cây và thức ăn chuẩn bị cho chuyến xe 8-10 tiếng (dù chả biết có được đi hay không?) Ở đây trái cây rẻ hơn ở Luding. Quả hạnh nhân có giá 0.7 tệ/quả. Tôi ngu quá nên mua luôn 10 tệ. Càng đi sâu vào chợ thì giá càng rẻ. Tôi lại mua 10 tệ với giá 0.4 tệ/quả. Và một lúc sau có người bán giá 12 tệ/nửa kg, thật ra tương đương với 0.4 tệ/quả. Quả hạnh nhân ở các nơi khác giá mắc lắm. Theo tôi nhớ thì không dưới 50 tệ/nửa kg đâu. Ngoài ra quả xương rồng ở đây giá cũng rẻ hơn ở Luding, chỉ 0.5 tệ/quả; trong khi ở Luding thì giá là 1 tệ/quả. Ngoài ra tôi còn mua bánh ngọt, táo xanh, hạt dưa để ăn trên xe nữa. Bây giờ tôi cứ lấy ca inox của mình cho trà vào và chế nước sôi vào để qua đêm thì nước nguội, tôi lại cho vào chai nước suối 1/5 lít (ca inox của tôi có thể chứa đến 1.5 lít ấy); vậy là tôi có nước trà uống, không phải tốn tiền mua nước đâu. Nước sôi ở các nhà trọ ở Trung Quốc là miễn phí, xài bao nhiêu cũng được.
Kangding Dengba Hostel có phòng dorm 4 người giá 35 tệ/giường; phòng dorm 6 người giá 30 tệ/giường; phòng đơn giá 50 tệ và phòng đôi giá 120 tệ. Ở đây có wifi và tôi có thể vào mạng trong phòng. Các cô tiếp tân ở đây khá trẻ và buổi tối họ tổ chức uống bia và rủ tôi uống cùng.
|
Kangding |
Kangding được xem là trung tâm của xứ Ganzi, là điểm khởi đầu cho hành trình đi Tây Tạng của du khách. Dân số ở đây là 50% Hán và 50% Tây Tạng. Người Tạng ở đây bị Hán hóa rất nhiều (sức mạnh của người Hán là đồng hóa các dân tộc khác mà). Đây là phố núi nên đường phố lên dốc và xuống dốc. Buổi tối khá lạnh. Cần gì đến tối, chỉ cần có gió mạnh một chút đã lạnh rồi. Ở đây có phong cảnh trên núi khá đẹp. Nếu không lười biếng thì tôi đã leo núi xem rồi. Ngoài ra ở đây còn có chùa Tây Tạng nữa. Ở đây thì bạn có thể mua bánh mì Tây Tạng và có thể ăn thức ăn Tây Tạng.
Dung oi đăng hình Dung lên tui xem với> Tui thực sự ngưỡng mộ Dung lắm. Ước gì tui được như Dung
Trả lờiXóadở hơi
Trả lờiXóa